Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles (Bài III)

Thứ sáu - 05/05/2017 05:25
Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles (Bài III)
Bài III
 
“ĐÓ LÀ…NHỮNG ĐIỀU CHÚNG  TA HỌC ĐƯỢC NƠI CHÚA GIÊSU”
 
0. Dẫn nhập
Chúng ta còn phải xét tới hai phương thế sau cùng mà qua đó anh Charles muốn trở thành người tông đồ, đó là : lòng nhân từ và tình bạn. Nếu anh luôn ôm ấp ước nguyện cao cả là muốn được hiến mạng sống mình bằng việc tử đạo vốn là hình thức làm chứng triệt để nhất, thì đàng khác vẫn còn nhiều cách “thí mạng sống mình” vì Đức Giêsu. Những cách thức ấy tuy không mấy rõ rệt song cũng rất thiết thực. Dưới mắt anh Charles, hai phương thế cuối cùng nói trên được xếp vào loại này và đó cũng là một việc dấn thân hoạt động tông đồ theo chân Đức Giêsu : “Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy quên mình đi, và hãy dành trọn thời gian để ra sức mưu ích cả tinh thần lẫn vật chất cho người khác. Hãy quên mình đi vì mọi người, bởi nhìn thấy Chúa Giêsu nơi họ. Họ càng bé mọn và xấu xa, thì càng chỉ còn lại Chúa Giêsu, Đức Giêsu nguyên tuyền mà chúng ta phục vụ nơi họ…”
[1].
 
1. Lòng nhân từ
 
Chắc chắn anh Charles đã đặt hoạt động tông đồ của mình trên nền tảng lòng nhân từ, hay nói rõ hơn, trên cái mà anh gọi là “hoạt động tông đồ bằng lòng nhân từ” dựa vào kinh nghiệm bản thân lúc anh được ơn hoán cải nhờ tác động của người chị họ là bà Marie de Bondy và lời khuyên của Cha Linh Hướng
[2].
 
Trong chuyến trở lại Pháp vào năm 1909, anh đã ghi trong Sổ Tay các lời khuyên của Cha Huvelin; trong đó có lời khuyên như sau : “Hoạt động tông đồ của anh phải là hoạt động tông đồ bằng lòng nhân từ. Khi trông thấy anh người ta phải tự nhủ : “Bởi vì ông này quá tốt, nên đạo của ông ta tất phải tốt” – Nếu người ta hỏi anh tại sao anh hiền lành và tốt bụng, anh phải nói được rằng : “Bởi vì tôi phục vụ cho một người còn tốt hơn tôi. Phải chi bạn biết Thầy Giêsu của tôi tốt chừng nào”.
[3]
 
Anh còn thêm rằng sự nhân từ ấy còn là bổn phận linh mục của anh, bởi vì anh được kêu gọi thể hiện nó giữa những người Touaregs : “Linh mục là một chiếc hào quang, vai trò của ngài là tỏ cho người ta thấy Chúa GIÊSU; ngài phải biến mất và giúp cho người ta nhìn thấy Chúa GIÊSU”
[4]. Và liền sau đó, gần như không một chút do dự, anh viết : “Tôi cố gắng để lại một kỷ niệm tốt đẹp trong tâm hồn những người đến với tôi. Tôi trở nên tất cả cho mọi người : cười với người cười, khóc với kẻ khóc, để dẫn đưa tất cả họ về với Chúa GIÊSU. Tôi hạ mình
 
 
xuống cho vừa tầm mọi người, để lôi kéo tất cả họ đến với Chúa GIÊSU”
[5]. Và ở cuối phần liệt kê những lời khuyên của Cha Huvelin, Anh lặp lại : “Tôi muốn trở nên đủ tốt lành để người ta phải nói được rằng : Tôi tớ mà tốt như vậy, thì ông Chủ của nó còn tốt biết chừng nào.” [6]
 
Nếu lời khuyên thực tiễn xuất phát từ Vị Linh Hướng, thì căn nguyên lại được gặp thấy trong Tin Mừng, bởi lẽ lòng nhân từ là hình thức cụ thể của Đức Ái chính là khuôn mặt của Đức Giêsu (Giêsu + Bác Ái).
 
Đối với tôi thật là thú vị khi phát hiện ra lý lẽ thần học của hoạt động tông đồ bằng lòng nhân từ khi đọc qua số 7 và 8 trong tập Kim chỉ nam của Hiệp Hội Tiểu Đệ và Tiểu Muội Thánh Tâm Chúa Giêsu.
[7]
 
Trước hết họ được yêu cầu phải trở nên nhân từ : “Các anh chị hãy ăn ở nhân từ”. Bởi vì đó là một cách vâng lời Chúa Giêsu : “Họ phải nhân từ để vâng theo lời Chúa Giêsu dạy : “bổn phận thứ nhất là mến Chúa, thứ hai là yêu người”. Bổn phận yêu người được biểu lộ trong “lòng khoan dung, lòng nhân từ, làm điều thiện như lòng mong ước và làm hết mức có thể”.
 
Hơn nữa đó là cách bắt chước Chúa Giêsu : “Các anh chị hãy ăn ở nhân từ để bắt chước Chúa Giêsu”, “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
 
Đó là phong cách sống của người môn đệ : “Các anh chị hãy ăn ở nhân từ để thực sự là môn đệ của Người : “các con hãy yêu thương nhau, vì chính nhờ đó mà người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy”.
 
Đó là phương thế hoạt động tông đồ : “Các anh chị hãy ăn ở nhân từ vì đó là một trong những phương thế hiệu quả nhất để mang lại lợi ích cho các linh hồn : “Hãy gieo rắc tình yêu, thì anh em sẽ gặt được tình yêu”, Thánh Gioan Thánh Giá đã nói : cách tốt nhất để làm cho người ta yêu mình là hãy yêu; và được yêu mến, chính là cách để biết người ta đang noi gương mình, đang nghe lời mình, những lời khuyên của mình đang mang lại hiệu quả, người ta tin những điều mình xác quyết, chấp nhận những điều mình tin tưởng. Các anh chị hãy ăn ở nhân từ để người ta yêu quý mình và yêu mọi sự nơi mình, tôn giáo của mình, vị Thầy của mình.”
 
Một lòng nhân từ phổ quát, ôm lấy tất cả mọi con cái của Cha, không phân biệt hay loại trừ, bởi vì tất cả họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa và là chi thể của Đức Giêsu : “Lòng nhân từ này phải dành cho hết thảy mọi người vì tất thảy đều là con cái của Cha trên trời, là hình ảnh của Thiên Chúa và là chi thể của Đức
 
Giêsu. Khi tỏ lòng nhân từ với những người sống chung quanh ta, thì cũng hãy tỏ lòng nhân từ đối với cả những người chưa có lòng tin đang sống gần chúng ta hay ở xa chúng ta. Có biết bao nỗi ngờ vực, thành kiến, khác biệt phong tục tập quán, đôi khi có cả những nỗi hận thù và khinh ghét cầm giữ họ ở xa chúng ta, vì thế để có thể mưu ích cho linh hồn họ, chúng ta cần phải bắt đầu bằng cách cảm hoá họ, đến với họ, đối xử tốt với họ, dùng việc biểu lộ lòng nhân từ mà làm cho họ tin tưởng chúng ta; Có kẻ, trong lúc còn đang vô cảm với lòng nhân từ, khi nhìn vào đó họ được phấn khởi như trông thấy một mẫu gương rõ ràng; có kẻ, vì sống quá xa cách nên không thấy được những gương tốt, cố tình nhắm mắt làm ngơ, sẽ có thể trở nên dịu dàng hơn nhờ những biểu hiện về lòng nhân từ. Gương tốt và lòng nhân từ, cả hai đều cần thiết, đều là những phương thế lớn đem lại lợi ích cho các linh hồn khắp nơi, và đặc biệt trong những vùng ngoại giáo.”
 
Nơi điều 8, Anh Charles giải thích làm thế nào lòng nhân từ có thể xô ngã nhiều rào cản, nhiều bức tường và làm được nhiều điều tốt lành giữa những người Hồi giáo. Vì thế, phải luôn ‘noi gương và bắt chước Thầy’, cần phải đến sống với họ : “Để cứu độ chúng ta, Thiên Chúa đã đến với chúng ta, hoà đồng với chúng ta, sống với chúng ta qua sự tiếp xúc thân thiết và gần gũi nhất, từ ngày Truyền Tin đến lúc Thăng Thiên. Để cứu độ các linh hồn, Người tiếp tục đến với chúng ta, hoà mình với chúng ta, sống với chúng ta, nhờ sự tiếp xúc gần gũi hơn nữa, hằng ngày hằng giờ trong Bí Tích Thánh Thể. Vì thế, muốn hoạt động vì phần rỗi các linh hồn, chúng ta phải đến với họ, hoà đồng với họ, sống với họ qua sự tiếp xúc thân tình và gần gũi. Chúng ta phải làm điều đó để cho hết mọi linh hồn được ơn hoán cải, như ý Chúa muốn, nhất là linh hồn những người chưa có lòng tin. “
 
Còn chính chúng ta, những môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải đi bước trước : “Hãy đến với họ trước, trong khi họ thường giữ khoảng cách với chúng ta và tránh né chúng ta, cảm hoá họ, làm cho họ tin tưởng, gợi lên nơi họ lòng quí mến, cảm tình, dù phải mất nhiều thời gian và có phải nhẫn nại đến bao lâu đi nữa, cuối cùng là tiếp xúc gần gũi với họ, tạo mối tương quan bằng hữu, đồng thời luôn thực hiện tất cả những gì chúng ta có thể làm vì phần rỗi của linh hồn họ, đấy là việc chúng ta phải làm đối với những người ngoại giáo; những phương thế này hữu ích đối với tất cả mọi người, nhưng nhất là hữu ích cho họ; họ bị chia cách với chúng ta do chủng tộc, phong tục tập quán, ngôn ngữ, định kiến, sự ngờ vực, thường do hận thù và khinh ghét; chỉ khi đến với họ, hoà đồng với họ, cảm hoá họ, chúng ta mới có thể dần dà xô đổ được các rào cản, giảm thiểu sự ngu dốt, thay những tư tưởng sai lầm bằng những tư tưởng đúng; nhờ chuyện trò trao đổi chúng ta mới có thể khai tâm mở trí, giúp họ ước ao được thêm ánh sáng và sẵn sàng tiếp nhận nó. Được thiết lập để sống giữa những người ngoại giáo, các anh chị phải đặt lên hàng đầu bổn phận đến với họ, hoà đồng với họ, giao tiếp và gầy dựng những mối tương quan tình cảm với họ, và làm hết sức mình có thể để mang lại lợi ích cho linh hồn họ”.
 
 
 
Một cuộc ‘sống với’, hoàn toàn chia sẻ đời sống thường nhật, không phải là việc tầm thường, bởi vì các anh chị ấy “phải hoà mình với họ, cố gắng để chiếm được lòng quí mến, niềm tin tưởng và tình cảm của họ, thắt chặt tình bạn thân thiết với họ, dành nhiều thời gian để sống những mối tương quan tình cảm, tỏ ra đầy lòng bác ái, nhân từ, tinh thần hoà nhã, nhẫn nại, khiêm tốn và hiền lành; tìm cách trở nên bạn hữu của mọi người để dẫn đưa họ về với Chúa Giêsu”.
[8]
 
Theo anh Charles, hoạt động tông đồ bằng lòng nhân từ hoặc bằng gương tốt là cách chắc chắn duy nhất làm cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người được nhận biết nơi những người nặng đầu óc thành kiến đối với các Kitô hữu :
“Gương tốt là công việc bên ngoài duy nhất mà qua đó các anh chị có thể tác động lên các linh hồn đang hoàn toàn chống lại Đức Giêsu, không muốn nghe lời các tôi tớ Chúa, không muốn đọc các sách họ viết, không muốn đón nhận những việc từ thiện cũng như chẳng muốn kết thân hoặc giao tiếp với các môn đệ của Người : đối với những người như vậy, chỉ còn cách tác động bằng gương sáng đời sống, mà tác động bằng gương sáng này sẽ càng mạnh mẽ hơn nếu nó không gây nên một chút ngờ vực nào, không mang vẻ lừa phỉnh hoặc dụ dỗ do bị hiểu sai. Các anh chị hãy cố gắng trở nên một Tin Mừng sống động đối với mọi người chung quanh. Các anh chị hãy tích cực làm gương tốt cho mọi người chung quanh và nhất là những người ngoại giáo. Một trong những trở ngại ngăn cản người ta hoán cải đôi lúc lại do chính các Kitô hữu đang sống giữa họ đã làm gương mù gương xấu hơn là làm gương tốt. Các anh chị phải phản ứng chống lại điều bất hảo ấy và hoạt động để phổ biến nhiều gương tốt giữa những người ngoại giáo và đặt vào giữa họ những Kitô hữu nhiệt thành thuộc mọi thành phần có khả năng dùng gương sáng đời sống tốt lành của mình, để giúp người ta nhận biết được Kitô giáo là thế nào, và dùng đời sống mình làm cho những người ngoại giáo “nhận biết” Tin Mừng” [9]
 
Ngày 09 tháng giêng năm 1912, khi viết cho ông Joseph Hours, sau khi đã nói người Pháp có bổn phận – “bổn phận của bậc làm cha mẹ đối với con cái”để khai hoá “những đứa con thuộc địa”, anh còn giải thích thêm một lần nữa về hoạt động tông đồ này : “cần phải dạy đạo đức cho những người dân ấy và đối xử tốt với họ, yêu thương và trao cả trái tim cho họ, tiếp xúc thân mật với họ và tạo nên những tình bạn chân thành giúp người ta có thể nói lên được tất cả, làm cho họ chấp nhận được những lời nói mà nếu do những người xa lạ không quen biết nói ra, hẳn là người ta sẽ không chịu nghe; làm cho họ nhìn tận mắt và sờ tận tay những gương tốt chúng ta thực hiện và ước ao làm theo. Chắc chắn cần phải có nhiều người Pháp đạo đức, thuộc mọi thành phần, mọi bậc sống, những người độc thân hay đã lập gia đình, các tu sĩ, linh mục, và giáo dân, đến sống ngay trên những xứ sở miền bắc Phi này với ý định muốn đưa họ về với Chúa […] bằng gương sáng đời sống đạo đức và bằng tình yêu thương tha thiết dành cho những
 
 

người anh chị em mà linh hồn họ đã được Chúa Giêsu cứu chuộc trên thập giá = tiếp xúc với họ, trở thành bằng hữu của họ, yêu thương họ trước rồi mới làm cho họ yêu thương mình, dạy họ biết về nhân đức, rồi từ nhân đức và ý chí ngay lành đưa họ đến với toàn bộ chân lý = sống để đem ơn cứu độ đến cho họ = đó là chương trình sống của các anh chị : yêu thương, yêu thương, nhân từ, nhân từ.” [10]
 
Một năm sau, vào ngày 03 tháng 05 năm 1912, vẫn là thư gửi cho ông J. Hours, anh nói về việc anh đã sống yêu thương, nhân từ như thế nào. Đó là bản tổng hợp tuyệt diệu về kinh nghiệm bản thân và đời sống linh mục của anh giữa những người Touaregs. Tôi tách riêng để trình bày về đoạn văn này bởi vì tôi tin là nó rất hợp thời và có thể vẫn còn liên quan đến chúng ta :
 
“Trở thành tông đồ bằng những cách nào ?
  • Đối với tất cả mọi người liên quan, không trừ một ai, chúng ta sống lòng nhân từ, tình âu yếm, tình huynh đệ, dùng gương mẫu đời sống đạo đức, sống khiêm tốn và hiền lành luôn thu hút và thắm đượm tinh thần Kitô giáo.
  • Đối với một số người, mà chúng ta chưa thể nói với họ về Thiên Chúa cũng như về tôn giáo, chúng ta dùng sự nhẫn nại như Thiên Chúa nhẫn nại, tốt lành như Thiên Chúa tốt lành, trở nên một người anh em dịu hiền và luôn cầu nguyện;
  • Đối với những người khác nữa, chúng ta nói về Thiên Chúa trong mức độ họ có thể hiểu được;
  • nhất là nhìn nhận mọi người là anh em – “tất cả các con đều là anh em với nhau, các con chỉ có một Cha trên trời”; nhìn thấy mọi người là con Chúa, một linh hồn được Chúa GIÊSU cứu chuộc bằng máu thánh, một linh hồn được Chúa GIÊSU yêu mến, một linh hồn mà chúng ta phải yêu thương như chính mình và phải làm việc vì phần rỗi của họ;
  • chúng ta phải loại bỏ tinh thần hiếu chiến. Chúa GIÊSU nói: “Thầy sai anh em đi như con chiên ở giữa bầy sói”… thật cách xa nhau biết bao giữa cách làm và cách nói của Chúa GIÊSU với thái độ hiếu chiến của những người không phải là Kitô hữu hay là những Kitô hữu bất hảo, họ chỉ nhìn thấy những kẻ thù để đánh nhau, chứ không nhìn ra những người anh em bệnh tật cần được chăm sóc, những người bị thương tích nằm la liệt trên đường đang cần đến người Samaria nhân hậu. Những người không phải là Kitô hữu có thể coi một người Kitô hữu là kẻ thù : nhưng một Kitô hữu thì luôn phải là một người bạn dịu hiền của mọi người, luôn dành cho mọi người những tâm tư tình cảm của Trái Tim Chúa Giêsu.
  • Cư xử nhân từ, hiền lành, khiêm nhường với hết mọi người : đó mới chính là điều Chúa GIÊSU đã dạy chúng ta.
  • “Trở nên mọi sự cho mọi người để đem mọi người về cho Chúa GIÊSU”, bằng cách tỏ lòng nhân hậu với hết mọi người và sống tình huynh đệ, phục vụ hết mình, lấy tình thương mà tiếp xúc với họ, trở nên một người
 
anh em dịu hiền với hết mọi người. để dần dà dẫn đưa các linh hồn về với Chúa GIÊSU khi sống hiền lành như Chúa GIÊSU;
  • không ngừng đọc đi đọc lại Tin Mừng để luôn có trong tâm trí những hành vi, lời nói, tư tưởng của Chúa GIÊSU, để suy nghĩ, nói năng, hành động như Chúa GIÊSU, noi theo những gương mẫu đời sống và các giáo huấn của Chúa GIÊSU.” [11]
 
Trong những lời khuyên ấy không chỉ có kinh nghiệm của anh Charles, mà nhất là còn có một đặc tính cơ bản của việc rao giảng Tin mừng theo kiểu CDF : Rao giảng Tin Mừng như là tiếp tục mầu nhiệm Thăm Viếng, trong đó, như chúng ta có thể thấy, không đòi hỏi phải làm những việc lớn lao hoặc có những công cụ hay những phương thế đa năng, nhưng đúng hơn là có khả năng đi vào tương quan huynh đệ với người khác
“Và bằng cách chuyển thông, chiếu toả tình yêu vĩ đại ấy của THIÊN CHÚA, của Đức GIÊSU trên tất cả mọi người mà “vì họ Đức Kitô đã chịu chết”; “đã cứu chuộc bằng giá đắt”; bằng cách “yêu thương họ như Người đã yêu thương”, và ra sức thực hiện tất cả những gì Người đã làm ở Nadaret để cứu vớt, thánh hoá, an ủi, nâng đỡ tâm hồn họ, trong Người, nhờ Người, và như Người…” [12]
 
Đó là lý do tại sao lòng nhân từ là điều cốt lõi trong việc rao giảng Tin Mừng
[13]. Lòng nhân từ không chỉ là một hành động tốt, nhưng đúng hơn là phong cách sống, phong cách thi hành sứ vụ, chứng tỏ Đức Kitô đang cư ngụ trong chúng ta : “Người ta làm điều thiện không tùy vào những gì người ta nói và những gì người ta làm, nhưng tùy mức độ những gì người ta là, tùy mức độ của ơn Chúa kèm theo các hành vi của chúng ta, tùy mức độ Chúa Giêsu đang sống trong chúng ta, tùy mức độ trong đó các hành vi của chúng ta là những hành vi của Chúa Giêsu đang hoạt động trong chúng ta và nhờ chúng ta” [14]
 
2. Tình bạn
 
Chỉ muốn trở nên “những người bạn phổ quát, người anh em phổ quát và những Vị Cứu Thế phổ quát với hết khả năng của mình” để rao giảng Tin Mừng mà thôi, thì chưa đủ
[15], nhưng còn phải học cách sống như thế trong những tương quan với những người anh em bên cạnh và ở xa nữa.
 
Đối với tôi hình như chúng ta có thể khám phá nơi anh Charles, một đường lối lũy tiến để đạt đến chỗ sống được tình huynh đệ Tin Mừng ấy. Thật vậy, nếu đọc hết những thư từ liên lạc anh viết vào những năm sống ở Sahara (tôi chỉ giới
 
 
 
hạn vào các thư tín Sahara và Lyon), thì chúng ta thấy được cách CDF đã chia sẻ với não trạng của thời đại mình và sau đó, dần dà, anh đã thay đổi, đã thực sự trở thành người bạn và người anh em phổ quát.
 
CDF đến Algerie trong khi vẫn mang nếp nghĩ của thời đại mình về vấn đề những người bản xứ trong các vùng thuộc địa và trong trường hợp đặc thù của anh với những người Hồi giáo cùng với một ngôn ngữ mà ngày nay có thể khiến chúng ta ngạc nhiên, khi anh mời gọi những người Kitô hữu nước Pháp hãy quan tâm đến “những người bản xứ trong các vùng thuộc địa của chúng ta”, như trong một gia đình có những người anh em hết sức khoẻ mạnh và giàu có phải quan tâm đến những người anh em khác của mình đang đau yếu bệnh tật hoặc nghèo khổ hay “lạc hậu” hoặc nữa, nếu thuộc về lãnh vực tinh thần, thì như trong một gia đình ở đó người ta muốn “đem về lại cho Chúa một người thân đã mất đức tin”
[16].
 
Đơn cử một thí dụ, nhưng hết sức thuyết phục, rút ra từ lá thư đề ngày 25.7.1907 gửi cô Suzanne Perret :
“Ở Beni-Abbès hoặc ở Tamanrasset, hay là đang trong chuyến đi chăng nữa, tôi vẫn luôn hiện diện giữa những người dân toàn tòng theo Hồi giáo, tất cả họ đều có một niềm tin sâu sắc, gắn liền với một sự dốt nát trầm trọng, và với một đời sống hết sức vật chất, hết sức truỵ lạc, đầy tội lỗi, cùng với một sự khinh bỉ và thù địch ghê gớm đối với các Kitô hữu mà họ coi như là những kẻ ngoại giáo, những kẻ tử thù đối với người Hồi giáo, và bọn sống theo những phong tục tập quán đáng ghê tởm…Do niềm tin của họ mà họ cắt đứt cách thô bạo các cuộc trao đổi ngay khi người ta nói với họ về Đạo Thánh; sự ngu dốt khiến họ không thể nghiên cứu, lý luận, đánh giá, học hỏi;  tình trạng thường xuyên phạm tội trọng làm cho họ trở thành nô lệ của những lầm lạc và dối trá, đến nỗi họ rất khó mà tin được những gì đúng đắn, nhưng lại rất dễ tin vào những gì sai trái; định kiến làm cho họ xa lánh chúng ta, chỉ bước vào tương quan với chúng ta một cách miễn cưỡng, hiếm khi chịu quan hệ và càng hời hợt chừng nào càng tốt chừng đó, nhất là họ nhìn chúng ta như những người không thể mang lại cho họ bất cứ lợi ích thiêng liêng nào cho linh hồn họ cả, bởi vì coi chúng ta là một đám hỗn hợp của sự ngu dốt, điên rồ, mê tín và bỉ ổi, những kẻ thờ ngẫu tượng theo phong tục tập quán ghê tởm…” [17]
 
Tuy là những định kiến riêng rẽ nhưng lại hết sức gay gắt. CDF, cũng như tất cả những nhà truyền giáo vào thời của anh, đều nói đến việc khai hoá
[18] ở mức độ vật chất - khi đến Beni-Abbés vào ngày 04.02.1902, anh đã viết một lá thư rất dài cho Đức Giám Quản Tông Tòa của mình, để đưa ra tất cả những công việc cần làm vì lợi ích cho vùng ốc đảo này [19] - nhưng cũng có trong mức độ tinh thần và đạo đức. Ngay cả vào năm 1908, anh vẫn còn viết cho Đức Cha Guérin về vấn đề những người Touaregs : “Con suy nghĩ nhiều, nhiều lắm, về những người Touaregs ở đây, họ đáng được người ta chăm sóc cách đặc biệt, và bởi vì họ là những người tự bản chất vốn giàu có, thông minh và linh hoạt, và cũng bởi vì họ ít bị Hồi giáo hoá, họ cởi mở hơn những người khác và dễ biến đổi hơn. Cần phải dạy dỗ họ và cùng với việc dạy dỗ, đưa thêm vào việc giáo dục và văn minh hoá. Đó không phải là công việc ngày một ngày hai, nhưng càng khó thì càng phải nhanh chóng bắt đầu và nỗ lực nhiều. Đồng thời, con cũng đang nghĩ tới toàn bộ vùng Sahara…”[20].  Đã có một chút sắc thái tích cực – “họ là những người tự bản chất vốn giàu có, thông minh và linh hoạt” – nhưng suy nghĩ vẫn không thay đổi.
 
Tôi cho là nơi anh Charles có một khả năng thích nghi với hoàn cảnh và khả năng sáng tạo dần dần với sự hiểu biết của anh về môi trường sống. Người ta có thói quen lấy trận ốm của anh vào năm 1908 khi những người Touaregs đã “tìm cho ra tất cả những con dê cái có một chút sữa giữa cơn nắng hạn khủng khiếp trong vòng bán kính bốn cây số”
[21] để cứu sống anh làm mốc tham chiếu, nhưng đó là một đường lối đã khởi đầu từ những chuyến đi của anh trong vùng Hoggar và sẽ tiếp tục cho đến năm 1916. Chúng ta đã biết chuyện này nhưng tôi tin rằng điều quan trọng là nhấn mạnh vào tinh thần đã thúc đẩy anh Charles đến Sahara và rồi đi sâu hơn xuống phía nam : “Xứ Ma-rốc không mở cửa. Con chỉ có thể mưu phần rỗi cho những linh hồn đang làm thành cuộc sống của chúng ta dưới thế này tốt hơn, như cuộc sống của Đức GIÊSU “Đấng Cứu Độ”xưa, bằng cách ra đi nơi khác, mang hạt giống giáo lý của Chúa đến cho càng nhiều linh hồn càng tốt – không phải bằng việc rao giảng mà bằng cách chuyện trò trao đổi -, và nhất là ra đi để chuẩn bị, khởi sự việc rao giảng Tin Mừng cho những người Touaregs, ở lại với họ, học ngôn ngữ của họ, dịch sách Tin Mừng, tạo nên những mối tương quan với họ càng thân ái chừng nào tốt chừng đó…” [22].
 
Trong những chuyến đi cùng với quân đội, anh dần dà bắt đầu tiếp xúc với họ : “Đó là những bộ tộc đã hoàn toàn chịu khuất phục; con cố gắng làm quen, kết bạn – con cho họ thuốc men và những món quà nho nhỏ -, học ngôn ngữ của người Touareg, chuẩn bị dịch Tin Mừng ra tiếng của họ”
[23]. Một đàng, anh nhận thấy có những khó khăn và sự ngờ vực, nhưng đàng khác : “Những người bản xứ tiếp đón chúng con tử tế. Họ nhượng bộ không mấy chân thành do bắt buộc… Phải mất bao lâu họ mới thực sự có được những tình cảm mà họ đang làm bộ như có thật ấy ? Có thể  là không bao giờ ? Nếu một ngày nào đó họ có được tình cảm chân thành, đó sẽ là ngày họ trở thành Kitô hữu…Họ sẽ biết phân biệt giữa những người lính và các linh mục, nhận ra chúng con những tôi tớ của Chúa, những thừa tác viên mang lại bình an và bác ái, những người anh em phổ quát ?...Con không biết…” [24]
 
Càng tiến sâu vào trong vùng đất này anh càng nhận thấy : “Ít khép kín hơn những người Ả rập, người Touareg cần tiếp xúc; khi đã có được sự tiếp xúc, họ trở nên khá thân tình; nhưng cần phải đi bước trước để tạo nên mối tiếp xúc, họ không tự tìm đến, nhất là khi chẳng thu nhập được gì hoặc thu nhập quá ít về mặt vật chất…”
[25]. Và thế là thuốc men và những món quà nhỏ trở thành “một phương thế để đi vào những mối quan hệ tốt đẹp và thân tình với người bản xứ, phá vỡ sự lạnh lùng, tạo niềm tin tưởng và tình bằng hữu với tôi” [26]
 
Khi đã định cư tại Tamanrasset, anh đã dốc toàn lực để học tiếng của họ bởi vì anh biết đó là phương cách duy nhất, không chỉ để dọn đường cho các nhà truyền giáo sẽ đến sau anh, mà nhất là để thuyết phục những vị này tin rằng chỉ có thể “mang lại lợi ích cho những người Touaregs bằng cách chuyện trò với họ và nói được ngôn ngữ của họ”
[27]. Anh biết rằng khi học được ngôn ngữ của họ anh mới có thể hiểu rõ hơn suy nghĩ, văn hoá của họ và sự hiểu biết ấy sẽ làm cho anh biết trân trọng, quí mến những người sống bên cạnh mình; sự quí mến sẽ sinh ra tình thương và tình thương sẽ sinh ra tình huynh đệ [28]. Hai bên bắt đầu lui tới với nhau : “Cuộc sống của tôi trôi đi êm đềm và đều đặn, không có bóng dáng của sự rắc rối : công việc thường ngày, càng lúc càng bị gián đoạn thường xuyên hơn vì có nhiều người đến thăm; có khi tôi phải bỏ ra hằng giờ liền để đi thăm nhiều người Touaregs” [29] và thế là anh phải thú nhận rằng “những người Touaregs láng giềng của tôi càng lúc càng trở nên thân thiện và tin tưởng” [30]; họ đều có “thiện cảm với tôi và tin tưởng tôi”[31] thậm chí còn“quá tình cảm” nữa.[32]
 
Năm 1912 anh đã viết cho Cha Voillard, Cha Linh Hướng mới của anh : “niềm tin tưởng của những người Touaregs bên cạnh con ngày càng gia tăng; những người bạn cũ nay trở nên thân thiết hơn; có thêm nhiều tình bạn mới. Con phục vụ với hết khả năng, con cố chứng tỏ cho họ thấy là con yêu họ: […] Những người Touaregs có tính cách của những người miền quê tốt bụng ở Pháp, của những nông dân ưu tú của chúng ta. Họ cần cù, thận trọng, tiết kiệm, là kẻ thù của những cái mới mẻ và đầy ngờ vực đối với những người và những điều xa lạ…”
[33]. Và với ông J. Hours, chúng ta có một bản ‘tuyên ngôn tình yêu’ như sau : “chúng ta không thể mơ có được những người láng giềng quả cảm, ân cần niềm nở, đầy tình cảm hơn thế : trừ ngôn ngữ và trang phục ra, chúng ta có thể bảo họ là những nông dân ưu tú của nước Pháp. Người Touaregs đều tin theo Hồi giáo nhưng lại rất ít lễ bái và khá lãnh đạm, bán khai và nghi ngờ chúng ta trước khi quen biết với chúng ta, nhưng một khi chúng ta đã tiếp cận được với họ, thì họ có thể trở thành những người đáng tin cậy và thân thiện nhất thế giới” [34]
 
Những tương quan huynh đệ ấy cũng sẽ làm cho anh ý thức được bản chất sứ vụ rao giảng Tin Mừng của anh : “Rao giảng Chúa Giêsu cho người Touaregs, tôi không tin là Chúa Giêsu muốn tôi hay ai khác làm việc đó. Như vậy sẽ là cách trì hoãn, chứ không phải là xúc tiến, sự hoán cải của họ. Như thế là làm cho họ hoài nghi, sẽ đẩy họ ra xa, còn lâu mới tiếp cận được họ…[…] Cần phải tiến hành một cách thận trọng, nhẹ nhàng, làm quen với họ, trở thành bạn bè với họ, rồi sau đó, dần dà, người ta mới có thể đi xa hơn cùng với một vài người được đặc ân sẽ xuất hiện và sẽ thấy được nhiều hơn người khác, và chính họ sẽ lôi kéo những kẻ khác”
[35].
 Anh Charles vẫn luôn xác tín: “tôi tin chắc chắn rằng mọi linh hồn đều được tạo thành để yêu mến và phục vụ Chúa Giêsu trong cuộc sống này và cuộc sống khác”
[36], nhưng phải thay đổi phương pháp và phải trở thành nhà truyền giáo theo cách Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Thăm Viếng, nghĩa là : “âm thầm mang chúa Giêsu đến nhà những người ngoại giáo và âm thầm thánh hoá họ bằng sự hiện diện của Nhà Tạm Thánh, như Đức Trinh Nữ rất thánh đã thánh hoá ngôi nhà thánh Gioan bằng cách mang Chúa Giêsu đến đó” [37]
 
Cách ấy đang và từ đó sẽ trở thành cách làm tông đồ, rao giảng Tin Mừng của anh. Ở Nadaret, Chúa đã ban cho anh ơn khám phá ra - qua mầu nhiệm Thăm Viếng - cách làm thế nào để ơn gọi sống đời ẩn dật của anh cũng là một ơn gọi hoạt động tông đồ : “Việc Đức Trinh Nữ đã làm trong cuộc Thăm Viếng, không chỉ là việc đến thăm người chị họ để an ủi và củng cố đức tin cho nhau khi kể lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho họ; lại càng không phải là một cuộc thăm viếng do lòng bác ái thường tình nhằm giúp người chị họ trong những tháng thai nghén cuối cùng và thời gian ở cữ của bà; Nhưng hơn thế nữa : Mẹ ra đi để thánh hoá bé Gioan, để đem tin vui cho em, để rao giảng Tin Mừng cho em và thánh hoá em, không phải bằng lời nói, nhưng bằng cách âm thầm mang Chúa Giêsu đến bên em, ngay tại nhà của em…”
[38]. Khởi từ trực giác đó, CDF tức khắc suy ra rằng trong sự âm thầm và ẩn dật của mình, anh vẫn có thể làm việc để thánh hoá nhân loại : “không lời nói, trong âm thầm, anh em hãy tổ chức những buổi tĩnh tâm đạo đức giữa những người không biết Thầy : hãy mang Thầy đến với họ bằng cách lập bàn thờ, nhà tạm, và mang Tin Mừng đến đấy không dùng miệng mà rao giảng, nhưng bằng gương sáng đời sống, không loan báo Tin Mừng mà hãy sống Tin Mừng : hãy thánh hoá thế gian, hãy mang Thầy đến với thế gian, […] như Đức Maria đã mang Thầy đến với bé Gioan” [39], bởi vì “bổn phận của những người sống đời ẩn dật của Chúa Giêsu vì dân ngoại cũng chỉ là đem Chúa Giêsu đến giữa họ, Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và ở lại giữa họ cùng với Đức Giêsu chí thánh ấy, tôn thờ Người và sống một cuộc sống đầy ắp hương thơm của Tin mừng…” [40].
 
Trong khi sống mầu nhiệm ấy giữa những người Touaregs, với tôi hình như anh Charles đã khám phá ra sự sung mãn của ơn gọi mình : Anh sẽ là người anh em của họ - và qua họ trở thành người anh em phổ quát – bằng cách dệt nên với họ những tương quan nhờ lòng nhân ái và tình bạn để cứu vớt họ. Anh đã để lại cho các môn sinh của mình được thừa hưởng di sản ‘tình huynh đệ cứu độ” ấy : ““Đối diện với mọi linh hồn, các anh chị phải luôn nhìn thấy trước mắt mình sứ vụ phải thực hiện cho từng linh hồn: sứ vụ đó, chính là cứu vớt họ : mọi người, dù tốt dù xấu, bạn hữu hay kẻ thù, ân nhân hay đao phủ, Kitô hữu hay vô tín ngưỡng, điều mà các anh chị phải nhìn thấy, chính là một linh hồn cần được cứu vớt : Các anh chị phải trở nên “mọi sự cho mọi người, để cứu được tất cả”: Các anh chị phải ghê tởm sự dữ, nhưng sự ghê tởm ấy không bao giờ được ngăn cản các anh chị yêu thương con người; như Trái Tim Chúa Giêsu, các anh chị phải mang trong tim mình, tất cả mọi người, ngay cả những con người đồi bại nhất. Các anh chị phải là những người bạn phổ quát để trở nên những người cứu độ phổ quát : môn đệ là người noi theo và là chi thể của Chúa Giêsu, cuộc đời họ phải có cùng mục đích với Người, phải vì Chúa mà cứu các linh hồn, và phải giống như cuộc đời của Người, được tóm kết và được diễn tả bằng tên Giêsu, Đấng Cứu Độ.”
[41]
 
Giờ đây, đối với tôi hình như anh Charles đã chỉ ra cho chúng ta một “lối” rao giảng Tin Mừng dành cho thiên niên kỷ thứ ba, bằng cách trở nên những người anh em đại đồng, để như Chúa Giêsu, có thể đến giữa mọi người và nhận trách nhiệm về họ, để “mang họ đến với Chúa Giêsu”
[42] và nhất là có thái độ chiêm niệm giúp chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh đang hiện diện nơi mỗi người, trong mọi biến cố và đón nhận tất cả cùng với một niềm ngây ngất như bà Êlidabet khi tiếp đón Đức Maria trong mầu nhiệm Thăm Viếng.
 
(Bài thuyết trình III của Cha A. Mandovico, tại ĐH Sassovivo)
 
Câu hỏi :
1- Xem các câu hỏi số 3 và số 4 của Ô. Sourisseau.
2- Mầu nhiệm Nadaret không phải là để mang lại một vị trí cho một niềm tin nặc danh và chịu thua thiệt khi phải làm chứng theo cách Kitô giáo, nhưng là một trở về đầy hữu ích với căn tính Tin Mừng, với sự tự hiến, trong quan điểm ‘phò sự sống’. Sự cho đi được mở rộng tận bên trong những tương quan tình bạn, tình liên đới, tình yêu, tình âu yếm. Nó vẫn còn đòi hỏi chúng ta hôm nay khả năng chịu khước từ, cũng như khả năng tạo ra tình huynh đệ trong đó những người nam người nữ cùng sống với nhau một cách vô vụ lợi, đơn sơ để tôn vinh tính ưu việt của Tin Mừng và kể lại được rằng điều đó xứng với sự khó nhọc để sống và chết vì Đức Kitô. Trong sứ vụ của mình, tôi làm gì hoặc tôi xây dựng những cộng đoàn ấy như thế nào ?
 
 
 
[1] Tinh thần Giêsu, 151.
[2] Xem “Chỗ rốt cùng”, 149 và 151.
[3] Sổ tay Tamanrasset, 188.
[4] Sổ tay Tamanrasset, 188.
[5] Sổ tay Tamanrasset, 188.
[6] Sổ tay Tamanrasset, 189.
[7] Điều lệ, 648-650.
[8] Điều lệ, 600.
[9] Điều lệ 647.
[10] Thư tín Lyon, 88-89.
[11] Thư tín Lyon, 91-93.
[12] Sổ tay, 104.
[13] Về vấn đề này, tôi đã nhất trí với mong muốn của Cha Bouvier : “vì đường lối mới này của Anh, mong sao có sự xem xét để phong thánh cho anh như vị tử đạo vì lòng bác ái”.
[14] Điều lệ, 645.
[15] Điều lệ, 234.
[16] Xem Thư gửi René Bazin ngày 16/7/1916.
[17] Thư tín Lyon, 47.
[18] Thư tín Lyon, 66
[19] Thư tín Sahara, 64-80.
[20] Thư tín Sahara, 621.
[21] Thư tín Sahara, 591.
[22] Thư tín Sahara, 198.
[23] Thư tín Sahara, 269.
[24] Thư tín Sahara, 272-273.
[25] Thư tín Sahara, 438.
[26] Bondy, 123-123.
[27] Huvelin, 291.
[28] Xem Thư tín Sahara, 758-759.
[29] Thư tín Sahara, 885.
[30] Thư tín Sahara, 787.
[31] Thư tín Sahara, 898.
[32] Thư tín Sahara, 948.
[33] Thư tín Sahara, 863
[34] Thư tín Lyon, 73.
[35] Thư tín Sahara, 605-606.
[36] Thư tín Sahara, 31.
[37] Thư tín Sahara, 530.
[38] Những suy nghĩ, 472.
[39] Thét lớn Tin Mừng, 50.
[40] Lòng nhân hậu, 212-213.
[41] Điều lệ, 228.
[42] Thư tín Lyon, 92.

Tác giả: Cha A. Mandovico

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây