ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN
DẪN NHẬP
“Tình yêu Đức Ki-tô quy tụ chúng ta nên một”
1. Tình yêu Đức Ki-tô đã quy tụ một số lớn các môn đệ nên một, để như Người và nhờ Người, trong Chúa Thánh Thần, theo dòng thời gian, họ có thể đáp lại tình yêu của Chúa Cha, bằng cách yêu mến Người ”hết lòng, hết dạ, hết sức” (x. Đnl 6,5) và yêu anh em ”như chính mình” (x. Mt 22,39).
Trong số các môn đệ này, những người đã cùng nhau quy tụ thành các cộng đoàn tu trì, những người nam và người nữ ”thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9) đã và vẫn còn là biểu hiện hùng hồn của tình yêu cao siêu và vô biên này.
Được sinh ra ”không do ý muốn của xác thịt”, không bởi sự hấp dẫn cá nhân, cũng không bởi động lực con người, nhưng bởi ”Thiên Chúa” (Ga 1,13), do lời mời gọi và sự lôi cuốn siêu nhiên, các cộng đoàn tu trì là dấu chỉ sống động về sự tối thượng của tình yêu Thiên Chúa, Đấng làm nên những điều kỳ diệu, và về tình yêu đối với Thiên Chúa và với anh chị em mình như đã được Đức Giê-su Ki-tô biểu lộ và thực hiện.
Vì tầm quan trọng của các cộng đoàn tu trì đối với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội, nên cần phải tìm hiểu kinh nghiệm sống của các cộng đoàn tu trì hôm nay, dù là đan tu và chiêm niệm, hay dấn thân hoạt động tông đồ, mỗi cộng đoàn theo sắc thái riêng. Tất cả các vấn đề được đề cập ở đây, liên quan đến cộng đoàn dòng tu cũng được áp dụng cho các cộng đoàn trong các tu đoàn tông đồ, tuy vẫn tôn trọng đặc tính và pháp chế riêng của họ.
a. Chủ đề của văn kiện liên quan đến sự kiện này : đặc điểm mà đời sống huynh đệ cộng đoàn thể hiện nơi một số quốc gia hôm nay có nhiều biến chuyển sánh với cách thức xưa kia. Những biến chuyển này, cũng như những hy vọng và thất vọng kèm theo, và vẫn đang tiếp tục, cần được suy tư dưới ánh sáng Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Những biến chuyển đó đã dẫn đến những hệ quả tích cực và cả những hệ quả cần xem xét lại. Chúng làm sáng tỏ nhiều giá trị Tin Mừng, do đó đem lại cho cộng đoàn tu trì một sinh lực mới, nhưng cũng làm nảy sinh những vấn nạn khi làm lu mờ một số yếu tố cơ bản của chính đời sống huynh đệ trong cộng đoàn. Ở một vài nơi, dưới cái nhìn của nam nữ tu sĩ, cộng đoàn tu trì dường như đã đánh mất tầm quan trọng của mình và có lẽ không còn là lý tưởng phải theo đuổi nữa.
Với đặc tính thanh thản và cần mẫn của những người tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, nhiều cộng đoàn đã tìm cách lượng định sự thay đổi này để có thể đáp trả tốt hơn ơn gọi riêng của mình giữa Dân Thiên Chúa.
b. Có nhiều yếu tố quyết định những thay đổi mà chúng ta đã chứng kiến :
-- ”Không ngừng trở về nguồn mạch của toàn thể đời sống Ki-tô hữu và hứng khởi nguyên thuỷ của hội dòng” (1). Cuộc gặp gỡ sâu xa và đầy đủ hơn với Tin Mừng và với bước đột phá của đoàn sủng sáng lập, đã là sức thúc đẩy mãnh liệt để tìm kiếm một tinh thần đích thực làm sinh động tình huynh đệ, những cơ cấu và tập quán phải thể hiện tình huynh đệ ấy cách thích đáng. Ở đâu việc gặp gỡ những nguồn mạch và hứng khởi nguyên thuỷ này có phần phiến diện hoặc yếu kém, thì ở đó đời sống huynh đệ gặp nguy hiểm và sa sút.
-- Tuy nhiên, tiến trình này đã xảy ra trong bối cảnh những phát triển khác tổng quát hơn, vốn là một bối cảnh của cuộc sống, và đời tu không thể tránh khỏi những hậu quả của nó (2).
Đời tu là một thành phần sống động của Giáo Hội và các tu sĩ sống giữa trần thế. Các giá trị và phản giá trị làm xáo trộn một thời đại hay một hệ thống văn hoá, và những cơ cấu xã hội diễn tả chúng, đều tác động đến mọi người, kể cả Giáo Hội và các cộng đoàn tu trì. Các cộng đoàn tu trì hoặc làm nên men Tin Mừng trong lòng xã hội, loan báo Tin Vui giữa thế gian, công bố thành Giê-ru-sa-lem trên trời ở đây và lúc này, hoặc ngã quỵ do suy thoái nhanh hay chậm, chỉ vì đã chạy theo trần thế. Vì vậy, suy tư và những đề xuất mới về ”đời sống huynh đệ cộng đoàn” phải lưu ý đến bối cảnh của cuộc sống này.
-- Những tiến bộ trong Giáo Hội cũng ghi dấu sâu đậm nơi các cộng đoàn tu trì. Công Đồng Va-ti-ca-nô II, một biến cố của ân sủng, một biểu hiện vĩ đại nhất nhằm hướng dẫn mục vụ Giáo Hội trong thế kỷ này, đã có những ảnh hưởng quyết định về đời tu, không những chỉ qua sắc lệnh Đức Ái trọn hảo bàn về đời tu, mà còn qua Giáo Hội học của Công Đồng và từng văn kiện của Công Đồng.
Vì những lý do trên, trước khi trực tiếp đề cập đến chủ đề, văn kiện này bắt đầu cái nhìn từ bối cảnh bao quát trên những thay đổi trong các môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến phẩm chất đời sống huynh đệ, và những lối sống trong các cộng đoàn tu trì khác nhau.
Sự tiến triển thần học
2. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã đóng góp rất nhiều trong việc đánh giá lại ”Đời sống huynh đệ cộng đoàn” và trong việc canh tân quan điểm về cộng đoàn tu trì.
Chính sự phát triển Giáo Hội học đã ảnh hưởng đến sự tiến triển trong hiểu biết của chúng ta về cộng đoàn tu trì hơn bất cứ một yếu tố nào khác. Va-ti-ca-nô II xác quyết rằng không thể nào chối cãi được là đời tu thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo Hội, đồng thời Công Đồng đặt đời tu vào vị trí trung tâm của mầu nhiệm hiệp thông và thánh thiện của Giáo Hội (3).
Như thế, cộng đoàn tu trì tham dự vào hình ảnh về Giáo Hội được đổi mới và đào sâu. Từ đó dẫn đến một số kết quả :
a. Từ Giáo Hội - Mầu nhiệm đến chiều kích mầu nhiệm của cộng đoàn tu trì
Cộng đoàn tu trì không đơn thuần là một tập hợp các Ki-tô hữu để tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân. Sâu xa hơn nhiều, đó là sự thông phần và là chứng tá đặc biệt của Giáo Hội mầu nhiệm, bởi vì nó là biểu hiện sống động và là sự hoàn thành ưu việt của ”sự hiệp thông” đặc biệt, koinonia, của Ba Ngôi cao cả ; Chúa Cha muốn những người nam và người nữ được dự phần vào sự sống thông hiệp đó, trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
b. Từ Giáo Hội-hiệp thông đến chiều kích hiệp thông huynh đệ của cộng đoàn tu trì
Cộng đoàn tu trì, trong cơ cấu, trong những động lực, trong những giá trị riêng biệt của mình, làm cho hồng ân tình huynh đệ mà Đức Ki-tô đã ban tặng cho toàn thể Hội Thánh trở nên hữu hình cách công khai và không ngừng được mọi người nhận biết. Chính vì lý do này, cộng đoàn tu trì có bổn phận và sứ vụ hiệp thông huynh đệ sâu sắc, dấu chỉ và sự khích lệ cho tất cả các Ki-tô hữu (4).
c. Từ Giáo Hội được linh hoạt bởi các đoàn sủng đến chiều kích đoàn sủng của cộng đoàn tu trì
Cộng đoàn tu trì là một cơ thể sống động của tình hiệp thông huynh đệ, được mời gọi sống trong sự hoạt động của đoàn sủng nguyên thuỷ. Cộng đoàn tu trì là một phần trong mối hiệp thông hữu cơ của toàn thể Giáo Hội, không ngừng được Chúa Thánh Thần làm cho phong phú với nhiều tác vụ và đoàn sủng.
Những người gia nhập các cộng đoàn như thế phải có ơn gọi đặc biệt. Trong thực tế, các phần tử của một cộng đoàn tu trì được liên kết với nhau do một ơn gọi chung của Thiên Chúa phù hợp với đoàn sủng nguyên thuỷ, do việc cùng được Giáo Hội thánh hiến cách đặc biệt, do việc chung nhau đáp lại ơn gọi nhờ tham dự vào ”kinh nghiệm của Thánh Thần” mà đấng sáng lập đã sống và trao lại, cũng như trong sứ vụ của đấng sáng lập trong lòng Giáo Hội (5).
Giáo Hội cũng mong muốn tiếp nhận với lòng biết ơn những đoàn sủng ”tầm thường nhất và được phú ban rộng rãi” (6) mà Thiên Chúa đã phân phát nơi các phần tử của Giáo Hội vì lợi ích của toàn Thân Thể. Cộng đoàn tu trì hiện hữu vì Giáo Hội, biểu lộ Giáo Hội và làm phong phú Giáo Hội (7), giúp cho Giáo Hội thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.
d. Từ Giáo Hội xét như là bí tích hiệp nhất đến chiều kích tông đồ của cộng đoàn tu trì
Mục đích việc tông đồ là đưa nhân loại trở lại hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau qua đức ái thần linh. Đời sống huynh đệ cộng đoàn, một biểu lộ của sự hiệp nhất hình thành bởi tình yêu Thiên Chúa, ngoài việc là một chứng từ cốt yếu của việc loan báo Phúc Âm, còn có ý nghĩa lớn lao đối với hoạt động tông đồ cũng như đối với mục đích tối hậu của nó. Chính từ điểm này mà sự hiệp thông huynh đệ của cộng đoàn tu trì rút ra được sức mạnh như là dấu chỉ và phương tiện. Thực vậy, sự hiệp thông huynh đệ vừa là khởi điểm vừa là đích điểm của sứ vụ tông đồ.
Từ thời Công Đồng, huấn quyền đã đào sâu và làm phong phú thêm quan điểm mới về cộng đoàn tu trì với những cái nhìn trẻ trung (8).
Sự tiến triển trong Giáo luật
3. Bộ giáo luật (1983) phân loại và định nghĩa những xác quyết của Công Đồng về đời sống chung.
Khi Giáo luật nói tới ”đời sống chung”, ta cần phải phân biệt rõ ràng hai khía cạnh.
Trong khi Bộ giáo luật 1917 (9) dường như cho ta cảm tưởng là tập trung vào những yếu tố bên ngoài và một lối sống đồng nhất, thì Va-ti-ca-nô II (10) và Bộ giáo luật mới (11) rõ rệt nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng và đến mối dây huynh đệ, là yếu tố hiệp nhất mọi phần tử trong đức ái. Bộ giáo luật mới đã tổng hợp cả hai yếu tố này khi nói “sống chung đời huynh đệ” (12).
Như vậy, trong đời sống cộng đoàn, có thể phân biệt hai yếu tố liên kết và hiệp nhất các phần tử :
yếu tố thứ nhất, có tính cách thiêng liêng hơn : ”Tình huynh đệ” hay ”sự hiệp thông huynh đệ”, phát xuất từ tâm hồn, do đức ái thúc đẩy. Tình huynh đệ này nhấn mạnh đến ”sống hiệp thông” và những mối tương quan cá vị (13) ;
yếu tố thứ hai, có tính cách hữu hình hơn : ”Sống chung” hay ”đời sống cộng đoàn”, hệ tại ”sống trong một nhà dòng đã được thiết lập theo luật pháp” và ”đưa đến một đời sống chung” nhờ trung thành với chính các nguyên tắc, tham dự vào các hoạt động chung, và cộng tác vào các việc phục vụ chung (14).
Tất cả những điều này được thực hiện ”theo lối sống riêng của họ” (15) tại các cộng đoàn khác nhau, theo đoàn sủng và luật riêng của hội dòng (16). Từ đó phát sinh tầm quan trọng của luật riêng ; luật riêng phải áp dụng vào đời sống cộng đoàn những gì thuộc về gia sản của mỗi hội dòng và như phương tiện để thực hiện điều đó (17).
“Đời sống huynh đệ” hiển nhiên không phải tự động có được bằng việc tuân giữ các nguyên tắc chi phối đời sống chung, nhưng rõ ràng đời sống chung cổ võ cho đời sống huynh đệ rất nhiều.
Sự tiến triển trong xã hội
4. Xã hội tiến hoá không ngừng, và các tu sĩ nam nữ tuy không thuộc về trần thế, nhưng sống trong trần thế và chịu ảnh hưởng của trần thế.
Ở đây chúng ta sẽ đề cập đến một vài khía cạnh đã tác động trực tiếp đến đời sống tu trì nói chung và cộng đoàn tu trì nói riêng.
a. Những phong trào giải phóng chính trị và xã hội trong thế giới thứ ba và tiến trình đẩy mạnh kỹ nghệ hoá đã đưa đến những thay đổi lớn về phương diện xã hội, nhấn mạnh đặc biệt đến ”sự phát triển các dân tộc” và, trong những thập niên gần đây, nhấn mạnh đến những tình trạng nghèo khó và khốn cùng. Các Giáo Hội địa phương đã phản ứng mạnh mẽ khi đối đầu với những phong trào phát triển này.
Trên hết, tại châu Mỹ La-tinh, qua các hội nghị của Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ La-tinh ở Medellin, Puebla, và Santo Domingo, ”sự chọn lựa theo Tin Mừng và ưu tiên đứng về phía người nghèo” (18) được đưa lên hàng đầu, và được nhấn mạnh trong những dấn thân xã hội.
Các cộng đoàn tu trì chịu ảnh hưởng sâu xa bởi điều đó ; nhiều cộng đoàn đi đến chỗ suy nghĩ lại về sự hiện diện của mình trong xã hội, với ý muốn trực tiếp phục vụ người nghèo, thậm chí đôi khi hoà nhập với người nghèo.
Cảnh khốn khổ gia tăng tràn lan ở ngoại ô các thành phố lớn cùng với sự bần cùng hoá các vùng nông thôn đã thôi thúc ”việc xác định lại vị trí” của một số lớn các cộng đoàn tu trì hướng đến những vùng nghèo khổ hơn này.
Khắp nơi đều gặp phải thách đố về hội nhập văn hoá. Các nền văn hoá, các truyền thống và não trạng, tất cả cùng tác động đến lối sống huynh đệ trong cộng đoàn tu trì.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, phong trào di dân với quy mô lớn đã làm phát sinh vấn đề nhiều nền văn hoá khác nhau cùng tồn tại, và vấn đề phản ứng chống lại sự phân biệt chủng tộc. Tất cả những sự kiện trên cũng ảnh hưởng đến những cộng đoàn tu trì đa văn hoá và đa chủng tộc ngày càng trở nên phổ biến.
b. Những đòi hỏi về tự do cá nhân và nhân quyền là cốt lõi của cao trào dân chủ hoá, có lợi cho sự phát triển kinh tế cũng như cho sự phát triển xã hội dân sự.
Vào giai đoạn tiếp liền sau Công Đồng, tiến trình này tăng nhanh, đặc biệt ở Tây phương, và được đánh dấu bằng những cuộc hội họp thảo luận về mọi vấn đề và bằng thái độ bãi bỏ quyền bính.
Giáo Hội và đời tu không thể tránh khỏi phải đặt lại vấn đề quyền bính, với những hậu quả đáng kể đối với chính đời sống cộng đoàn.
Sự nhấn mạnh một chiều và thái quá đến tự do đã góp phần làm lan tràn khắp Tây phương một nền văn hoá cá nhân chủ nghĩa, do đó làm suy yếu lý tưởng đời sống chung và sự dấn thân trong các dự phóng của cộng đoàn.
Chúng ta cũng nhận thấy những phản ứng khác, cũng có tính cách một chiều, như lẩn trốn vào những hình thức chuyên quyền gợi lên sự an toàn, dựa trên lòng tin mù quáng nơi người lãnh đạo biết cách trấn an.
c. Sự thăng tiến nữ giới, mà theo Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII, là một trong những dấu chỉ của thời đại chúng ta, đã tác động nhiều đến đời sống các cộng đoàn Ki-tô hữu ở nhiều quốc gia khác nhau (19). Cho dù ở một vài nơi, đời tu bị ảnh hưởng sâu xa bởi phong trào nữ quyền cực đoan, nhưng hầu hết các cộng đoàn tu trì nữ giới đều tích cực tìm kiếm những hình thức sống chung xét thấy hợp lý hơn đối với nhận thức về căn tính, phẩm giá, và vai trò của người nữ trong xã hội, trong Giáo Hội và trong đời tu.
d. Sự bùng nổ thông tin, bắt đầu từ những năm 1960, đã ảnh hưởng đáng kể và đôi khi bi thảm, đến mức độ tổng quát về thông tin, đến nhận thức về trách nhiệm xã hội và tông đồ, đến tính di động tông đồ và phẩm chất của những mối tương quan nội tại, đó là chưa kể đến phong cách sống đặc biệt và bầu khí trầm lặng phải là đặc trưng của cộng đoàn tu trì.
đ. Chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa khoái lạc, cùng với sự suy yếu quan điểm đức tin, là đặc điểm của chủ nghĩa tục hoá, đã ảnh hưởng đến các cộng đoàn tu trì ở nhiều nơi. Những nhân tố này đã thử thách ác liệt khả năng ”chống lại sự dữ” của các cộng đoàn tu trì, nhưng đồng thời cũng phát sinh những phong cách sống mới nơi đời sống cá nhân và cộng đoàn, phong cách đó là một chứng tá Tin Mừng rõ rệt cho thế giới chúng ta.
Tất cả những điều này đã là một thách đố, là lời mời gọi sống các lời khuyên Phúc Âm mãnh liệt hơn, đồng thời nâng đỡ chứng tá của cộng đồng Ki-tô hữu.
Những biến chuyển trong đời tu
5. Trong những năm gần đây, nhiều biến chuyển đã ảnh hưởng sâu đậm đến các cộng đoàn tu trì.
a. Một bối cảnh mới trong cộng đoàn tu trì. Tại nhiều nước, các chương trình quốc gia được triển khai ở một số lãnh vực vốn là lãnh vực hoạt động của các tu sĩ - như công tác xã hội, giáo dục, y tế - cùng với sự giảm sút ơn gọi, đã đưa đến tình trạng giảm sút sự hiện diện của các tu sĩ trong các công việc đã từng là điển hình của các hội dòng hoạt động tông đồ.
Như vậy, các cộng đoàn lớn đang thu gọn phạm vi hoạt động cụ thể vốn là nét đặc trưng của các hội dòng từ nhiều năm nay.
Thêm vào đó, ở một vài nơi, các cộng đoàn nhỏ được ưa chuộng hơn, nơi đó tập hợp các tu sĩ làm những công việc không thuộc về hội dòng, mặc dù các hoạt động này thường phù hợp với đoàn sủng của hội dòng. Điều này đã tác động một cách có ý nghĩa đến lối sống chung và đòi hỏi thay đổi những nề nếp trong cộng đoàn.
Đôi khi, khát vọng chân thành muốn phục vụ Hội Thánh và gắn bó với các công việc của hội dòng, cộng thêm với những nhu cầu cấp bách của Giáo Hội địa phương, có thể làm cho các tu sĩ đảm nhận quá nhiều công việc, do đó họ chỉ dành một ít thời gian cho đời sống chung.
b. Sự gia tăng những đòi hỏi giúp đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết hơn (như người nghèo, người nghiện ngập, người tị nạn, người bên lề xã hội, người tàn tật và bệnh nhân các loại) đã khơi dậy trong đời tu sự đáp trả và hiến thân một cách đáng khâm phục và đáng ca tụng.
Tuy nhiên, điều này hiển nhiên đưa đến sự cần thiết phải thay đổi một số hình thức truyền thống của cộng đoàn tu trì, mà một số người cho là không thích hợp để đối phó với hoàn cảnh mới.
c. Cách suy nghĩ và lối sống của các tu sĩ làm việc trong môi trường bị tục hoá, đặc biệt khi tác vụ được hiểu đơn thuần là một nghề, một công tác hơn là đang thi hành sứ vụ truyền bá Phúc Âm, đôi khi đã làm lu mờ thực tại thánh hiến và chiều kích siêu nhiên của đời tu, đến nỗi đời sống huynh đệ cộng đoàn đối với một số người đã trở thành chướng ngại vật cho hoạt động tông đồ, hoặc chỉ là một công cụ có tính cách chức năng.
d. Một quan niệm mới về con người thành hình trong giai đoạn tiếp liền sau Công Đồng, nhấn mạnh đến giá trị của ngôi vị và các sáng kiến cá nhân. Điều này trực tiếp dẫn đến một cảm nhận sâu sắc về cộng đoàn hiểu như đời sống huynh đệ được xây dựng trên phẩm chất của những mối tương quan cá nhân hơn là trên những khía cạnh hình thức của việc tuân giữ kỷ luật.
Đó đây, những điểm nhấn mạnh này trở thành triệt để (phát sinh khuynh hướng đối lập giữa cá nhân chủ nghĩa với cộng đồng chủ nghĩa) đôi khi không đưa đến sự quân bình thoả đáng.
đ. Các cơ cấu lãnh đạo mới xuất hiện dựa vào những hiến pháp đã được tu chính, đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của các nam nữ tu sĩ. Từ đó xuất hiện những cách thế khác nhau khi tiếp cận các vấn đề, qua sự đối thoại cộng đoàn, đồng trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Tất cả các thành viên đều quan tâm đến các vấn đề của cộng đoàn. Điều này ảnh hưởng lớn đến những mối tương giao cá nhân, và ngược lại, cũng ảnh hưởng đến cách quan niệm về quyền bính. Không ít trường hợp, quyền bính gặp phải những khó khăn thực tế khi tìm cho mình vị trí đúng đắn trong bối cảnh mới.
Những đổi thay và xu hướng nói trên kết hợp với nhau đã ảnh hưởng sâu xa đến đặc tính của các cộng đoàn tu trì không chỉ trong một hình thức sâu sắc, mà còn ở nhiều hình thức khác biệt.
Sự khác nhau đó, đôi khi khá rõ, như ta có thể hiểu dễ dàng, phụ thuộc vào sự khác biệt của các nền văn hoá và địa dư, vào các cộng đoàn nam hay nữ, vào các dạng đời tu và hội dòng, vào các hoạt động khác nhau và mức độ dấn thân để duyệt lại và hiện tại hoá đoàn sủng của đấng sáng lập, vào những đường hướng khác nhau để tồn tại trước xã hội và Giáo Hội, vào cách thức đón nhận các giá trị mà Công Đồng đưa ra, vào những truyền thống và hình thức khác nhau của đời sống chung, vào các dạng thể hiện quyền bính và cổ võ sự canh tân việc thường huấn. Những hoàn cảnh khó khăn trên đây chỉ có một phần chung cho tất cả ; đúng hơn, chúng có xu hướng khác biệt tuỳ theo cộng đoàn.
Các chủ đích của văn kiện
6. Dưới ánh sáng của những tình huống mới, mục đích trước hết của văn kiện này nhằm ủng hộ những nỗ lực mà nhiều cộng đoàn tu sĩ nam nữ đã đạt được, hầu cải thiện phẩm chất đời sống huynh đệ. Điều này được thực hiện nhờ trình bày một số tiêu chuẩn nhận thức, dựa trên quan điểm canh tân theo Tin Mừng đích thực.
Văn kiện này cũng muốn đưa ra những lý do để những người đã tự tách mình ra khỏi lý tưởng cộng đoàn suy nghĩ, giúp họ nghiêm chỉnh xem xét lại nhu cầu sống chung huynh đệ đối với những người đã tận hiến cho Thiên Chúa trong một hội dòng hay một tu đoàn tông đồ.
7. Trong những viễn tượng trên, văn kiện có dàn bài như sau :
a. Cộng đoàn tu trì như là một hồng ân : trước khi là một dự phóng của con người, đời sống huynh đệ là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa và Người muốn chia sẻ đời sống hiệp thông của Người.
b. Cộng đoàn tu trì là nơi chúng ta trở nên anh chị em với nhau : những con đường thích hợp nhất để cộng đoàn tu trì xây nên tình huynh đệ Ki-tô giáo.
c. Cộng đoàn tu trì như nơi và chủ thể của sứ vụ : những chọn lựa đặc biệt mà một cộng đoàn được mời gọi thực hiện trong các môi trường khác nhau, và những tiêu chuẩn để phân định.
Để đi vào mầu nhiệm hiệp thông và huynh đệ, và trước khi thực hiện sự phân định khó khăn nhưng cần thiết cho công cuộc canh tân chứng tá Tin Mừng của cộng đoàn, chúng ta phải khiêm tốn cầu khẩn Chúa Thánh Thần để Người hoàn tất điều mà chỉ một mình Người có thể làm : ”Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá ra khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36,26-28).
Tác giả: Thánh Bộ Đời sống thánh hiến và Tu Đoàn Tông Đồ
Những tin mới hơn