Hiệp Hội Charles de Foucauld

Thứ hai - 03/04/2017 18:37
Anh Charles de Foucauld đã ấp ủ nhiều dự định trong cả cuộc đời mình. Tất cả những dự định ấy đều xoay quanh ba trục chính mà sau này dòng dõi thiêng liêng của Anh, gồm giáo dân, linh mục và tu sĩ, không ngừng dựa vào để, bằng nhiều cách khác nhau và tùy thời tùy nơi, tìm ra cho mình hướng sống.
Hiệp Hội Charles de Foucauld

HIỆP HỘI GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG CHARLES de FOUCAULD
Một gia đình đông đúc
 
1/. Nguồn gốc và các thời kỳ hình thành Hiệp Hội

     Anh Charles de Foucauld đã ấp ủ nhiều dự định trong cả cuộc đời mình. Tất cả những dự định ấy đều xoay quanh ba trục chính mà sau này dòng dõi thiêng liêng của Anh, gồm giáo dân, linh mục và tu sĩ, không ngừng dựa vào để, bằng nhiều cách khác nhau và tùy thời tùy nơi, tìm ra cho mình hướng sống. Ba trục đó là :
  • Đi theo Đức Giêsu Nadaret : đời sống chiêm niệm ngay giữa đời
  • Hướng về Thánh Thể
  • Ơn cứu độ cho hết thảy mọi người. Tính chất phổ quát.
 
2/. Những dự dịnh của Anh Charles de Foucauld

1899 Nhóm Tiểu Đệ Chúa Giêsu, viết tại Nazareth
1899 Nhóm Ẩn sĩ Thánh Tâm, viết tại Dòng Các Chị Clarisses ở Giêrusalem
1902 Nhóm Tiểu Muội Thánh Tâm, ở Beni-Abbès
1908 Nhóm Các anh chị Thánh Tâm Chúa Giêsu, dự định sẽ được dành cho các giáo dân, tu sĩ, linh mục. Lúc này Anh đang ở tại Tamanrasset.
1911 Nhóm các Đan Tu-Truyền Giáo được viết tại Tamanrasset nhằm đến việc các linh mục có thể sẽ đến nhập đoàn cùng với Anh.
Luôn gắn bó với kế hoạch về đời sống tu trì khi thấy không ai đến để cùng tham gia vào hoạch định sống đời thánh hiến của Anh, nên vào những năm cuối đời, vì tính chất bức thiết đa dạng của sứ mệnh, anh Charles de Foucauld  đã nỗ lực để lập ra một Hiệp Hội mà Anh đã lên kế hoạch từ năm 1908 mà anh gọi là tập “Kim Chỉ Nam” - ‘Directoire’ hay là tập “ Nguyên tắc hành động “ - ‘Conseil’: Đó là Hội các Anh Chị Thánh Tâm Chúa Giêsu.
             “Từ lâu, luôn canh cánh trong lòng về tình trạng bỏ mặc đời sống tinh thần của biết bao người chưa có đức tin, và đặc biệt là những người Hồi giáo và những người ngoại đạo trong các vùng thuộc địa của chúng ta, cho nên, sau cuộc tĩnh tâm của tôi vừa qua, cách đây một năm, tôi đã soạn thảo một kế hoạch lập nên Liên Hiệp (Confrérie), Hiệp Hội Công Giáo...”
Thư gửi Cha Caron, Maison-Carrée, ngày 11/3/1909.
 
3/. Từ 1919 đến 1952 :

            Sau cái chết của anh Charles de Foucauld, ông Louis Massignon sẽ ra sức duy trì Liên Hiệp ấy. Ông cho công bố tập ‘Kim Chỉ Nam – Directoire’ và quảng bá Hiệp Hội Charles de Foucauld mà ông sẽ là động lực thúc đẩy chính.
            Hiệp Hội này sẽ được hình thành theo luật năm 1901. Trước khi khoác lên mình một tư cách pháp định, Hiệp Hội là một phong trào hoạt động thiêng liêng được chính ông Louis Massignon thúc đẩy và làm cho sống động.
        Bên trong Hiệp Hội, một nhóm người mà ông Massignon sẽ đặt tên là ‘Sodalité du Directoire’ sẽ hình thành theo tinh thần của dự định từ năm 1908 và ngày nay được gọi là : Liên Hiệp Các Anh Chị Em của Chúa Giêsu – “Sodalité Charles de Foucauld” trong đó bao gồm các thành viên đến từ mọi châu lục.
          Năm 1921, Tác giả René Bazin viết cuốn : “Charles de Foucauld, nhà thám hiểm Maroc,  ẩn sĩ vùng Sahara; Cuốn tiểu sử này sẽ góp phần vào việc làm cho người ta biết đến anh Charles de Foucauld nhiều hơn. Nhiều nhóm, cả giáo dân lẫn tu sĩ, sẽ được khai sinh dựa theo sứ điệp thiêng liêng của anh Charles de Foucauld, đều tìm thấy sự nâng đỡ và những lời tư vấn từ Hiệp Hội, từ Ông Louis Massignon và Cha René Voillaume.
 
4/. Hai giai đoạn quan trọng của Hiệp Hội cần lưu ý :
  • Cuộc gặp gỡ tại Beni-Abbès vào năm 1955 : “Hiệp Hội Charles Chúa Giêsu - Cha Foucauld”.
        Trước sự bừng nở những nhóm đời sống thiêng liêng gắn bó với Cha Foucauld, người ta cảm thấy nhu cầu cần phải có “một gặp gỡ để cụ thể hóa sự hiệp nhất huynh đệ mà vẫn tôn trọng các ơn gọi khác nhau và trong một sự trung thành chung với sứ điệp Anh Charles để lại : một sứ điệp về tình yêu phổ quát, vượt quá mọi phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, quốc gia...
        Đàng khác, trong bối cảnh của việc phi thực dân hóa, các nhóm, nhất là ở Pháp, cố gắng làm cho anh Charles de Foucauld trở thành người bảo vệ “văn hóa Kitô giáo” nhằm đối phó với các hệ quả từ tiến trình dành độc lập của các dân tộc Maghreb. Người ta cũng mong lập ra được một hiệp hội đại diện có thể phản ứng lại và chứng tỏ cho thấy sứ điệp của “người anh em phổ quát” không bị bóp méo và bị dùng vào các mục đích đi ngược lại ý nguyện của Anh.
       Do đó, một Hội nghị được tổ chức tại Beni-Abbès, từ ngày 14 đến ngày 16/11/1955. Bên cạnh Đức Cha Mercier, Giám mục Sahara, người đón tiếp cuộc gặp mặt, và ông Louis Massignon, còn có sự tham dự của Đức Cha Provenchères, Giám mục Aix en Provence, người bạn và là người nâng đỡ các nhóm khác nhau ngay từ đầu, Đức Cha Duperray, Giám mục Montpellier, cha Peyriguère và các đại biểu – thường là những vị sáng lập – của các nhóm khác nhau đang hiện hữu vào lúc bấy giờ. Những chia sẻ và lời cầu nguyện đánh dấu cho cuộc hành hương-gặp gỡ ấy. Trong hội nghị, người ta quyết định hủy bỏ hiệp hội cũ vốn không còn đáp ứng được với các nhu cầu đương thời, để lập ra Hiệp Hội Charles Chúa Giêsu – Cha Foucauld , nhằm mục đích : “thể hiện sự hiệp nhất linh đạo vốn mang lại sinh khí cho các nhóm khác nhau đang sống theo tư tưởng đạo đức và linh đạo Anh Charles; làm cho nhận biết dung mạo và những văn bản của đấng sáng lập ra họ; khi cần thiết, phải bảo vệ được ký ức và ý nghĩa sứ điệp của Anh chống lại những méo mó mà các nhóm có nguy cơ rơi vào”. Hội nghị cũng quyết định chọn tập san “Jésus – Caritas” chuyên phát biểu về linh đạo chung, làm mối dây liên kết giữa tất cả các nhóm.
  • Hội Nghị Hiệp Hội năm 1974
        Giải tán “Hiệp Hội Charles Chúa Giêsu, Cha Foucauld”, được thành lập tại Beni-Abbès vào ngày 15/11/1955 mà tư cách pháp nhân, theo luật của nước Pháp ngày 01/7/1901, không còn là đại diện cho các nhóm đời sống thiêng liêng quốc tế họp thành Hiệp Hội ấy nữa. Luật đó nhấn mạnh tính chất phổ quát và chỉ mang tính chất thiêng liêng của Hiệp Hội. Từ đó, hội nghị tiến hành lập ra một Hiệp Hội mới theo Giáo luật một cách linh động hơn, và lấy tên là : “Tồng Hội các Nhóm Huynh Đệ Anh Charles Chúa Giêsu.”

     Năm 2003, tên gọi ấy được đổi thành : “Hiệp Hội Gia Đình thiêng liêng Charles de Foucauld”.
 
5/. Các nhóm đầu tiên

            Vào lúc cuốn sách của Bazin được xuất bản, thì trước hết, chính các giáo dân đã nghe được lời kêu gọi mà Anh Charles đã nhiều lần bày tỏ : “Cần phải có những Kitô hữu như Pricilla và Aquila, luôn làm việc thiện trong thinh lặng”.

            Từ năm 1923, Suzanne Garde bắt đầu hình dung ra một sự hiện diện tại Bắc Phi : “Việc Phúc Âm hóa sẽ do những người phụ nữ thực hiện. Việc ấy sẽ bắt đầu bằng một phòng khám chữa bệnh, một xưởng nữ công gia chánh, bằng tất cả những gì mà có thể sẽ làm cho chúng ta yêu thương người Ả-rập”. Ở Algerie Nhóm Charles de Foucauld cũng bắt đầu hoạt động, trước hết là tại Tlemcen, tiếp đến là El-Bayad và, đến năm 1945, là tại Dalidah, sát biên giới với Tunisie. Vì cuộc chiến tranh giành độc lập, nhóm phải quay về Pháp và, vào năm 1968, đến ở tại Bon Encontre gần Agen (Pháp).

        Cũng trong thời gian đó, ở Tunisie, khai sinh ra nhóm Các Nữ Y Tá Đức Bà thành Carthage, dưới sự thúc đẩy của Đức Giám Mục giáo phận Carthage và Tunis. Cũng chính Đức Cha này, vào năm 1926, đã trao “tu phục Charles de Foucauld”, cho Charles Henrion và Émile Malcor. Các thành viên cuối cùng của nhóm nữ y tá sẽ phải quay về Pháp vào năm 1961 (cùng với Cha Henrion) và đặt cơ sở tại Villecroze trong vùng Var. Hiện nay, vẫn còn một Chị sống trong một ngôi nhà toàn người lớn tuổi, nhưng một nhóm như thế coi như không còn nữa.

         Cũng chính trong giai đoạn này, năm 1927, cha Albert Peyriguère đến định cư tại Maroc (lúc đầu ngài định sống ở Algerie, cùng với một người bạn, theo bản Luật do tự tay Charles de Foucauld viết vào năm 1899). Ngài sẽ ở lại El Kbab, miền Trung Maroc, cho đến khi qua đời vào năm 1959. Cha Michel Lafon sẽ tiếp tục sự hiện diện “đan tu-truyền giáo” ấy, theo cách trình bày của Charles de Foucauld mà cha Peyriguère đã tự chọn làm của mình.

        Mấy năm sau, xuất hiện những cộng đoàn tu sĩ đầu tiên. Tháng 8 năm 1933, chung quanh Sr. Marie-Charles, hình thành nên Huynh đoàn Tiểu Muội Thánh Tâm, gần Montpellier.

      Một tháng sau đó, Cha René Voillaume và bốn anh em khác nhận tu phục Tiểu Đệ Chúa Giêsu và sáng lập ra nhóm huynh đệ  đầu tiên tại Algerie.

      Năm 1939, ở Alger, Tiểu Muội Magdeleine và một người bạn đã tuyên khấn trở thành hai Tiểu Muội Chúa Giêsu và định cư giữa những người du mục ở Touggourt. Cả ba nhóm đều muốn trở thành những cộng đoàn chiêm niệm và truyền giáo. Các Tiểu Đệ Chúa Giêsu và các Tiểu Muội Thánh Tâm, trước hết, sẽ sống tinh thần đó dưới hình thức “đan tu”; những năm sau đệ nhị thế chiến, đối với các Tiểu Đệ, và sau CĐ Vatican II, với các Tiểu Muội, sẽ thay đổi phong cách sống và việc thành lập các huynh đoàn  nhỏ ngay giữa dân chúng, đây chính là những gì mà các Tiểu Muội Chúa Giêsu đã sống từ trước. “Nazareth” là từ ngữ chủ chốt được dùng làm hình thức sống đời thánh hiến : để tìm kiếm dung mạo của Thiên Chúa, đi con đường Chúa Giêsu đã đi, con đường chia sẻ cuộc sống thường nhật. Các huynh đoàn có mặt khắp mọi ngõ ngách của thế giới, trong những nơi đầy khó khăn hoặc thấp hèn nhất.

         Cũng cần phải nhắc đến, ngay cả khi nhóm này hiện nay không còn nữa, Hội Những Người Nazareth Charles de Foucauld, được sáng lập vào năm 1947, do Chị Magdeleine de Vimont, ở Bordeaux. Chị đã xúc động khi đọc tập ‘Directoire’ và bồi hồi khi tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần mà nhóm của chị về sau sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ.
 
6/. Xuất bản cuốn “Giữa lòng đại chúng” và những phát triển mới.

           Năm 1950, Cha R.Voillaume cho xuất bản cuốn ‘Giữa lòng đại chúng’, nội dung giới thiệu về hình thức sống của các Tiểu Đệ Chúa Giêsu và cách anh em đi theo Cha Charles de Foucauld và cưu mang trong lòng sứ điệp của Anh. Do phải giải thích những gì mà vào lúc ấy xuất hiện như một sự mới mẻ, cuốn sách nhấn mạnh về ơn gọi của mọi Kitô hữu sống đời sống bạn hữu với Chúa và những cách sống “chiêm niệm” giữa lòng thế giới. Cuốn sách có một tầm ảnh hưởng lớn và được dịch ra nhiều thứ tiếng; chính qua cuốn sách này mà nhiều người biết đến anh Charles de Foucauld và linh đạo của Anh. Chính Cha R.Voillaume là người tư vấn nâng đỡ các Nhóm mới sẽ xuất hiện trong giai đoạn này.

         Cũng trong năm 1950, Đức Cha Provenchères, Giám mục Aix en Provence, chính thức nhìn nhận nhóm Huynh đệ đời Charles de Foucauld (lúc đầu lấy tên là Nhóm Huynh đệ Charles de Foucauld). Nhưng thực ra, nhiều năm trước đó, trong nhiều thành phố ở Pháp, các nhóm Kitô hữu (nam và nữ, độc thân hay đã kết hôn, giáo dân và linh mục) đã có thói quen gặp mặt thường xuyên để giúp nhau đi theo Chúa Giêsu và sống Tin Mừng theo tinh thần Charles de Foucauld. Huynh Đệ Đời hiện nay có mặt trên khắp các châu lục và hằng năm vẫn có những Nhóm mới được khai sinh. Đây chính là nhóm đông đúc nhất trong “Gia Đình”.

      Trong nhóm ấy, các linh mục có thói quen họp nhau lại cùng với ước ao mang lại cho đời sống thường nhật và tác vụ linh mục của mình động lực Tin Mừng của Charles de Foucauld. Cũng một cách ấy, vào năm 1951, hình thành Hội linh mục mà, vào năm 1976, sẽ lấy tên là Nhóm Huynh Đệ Linh Mục Jesus-Caritas. Tu Hội này hiện cũng đang có mặt trên khắp mọi châu lục.

       Cũng trong thời gian này, những Kitô hữu trẻ cảm nhận được lời kêu gọi đến với một đời sống chiêm niệm, đã chọn sống độc thân, gắn bó với những lời khấn trong khi vẫn duy trì những công việc nghề nghiệp của mình trong xã hội và không sống đời sống chung theo hình thức cộng đoàn thánh hiến. Cùng với Chị Marguerite Poncet, vào năm 1952, cũng hình thành nên Nhóm Jesus-Caritas, và sẽ được chính thức công nhận như Tu Hội Đời dành cho nữ giới. Từ nhóm này, năm 1991, sẽ khai sinh ra Huynh đệ Charles de Foucauld, một hiệp hội các nữ giáo dân cam kết sống đời độc thân.

        Khởi đi từ kinh nghiệm của các Tiểu Đệ Chúa Giêsu, Cha R.Voillaume nghĩ đến các cộng đoàn có khả năng đảm trách chia sẻ Tin Mừng cho những cư dân nghèo khổ nhất và chăm lo cho việc thăng tiến nhân phẩm của họ. Năm 1956, ngài sáng lập nhóm Tiểu Đệ Tin Mừng, và đến năm 1963, là các Tiểu Muội Tin Mừng.
 
7/. “Gia Đình” vẫn đang lớn mạnh

         Ngày 15/8/1966 là ngày sinh nhật chính thức của nhóm Tiểu Muội Nazareth, ở Grand, nước Bỉ. Đây là một nhóm các thanh nữ, được phong trào Thanh Lao Công (JOC) cho gia nhập giới thợ thuyền, muốn sống theo sứ điệp Charles de Foucauld cũng như của ĐHY Cardijin : tìm một hình thức sống đời thánh hiến được đánh dấu bởi việc chia sẻ đời sống giữa những nơi đông đúc dân cư và, qua cách sống và hoạt động, loan báo cho những người mình gặp gỡ biết rằng “sự sống của họ quí hơn tất cả vàng bạc của thế gian”.

      Cũng chính trong những năm đầu thập niên 1960, ở Catalogne (Tây Ban Nha), Pedro Vilaplana xúc động sâu xa khi đọc cuốn Hành Trình Thiêng Liêng của Charles de Foucauld (tác giả J-F Six) và những bức thư của Cha Peyriguère. Từ đó hình thành nên một cộng đoàn những người trẻ tận hiến cho Chúa qua đời sống hôn nhân – cứ mỗi cặp phối ngẫu là một nhóm huynh đệ tại gia - hoặc bằng một đời sống độc thân được sống thành các nhóm huynh đệ nhỏ. Những cam kết đầu tiên được thực hiện vào năm 1968, hình thành nên Cộng Đoàn Chúa Giêsu ( Communitat de Jesus ).

         Năm 1969, tại giáo phận Foligno, Đức Giám Mục nhìn nhận một cộng đoàn mới được hình thành ngay trong giáo phận của ngài. Cộng Đoàn Tiểu Đệ Chúa Giêsu Bác Ái (la Communita dei Piccoli Fratelli di Jesus Caritas), do Cha Giancarlo Sibilia sáng lập. Đây là một nhóm các linh mục ước ao sống thành cộng đoàn đan tu cùng với một đời sống huynh đệ thắm thiết, chuyên thực thi những mục vụ khác nhau cho các giáo phận.

          Cách đó hàng ngàn cây số, tại Haïti, Các Tiểu Đệ và Tiểu Muội Nhập Thể (những người đầu tiên vào năm 1976, những người kế tiếp vào năm 1985) được sáng lập do Anh Franklin Armand và Chị Emmanuelle Victor. Trong vùng đất được đánh dấu bằng sự nghèo khổ và muôn vàn khó khăn ấy, các anh chị em đều muốn làm cho mình trở thành “người nông dân với người nông dân, vì Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người” và làm việc vì sự thăng tiến và Phúc Âm hóa cho thế giới nông thôn.

         Tại giáo phận Bangui, thuộc Cộng Hòa Trung Phi, vào năm 1977, bắt đầu hình thành một cộng đoàn nữ tu, các Tiểu Muội Trái Tim Chúa Giêsu. Ngay trong một xứ sở nghèo khổ nhất hành tinh, bị chao đảo bởi những rối ren chính trị qua nhiều năm tháng, thì một sự hiện diện đầy tình huynh đệ, chuyên tâm cầu nguyện, vồn vã đón tiếp mọi người và đặt mình vào việc phục vụ người khác, tạo nên một không gian bình an rất được mọi người hân hoan mừng đón.

         Năm 1980, tại Canada, một cộng đoàn đan tu được hình thành, nhóm các Tiểu Đệ Thánh Giá, do Cha Michel Verret sáng lập (Anh Michel Marie Thánh Giá). Noi gương Charles de Foucauld, các tiểu đệ muốn sống trong khuôn khổ đan viện một đời sống huynh đệ “ngập tràn bầu khí gia đình”, sẵn sàng tiếp đón và đồng hành với những ai tìm đến.

​         Một nhóm được sáng lập tại Giáo phận Nha Trang, Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1980 
do Cha Gioan-Maria Trần minh Cương để trở thành một Tu Hội đời. Tu Hội được đón nhận vào Gia Đình năm 1997. Tên gọi bằng tiếng Việt Nam với các chữ đầu là TSCGTT, nghĩa là Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu (Tôi Tớ) . Nhóm gồm một Ngành Nam và một Ngành Nữ sống đời thánh hiến, cùng với một Ngành Bảo Trợ (những người cộng tác).

          Nhóm Môn Đệ Tin Mừng, một hội dòng giáo phận thuộc giáo phận Treviso ở Ý, ra đời vào năm 1975, là nhóm cuối cùng gia nhâp Hiệp Hội vào năm 2007.

         Một gia đình rất đông đúc chỉ vì một người đã chết đơn độc một mình như thế đấy ! Và gia đình của những người nam người nữ ấy đã tìm thấy nơi Charles de Foucauld một người gợi hứng cho cuộc đời họ không dừng lại duy nơi danh sách các thành viên của Hiệp Hội ! Nhiều nhóm khác đang hiện hữu, thường được sáp nhập vào “Gia Đình” trên bình diện địa phương. Có những nhóm đã không còn, những nhóm khác thì đang trong thời kỳ hình thành. Và còn biết bao nhiều người khác nữa, tuy không là thành phần của bất kỳ tổ chức nào, vẫn đang nhận ra nơi anh Charles de Foucauld một nhân vật tràn đầy sinh lực nhờ sự thúc đẩy của Tin Mừng và lòng nhân đạo đang đánh động và thôi thúc họ lên đường.

           Về phần Hiệp Hội, hiện nay, Hội Nghị được tổ chức hai năm một lần. Đấy chính là dịp để những người PhụTtrách của các Nhóm khác nhau gặp mặt và trao đổi. Giữa hai lần họp mặt, một Nhóm được Hội Nghị bầu chọn để bảo đảm sự kết hợp. Trải qua những năm tháng dài, và bằng đời sống của mình, những con người như ĐGM Provenchères, Cha R.Voillaume hay Tiểu Muội Magdeleine đã ghi đậm dấu ấn lên những dịp qui tụ và đời sống của Hiệp Hội. Ngày nay cũng vậy, những người Phụ Trách, vốn thường được luân phiên thay đổi, vẫn luôn duy trì những cuộc họp mặt thường kỳ ấy : các anh chị em cố gắng đào sâu sứ điệp của Anh Charles và khám phá sự phong phú cũng như tính chất đa dạng từ những câu trả lời do từng nhóm đưa ra. Tự biết là khác nhau nhưng cùng được thúc đẩy bởi một tinh thần chung, giống như một chiếc cầu vồng cần phải có đủ màu sắc mới rỡ ràng rực sáng!

 
==============

Tác giả: Hiệp Hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây