ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN (2)

Thứ sáu - 02/06/2017 02:48
Trước khi là một kiến trúc của con người, cộng đoàn tu trì đã là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chính là do tình yêu Thiên Chúa, được đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta nhờ Thần Khí, cộng đoàn tu trì khởi đầu và được xây dựng thành một gia đình thực sự, trong đó mọi người quy tụ lại với nhau nhân danh Chúa (20).

 CHƯƠNG I : HỒNG ÂN HIỆP THÔNG VÀ HỒNG ÂN CỘNG ĐOÀN
 

8. Trước khi là một kiến trúc  của con người, cộng đoàn tu trì  đã là một hồng ân của Chúa  Thánh Thần. Chính là do tình yêu Thiên  Chúa, được đổ tràn đầy  tâm hồn chúng ta nhờ Thần Khí, cộng  đoàn tu trì khởi đầu và được  xây dựng thành một gia đình thực  sự, trong đó mọi người quy tụ  lại với nhau nhân danh Chúa (20).

Vì thế, không thể nào hiểu được  cộng đoàn tu trì nếu chúng ta không  bắt đầu từ bản chất của cộng  đoàn như là một ân huệ trên  cao ban xuống, như một mầu nhiệm, bắt  nguồn từ chính trọng tâm mầu nhiệm  Chúa Ba Ngôi chí thánh và là Đấng  thánh hoá, Đấng hằng mong muốn cộng  đoàn tu trì trở nên thành phần  của mầu nhiệm Giáo Hội nhằm phục  vụ đời sống con người.

Giáo Hội xét như là sự hiệp  thông

9. Khi tạo dựng người nam và  người nữ theo hình ảnh và giống  như Người, Thiên Chúa đã sáng  tạo họ để họ sống hiệp thông.  Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, đã  mạc khải chính Người là Tình Yêu,  là Ba Ngôi, là Sự Hiệp Thông, đã  mời gọi họ tham dự vào mối tương  quan thâm sâu với chính Người  và vào mối hiệp thông liên vị trong  tình huynh đệ đại đồng giữa  người với người (21).

Đây là ơn gọi cao nhất của chúng  ta : hiệp thông với Thiên Chúa và  với anh chị em.

Tội lỗi đã làm tổn thương chương  trình của Thiên Chúa, đã chia cắt  mọi thứ tương quan ; giữa loài  người với Thiên Chúa, giữa  người nam với người nữ,  giữa anh em với chị em, giữa các  dân tộc, giữa loài người với các thụ tạo khác.

Vì tình yêu cao cả, Chúa Cha đã sai  Con của Người là A-đam mới đến  để khôi phục lại toàn bộ công trình sáng tạo và đưa chương trình  đó đến chỗ thống nhất hoàn toàn.  Khi đến giữa chúng ta, Người bắt  đầu thiết lập một dân mới của  Thiên Chúa, kêu gọi các Tông Đồ  và các môn đệ, những người  nam và người nữ đến với  Người - đó là một hình ảnh  sống động cho thấy một nhân loại  được quy tụ lại với nhau trong  sự hiệp nhất. Người loan báo  cho họ biết tình huynh đệ đại đồng  trong Chúa Cha, Đấng đã làm cho chúng  ta trở thành người nghĩa thiết,  thành con cái của Người và thành  anh chị em với nhau. Như thế, Người  đã dạy chúng ta sống bình đẳng  trong tình huynh đệ và hoà giải trong  tha thứ. Người đảo lộn những  mối tương quan của quyền lực và thống trị bằng cách chính Người  nêu gương phục vụ và chọn chỗ  rốt hết. Trong bữa Tiệc Ly, Người  đã trao cho họ một giới răn mới  là yêu thương nhau : ”Thầy ban cho anh em một  điều răn mới là anh em hãy yêu  thương nhau. Như Thầy đã yêu mến  anh em, anh em cũng hãy yêu mến nhau” (Ga 13,14  ; x. 15,12). Người đã thiết lập bí  tích Thánh Thể, để khi cho ta được  chia sẻ cùng một bánh và một chén,  bí tích này nuôi dưỡng tình yêu  của chúng ta đối với nhau. Rồi Người  hướng về Chúa Cha mà cầu xin - như  là tổng hợp mọi ước nguyện  - cho tất cả họ được hiệp nhất  theo khuôn mẫu sự hiệp nhất của  Ba Ngôi : ”Để hết thảy họ nên một  cũng như, lạy Cha, Cha ở trong con và  con ở trong Cha, ngõ hầu họ ở trong  chúng ta và thế gian tin là Cha đã sai  con” (x. Ga 17,21).

Rồi khi vâng theo thánh ý Chúa Cha, Người  đã hoàn tất sự hiệp nhất đó  trong mầu nhiệm Vượt Qua, sự hiệp  nhất mà Người đã dạy các  môn đệ phải sống và là sự  hiệp nhất mà Người đã cầu  xin Chúa Cha. Nhờ cái chết trên thập  giá, Người đã phá đổ bức  tường ngăn cách các dân tộc,  hoà giải tất cả chúng ta nên một  (x. Ep 2,14-16). Nhờ đó, Người dạy  chúng ta biết rằng hiệp thông và hiệp  nhất là hoa trái do việc chia sẻ mầu  nhiệm sự chết của Người.

Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, hồng  ân đầu tiên ban cho các tín hữu,  đã đem lại sự hiệp nhất mà Đức Ki-tô mong muốn. Sau khi đã xuống  tràn đầy các môn đệ đang tụ  họp cùng với Đức Ma-ri-a trong nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã ban cho Giáo Hội  một dấu hữu hình, mà ngay từ  lúc đầu đã được coi là  đặc điểm của tình huynh đệ và  hiệp thông trong sự hiệp nhất một  trái tim và một linh hồn (x. Cv 4,32).

Sự hiệp thông này là mối dây  yêu thương liên kết mọi thành phần  trong cùng một Thân Thể Đức Ki-tô với nhau, và nối kết Thân Thể  với Đầu. Cũng sự hiện diện  ban sự sống của Chúa Thánh Thần  (22) làm nên sự liên kết hữu  cơ trong Đức Ki-tô. Người hiệp  nhất Giáo Hội trong sự hiệp thông  và tác vụ, phối hợp và hướng dẫn Giáo Hội nhờ các ơn huệ  phẩm trật và đoàn sủng bổ túc  lẫn nhau và làm cho Giáo Hội nên xinh  đẹp nhờ sinh nhiều hoa trái (23).

Trong cuộc lữ hành trần thế này,  Giáo Hội duy nhất và thánh thiện không  ngừng nhận thức những căng thẳng  đôi khi đau thương để hướng  tới sự hiệp nhất hữu hiệu.  Suốt dòng lịch sử, Giáo Hội càng  ngày càng ý thức rằng mình là  Dân và là Gia Đình của Thiên Chúa,  là Thân Thể Đức Ki-tô, Đền  Thờ Chúa Thánh Thần, là Bí tích  của sự hiệp nhất sâu xa nơi nhân  loại, là sự hiệp thông, hình ảnh  của Chúa Ba Ngôi. Có lẽ hơn bao giờ hết, Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã  làm nổi bật chiều kích mầu nhiệm  và ”hiệp thông” này của Giáo Hội.

Cộng đoàn tu trì diễn tả sự hiệp  thông trong Giáo Hội

10. Ngay từ ban đầu, đời sống  thánh hiến đã nuôi dưỡng bản  chất thâm sâu này của Ki-tô giáo.  Thực vậy, cộng đoàn tu trì cảm  thấy chính mình đang tiếp nối nhóm  người đã theo Đức Giê-su.  Người đã gọi đích danh từng  người một để họ sống hiệp  thông với chính Người và với  các môn đệ khác, để chia sẻ  cuộc sống và thân phận của người  (x. Mc 3,13-15), và qua đó, cộng đoàn  tu trì trở thành dấu chỉ sự sống,  sự hiệp thông mà Người đã  khởi đầu. Các cộng đoàn đan  tu đầu tiên đã coi cộng đoàn  các môn đệ theo Đức Ki-tô và  cộng đoàn Giê-ru-sa-lem là lý tưởng  sống của họ. Như Giáo Hội thời  sơ khai chỉ có một trái tim và một  tâm hồn, cũng vậy, các đan sĩ sống  với nhau dưới sự hướng  dẫn tinh thần của đan viện phụ, quyết  tâm sống hiệp thông triệt để cả  về tinh thần lẫn vật chất, và sống  sự hiệp nhất mà chính Đức  Ki-tô đã thiết lập. Sự hiệp  nhất này có khuôn mẫu đầu tiên  và động lực là đời sống  hiệp nhất của các ngôi vị trong Ba Ngôi  chí thánh.

Vào những thế kỷ tiếp theo, nhiều  hình thức cộng đoàn đã nảy  sinh do tác động đoàn sủng của Chúa Thánh Thần. Người là Đấng dò  thấu chiều sâu lòng dạ con người,  đã tác động để làm thoả  mãn các nhu cầu của con người. Người  đã làm xuất hiện những người  nam nữ, để nhờ ánh sáng Tin Mừng  soi dẫn và bén nhạy với những  dấu chỉ của thời đại, họ khai  sinh ra những gia đình dòng tu mới,  và từ đó, khai sinh ra nhiều phương thế mới để sống sự hiệp  thông duy nhất trong tính đa dạng của  các tác vụ và cộng đoàn (24).

Chúng ta không thể nói về cộng đoàn  tu trì một cách như nhau. Lịch sử  đời sống thánh hiến làm chứng rằng có nhiều cách khác nhau để  sống sự hiệp thông tuỳ theo bản  chất của mỗi hội dòng. Nhờ đó,  ngày nay chúng ta có thể ngưỡng mộ  ”sự khác biệt kỳ diệu” của các  gia đình dòng tu đã làm phong phú  cho Giáo Hội, và trang bị Giáo Hội hầu  thi hành mọi việc thiện (25) ; và  từ đó chúng ta cũng nhận thấy  sự khác biệt trong các hình thức  sống cộng đoàn.

Tuy nhiên, trong những hình thức khác  nhau, đời sống huynh đệ cộng đoàn  luôn luôn là cách diễn tả triệt để tinh thần huynh đệ phổ quát, là  tinh thần hiệp nhất tất cả các Ki-tô  hữu. Cộng đoàn tu trì là một  biểu hiệu hữu hình của sự hiệp  thông, vốn là nền móng của Giáo  Hội và đồng thời là lời  tiên báo sự hợp nhất mà Giáo Hội nhắm tới như cùng đích của  mình. Vì vậy, như những nhà chuyên  môn về sự hiệp thông, được  kêu gọi trở nên một cộng đoàn  Giáo Hội ở trong Giáo Hội và trong  thế giới, các tu sĩ là những  chứng tá và những người kiến  tạo chương trình hiệp nhất, đỉnh  vinh quang của lịch sử loài người  trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trên hết, nhờ khấn giữ các lời  khuyên Phúc Âm, là lời khấn giúp  cho con người thoát khỏi những trở  ngại để đạt tới đức ái  nhiệt thành, người tu sĩ cùng nhau là dấu chỉ mang tính ngôn sứ của  sự hiệp nhất thâm sâu với Thiên  Chúa, Đấng mà ta phải yêu mến trên hết mọi sự. Hơn nữa, qua kinh nghiệm  hàng ngày của sự hiệp thông trong  đời sống, trong cầu nguyện và hoạt động tông đồ - những yếu tố  chủ yếu và đặc biệt của đời  sống thánh hiến - họ là dấu chỉ  của tình huynh đệ. Thực vậy, trong  một thế giới thường bị chia cắt  sâu xa, và trước mắt anh em của mình  trong đức tin, họ đưa ra chứng  tá là họ có khả năng để chung  của cải, yêu thương huynh đệ, có  một chương trình sống và hoạt động riêng, vì họ đã chấp nhận lời  kêu gọi đi theo sát Chúa Ki-tô cách  tự do hơn, Đấng đã được  Chúa Cha sai đến, để với tư cách  là trưởng tử giữa nhiều anh  chị em, Người thiết lập một tình  huynh đệ trong ân huệ của Thánh Thần  (26).

Tất cả những điều này sẽ trở  nên rõ ràng hơn đến độ họ  không chỉ suy tưởng với và trong  Giáo Hội, mà còn cảm thấy chính  mình là Giáo Hội, bằng cách đồng  hoá chính mình với Giáo Hội trong  hiệp thông trọn vẹn với giáo thuyết,  với sự sống, với các mục  tử, với niềm tin và với sứ  vụ của Giáo Hội trong thế giới (27).

Chứng tá do các tu sĩ chiêm niệm  đem lại có ý nghĩa đặc biệt.  Đối với họ, đời sống huynh  đệ có những chiều kích sâu rộng  hơn, bắt nguồn từ những đòi  hỏi cơ bản của ơn gọi đặc biệt  này, là tìm kiếm một mình Thiên Chúa  trong thinh lặng và cầu nguyện

Việc họ thường xuyên gắn bó  với Thiên Chúa làm cho họ gắn bó  với những phần tử khác trong  cộng đoàn cách tế nhị và tôn  trọng hơn, và sự chiêm niệm đem  lại một sức mạnh giải phóng họ  khỏi mọi hình thức ích kỷ.

Đời sống huynh đệ cộng đoàn  trong một đan viện được coi là  dấu chỉ sống động của mầu nhiệm  Giáo Hội : mầu nhiệm ân sủng càng  lớn thì hoa quả ơn cứu độ  càng dồi dào.

Bằng cách này, Thần Khí của Chúa,  Đấng đã quy tụ các tín hữu  đầu tiên, và là Đấng tiếp tục  kêu gọi Giáo Hội trở thành một  gia đình duy nhất, cũng kêu gọi và  nuôi dưỡng các gia đình tu trì,  nhờ những cộng đoàn của mình  rải rác trên khắp thế giới, có  sứ vụ trở nên những dấu  chỉ rõ rệt của sự hiệp thông  nội tại, sự hiệp thông sâu đậm  làm sinh động và kiến tạo Giáo Hội,  đồng thời hỗ trợ cho việc hoàn  thành chương trình của Thiên Chúa.

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây