TỔNG QUÁT VỀ ĐỜI TU THEO GIÁO LUẬT 1983
1. Đời tu, một từ ám chỉ một hay nhiều thực tại ?
Đời tu hay các tu sĩ được nói đến trong bộ Giáo Luật 1983 trong quyển II nói về Dân Chúa (bộ Giáo Luật 1983 trải dài trong 7 quyển). Sau khi nói đến các ki tô hữu (mà phần lớn là giáo dân) ở phần 1 của quyển II, nói đến hàng giáo phẩm (giáo hoàng, giám mục, linh mục, phó tế) ở phần 2 quyển II, tác giả nói đến các tu sĩ ở phần 3 quyển II (điều 573-746).
Các tu sĩ hay đời tu lại được chia thành 2 thiên, mỗi thiên nói về một loại tổ chức tu trì (hình thức, kiểu, mô hình) :
1. Thiên một : các tổ chức tu trì thuộc đời sống thánh hiến (gọi tắt là các tu hội thánh hiến) (điều 573-730)
2. Thiên hai : các tổ chức tu trì thuộc đời sống tông đồ (gọi tắt là các tu đoàn tông đồ) (điều 731-746).
Hai loại hay hai mô hình tu trì này
a. giống nhau :
- cam kết và thực hành sống ba lời khuyên Tin Mừng theo những cách thức khác nhau nhưng tựu trung đều cam kết sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục của Tin Mừng theo một linh đạo,
- sống huynh đệ dưới những hình thức khác nhau và ở những mức độ khác nhau nhưng tựu trung đều thuộc về một tổ chức được GH công nhận với đoàn sủng và linh đạo riêng,
- làm tông đồ dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu trung đều nhằm góp phần cứu độ con người, xây dựng Giáo Hội và làm sáng danh Chúa.
- Thành viên phải là người đã chịu phép rửa, có thể là nam hay nữ, giáo sĩ hay giáo dân, và phải hội đủ một số điều kiện khác về tuổi tác, sức khoẻ (thể lý và tinh thần), trình độ, đạo đức. Tổ chức tu trì được gọi là tổ chức tu trì giáo sĩ (dòng giáo sĩ, tu hội đờigiáo sĩ, tu đoàn tông đồ giáo sĩ, khi vị lãnh đạo tối cao luôn luôn là giáo sĩ) hay tổ chức tu trì giáo dân
- Là tổ chức tu trì thuộc luật hay thuộc quyền giáo hoàng (Toà Thánh) hoặc là tổ chức tu trì thuộc luật hay thuộc quyền giám mục (giáo phận), nếu xét theo thẩm quyền trực tiếp mà tổ chức ấy thuộc về . Còn xét cho tới cùng, tổ chức tu trì nào cũng thuộc về Thánh Bộ đặc trách các tu hội thánh hiến và các tu đoàn tông đồ.
b. khác nhau :
- các tu hội thánh hiến nhấn mạnh hơn tới đời sống bản thân theo sát Đức Kitô bằng cách cam kết thực hành các lời khuyên Tin Mừng, tới mức độ đời sống huynh đệ và việc dấn thân tông đồ được coi như vừa là dấu hiệu biểu thị vừa là phương thế nâng đỡ đời sống Tin Mừng của bản thân mình ;
- các tu đoàn tông đồ nhấn mạnh hơn tới việc tông đồ (việc tông đồ nói chung hay một vài hoạt động tông đồ chuyên biệt tùy theo đoàn sủng của tu đoàn), tới mức độ việc cam kết sống các lời khuyên Tin Mừng và sống cộng đoàn gần như trở thành những đòi hỏi bắt buộc chỉ vì và chỉ để phục vụ việc tông đồ đã được đề cao trên đây.
Trong thiên một nói về các tu hội thánh hiến, còn có sự phân chia thành : đề mục một trình bày những quy tắc chung cho tất cả các tu hội thánh hiến (điều 573-606) ; đề mục hai nói về số tu hội thánh hiến đông nhất là các tu hội dòng (gọi tắt là các dòng, dòng hoạt động hay dòng chiêm niệm) (điều 607-709) ; đề mục ba nói về các tu hội đời (điều 710-730).
Như vậy, thật bất ngờ, các tu hội đời giống các dòng nhiều hơn là các tu đoàn tông đồ ở chỗ hai bên lưu ý nhiều hơn tới việc mỗi thành viên hay cả tập thể tìm cách sống giống Đức Kitô sát hết sức bằng cách cam kết thực hành tối đa các lời khuyên Tin Mừng hơn là theo đuổi việc tông đồ hoặc ưu tiên coi đời sống sát theo Tin Mừng tự nó cũng đã có giá trị tông đồ. Tuy nhiên, các thành viên tu hội đời luôn ưu tiên sống theo Tin Mừng và làm việc tông đồ ngay giữa môi trường thế gian mình đang sống (môi trường gia đình, môi trường nghề nghiệp, môi trường xã hội...) và thậm chí, xuyên qua những bổn phận và yêu cầu mà các môi trường ấy đặt ra, theo linh đạo của tu hội mình – còn gọi đây là việc tông đồ gián tiếp. Thần học quen gọi đây là "tính cách trần thế được thánh hiến" của các tu hội đời. Ngay cả khi có làm tông đồ trực tiếp như cộng tác vào các hoạt động mục vụ trong giáo xứ, các thành viên tu hội đời cũng không hoạt động trong danh nghĩa tập thể của một tu hội cho bằng theo danh nghĩa cá nhân của một "con chiên" trong giáo xứ, nếu là giáo dân.
Ở đề mục 2 thuộc thiên 1, tác giả dành 8 chương đề cập khá nhiều đến các khía cạnh khác nhau của các tu hội dòng hay các dòng như cách thành lập, tổ chức, việc đào tạo, nghĩa vụ và quyền lợi của thành viên, hoạt động tông đồ, việc rời bỏ, thuyên chuyển và sa thải của các thành viên, việc thăng chức giám mục và Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp, nhưng cũng có thể áp dụng với những thích nghi cần thiết cho các tu hội đời và cho cá tu đoàn tông đồ.
2. Tương quan giữa các tổ chức tu trì trên đây với Giáo Hội (Giáo hội địa phương mà đứng đầu là các giám mục và Giáo hội toàn cầu mà đứng đầu là đức giáo hoàng thông qua Thánh Bộ đặc trách các tu hội thánh hiến các tu đoàn tông đồ. Lưu ý : Dù danh hiệu này có phần nghe không xuôi và hơi phiền phức, nhưng vì muốn tôn trọng sự phân biệt quan trọng của hai mô hình đời tu này mà Thánh Bộ đã tiếp tục giữ danh hiệu ấy !) cũng được nói vắn tắt ở phần này, nhất là ở đề mục một, thiên một : Các quy tắc chung cho tất cả các tu hội thánh hiến (điều 573-606).
Một cách tổng quát, Giáo Hội đánh giá rất cao sự hiện diện và hoạt động của các tổ chức tu trì, gọi đó là "dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội" (điều 573,1), "được kết hợp đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm Giáo Hội nhờ đời sống đức ái hoàn hảo mà việc thực hành các lời khuyên Tin Mừng dẫn đưa tới (điều 573,2). Nói cho rốt ráo, Giáo hội đánh giá cao đời tu không phải chỉ vỉ đời tu làm được nhiều việc tốt cho Giáo Hội trong các lãnh vực y tế, giáo dục, xã hội... mà còn vì sự hiện diện của chính đời tu đã là một dấu chỉ biểu thị cho biết căn tính và sứ mạng trên hết của Giáo hội chính là làm dân thánh của Thiên Chúa, trở thành dụng cụ thánh hoá thế giới, làm chứng nhân đức ái hoàn hảo của Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở Giáo Hội vốn hay quên căn tính và sứ mạng chính yếu của mình hoặc hay giản lược mình thành một tổ chức bác ái và xã hội không hơn không kém. Chính vì thế, đời tu không chỉ có mặt trong một số quãng thời gian của lịch sử Giáo Hội, mà có thể khi nào có Giáo Hội, khi ấy cũng đồng thời có đời tu dưới nhiều hình thức khác nhau, như thời sơ khai của Giáo Hội có các trinh nữ thánh hiến ; thời các giáo phụ có các đan sĩ ; thời Trung Cổ và Phục Hưng, thời Cận Đại và Hiện Đại có biết bao tu sĩ hoặc chiêm niệm hoặc hoạt động trong mọi lãnh vực xã hội hoặc cả hai... Một cách giản dị vì đời tu với những hình thức đa dạng ấy là dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử Giáo Hội và lịch sử nhân lọai. Có thể nói : "bậc sống của những người tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng trong các tu hội như thế thuộc về chính đời sống và sự thánh thiện của GH, do đó cần được mọi người trong GH khích lệ và cổ vũ" (điều 574,1). Trong tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục bàn về đời tu, mang tên "Vita consecrata" ('Đời tu"), của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, tác giả còn thay mặt Giáo Hội cảm tạ Thiên Chúa và cảm tạ các tu sĩ về hồng ân rất lớn Chúa đã ban cho Giáo Hội suốt trong lịch sử của mình là các tổ chức tu trì và các tu sĩ (x. ĐT 1-3).
Cũng chính vì đời tu có liên quan mật thiết tới chính bản chất và sứ mạng của GH, nên giáo quyền phải can thiệp để một đàng giúp cho các tổ chức tu trì ấy phát triển theo tinh thần đấng sáng lập và các truyền thống lành mạnh, và để đàng khác Giáo Hội hay toàn thể Dân Chúa được hưởng nhờ. Giáo quyền sẽ can thiệp dứơi nhiều hình thức : thiết lập các hình thức để thực hành các lời khuyên Tin Mừng, phê chuẩn việc thành lập các tổ chức tu trì, hướng dẫn thực hiện đời tu qua các luật lệ, hỗ trợ các tổ chức ấy phát triển đúng theo đoàn sủng và linh đạo của mỗi tổ chức, hội nhập các tổ chức ấy vào chương trình mục vụ chung của Giáo Hội (điều 576).
Tuy nhiên, các cấp thẩm quyền của Giáo Hội làm những việc này luôn luôn với lòng tôn trọng sự tự trị chính đáng của các tổ chức tu trì ấy (điều 586-587) : từ tôn trọng gia sản của tổ chức (bao gồm tư tưởng và chủ trương của các vị sáng lập liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của tổ chức đã được chính các cấp thẩm quyền thừa nhận, cũng như tất cả những truyền thống lành mạnh của tổ chức) đến tôn trọng các cách tổ chức và sinh hoạt nội bộ của các tổ chức ấy (thường được minh định trong luật căn bản hay hiến pháp của tổ chức ấy đã được cấp thẩm quyền GH phê chuẩn) như liên kết tinh thần với một tổ chức tu trì khác, phân chia tổ chức của mình thành nhiều đơn vị, thành lập hay giải thể các đơn vị ấy... (Nên lưu ý : sát nhập hay hiệp nhất các tu hội thành một tu hội duy nhất hay thành một liên minh, giải thể một tổ chức tu trì và giải quyết vấn đề tài sản của tổ chức ấy thuộc quyền một mình Toà Thánh) (điều 579-585).
Ngược lại, các tổ chức tu trì và các tu sĩ phải quan hệ với cấp thẩm quyền của Giáo Hội bằng cách nhìn nhận và vâng phục, như chờ đợi và chấp hành quyết định của các cấp thẩm quyền ấy trong việc phê chuẩn thành lập, phê chuẩn hiến pháp và những thay đổi lớn trong hiến pháp, chuẩn miễn thi hành hiến pháp (điều 590 và 595), báo cáo đều đặn về tình trạng và đời sống của tổ chức (điều 592) ; đồng thời cộng tác vào chương trình mục vụ chung của Giáo Hội, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội, miễn là không đi ngược với đoàn sủng và linh đạo của tổ chức tu trì của mình ; tích cực phổ biến và học tập các tài liệu của các cấp thẩm quyền GH (điều 592).
Tương quan giữa tổ chức tu trì và giáo quyền sẽ thay đổi về mức độ tuỳ theo đó là tổ chức tu trì thuộc quyền giáo hoàng (hay Toà Thánh) hay là tổ chức tu trì thuộc quyền giám mục (hay giáo phận) (Thuờng thường, một tu hội được coi là thuộc quyền giáo hoàng khi được Toà Thánh thành lập hay phê chuẩn bằng một sắc lệnh chính thức – dựa vào tầm ảnh hưởng rộng lớn và độ bền vững của tổ chức ấy qua dòng lịch sử ; còn thuộc quyền giám mục khi được giám mục giáo phận thành lập mà không có sắc lệnh phê chuẩn của Toà Thánh. X. điều 589). Các tổ chức tu trì thuộc quyền giáo hoàng sẽ tùy thuộc trực tiếp Toà Thánh trong việc lãnh đạo nội bộ và kỷ luật ; các tổ chức tu trì thuộc quyền giám mục sẽ tùy thuộc trực tiếp đức giám mục nơi đặt trụ sở chính (điều 593-594). Trừ những việc Toà Thánh giữ lại cho mình, đức giám mục này có quyền không những phê chuẩn thành lập và phê chuẩn hiến pháp, mà cả can thiệp những vấn đề nội bộ hoặc liên quan đến toàn thể tổ chức hoặc vượt trên quyền hạn của cấp lãnh đạo tổ chức tu trì ấy (điều 595).
Chẳng hạn, bề trên cao cấp của một dòng giáo sĩ hay của một tu đoàn tông đồ giáo sĩ (tổ chức tu trì được lãnh đạo bởi một giáo sĩ) mà thuộc quyền giáo hoàng có quyền cấp thư giới thiệu ("lettre dimissoriale") một tu sĩ thuộc quyền mình đã học xong thần học và đã khấn trọn đời cho bất cứ giám mục hợp pháp nào để được phong phó tế và linh mục. Nhưng bề trên cao cấp của một dòng giáo sĩ hay của một tu đoàn giáo sĩ mà thuộc quyền giám mục không có quyền ấy ; mà quyền này sẽ trả về đức giám mục của giáo phận mà dòng hay tu đoàn đặt trụ sở chính hoặc của giáo phận mà đương sự đăng ký phục vụ (điều 1019 và 1016).
Vấn đề này không được đặt ra với các linh mục hội viên các tu hội đời. Ngoại trừ một số tu hội đời thuộc quyền giáo hoàng đặc biệt như tu hội đời Opus Dei chẳng hạn, hội viên các tu hội đời giáo sĩ phải là các ki tô hữu đã được làm phó tế hay linh mục, tức là đã nhập tịch vào một địa phận nhất định rồi, trước khi trở thành hội viên các tu hội đời. Các hội viên này tùy thuộc đấng bản quyền địa phận trong mọi sự có liên quan đến đời sống và chức vụ linh mục của mình, trừ những gì có liên quan tới việc tham gia và dấn thân của mình trong một tu hội đời hợp pháp. Thông thường, đương sự sẽ chỉ thông báo với đấng bản quyền giáo phận quyết định khấn hứa trọn đời của mình trong tu hội ấy và cần xin phép đấng bản quyền giáo phận khi được tu hội giao một công tác vượt ra ngoài ranh giới giáo phận.
3. Đời tu trong tương lai
Kết thúc đề mục một trình bày quy tắc chung cho tất cả các tu hội thánh hiến, Giáo Luật đã dự phòng sẽ có những hình thức mới của đời tu trong tương lai, mà theo lời giải thích của tông huấn "Vita consecrata" sau này đó là dấu chứng tỏ sinh lực vô tận của Chúa Thánh Thần luôn tìm cách làm cho Giáo Hội Hiền Thê của Người được trẻ trung mãi, nhờ đó càng ngày càng đáp ứng thế giới và nhân loại cách hữu hiệu hơn. Giáo Luật đi vào cụ thể bằng cách quy định rằng việc phê chuẩn hình thức mới nào là đích thực của đời thánh hiến là quyền của Toà Thánh. Nhưng Toà Thánh sẽ làm việc này dựa vào sự phân định của các giám mục địa phương sau khi đã giúp các nhà xướng xuất hình thức tu trì mới ấy bày tỏ tối đa thiện chí và hiểu biết của mình, dựa vào những quy tắc đã ấn định trên đây của Giáo Luật (điều 605). Chúng ta có thể nhớ tới một số hình thức tu trì mới như Cộng Đoàn Bát Phúc hay Sư Tử Giuđa, Cộng Đoàn Emmanuen hay Tàu Nôê, Cộng Đoàn Bác Ái ("Foyers de Charité"), Cộng Đoàn Focolare, Cộng Đoàn Tân Dự Tòng ... với những đặc điểm như quy tụ hầu hết mọi thành phần Dân Chúa (nam và nữ, giáo sĩ và giáo dân, độc thân và kết hôn), sống chung toàn phần hay một phần, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, triển khai một linh đạo đã có sẵn hay hoàn toàn mới. Tất cả những hình thức mới mẻ này không hẳn sẽ thay thế những hình thức tu trì cũ, mà đúng hơn cộng tác với những hình thức tu trì lâu đời để làm nên một bức tranh thật sống động của Giáo Hội Chúa Kitô trong thời đại mới này.
Được Thiên Chúa quan phòng cho có mặt bên cạnh nhau ngay từ nguyên thủy để cùng xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô (không chỉ Giáo Hội theo nghĩa hẹp gồm những kitô hữu mà còn Giáo Hội theo nghĩa rộng nhất là nơi Thánh Thần Đức Kitô đang hoạt động cách nào đó), giáo quyền và các tu sĩ sẽ tận dụng tối đa cơ hội ấy bằng cách trước hết hiểu biết và trân trọng nhau, đồng thời giúp đỡ nhau thực hiện vai trò riêng biệt của mỗi bên, luôn nhìn đến đồng lúa chín vàng đang chờ thợ đến gặt. Cơ hội này càng trở nên quý báu, thậm chí mang tính sống còn, khi cánh đồng truyền giáo ngày càng mênh mông và ngày càng phức tạp như trong thế giới hôm nay.
Hồi Tâm tháng 3/2011 của Linh Mục Đoàn TGP Hà Nội
Tác giả: LM Phêrô Đặng Xuân Thành
Nguồn tin: Trang Web của TGP Hà Nội
Những tin mới hơn