Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles

Thứ sáu - 05/05/2017 05:07
Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles
1- NHỮNG XÁC TÍN CỦA ANH CHARLES VỀ TRUYỀN GIÁO
 
Bài thuyết trỉnh của Ông Pierre Sourisseau
ngày 29 tháng tư năm 2011 tại đan viện Sassovivo – Foligno - Italia
trong kỳ họp của các Anh Chị Phụ Trách
Hiệp hội Gia đình Thiêng Liêng Charles de Foucauld
 
Một số chi tiết giới thiệu
 
Bạn chỉ cần đặt nhóm của bạn vào trong Sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội cách đây 2000 năm. Chúng ta hãy lui lại một trăm năm trước để mô tả những gì anh Charles de Foucauld đã bắt đầu sau khi anh được ơn hoán cải hồi năm 1886, về lộ trình của vị ẩn sĩ dòng Trappe tại Đất Thánh, sau đó là một linh mục ở sa mạc Sahara. Hồi đó, hoàn cảnh truyền giáo trong Giáo Hội rất đặc biệt : bên cạnh các quốc gia đã theo đạo Công Giáo từ lâu, còn có “các xứ truyền giáo”, những miền đất mà Kitô giáo chưa thâm nhập hoặc mới bắt đầu thâm nhập vào, và những vị truyền giáo Kitô giáo đã đến đó như những người “khai phá” nhờ quân lực tiên phong. Theo ơn gọi riêng, ơn gọi này đã biểu lộ cách rõ rệt ngay ngày thụ phong linh mục, anh Charles đã chọn phương cách hoạt động truyền giáo này là đến với các dân tộc nói đây mà theo đức tin họ là “ những người ở xa nhất ".
 
          Anh Charles sử dụng nhiều từ khác nhau để nói về cùng một thực tại như : ơn cứu rỗi mọi người, quảng bá của Tin Mừng, hoán cải dân ngoại, loan báo Tin mừng cho các vùng thuộc địa, trình bày về đạo Công giáo ... và các công thức khác như : chớ gì tất cả mọi người đều được lên thiên đàng, mưu ích cho các linh hồn, là người thợ rao giảng Tin Mừng, là tông đồ, và còn: thét lớn Tin Mừng trên mái nhà ... bằng cả đời sống mình ... Tất cả những “ ý niệm “ đó cứ trở đi trở lại theo chủ đề của chúng ta với những sắc thái khác nhau.
 
          Và chúng ta hãy nhớ rằng từ “ phúc-âm-hóa “ có nghĩa là truyền đạt Tin Mừng. Tin Mừng là gì? Là chúng ta được cứu độ, được giải thoát, được chữa lành nhờ một Đấng Cứu Độ. Ơn cứu độ này hệ tại điều gì ? Ơn cứu độ mà anh đã cảm nhận được những lợi ích từ khi Đấng Cứu Thế đến gặp anh và từ nay anh biết mình phải là người mang nó đến cho những người khác? Cách mà một Foucauld - người được hoán cải nói tới đã thực sự ghi dấu lịch sử bản thân anh. Đối với anh, ơn cứu độ này là một sự giác ngộ và hội nhập vào Chân Lý, Chân Lý mà trước đây anh đã không dám trông mong, mà bây giờ anh đang được thưởng nếm. Anh muốn làm cho ơn ấy sinh ích cho tất cả những ai còn "sống trong lầm lạc", "trong đêm tối", "trong tư tưởng lầm lạc" (đó là những kiểu nói của anh). Viết cho bạn là ông Henri de Castries, người đang mò mẫm tìm kiếm, Anh muốn mọi người bước vào trong miền ánh sáng, trên những đám mây, trong chân lý vĩnh cửu và tình yêu vĩnh cửu" (ngày 08/07/1901)  hay nơi khác, anh muốn ông ta " mau đạt tới ánh sáng này, ánh sáng biến đổi mọi sự trong cuộc sống, và làm nên từ cõi thế một thiên dàng nơi đó kết hợp ý muốn của chúng ta với thánh ý Thiên Chúa ", " vào trong ngày mà chúng ta nói với David: "nox illuminatio mea in deliciis meis ", vì Chúa Giêsu đã hứa: "Ai đến với tôi, tôi không xua đuổi" (ngày 14/08/1901). Cuộc sống mới này của người tín hữu vừa được ơn trở lại và được ánh sáng của sự cứu rỗi chiếu soi đã bước vào Niềm Hoan Lạc và Bình An của Thiên đàng, và loan báo về Thiên đàng này. Đó là lý do tại sao anh luôn lặp đi lặp lại  lời nguyện này  "Lạy Chúa, xin cho tất cả mọi người được lên thiên đàng."
 
          Để hiểu rõ những gì anh Charles de Foucauld gán cho hạn từ phúc âm hóa chúng ta không thể chỉ bằng lòng với những gì anh đã có thể " làm " tại Beni-Abbes hay tại Tamanrasset. Tất nhiên, vấn đề không phải là bỏ quên "hành động" và các hoạt động của anh, thường rất độc đáo, nhưng từ lúc đầu thái độ của anh trong những tháng đầu tiên đến lập cư tại biên giới giữa Algeria và Ma-rốc, rồi suốt những năm sống giữa dân Hồi giáo tại Hoggar, chúng ta sẽ thấy rộng hơn để xét đến tất cả những gì anh có thể nghĩ về việc tông đồ nói chung, ở Pháp và trong Giáo Hội. Về điểm này anh có những xác tín cơ bản và sâu xa mà anh luôn qui chiếu để hành động sao cho thích ứng với các hoàn cảnh. Ngoài những việc anh làm và những lời anh nói, chúng ta cố gắng tìm hiểu về những "điều cơ bản”, những xác tín, tầm nhìn của anh, là những điều đã giúp anh trưởng thành từ sau khi được ơn hoán cải, và đã trở nên động lực hướng dẫn anh suốt đời " vì Chúa Giêsu và Tin Mừng ". Chúng ta có thể gọi đây là tầm nhìn của đức tin, tầm nhìn mà chúng ta có thể nhận ra từ những điểm nhấn về cái nó " thấy Chúa Giêsu trong mọi người; thấy một linh hồn phải cứu vớt trong mọi tâm hồn; thấy nơi mỗi người, một người con của Cha Trên Trời "(Điều lệ năm 1916), và điều này được minh chứng rõ ràng khi anh trích dẫn Matthêu 25,40-45:" Những gì các ngươi làm một trong những người ấy, là các người làm cho chính Ta. Những gì các ngươi không làm cho họ, là các ngươi đã không làm cho chính Ta", theo lời ông Abbot Rancé chú giải: " Sau những lời này, Chúa Giêsu không còn đặt thêm quy tắc nào nữa ... chỉ còn việc phải sống theo đức tin thôi. "( Nội Quy và Sách Chỉ Nam, nxb.Thành phố mới, tr. 238 , ch. 30 quy luật của các Tiểu Đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu).
 
          Chúng ta sẽ suy tư từ các văn bản sau đây:
- Sách Chỉ Nam: điều 28: Các phương thế tổng quát và đặc biệt để hoán cải các linh hồn còn xa Chúa Giêsu, và đặc biệt là của những người ngoại giáo.
- Quy luật năm 1916 dành cho các anh chị em Hội Thánh Tâm của Chúa Giêsu, chương 3 : Các phương thế; chương 4 : Các Hướng dẫn thực hành.
- Trích dẫn các thứ gửi cho ông De Castries và J. Hours.
- Các trích đoạn trong Nhật ký thiêng liêng.
 
Để loan báo Tin Mừng, chính mình phải được tin-mừng-hóa trước.
 
          "Hoán cải bản thân để sống đúng với những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Điều lệ năm 1916, III. Phương tiện, 1 º).
 
Nói cách khác, để lo công việc truyền giáo, người hoạt động phải là "người thợ của Tin Mừng." Đối với công việc như vậy phải là một vị thánh, đó là lý do tại sao anh Charles vẫn tiếp tục viết cho những người mà anh liên hệ bằng thư tín : "Hãy cầu nguyện cho việc hoán cải của tôi."
 
          Bằng kinh nghiệm, anh cho biết làm thế nào để việc tin-mừng-hóa bản thân này được thể hiện nơi kẻ muốn trở thành người rao giảng tin mừng. Chính anh đã sống cuộc hoán cải riêng của mình, nó mang lại hướng đi cho những người anh liên hệ qua thư từ là những người chưa tin Chúa hay không tin hoặc đang tìm kiếm tôn giáo như các ông : Castries, Duveyrier, Louis de Foucauld, Louis Massignon và những người khác ... Nếu chúng ta đề cập đến Chúa Giêsu và Tin Mừng :
- Hãy cầu nguyện và nài xin, lời cầu nguyện bao gồm sự mong muốn, và thậm chí "sự khai phá" trước tiên nơi chính mình, như anh đã trải nghiệm trước khi anh được hoán cải vào tháng 10 năm 1886 qua lời cầu nguyện này: "Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, làm cho con biết Chúa" và các sự kiện trước đó :"Chúa đã phá đi mọi rào cản, làm cho tâm hồn con trở nên đễ uốn nắn và chuẩn bị thửa đất tâm hồn con bằng cách thiêu đốt đi mọi bụi cây gai góc trong đó "(Retreat 1897 ở Nazareth, nơi cuối cùng, New City, p.114 và 117).
          - Gặp được một nhân chứng của Tin Mừng, mà theo Anh Charles, đó chính là "vị linh hướng", tức là một nhân chứng có ơn gọi để nói lên ý muốn của Thiên Chúa, Lời Chúa, Tin Mừng, khi truyền thông cho ta Tinh thần của Chúa Giêsu.
- Đọc đi đọc lại Tin Mừng để hấp thụ Tinh thần của Chúa Giêsu và bắt chước nhân đức của Người bằng cách để mình bị “ lôi cuốn chạy theo mùi hương thơm của Người " hương thơm thu hút làm xông tỏa các nhân đức Tin Mừng.
Việc thường xuyên tiếp cận với Tin Mừng này và sự đồng hành tinh thần của một chứng nhân của Tin Mừng (= Cha Huvelin) đã đem lại cho Charles de Foucauld niềm tin, ý tưởng mạnh mẽ, mà chúng ta nhận ra nơi tinh thần trách nhiệm và ơn gọi truyền giáo của anh :
- " Toàn bộ công trình của cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu, chính là việc cứu rỗi nhân loại. Nếu chúng ta muốn bắt chước Người, hãy biến việc cứu rỗi loài người trở thành toàn bộ công trình của cuộc sống chúng ta. " (Meditations 1916) - "Hãy làm cho những kẻ bất hạnh này điều tốt lành mà chúng ta muốn kẻ khác làm cho chúng ta khi chúng ta lâm vào hoàn cảnh như họ." (Thư gửi cho ông Henri de Castries, ngày 23.06.1901) – “ đức ái đòi buộc mọi Kitô hữu phải yêu thương người lân cận như chính mình và do đó công việc cao cả của cuộc đời ta chính là giúp cho tha nhân được ơn cứu rỗi như chính mình "(Thư gửi cho J. Hours, ngày 03.05.1912).
 
          Lối vào đức tin, đó là việc hoán cải ban đầu phải được tiếp nối bằng việc hoán cải thường xuyên trong đức tin ở đời này. Đây là điều mà anh Charles gọi là " việc thánh hóa bản thân" (3 º phương tiện, đ. 28 của Sách chỉ nam). Đối với anh, sự "thánh hóa" này là "điều đầu tiên cần làm để mưu ích cho các linh hồn", bởi vì, anh trích lại ở đây là lời Cha Huvelin nhấn mạnh rằng: " người ta làm điều thiện không tùy theo mức độ những gì họ làm, nhưng tùy theo mức độ họ là ..." điều này Cha Huvelin thường nhấn mạnh. Bởi đó anh kết luận: "làm việc hết mình và liên tục hoán cải bản thân. Đó chính là vị linh hướng sẽ giúp đỡ chúng ta ".
 
Những thực hành nào anh Charles khuyên để thường xuyên hoán cải ? Anh mô tả sáu việc trong “ Điều IV. Những Việc Thực hành " của Bản Điều Lệ năm 1916, mà  ngày nay chúng ta có thể trình bày như sau:
1. Đời sống Thánh Thể (Thánh Lễ và lòng sùng kính Thánh Thể)
2. Cảm thức về Giáo Hội
3. Nhờ một Kitô hữu có kinh nghiệm đồng hành trong những việc thiêng liêng;
4. Đọc Tin Mừng để thấm nhuần các nhân đức của Chúa Giêsu rồi "đọc lại" của cuộc sống (xem) trong ánh sáng của Tin Mừng (xét) để nghĩ, nói và làm những gì có lẽ Chúa Giêsu đã nghĩ, đã nói, đã làm trong các trường hợp tương tự (làm)
5. Thường huấn về đường thiêng liêng
6. Tĩnh tâm hàng năm.
 
Loan báo Tin mừng cho người thân cận và loan báo cho họ thế nào?
 
          Anh Charles de Foucauld khởi đi từ công thức trong Kinh Thánh “ yêu người thân cận” phân biệt 2 loại người đồng loại, người thân cận gần đó là  những người bà con lối xóm và những người ở xa hơn.
 
          Dù gần hay xa, người thân cận này là người anh em của tôi. Để  nói và để sống điều đó, anh Charles đã dựa trên 3 câu nói của Kinh Thánh sau đây : “ Các con chỉ có một Cha là Đấng ngự trên trời ”, “Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài”, “ Tất cả những gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này, là các con làm cho chính Ta” (x.Nội quy, số 28 và Sách chỉ nam, số 21) . Từ đó anh rút ra bổn phận cao cả và một đức ái phổ cập đối với hết mọi người, bổn phận của đức ái bao gồm bổn phận phải loan báo tin mừng, phải “hoán cải các tâm hồn còn xa lạ với Chúa Giêsu và đặc biệt là những người chưa có đức tin”.
 
          Anh Charles đã trình bày liên kết nghĩa vụ này với trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ đối với con cái của họ, với một ý niệm mãnh liệt về trách nhiệm: khởi đầu từ gia đình cơ bản, kế đến là gia đình mở rộng, rồi tới quê hương là đại gia đình, tới các xứ thuộc địa đó là phần đất mở rộng của quê hương, không quên các dân tộc mà các xứ công giáo không quan tâm tới và họ như các trẻ em khuyết tật của một gia đình mà cha mẹ, anh chị em chúng hết lòng yêu thương và đặc biệt lưu tâm.
 
Đồng loại gần …
 
          “ Hoán cải những người sống chung quanh chúng ta như bà con, bạn bè, người lối xóm, những kẻ quen biết có đạo hay không có đạo “ (Điều lệ năm 1916, III. Phương thế số 2).
 
          Phải lưu ý rằng trong số các xác tín lớn của Anh Charles về việc loan báo Tin mừng, có dữ liệu quan trọng này là việc gây ảnh hưởng nơi bà con thân thuộc. Loan báo tin mừng như anh quan niệm, được thực hiện bằng việc tỏa sáng, bằng gây ảnh hưởng hay phổ biến, bằng sự lây lan, hay có thể nói bằng “khoa mao dẫn học”; hay bằng sự thẩm thấu, bởi vì anh nói “ về việc cải thiện các tâm hồn, về dùng Thánh Tin Mừng mà làm cho các linh hồn ấy thấm nhiễm dần dần, và như thế chuẩn bị họ sẵn sàng đón nhận tin mừng trọn vẹn ” (Sách chỉ nam, điểu 23-26).
 
          Chúa Giêsu ở Nazareth chiếu tỏa Tim Mừng ra chung quanh mình bằng các nhân đức, và cũng thế, chính trong cuộc sống công khai mà Người đi khắp nơi ban bố ơn lành (Anh Charles dễ dàng trích dẫn Cvsđ 10,38 qui pertransit benefaciendo).
 
          Việc rao giảng Tin Mừng vào thời các Thánh Tông Đồ và thánh Phaolô cũng đã được thực hiện theo cách đó: ngay tại các “tư gia” hay các buổi hội nhóm kiểu gia đình, trong các buổi họp huynh đệ, trong các cuộc giao tiếp ngắn, Hội thánh tụ họp tại nhà anh chị Priscilla và Aquila (Cv 16,5 và 1C 16,19) là một trong những trích dẫn mà anh Charles ưa thích trong các dự án truyền giáo của mình, chẳng hạn câu này “ trước hết, cũng như các tín hữu của Hội thánh thời sơ khai, họ chỉ có một lòng, một ý ” (Sách chỉ nam, số 38,9).
 
          Anh Charles cũng khuyên nhủ em gái và gia đình cô theo hướng đó. Ví dụ, đây là một đoạn trong thư gửi cho người cháu là Louis Foucauld ngày 07.12.1911, khi cậu ta quyết định định cư tại Périgord như sau :
          “ Bác chúc mừng cháu đã tậu được căn nhà Renaudie; theo ý bác, cháu có thể làm tốt hơn nữa vì tương lai của con cái. Được sinh trưởng ở vùng quê, chúng sẽ nhìn cuộc sống dưới nhiều khía cạnh cách nghiêm túc, bởi vì : gương mẫu đời sống phù phiếm vô tích sự mà nhiều bạn trẻ đang sống ở Paris là một liều thuốc độc. Người ta có cố sức để làm gương cho lũ trẻ cũng vô ích, dù có nhiều thầy giáo tốt bao quanh, có dạy chúng bằng vô vàn những lời giáo huấn tốt lành đi chăng nữa, thì cũng khó để mà những điều tốt đẹp này ít nhiều khỏi bị chìm đắm và bị cơn đại hồng thủy đời sống phù phiếm đang tràn ngập tại Paris cuốn trôi. Bên cạnh những gương tốt nơi gia đình, trẻ em còn cần được nhìn thấy những gương lành của kẻ khác nữa, chúng càng có sức lôi cuốn đối với giới trẻ : người ta có thể buồn lòng, nhưng không ngạc nhiên khi thấy chúng bắt chước theo. Ngay từ nhỏ chúng sẽ kết nối được nhiều tình bạn sẽ kéo dài suốt đời với những đứa trẻ cùng trang lứa, cùng quê mà cha mẹ chúng đã trở thành bạn thân với nhau, còn lũ trẻ sẽ trở thành bạn thân với nhau. Chúng sẽ được bao bọc bằng tình bạn của những cụ già, những người bạn xưa của gia đình, bằng tình bạn của các bạn thân của cha mẹ chúng, bằng tình bạn của các bạn trẻ của chúng. Chúng sẽ loại bỏ được những mối liên hệ thuần thế tục và rất lạnh lùng của biển đời này là thành phố Paris, và đến lượt chúng, với một chút tỏa sáng, chúng sẽ có được, một cách khác, những mối tình bạn bền vững, lành mạnh và dịu dàng. Chúng sẽ gắn bó với các nông dân, hiểu biết họ tất cả, nhìn biết họ là ai bằng cái nhìn của một kitô-hữu, một sự mở rộng của gia đình. Chúng yêu thương họ và cư xử tốt với họ qua những gặp gỡ thường ngày, chúng sẽ cảm thấy sự thật, sự công bình  và sự dịu dàng của giới răn “ yêu thương người thân cận như chính mình” và chúng sẽ coi việc làm ơn làm phước cho người khác như là công việc chính yếu của cuộc đời mình: “ pertransivit benefaciendo!” […] Không phải bằng lời nói hay bằng chữ viết mà người ta có thể làm được nhiều điều tốt, mà chính bằng đời sống tốt, bằng yêu thương, bằng cách coi các nông dân như con cái của mình, và bằng cách lôi kéo họ đến với mình, bằng cách lấy tình thương mà giáo dục họ chúng ta mới có thể gợi hứng cho họ. Chính đó là cuộc sống phải được khởi đầu tại nước Pháp, nếu chúng ta muốn cứu thoát quê hương chúng ta. Người Pháp không còn dã man như người Touaregs nữa. Nếu cháu biết được rằng bác đã sống với mọi người láng giềng của bác trong tình thân hữu tốt đẹp, trong những mối tương giao tuyệt vời và êm dịu biết chừng nào.
 
          Cũng trong chiều hướng đó, anh đã coi bài viết của René Bazin là giá trị nhất (đăng trong báo Écho de Paris số ra ngày 22.01.1916), trong đó ông này nói về vai trò quan trọng của một nhà quí tộc công giáo từ thành phố về vùng quê để lập nghiệp.
 
          Chính anh dã sống theo lối tương quan kiểu này ở Tamanrasset với các người bà con lối xóm và bạn hữu (x. Sách chỉ nam, đ.36). Lối tiếp cận truyền giáo này là hoàn toàn có tính thời sự và nó phải gợi hứng tới mức cao nhất cho các môn đệ của anh Charles, những kẻ muốn giao thiệp với những người lối xóm và bạn hữu họ gặp mỗi ngày .
 
          Theo hướng này, chúng ta đừng quên việc giao tiếp bằng thư tín như là một phương thế ưa thích của anh Charles để “ mưu ích cho các linh hồn “  và loan báo tin mừng cho họ. Về phương diện này, anh có biệt tài thiêng liêng là biết viết sao cho phù hợp để thăng tiến họ cả về phần thiêng liêng lẫn nhân bản.
 
Đồng loại xa hơn
 
          Đức ái không có chút gì hẹp hòi “ nó ôm trọn tất cả những ai mà Trái Tim Chúa Giêsu ôm ấp “ (thư gửi J. Hours, này 03.05.1912). Vì vậy nó vươn tới người đồng loại đang sống “ tận những nơi xa xôi “. Cụ thể, đối với anh Charles đó là các lương dân của các xứ thuộc địa ở miền nam Algérie mà người Pháp đô hộ hồi đầu thế kỷ 20, nhưng anh cũng không quên các người ngoại giáo ở các miền khác bị bỏ rơi về mặt tinh thần.
 
          Đối với những “ kẻ ở xa “ này, theo anh Charles thì hoạt động truyền giáo ban đầu, việc loan báo tin mừng lúc khởi đầu, là tiếp xúc trực tiếp với họ, đến tận nơi mà Tin Mừng chưa được loan báo, hiện diện tại những nơi Tin Mừng chưa chạm tới, dâng lễ ở đó, dựng lên một Nhà Tạm tại đó; sở dĩ vì anh ý thức về việc đem Giáo Hội đến hiện diện ở những nơi mà Giáo Hội chưa có mặt từ sau ngày Lễ Ngũ Tuần : Giáo Hội làm nên Thánh Thể… trước giả thuyết cho là anh không thể cử hành Thánh lễ vì anh sống đơn độc một mình, anh phản ứng lại bằng chủ trương con người là đại diện của Giáo hội và anh tự ví mình như các tông đồ và các thánh khi xưa là những đấng được đặc ân tiên phong đến những vùng đất ngoại giáo để đưa Giáo hội đến hiện diện ở nơi đó, đã từ bỏ quyền dâng lễ ngay lập tức tại những nơi này.
 
          Vả lại, cử hành Thánh Thể trong một nơi, nhất là khi đó là lần đầu tiên, thiết lập một Nhà Tạm tại đó, chính là làm cho Chúa Giêsu được nhập thể vào nơi đó, (“ Đây là mình Ta “) ; đó chính là tạo điều kiện để Chúa Giêsu cư ngụ tại đó ( “ Et Verbum caro factum est et habitavit “) cũng như Người đã thực sự cư ngụ ở làng Nazareth; đó cũng như Người ở trên đồi Can-vê xưa (Sách chỉ nam, số 12) và Mầu nhiệm vượt qua : Khổ nạn – Phục sinh – Hiện xuống được cử hành cách bí tích và làm cho mầu nhiệm ấy được hiện tại hóa lúc này và tại đây; đó chính là làm cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc muôn dân, Người anh em đại đồng, trở thành một người gốc Béni-Abbès, một người thổ dân touareg ở Tamanrasset, một người bản địa đúng theo nghĩa nguyên thủy của từ ngữ ấy; đó chính là cho phép Người trở thành người Anh cụ thể trong kiếp người với người dân địa phương; đó chính là làm cho Người  “ chiếm hữu lãnh địa của Người “ vì : Thánh Thể làm nên Giáo Hội …
 
          Đối với một xứ chưa được loan báo tin mừng, anh mơ ước một “tổ chức” gồm những người công giáo hoạt động tích cực. Nhưng trong “ hoạt động “ này, lại không hệ tại “ làm bất cứ một việc gì “. Anh Charles de Foucauld ca tụng việc biện phân; anh chọn lối loan báo tin mừng “ thích nghi” và việc tiếp cận trực tiếp giữa người với người để loan báo tin mừng (x. những từ ngữ được nhân cách hóa: trong toàn thể nhân loại, trong hết mọi linh hồn, trong mọi người), điều gì bao gồm việc xác định rõ ràng một hoàn cảnh, giúp nhận biết một vùng đất, và giúp đi tới dần dần với từng người ở đấy, điều tiết hành động tùy theo khả năng của kẻ đang đứng trước mặt mình… Và phải nhẫn nại, bởi vì có nhiều đường lối phải sử dụng để tiếp cận với những kẻ cần được loan báo tin mừng. Do đó anh thường dùng những kiểu nói ám chỉ đến việc “ khai hoang” cần phải có thời gian, nhưng với niềm tín thác tuyệt đối vảo Thiên Chúa, Đấng muốn cho mọi người được ơn cứu độ. Vì thế, với nhiều người, anh Charles dừng lại với chủ trương ban đầu về điều mà anh gọi là “đạo tự nhiên”.
 
          Để loan báo tin mừng cho các dân tộc này, Giáo hội đã chỉ định các người thợ tông đồ rồi, đó là các Cha và các Dì Phước dòng Trắng ở tại Sahara, mà theo anh Charles, chính họ là các nhà “thừa sai”. Quý Anh Chị thành viên của Hiệp Hội chỉ hỗ trợ các ngài với danh nghĩa là các người phụ tá. Ngoài ra, cũng chính trong vị thế trợ giúp công việc Truyền giáo chính thức này, mà anh Charles thi hành chức vụ như một “linh mục tự do”, anh tự đặt vị trí cho chính mình : nếu anh đến với thổ dân touaregs, chính bởi vì anh là người duy nhất có thể đến đó và từ đó anh gửi cho các Cha Trắng, những vị có trách nhiệm đầu tiên của việc Truyền giáo tại Sahara, những chỉ dẫn có thể hữu ích cho các ngài sau này; cũng chính để giúp đỡ các vị thừa sai tương lai mà anh đã làm công việc của một nhà dân tộc học và chuẩn bị dụng cụ ngôn ngữ học… Vị thế trợ tá cho các nhà truyền giáo này giúp chúng ta hiểu thuật ngữ của anh Charles khi nói mình muốn trở thành thầy dòng hơn là nhà truyền giáo, hay lả tu-sĩ-truyền-giáo. Thực ra, anh muốn phục vụ cho công việc Truyền giáo của Giáo hội theo một qui chế và một chế độ riêng. Anh làm việc truyền giáo ở đó theo một cách thế riêng : chúng ta ở đó theo trực giác, theo tiếng gọi truyền giáo, theo ơn gọi đặc biệt của anh là bắt chước Chúa Giêsu ở Nazareth, đó chính là sứ vụ và đoàn sủng thiêng liêng của anh.
 
          Để nói về trực giác tông đồ này của anh Charles, chúng ta hãy lấy một đoạn trích trong các ghi chú của anh ngày 17.05.1904, nhân chuyến đi đầu tiên của anh đến với người Touaregs, chúng ta sẽ thấy, theo anh, “Chúa Giêsu chiếm hữu lãnh địa của Người” ở đó như thế nào và anh phải hành sử như thế nào : Quomodo – Làm thế nào ? Cách âm thầm, kín đáo, như Chúa GIÊSU ở Nazareth, cách ẩn kín như Người “bước đi như kẻ vô danh trên trái đất này, như người lữ hành trong đêm”, “aquae Salvatoris vadunt cum silentio -  nước của Đấng Cứu Thế âm thầm tuôn chảy”, cách nghèo khó, lam lũ, khiêm hạ, dịu hiền, ban phát ơn lành như Người, “transiens benefaciendo”; tha thứ và lặng câm trước bất công như Người, để tôi nên như Con Chiên thánh, không chống cự khi bị xén lông và đem đi làm thịt, không lên tiếng, bắt chước Đức GIÊSU ở Nazareth và Đức GIÊSU trên Thập giá trong mọi sự. […] Quomodo ? Nhất là bằng yêu thương […] Và khi làm cho tình yêu vĩ đại này của THIÊN CHÚA và của Đức GIÊSU tuôn chảy. chiếu tỏa trên tất cả mọi người “vì họ mà Đức Kitô đã chịu chết”; “ được cứu chuộc bằng giá đắt ”; bằng cách “ yêu thương họ như Người đã yêu thương “ và bằng cách làm hết khả năng, những gì Người đã làm ở Nazareth để cứu rỗi các linh hồn. để thánh hóa, an ủi và xoa dịu họ, trong Người, nhờ Người, như Người…”( Sổ tay Béni-Abbès, nxb Nouvelle Cite, tr.103-104).
 
          Các Phương thế và Thực hành
         
          Dù đối với người đồng loại gần bên hay ở những nơi xa, thì “các phương thế tổng quát hay đặc thù để hoán cải các tâm hồn còn ở xa Chúa Giêsu và đặc biệt là các người ngoại giáo” thì cũng như nhau. Cha An-rê sẽ trình bày cho các bạn bằng vô số các trích dẫn: vì vậy tôi sẽ dừng lại ở một vài chú thích về điều 28 của Sách chỉ nam, và “ Những thực hành “ được nêu lên trong tập Điều Lệ năm 1916 dành cho các Anh Chị Hiệp hội Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chắc chắn tổ chức Truyền Giáo của Giáo Hội không còn cơ cấu giống như của những năm 1900-1916 nữa, nhưng “các phương tiện và các thực hành”, biểu lộ những xác tín của anh Charles, có thể vẫn còn tính thời sự động viên mọi tín hữu kitô muốn phục vụ trong một Giáo hội luôn luôn sống trong tình trạng truyền giáo.
 
          Sau việc tôn thờ Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể (phương thế 1 và 2), và việc thánh hóa bản thân (phương thế 3), như đã trình bày ở trên, anh nhấn mạnh đến các phương thế sau đây: cầu nguyện, sám hối, làm gương sáng, lòng tốt, tình bạn.
 
          -        Cầu nguyện (phương thế 4). Anh Charles lặp lại biết bao nhiêu lần việc cầu nguyện khẩn xin Chúa Cha “cho Nước cha trị đến’ phải tin tưởng và liên tục :” Ước chi đời sống chúng ta là một cuộc đời cầu nguyện không ngừng” . Hơn nữa, anh đề xuất để việc Truyền giáo bằng việc cầu nguyện trở thành đặc biệt chúng ta có thể nói là “ do lòng sùng kính”. Có 2 kinh nguyện rất đặc biệt đối với anh là : Kinh Truyền Tin, tưởng niệm mầu nhiệm Nhập thể và lời loan báo Tin Mừng trước tiên, của việc ươm mầm Loan báo Tin Mừng, và lời Kinh khẩn nguyện Chúa Thánh Thần xin Ngài thiết lập Nước ngài trong tâm hồn họ”.
 
  • Sám hối (phương thế 5). Đó là “Thập giá” được đón nhận trong tinh thần phó thác và vâng phục Thánh ý Chúa Cha như Chúa Giêsu trên thánh giá, và được sống trong viễn cảnh truyền giáo. Dưới từ ngữ “sám hối” (hay “hy sinh”, là một nhân đức của Chúa Giêsu trong Mẫu Gương Duy Nhất), anh Charles nói về một phần của những “thập giá” do Thiên Chúa an bài và phần khác do những hành vi hãm mình tự nguyện (ăn chay và chịu những thiếu thốn, thức khuya và những việc đền tội khác…) : 2 loại khổ đau này là “ thập giá”, một từ tóm kết thái độ của Chúa Giêsu “sám hối” từ khi sinh ra và sống trong từ bỏ cho đến chết trên một cây thập giá.
 
  • Gương sáng (phương thế 6). Khi viết :” họ phải là một cuốn Tin Mừng sống “, tất nhiên là anh Charles nhắm tới hạnh kiểm gương mẫu của các kitô hữu đang sống giữa các cư dân vùng sahara mà đa số theo hồi giáo, nhưng anh thường nhấn mạnh là để ngay tại Pháp nữa, người ta cũng phải làm gương sáng cho những người sống chung quanh mình, bởi vì, theo anh, ở đấy tâm tính triển nở, nhưng đức tin lại suy yếu. Bên Pháp, hồi đó chính là một “ – la Belle Epoque - Thời kỳ hão huyền” nổi bật do sự thoải mái của các tầng lớp khá giả, chuộng xa xỉ, do điều kiện dễ dàng và tính phù phiếm, tiền bạc dễ dàng, làm phương hại đến các nhân đức truyền thống (tôn trọng quyền bính, tinh thần gia đình, tình yêu trái đất, thích tiết kiệm), nhất là phương hại đến các nhân đức nền tảng của Tin Mừng. Cung cách sống thông thường và dễ nhận thấy nhất của người tín hữu kitô, theo anh Charles, chính là thể hiện các nhân đức tin mừng như khiêm hạ, khó nghèo và sám hối.
 
  • Lòng nhân từ - (tốt) (phương thế 7). Để nói về lòng tốt như anh Charles nhắm tới, chúng ta phải qui chiếu về đức ái, cái “TÌNH YÊU” nơi cái biểu tượng của anh và việc anh nhấn mạnh tới 2 giới răn Mến Chúa và Yêu người, mà đối với anh, đó là 2 nhân đức của Đấng là Mẫu Gương Duy Nhất mà chúng ta phải bắt chước. Bởi vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”- Deus Caritas est (1Ga 4,8) và “JESUS CARITAS [est] – Giêsu là Tình yêu, mọi người em của Giêsu phải đầy lòng bác ái. Anh thích kiểu nói này của Cha Bossuet : ” Khi tâm hồn ta đầy tràn Chúa Giêsu, ta cũng đầy lòng bác ái”. Để truyền thông một chút gì của Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, không bằng lời nói, chúng ta phải là chứng nhân của lòng nhân từ: ” chính đời sống chúng ta phải nói lên “lòng nhân từ”. Bởi vì chúng ta phải nhìn thấy “ Chúa Giêsu trong tất cả mọi người “. (x. Điều gì các con làm cho một trong những kẻ hèn mọn nhất này, là các con làm cho chính Ta…), theo lá thư anh gửi cho J. Hours ngày 03.05.1912, chúng ta phải tuyệt đối “ từ bỏ thái độ gây hấn “, nghĩa là mọi hình thức nhiệt tình lôi kéo người ta theo đạo, đều là một sự cưỡng bức đối với Chúa Giêsu, “ hãy sống bác ái, dịu hiền và khiêm tốn “, “ hãy là một người anh em dịu dàng đối với mọi người, để dần dần dẫn đưa các linh hồn ấy về với Chúa Giêsu bằng cách thực hành tính dịu hiền của Chúa Giêsu ”. Phải lưu ý tầm quan trọng của đức dịu hiền nơi anh Charles, mà anh cũng gọi là sự ngọt ngào, dựa vào lời thánh vịnh sau đây :” Suavis est Dominus “ – (chẳng hạn Tv 33,9, ngày nay người ta dịch là Chúa tốt lành, chứ không dịch là ngọt ngào nữa khi qui chiếu về khia cạnh thấu triệt ý nghĩa hơn là về trí tuệ). Trong kỳ tính tâm tháng 11/1897, khi suy niệm về đức ái và tình yêu tha nhân, anh trưng dẫn, sau sự tốt lành của Chúa Giêsu, là sự tốt lành của một “người cha”, đó là Cha Huvelin, người đã loan báo tin mừng cho anh, ngài “tốt vô cùng”, cũng như lòng tốt của Thánh Phaolô, gương mẫu của anh, đấng dạy anh sống “dịu dàng, nhiệt tình, say mê các linh hồn, vui với người vui, khóc với người khóc, trở nên tất cả cho mọi người để chinh phục được mọi người “ (Chỗ rốt cùng, nxb Nouvelle Cité, 2002, tr.149-151).
 
  • Tình bạn (phương thế 8). Tình bạn là một biểu hiện của lòng nhân từ… nếu cần, nó có thể khởi đầu bằng sự làm quen dần với các cá nhân và dân chúng. Để được thế, chúng ta phải “ hòa mình với họ, sống với họ qua việc tiếp xúc thân mật và gần gũi “. Chúng ta lưu ý trong từ truyền giáo và người loan báo tin mừng của anh, từ vựng tiếp xúc này rất thường được lặp lại – chúng ta có thể xác nhận điều đó nơi các thư anh gửi cho J. Hours – với những phẩm tính nhấn mạnh đến các yêu sách của chân lý và cường độ như : thân mật, gần gũi, thi ân, mật thiết, thường xuyên, trìu mến , v.v…Tình bạn, sự tiếp xúc, “sống với họ” giả thiết là chúng ta phải học và nói ngôn ngữ của họ, và anh Charles đã là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta; điều đó cũng giả thiết là chúng ta phải chú ý tới nhu cầu của từng người, và cũng về điểm này, khi ở Béni-Abbès và ở Hoggar anh Charles đã cố gắng thực hiện với hết khả năng của mình cả về phương diện vật chất: ” phân phát “ lương thực, quần áo, thuốc men, xây dựng nhà cửa bằng vật liệu cứng… lẫn phương diện xã hội như : khuyến khích làm việc thủ công và nông nghiệp, huấn nghệ, tổ chức các phương tiện truyền thông, nhắc nhở mọi người chấp hành Luật pháp và Trật tự công cộng, v.v…Tất cả các công việc đó được anh thâu tóm vào cụm từ : “truyền giáo bằng lòng tốt” sau khi đã gửi cho cha Huvelin xem năm 1909, anh ghi chú như sau :” Việc tông đồ của tôi là làm tông đồ bằng lòng tốt. Khi thấy tôi, người ta có thể nói “ Bời vì ông này tốt như vậy, thì hẳn đạo của ông ấy phải là đạo tốt ”. Nếu người ta hói tại sao tôi dịu hiền và sống tốt như vậy, tôi phải nói :” Bởi vì tôi là người phục vụ cho một kẻ tốt lành hơn tôi. Giá mà các bạn biết Thầy GIÊSU của tôi tốt lành biết bao “.
 
Trong những xác tín của Anh Charles de Foucauld về việc loan báo Tin mừng, chúng ta còn phải nghiên cứu về vị trí mà anh đặt nơi Mầu nhiệm Thăm Viếng, và ý nghĩa của việc anh liên lỉ chọn “ Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trong mầu nhiệm Thăm Viếng ” làm bổn mạng các Huynh đoàn, rồi bổn mạng của Liên hội (Nội qui, ch.15; Sách chỉ nam, đ.16; Điều lệ năm 1916,7). Mong rằng việc trưng dẫn trên cùng với câu cốt yếu sau đây đủ để trình bày về linh đạo Thăm Viếng của anh: “ Không được Thiên Chúa ban ơn gọi rao giảng bằng lời, chúng ta thánh hóa và rao giảng cho các dân tộc trong sự thinh lặng như rất thánh Trinh Nữ đã thánh hóa và rao giảng trong thinh lặng tại nhà của Thánh Gioan bằng cách đem Chúa Giêsu đến đó, thực hành các nhân đức của Người ở đó “ (Nội quy ch.3, tr.116-117).
 
Pierre Sourisseau
19.04.2011

Tác giả: Pierre Sourisseau

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây