ANH CHARLES VÀ VIỆC GẶP GỠ VỚI NGƯỜI KHÁC

Thứ hai - 26/06/2017 18:52
ANH CHARLES VÀ VIỆC GẶP GỠ VỚI NGƯỜI KHÁC !
ÁNH SÁNG NÀO CHO CHÚNG TA HÔM NAY ?
Làm thế nào để cách Anh Charles “sống những cuộc gặp gỡ” có thể giúp chúng ta đến với người khác hôm nay ? Đưa chúng ta đi vào tiếp xúc với văn hóa giới trẻ và những người khác tôn giáo hoặc không tôn giáo ?
ANH CHARLES VÀ VIỆC GẶP GỠ VỚI NGƯỜI KHÁC
ANH CHARLES VÀ VIỆC GẶP GỠ VỚI NGƯỜI KHÁC !
ÁNH SÁNG NÀO CHO CHÚNG TA HÔM NAY ?

Làm thế nào để cách Anh Charles “sống những cuộc gặp gỡ” có thể giúp chúng ta đến với người khác hôm nay ? Đưa chúng ta đi vào tiếp xúc với văn hóa giới trẻ và những người khác tôn giáo hoặc không tôn giáo ?
 
DẪN NHẬP : xác định vị trí của tôi, tôi là ai, đâu là những hạn chế và những khả năng của tôi.

Xin thưa với anh chị em : hồi mới 12 tuổi, tôi đã gặp Anh Charles trong một cuốn tiểu sử viết về Anh dành cho các thiếu nữ. Mới đó mà đã 50 năm rồi ! Và từ đó, một tình bạn gắn kết giữa hai chúng tôi và tôi mắc nợ Anh rất nhiều, nhất là đã tìm ra ý nghĩa trong cuộc đời tôi, một định hướng. Tôi đã có thể đọc lại tiểu sử của mình và khám phá một cánh cửa mở, một lối ra khỏi ngõ cụt mà tôi đang mắc kẹt ở đó. Và dịp lễ giỗ một trăm năm ngày mất của Anh đã khiến tôi một lần nữa chạm đến được tình bạn ấy. Tôi lại khám phá ra Anh vẫn sống và hoạt động nơi Anh đang sống hôm nay.

Thế là, bài nói chuyện của tôi trở thành một “lời cảm ơn” đối với Anh, vì ánh sáng Anh đã truyền lại cho tôi, nhất là qua cuộc hành trình và trải nghiệm sống của Anh, sự táo bạo để sống một hoán cải liên lỉ, lòng khiêm tốn tự nguyện và đích thực và sự trung thành với Người Anh đáng mến và Chúa Giêsu của Anh cho đến cùng.

Tôi không phải là một người chuyên viết Anh Charles, tôi không có những kiến thức đặc biệt về cuộc đời Anh. Cảm ơn anh chị em vì đã rộng lượng đối với tôi về điểm này.

Tôi sống gần 40 năm trong huynh đoàn Tiểu Muội Chúa Giêsu và thường rất vui khi đồng hành với những người phụ nữ đến gõ cửa nhà chúng tôi và muốn tìm ra một cuộc sống theo chân Chúa Giêsu dựa trên những dấu vết Anh Charles đã để lại. Tôi thích nghe người khác kể chuyện về cuộc đời họ, thích khám phá vị Thiên Chúa đang muốn hành động và mở lòng họ hướng đến một sự sống sung mãn.

Trong khi tôi đang suy nghĩ về lời đề nghị của Marianne Bonzelet muốn tôi chia sẻ những ý nghĩ về chủ đề : “Anh Charles và cuộc gặp gỡ với người khác ! Đâu là ánh sáng cho chúng ta ngày hôm nay ?”, thì một tiểu muội vì đã thương tôi mà đưa ra cho tôi ý tưởng này : Chị cũng có thể nói về những người khác : làm thế nào họ được Anh Charles tác động, đã được hướng dẫn như thế nào, đã bắt đầu ra sao…Tôi đã nghe theo gợi ý ấy. Như vậy, tôi sẽ làm anh chị em thích thú với những trải nghiệm của nhiều người.

Xin nói thêm một chút :

Tôi đang nói với anh chị em bắt đầu từ nơi tôi sống với những người trẻ hơn tôi trong cộng đoàn, và nói theo kinh nghiệm của tôi.
Tôi hy vọng chia sẻ của mình có thể mang lại một tia sáng nào đó cho tất cả chúng ta, tại nơi mỗi người (nam hay nữ) đang sống.
 
 1.           Anh Charles hôm nay nói với “giới trẻ” như thế nào ?

·       
  Anh Charles : chứng nhân của một đặc sủng và cánh cửa để chúng ta bước vào và đến gần với Chúa Giêsu.

“ Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên. 10 Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất.11 Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô.12 Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó.13 Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng…” (1Cr. 3, 9-13).

Anh Charles tự xem mình như một người được sai đi và làm chứng về Chúa Giêsu, Anh để cho mình được Chúa Giêsu tác động qua từng giai đoạn. Việc đó khiến Anh trở thành một người không ngừng tìm kiếm con đường của mình, một con người hoán cải, một tội nhân được tha thứ, Anh đúng là một người thực thi công việc của Chúa !

Không phải tôi làm cho anh chị em biết về đời sống của Anh ! Chính Hội Thánh nhìn nhận Anh : Công Đồng Vatican II, đã múc lấy những ánh sáng từ đời sống của Anh và việc phong thánh cho Anh làm cho con đường của Anh, cách Anh đi theo Chúa Giêsu trở thành phổ biến, thành một con đường được Hội Thánh đề nghị đi theo.

Anh là chứng nhân giữa hàng ngàn chứng nhân khác !

Anh nói về cái gì, lôi kéo đến với cái gì ? Điều này có thể vẫn không thể giải thích được. Tình yêu biết chọn lựa. Việc ấy luôn đúng với từng thời đại ! Con người cảm nghiệm được mình bị hấp dẫn bởi một cách hành động, một lối sống. Cách nào đó, tôi khám phá mình nơi người khác trong khi vẫn cứ là chính tôi. Do đó, người khác, đối với tôi, là một cánh cửa để đi vào. Và tôi trở thành môn đệ, thành người anh em, chị em, thành người bạn. Với tôi dường như điều quan trọng là luôn nhớ rằng Anh Charles là một chứng nhân cho một nhân chứng vĩ đại hơn và đó chính là Đức Giêsu, là trung tâm, là nguồn mạch, là sự sống.

Và, nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp, mỗi thế hệ khám phá và chọn con người làm chứng ấy khởi đi từ chính giai đoạn và thời đại của mình cùng với những thách đố rõ ràng và không thể so sánh.

Anh Charles chắc chắn đã và đang nói một cách khác với những thế hệ đầu tiên tiếp ngay sau thế hệ của Anh.

Hôm nay, chẳng hạn, Anh đang động viên chúng ta luôn đi xa hơn trong sự tôn trọng và gặp gỡ với các tín hữu khác, mà không để mình phải dừng bước vì lo sợ.

Tôi kể cho các anh chị em nghe về các tiểu muội chuẩn bị lễ khấn trọn của họ năm nay:

Đó là một trải nghiệm về những khám phá trong năm kỷ niệm 100 năm ngày giỗ của Anh Charles. Nhất là việc khám phá tường tận về đoàn sủng của chúng tôi, nhưng cũng là về chính chúng tôi như những dụng cụ yếu hèn, được Thiên Chúa tuyển chọn để sống đặc sủng này trong Giáo Hội. Theo cách của Anh Charles và Tiểu Muội Magdaleine, chúng tôi được mời gọi để khám phá Thiên Chúa qua cuộc sồng thường ngày, để sống đời sống huynh đệ bằng tình yêu Chúa qua việc tông đồ bằng lòng tốt, để bắt chước các ngài chú ý đến những điều nhỏ bé, và tín thác vào Thiên Chúa. Việc khám phá ra Anh Charles như là con người đối thoại, dường như quan trọng đối với chúng tôi trong bối cảnh hiện nay của xã hội chúng ta, nơi mà chúng ta được gọi để sống những thách đố của cuộc đối thoại để thăng tiến trong nhân loại:”Tất cả chúng ta được dựng nên cho điều mà Tin Mừng đề nghị với chúng ta : sống tình bạn với Đức Giêsu và sống tình yêu huynh đệ ” ( ĐTC Phanxicô, Niềm vui Tin Mừng)

Anh Charles là một thừa sai, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Anh không còn sống cho riêng mình nữa. Anh làm chứng về Đức Giêsu, Anh là “của Chúa Giêsu”.

Anh Charles viết trong một bức thư gửi Henri de Castries, ngày 14 tháng 8 năm 1901:

“Tin Mừng chỉ cho tôi thấy huấn lệnh đầu tiên là Yêu mến Chúa hết lòng và luôn khép mình hoàn toàn vào trong tình yêu. Ai cũng biết tác động đầu tiên của tình yêu chính là bắt chước.Vậy, tôi chỉ việc bước vào một Dòng Tu mà ở đó tôi tìm được cách bắt chước Chúa Giêsu một cách chính xác. Tôi cảm thấy mình không được dựng nên để bắt chước đời sống công khai của Người trong việc rao giảng, cho nên tôi phải bắt chước đời sống ẩn dật của người thợ nghèo khó và khiêm hạ ở Nadarét.” (Thư gửi H. de Castries, 14/8/1901)
 
Đặc sủng : một cánh cửa để đi vào. Khi bước qua cánh cửa ấy, tôi gặp được gương mặt Chúa Giêsu với những nét hết sức đặc trưng.
 
         ► Tìm kiếm và chọn lựa !

Tôi đã hỏi các chị em “nhỏ” hơn trong huynh đoàn của tôi, làm thế nào mà Anh Charles trở thành ánh sáng cho họ, những khía cạnh nào trong cuộc đời Anh đang nói với họ ? Sau đây là một vài thí dụ :

1.      Anh Charles chọn bắt chước đời sống ẩn dật của người thợ khiêm hạ và nghèo khó Nadarét. Điều đó có liên quan gì đến tôi không. Tại sao ?

Một em nói với tôi : điều mang lại cho em sự sống, em không nhìn thấy được ngay, thế là một cách nhẫn nại, em không muốn chọn hiệu quả... Em coi thường sự lời lãi, sự thành đạt, để nhận được tất cả ngay lập tức !

Một em khác lại nói : Những nơi Anh Charles đến, Anh đều đã muốn ở lại : tại Nadarét, Béni-Abbès, giữa những người Touaregs. Và đồng thời Anh luôn tìm cách để hiến mình cho Chúa hơn nữa, để khám phá ý định của Người. Và việc đó khiến Anh luôn xê dịch, tìm tòi. Anh có một tâm hồn du mục.

Tôi tiếp tục liệt kê ra việc tìm kiếm luôn là riêng tư ấy :

2.      Anh nhìn thấy khoảnh khắc hiện tại, hoàn toàn cụ thể, Anh nhìn thấy điều mà người khác cần, Anh bỏ ra hàng giờ nghiên cứu để học ngôn ngữ, văn hóa người Touaregs, Anh là người có óc sáng tạo...

3.      Và anh từ bỏ chính mình và làm cho người khác tin cậy. Để sống với những người Touaregs, Anh đã phải buông bỏ hết mọi dự định riêng của Anh và cứ mặc họ muốn làm gì Anh thì làm. Và từ đó nảy sinh cuộc hoán cải thứ hai của Anh : Anh đã buông bỏ chính mình. Không còn là Anh thực hiện và hành động. Để cứu lấy cuộc đời Anh, chính họ hành động. Điều này đã thay đổi phương pháp của Anh, Anh đã đào sâu các tương quan của mình theo cách khác...

4.      Hình ảnh về cuộc thăm viếng được Anh Charles vẽ ra ở Béni-Abbès đang hiện ra với Anh !

5.      Đức Maria và Bà Elisabeth, mỗi người đều có một thông điệp dành riêng cho người kia. Mỗi người đều mang trong mình một mầu nhiệm. Điều đó mang lại một ánh sáng để đón nhận người khác vốn luôn vượt quá những gì tôi có thể hiểu, đây là điều không phải dễ chấp nhận.

6.      Và “với ai là người quan sát tốt” : những ngọn núi ở cuối bức tranh kia rõ ràng giống như những dãy núi ở Béni-Abbès – hội nhập văn hóa !
Và những người chị em của tôi còn nói với tôi là họ ước ao sống đơn sơ, cùng với niềm tin tưởng ở nơi đây và giữa một khu phố, trong một tương quan đích thực và gần gũi...

7.      Và tôi xúc động khi thấy, một người phụ nữ đến gõ cửa nhà chúng tôi, chị là người đã từng hoạt động mấy năm ở Thổ nhĩ kỳ (Turquie) trong cuộc Đối Thoại giữa những người Hồi giáo và các Kitô hữu và giờ đây chị bảo rằng con đường mà chị ấy phải đi đó là – sống cuộc đối thoại ấy.

8.      Một người khác : Chẳng biết chút gì về Anh Charles trước khi chọn gia nhập cộng đoàn, chị ấy đã gặp những người biết chị, con người và những niềm ước ao của chị, việc tìm kiếm của chị và đã nói với chị về Huynh đoàn các tiểu muội. Điều này đã thúc đẩy chị lên đường. Và, chỉ sau khi khám phá ra Anh Charles...hơi giống như ơn gọi của các tông đồ : “chúng tôi đã gặp đấng mà...” (Ga 1, 45).

Tôi có thể nói : sự hiểu biết dù có lâu năm, uyên bác hay ngắn ngủi cũng chẳng quan trọng mấy. Con tim phải được đánh động trước đã. Phải có mối liên quan với các hành vi, những vấn đề, cuộc chiến đấu, những gặp gỡ của Anh Charles. Và việc ấy đã đánh thức nghị lực để có thể đưa ra một quyết định. Có thể không phải lúc nào cũng là một động lực chính đáng và không thể tranh cãi hướng dẫn chọn lựa. Thường là sau đó, sau khi lên đường, những vấn đề khác mới được mở ra, nhưng cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy là và luôn rất quý giá.

Và mỗi thế hệ tìm kiếm và biện phân về cuộc gặp gỡ trong thực tại thời đại họ đang sống. Trước những vấn đề cấp thiết của thời đại chúng ta, chúng phải tìm cho ra một lời giải đáp..

Ít nữa là một cách để tự xác định vị trí, là hãy đưa ra một giải đáp cụ thể. Dẫu có là nhỏ bé chăng nữa, vẫn cứ là quý báu. Thế giới đã lệch hướng và thoát ra khỏi mọi kiểm soát : môi trường, đạo đức sinh học, các tiến bộ của y khoa hiện đại, việc toàn cầu hóa thương mại...

Coi bạo lực là chuyện thường tình, gặp khó khăn trong việc sống chung bằng cách tôn trọng sự khác biệt, là những thứ càng lúc càng trở nên nghiêm trọng. Làm sao để tự xác định vị trí của mình, làm sao để đương đầu; quả đúng là một thách thức rất lớn !

Tốc độ những thông tin, sự tìm kiếm và phát triển tăng tốc đến chóng mặt…
 
          ► Tin vào việc trổ sinh hoa trái

·         Một câu hỏi về thế hệ này : làm sao để chia sẻ kho tàng đó ?

Nó không thuộc về chúng ta. Tôi đọc cho anh chị em nghe một trích dẫn từ một bài tham luận của các tiểu muội trong Tổng tu nghị hồi tháng 9/2017 :

“Đối với chúng ta, dường như cụm từ “đời sống ẩn dật” đôi lúc dẫn chúng ta đến chỗ giấu đi kho tàng mà chúng ta đang mang theo. Ơn gọi đầu tiên của chúng ta là làm chứng về kho tàng đó bằng chính cuộc sống của chúng ta, nhưng làm thế nào để đi xa hơn trong việc chia sẻ Đặc Sủng ?
Chúng ta còn được kêu gọi chia sẻ sứ điệp về đoàn sủng của chúng ta với Hội Thánh. Làm sao để sứ điệp ấy sinh ích từ đời sống của chúng ta và được gợi hỏi bằng những trải nghiệm của chúng ta ? Làm thế nào để trở nên dấu chỉ của Hội Thánh trong thế giới này và dấu chỉ của thế giới này trong Hội Thánh ?”

Tôi đã đọc trong các câu hỏi ấy niềm ao ước chính đáng không muốn bị chôn vùi, mà là chia sẻ với người khác tất cả những gì họ quan tâm. Cái lý do mà họ chọn lựa. Rất đơn giản là hãy để cho cánh cửa mở ra với người khác.

Tôi phải để cho mình được thôi thúc để loan báo tin vui về Huynh đoàn, ánh sáng nhận được từ Đặc sủng của Anh Charles. Tất cả chúng ta đều là những người thừa kế. Vâng, điều đó không xảy đến với tôi một cách ngẫu nhiên, hy vọng là tôi nói đúng. Trong khi những năm tháng sống cùng các chị em trẻ hơn trong Huynh doàn thôi thúc tôi, có thể rõ ràng lắm, để đưa ra những bài nói chuyện (các chị em ấy làm tốt hơn nhiều), nhưng trong niềm tin của mình, tôi được mời gọi đào sâu, bước ra khỏi chốn yên thân của mình.

·       Đối với thế hệ trẻ, cuộc gặp gỡ với đặc sủng của Anh Charles phải mang lại hoa trái, giúp cho có một tương lai, tạo ra điều mới mẻ ! Và điều đó phải “đặt” họ vào trong những thời điểm khó khăn, đối diện với những vấn đề nghiêm trọng, như tôi đã điểm ra ở trên, đối diện với những thách đố của thế hệ của mình…

Chẳng hạn, Anh Charles đã nhìn thấy hạt giống chỉ rơi xuống đất mới sinh hoa kết trái, Anh đã tin, hy vọng. (Thư gửi ĐGM Guérin, 15/01/1908, Thư tín liên lạc Sahara, tr. 578).

“Những phương thế mà Người đã sử dụng nơi Hang Đá, tại Nadaret và trên Thập Giá là : nghèo khó, khiêm nhượng, hạ mình, bị bỏ rơi, bị ngược đãi, đau khổ, thập giá. Đó là những khí giới của chúng ta, khí giới của đức phu quân thần linh đang đòi hỏi chúng ta phải để Người tiếp tục trong chúng ta cuộc sống của Người…Hãy đi theo kiểu mẫu duy nhất ấy và chúng ta chắc chắn làm được nhiều điều hữu ích bởi lẽ, từ lúc ấy, không còn là chúng ta sống, nhưng chính Người sống trong chúng ta, các hành vi của chúng ta không còn thuộc về chúng ta, vốn mang thân phận con người và đáng thương, nhưng là những hành vi thần thánh đầy hiệu quả của Người”.

…và trong một suy niệm được viết ra tại Nadaret vào năm 1897, Anh đã linh cảm đến một ngày mà trong đó cuộc sống, xem ra cằn cỗi ấy, lại đơm hoa kết trái :

“Chúa nói với con rằng con sẽ vui sướng, vui sướng vì niềm hạnh phúc đích thực, vui sướng vào ngày cuối cùng…rằng tuy con hoàn toàn đáng thương, nhưng con là một cây cọ được trồng bên bờ nước hằng sống, nước hằng sống là ý định của Chúa, của Lời Chúa, của tình yêu Chúa, của Ân Sủng…và khi đến lúc đến thời, con sẽ trổ sinh hoa trái.

“…Chúa đã thương mà an ủi con khi nói : con sẽ trổ sinh hoa trái, khi đến lúc đến thời…Thời điểm ấy là lúc nào ? Thời của tất cả mọi người chúng con, chính là giờ Phán Xét :  Chúa hứa với con rằng nếu con kiên trì trong ý chí ngay lành và chiến đấu, tuy con thấy mình thật đáng thương, nhưng con sẽ đơm hoa kết trái vào giờ sau hết…

“Và Người còn nói thêm : con sẽ là một cái cây tuyệt vời có tán lá muôn đời xanh tốt, tất cả công việc của con sẽ có một kết cục thuận lợi, đều trổ sinh hoa trái đời đời. Lạy Chúa, Ngài thật là nhân lành biết bao.”(x. Ai có thể chống lại Thiên Chúa, tr. 109)

Chúng ta có thể đọc lại và giải mã cuộc đời chúng ta, những gặp gỡ của chúng ta để khám phá những cái vừa được sinh ra, cái mới mẻ, những hoa trái chăng ?

Anh Charles đã trải qua giờ phút tăm tối, trong đó Anh không nhìn thấy rõ ý nghĩa cuộc đời mình.

Chúng ta cũng trải qua những giây phút như thế !

Và có lẽ chúng ta cũng được phép nói, trong một cộng đoàn, những vấn đề ấy được đặt ra chung cho “toàn thân”, không phải là như nhau, nhưng bổ túc nhau, nhắc nhở nhau, làm cho nhau nên phong phú.

·       Tôi khám phá nơi những người chị em trẻ tuổi hơn, (những sinh viên cùng học chung với tôi tại Lyon mà họ vừa khấn trọn trong năm nay,) một niềm ao ước sâu xa muốn tiếp tục xây dựng và “mang theo” để thấy cái mới, thấy một ngày mai. Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài trích dẫn từ bức thư : các em viết nhân dịp Tổng Tu Nghị 2017. Trích dẫn này có thể hơi dài một chút, nhưng tôi đã chọn để cho anh chị em thưởng thức đôi chút “giai điệu” vang lên trong đó :

“Chúng em tin rằng Huynh đoàn không chỉ là một quá khứ, nhưng còn là một tương lai. Chúng em nhìn thấy điều đó trong các chọn lựa cụ thể mà Huynh đoàn đã nêu lên bằng cách mở ra với cuộc sống luôn diễn ra trước mắt chúng ta.

Chúng em ước mình luôn được đánh thức để hòa nhập với nhân loại trong tính chất mỏng giòn của nó. Chúng em muốn tìm kiếm tất cả những phương thế khả thi để có một chia sẻ đời sống đích thực. Làm thế nào chúng em có thể giữ được sự quân bình giữa niềm khát vọng của chúng em về một đời sống giản dị và những nhu cầu về an toàn (đời sống kinh tế, chọn công ăn việc làm) ? Làm sao chúng em có thể trải qua sự căng thẳng giữa sự táo bạo và an toàn ?

“Chúng em đã chia sẻ về cách chúng em tự định vị mình trước những phát biểu của Huynh đoàn “sống như” và “sống với”. Đặc sủng của chúng em kêu gọi chúng em cắm rễ trong một dân tộc, một môi trường sống cụ thể, nhưng chúng em nhận thấy thế giới ngày nay là một thế giới đa căn tính, ngay cả trong những hòa nhập nhỏ bé của chúng ta. Vậy thì chúng em cắm rễ vào đâu ?

Có phải chúng em không được kêu gọi  để sống cũng như “đi vào trong” những thực tại ấy để đi theo Đức Kitô, bằng cách chấp nhận sự căng thẳng của một thế giới bị xâu xé và đặt cái nhìn của chúng em vào Thập Giá, dấu chỉ về sự hòa giải” ?

Xa hơn một chút, các em ấy viết tiếp :

“Trong lúc đọc lại trải nghiệm sống của mình, chúng em nhận ra rằng, nhiều người trong chúng em đã trải qua thách đố phải tìm ra vị trí của họ trong các tu hội đã ổn định. Chúng em đã cảm nhận được những khó khăn thực sự ấy khi chúng em không thể sống được việc đọc lại, không còn có thể đặt vấn đề về một vài “truyền thống”, khi mà chị em không còn nghị lực hay khả năng bước vào một cuộc tìm kiếm chung.

Tôi cho rằng chúng ta vẫn có thể thảo luận về điểm này…(việc truyền đạt !) làm thế nào để việc này diễn ra trong các hiệp hội, các cộng đoàn chúng ta…

Nói theo ngôn ngữ nhà đạo, tôi cho đây là hồng ân mà chúng ta cần phải cầu xin, bởi vì việc tin vào sự sung mãn, thì đó là một món quà, chứ không phải một hành vi của ý chí !

2.                Vai trò của Lời Chúa nơi Anh Charles và trong đời sống chúng ta

Lời Chúa xây dựng Anh Charles

Lời Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để sống một gặp gỡ thực sự với Chúa và để cho Chúa hoạt động nơi mình. Trong thời gian trải qua ở Nadaret, Anh Charles không ngừng đọc Lời Chúa, suy niệm và để Lời ấy cư ngụ ở trong Anh.

Vào thời của Anh, việc cầu nguyện với sách Tin Mừng là mới mẻ. Năm 1914, Anh viết cho ông Louis Massignon : “Phải nỗ lực để cho chúng ta thấm nhuần Thần Khí Đức Giêsu bằng cách đọc đi đọc lại, không ngừng suy niệm những lời nói và mẫu gương của Người: để những điều ấy làm thành trong linh hồn chúng ta như giọt nước cứ nhỏ xuống, nhỏ xuống mãi một chỗ trên một phiến đá…  (x. Tác Phẩm thiêng liêng, tr. 143 , ngày 22/7/1914)

Làm thế nào để đạt đến điều đó ? Niềm ước ao dẫn đến cầu nguyện, cầu nguyện để tìm kiếm sự trợ giúp trên đường đi và qua đó khám phá ra Lời Chúa !

Trong những năm ở trong Dòng Trappe, Anh được “cưu mang” nhờ những cử hành phụng vụ.

Rồi đến thời gian ở Nadaret (1897 – 1900) : 3 năm tại Dòng Clarisse. Một thời gian hoàn toàn cô tịch và không hoạt động. Một đời sống đặc biệt không thích hợp với tính khí rất năng động của Anh. Phần lớn các lời cầu nguyện đều được Anh viết vào thời điểm này. Anh viết các lời kinh của mình
             * vì vâng lời Cha Huvelin
             * để khỏi ngủ gục !

Chính Cha Huvelin chuyển cho anh những lời này : sống với và suy niệm Lời Chúa.

Trong việc đồng hành, một cánh cửa được mở ra cho anh Charles : để cho mình được Lời Chúa cư ngụ và biến đổi. Tất cả chúng ta đều biết rõ những lời đã ghi dấu sâu sắc nơi Anh Charles. Các lời ấy định hướng cho cuộc đời Anh. Và Anh để lại cho chúng ta “kiểu mẫu độc đáo của Anh” !
Chính công việc của Chúa Thánh Thần (mà Anh Charles khẩn cầu rất nhiều) đã khuôn đúc và kiến tạo đời sống của Anh thành môn đệ Chúa Giêsu. Điều đó giống như một tấm vải được một bàn tay chăm chút và nhẫn nại kết dệt nên. Chúng ta may mắn có những công trình nghiên cứu khác nhau truyền đạt lại cho chúng ta hành trình thiêng liêng của Anh Charles. Những công trình ấy đều làm cho say mê và hữu ích. Và hôm nay,  điều đó cũng mở ra cánh cửa cho những thế hệ mới đang phải tìm gặp cho được con đường riêng của chính mình bằng cách - đến lượt mình - để cho Chúa ThánhThần tác động, biến đổi.

Lời Chúa + Anh Charles + “lịch sử con người bị tổn thương”.

Ở đây, tôi chia sẻ với anh chị em một chút về kho báu đang giúp tôi trong cuộc hành trình của tôi bên cạnh người khác : ba thực tại : Lời Chúa + Anh Charles, Đặc sủng + “lịch sử con người bị tổn thương” có thể (bằng cách “để cho cả ba điều đó” trung thành gắn bó với nhau) xậy dựng nên con người nhân bản và Kitô giáo, để tìm ra một vùng đất chắc chắn hơn, một chiếc la bàn, căn tính của con cái Thiên Chúa.

1.      Lời Chúa : Thư Do Thái 4, 12 – 13
12Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.

2.      Cuộc đời và những gì Anh Charles viết để lại và Đặc sủng đang bày tỏ và hấp dẫn tôi.

3.      Con người, lịch sử của nó với những tổn thương, hành trình cùng với những thăng trầm, các ước muốn, các hạn chế và khả năng, các tham vọng, các ý tưởng và sau hết là niềm khao khát Thiên Chúa !

Ba yếu tố ấy nắm giữ cuộc hành trình. Như một chiếc ghế đẩu có ba chân thích hợp với nhiều địa thế, người ta có thể dễ dàng ngồi yên trên đó ! Thật là lý tưởng trong trường hợp mặt đất không mấy bằng phẳng, hơi gập ghềnh đôi chút ! Và cuộc sống của phần lớn trong chúng ta thường giống với mặt đất không mấy bằng phẳng ấy ! Và qua đó, chúng ta nhận ra chính mình giữa tất cả các thế hệ đồng trang lứa, đó chính là thân phận con người !

Trong thời gian còn ở Tập Viện, từ 1980 – 1981, đột nhiên tôi cảm thấy có chút gì đó bất an. Nhịp sống của chúng tôi quá đơn điệu, quá qui củ và, ngoài ra, đối với tôi, có vẻ như chúng tôi “chỉ” nói về hiến pháp, về những lá thư của tiểu muội Magdeleine và cuộc đời Anh Charles, và tuy không muốn, trong đầu tôi vẫn nổi lên cụm từ “tẩy não”, rồi tôi tự hỏi mình đang sống điều gì ở đây vậy, có còn đúng đắn nữa không ? Và nỗi lo sợ ấy đã hoàn toàn biến mất khi tôi khám phá và hiểu được hơn việc cầu nguyện bằng Lời Chúa, khi chúng tôi đào sâu hơn các buổi chia sẻ Tin Mừng, dành nhiều thời gian cho ‘Lectio Divina’ – Đọc Sách Thánh. Và một cách nhẹ nhàng, còn có thêm khả năng và sự tự do để chứng tỏ mình trong sự thật. Tôi ở vào một thời điểm nhất định cho phép tỏ ra mình là chính mình, càng lúc càng để cho sụp đổ các thần tượng của mình và bước ra khỏi nơi giam giữ mình.

Với tôi, dường như điều quan trọng là đề nghị và khai mở cho những người nam người nữ đến gõ cửa nhà chúng tôi, nhưng rộng hơn, cũng là cho tất cả những người đang tìm cách đi theo Đức Giêsu. Về điểm này, tôi chỉ có thể nói về kinh nghiệm bản thân của mình.

Đó là một cuộc gặp gỡ (với Lời Chúa, với những người mang dấu ấn của anh và với chính anh) mà Anh Charles sống một cách hết sức tự nhiên và thúc đẩy Anh tiến bộ trên hai cực khác nhau : tình yêu Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân, dám gặp gỡ ở nhưng nơi Anh có mặt. Anh đã trở thành Anh Charles ! Chúng ta hãy nhớ đến những lời này, đã được trích dẫn ở trên : “Phải nỗ lực để cho chúng ta thấm nhuần Thần Khí Đức Giêsu bằng cách đọc đi đọc lại, không ngừng suy niệm những lời nói và mẫu gương của Người : để những điều ấy làm thành trong linh hồn chúng ta như giọt nước cứ nhỏ xuống, nhỏ xuống mãi một chỗ trên một phiến đá…”  (Tác Phẩm thiêng liêng , ngày  
22/7/1914 tr. 143.
 
Trong cuộc hành trình ấy, chúng ta, những người tiếp đón hoặc đồng hành, chúng ta phải lùi lại để nhường chỗ cho Thần Khí, để chính Ngài hoạt động và được khám phá. Đó là một hành trình sáp nhập và hiệp nhất cần được thực hiện và tôi đã thấy nó được thực hiện đầy niềm vui. Căn tính của con người được xây dựng trong sự trung thành từng ngày, đôi lúc cũng đau đớn trải qua những bước khủng hoảng. Nhưng chúng không phải là bước đường cùng.

Để cho mình được hướng dẫn và lớn lên trong tự do

Chính là hướng đến với tự do mà chúng ta lên đường, sự tự do của con cái Thiên Chúa. Tôi tin là con người đang tha thiết ước ao và tìm kiếm tự do ấy.

Thật tuyệt vời khi nhìn thấy cách mà Cha Huvelin, đến lúc cần thiết, đã tự rút lui, đặt hết tin tưởng vào sự phân định của Anh Charles. Có thể ngài cũng đã chấp nhận Anh Charles có một hoạt động nào đó không thể dự kiến trước được. Chính ngài, đúng hơn là trong ngài, Thần Khí Chúa tỏ mình ra và hoạt động. Và Anh Charles đã nhận được nhiều điều từ Cha Huvelin. Đó là một mối tương quan phụ tử, một sự tăng trưởng và một chia sẻ tình yêu Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta đều có nhu cầu về những trải nghiệm nhất định và những điều kiện tương tự. Bởi vì ai mở lòng ra đón nhận một đặc sủng, tiếp cận được với Chúa Giêsu, thì cần an tâm trên cuộc hành trình này vấn đề không phải là do một sự quyến rũ, mà là mình tự do tìm kiếm, trong một phân định liên lỉ.

Và phải trải nghiệm được điều này : đi theo một hành trình là một sự tăng trưởng bản thân, ở đây không có nghĩa là “thành đạt”, nhưng: được tự do hơn, dồng nhất hơn, có trách nhiệm hơn.

Xin đan cử một thí dụ : một trong các chị em của tôi đang làm một công việc riêng (trong lĩnh vực thần học và triết học)

Em ấy viết tiểu luận về một bộ ba tương quan :
                 1/-  Người đàn bà còng lưng. (Lc. 13, 10-17)
                 2/- Tương quan giữa Anh Charles và người chị họ Marie de Bondy
                 3/- Câu chuyện bị tổn thương bởi chính cha đẻ của mình.

Tôi khám phá trong bài nghiên cứu ấy niềm ao ước có thể xây dựng cuộc đời mình trên một thửa đất vững chãi và kiên cố hơn. Và, theo tôi, dường như đó là một tiến trình có lẽ không bao giờ được thực sự kết thúc và vượt quá xa công việc ấy. Bởi lẽ con người là một hữu thể dần dà lớn lên, tự mở ra, tự tìm kiếm chính mình.

Và điều đó đúng với mọi sự sống đang trong thời kỳ phát triển : con người cần có các điều kiện. Chẳng hạn, để tìm được một cuộc sống trong một cộng đoàn tu trì, tôi tin rằng đó là một quà tặng, nếu người ta có thể bước đi trong những hòa nhập liên quan đến công đoàn ấy, mà trong đó Lời được lưu hành và có thể được đọc đi đọc lại.

Tôi nhận ra trong công việc ấy ba giai đoạn – Lời Chúa, một yếu tố của Đặc Sủng và con người bị tổn thương – bộ ba ấy làm cho mọi sự vận hành. Lúc đó mới có thể nảy sinh điều mới mẻ.

Một cuộc gặp gỡ trổ sinh hoa trái !

3.                Charles de Foucald hôm nay (nhìn đồng hồ !)

Những thí dụ hiện nay tại nước Pháp

·       Francesco Agnello, Charles de Foucauld – người anh em phổ quát
·       Damien Ricour, diễn viên hài : “Hãy làm cho tôi sống”, một cuốn phim tài liệu
·       Cariline Puig-Grenetier, Theo chân Charles de Foucauld.

Đó là những cuốn sách tôi phát hiện vẫn đang phổ biến tại nước Pháp. Cuộc kỷ niệm một trăm năm đã được tổ chức rất phong phú, nhiều sáng kiến. Francesco Agnello, qua một màn trình diễn đơn giản và ý nhị của mình (le HANG), mô tả được cả nước Pháp.

Một cuốn phim tư liệu dài 52 phút về Damien Ricour, diễn viên hài qua đời ngày 30 tháng 12 năm ngoái, thường nói về Anh Charles. Trong cuốn phim đó, người diễn viên hài quay lại với sự trầm cảm mà anh đã trải qua, nhưng cũng quay về lại với cách anh trải qua căn bệnh ung thư của mình, luôn được cắm neo trong Đức Kitô.

Caroline Puig-Grenetier ngỏ lời với nhiều môn đệ của Anh Charles mà qua đó Anh có thể tiếp xúc với con người hôm nay !

Nhiều người khác chia sẻ với tôi chọn lựa đời sống của họ có thể thực hiện như thế nào, bởi vì họ đã gặp được tinh thần Anh Charles, “người anh em đại đồng” trong các cộng đoàn, trong những con người làm chứng về điều đó.

Những chứng tá của các tiểu muội : Kryscha-Clara, Grazia Elizabette, Veronika-Myriam, Monika Myriam.

·         Linh đạo đánh động chúng tôi một cách sâu xa nhất phải tìm ra một sự thể hiện trong đời sống cụ thể của chúng tôi
·         Tôi nhờ sự giúp đỡ của ba tiểu muội Chúa Giêsu, tức là “gia đình” tôi;
·         Ba thí dụ, ba trải nghiệm khác nhau
·         Điểm xuất phát của từng chị em : một phương diện trong linh đạo của Charles de Foucauld :

Krysia Clara : Ba Lan . Tiểu muội ở Ba Lan, chị mô tả cách mà chị khám phá linh đạo Charles de Foucauld trong Hội Thánh là nơi mà Anh càng lúc càng được biết đến.

·         Nơi Anh Charles, trước hết, chị thấy có ba điểm quan trọng
1.      Hấp lực dẫn đến với việc tôn thờ Thánh Thể
2.      Phục vụ người nghèo
3.      Tương quan tình tứ và đơn sơ với Chúa Giêsu

·         Chị biết nhiều người đang tìm cách để sống linh đạo Anh Charles
            (*) thí dụ, một đôi vợ chồng đã bắt đầu một nhóm dành cho giáo dân.

·         Qua việc tiếp xúc với giới trẻ : Anh Charles dạy họ cách xây dựng hòa bình và những mối tương quan chính đáng
            (*) thí dụ, giữa các Kitô hữu và những người Do thái.

·         Qua việc tiếp xúc với các chủng sinh trẻ : có những “nhóm Charles de Foucauld”; họ đặt ra cho mình câu hỏi : “Thế nào là một linh mục “tốt”? và họ khám phá Anh Charles như một người của tình bạnlinh mục phục vụ
               (*)  Trong các dịp Đại Hội Giới Trẻ, họ đi thăm những người vô gia cư để “mang đến” cho họ những thánh tích của Anh Charles.
               (*) Họ khám  việc cầu nguyện trong thinh lặng trước Thánh Thể

Grazia Elizabeth : Người Ý Kinh nghiệm của tôi về khóa học CNV (Truyền thông phi bạo lực) ở Ý . Chị đã theo học một khóa về Truyền thông phi bạo lực (CNV của Marshall Rosenberg) – bốn mươi người đang theo khóa học, với các lứa tuổi và nguồn gốc xã hội và văn hóa rất khác nhau.

·         Chị nhận thấy đa số người ta đang rất xa cách với thế giới “tu trì”

·         Họ có khả năng thực hiện nhiều thực tập giữa họ với nhau, điều này cho phép họ trao đổi với nhau nhiều và sâu sắc về cuộc sống, các giá trị, những khát vọng của họ : “Việc đó đã làm cho khám phá cách mà nhân tính của chúng ta kết hiệp với nhau, đưa chúng ta xích lại gần nhau và làm cho nhau trở nên phong phú”.

·         Một số người, đã nói với chị đây là lần đầu tiên họ ở gần bên một nữ tu và “dễ tiếp cận” nhờ việc đang cùng có mặt với họ, trong cùng một hoàn cảnh, trên cùng một bình diện. Nhiều người muốn biết nhiều hơn, hỏi thăm chị về Đưc Tin, về Thiên Chúa, về cuộc sống.

·         “Tôi phát hiện ra họ khát khao Thiên Chúa biết chừng nào, nỗi khát mong tìm kiếm Thiên Chúa của họ hình như ẩn giấu nơi vẻ bề ngoài khép kín của họ, khi đối diện với “vấn đề lòng tin”. Và cũng giống như Anh Charles, tôi đã chạm đến những dấu chỉ về Nước Thiên Chúa được gieo vào tâm hồn họ...Họ đã Phúc Âm Hóa tôi !

Veronika-Myriam : Strasbourg (Pháp)

·         Điều mà chị ấy yêu thích nơi Anh Charles : “tinh thần “du mục
                   (*) Anh đã thay đổi chỗ ở và cả phong cách sống
                   (*) Anh đã để cho mình được hướng dẫn bởi những cuộc gặp gỡ.
·         “diễn giải riêng” của chị ấy về linh đạo Charles de Foucauld gặp được thể hiện của nó trong một màn biểu diễn múa rối.

·        Chị giới thiệu Anh cho một nữ diễn viên hài tên là Patricia
                  (*) đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ...hay do Chúa quan phòng ?
                (*) Patricia không biết Charles de Foucauld – cô ấy có một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời Anh, đặt các câu hỏi. Cả hai người đều đang tìm kiếm, đó là một cách làm cho nhau trở nên phong phú

·         Đối với Veronika, cảnh diễn múa rối là một phương thế để nói lên một điều gì đó về câu chuyện tình yêu và tình bạn giữa một người và Thiên Chúa.

·         Chính sự đơn sơ được khẳng định bởi màn diễn, những lời nói, những cảnh diễn...chúng tôi gieo… và đôi khi chúng tôi có thể đem lại một chút hương vị Nước Trời.

Monika Myriam. Mỗi cuộc hành trình đều khác nhau và được đánh dấu do một trải nghiệm cá nhân, hành trình của Monika Myriam cũng như thế.

·         Giống như Anh Charles, chị từng muốn sống với những dân du mục ở Algerie, nhưng căn bệnh ung thư đã phá tan giấc mơ ấy, chị phải rời Sahara để trở về châu Âu.
·         ở đấy không chỉ phải đương đầu với những thách thức của căn bệnh mà còn tìm lại được một “ý nghĩa”
·         chị nhớ lại sứ điệp mà Anh Charles đã truyền đạt cho chị :
                   (*) làm chứng bằng cả cuộc đời về tình thương của Thiên Chúa
                   (*) trở thành một hiện diện yêu thương, đầy tình người giữa thế giới đang đau khổ.
                 (*) như tiểu muội Annie viết : “Ngày nay, minh chứng đức tin của chúng ta  tức là làm chứng bằng cả cuộc đời chúng ta, giữa sa mạc của thế giới, về tình thương không thể hiểu thấu của Thiên Chúa dành cho hết thảy mọi người, nhất là cho những ai bị bỏ rơi, bị đào thải, những ai rơi vào tuyệt vọng” (“Charles de Foucauld theo chân Giêsu Nadaret”; Tiểu Muội Annie Chúa Giêsu, tr. 25).

·         Monika, trong cơn bệnh tật của mình, cũng bắt đầu học pha trò và qua đó khám phá một cách huyền diệu linh đạo Anh Charles.
                (*) Anh Charles đã học thổ ngữ Touaregs – còn em, em học ngôn ngữ pha trò
              (*) Anh Charles luôn tìm “chỗ rốt hết”; Anh đã hòa nhập vào niềm ước ao của mình  bằng cách học khoa trở nên hoàn toàn bé mọn, dễ gần gũi, người anh em của hết thảy mọi người – phần em, em chấp nhận cùng với công việc của Chú Hề, món quà Chúa đã ban cho em : nhiệm vụ CỦA EM là phải trở thành một hiện diện của niềm vui và niềm hy vọng.
               (*) Anh Charles, em…mỗi người chúng em được kêu gọi trở thành bí tích cho người khác, để mình được sử dụng bằng việc phục vụ.

·         Tại Áo và Giêrusalem, Monika làm việc như một người pha trò trong các bệnh viện, cùng với những người tị nạn…không chỉ một mình chị làm; đúng hơn, có một tương quan hỗ tương giữa nhiều người với nhau.

·         Chị kể lại : “…Người ta đi hết phòng này sang phòng khác để thăm các bệnh nhân. Em đến bên giường một người và đọc thấy hàng chữ: ‘Bà Vogel’. Bà ấy đang trùm chăn lên đến tận mũi. Khi em lại gần, bà ấy bảo : ‘Tôi dữ lắm à nha !”, Minna – tên của em trong vai chú hề - liền làm bộ nhảy lùi lại, tỏ vẻ rất sợ hãi và nói : “Thế bà có cắn không đấy, thưa bà ?” Bà ấy bật cười lớn và em nhìn thấy một cái miệng chẳng còn chiếc răng nào, bà ấy chìa tay ra cho em. Thế là cả hai trở thành đồng bọn và bạn bè với nhau”.

·         Đó cũng còn là mối tương quan với “các đồng nghiệp” của chị ấy, thường là “bên lề Hội Thánh”, cũng rất quan trọng : các tương quan nhờ nhau mà dần dần được củng cố, mới đầu, tất nhiên là có những thắc mắc, cô ta là nữ tu mà làm gì ở đây…

·         Monika kể : “Một hôm, mặc vào người bộ trang phục làm hề, người ta bắt đầu kể chuyện hài hước về những quan hệ nam nữ. Bất ngờ có người bảo tôi : ‘Với cô thì quả là khó diễn chuyện này thật, bởi vì cô là một người đi tu và không được cợt nhã thiếu lành mạnh’. Sự có mặt của em đã gây nên một điều gì đó nơi người ấy và nhắc người ấy nhớ đến một thái độ trong sạch”.

·         Người ta bắt gặp ở đây tư tưởng của Anh Charles : “…giữa những người không biết Ta : con hãy đưa Ta đến với họ bằng cách đặt ở đấy một nhà tạm và đem Tin Mừng đến đó, bằng cách không dùng lời mà giảng, nhưng là bằng những gương tốt, không phải để loan báo, nhưng là để sốngTin mừng.” (Thét lớn Tin Mừng, tr. 21-22).

4.        N
gày nay Đặc Sủng được thể hiện  như thế nào ?

Và để kết luận, tôi vẫn còn đặt ra cho mình một câu hỏi khác : Đặc sủng được thể hiện ngày hôm nay như thế nào?...Và những cuộc gặp gỡ của chúng ta, cách chúng ta sống : những thứ đó được thể hiện, được sống ra sao ?

Theo nghĩa đó, tôi nghe Lời nói với tôi :
          “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa hiểu."52 Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt. 13, 51…)

·       …để cho con người, Đặc Sủng, Thần Khí tự do hành động !

Chúng ta có thể :
·       Tin tưởng vào sức mạnh, khả năng sáng tạo của Đặc Sủng, Chúa sẽ bổ sức cho !

·       Để cho các hội dòng của chúng ta phát triển, cho tương lai của chúng mở ra, mang lại niềm tin tưởng, dám không ?

·       Tôi thích phương pháp của Maria Chiara, Chị Tổng phụ trách của chúng tôi khi sai chị em ra đi sau năm sống chung, đã nói với họ :

    “ Thể hiện đặc sủng, không phải là độc quyền của một tiểu muội thuộc bất cứ nền văn hóa và môi trường sống nào. Nhưng phải cùng nhau nhận ra cốt lõi trung tâm : Chúa Giêsu và người nghèo, trong một tinh thần trẻ thơ, mà nếu không có nó, chúng ta không phải là các tiểu muội Chúa Giêsu. Và để, trong tinh thần hòa nhập như hiện nay của chúng ta, tiếp tục tìm ra con đường hướng đến tương lai, bằng cách dựa vào những quy chiếu chung hết sức rõ ràng của chúng ta là Tin Mừng và Hiến Pháp. Huynh đoàn cùng trải qua với chị em những thách đố ấy, tìm cách để tiến bước trong cuộc đối thoại và đào sâu đời sống và sứ mệnh của chúng ta. Huynh đoàn đòi hỏi nơi chị em một tham gia hoàn toàn vào cuộc tìm kiếm ấy bằng tất cả những gì đang có nơi chị em : trí thông minh, đức tin, kinh nghiệm.Trong thời đại của những khủng hoảng lớn như thời đại chúng ta, ĐTC Phanxicô đã nói : “người ta có nguy cơ từ bỏ việc phân định để tìm cách (riêng) hòng tự vệ, bảo vệ ý kiến hoặc căn tính, lợi ích hoặc sự an toàn của mình”. Phân định là động thái làm cho chúng ta luôn tỉnh thức, giúp chúng ta đặt mỗi tiếng nói vào đúng vị trí của nó, tiến tới trong việc tìm kiếm và vượt qua nỗi sợ hãi, tiếp tục mạo hiểm đi ra để đến với cuộc gặp gỡ”

·         Đó là cách để làm cho người khác có trách nhiệm

·         Để động viên

·         Để truyền đạt sự từ bỏ, bởi vì tôi thực sự tin tưởng !

          Ngày 02/02 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô, nhắc chúng ta nhớ lại những điều kiện để thực hiện việc truyền đạt :

“Điều mà bài ca tụng (nơi ông Syméon và bà Anna) đã gợi lên chính là niềm hy vọng, niềm hy vọng này đã nâng đỡ họ trong lúc tuổi già. Niềm hy vọng tiên kiến ấy đã được ban thưởng trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Khi Đức Maria trao vào tay Syméon Người Con của Lời Hứa, vị bô lão bắt đầu hát mừng những ước mơ của mình. Khi Mẹ đặt Chúa Giêsu vào giữa dân của Người, dân này gặp được niềm vui […] Chỉ có như vậy mới làm cho sự sống của chúng ta trở nên sung mãn và giữ cho trái tim chúng ta luôn sống động. Đặt Chúa Giêsu vào nơi mà Người phải được đặt vào: giữa dân của Người. (CV)

Đặt chúng ta cùng với Chúa Giêsu vào giữa dân tộc của Người,…Tôi thấy mình có mặt trong những lời ấy. Đấy là chỗ của chúng ta, cùng với Chúa Giêsu ở giữa dân tộc của Người !

Tôi muốn kết luận bằng cách đưa ra những lời này của Anh Charles :

Ngay khi vừa tin là có một Thiên Chúa, tôi hiểu rằng mình không thể làm gì khác ngoài việc chỉ sống cho Người : ơn gọi tu trì của tôi bắt đầu cùng lúc với niềm tin của tôi : Thiên Chúa vĩ đại biết bao ! Có một sự khác biệt như thế giữa Thiên Chúa và những gì không phải là Thiên Chúa !...(Thư gửi cho Henri de Castries, Đan viện Đức Bà Xuống Tuyết, ngày 14/8/1901)

Sự bình an bất tận ấy, ánh sáng rạng rỡ ấy, niềm hạnh phúc bền vững mà tôi vui hưởng từ mười hai năm nay, anh sẽ gặp được khi bước đi trên con đường mà Chúa nhân lành đã dạy tôi đi theo, đó là : (1) cầu nguyện nhiều ; (2) chọn một cha giải tội tốt lành và chăm chú nghe theo những lời khuyên của ngài ; (3) đọc, đọc đi đọc lại, suy niệm Tin Mừng bằng cách cố gắng thực hành…

Với ba điều ấy, anh không thể thiếu để mau đến được với ánh sáng biến đổi mọi sự trong cuộc đời : CHÚA GIÊSU đã nói với các tông đồ của Người, với tất cả những ai khao khát nhận biết Người : “Đến mà xem”. Hãy bắt đầu việc “đến”, bằng cách đi theo tôi, bắt chước tôi, thực hành những lời chỉ dạy của tôi; và sau đó anh “sẽ xem thấy”, sẽ được vui hưởng ánh sáng; bằng kinh nghiệm bản thân, tôi đã thấy lời ấy chân thật đến nỗi tôi viết lá thư này để nói cho anh biết...và trong lúc thực hiện ba điều này, chúng ta sẽ có thể nói cùng với vua Đa-vít : “Bóng tối không hề là bóng tối trước mắt con, đêm sáng như ban ngày”, bởi vì CHÚA GIÊSU đã hứa : “Ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi”.(Thư gửi cho Henri de Castries, Đan viện Đức Bà Xuống Tuyết, ngày 14/8/1901)

Có một chiếc cầu vồng lớn đang mọc lên trên cuộc đời Charles de Foucauld. Được đánh dấu bởi một lòng trung thành đến từng chi tiết, Anh đem ra thực hành những gì mình đã hiểu được về Chúa, Anh không tính toán dè sẻn !

“Em muốn làm cho tất cả cư dân ở đây, Kitô hữu, Hồi giáo, Do thái giáo...quen nhìn em như người anh em của họ, người anh em của hết thảy mọi người. Họ bắt đầu gọi ngôi nhà là “nhà huynh đệ” và điều đó thật ngọt ngào đối với em”.(Thư gửi Bà Bondy, ngày 07/01/1902)

Cuộc đời anh là một trận chiến và một tìm kiếm không ngừng ý định của Chúa !

“Con chỉ thấy có một điều tốt lành nơi con, đó là ý muốn không ngừng thực hiện những gì làm hài lòng Chúa nhân lành nhất, mọi lúc và mọi nơi...Nhưng, trong thực hành, con đã thất bại biết bao lần !(Thư gửi Cha Huvelin, ngày 17/9/1907)

Anh Charles càng lúc càng quan tâm đến tất cả những gì làm nên đời sống của những người bạn Touaregs của Anh và, bằng những phương tiện khiêm tốn, Anh tìm cách cải thiện điều kiện sống của họ. Chẳng hạn, Anh xin người chị họ dạy cho Anh biết đan áo để sau đó có thể dạy lại cho các phụ nữ Touaregs.

Và chúng ta đi đến sự hoàn tất của Anh trong bức thư cuối cùng gửi người chị họ, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Anh chết :

“Việc chúng ta tự hủy mình ra không là phương thế hiệu quả nhất mà chúng ta có được để kết hiệp với Chúa Giêsu và mang lại ơn ích cho các linh hồn; đó là điều Thánh Gioan Thánh Giá lặp lại qua từng dòng ngài viết. Khi có thể chịu đau khổ và yêu mến, người ta có thể làm được nhiều việc, có thể làm được những điều tốt đẹp nhất trong thế gian này: người ta cảm thấy mình đau khổ, nhưng không phải lúc nào người ta cũng cảm thấy mình yêu mến và đó mới là một nỗi đau khổ nặng nề! Nhưng người ta biết mình muốn yêu, mà muốn yêu mến, đó chính là yêu mến”.(Thư gửi Bà Bondy, ngày 01/12/1916, sđd. tr. 251-252)
 

Tác giả: PS. Elena Lasida

Nguồn tin: Bài thuyết trình tại Đại Hội Aix-la-Chappelle, Đức , tháng 4/2017

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây