Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles (Bài II)

Thứ sáu - 05/05/2017 05:22
Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles (Bài II)
BÀI II
“Hãy làm như Người…”
 
  1. Dẫn nhập
 
Với những ai được hồng ân của Chúa và tác động của Thánh Thần kêu gọi một cách đại độ và mãnh liệt, để bước vào công việc hết sức “khó khăn” nhưng vô cùng cao cả là việc hoán cải và thánh hoá những “người chưa tin” và những kẻ tội lỗi, anh Charles đưa ra hai ‘phương thế’, theo cách nói của anh, hết sức mạnh mẽ và hiệu quả, chưa nói là không thể thất bại, đó là : Cầu nguyện và Thập giá.
 

Có thể hiểu được suy nghĩ ấy của vị Chân Phước của chúng ta nếu chúng ta đề cập tới cái trực giác cơ bản, nó đã soi chiếu và định hướng cho cả cuộc đời lẫn linh đạo của Anh và rõ ràng là nó phải “bao hàm mọi sự trong tình yêu”, bởi vì “tình yêu là tất cả”. “Tình yêu chứa đựng tất cả sự hoàn thiện” [1]. Tin rằng “mọi sự hoàn thiện đều hệ tại ở tình yêu”, Anh Charles đã chọn gói gọn cuộc đời mình, cả trong lẫn ngoài, vào trong tình yêu dành cho chính Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân “vì Chúa”. Đối với Anh, “hai tình yêu ấy phải luôn đi đôi với nhau”“Hai bổn phận ấy làm cho việc cầu nguyện trở thành mối quan tâm hàng đầu và liên tục trong đời sống của chúng ta : bởi lẽ cầu nguyện là hiệu quả đầu tiên, hiệu quả cần thiết nhất của tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa, (bởi vì mọi hành vi yêu thương, càng đi sâu vào bên trong càng trở thành cầu nguyện)…và nó là kết quả đầu tiên của tình yêu chúng ta dành cho tha nhân, (bởi vì nó là phương thế vừa dễ dàng vừa hiệu quả nhất để mang lại lợi ích cho họ)…Do đó, hai bổn phận cơ bản mến Chúa và yêu người buộc chúng ta phải nhìn nhận việc cầu nguyện như là hành vi quan trọng nhất, thiết yếu nhất trong cuộc sống chúng ta” [2] và “cầu xin cho người khác, chính là lòng bác ái, tình huynh đệ, là tình yêu của kẻ làm con cái Chúa, lạy Chúa, và cả tình yêu của Chúa nữa, tức là cầu xin cho Chúa, bởi vì những gì người ta làm cho một trong những kẻ bé mọn, tức là làm cho Chúa…” [3].
 
  1. Cầu nguyện
 
Ngày lễ Thăng Thiên, trong khi suy niệm về việc Chúa sai các tông đồ đi truyền giáo, anh viết “Về hai lời mà Người đã nói trước khi ra đi : “Anh em hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” và “Hãy ở lại trong thành cho đến khi anh em nhận được sức mạnh từ trên cao”, đó là cách tôi phải áp dụng cho mình…Tôi phải đi khắp thế gian bằng những lời cầu nguyện của tôi dành cho hết thảy mọi người…tôi phải rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo bằng đời sống gương mẫu của mình, làm sao để đời sống của tôi trở thành một hình ảnh trung thực với đời sống của Chúa, và từ đó thét lớn Tin Mừng trên mái nhà, làm cho những ai nhìn thấy tôi, đang sống quanh tôi, tại nơi Chúa đã đặt tôi vào… nhìn thấy một Tin mừng sống động”
[4]
 
Do tình bác ái huynh đệ đòi buộc như một bổn phận “nặng nề” nhất đối với tha nhân, mà việc cầu nguyện cho sự hoán cải và ơn cứu độ của mọi người, hay lời nguyện chuyển cầu – theo như Anh Charles nói rõ – hình thành nên một trong những ‘phương thế’ mạnh mẽ và hiệu quả nhất, nếu không nói là ‘phương thế mạnh mẽ và hiệu quả hơn cả’ để “mang lại lợi ích tốt nhất cho cả linh hồn lẫn thể  xác
[5].
 

Việc cầu nguyện trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn khi được thực hiện bằng một đức tin, đức cậy, đức mến hết sức sống động và nhiệt thành, cùng với niềm tin tưởng, khiêm tốn, thành khẩn [6] và do “những con người đầy lòng khao khát”[7],  những tâm hồn thánh thiện hoặc những tôi tớ trung thành, bởi vì Thiên Chúa ban ơn dư tràn cho người tôi tớ trung tín nhất, cho những ai, do bởi lòng trung thành, thường xuyên cộng  tác với ơn Chúa, làm cho mình trở nên xứng đáng được đón nhận nhiều ân sủng mới. Thiên Chúa ban ơn nhiều hơn cho kẻ luôn tỏ ra trung tín nhất với ân sủng của Ngài, nghĩa là cho người thánh thiện nhất [8].
 
Anh Charles trích dẫn mẫu gương cầu nguyện của ông Abraham và những người công chính khác trong Cựu Ước và Tân Ước, và nhất là của Đức Giêsu Nadaret, Đấng đã trải qua ba mươi năm trong âm thầm, thinh lặng và cầu nguyện
[9]. Dưới ánh sáng của những mẫu gương được rút ra từ lịch sử cứu độ như thế, Anh Charles không ngần ngại quả quyết lời nguyện chuyển cầu, được thực hiện một cách đầy tin tưởng, khiêm hạ, bác ái và tha thiết, “có thể cứu được vô số các linh hồn” [10], và ngay cả việc“cầu nguyện với một niềm tin tuyệt đối…vào lòng nhân lành của Chúa” [11] cũng đủ để chắc chắn được Chúa nhận lời và mang lại cho chúng ta“những hồng ân lớn lao nhất và khả năng vô tận có thể làm được những gì có vẻ khó khăn nhất, bất khả nhất đối với chúng ta” [12] chẳng hạn như sự hoán cải những người ngoại bị bỏ rơi nhất và những kẻ tội lỗi nhất : “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho”; “nếu dưới đất này, trong anh em có hai người đồng tâm nhất trí cầu nguyện, thì họ xin gì Cha Thầy cũng sẽ ban cho”. Các anh chị em trên thế gian này đang dâng lời cầu nguyện lên Cha trên trời với niềm tin tưởng biết bao, họ rất đông và đang đồng tâm nhất trí cầu xin Ngài một điều duy nhất, điều mà chính Ngài cũng muốn, đó là nguyện “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Vậy, tin vào lời Chúa Giêsu đã bảo đảm rằng những lời cầu nguyện của chúng ta đều đẹp lòng Thiên Chúa, phù hợp với Ý định của Người và được chuẩn nhận, chúng ta hãy cầu nguyện nhiều để xin ơn hoán cải cho các linh hồn và đặc biệt là cho linh hồn những người chưa tin. Chớ gì đời sống chúng ta là một việc cầu nguyện không ngừng. Chúng ta đừng thỏa mãn vì mình đã cầu nguyện, nhưng hãy làm cho người khác cùng cầu nguyện; hãy cố gắng tăng số các anh chị em Thánh Tâm Chúa để gia tăng lời cầu nguyện; hãy làm cho khắp nơi đều cầu nguyện cho những người tội lỗi và nhất là những ai còn chưa tin.”[13].
 
Theo tôi, rõ ràng là đối với Anh Charles, việc cầu nguyện có một tính chất phong phú về mặt tông đồ và là một thể thức tông đồ đích thực, một hoạt động tông đồ thực sự : “Hãy làm như Người [Chúa Giêsu] và bởi vì những lời cầu nguyện của chúng ta là một sức mạnh, chắc chắn xin được những gì cần xin, chúng ta hãy dùng lời cầu nguyện mà chạy rảo đi tìm những người tội lỗi, hãy dùng lời cầu nguyện để thực hiện công việc mà vì đó Phu Quân thần linh của chúng ta đã đến trần gian…Nếu không hoàn toàn sống đời hoạt động tông đồ, thì chúng ta phải cầu nguyện nhiều cho sự hoán cải của những người tội lỗi, bởi vì hầu như việc cầu nguyện là phương thế mạnh mẽ duy nhất, phổ biến nhất, mà chúng ta có được để mang lại lợi ích cho họ, để giúp Phu Quân của chúng ta trong công việc của Người, để cứu vớt các con cái của Người, để lôi kéo những kẻ được Người yêu thương tha thiết và, qua lời di huấn, Người đã ra lệnh cho chúng ta phải yêu thương họ như chính Người yêu thương, ra khỏi mối nguy hiểm chết người …Còn nếu chúng ta hoàn toàn dấn thân vào hoạt động tông đồ, thì hoạt động này của chúng ta sẽ chỉ sinh hoa kết trái khi chúng ta cầu nguyện cho những người chúng ta muốn họ hoán cải, bởi vì Chúa chỉ ban cho ai biết cầu xin, mở cho ai biết gõ… Để Thiên Chúa đặt những lời tốt lành lên môi chúng ta, những cảm hứng tốt lành trong tâm hồn chúng ta, đặt thiện chí trong linh hồn những ai chúng ta ngỏ lời với họ, thì cần phải có ơn Chúa, và để lãnh nhận được ơn ấy, chúng ta phải cầu xin…Cũng vậy, bất luận bậc sống của chúng ta như thế nào, chúng ta hãy cầu nguyện nhiều, thật nhiều cho người tội lỗi hoán cải, bởi lẽ chính vì họ trước hết mà Chúa chúng ta làm việc, chịu đau khổ và cầu nguyện…Hãy cầu nguyện mỗi ngày với tất cả tâm hồn vì ơn cứu độ và sự thánh hoá của những người con xa lạc nhưng rất được Chúa yêu thương, để họ khỏi phải trầm luân, nhưng được hạnh phúc : Hãy cầu nguyện lâu dài cho họ mỗi ngày và với cả tâm hồn chúng ta, để trái tim của Chúa chúng ta được an ủi vì họ trở lại và vui sướng vì họ được cứu độ…Vậy, mỗi ngày chúng ta hãy dành nhiều thời gian chuyển cầu cho những người tội lỗi được ơn trở lại.”
[14].
 
Dựa trên niềm xác tín như vậy, Anh Charles coi những phương thế bên ngoài, nghĩa là những “tặng phẩm vật chất” như là những phương thế tùy phụ, thứ yếu, trong khi vẫn biết rằng, trong sự tự do và quyền uy tối thượng của Ngài, Chúa có thể luôn sử dụng chúng để hoán cải các tâm hồn. Người ta có thể xây dựng các đan viện, những điểm truyền giáo, các giáo xứ, xây dựng trường học, bệnh viện, nhưng – Anh Charles nhắc nhở là  – “Chúng phải trở thành những “nơi cứu độ” bằng sự hiện diện của Thánh Thể và dâng Hy lễ, bằng việc bắt chước các nhân đức của Chúa GIÊSU, bằng việc sám hối và cầu nguyện, làm phước và tình bác ái”
[15]. Điều quan trọng không phải là kiến thiết, xây dựng, mở ra các cơ cấu, nhưng là người ta gặp thấy được nơi các tông đồ ngọn lửa của Thần Khí, hương thơm của Đức Kitô : “Các nhà huynh đệ Thánh Tâm là những tổ ấm tình yêu nhỏ ở đó bừng cháy Thánh Tâm Chúa Giêsu, những tổ ấm này phần lớn được đặt trong các xứ truyền giáo, để thắp lên ở đấy “ngọn lửa đã được Chúa Giêsu mang đến trần gian”, và làm lan toả những ngọn lửa của Thánh Tâm trên những con cái bất hạnh nhất của Người, những người con “hư hỏng nhất”[16]. Và hơn nữa : “Chúng ta hãy cố gắng, bằng mọi tư tưởng, lời nói, việc làm, trở nên những hình ảnh hoàn hảo về Chúa Giêsu, suy nghĩ, nói và làm những gì mà vị
 
Thầy chí thánh sẽ suy nghĩ, nói năng và hoạt động nếu ở vào vị trí của chúng ta; bằng cách dùng hương thơm các nhân đức của Đức Kitô mà ướp thơm cho những gì bao quanh chúng ta và “lôi kéo” thế gian đi theo Người bằng cách làm cho nó hít thở “mùi hương của Người”
[17]
 
Tin chắc như vậy, anh Charles trình bày sự thánh thiện (= trở nên hình ảnh hoàn hảo về Đức Giêsu) như là điều kiện “tất yếu” phải đạt được từ phía người tông đồ hay nhà truyền giáo muốn gặt hái được thành quả hoặc làm cho hoạt động tông đồ được phong nhiêu, hiệu quả và sinh hoa kết trái : “Chúng ta làm điều thiện không  phải tùy theo mức độ những gì chúng ta nói và làm, song tùy theo mức độ những gì chúng ta là, tùy mức độ ơn Chúa đi kèm với các hành vi của chúng ta, tùy mức độ Chúa Giêsu sống trong chúng ta, theo mức độ mà các hành vi của chúng ta trở thành những hành vi của Chúa Giêsu đang hoạt động trong chúng ta và qua chúng ta. Mức độ sự thánh thiện của mỗi chúng ta sẽ là mức độ sự thiện được nảy sinh do lời cầu nguyện, sự sám hối, đời sống gương mẫu, những hành vi nhân ái, những việc làm nhiệt thành của chúng ta. Điều cần thực hiện trước hết để trở nên hữu ích cho các linh hồn, chính là không ngừng làm việc hết mình để hoán cải chính bản thân chúng ta”
[18].
 
Một tông đồ càng thánh thiện, càng mang lại nhiều lợi ích cho các linh hồn, và hoạt động tông đồ của người ấy càng phong phú, hiệu quả, sẽ càng làm cho đời sống của họ trở thành một đời sống “cứu độ”. “Đối diện với mọi linh hồn, các anh chị phải luôn nhìn thấy trước mắt mình sứ vụ phải thực hiện cho từng linh hồn: sứ vụ đó, chính là cứu vớt các linh hồn ấy : nơi mọi người, dù tốt dù xấu, bạn hữu hay kẻ thù, ân nhân hay đao phủ, Kitô hữu hay vô tín ngưỡng, điều mà họ nhìn thấy, chính là một linh hồn cần được cứu rỗi : Các anh chị phải trở nên “mọi sự cho mọi người, để cứu được tất cả”: Các anh chị phải gớm ghét sự dữ, nhưng sự gớm ghét ấy không bao giờ được ngăn cản các anh chị yêu thương con người; Các anh chị phải mang trong tim mình tất cả mọi người, ngay cả những con người đồi bại nhất, giống như Trái Tim Chúa Giêsu; Các anh chị phải là những người bạn phổ quát để trở nên những người cứu độ phổ quát : môn đệ là người noi theo và là chi thể của Chúa Giêsu, cuộc đời họ phải có cùng mục đích với Người, vì Chúa mà họ cứu rỗi các linh hồn, và phải giống như cuộc đời của Người, được tóm kết và được diễn tả bằng chữ Giêsu, Đấng Cứu Độ. Các anh chị không cứu độ bằng việc rao giảng, nhưng bằng việc dâng Hy Lễ thánh và sự hiện diện của Thánh Thể, bằng việc thực hành các nhân đức, bằng sám hối và cầu nguyện, bằng đức ái, một đức ái chỉ nhìn thấy nơi mọi người là chi thể của Chúa Giêsu cần được đổ đầy các ơn ích và được đưa dẫn về trời, một đức ái bao la, phổ quát phải chiếu toả ra bằng tình huynh đệ, như đang chiếu tỏa từ Trái Tim Chúa Giêsu.”
[19].
 
Đó là lý do tại sao anh Charles đòi hỏi trong mỗi Nhà huynh đệ phải có một môi trường cầu nguyện, bên chân Thánh Thể
[20], được thuận lợi bởi nội vi, sự thinh lặng và tĩnh tâm[21], xa những sự thế gian và những sự vụ bên ngoài [22], dứt bỏ tất cả những gì không phải
 
là Thiên Chúa
[23], trong một sự cầu nguyện liên lỉ[24] như Thánh Gia Nadaret [25] để trở nên những “người bạn phổ quát, những người anh em đại đồng và càng trở nên những Vị Cứu Thế phổ quát chừng nào tốt chừng đó” [26].
 
Anh Charles không chỉ bằng lòng với việc mời gọi “những môn sinh tương lai” của mình không ngừng cầu nguyện cho mọi người được ơn hoán cải và được cứu độ, mà thậm chí còn muốn lập ra một hiệp hội các Kitô hữu trên quê hương anh – Hiệp hội những anh chị em Thánh Tâm Chúa Giêsu – “hết lòng yêu mến Chúa Giêsu, muốn làm cho Người hài lòng bằng việc bắt chước các nhân đức của Người, tôn vinh Người đang hiện diện trong Thánh Thể và, giống như Người, dành trọn cuộc đời để “cứu vớt những gì đã hư mất” bằng cách làm việc vì sự hoán cải của những con chiên lạc loài nhất, bất trung nhất của Người, những kẻ cứng lòng trên quê hương và trước hết là nơi các vùng thuộc địa và sau đó là nơi những người chưa có lòng tin bị bỏ rơi nhất.”
[27].
 
Nơi điều 28, anh đưa ra cho các môn sinh của mình như là “những Phương Thế chung và riêng dành cho việc hoán cải các linh hồn xa rời Chúa Giêsu, và đặc biệt là những kẻ chưa tin, mười điểm sau đây :
 
“1o Thánh Lễ, bằng cách gia tăng số lượng Thánh Lễ được cử hành ngày tại nơi những người còn chưa tin, dành các Thánh Lễ để cầu nguyện cho họ biết hoán cải, và cầu nguyện sốt sắng cho sự hoán cải ấy trong khi cử hành Thánh Lễ;
2o Thánh Thể, gia tăng số lượng Nhà Tạm tại nơi những người còn chưa tin, phát triển tại nơi đó việc tôn thờ Thánh Thể, và cầu nguyện sốt sắng trước Thánh Thể cho những kẻ ấy được ơn trở lại;
3o Thánh hoá bản thân, bởi vì linh hồn làm điều thiện theo mức độ thánh thiện riêng của mỗi người;
4o Cầu nguyện;
5o Sám hối, nghĩa là hy sinh, chấp nhận thập giá Chúa gửi đến và những việc hãm mình tự nguyện được vị linh hướng cho phép;
6o Sống gương mẫu, bằng cách trở nên kiểu mẫu về đời sống Tin Mừng, làm cho người ta nhận biết Tin Mừng qua đời sống mỗi người, trở thành những Tin Mừng sống động, để khi trông vào, người ta nhận biết đời sống Kitô hữu là gì, Tin mừng là gì, Chúa Giêsu là ai;
7o Lòng nhân từ, để làm cho người ta yêu mến mình và yêu mến hết thảy những gì thuộc về mình, tôn giáo của mình và Đức Giêsu, Thầy của mình;
8o Thiết lập những mối tương quan bằng hữu với người khác, không ngừng quan tâm lo lắng mang lại lợi ích cho linh hồn người ta, đến với những ai mình muốn giúp họ hoán cải và đặc biệt là những người ngoại đạo, hoà mình với họ và kết thân với họ;
 
 
9o Sẵn sàng giúp đỡ các linh mục, các tu sĩ nam nữ đang hoạt động vì ơn cứu độ các linh hồn tại nơi đang ở, và đặc biệt là giúp đỡ những ai đang hoạt động để đem anh chị em lương dân trở về cùng Chúa ;
10o Sẵn sàng giúp đỡ các linh mục, các tu sĩ nam nữ đang hoạt động vì ơn cứu độ các linh hồn ngoài nơi đang ở, và đặc biệt là giúp đỡ những ai đang hoạt động để đem anh chị em lương dân trở về cùng Chúa ;
[28]
 
Thật lôgic và có hệ thống, nhưng trong Bản Hướng Dẫn anh trình bày những điều trên nghiêng hẳn về mặt tâm linh và với một tâm hồn rất quảng đại. Trước khi chuyển qua phần kế tiếp, tức là phần nói về thập giá, tôi dừng lại ở phần thứ nhất này bằng một trích đoạn : “Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho sự hoán cải của các linh hồn và đặc biệt là linh hồn những người chưa tin, và thâm tín vào lời Chúa Giêsu đã bảo đảm là lời cầu nguyện của chúng ta đẹp lòng Thiên Chúa, phù hợp với Ý định của Ngài và được Ngài nhậm lời. Chớ gì đời sống chúng ta là một lời cầu nguyện không ngừng. Chúng ta đừng thỏa mãn vì đã cầu nguyện, những hãy làm cho nhiều người khác cùng cầu nguyện; hãy cố phát triển số lượng anh chị em hiệp hội Thánh Tâm Chúa để thêm lời cầu nguyện; hãy làm cho khắp nơi người ta cầu nguyện cho những người tội lỗi và nhất là những ai còn chưa tin.”
[29]. Một trái tim mang chiều kích Trái tim Chúa Giêsu, có khả năng “mang trong mình tất cả mọi người” [30] và như vậy đưa tất cả mọi người đến với Chúa Giêsu [31] trong niềm xác tín là tất cả đều đang ở trong Trái tim Chúa Giêsu [32] .
 
  1. Thập giá
 
Thập giá là một yếu tố luôn hiện diện trong cuộc đời CDF. Từ sau chuyến hành hương đến Đất Thánh mà ở đó anh phát hiện mầu nhiệm Nadaret gặp được sự thành toàn nơi thập giá :
“Sau khi đã trải qua lễ Giáng Sinh năm 1888 tại Bêlem, tham dự Thánh Lễ đêm và rước lễ ngay trong Hang Thánh, chỉ hai ba hôm sau, tôi đã quay lại Giêrusalem.Tôi đã cảm nếm được một sự ngọt ngào khôn tả khi cầu nguyện trong cái hang nơi đã từng vang lên tiếng nói của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và tại đấy, tôi đã được ở rất gần bên các Ngài. Nhưng, than ôi ! sau gần một giờ đi bộ, mái vòm Thánh Đường Mộ Chúa, đồi Canvê, núi Cây Dầu, hiện ra sừng sững trước mắt tôi, khiến tôi dù không muốn cũng phải thay đổi suy nghĩ, và nhận ra mình đang đứng dưới chân thập giá” [33], nghĩ đến đau khổ, hy sinh, chấp nhận sám hối để hoàn thành mọi điều tốt lành, để vinh danh Thiên Chúa và ơn cứu độ nhân loại.
 
Sau khi được ơn trở lại, nhờ sự giúp đỡ của Cha Huvelin, anh cũng yêu thích cả việc bắt chước Chúa Giêsu trên phương diện vác lấy thập giá mình mà theo Người và anh hiểu được tầm quan trọng của việc ăn rễ sâu vào trong cuộc sống khổ hạnh của mình : “trên sự
 
 
thánh hoá bản thân, cầu nguyện và thập giá”
[34]. Và với tư cách của một con người ‘triệt để, anh cũng không ngần ngại bước theo Người Anh đáng mến cho đến cùng [35] theo cách bắt chước ấy : “Chúng ta hãy chịu đau khổ và cầu nguyện nhiều chừng nào tốt chừng đó, bởi vì chính nhờ thập giá mà Đức Giêsu đã cứu chuộc các linh hồn, và chúng ta sẽ chẳng bao giờ cứu được họ nếu không có thập giá. Chúng ta hãy cầu nguyện, bởi vì Chúa GIÊSU đã trải qua những đêm thâu để cầu nguyện và quở trách chúng ta khi chúng ta không thể “cùng thức với Người một giờ”. Chúng ta hãy nên thánh, bởi vì hoán cải, chính là để cho Chúa Giêsu sống trong chúng ta, là làm cho các hành vi cử chỉ của chúng ta không còn là những hành vi hết sức nghèo nàn của con người nữa, nhưng là của Chúa GIÊSU, đầy hiệu quả thần thánh và vô biên” [36].
 
Anh còn tiến sâu hơn nữa lúc chuẩn bị lãnh các Chức thánh, nhất là chức Phó tế, khi suy niệm Thư I và Tin Mừng Gioan.
 
Anh chép lại nhiều đoạn và phân ra bốn chủ đề : Đức ái đối với tha nhân (tinh thần và vật chất); từ bỏ, phó thác; Thánh Thể; hy sinh (thập giá, tử đạo)
[37].
 
          Các câu 24-25 của chương 12 tóm kết chủ đề : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái”.  Là môn đệ của Đấng “đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người” (Mc. 10,45) – đó là những lời mà Anh hằng suy niệm – Anh Charles càng lúc càng tiến sâu hơn nữa vào trong mầu nhiệm tự hiến: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến dâng mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga. 15,13) Và hiến mạng sống mình đi nghĩa là vác lấy thập giá để được sát tế trên đó : “Bổn phận đặc biệt của linh mục là hy tế của Đức Giêsu trên bàn thờ và của chính mình trên thập giá”
[38]. Anh sẽ sống đời linh mục của mình dưới ánh sáng của hy tế ấy và hằng ngày ôm lấy “thánh giá quí yêu và thánh thiện ấy!”[39]. Quả thật, Anh thâm tín rằng : “Các linh mục phải dâng Chúa Giêsu lên Cha Người trên bàn thờ vì vinh quang của Chúa Cha và ơn cứu độ nhân loại trong Thánh Lễ, như Người đã tự dâng mình trong Bữa Tiệc Ly; và các ngài phải hiến dâng chính mình cùng với Chúa Giêsu lên Cha Người vì vinh quang của Ngài, của Chúa Giêsu và ơn cứu độ nhân loại trên thập giá, bằng cách cùng chịu thống khổ với Chúa Giêsu, chịu hấp hối, chịu khổ nạn và chịu chết, trong mức độ sẽ làm hài lòng Chúa Giêsu đang kêu gọi các ngài chia sẻ chén của Người và cùng với Người trở thành của lễ hy sinh.” [40]
 
Hy tế mà anh Charles đã thực hiện tại sa mạc Sahara bằng cách tự hiến hoàn toàn cho các anh em của anh, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất. Ngay trước lúc rời nước Pháp, anh đã viết cho Cha Jérôme : “Chớ gì Chúa Giêsu là mọi sự của chúng
 

ta và ‘Này là Người’, trở nên kiểu mẫu cho chúng ta […] Chúng ta hãy chia sẻ những đau khổ của Đấng yêu thương chúng ta và muốn yêu thương chúng ta hơn nữa. Thập Giá, Thập Giá, Thập Giá, chúng ta hãy luôn hết lòng tìm kiếm Thập Giá hoàn toàn tinh khôi và hoàn toàn trần trụi – Thập Giá Đức Giêsu”[41].
 
Biểu hiện cao nhất của việc tự hiến chính là ơn tử đạo; đó là sự tự hiến trọn vẹn: “Xin dạy con biết tận hiến hoàn toàn cho Đấng Chí Ái Duy Nhất, trọn vẹn con người con, tất cả những gì thuộc về con; dầu thơm và  bình đựng : linh hồn và thân xác : tất cả…”
[42]. Ước nguyện anh hằng ấp ủ trong tâm can là thực hiện mầu nhiệm Nadaret ngay trong bản thân : “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết, và chết vì chúng con !...Nếu thực sự chúng con tin vào điều đó, hẳn là chúng con ước ao được chết biết bao, và chết tử vì đạo, được chết trong đau khổ thay vì sợ hãi chúng. […] Bất luận vì lý do nào người ta giết chết chúng con, nếu tận thâm tâm, chúng con nhận lãnh cái chết, bất công và tàn bạo, như một hồng ân từ tay Chúa, nếu chúng con biếtcảm tạ Chúa vì điều đó như một ơn huệ ngọt ngào, một bắt chước đầy diễm phúc theo kết cục của Chúa, nếu chúng con dâng cái chết ấy cho Chúa như một hy lễ được dâng lên đầy thiện tâm, nếu chúng con không phản kháng lại vì vâng lời Chúa “đừng chống lại sự dữ” và theo gương Chúa “không chỉ để cho mình bị xén lông mà còn bị sát tế không một lời than vãn”, thì bấy giờ, bất kể vì lý do nào người ta giết chết chúng con, chúng con sẽ chết trong tình yêu nguyên tuyền, và cái chết của chúng con sẽ là một hy sinh toả hương thơm ngát, và nếu như đó không phải là một cái chết vì đạo đúng nghĩa nhất dưới con mắt người đời, song với Chúa lại chỉ là một, thì sẽ trở nên một hình ảnh hết sức hoàn hảo về cái chết của Chúa và một kết cục đầy tình thương sẽ dẫn chúng con thẳng về trời…Bởi chưng, nếu chúng con không có dịp hiến dâng máu mình vì đức tin, thì chúng con sẽ có khi tất cả trái tim mình được trao dâng vì tình yêu Chúa…” [43].
 
Cha Boriello nói rằng chỉ theo nghĩa ấy chúng ta mới có thể xem Vị Chân Phước của chúng ta như một vị tử đạo: “Anh Charles là một vị tử đạo không phải vì đã đổ máu mình để minh chứng niềm tin vào Con Thiên Chúa trước những kẻ bách hại. Anh là vị tử đạo theo nghĩa rộng của từ ngữ này. Thật vậy, cả cuộc đời anh có thể được xem như một cuộc tử đạo sống động, nghĩa là một tế hiến trong nội tâm hằng ngày, trở thành một âm vang về cái chết của Chúa Kitô và của những vị tử đạo tiên khởi.
[44]
 
Nhưng Anh Charles còn nghĩ tới tầm quan trọng của thập giá như là phương thế để ngày nay chúng ta tiếp tục và chia sẻ sứ vụ của Đức Giêsu là cứu rỗi các linh hồn. Không phải là một thập giá được chọn đúng theo tầm vóc của anh, nhưng là thập giá mà Đức Giêsu đã chọn cho các linh hồn và Hội Thánh để thánh hoá cả hai : “Người đã chọn Thập Giá cho mình, Người trao thập giá ấy cho tất cả những ai yêu mến Người – Người, Hội Thánh của Người, các linh hồn tín hữu, phải cùng chung số phận – các bà vợ phải chung phần số mệnh với đức lang quân; các chi thể chia sẻ sự sống của đầu…Nếu ta cùng chịu đau khổ với Người, ta sẽ thống trị với Người…Người chọn cho mỗi người loại đau khổ mà Người
 
thấy phù hợp nhất để thánh hoá họ, và thường thập giá mà Người đặt lên vai họ chính là thập giá mà – trong khi vẫn chấp nhận tất cả những thập giá khác – nếu dám, hẳn là người ta đã từ chối không nhận… Thập giá Người trao chính là thập giá mà người ta ít hiểu nhất…gây đau đớn nhất”
[45].
 
Thập Giá hay đau khổ, cũng hết sức cần thiết để mưu ích cho các linh hồn, để tôn vinh Thiên Chúa…để mang lại hoa trái…sinh ơn cứu độ cho các linh hồn
[46] : “Đâu còn thập giá và cầu nguyện nữa, bởi vì đó là hai phương thế lớn, được tăng thêm giá trị nhờ việc thánh hoá bản thân, mà Chúa Giêsu đã trao lại cho chúng ta để cứu vớt các linh hồn chưa có lòng tin…”[47].
 
Thập giá còn là “‘điều kiện tất yếu’ để mưu ích cho trần gian”
[48] : “Việc sám hối, nghĩa là hy sinh, chấp nhận các thập giá Chúa gửi đến và những việc hãm mình tự nguyện được vị linh hướng cho phép, giống như một việc cầu nguyện; vì giống như một việc cầu nguyện, nên thập giá mang lại ân sủng cho chúng ta và cho tha nhân. Chính là nhờ Thập Giá mà Chúa Giêsu đã cứu thế gian; chính nhờ Thập Giá, khi chúng ta để Chúa Giêsu sống trong chúng ta và, qua những đau khổ của chúng ta, Người hoàn thành trong chúng ta những gì còn thiếu nơi Cuộc Khổ Nạn của Người, mà chúng ta phải tiếp tục công trình Cứu Chuộc cho đến lúc thời gian viên mãn. Không có thập giá, thì không thể kết hiệp với Đức Giêsu chịu đóng đinh, cũng như với Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Nếu muốn trở thành những người yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta hãy ôm chặt lấy thập giá của Người; Nếu chúng ta muốn cùng với Chúa Giêsu làm việc để đem ơn cứu độ cho các linh hồn, thì đời sống chúng ta cũng phải trở thành một đời sống chịu đóng đinh.
 
Hãy âu yếm nhận lấy tất cả mọi khổ đau như Chúa Giêsu đòi hỏi, như một món quà từ tay Chúa Chí Ái. Hãy cầu nguyện và suy nghĩ để nhận ra những việc hãm mình tự nguyện Chúa đòi hỏi chúng ta, tham khảo ý kiến vị linh hướng và làm những gì ngài bảo. Hãy thực hiện cả đời, bằng cách sống khó nghèo và sám hối trong việc ăn mặc, đồ dùng, nơi ăn chốn ở, bằng việc xa lánh những sự thế gian, làm việc và tận tuỵ với tha nhân, một đời sống sám hối và chịu đóng đinh như cuộc sống của Chúa Giêsu ở Nadaret. Hãy luôn tâm niệm những lời Chúa Giêsu đã quả quyết rằng người ta chỉ cứu được các linh hồn bằng cách chịu đau khổ : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”, “khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”, “nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”; “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Chớ gì các anh chị dâng cho Chúa một phần những đau khổ của mình vì phần rỗi các linh hồn, nhất là những linh hồn còn chưa tin; hãy hoạt động để phát huy tinh thần hy sinh và sám hối; hãy xin những người sống chung quanh mình dâng cho Chúa các thập giá của họ để cầu nguyện cho các linh hồn và nhất là những người ngoại giáo được ơn trở lại.”
[49]Việc đó
 
được thực hiện với niềm xác tín : “Chính là nhờ thập giá mà Chúa Giêsu cứu chuộc trần gian, và chỉ nhờ hy sinh mà người ta mới mang lại lợi ích cho các linh hồn”
[50].
 
Kể từ sau khi Ađam phạm tội, thập giá trở thành ‘luật phổ quát’, phương thế duy nhất để cứu nhân loại. Tin chắc như vậy, anh đã viết cho Đức Giám Quản : “Cả con cũng vậy, con cũng chỉ xin Đức Cha một điều là hãy cầu nguyện cho con biết yêu mến, cầu cho con biết yêu mến Chúa Giêsu ! Cầu nguyện cho con biết yêu mến THẬP GIÁ của Người, cầu cho con biết yêu mến THẬP GIÁ, không phải vì chính nó, mà vì đó như là phương thế duy  nhất, con đường duy nhất để tôn vinh Chúa Giêsu : hạt giống chỉ sinh hoa kết quả bằng cách chết đi; một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi; một khi đã giương cao tôi lên, bấy giờ các ông sẽ biết tôi là ai…Và như thánh Gioan Thánh Giá nhận định, chính là vào giờ phút việc tự huỷ mình ra không đạt đến tột đỉnh, giờ của cái chết, mà Đức Giêsu mới mang lại lợi ích nhất, mà Người đã cứu chuộc thế gian…Vậy hãy cầu xin Chúa Giêsu cho con thực sự yêu mến THẬP GIÁ bởi vì phải có thập giá mới mang lại lợi ích cho các linh hồn…”
[51]
 
Luôn noi gương thánh Gioan Thánh Giá, anh biết rằng “sự tự huỷ là phương thế uy lực nhất mà chúng ta có để kết hiệp với Chúa Giêsu và mang lại lợi ích cho các linh hồn”
[52], và vì thế anh Charles đã mời gọi các môn sinh không chỉ “ước ao chịu đau khổ để chia sẻ những gai nhọn, chén đắng và Thập Giá của Phu Quân chí thánh” [53], mà còn “ôm lấy tất cả những gì là thập giá, hãm mình, đau khổ, sám hối…” [54] để trở thành những người cứu thế cùng với Chúa Giêsu, bởi chưng trong khi chuộc lấy thế gian bằng cái chết trên Thập Giá, Đức Kitô đã muốn chứng minh, muốn tỏ cho thấy rõ là “chỉ bằng hy sinh người ta mới mang lại lợi ích cho các linh hồn.” [55].
 
Đó là cách để họ dự phần vào ơn cứu độ trần gian, để tự hiến tế trên Thập Giá noi theo Người Anh chí ái : “Trở thành hy lễ theo gương Chúa, lạy Chúa Giêsu yêu dấu, hy lễ vì yêu Chúa, hiến lễ toàn thiêu vì vinh dự của Chúa, bằng việc hãm mình, bằng lời cầu nguyện, khi hoàn toàn bỏ mình chỉ vì Chúa mà thôi, khi quên mình triệt để, dành toàn bộ cuộc sống chúng con để hết sức làm vui lòng Chúa …Trở nên như Chúa “hiến mình làm của lễ để Cứu Chuộc nhiều người”, bằng cách kết hợp những lời cầu nguyện của chúng con với lời cầu nguyện của Chúa để thánh hoá con người, kết hợp những đau khổ của chúng con với những đau khổ của Chúa, bằng cách đi sâu vào mẫu gương của Chúa trong việc hãm mình để giúp Chúa một cách hiệu quả trong công trình Cứu Chuộc, bởi vì đau khổ là ‘điều kiện tất yếu’ để mang lại lợi ích cho người khác : “Nếu hạt lúa mì không chết đi, thì chẳng mang lại được gì”…Và chúng ta hãy trở nên hy lễ cho Chúa và cho con người chỉ vì Chúa, Đấng chúng con phải trả lại mọi sự, bởi vì tất cả những gì chúng con có đều bởi Chúa.”
[56].
 
Một cánh cửa cuối cùng
 
Như chúng ta vừa nói, ‘luật Thập Giá’ cũng chính là luật hiệu quả của mọi hoạt động tông đồ, luật làm cho mọi hoạt đông truyền giáo được phong phú: “hãy dâng những nỗi đau khổ hằng ngày cho Chúa để làm vinh danh Người, để cầu nguyện cho các dân vùng Sahara, để cầu nguyện cho các linh hồn. Những hy sinh, hãm mình của chúng ta, được hiến dâng trong sự kết hiệp với Đấng chịu đóng đinh trên đồi Canvê, chẳng phải là công việc có hiệu lực cứu độ nhất của chúng ta đó sao ?”
[57].
 
Anh cũng trình bày sự đau khổ cả đời, hoặc chỉ trong chốc lát, như một hình thức tông đồ, một hoạt động tông đồ đích thực và anh đã căn dặn các Tiểu đệ Tiểu muội : “Trước hết và trên hết chúng ta phải ân cần bắt chước các nhân đức nội tâm của Người, làm cho tâm hồn chúng ta đồng dạng với tâm hồn Người như cháy bỏng tình yêu Thiên Chúa, hoàn toàn được dùng để mưu tìm vinh quang của Người thôi, hoàn toàn vâng theo thánh ý Người, hoàn toàn chuyên tâm bắt chước những đức tính hoàn hảo của Người, hoàn toàn chìm đắm trong sự chiêm niệm của Người, hoàn toàn để mình bị thiêu hủy như của lễ toàn thiêu bởi ngọn lửa những đau khổ tự nguyện, hoàn toàn bốc cháy tình yêu đối với con người là hình ảnh Thiên Chúa, rất mực nhân ái,  hiền hậu, dịu dàng và từ tâm, hết sức chân thực, khiêm nhu, thật đơn sơ, quả cảm, khiết tịnh, hoàn toàn cởi bỏ; và đồng thời chúng ta cũng phải ân cần bắt chước các công việc bên ngoài của Người như: sống khó nghèo, khổ hạnh, hồi tâm, yêu thích sự cô tịch, sống trong cảnh tối tăm và sự tự hạ của Người, lòng từ thiện bất tận của Người đối với các linh hồn, cả tâm hồn lẫn thể xác, đời sống của Người chỉ dành riêng để yêu mến, phục vụ và cứu độ con người”.
[58]
 
Trong các thư liên lạc vào những năm cuối đời ở Sahara, anh không chỉ viết cho ông J. Hours vừa mất con trai : “Đó là con đường thập giá dẫn về thiên quốc. Chính khi chia sẻ cuộc khổ nạn của Phu Quân thần linh với tư cách là những hôn thê trung thành mà chúng ta được dự phần vào sự Sống Lại của Người. Đời sống của vị hôn thê là linh hồn Kitô hữu, cũng như đời sống của vị hôn thê là Hội Thánh, phải y như đời sống của Phu Quân chí thánh, đầy những đau khổ, gai nhọn, chén đắng và thập giá”
[59], mà nhất là anh còn gửi cho người bạn là bà Suzanne Perret de Lyon, thuộc ‘gia đình Cha Crozier’, đang mắc bệnh lao phổi, một bức thư trong đó anh không chỉ nói về tác vụ của mình giữa những người Touaregs, mà còn mời gọi bà cùng hoạt động tông đồ với anh, bằng cách hiến dâng mình như là của lễ kết hợp với Của Lễ Thánh là Chúa Giêsu như sau : “Mỗi ngày tôi đều dâng bạn cho Chúa chí ái để trái tim Người hiển trị, Ý định tình yêu của Người được thể hiện trong hết thảy mọi linh hồn và đặc biệt nơi linh hồn những người ngoại giáo, nhất là ở Maroc và Sahara. Khi dâng bạn như “lễ vật” tôi cầu nguyện cho bạn được biến đổi thành Chúa Giêsu, chớ gì không còn phải là bạn sống, nhưng là Chúa Giêsu sống trong bạn, chớ gì nơi bạn nhân tính và nhiên tính mất đi vẻ bên ngoài và tất cả tinh thần và linh hồn trong bạn được biến đổi thành Chúa Giêsu, siêu nhiên và linh thánh…
 
 
Không phải là một, mà là nhiều lần trong ngày (mỗi khi rước lễ thiêng liêng) tôi cầu nguyện với Chúa Giêsu, xin Người cho bạn như “lễ vật” được trở nên và lúc nào cũng làm những gì đẹp lòng Người, cho bạn được biến thành Người, không còn là bạn sống, nhưng là Người sống trong bạn.
 
Tôi chúc tụng Chúa Giêsu vì đã ban cho “lễ vật”này thực hiện được một công việc mà theo cách nhìn nhân loại là hết sức vô vọng, nhưng trên thực tế lại đầy hy vọng, bởi Phu Quân chí thánh của các linh hồn yêu thương tất cả họ bằng một tình yêu vĩnh cửu và Người làm được mọi sự. Tôi tin chắc rằng chính Người đang gợi hứng cho tình yêu của bạn niềm ước ao được nhận biết; vì lợi ích vô cùng của các linh hồn mà Người rất đỗi yêu mến, để nếu có thể, bạn kín múc lấy niềm ao ước mãnh liệt hơn nữa là được trở nên “của lễ” không còn chút gì là con người, “của lễ” hoàn toàn biến thành Chúa Giêsu,“của lễ” toàn năng bởi vì Chúa Giêsu hoàn toàn sống động và hoạt động trong đó”
[60] (27/7/1907).
 
Ngày 12 tháng 5 năm 1911 anh còn viết cho bà ấy :
 
“Phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người”, đó chính là những gì bạn đang thực hiện cùng với Phu Quân là Chúa Giêsu: lễ vật bạn đang hiến dâng trong sự kết hiệp với Lễ Vật thánh như thế tức là để nơi bạn Chúa Kitô bổ túc những gì còn thiếu nơi cuộc thương khó của Người, để nơi lễ vật ấy (bạn) Chúa Giêsu nối dài sự sống của Người trên trần gian này cho Danh Thánh Người cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý của Đấng Tạo Hóa được con người thực hiện; lễ vật ấy đang chịu đau khổ và tự hiến để cùng cứu độ với Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, và như Chúa Giêsu.
 
Người anh em hèn mọn của bạn, kẻ hèn mọn được bạn che chở, người mang ơn bạn rất nhiều và hơn bao giờ hết, xin bạn cầu nguyện cho người tôi tớ đáng thương này của bạn cũng xin được gửi gắm nơi bạn linh hồn mình cùng với linh hồn những người ngoại giáo đang sống chung quanh. Chớ gì Danh Chúa Giêsu được cả sáng nơi chúng ta, Nước Người trị đến trong chúng ta. Nếu thời gian lưu đày của bạn còn kéo dài, xin hãy nhớ đến chúng tôi ở trần gian này. Nếu bạn nghe thấy tiếng hô “Chàng Rể đến”, thì xin bạn hãy nhớ đến chúng tôi giữa nơi Ánh Sáng Vĩnh Hằng và trong Tình Yêu Vĩnh Cửu và hãy cầu xin cho chúng tôi lãnh nhận được ân sủng và ơn tha thứ từ trái tim Chúa Giêsu. Bạn là hạt lúa mì đã rơi vào lòng đất đang chết đi để kết sinh hoa trái…xin cũng hãy cầu nguyện cho tôi biết chết đi và mang lại hoa trái như lòng Chúa Giêsu mong ước”.
[61]
 
Như chúng ta có thể nhận thấy, đó là một ‘ngôn ngữ Thánh Thể’, một lý tưởng tông đồ mà trong đó điều quan trọng không phải là những công việc, song là tình yêu được cho đi, được dâng hiến trong sự kết hiệp với cuộc khổ nạn – ngày nay chúng ta thích nói ‘trong sự kết hiệp với mầu nhiệm phục sinh’ hơn – của Chúa Giêsu. Một lần nữa, chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng đối với anh Charles, những gì làm nên ơn cứu độ cho nhân loại, chính là tình yêu, sự kết hiệp mật thiết, sự hiệp thông với Chúa Giêsu; các hình thức và các phương pháp rao giảng Tin Mừng đều là thứ yếu so với điều này : “Chúng ta có khuynh
 

hướng đặt những công việc mang lại hiệu quả hiển nhiên và xác thực lên hàng đầu. Còn Thiên Chúa thì ưu tiên cho tình yêu, kế đến là sự hy sinh bắt nguồn từ tình yêu rồi đến sự vâng phục do tình yêu. Yêu thương và vâng phục vì tình yêu khi tự hiến làm hy tế cùng với Chúa Giêsu, sẽ làm đẹp lòng Người biết bao ! Nếu Người muốn, Người sẽ làm cho chúng ta trải nghiệm được cuộc sống của thánh Phaolô hay của nữ thánh Mađalêna”. [62]
 
Đức Giêsu Nadaret phải có Thập Giá mới cứu được thế gian, người tông đồ cũng vậy, nghĩa là : “kết thúc cuộc đời [mình] bằng cuộc tử đạo”
[63] bởi vì tử đạo không chỉ là sự bắt chước Chúa Giêsu hoàn hảo nhất, mà còn là những phương thế Người đã sử dụng để cứu độ chúng ta. CDF đã mạnh mẽ phát biểu điều này với Đức Giám Quản của mình vào năm 1907 : “Các phương thế Chúa đã sử dụng nơi hang đá Bêlem, tại Nadaret và trên thập giá là : nghèo khó, khiêm hèn, nhục nhã, bơ vơ, ngược đãi, đau khổ, thập giá. Đó là những vũ khí của chúng ta, của Phu Quân thần linh đang nài xin chúng ta hãy để cho Người tiếp tục sự sống của Người trong chúng ta, Người là Tình Quân duy nhất, Phu Quân duy nhất, Đấng Cứu Độ duy nhất và còn là Sự Khôn Ngoan duy nhất và Chân Lý duy nhất nữa…Chúng ta sẽ chẳng gặp thấy điều gì tuyệt diệu hơn Người, và Người không già cỗi…Hãy noi theo kiểu mẫu duy nhất ấy và chắc chắn chúng ta sẽ làm được nhiều điều tốt lành, bởi chưng, ngay từ đó, không còn là chúng ta sống, nhưng là Người sống trong chúng ta; các hành vi của chúng ta không còn thuộc về chúng ta, những con người đáng thương nữa, mà là của Người, đầy hiệu quả thánh thiêng” [64].
 
(Bài thuyết trình II của Cha A. Mandovico, tại ĐH Sassovivo)
 
Câu hỏi :
 
- “Các phương thế Chúa đã sử dụng nơi hang đá Bêlem, tại Nadaret và trên thập giá là : khó nghèo, khiêm hèn, nhục nhã, bơ vơ, ngược đãi, đau khổ, thập giá…” Đâu là những phương thế mà Tu Hội chúng ta sử dụng để loan báo Tin Mừng ? Có phải đó là những phương thế Tin Mừng chăng ? Đời sống cầu nguyện, việc chiêm niệm, trở nên “lễ vật…kết hiệp với Lễ Vật thánh”, tình yêu, trở nên những người cứu độ cùng với Chúa Giêsu chiếm vị trí nào trong cuộc sống chúng ta?
 
_______________________ 
        R/-
  • Tất cả tùy thuộc tình yêu : yêu Chúa, yêu anh em.
  • Không có đổ máu, không có ơn cứu độ.
  • Đời sống cộng đoàn là một đời sống hy sinh, chịu đóng đinh với Đức Kitô.
  • Thập giá đem lại cho chúng ta lòng can đảm;
  • Sự đau khổ của Giáo Hội,chúng ta, các linh mục, chúng ta “đồng cảm với Giáo hội”; kinh nguyện, thập giá là ân sủng nâng đỡ chúng ta.
 
[1] Castries, 97.
[2] Tinh thần Giêsu, 68
[3] Tinh Thần Giêsu, 100
[4] Những suy nghĩ, 402.
[5] Xem “Thét lớn Tin mừng”, 72
[6] Tinh Thần Giêsu, 60.
[7] Xem “Thét lớn Tin Mừng”, 119.
[8] Thét lớn Tin mừng, 119.
[9] Xem “Thét lớn Tin mừng”, 57; xem thêm Điều lệ, 141-142.
[10] Tinh thần Giêsu, 39-40.
[11] Tinh thần Giêsu, 40.
[12] Tinh thần Giêsu, 40.
[13] Điều lệ, 646.
[14] Tinh thần Giêsu, 46.
[15] Diều lệ, 105.
[16] Điều lệ, 106-107.
[17] Điều lệ, 232.
[18] Điều lệ, 645.
[19] Điều lệ, 228
[20] Điều lệ, 160.
[21] Điều lệ, 103
[22] Điều lệ, 83.
[23] Điều lệ, 83
[24] Điều lệ, 141-142.
[25] Điều lệ, 113-114.
[26] Điều lệ, 234.
[27] Điều lệ, 577.
[28] Điều lệ, 591-592.
[29] Điều lệ, 646.
[30] Điều lệ, 226.
[31] Điều lệ, 600.
[32] Thét lớn Tin mừng, 123
[33] Chỗ rốt hết ấy, 148
[34] Thư tín Sahara, 552.
[35] “Mức độ bắt chước chính là mức độ của tình yêu : “Ai muốn phục vụ Ta, thì hãy theo Ta!”. Điều lệ, 77.
[36] Thư tín Sahara, 560.
[37] Một mình với Chúa, 45-46.
[38] Một mình với Chúa, 39.
[39] Bondy, 82.
[40] Một mình với Chúa, 40.
[41] Chỗ rốt cùng, 257.
[42] Tinh thần Giêsu, 278.
[43] Vì một mình Thiên Chúa, 217-218.
[44] L. BORRIELLO, “CDF, contemplativo nel mondo”, 112-113.
[45] Bondy, 145.
[46] Xem “Những suy nghĩ”, 273-274.
[47] Thư tín Sahara, 551.
[48] Gương phúc, 197.
[49] Điều lệ, 646-647.
[50] Điều lệ, 675.
[51] Thư tín Sahara, 158.
[52] Bondy, 251.
[53] Điều lệ, 587.
[54] Thét lớn Tin Mừng, 100.
[55] Điều lệ, 675.
[56] Gương phúc, 145.
[57] Thư tín Sahara, 995.
[58] Điều lệ, 110.
[59] Hours, 135.
[60] Thư tín Lyon, 45-46.
[61] Thư tín Lyon, 51-52.
[62] Thư gửi Bà Bondy, 20/5/1915.
[63] Điều lệ, 305-306.
[64] Thư tín Sahara, 578.

Tác giả: Cha A. Mandovico

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây