Thư chung số 150 - 03/2023

Thứ năm - 23/02/2023 01:21
Thư Chung số 150 - 03/2023
Thư chung số 150 - 03/2023
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 150 / Năm XIII
                    * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 03/ 2023
-------------
TÔNG HUẤN
GAUDETE ET EXSULTATE
 

Phan Rang, ngày 20.02.2023

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

            Tháng kính Thánh Cả Giuse – Bổn mạng của Tu Hội. Xin anh chị em sốt sắng mỗi ngày đọc một bài suy niệm trong sách “Tháng kinh Thánh Giuse” để chúng ta học hỏi các nhân đức của Ngài. Ngoài ra, mỗi tối xin anh chị em đọc thêm 1 kinh Lạy Cha cầu cho nhau và choTu Hội.

            Tháng này, chúng ta học hỏi tiếp Chương 1 của Tông Huấn Gaudete et Exsultate.

            Chương 1 (tiếp theo)

CŨNG CHO ANH CHỊ EM

14.  Ðể nên thánh không buộc phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ.  Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện.  Trường hợp đó không đúng.  Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống.  Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư?  Hãy nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui.  Anh chị em đã kết hôn ư?  Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh.  Anh chị em làm việc để kiếm sống ư?  Hãy nên thánh bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em mình.  Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư?  Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu cách theo Chúa Giêsu.  Anh chị em ở địa vị có thẩm quyền ư?  Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân [14].

15.  Hãy để ân sủng của bí tích Rửa Tội của anh chị em sinh hoa trái trên con đường nên thánh.  Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; hướng về Ngài trong mọi tình huống.  Đừng lo sợ, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần cho phép anh chị em làm điều này, và cuối cùng, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của anh chị em (x. Ga 5: 22-23).  Khi anh chị em cảm thấy bị cám dỗ ở lỳ trong sự yếu đuối của mình, thì hãy ngước mắt nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh và thưa: “Lạy Chúa, con là một kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng Chúa có thể làm phép lạ để làm cho con tốt hơn một chút”.  Trong Hội Thánh, tuy thánh thiện, nhưng bao gồm những người tội lỗi, anh chị em sẽ tìm thấy mọi điều anh chị em cần để lớn lên theo hướng thánh thiện.  Chúa đã ban cho Hội Thánh các món quà Thánh Kinh, các bí tích, các nơi thánh, các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và vẻ đẹp đa diện, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, “như một cô dâu trang điểm với đồ trang sức” (Is 61:10).

16.  Sự thánh thiện này mà Chúa mời gọi anh chị em sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ.  Đây là một thí dụ: một phụ nữ đi mua sắm, chị ấy gặp một người hàng xóm và họ bắt đầu nói chuyện, và việc bép xép bắt đầu.  Nhưng chị ấy tự nhủ trong lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu ai cả”.  Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện.  Sau đó, ở nhà, một trong những đứa con của chị muốn nói chuyện với chị về những hy vọng và ước mơ của nó, và mặc dù mệt mỏi, chị ấy ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và tình yêu.  Đó là một sự hy sinh khác mang lại sự thánh thiện.  Sau đó, chị trải qua một vài lo âu, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, chị lấy tràng hạt ra và cầu nguyện bằng đức tin.  Một con đường nên thánh khác.  Rồi chị ra đường, gặp một người nghèo và dừng lại để nói một lời tử tế với người ấy.  Thêm một bước nữa.

17.  Đôi khi, cuộc sống đặt ra những thách đố lớn.  Qua chúng, Chúa lại một lần nữa mời gọi chúng ta đến một sự hoán cải có thể làm cho ân sủng của Người trở nên rõ ràng hơn trong cuộc sống của mình “ngõ hầu chúng ta có thể chia sẻ sự thánh thiện của Người” (Dt 12:10).  Vào những lúc khác, chúng ta chỉ cần tìm một cách hoàn hảo hơn để làm những gì chúng ta đang làm: “Có những sự linh hứng chỉ hướng đến việc hoàn thiện hoá một cách phi thường những điều bình thường chúng ta làm trong cuộc sống” [15].  Khi Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã không chịu lãng phí thì giờ chờ đợi ngày ngài được trả tự do.  Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, và làm cho nó đầy tình thương”.  Ngài quyết định: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội hiện diện mỗi ngày; Tôi sẽ hoàn thành các hành động bình thường một cách phi thường” [16].

18.  Bằng cách này, được ân sủng của Thiên Chúa hướng dẫn, chúng ta hình thành bằng nhiều cử chỉ nhỏ bé sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta, không phải như những người chỉ làm đủ cho chính mình, mà như “những người quản lý tốt của ân sủng đa dạng của Thiên Chúa” (1 Phr 4:10).  Các giám mục Tân Tây Lan đúng khi dạy chúng ta rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì Chúa Phục Sinh chia sẻ sự sống mãnh liệt của Người với đời sống mỏng manh của chúng ta: “Tình yêu của Người không có giới hạn và, một khi được ban cho, thì không bao giờ bị lấy lại.  Nó không có điều kiện và vẫn trung tín.  Để yêu như thế không phải là dễ dàng bởi vì chúng ta thường quá yếu đuối.  Nhưng chỉ thử yêu như Đức Kitô yêu thương chúng ta cho thấy rằng Đức Kitô chia sẻ sự sống lại của Người với chúng ta.  Bằng cách này, đời sống của chúng ta chứng tỏ quyền năng của Người đang hoạt động - ngay cả trong sự yếu đuối của con người” [17].

SỨ VỤ CỦA ANH CHỊ EM TRONG ĐỨC KITÔ

19.  Một Kitô hữu không thể nghĩ đến sứ vụ của mình trên thế gian mà không nhìn thấy nó như một con đường để nên thánh, vì “đây là ý muốn của Thiên Chúa, sự thánh hóa của anh em” (1 Tx 4:3).  Mỗi vị thánh là một sứ vụ, được Chúa Cha dự định để phản ánh và hiện thân, ở một thời điểm cụ thể trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng.

20.  Sứ vụ ấy có ý nghĩa trọn vẹn nhất trong Đức Kitô, và chỉ có thể hiểu được qua Người.  Ở cốt lõi của nó, sự thánh thiện là việc trải nghiệm, trong sự kết hợp với Đức Kitô, những mầu nhiệm của cuộc đời Người.  Nó bao gồm việc kết hợp chúng ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa bằng một phương cách độc đáo và cá nhân, liên tục chết và sống lại với Người.  Nhưng nó cũng có thể đòi hỏi phải tái tạo trong cuộc sống của mình những khía cạnh khác nhau của cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: cuộc sống ẩn dật, cuộc sống của Người trong cộng đồng, gần gũi với những kẻ bị bỏ rơi, nghèo đói và những cách khác mà Người đã diễn tả tình yêu tự hiến của Người.  Sự chiêm niệm về những mầu nhiệm này, như Thánh Ignatiô thành Loyola đã chỉ ra, dẫn chúng ta đến việc nhập thể chúng trong những lựa chọn và thái độ của mình [18].  Bởi vì “mọi sự trong đời sống của Chúa Giêsu là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người” [19], “toàn thể đời sống của Đức Kitô là mặc khải về Chúa Cha” [20], “toàn thể cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc” [21], ‘toàn thể cuộc đời Đức Kitô là một mầu nhiệm về việc đồng quy [về Đức Kitô]” [22].  “Đức Kitô cho phép chúng ta sống trong Người tất cả những gì chính Người đã sống, và Người sống nó trong chúng ta” [23]. 

21.  Kế hoạch của Chúa Cha là Đức Kitô, và chính chúng ta trong Người.  Cuối cùng, chính Đức Kitô là Đấng yêu thương trong chúng ta, vì “sự thánh thiện không là gì khác hơn là đức ái được sống trọn vẹn” [24].  Kết quả là, “thước đo sự thánh thiện của chúng ta xuất phát từ tầm vóc mà Đức Kitô đạt được trong chúng ta, đến mức độ mà, do quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta dùng Người làm mẫu mực cho cả cuộc đời mình” [25].  Mỗi vị thánh là một sứ điệp mà Chúa Thánh Thần lấy từ sự sung mãn của Chúa Giêsu Kitô và ban cho dân Người.

22.  Để nhận ra lời mà Chúa muốn nói với chúng ta qua một trong các vị thánh của Người, chúng ta không cần phải bận tâm đến các chi tiết, vì ở đó chúng ta cũng có thể gặp các sai lầm và thất bại.  Không phải mọi sự một thánh nhân nói đều hoàn toàn trung thành với Tin Mừng; không phải tất cả những gì ngài làm đều xác thực hay hoàn hảo.  Điều chúng ta cần phải chiêm ngắm là toàn thể cuộc đời, toàn thể cuộc hành trình lớn lên trong sự thánh thiện, việc phản chiếu Chúa Giêsu Kitô xuất hiện khi chúng ta hiểu được ý nghĩa tổng thể của các ngài như một con người [26].

23.  Đây là một lời triệu tập mãnh liệt cho tất cả chúng ta.  Anh chị em cũng cần phải nhìn toàn thể cuộc đời của mình như một sứ vụ.  Hãy cố gắng làm thế qua việc lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra các dấu chỉ mà Ngài ban cho anh chị em.  Hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần điều mà Chúa Giêsu mong đợi ở anh chị em từng giây phút của cuộc đời anh chị em và trong mỗi quyết định của anh chị em, để phân biệt vị trí của nó trong sứ vụ mà anh chị em đã nhận được.  Hãy để cho Chúa Thánh Thần rèn đúc trong anh chị em mầu nhiệm cá nhân có thể phản chiếu Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay.

24.  Chớ gì anh chị em nhận ra lời ấy là gì, sứ điệp của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới bằng đời sống của anh chị em.  Hãy để cho mình được biến đổi.  Hãy để cho mình được Chúa Thánh Thần đổi mới, ngõ hầu điều này có thể xảy ra, nếu không thì anh chị em thất bại trong sứ vụ cao quý của mình.  Chúa sẽ mang nó đến hoàn thành bất chấp các lỗi lầm và sơ xuất của anh chị em, với điều kiện là anh chị em không từ bỏ con đường yêu thương mà vẫn luôn mở lòng ra cho ân sủng siêu nhiên của Người, là điều thanh lọc và soi sáng.

HOẠT ĐỘNG THÁNH HOÁ

25.  Cũng như anh chị em không thể hiểu được Đức Kitô ở ngoài vương quốc mà Người đến để mang lại, vì vậy sứ vụ cá nhân của anh chị em cũng không thể tách ra khỏi việc xây dựng vương quốc ấy: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6:33).  Sự đồng hoá của anh chị em với Đức Kitô và ý muốn của Người liên quan đến cam kết cùng Người xây dựng một vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình phổ quát.  Chính Đức Kitô muốn cảm nghiệm điều này với anh chị em, trong tất cả các nỗ lực và hy sinh mà vương quốc này đòi hỏi, nhưng cũng trong tất cả niềm vui và sự phong phú mà vương quốc này mang đến.  Anh chị em không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không tự mình dấn thân, bằng cả thân xác lẫn linh hồn, để cố gắng hết sức cho nỗ lực này.

26.  Thật không lành mạnh khi yêu sự thinh lặng trong lúc chạy trốn việc tương tác với người khác, muốn được bình an và yên tĩnh trong khi tránh hoạt động, tìm cầu nguyện trong khi thờ ơ với việc phục vụ.  Tất cả mọi sự đều có thể được chấp nhận và hòa nhập vào cuộc sống của chúng ta trong thế giới này, và trở nên một phần của con đường nên thánh của chúng ta.  Chúng ta được mời gọi để làm người chiêm niệm ngay cả trong hành động và lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ vụ riêng của mình một cách có trách nhiệm và đại lượng.

27.  Chúa Thánh Thần có thúc giục chúng ta thi hành một sứ vụ và sau đó yêu cầu chúng ta từ bỏ nó, hoặc không hoàn toàn tham gia vào nó, để bảo vệ sự bình an nội tâm của mình không?  Tuy nhiên, đã có những lúc chúng ta bị cám dỗ để hạ thấp sự tham gia hoặc cam kết mục vụ trong thế gian vào vị thế thứ yếu, như thể chúng là “những trò tiêu khiển” dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện và sự bình an nội tâm.  Chúng ta có thể quên rằng “cuộc sống không có một sứ vụ, mà là một sứ vụ” [27].

28.  Không cần phải nói, bất cứ điều gì được thực hiện từ sự lo âu, tự hào hoặc nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện.  Chúng ta được thách đố để chứng tỏ sự cam kết của mình bằng một cách mà mọi sự chúng ta làm có ý nghĩa theo Tin Mừng và đồng hoá mình nhiều hơn với Chúa Giêsu Kitô.  Thí dụ, chúng ta thường nói về linh đạo của giáo lý viên, linh đạo của linh mục triều, linh đạo của công việc.  Cũng vì lý do đó, trong Evangelii Gaudium tôi đã kết luận bằng cách nói về một linh đạo của sứ vụ, trong Laudato Si' về một linh đạo môi sinh, và trong Amoris Laetitia về một linh đạo của đời sống gia đình.

29.  Điều này không có nghĩa là bỏ qua sự cần thiết của những giây phút yên tĩnh, cô tịch và im lặng trước Thiên Chúa.  Ngược lại.  Sự hiện diện liên tục của các vật dụng mới, sự kích động của việc du lịch và hàng loạt các hàng hoá tiêu thụ đôi khi không để cho tiếng nói của Thiên Chúa được lắng nghe.  Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui phiến diện và bởi một tiếng ồn ào càng ngày càng gia tăng, không được đổ đầy bằng niềm vui, mà bằng sự bất mãn của những người mà cuộc sống đã mất đi ý nghĩa.  Làm sao chúng ta không thể nhận ra nhu cầu phải chặn cuộc đua này lại và và phục hồi không gian cá nhân cần thiết để thực hiện một cuộc đối thoại chân thành với Thiên Chúa?  Tìm được không gian ấy có thể là điều đau đớn nhưng nó luôn luôn hiệu quả.  Sớm hay muộn, chúng ta cũng phải đối diện với chính con người thật của mình và để cho Chúa đi vào.  Điều này có thể không xảy ra trừ khi “chúng ta thấy mình đang nhìn chằm chằm vào vực thẳm của một cám dỗ đáng sợ, hoặc có cảm giác chóng mặt khi đứng bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng, hoặc tìm thấy mình hoàn toàn cô đơn và bị bỏ rơi” [28].  Trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta tìm thấy động lực sâu xa nhất để sống trọn vẹn cam kết của mình với công việc của mình.

30.  Cùng những trò tiêu khiển nhan nhản khắp nơi trên thế giới ngày nay cũng làm cho chúng ta có khuynh hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh rỗi của mình, để chúng ta có thể hoàn toàn đắm mình vào các công cụ cung cấp cho chúng ta việc giải trí hoặc những thú vui chóng qua [29].  Hậu quả là, chúng ta đến độ không bằng lòng với sứ vụ của mình, cam kết của chúng ta trở nên lỏng lẻo, và tinh quảng đại và sẵn sàng phục vụ của chúng ta bắt đầu giảm sút.  Điều này làm mờ đi cảm nghiệm tâm linh của chúng ta.  Liệu có nhiệt tình tâm linh nào có thể nên vững chắc khi ở bên cạnh sự suy nhược trong việc Phúc Âm hoá hay phục vụ người khác không?

31.  Chúng ta cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô độc và việc phục vụ của chúng ta, cuộc sống cá nhân của chúng ta và những nỗ lực Phúc Âm hoá của chúng ta, để mỗi giây phút có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt Chúa.  Bằng cách này, mỗi giây phút của cuộc đời chúng ta có thể là một bước đi dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện.

SỐNG ĐỘNG HƠN, NHÂN BẢN HƠN

32.  Đừng sợ sự thánh thiện.  Nó sẽ không lấy đi một năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của anh chị em.  Trái lại, anh chị em sẽ trở thành điều mà Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành anh chị em, và anh chị em sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình.  Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và dẫn chúng ta đến việc nhận ra phẩm giá cao quý của mình.  Chúng ta thấy điều này ở Thánh Giôsêphine Bakhita:  “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ khi mới lên bảy, chị đã chịu đựng rất nhiều trong tay của các chủ nhân độc ác.  Nhưng chị đã hiểu được chân lý sâu xa rằng Thiên Chúa, chứ không phải con người, là Chủ Nhân thật của mọi con người, của mọi sự sống con người.  Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan tuyệt vời cho người con gái khiêm tốn của châu Phi” [30].

33.  Theo mức độ mà mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, họ sẽ mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta.  Các giám mục Tây Phi đã nhận thấy rằng “chúng tôi đang được mời gọi trong tinh thần Tân Phúc Âm hóa để được Phúc Âm hóa và Phúc Âm hóa qua việc giúp đỡ tất cả các anh chị em, những người đã được Rửa Tội, gánh lấy vai trò của mình như là muối đất và ánh sáng thế gian ở bất cứ nơi nào anh chị em sống” [31].

34.  Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng.  Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.  Sự thánh thiện không làm cho anh chị em trở nên ít nhân bản hơn, vì nó là một cuộc gặo gỡ giữa sự yếu đuối của anh chị em và quyền năng của ân sủng của Thiên Chúa.  Vì theo lời của León Bloy, khi tất cả được nói và làm, “bi kịch lớn duy nhất trong cuộc đời là không trở thành một thánh nhân” [32].

(Còn tiếp)

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây