CHÚA THÁNH THẦN LÀ TÁC NHÂN CỦA ĐA DẠNG VÀ HIỆP NHẤT

Thứ ba - 16/10/2018 01:13
Bài Nói chuyện của ĐTC Phanxicô với Đại Diện Các Dòng Tu tại Rôma, ngày 04/05/2018
CHÚA THÁNH THẦN, TÁC GIẢ CỦA SỰ ĐA DẠNG VÀ LÀ NHÀ KIẾN TẠO HIỆP NHẤT
Đức Thánh Cha PHANXICÔ GẶP GỠ ĐẠI DIỆN CÁC DÒNG TU
TẠI ĐẠI HỘI CÔNG NGHỊ QUỐC TẾ NGÀY 04/5/2018
 
CHÚA THÁNH THẦN, TÁC GIẢ CỦA SỰ ĐA DẠNG,
VÀ LÀ NHÀ KIẾN TẠO HIỆP NHẤT
 
Kính chào Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ cùng Anh Chị em,

Tôi đã nghĩ đến việc dọn một bài thật chu đáo, nhưng hôm nay lại bộc phát để nói những gì thích hợp với lúc này.

Điểm then chốt tôi sẽ nói cũng là điều mà Đức Hồng Y Chủ Tịch yêu cầu, ngài đề nghị tôi chỉ ra một tiêu chí chuẩn xác cho đời sống thánh hiến. Bởi thực sự, bao nhiêu điều đang xảy ra và làm thế nào chúng ta không đánh mất chính mình trong thế giới đó, một thế giới tranh tối tranh sáng của tục hoá, một thế giới mù mờ của các ơn gọi, của sự hung hãn và nhiều điều khác. Chúng ta phải có một tiêu chí định hướng đúng đắn cho mình, tiêu chí ấy sẽ hướng dẫn chúng ta biết phân định đúng sai.

Và này, có một điều khác nữa: Chúa Thánh Thần là “tai hoạ”, vì Ngài sáng tạo không mệt mỏi [tiếng cười cất lên]. Giờ đây, với những hình thức mới mẻ của đời sống thánh hiến, thì với những đặc sủng của mình, Chúa Thánh Thần thật sự đang kiến tạo, điều này thật thú vị… vì đang khi Ngài vừa là tác giả của sự đa dạng, nhưng cùng lúc, Ngài là Đấng làm nên sự hiệp nhất. Chính Chúa Thánh Thần, chứ không ai khác. Với sự đa dạng của các đặc sủng và bao ân huệ, Ngài đang kiến tạo sự hiệp nhất trong Thân Mình Đức Kitô cũng như sự hiệp nhất của đời sống thánh hiến. Nhưng đây cũng là một thách đố.

Và tôi tự hỏi, vậy thì điều gì khiến Chúa Thánh Thần có thể giữ cho đời sống thánh hiến được luôn luôn mạnh mẽ? Câu hỏi này cứ quay đi quẩn lại trong đầu tôi… cho đến ngày tôi đến Tổng Giáo Phận San Giovani Rotondo và câu hỏi ấy vẫn làm tôi bận trí, tôi không hiểu lý do tại sao… nhưng khi nhìn thấy các nam nữ tu sĩ đang sống tốt lành đời tu của mình ở đó thì tôi đã nghĩ ra những gì mình phải nói. Ở đó, tôi đã nói đến “ba chữ P”, và tôi tự nhủ, đây là ba trụ cột vốn duy trì bền vững đời sống thánh hiến: Prayer, Cầu Nguyện; Poverty, Nghèo Khó và Patience, Nhẫn Nhịn”. 

Vậy hôm nay, tôi quyết định sẽ nói với Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ cùng Anh Chị em cũng những điều này: cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn trong đời sống thánh hiến.

1. Trước hết, “Cầu Nguyện”, “Prayer”, chữ “P” thứ nhất.

Cầu nguyện là liên lỉ quay về với tiếng gọi đầu tiên. Bất cứ lời cầu nguyện nào, có thể là một lời cầu xin lúc ngặt nghèo, vẫn luôn luôn là một sự quay về với Đấng đã gọi tôi. Lời cầu nguyện của một Cha, một Thầy, một Soeur, một Anh Chị em sống đời thánh hiến là một sự quay về với Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi tôi theo sát Ngài hơn. Quay về với Ngài, Đấng đang nhìn tôi trong ánh mắt Ngài, Đấng đã nói với tôi, “Hãy đến! Hãy bỏ hết mọi sự và đến đây” - “Nhưng con muốn bỏ một nửa thôi” (chúng ta sẽ nói điều này khi đề cập đến khó nghèo) - “Không, hãy đến, bỏ hết mọi sự” và trong giờ phút đó, niềm vui chợt đến khi chúng ta ít nhiều bỏ lại những gì mình có. Mỗi người biết những gì mình vừa từ bỏ: cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp…

Thế nhưng, sự thật là có một vài người đang tìm nghề nghiệp “trong nhà dòng”, đây là điều không tốt, bởi lẽ bổn phận của chúng ta là tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta theo Người gần gũi hơn. Mỗi lời cầu nguyện là một sự quay trở về với lời mời gọi này. Và cầu nguyện là cái làm cho tôi nên người làm việc cho vị Thiên Chúa đó, chứ không làm vì sở thích, cũng không làm cho Hội Dòng. Không, phải là cho Thiên Chúa. 

Có một từ ngữ được sử dụng rất nhiều, quá nhiều… khiến sức mạnh của nó phải mai một, nhưng nó lại nói rõ điều này, đó là từ “tận căn”. Tôi không thích dùng từ ngữ này vì người ta sử dụng nó quá nhiều. Thế nhưng từ ngữ đó có nghĩa là, “Con bỏ mọi sự vì Chúa”, đó là nụ cười của những bước chân đầu tiên… Và rồi các vấn đề xảy ra, bao nhiêu trái khuấy mà tất cả chúng ta đang gặp phải, đã gặp phải… dẫu vậy, phải luôn luôn quay về với cuộc gặp gỡ đó, gặp gỡ Thiên Chúa. 

Cầu nguyện trong đời sống thánh hiến là bầu khí đang gọi mời, đang làm cho chúng ta hít thở, đồng thời đang tân tạo lời mời gọi đó. Không có bầu khí này, chúng ta không có khả năng trở nên những con người sống đời dâng hiến lành thánh. Chúng ta có thể là những người tốt, những người Công Giáo, những Kitô hữu tốt lành khi dấn thân vào những công việc của Giáo Hội; nhưng với đời sống thánh hiến, thì lời mời gọi đó phải được làm mới lại liên lỉ, liên lỉ trong nguyện cầu, trong việc gặp gỡ Thiên Chúa. 

“Nhưng thưa Đức Thánh Cha, con quá bận, con có nhiều việc phải làm” - “Hãy đi cầu nguyện”, điều này quan trọng hơn và kìa, giờ cầu nguyện đó lại giúp chúng ta ở trước sự hiện diện với Chúa suốt cả ngày. Dù gì đi nữa… cũng “Hãy đi cầu nguyện”. 

“Nhưng công việc của con quá ngặt nghèo, hầu như cả ngày”. Nào, hãy nghĩ đến một người phụ nữ sống đời thánh hiến trong thời đại chúng ta. Mẹ Têrêxa được gọi là con người “đi tìm những của nợ cho mình”… vì mẹ là thiết bị dò tìm “của nợ”, nên mẹ đã rày đây mai đó trên những nẻo đường; vậy mà hai giờ đồng hồ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày là điều không ai có thể lấy mất của mẹ. “Ôi Têrêxa, mẹ thật tuyệt vời!”. Cũng vậy, chúng ta hãy làm như mẹ Têrêxa đã làm, làm hệt như mẹ, hãy tìm kiếm Thiên Chúa của mình, Đấng kêu gọi chúng ta. Mỗi người phải tìm xem, không chỉ trong buổi sáng, làm sao để cầu nguyện cho được, tôi sẽ cầu nguyện giờ nào. Phải luôn luôn làm điều đó, phải cầu nguyện luôn. Không ai có thể sống đời thánh hiến, có thể phân định những gì đang xảy ra mà không thỏ thẻ với Chúa mỗi ngày. 

Tôi không muốn nói thêm đề tài này nữa, tôi nghĩ, nói ít nhưng Quý Cha, Quý Soeurs hiểu nhiều. Hãy cầu nguyện! Hội Thánh cần những thiện nam tín nữ cầu nguyện, nhất là thời buổi hôm nay, thời buổi mà nhân loại đang khốn cùng hơn bao giờ hết.

2. Chữ “P” thứ hai, đó là sự “Khó Nghèo”, “Poverty”. 

Trong Hiến Pháp, Thánh Ignatio, Dòng Tên, đã viết như thế này, “Khó nghèo là người mẹ, là tường luỹ bảo vệ đời tu” - xem ra bản gốc không phải của ngài, tôi nghĩ ngài trích câu này đâu đó từ các Giáo Phụ Sa Mạc. Khó nghèo là “mẹ” - thật lý thú. Thánh Ignatio không nói người mẹ đó là đức trinh khiết vốn liên quan đến thiên chức làm cha, thiên chức làm mẹ. Không, ngài nói nghèo khó là mẹ. Không có đức nghèo khó, đời sống thánh hiến không đơm hoa kết trái. Hẳn chắc, nghèo khó là tường luỹ, là vật che chắn bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm tinh thần thế tục. 

Ai trong chúng ta cũng biết, sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Những cám dỗ cỏn con lỗi đức khó nghèo là thương tích của các thành viên trong thân mình cộng đoàn thánh hiến. Lời khấn khó nghèo tuân theo Quy Luật, theo Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng không giống nhau. Quy Luật dạy, “Luật chúng ta không cho phép điều này; luật dòng không ban phép điều kia”, nhưng luôn luôn có một điểm chung là tinh thần nghèo khó và chúng ta không cần bàn cãi điều này. Không có đức khó nghèo, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phân định đúng đắn những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay. 

“Hãy từ bỏ mọi sự, đến với người nghèo!”, Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên như thế và người thanh niên đó là tất cả chúng ta. “Nhưng thưa Đức Thánh Cha, không, con có của cải gì đâu?”. Phải, nhưng con có một cái gì đó, một vài dính bén nào đó. Chúa Giêsu yêu cầu điều này và đó là cậu nhóc Isaac mà con phải hiến tế; một linh hồn trần trụi, một linh hồn khó nghèo. Với tinh thần nghèo khó này, Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta, Người phòng ngự giúp chúng ta tránh khỏi bao vấn đề và vô vàn cạm bẫy khác vốn đang chực huỷ hoại đời sống thánh hiến.

Có ba bước khi khởi đi từ đời sống thánh hiến tu trì sang tục hoá bậc tu trì. Phải, ngay nơi các Tu sĩ. Phải nhìn nhận đang có một sự tục hoá Tu sĩ, nhiều nam nữ Tu sĩ và nhiều người sống đời thánh hiến giờ đây trở nên quá thế gian. Hãy xét đến ba bước: bước thứ nhất, tiền, lỗi đức khó nghèo; bước thứ hai, vênh vang, từ việc rán sức khoe mẽ như một con công đến những vênh vang vụn vặt; và bước thứ ba, kiêu ngạo, tự phụ… Rồi từ đó, bao nhiêu điều xấu xa kéo theo. 

Bước thứ nhất chính là sự ràng buộc với của cải, dính bén tiền bạc. Nếu chúng ta cảnh giác điều này, những điều khác sẽ không đến. Và tôi nói, của cải, không chỉ tiền bạc nhưng là sự quyến luyến vật chất. Để có khả năng phân định những gì đang xảy ra, phải có tinh thần khó nghèo. Và đây, một số câu hỏi để chúng ta xét mình: 

Tôi sống khó nghèo làm sao? Hãy nhìn vào những ngăn kéo của các linh hồn. Hãy nhìn vào mỗi cá nhân, nhìn vào Hội Dòng… Chúng ta đang sống nhân đức nghèo khó thế nào?

Đó là bước thứ nhất, nếu chúng ta bảo vệ nhân đức này, những điều khác sẽ cao chạy bay xa. Khó nghèo là tường luỹ bảo vệ chúng ta khỏi bao điều khác. Khó nghèo là bà mẹ giữ cho chúng ta nên người tu trì hơn, dạy chúng ta biết đặt mọi của cải mình có nơi Thiên Chúa. Khó nghèo là tường chở che chúng ta khỏi sự tục hoá ngày càng phát triển vốn đang đe doạ nghiêm trọng bất cứ Tu sĩ nào trong thời buổi hôm nay.

 
(còn tiếp)

Tác giả: ĐTC Phan-xi-cô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây