Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
Thư số 151 / Năm XIII
* * *
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 04/ 2023
-------------
TÔNG HUẤN
GAUDETE ET EXSULTATE
Phan Rang, ngày 20.03.2023
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
Tháng này, chúng ta học hỏi Chương 2 của Tông Huấn Gaudete et Exsultate.
Chương 2: Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện
Tóm lược : Chủ thuyết Ngộ đạo và chủ thuyết Pêlagiô, hai “hình thức thánh thiện giả tạo” xuất hiện từ thuở ban đầu của lịch sử Giáo hội, vẫn làm cho chúng ta lạc lối. Những lạc thuyết này đề ra “một chủ nghĩa nội tâm quy về con người, cải trang thành chân lý Công giáo” bằng cách phóng đại sự hoàn thiện của con người mà không cần ân sủng.
Người theo thuyết Ngộ đạo không nhìn nhận rằng sự hoàn thiện của chúng ta được đo bằng lòng bác ái sâu đậm, chứ không phải vì có nhiều thông tin hoặc tri thức. Tách biệt tri thức ra khỏi thân xác, họ quan niệm giáo huấn của Chúa Giêsu chỉ còn là một lý luận lạnh lùng và khắc nghiệt nhằm tìm cách thống trị mọi sự. Nhưng giáo thuyết “không phải là một hệ thống khép kín, không còn khả năng đặt câu hỏi, nghi ngờ, thắc mắc”. Kinh nghiệm Kitô giáo không phải là một tổng hợp các bài tập về mặt tri thức; sự khôn ngoan Kitô giáo đích thực không bao giờ được tách rời khỏi lòng thương xót đối với người thân cận của chúng ta.
Quyền năng mà chủ thuyết Ngộ đạo gán cho trí tuệ, thì chủ thuyết Pêlagiô lại gán cho ý chí của con người, cho nỗ lực của cá nhân. Mặc dù những người theo chủ thuyết Pêlagiô hiện đại có nói nhiều về ân sủng của Thiên Chúa, nhưng họ cho rằng ý chí của con người là một cái gì đó thuần khiết, hoàn hảo, toàn năng, và ân sủng chỉ thêm vào. Họ không nhìn nhận rằng trong cuộc sống này những yếu đuối của con người chỉ được chữa lành hoàn toàn và một lần cho tất cả nhờ ân sủng.
Ân sủng dựa trên tự nhiên. Ân sủng không làm cho chúng ta trở thành siêu nhân nhưng tác động đến chúng ta và biến đổi chúng ta dần dần. Nếu chúng ta từ chối thực tế lịch sử và tiệm tiến này, là chúng ta thực sự có thể từ chối và ngăn cản ân sủng của Chúa. Tình bạn của Người vượt trên chúng ta vô cùng: chúng ta không thể mua được tình bạn ấy bằng các việc làm của chúng ta, mà đó chỉ có thể là một quà tặng phát sinh từ sáng kiến yêu thương của Người. Chỉ có điều ấy mới cho phép chúng ta cộng tác vào tiến trình biến đổi dần dần bằng những nỗ lực của mình.
Khi đánh giá quá mức ý chí của con người và khả năng cá nhân… đời sống của Giáo hội có thể trở thành một phòng bảo tàng hoặc thành sở hữu của một số ít người được chọn. Điều này làm cho Tin Mừng mất đi tính giản dị, nét hấp dẫn và hương vị của nó, và chỉ còn là một kế hoạch chi tiết, chừa lại ít khoảng trống cho ân sủng làm việc.
Bản văn:
CHƯƠNG 2
HAI KẺ THÙ XẢO QUYỆT CỦA SỰ THÁNH THIỆN
35. Tôi muốn đề cập đến hai hình thức thánh thiện giả dối có thể dẫn chúng ta đi lạc đường: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô [dựa vào sức riêng của mình]. Chúng là hai lạc giáo từ thời Kitô giáo sơ khai, nhưng vẫn tiếp tục gây tai hại cho chúng ta. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, nhiều Kitô hữu, có lẽ không ý thức điều ấy, có thể bị dụ dỗ bởi những ý tưởng lừa đảo này; chúng phản ánh một chủ thuyết nội tại đặt con người làm trung tâm được trá hình như chân lý của Công Giáo [33]. Chúng ta hãy nhìn đến hai hình thức an toàn theo học thuyết hoặc kỷ luật này, là những học thuyết làm nảy sinh “một chủ nghĩa ưu tú độc tài chỉ biết nghĩ đến cái đúng của mình, bởi đó thay vì rao giảng Tin Mừng, người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì tạo điều kiện để tiếp cận với ân sủng, người ta dốc hết tâm lực ra để kiểm soát. Trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm đến Chúa Giêsu Kitô hoặc tha nhân” [34].
THUYẾT NGỘ ĐẠO HIỆN ĐẠI
36. Thuyết Ngộ Đạo giả thiết "một đức tin thuần túy chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các ý tưởng và một ít kiến thức có ý để an ủi và soi sáng, nhưng vẫn giam kín một người trong những tư tưởng hay cảm xúc riêng của họ" [35].
Một trí năng không có Thiên Chúa và xác thịt
37. Cảm tạ Thiên Chúa, trong suốt lịch sử Hội Thánh luôn luôn có sự rõ ràng rằng sự hoàn hảo của một người không được đo lường bằng tin tức hay kiến thức mà người ấy có được, nhưng bằng chiều sâu của đức ái của người ấy. “Những người theo phái Ngộ Đạo” không hiểu điều này, bởi vì họ đánh giá người khác dựa vào khả năng hiểu được sự phức tạp của một học thuyết nào đó của họ. Họ nghĩ đến trí năng như tách rời khỏi xác thịt, và như thế trở nên không có khả năng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Kitô nơi tha nhân, bị nhốt chặt như thể chúng nằm trong một tự điển bách khoa của các tư tưởng trừu tượng. Chung cuộc, khi tách rời mầu nhiệm ra khỏi cơ thể, họ thích “một Thiên Chúa không có Đức Kitô, một Đức Kitô không có Hội Thánh, và một Hội Thánh không có dân của mình”. [36].
38. Chắc chắn đây là một sự giả dối hời hợt: có nhiều chuyển động ở bề mặt, nhưng tâm trí không được ảnh hưởng hay rung động sâu xa. Tuy nhiên, thuyết ngộ đạo thực hiện một sự thu hút gian trá đối với một số người, vì cách tiếp cận ngộ đạo thì nghiêm khắc và được coi là trong sáng, cùng có vẻ như có một sự hài hòa hoặc trật tự nào đó bao gồm tất cả mọi sự.
39. Ở đây chúng ta phải cẩn thận. Tôi không đề cập đến một chủ nghĩa duy lý thù nghịch với đức tin Kitô giáo. Nó có thể hiện diện trong Hội Thánh, cả trong các giáo dân ở các giáo xứ và giảng viên triết học và thần học ở các trung tâm đào tạo. Những người Ngộ Đạo nghĩ rằng các giải thích của họ có thể làm cho toàn bộ đức tin và Tin Mừng hoàn toàn dễ hiểu. Họ tuyệt đối hóa các thuyết của họ và buộc những người khác phải chấp nhận cách suy nghĩ của họ. Một cách sử dụng lý trí lành mạnh và khiêm tốn để suy tư về giáo huấn thần học và luân lý của Tin Mừng là một điều. Còn một cách khác là hạ giáo huấn của Chúa Giêsu xuống thành một lý luận lạnh lùng và khắc nghiệt nhằm tìm cách thống trị mọi sự [37].
Một học thuyết không có mầu nhiệm
40. Thuyết Ngộ Đạo là một trong những hệ phái tư tưởng nham hiểm nhất, bởi vì, trong khi đề cao kiến thức hoặc kinh nghiệm cụ thể một cách quá mức, nó coi cái nhìn của mình về thực tại là hoàn hảo. Do đó, có thể vì không hề ý thức được điều ấy, hệ tư tưởng này thậm chí dựa vào sự trợ giúp của chính mình và trở nên càng thiển cận hơn. Nó có thể trở nên viển vông hơn nữa khi tàng hình như một linh đạo tách rời những gì là cụ thể. Với thuyết ngộ đạo “theo bản chất của nó tìm cách thuần hóa mầu nhiệm” [38], dù là mầu nhiệm của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, hay bí ẩn của cuộc đời những người khác.
41. Khi một người nào đó có giải pháp cho mọi vấn đề, đó là một dấu chỉ cho thấy họ không đi đúng đường. Họ có thể là các ngôn sứ giả, những kẻ sử dụng tôn giáo vì mục đích riêng của họ, để quảng bá các lý thuyết riêng của họ về tâm lý hoặc trí năng. Thiên Chúa vô cùng siêu việt trên chúng ta; Ngài đầy bất ngờ. Chúng ta không phải là người quyết định mình sẽ gặp Ngài khi nào và thế nào; thời gian và địa điểm chính xác của cuộc gặp gỡ ấy không phụ thuộc vào chúng ta. Người nào muốn mọi sự đều rõ ràng và chắc chắn là dám mạo muội kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa.
42. Chúng ta cũng không có quyền nói là nơi nào không có Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa hiện diện cách mầu nhiệm trong cuộc sống của mỗi người, theo một cách mà chính Ngài chọn lựa, và chúng ta không thể loại trừ điều này bằng những điều mình cho là chắc chắn. Ngay cả khi đời sống của một người có vẻ hoàn toàn tan nát, ngay cả khi chúng ta thấy đời sống ấy bị các tật xấu hoặc nghiện ngập tàn phá, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó. Nếu chúng ta để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thay vì các định kiến của chính mình, thì chúng ta có thể và phải cố gắng tìm kiếm Chúa trong mọi đời sống con người. Đây là một phần của mầu nhiệm mà một não trạng ngộ đạo không thể nào chấp nhận được, vì nằm ngoài sự kiểm soát của nó.
Các giới hạn của lý trí
43. Thật không dễ hiểu được chân lý mà chúng ta đã nhận được từ Chúa. Và thậm chí còn khó hơn nữa để diễn tả nó. Vì vậy, chúng ta không thể cho rằng cách hiểu chân lý này của mình cho phép chúng ta thực thi việc giám sát chặt chẽ cuộc sống của những người khác. Ở đây, tôi xin lưu ý rằng trong Hội Thánh có sự đồng tồn cách hợp pháp của những cách khác nhau để giải thích nhiều khía cạnh của học thuyết và đời sống Kitô hữu; trong sự đa dạng của chúng, chúng “giúp diễn đạt rõ ràng hơn về sự phong phú của Lời Chúa”. Đúng là “đối với những người mơ ước một học thuyết toàn khối được tất cả mọi người bảo vệ và không nhường một chỗ nào cho sự hơi khác biệt, điều này có vẻ như không đáng được mong ước và dẫn đến mập mờ” [39]. Thật vậy, một số dòng tư tưởng của chủ nghĩa ngộ đạo đã chế nhạo sự đơn giản cụ thể của Tin Mừng và cố gắng thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng một Nhất Thể tối cao, trong đó sự đa dạng phong phú của lịch sử của chúng ta bị biến mất.
44. Trên thực tế, học thuyết, hay đúng hơn, sự hiểu biết và sự diễn tả của chúng ta về nó, “không phải là một hệ thống khép kín, không có khả năng năng động để đặt câu hỏi, nghi ngờ và thắc mắc... Các câu hỏi của dân của chúng ta, sự đau khổ của họ, các nỗ lực của họ, các ước mơ của họ, các thử thách của họ và các lo âu của họ, tất cả đều có giá trị giải thích mà chúng ta không thể bỏ qua nếu chúng ta muốn theo đuổi nguyên tắc nhập thể một cách nghiêm chỉnh. Thắc mắc của họ giúp chúng ta suy nghĩ, các câu hỏi của họ chất vấn chúng ta”. [40]
45. Một sự nhầm lẫn nguy hiểm có thể phát sinh. Chúng ta có thể nghĩ rằng bởi vì mình biết một điều gì đó, hoặc có thể giải thích nó một cách nào đó, nên mình đã là những vị thánh, hoàn hảo và tốt hơn “đa số người thiếu hiểu biết”. Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo về cám dỗ của những người có học thức cao trong Hội Thánh “cảm thấy một cách nào đó ở trên các thành phần tín hữu khác” [41]. Thực ra, điều chúng ta nghĩ rằng mình biết phải luôn luôn thúc đẩy chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn. Quả thật, “anh chị em học như thế là để sống: thần học và sự thánh thiện không thể tách rời nhau được” [42].
46. Khi Thánh Phanxicô thành Assisi thấy một số môn đệ của ngài tham gia việc giảng dạy, thì ngài muốn tránh chước cám dỗ về thuyết ngộ đạo. Ngài đã viết cho Thánh Antôn thành Padua: “Cha vui mừng khi con dạy thần học thánh cho các anh em, với điều kiện là ... con đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và sùng kính trong khi nghiên cứu loại này” [43]. Thánh Phanxicô đã nhận ra cám dỗ để biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một tập các bài thực tập về trí tuệ là điều tách chúng ta khỏi sự tươi mát của Tin Mừng. Mặt khác, Thánh Bonaventura đã chỉ ra rằng sự khôn ngoan Kitô giáo chân chính không bao giờ có thể được tách ra khỏi lòng thương xót đối với người lân cận của chúng ta: “Sự khôn ngoan vĩ đại nhất có thể là chia sẻ một cách hiệu quả những gì chúng ta cho đi ... Thậm chí như lòng thương xót là bạn đồng hành của sự khôn ngoan thế nào, thì tính hà tiện là kẻ thù của nó như thế” [44]. Có những hoạt động, được kết hợp để chiêm niệm, không ngăn cản việc chiêm niệm, mà lại tạo thuận lợi cho nó, chẳng hạn như những việc làm thương xót và việc sùng kính” [45].
(Còn tiếp)