Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles (Bài I)

Thứ sáu - 05/05/2017 05:13
Chuyên Đề : Truyền giáo theo cung cách của Anh Charles (Bài I)
Bài I
“ANH ĐÃ TRỞ NÊN MỘT THÁNH THỂ
VÀ MỘT TIN MỪNG SỐNG ĐỘNG”.
 
0. Dẫn nhập
0.1. Theo tôi, sứ vụ nơi anh Charles de Foucauld (CDF) không phải là kết quả do sự ngẫu nhiên, nhưng là một chọn lựa hết sức dứt khoát; ngay từ lúc chuẩn bị thụ phong linh mục, một mối quan tâm truyền giáo mãnh liệt đã thôi thúc anh muốn đi rao giảng Tin Mừng cho xứ Ma-rốc (và sau đó là những người Touareg). CDF đã mang Đức Giêsu đến Algerie, cửa ngõ dẫn vào Ma-rốc…và anh đến đó với niềm ao ước thực hiện việc truyền giáo theo cách Nazareth : “Tôi vừa được thụ phong linh mục và đang chuẩn bị những bước sau đó để tiếp tục “cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu tại Nazareth” trong vùng Sahara, không phải để thuyết giảng, mà là để sống trong cô tịch, trong sự nghèo khó và làm công việc khiêm hạ của Đức Giêsu, đang khi vẫn hoàn toàn cố gắng mang lợi ích cho các linh hồn, không phải bằng lời nói, nhưng là bằng cầu nguyện, dâng Thánh Lễ, việc sám hối và thực hành đức bác ái”
[1].
CDF đã thể hiện chương trình tuyệt diệu ấy qua nhiều giai đoạn khác nhau : đời sống đan tu, tình huynh đệ, những chuyến đi và cuối cùng là Tamanrasset mà từ đó anh dự tính : “Toàn tâm toàn ý […] lấy đời sống Nazareth làm mục tiêu dựa vào tính chất đơn sơ và cao cả của nó, bằng cách chỉ sử dụng nội qui như một Bản Hướng Dẫn giúp mình một số điều để bước vào đời sống Nazareth (chẳng hạn như cộng đoàn các Tiểu Đệ và Tiểu Muội được thành lập một cách hợp lệ mà không cần phải có tu phục – như Đức Giêsu ở Nazareth -; không có tu viện – như Đức Giêsu ở Nazareth -; không ở xa vùng dân cư, mà là gần bên một ngôi làng, - như Đức Giêsu ở Nazareth, - không làm việc ít hơn 8 tiếng mỗi ngày (lao động chân tay hoặc lao động khác, càng lao động chân tay nhiều càng tốt) – như Đức Giêsu ở Nazareth, -; không cần những vùng đất rộng lớn, nhiều dân cư, không phải chi tiêu quá tốn kém, thậm chí cũng không cần phải có những quyên góp quá lớn, nhưng phải hết sức nghèo khó trong mọi sự - như Đức Giêsu ở Nazareth … - Tóm lại : Đức Giêsu ở Nazareth”
[2].
 
0.2. Trước khi tiếp tục bài nói chuyện đã được ông Sourisseau bắt đầu, tôi xin nhấn mạnh là: để hiểu được việc rao giảng Tin Mừng nơi CDF, chúng ta không nên tách anh khỏi Nazareth. Quả thật là CDF không phải là một giáo sĩ và anh đã được huấn luyện để sống đời đan tu không theo lối kinh viện, nhưng cũng đúng là anh không mù quáng và vì thế khi đến Algerie, chắc chắn đã anh thấy công việc của các nhà truyền giáo và đã chọn cách không đi theo khuôn khổ ấy; Anh biết rõ là tại Algerie đã có mặt các Cha Dòng Trắng, được khai sinh vào năm 1868 để truyền bá Phúc Âm cho những người Hồi giáo và châu Phi. (xem Cuộc viếng thăm mục vụ Beni-Abbés của Đức Cha Guérin vào năm 1903). Qua cuộc gặp gỡ đó, CDF nhận ra
 
Đức Cha Guérin nhẹ nhàng thôi thúc Anh hướng đến đời sống truyền giáo theo phong cách của các Cha Dòng Trắng như thế nào. Khi viết cho Cha Linh Hướng, anh nói lên điều mình ghi nhận được nơi Đức Cha như sau: “một chút xu hướng kín đáo nhẹ nhàng thúc đẩy con thay đổi cuộc sống đan sĩ thinh lặng và ẩn dật, cuộc sống Nazareth của con, để trở thành nhà hoạt động truyền giáo”.
[3] Anh đã phản ứng lại bởi vì đối với anh, việc đó có nghĩa là tách xa anh khỏi đặc sủng Nazareth mà anh đã hết lòng tìm kiếm : “Con sẽ không theo xu hướng ấy, bởi vì con cho là mình bất trung với Chúa, Đấng đã ban cho con ơn gọi sống đời ẩn dật và thinh lặng, chứ không phải làm người rao giảng : đan sĩ, nhà truyền giáo, tất cả đều là tông đồ, nhưng theo cách khác nhau; vì thế, con sẽ không thay đổi và sẽ tiếp tục con đường của mình, con đường con đang đi có lúc hay lúc dở, phần lớn là dở, nhưng con vẫn luôn trung thành từ mười bốn năm nay, đó là : đời sống ẩn dật của Đức Giêsu, nếu đối với những người khác, Đức Giêsu sai họ đi, thì với một mình con, Người đã để con ở lại” [4].
 
          Tôi không nghĩ là mình lầm khi quả quyết Nazareth là một cuộc chiêm niệm về đời sống ẩn dật của Đức Giêsu Nazareth, nhưng Nazareth cũng thật là một ‘trường huấn luyện tông đồ” mà ở đó, bằng vào việc suy niệm các “mầu nhiệm” đời sống Đức Giêsu Kitô (đặc biệt : mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Thăm Viếng và mầu nhiệm Nazareth) và suy niệm về Tin Mừng của Người, anh đã luyện cho mình một tâm hồn truyền giáo đích thực. Thật vậy, từ việc suy niệm “mầu nhiệm” Nazareth hoặc “đời sống ẩn dật” của Đức Giêsu ở Nazareth, anh đã nhận ra rằng người ta có thể “rao giảng Tin Mừng cách âm thầm” : “Đó là việc rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói, mà bằng sự hiện diện của Phép Thánh Thể, dâng Thánh Lễ, việc cầu nguyện, việc sám hối, thực hành các nhân đức Tin Mừng, sống bác ái – một đức ái huynh đệ và phổ quát chia sẻ đến miếng bánh cuối cùng với hết thảy những người nghèo khổ, khách lạ, những kẻ vô danh đang hiện diện, và đón nhận tất cả nhân loại như một người anh em yêu quí”
[5]
 
Như vậy, một cách nào đó anh cảm thấy “mình có bổn phận phải thét lớn Tin Mừng trên mái nhà”, không phải bằng lời nói, mà bằng cuộc sống. Mối bận tâm  truyền giáo mãnh liệt ấy có “nền tảng thần học” trong mầu nhiệm Thăm Viếng của Đức Maria khi Mẹ đến với người chị họ Êlizabeth. Từ đó, anh sẽ nhận ra người ta có thể “rao giảng Tin Mừng và thánh hoá các dân tộc chưa có lòng tin, không phải bằng lời nói, mà bằng cách âm thầm mang Đức Giêsu đến giữa họ, trong Thánh Thể và trong cuộc sống”
[6]. Được soi sáng bởi một trực giác như thế, anh sẽ hiểu và kết luận rằng có lẽ mình cũng phải quay trở lại với ơn gọi của mình, với mầu nhiệm Thăm Viếng để, cũng như Mẹ, âm thầm mang Đức Giêsu không phải đến nhà Êlizabeth, mà là đến giữa các sắc dân chưa có lòng tin và thực hành các nhân đức Tin Mừng để thánh hoá những con cái bất hạnh của Thiên Chúa nhờ sự hiện diện của
 
Thánh Thể và bằng gương sáng các nhân đức Kitô giáo
[7]. Từ đó về sau, đối với anh, sống “đời sống Nazareth” là làm những gì Đức Giêsu đã làm trên trần gian đó là : tôn vinh Chúa Cha bằng việc thánh hoá mọi người : “Nếu Đức Giêsu, đầu của chúng ta, mãi mãi là Đấng Cứu Độ, thì tất nhiên chúng ta, những chi thể của Người, phải luôn là như vậy. […] Chừng nào còn là chi thể của Đức Giêsu, chúng ta vẫn cứ là những người cứu độ người khác : tất cả mọi người, qua từng khoảnh khắc sống trong suốt cuộc đời chúng ta” [8].
 
1. Nazareth tiếp diễn trong Thánh Thể và trong Tin Mừng được trở nên sung mãn nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
 
  1. Niềm tin sâu sắc vào sự hiện diện của Đức Giêsu, chịu đóng đinh và đã phục sinh, tin vào Thánh Thể và Lời Chúa còn là chìa khoá giúp vượt qua những giới hạn không gian-thời gian chia cách Anh với Đức Giêsu và làm cho anh trở nên người cùng thời với Đức Giêsu, thực sự là “người em hèn mọn của Đức Giêsu” trong Thánh Gia Nazareth : “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang hiện diện trong Thánh Thể ! Chúa đang có mặt nơi đây, trong nhà tạm, chỉ cách con có một mét thôi! Thân xác Chúa, linh hồn Chúa, nhân tính, thiên tính của Chúa, trọn vẹn bản thể Chúa đang hiện diện nơi đây trong cả hai bản tính ! Chúa đang ở gần con biết bao ! lạy Đấng Cứu Độ, lạy Chúa Giêsu, người Anh, Phu Quân của con, Chúa chí ái của con ! Chúa không còn gần với Đức Thánh Trinh Nữ như trong chín tháng được Mẹ cưu mang trong lòng nữa, nhưng lại rất gần gũi với con khi con Rước Lễ ! Chúa không còn gần với Đức Thánh Trinh Nữ và Thánh Cả Giuse như hồi ở trong hang đá Bêlem, trong căn nhà ở Nazareth, khi trốn sang Ai cập, trong thời gian Chúa sống tại Thánh Gia Thất nữa, nhưng lại rất gần với con trong lúc này, và lúc nào cũng có mặt trong nhà tạm nơi đây” [9]. Anh Charles vững tin vào sự hiện diện của Đức Giêsu trong Thánh Thể : “Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, là tất cả Đức Giêsu” [10]
 
Để hiểu được niềm tin ấy của Anh, cần phải hiểu rằng, đối với anh, Thánh Thể không phải là một “sự sùng mộ” ít nhiều tuỳ ý, nhưng thực sự là một nơi để kín múc sức mạnh hầu biển đổi cuộc đời anh thành cuộc đời Đức Giêsu Đấng đã hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại; nơi mà ở đó kinh nguyện của anh nên một với kinh nguyện của Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao hồi ở Dòng Trappe, khi lần đầu tiên có ý tưởng sáng lập một hội dòng mới, anh đã chọn đời sống khó nghèo, lao động, tôn thờ Thánh Thể làm mục đích. Cuộc sống mà chính anh đã thực hành tại Nazareth, ở đó anh đã trải qua hàng giờ tôn thờ Thánh Thể : “Con tìm mọi cách để có thể được ở bên Thánh Thể…Chúa Giêsu đang có mặt ở đây…con coi mình như là một người thân của Người, như chị Mađalêna ngồi bên chân Người ở Bêtania”
[11].
 
Những giờ phút diễm phúc nhưng không phải lúc nào cũng êm đềm bởi anh phải trải nghiệm sự khô khan, không thể cầu nguyện, sự trống rỗng nội tâm và Cha Linh Hướng phải viết cho anh : “Hãy hoà mình và tan biến vào niềm tin tưởng nơi Chúa. Tình yêu Chúa hiện hữu ngay trong những nỗi khốn quẫn của chúng ta…đừng lo lắng về sự khô khan, hãy chờ đợi giây phút của Chúa”
[12].
 
Nhìn vào hình bánh hình rượu, CDF phát hiện ra qua khả năng sống mầu nhiệm Nazareth, cách để có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu
[13], Đấng mà anh muốn trở nên hình ảnh trung thực và sống động, bằng cách kết hiệp với Người, bởi chưng “kết hiệp, chính là lý tưởng của tình yêu…[14]. Một sự kết hiệp cao cả đến nỗi biến anh – và cả chúng ta cùng với anh – trở thành những nhà tạm sống động[15], nhưng hơn thế, Thánh Thể còn mang chiều kích truyền giáo nữa. Anh viết cho Cha Huvelin : “bởi vì không có gì ở dưới thế gian này tôn vinh Thiên Chúa bằng sự hiện diện và lễ dâng Thánh Thể, chỉ bằng việc cử hành Thánh Lễ và thiết lập nhà tạm, mà con dâng lên Thiên Chúa sự tôn vinh cao cả nhất và mang lại lợi ích lớn lao hơn cả cho các linh hồn.”[16] Nhận định ấy ăn rễ hết sức sâu xa trong tâm hồn anh đến độ khi soạn thảo nội quy cho các Ẩn Sĩ Thánh Tâm Chúa Giêsu, anh viết : “nội quy của con được liên kết hết sức chặt chẽ với việc tôn thờ Thánh Thể đến mức chỉ có thể tuân thủ được với điều kiện phải có linh mục và nhà tạm”. [17]
 
Sau khi được thụ phong (ngày 09 tháng 6 năm 1901), Charles cảm thấy cách mạnh mẽ là mình được kêu gọi sống ơn gọi đặc thù của mình theo cách “đời sống Nazareth” và sống đời tư tế của mình giữa những người bản xứ nghèo khổ ở Maroc và vùng Sahara mà anh coi như là “những linh hồn bị bỏ rơi nhất…những con chiên bị lãng quên nhất”
[18], những linh hồn đang thiếu thốn hơn cả. Ước ao mãnh liệt nhất của anh chính là hoạt động : “Để Chúa Giêsu, Thánh Tâm, Đức Thánh Trinh Nữ được nhận biết nơi những người anh em Chúa Giêsu còn chưa nhận biết Người; dùng Thánh Thể mà nuôi dưỡng những người anh em Chúa Giêsu chưa bao giờ được hưởng nếm Người; rửa tội cho những người anh em Chúa Giêsu còn đang làm nô lệ của ma quỉ; dạy Tin Mừng, lịch sử Đức Giêsu, các nhân đức Tin Mừng, sự êm ái trong cung lòng mẹ Hội Thánh cho những người anh em của Đức Giêsu chưa bao giờ được nghe nói đến những điều ấy.”[19]
 
Anh Charles cũng mô tả chương trình sống của mình liên kết với Thánh Thể : “Con không thể thực hành giáo huấn về đức ái huynh đệ mà không dành trọn cuộc đời để làm tất cả những gì tốt đẹp có thể cho những người anh em ấy của Đức Giêsu đang thiếu thốn mọi sự vì thiếu Đức Giêsu. Nếu ở vào chỗ của những người Hồi giáo bất hạnh ấy, họ không biết ĐỨC GIÊSU, không biết Thánh Tâm Người, không biết ĐỨC MARIA mẹ chúng ta, không biết Thánh Thể, không biết lòng mẹ Hội Thánh, không biết các sách Tin Mừng, không biết gì về những điều mang lại hạnh phúc cho chúng ta ngay ở đời này và niềm hy vọng của chúng ta trên Thiên quốc và nếu như con biết được tình trạng đáng thương này, hẳn là con sẽ muốn người ta làm hết sức để kéo con ra khỏi tình trạng ấy biết bao ! Điều con muốn người ta làm cho mình, con phải làm cho người khác: “hãy làm những gì bạn muốn người ta làm cho bạn”, và con phải làm cho những người bị hất hủi, bị bỏ rơi nhất, “đến với những con chiên lạc xa nhất, dành tặng bữa yến tiệc của mình, bữa tiệc thánh, không phải cho những người anh em của con, cũng như những người láng giềng giàu có (giàu có về hiểu biết những điều mà những kẻ bất hạnh kia không biết), nhưng là cho những kẻ đui mù, những người ăn xin, những người què cụt, hơn ngàn lần chỉ biết ái ngại cho những kẻ phải đau khổ về thể xác. Và con không tin là con có thể mang lại cho họ điều tốt lành nào khác ngoài việc mang Chúa Giêsu cho họ, Người là hạnh phúc trên mọi hạnh phúc, là ĐẤNG THÁNH HOÁ tuyệt đỉnh, như Đức MARIA khi đến Thăm Viếng gia đình bé Gioan; Đức GIÊSU trong Nhà Tạm luôn hiện diện giữa họ, và con hy vọng, trong bình thánh, Chúa GIÊSU đang hiến mình mọi ngày trên Bàn Thờ để họ được hoán cải; Đức GIÊSU, đang chúc lành cho họ hằng ngày để họ được cứu độ : Đức GIÊSU chính là hạnh phúc tuyệt đối, là tất cả của chúng ta; và đồng thời, trong khi hoàn toàn thinh lặng, không dùng lời nói, nhưng bằng gương sáng đời sống và nhất là bằng tình huynh đệ phổ quát, chúng ta sẽ làm cho những người anh em vô tri ấy nhận biết đạo của chúng ta là gì, tinh thần Kitô giáo là gì, TRÁI TIM Chúa GIÊSU là gì”.
[20]
 
Tôi muốn nhấn mạnh là khi đến vùng Sahara, anh không sao nhãng mối tương quan với Thánh Thể, bởi vì chúng ta quá quen phân chia đời sống Thánh Thể của anh thành hai giai đoạn, khi ở Nazareth và ở Béni-Abbès là lúc anh hoàn toàn đắm mình vào việc tôn thờ, còn khi ở Tamanrasset anh rất ít dành thời giờ để tôn thờ Thánh Thể. Quả đúng là anh đã giảm bớt thời gian cầu nguyện để dấn sâu vào việc học ngôn ngữ và tiếp xúc với người Touaregs, nhưng anh Charles đã có một quan niệm hết sức sâu sắc về Thánh Thể và qua những người nghèo khổ mà anh yêu mến, anh nhìn thấy Đức Giêsu Đấng anh tôn thờ “thực sự hiện diện” trong Nhà Tạm. Trong lá thư duy nhất anh viết vào thời gian đó cho người bạn là G. Tourdes, anh bảo là đã đến Béni-Abbès “và sống ở đấy trong cô quạnh, làm đan sĩ trong đan viện, cố gắng thánh hoá bản thân và dẫn dắt các linh hồn khác đến với Chúa GIÊSU, không phải bằng lời nói hay bằng việc thuyết giảng, mà là bằng lòng nhân ái, cầu nguyện, sám hối, gương sống Tin Mừng, nhất là bằng sự hiện diện của Thánh Thể…”
[21]. Và cả khi đến Tamanrasset cũng vậy, mối tương quan ấy với Thánh Thể vẫn tiếp tục. Ngày 16 tháng 12 năm 1905, anh viết cho người chị họ của mình : “ở đây em chẳng cô độc chút nào … em có Thánh Thể, người bạn thân thiết nhất để ngày đêm hàn huyên” [22] Nhưng anh cũng biết rằng như thế vẫn chưa đủ bởi vì anh cảm thấy mình được gọi để “phát triển tình yêu Thánh Thể, vốn là hạnh phúc bất tận và là tất cả của chúng ta giữa những con người ấy” [23] và anh thú nhận “Công việc của tôi ở đây…trước hết chính là đem Đức Giêsu đến giữa họ, Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đang ngự xuống mỗi ngày trong Thánh Lễ” [24], Đức Giêsu mà “từ trong Nhà Tạm đang sở hữu vương quốc của Người và tuôn đổ các ân huệ của Người” [25].
 
Như vậy, cần phải nhìn nhận rằng lúc ấy ở Tamanrasset đang xảy ra những biến cố quan trọng giúp anh khám phá ra một ý nghĩa khác của Thánh Thể : chính mình trở nên thánh thể cho anh em, nhất là những anh em nghèo khổ hơn cả.
 
Tạm gác qua một bên nạn đói trong năm 1907-1909, khi đó Charles ngã bệnh vì đã tự cắt hết lương thực của mình để dành cho các trẻ em tất cả những gì anh có
[26], tôi muốn nói đến một biến cố khác vào năm 1907, biến cố ấy giúp anh suy nghĩ và tự trở thành bánh thánh thể cho những người anh em của mình. Anh đã cho Paul về nhà và vì không có người giúp lễ nên anh không được phép cử hành Thánh lễ. Đến  ngày 21 tháng giêng năm 1908, Anh mới được ban phép cử hành thánh lễ một mình. Nhưng cũng chính trong bức thư ấy, Đức Cha Guérin báo cho biết là Anh không được lưu giữ Thánh Thể trong nhà tạm bao lâu Anh vẫn chỉ sống một mình. Các bạn cũng đoán ra đối với anh đó là một sự hy sinh to lớn như thế nào, một người rất muốn đi đến xứ sở của những người Hồi giáo để mang đến đó Thánh Thể là “phương thế” quan trọng nhất cho cuộc đời truyền giáo và việc rao giảng Tin Mừng của anh, việc thánh hoá dành cho dân tộc lân cận. Mãi đến ngày 08 tháng 7 năm 1914 anh mới được phép lưu giữ Thánh Thể trở lại, nhưng trước đó anh đã hiểu ra rằng chính anh, nếu muốn bắt chước Người Anh chí ái của mình, thì phải trở thành thánh thể đối với những người anh em khác. Điều đó dẫn Anh đến chỗ hiểu được rằng Thánh Thể và việc phục vụ những người nghèo khổ chính là một việc tôn thờ duy nhất đối với Thân mình Chúa Kitô. Anh phải đến với những người hèn mọn, những kẻ nghèo khổ và nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi họ. Anh minh chứng điều đó vài tháng trước khi chết khi viết ra như một lời trăn trối : “Tôi tin là không lời nào trong Tin Mừng đã gây ấn tượng mạnh và biến đổi cuộc đời tôi hơn lời này : “Tất cả những gì các con làm cho những kẻ bé mọn này, chính là các con làm cho Thầy”. Nếu chúng ta nghĩ rằng những lời đó là lời của Đấng Chân Lý tự hữu, những lời phát ra từ miệng của Đấng đã nói “này là mình Thầy…này là máu Thầy”, thì chúng ta sẽ ra sức tìm kiếm và yêu mến Đức GIÊSU nơi ‘những kẻ bé mọn ấy”, những người tội lỗi ấy, những kẻ nghèo khổ ấy, dùng tất cả những phương thế vật chất để xoa dịu những nỗi khốn quẫn đời tạm này…” [27].
 
Bên cạnh khám phá ấy, còn có một suy nghĩ khác mà anh đã viết cho Đức Cha Guérin ngày 02 tháng 7 năm 1907: “Đức Cha hỏi con là – ở lại Hoggar mà không thể cử hành Thánh lễ hoặc được cử hành và không cần phải đến đó, thì điều nào đáng làm hơn – con vẫn luôn tự nhủ…Là linh mục duy nhất có thể đến Hoggar – trong khi nhiều vị khác có thể cử hành Thánh lễ - con cho rằng tốt hơn là nên bất chấp tất cả mà đến Hoggar, cứ để Chúa nhân lành lo liệu cho con cách thế để cử hành, nếu Người muốn (đó là điều Người vẫn làm cho đến hôm nay bằng nhiều phương thế rất khác nhau). Xưa kia, con thấy, một đằng là sự vô biên, tức là Thánh lễ, đằng khác là sự hữu hạn, tức là tất cả những gì không phải là Thánh lễ, và luôn phải hy sinh tất cả để cử hành Thánh lễ…Nhưng lý luận như thế hẳn là có gì không đúng, bởi vì sau thời các tông đồ, các vị thánh lớn đã từng hy sinh không dâng lễ, trong một số trường hợp, để làm những việc bác ái thiêng liêng, khi phải đi xa hoặc những dịp khác. Nếu kinh nghiệm cho thấy rằng có thể con phải ở lại rất lâu ở Tamanrasset mà không được cử hành Thánh lễ, và con cho là sẽ phải thực hiện những chuyến ở lại nơi ấy ngắn ngày hơn, không hạn chế người đi theo, thì như vậy đâu có phải là ở một mình. Ở một mình ngay tại địa phương là tốt; ở đó người ta vẫn hoạt động, ngay cả khi không làm điều gì to tát, bởi vì người ta đã trở thành “người địa phương”, đã trở nên hết sức dễ gần gũi và “hết sức bé mọn” !...Bởi thế, tại Tamanrasset, ngay cả khi không có Thánh lễ mỗi ngày, thì vẫn có Thánh Thể, việc cầu nguyện đều đặn, những buổi tôn thờ dài lâu, mà với con chính là sự thinh lặng và tĩnh tâm hoàn toàn : những hồng ân dành cho toàn xứ sở mà trên đó bánh thánh đang toả sáng…”
[28]. Anh từ chối việc cử hành để có thể ở lại giữa những người anh em của mình, để trở thành người địa phương và “hoàn toàn bé mọn” với “những kẻ bé mọn hoàn toàn”.
 
Anh đã từng biết đến mối liên kết giữa Thánh Lễ Tạ Ơn và Thân Thể Chúa Kitô, bởi vì trong các bài suy niệm của anh về Tin Mừng, có nhiều bản văn nói đến sự liên kết giữa hai bí tích này, nhưng bây giờ anh mới trải nghiệm được điều ấy. Và do đó anh đã có một ý niệm khác hẳn: “Đón nhận tha nhân, tức là đón nhận một chi thể của Chúa Giêsu, một phần thân thể Chúa Giêsu, một phần của Chúa Giêsu; do đó, tất cả những gì ta nói, ta làm với tha nhân, tức là chính Chúa Giêsu nghe và nhận lấy; đó là nói với Người, làm cho Người…nên chúng ta phải thực hiện những gì đem lại lợi ích hết sức cho linh hồn những ai tìm đến với chúng ta hoặc đáp ứng các nhu cầu cho thân xác họ theo khả năng của chúng ta, với một tình yêu thương, trân trọng, hân hoan, khao khát biết chừng nào; và chúng ta phải dịu dàng ân cần đến thế nào khi đón nhận một người nào đó đến với chúng ta, bất kể họ là ai !...người nghèo khó rụt rè gõ cửa, vị bề trên đến thăm chúng ta nhân danh Hội Thánh và Toà Thánh, tất, tất, tất thảy, người Thổ nghèo khổ và vị giám mục, khi tiếp đón tất cả họ là ta tiếp đón chính Chúa Giêsu.”
[29]
 
Và ý tưởng đó đã ăn rễ sâu trong tâm hồn anh đến độ một trong những bài suy niệm cuối cùng anh ghi lại vào tháng 6 năm 1916 tại Tamanrasset, sau hơn mười năm sống giữa những người Touaregs như sau : “Hãy luôn quí chuộng những người anh em hèn mọn nhất của chúng ta, những người đơn hèn nhất, quê mùa nhất : hãy trân trọng họ như những người được Chúa Giêsu ưu ái […] Hãy hoà mình với họ; như ý Chúa muốn, hãy trở thành một người trong số họ; hãy làm điều tốt lành nhất có thể cho thân xác và linh hồn họ; hãy cư xử với họ một cách trân trọng để tôn vinh Chúa Giêsu, một cách thân tình để có được vinh dự và hạnh phúc được kể như một người trong số họ…Khốn cho ai vì thói kiêu căng rồ dại mà coi khinh những người được Chúa đặt lên hàng đầu… “tất cả những gì anh em làm cho những người bé mọn này, là anh em làm cho chính Thầy.”
[30]
 
Thánh Thể không còn là một việc phụng tự đơn giản, nhưng đúng hơn là một hình thức sống, một phong cách sống đã được Đấng chính là Thánh Thể dạy và sống, để tưởng niệm cái chết và sự phục sinh đem ơn cứu độ cho trần gian. Nơi Người, anh cũng học được cách hiến dâng mạng sống mình. Cái chết vào ngày 01 tháng 12 năm 1916 có điều gì đó mang tính thánh thể, đó là máu đổ ra trong sự kết hiệp với hy tế của Đức Giêsu. Đó cũng chính là điều mà Cha Huvelin đã viết cho anh lúc anh lên đường đi Algerie : “Xin Chúa Giêsu luôn đồng hành với con và cho con thực hiện được điều tốt lành, được hoà trộn công việc của con với công việc của Người, máu của con với máu của Người.”
[31].
 
1.2. Tin Mừng
 
Thật khó mà nói đến việc rao giảng Tin Mừng nếu không qui chiếu vào Tin Mừng, bởi vì rao giảng Tin Mừng chính là phục vụ Tin Mừng, một tác vụ đối với Tin Mừng. Ở đây chúng ta đề cập đến một căn nguyên khác của sứ vụ nơi CDF. Như ông Pierre Sourisseau đã nói, Anh Charles đã xác tín rằng : “để rao giảng Tin Mừng, thì chính mình phải được Tin-Mừng-hoá đã”. Chúng ta biết Tin Mừng đã trở thành một trụ cột thực sự trong cuộc đời anh Charles như thế nào.
 
Chỉ vì muốn trở thành một Tiểu Đệ của Chúa Giêsu, cả bên trong lẫn bên ngoài, mà hằng ngày anh đọc Tin Mừng với niềm xác tín rằng việc đọc ấy không những là “một phần cốt thiết trong việc bắt chước Chúa Giêsu”, mà còn là qua Tin Mừng, anh có thể biết được Chúa Giêsu, biết những ước ao, những ý nghĩ, cách cư xử, việc cầu nguyện của Người, để nên đồng hình đồng dạng với Người, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất, bởi vì Người là vị Thầy duy nhất : “Hãy đón nhận Tin Mừng, chính nhờ Tin Mừng, theo Tin Mừng mà chúng ta sẽ bị xét xử…chứ không theo một cuốn sách, một vị linh hướng, một tiến sĩ hay một vị thánh nào, nhưng theo Tin Mừng của Chúa Giêsu, theo những lời Chúa Giêsu dạy, theo các mẫu gương của Chúa Giêsu, theo những lời khuyên dạy của Chúa Giêsu…Chúng ta hãy sống theo những giáo huấn của Chúa Giêsu, những lời khuyên, những lời nói, những mẫu gương của Chúa Giêsu…chứ đừng đi theo vị thầy, vị thánh nào nếu họ đi sai dù chỉ một li xa khỏi những gì thuộc về “vị Thầy duy nhất” và đấng thánh hoàn hảo duy nhất của chúng ta là Chúa GIÊSU !”
[32]
 
Việc đọc Tin Mừng như thế được trải dài trong suốt cuộc đời anh giúp anh ngày một thấm nhuần Chúa Giêsu hơn: “Hãy tìm hiểu, đọc, suy niệm các sách Tin Mừng ! hãy tìm kiếm Chúa Giêsu ở trong đó, tìm kiếm trong đó xem Người nghĩ gì, đã sống thế nào, mà làm cho tâm hồn chúng ta nên hoàn toàn đồng dạng với tâm hồn của Người, đời sống của chúng ta phù hợp với đời sống của Người…”
[33].
 
Anh Charles biết rằng nếu muốn rao giảng Tin Mừng, anh phải thấm nhuần Tin Mừng trước đã và thế là anh đã đọc Tin Mừng để nhận biết Đức Giêsu, Đấng mà Lời của Người là Tin Mừng, và luôn nhận biết Người theo chiều kích lưỡng diện : cả bên trong lẫn bên ngoài, hay nói đúng hơn là từ bên trong để xuất hiện ra bên ngoài : “Chỉ có một cách duy nhất để tôn thờ Người trong tinh thần, nhờ đời sống nội tâm: đó là làm cho đời nội tâm của chúng ta nên giống với đời nội tâm của Chúa Giêsu, bắt chước đời nội tâm của Chúa Giêsu…; Chỉ có một phương thế duy nhất để tôn thờ Người trong chân lý bằng việc làm, qua đời sống bên ngoài của chúng ta, đó là làm cho đời sống bên ngoài của chúng ta mô phỏng đời sống của Chúa Giêsu.”
[34]
 
Anh biết đó là điều cốt yếu và người môn đệ phải trở về với Tin mừng mỗi ngày để Tin Mừng huấn luyện, rập khuôn, biến đổi, bằng không sẽ lại rơi vào tâm địa thế gian vốn không phát xuất từ Đức Giêsu. Anh đã viết cho ông Massignon
[35] và cho ông Joseph Hours là người đã hỏi Anh làm thế nào để trở thành tông đồ : “Không ngừng đọc đi đọc lại Tin Mừng để luôn có sẵn trong tâm trí những hành vi, lời nói, tư tưởng của Chúa GIÊSU, để suy nghĩ, nói năng và hành động như Chúa GIÊSU, noi theo các mẫu gương và các giáo huấn của Chúa GIÊSU, chứ không theo các kiểu cách hành động của thế gian mà qua đó chúng ta sa ngã liền nếu không để mắt dõi theo mẫu gương chí thánh” [36]
 
Theo tôi, đó là lý do tại sao hầu hết vào cuối những buổi suy niệm của Anh, chúng ta luôn tìm thấy những điều Anh dốc lòng để sống đoạn Tin Mừng đã đọc. Đó không phải là một suy niệm lý thuyết suông, nhưng luôn đi vào đời sống cụ thể mỗi ngày. Anh nhận thức rằng chỉ lắng nghe Lời nói của Người Anh chí ái thôi thì chưa đủ, mà còn phải đem Lời ấy ra thực hành, phải trở thành nhân chứng cho Lời ấy nữa. Kho tàng anh đã nhận được, anh muốn chia sẻ với hết thảy những ai anh tiếp cận, muốn đặt vào tâm hồn họ ngọn lửa đã thiêu đốt tâm can anh : “Về hai lời mà Người đã nói trước khi ra đi : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” và “Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trên cao ban xuống”, đó là cách tôi phải áp dụng cho mình…Tôi phải đi khắp thế gian bằng những lời cầu nguyện ôm trọn hết mọi người…tôi phải rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo bằng mẫu gương đời sống của tôi, làm cách nào đó để đời sống của tôi trở thành một hình ảnh trung thực của đời sống Chúa Giêsu, và từ đó thét lớn Tin Mừng trên mái nhà, sao cho những ai nhìn thấy tôi, đang sống quanh tôi, tại nơi Chúa đã đặt tôi vào… được nhìn thấy một Tin mừng sống động”
[37].
 
“Tôi phải rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo bằng gương mẫu đời sống của tôi”. Anh Charles đã làm như vậy và chính vì thế mà, theo tôi, anh mới có can đảm truyền cho các tiểu đệ và tiểu muội theo quy tắc ấy, đó chính là con đường chúng ta có thể đi theo, và phải trở thành những chứng nhân, những nhà truyền giáo trong thiên niên kỷ thứ ba này: “Bằng gương mẫu đời sống, các anh chị phải trở nên một lời rao giảng sống động : mỗi anh chị phải là một gương mẫu sống Tin Mừng; để khi nhìn vào các anh chị, người ta phải nhận ra đời sống Kitô hữu là gì, Kitô giáo là gì, Tin Mừng là gì, Đức Giêsu là ai. Sự khác biệt giữa đời sống của các anh chị và của những người ngoài Kitô giáo phải hiện rõ đâu là chân lý. Các anh chị phải là một Tin Mừng sống động để những người xa lìa Chúa Giêsu, và đặc biệt là những người chưa tin, có thể nhận biết được Tin Mừng khi nhìn vào cuộc sống của các anh chị, mà không cần đến sách vở và lời nói”.
[38]
 
1.3. Chúa Thánh Thần và sứ vụ Hội Thánh
 
Để cả hai trụ cột nói trên trở nên thực sự sống động cần phải có tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Như Ông Sourisseau chứng minh hết sức rõ ràng trong phần thứ ba của cuốn “Đức Kitô của CDF”, thì đối với anh Charles, Hội Thánh khởi đầu vào ngày Hiện Xuống và Hội Thánh không thay thế Đức Giêsu nhưng chỉ tiếp tục sứ vụ của Người : “Khi rời khỏi thế gian, Đấng Phu Quân của chúng ta đã trao lại cho chúng ta chính sứ vụ của Người đó là : cứu các linh hồn…Người ra lệnh cho chúng ta, vì yêu Chúa, vì Chúa, nhân danh Người, thay thế Người, bắt chước Người, tiếp tục công việc mà chính Người đã đến thực hiện trên trần gian, và đã là công việc cả đời của Người : thánh hoá các linh hồn. Nếu yêu mến Đấng Phu Quân của mình, chúng ta hãy vâng nghe lời Người, bắt chước Người, tôn vinh Người, an ủi trái tim Người, hãy cùng với Người thực hiện công việc của Người !”
[39].
 
Thật rõ ràng nếu Hội Thánh là thành quả của lễ Hiện Xuống thì Hội Thánh phải hoàn toàn thấm nhuần Chúa Thánh Thần và sống nhờ Chúa Thánh Thần. Hội Thánh là khí cụ duy nhất để minh chứng sự hiện diện sống động của Chúa Kitô. Mọi người ai cũng được kêu mời thực hiện việc làm chứng này : “Hãy cố gắng làm cho người ta nhận biết Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người, làm cho họ gia nhập Hội Thánh công giáo…Đàng khác, đó còn là một bổn phận, bởi vì Chúa Giêsu đã truyền phải rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người…Đúng là không phải ai cũng rao giảng bằng lời, mà chỉ những ai đã lãnh nhận sứ vụ…nhưng, vì tình yêu đối với vinh quang Thiên Chúa, cũng như vì yêu tha nhân, tất cả mọi người đều phải làm việc để
 
hoán cải các tâm hồn bằng những phương thế tùy khả năng, bằng cầu nguyện, đời sống gương mẫu, hy sinh hãm mình, lòng bác ái, v.v…”
[40].
 
1.4. Sứ vụ lưỡng tính.
 
1.4.1. Đó là việc rao giảng Tin mừng được thực hiện cách âm thầm như Đức Giêsu đã làm ở Nazareth. Anh Charles trích dẫn lời Ngôn sứ Isaia “Aquae Salvatoris vadunt cum silentio” “Dòng nước Cứu Độ chảy lặng lờ” (Is. 8,6) để nhấn mạnh đặc tính này. Silôê nghĩa là “được sai đi” và từ đó chúng ta hiểu được tại sao CDF sửa câu trích dẫn Isaia bằng cách dùng từ “ Đấng Cứu Độ”. Chúng ta biết đoạn văn ấy được viết trong bối cảnh nào : vua Giuđa và dân thành Giêrusalem tìm cách liên minh với dân ngoại và không nhận ra Thiên Chúa đang âm thầm ban nhưng không nguồn nước cho thành của họ đang bị bao vây. Sự che chở của Thiên Chúa vẫn tiếp tục cách âm thầm; phải mở to mắt ra mới nhìn thấy được điều ấy. Đó chính là lòng tin mà CDF đã học biết bằng kinh nghiệm : Anh biết Thiên Chúa chạm đến tâm hồn người ta một cách kín đáo, đơn giản. Đặc tính này cũng sẽ được CDF áp dụng vào việc rao giảng Tin Mừng. Năm 1904, sau khi đã quyết định đến với những người Touaregs , anh viết rõ ra cách làm thế nào để sống giữa những con người ấy : “Âm thầm, kín đáo, như Chúa Giêsu ở Nazareth, không ai biết đến, “vô danh trên trần gian này, như một lữ khách trong đêm tối”, “aquae Salvatoris vadunt cum silentio”, sống nghèo khó, cần mẫn, khiêm hạ, hiền lành, đầy lòng nhân ái như Người, “luôn làm điều lành”; bị tước hết khí giới và lặng câm trước sự bất công như Người, để cho mình trở nên như Chiên Thiên Chúa, chịu xén lông và sát tế mà không hề hé răng phản ứng, hoàn toàn bắt chước theo Chúa GIÊSU ở Nazareth và Chúa GIÊSU trên thập giá, và nếu có ai nghi ngờ tôi về việc ứng xử và tuân giữ nội quy dành cho tiểu đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì tôi luôn cố rập theo cách cư xử của Chúa GIÊSU ở Nazareth và Chúa GIÊSU trên thập giá, bởi vì bổn phận đầu tiên của người tiểu đệ Thánh Tâm Chúa GIÊSU và của bản thân tôi, điều khoản đầu tiên đối với ơn gọi của họ và của tôi, đối với nội quy của họ và của tôi, điều dành cho họ và cho tôi là do Chúa viết ra, “trước hết” chính là bắt chước Chúa GIÊSU trong cuộc sống của Người tại Nazareth và đã đến lúc bắt chước Người trên con đường thập giá và cái chết của Người.”
[41]
 
1.4.2. Hội Thánh biết mình luôn phải làm chứng “trong thời buổi cùng quẫn” (Đn. 9,25). Biểu thức này – vốn được qui chiếu vào sự tái thiết Giêrusalem sau khi trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon - là đặc tính luôn song hành với việc loan báo Tin Mừng. Xin đơn cử một thí dụ: Ngày 01 tháng 06 năm 1908, anh viết cho Đức Cha Guérin nói về “các linh hồn ấy đang bao quanh con, đang hư mất, và sẽ mãi mãi ở trong tình trạng đó, nếu người ta không tìm ra và dùng những phương thế hành động hiệu quả đối với họ…” : “Có một từ ngữ trong Kinh Thánh mà con tin là chúng ta luôn phải nhớ, đó là Giêrusalem đã được xây dựng lại trong thời buổi cùng quẫn. Phải quyết định làm việc cả đời chúng ta trong thời buổi cùng quẫn…Những khó
 
khăn không phải là một tình trạng chóng qua để rồi cứ bỏ mặc cho chúng trôi đi như một cơn lốc và sau đó mới bắt tay làm việc khi mọi sự đã yên tĩnh trở lại; không, chúng là trạng thái thường tình; phải quyết định dành cả cuộc đời để thực hiện mọi việc tốt lành mà chúng ta muốn làm, ngay trong thời buổi cùng quẫn”.
[42]
 
1.5. “Người ta làm điều thiện…tuỳ theo bản chất của mình”
Để kết thúc, chỉ xin nói một lời về sự thánh thiện. Tôi nói chỉ cần một lời là vì có vẻ như tôi cũng đã phần nào nói lên được tầm quan trọng của sự thánh thiện đối với CDF và công việc rao giảng Tin Mừng của anh. Một sự thánh thiện mà chẳng là gì khác ngoài sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu cả bên trong lẫn bên ngoài, nhờ việc bắt chước. Tuy thừa nhận bắt chước là một con đường khó khăn, nhưng anh vẫn xác định đó “là con đường duy nhất”. Ngoài nó ra, chẳng có con đường nào là hoàn thiện. Bởi lẽ “sự hoàn thiện không nằm ở chỗ thúc đẩy một nhân đức nào đó đến tột điểm, sự hoàn thiện chính là trở nên giống Đức Giêsu, Đấng vô cùng hoàn thiện, càng nhiều càng tốt.”
[43], nghĩa là tái hiện nơi chính mình tất cả những tính chất của Chúa Giêsu cách trung thành và đầy yêu thương, nỗ lực trở nên giống Người trong mọi sự. Nói cách khác, không ngừng bắt chước Người trong cách sống, bên trong cũng như bên ngoài [44], trở nên hình ảnh trung thực và hoàn hảo của Người, nỗ lực hết sức để nên giống Người, đến mức trở thành một ‘Kitô khác’ hoặc “một Kitô khác sống động và hoạt động” [45]. Không phải chỉ là một bắt  chước đơn giản ở bề ngoài hoặc về mặt vật chất, mà là một sự đồng hình đồng dạng sâu xa với Chúa Giêsu, một đồng hoá hoàn toàn với Người, một sự hòa hợp hoàn toàn với những mẫu gương và các giáo huấn của Người, với chính cuộc sống của Người. Thật vậy, như Dom Henry, Tu viện trưởng đan viện Đức Bà ở Staouéli, trong một bức thư gửi Đức Cha Guérin, đã minh chứng rằng nguyên sự có mặt của anh Charles trong Phủ Doãn Tông Toà của ngài đã là “một lời rao giảng đầy tính thuyết phục”[46]rồi; chúng tôi dám nói rằng : “Anh đã trở nên một Thánh Thể và một Tin Mừng sống động !”
 
Và điều đó không phải chỉ nhất thời, nhưng là mãi mãi. Đáp lại câu hỏi của Đức Giám Quản muốn biết anh có đủ sức và liệu anh “có sẵn sàng mở rộng Tin Mừng ra khỏi vùng Béni-Abbés” hay không, anh nói : “con sẵn sàng vì việc đó mà đi đến tận cùng trái đất và sống cho đến ngày phán xét.”
[47]
 
 
CÂU HỎI :
 
  1. Mầu nhiệm Nazaret trở thành phong cách thi hành sứ vụ : trở về nguồn mạch Tin Mừng để, bằng phẩm chất của chính đời sống Tin Mừng của bản thân, minh chứng được ý định trỗi vượt, nghĩa là sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta. Vì thế, đây không phải là một việc rao giảng Tin Mừng bằng tinh thần xâm chiếm hoặc thập tự chinh, nhưng là với thái độ chiêm niệm giúp nhận ra những dấu chỉ của Đấng Phục Sinh đang hiện diện nơi hết thảy mọi người, trong mọi biến cố và cùng sống niềm ngây ngất với bà Êlizabeth khi đón tiếp Đức Maria trong mầu nhiệm Thăm Viếng. Chúng ta thực hiện việc đó bằng cách nào ?
 
Chúng ta thi hành sứ vụ của mình trong mầu nhiệm Nazareth như thế nào ?
 
  1. Hôm nay, đến lượt chúng ta “đi đến cùng cõi trái đất và sống cho đến ngày chung thẩm…” để loan báo Tin Mừng. Sứ vụ nơi anh Charles không phải là một đặc sủng mới, mà đúng hơn là đặc sủng cơ bản : trở về với con người Đức Giêsu, loan báo về Người bằng chính đời sống thánh thiện của chúng ta. Điều quan trọng đối với anh Charles không phải là những công việc, song là “những nhà truyền giáo” bén rễ sâu trong Thiên Chúa, trong Tin Mừng của Người, trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có xác tín điều đó không ? Bằng cách nào chúng ta có thể tìm ra những con đường mới để trở thành chứng nhân theo cung cách của anh Charles giữa lòng thế giới và trong Hội Thánh ngày nay ?
(Bài thuyết trình I của Cha A. Mandovico, tại ĐH Sassovivo)
_____________________ 
 
Gợi ý thào luận
  • Ước muốn sống tình huynh đệ và lao động; sống nghèo khó, giản dị, âm thầm; sống tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ tha nhân; sống đời Nazareth: sống huynh đệ chân thành với nhau và với những người xung quanh.
Nhấn mạnh tới tình yêu kết hiệp với Thiên Chúa; sống với.
  • Sống thánh nơi bản thân và biểu lộ ra bằng một đời sống tích cực phục vụ tha nhân; sống mầu nhiệm Thánh Thể cách mãnh liệt; con đường mới : đối thoại, chia sẻ và tiếp đón.
 
[1] Castries, 98-99
[2] Carnets, 46
[3] Huvelin, 209
[4] Sđd.
[5] Castries, 85
[6] Thét lớn Tin Mừng, 21-22
[7] Sđd.
[8] Thần Khí Đức Giêsu, 148
[9] Chỗ rốt hết, 917
[10] Lòng Chúa nhân lành, 76
[11] Huvelin, 66
[12] Sđd, 117.
[13] Những Suy Nghĩ, 486-487.
[14] Gương phúc, 166.
[15] Tiểu đệ, 102-103.
[16] Huvelin, 136.
[17] Huvelin, 1146
[18] Xem Caron, 13-14.
[19] Một mình với Chúa, 80-81.
[20] Chỗ rốt cùng, 239-240.
[21] Tourdes, 162.
[22] Bondy, 146.
[23] Caron, 51.
[24] Sđd. 20
[25] Thư từ trao đổi với Lyon, 46
[26] Xem Laperrine, “Những giai đoạn hoán cải của một chàng lính khinh kỵ” trong CCF, 6 1947, 71-82.
[27] Cuộc phiêu lưu, 210.
[28] Thư tín liên lạc từ Sahara, 527.
[29] Tiểu đệ, 37.
[30] Người lữ khách, 207.
[31] Huvelin, 193.
[32] Gương phúc, 204.
[33] Gương phúc, 159.
[34] Gương phúc, 152.
[35] Cuộc phiêu lưu, 166.
[36] Thư tín liên lạc với Lyon, 93
[37] Những suy nghĩ, 402
[38] Điều lệ, 647
[39] Tiểu đệ, 103.
[40] Vì một mình Thiên Chúa, 203.
[41] Sổ tay Béni-Abbés, 103-104.
[42] Thư tín liên lạc từ Sahara, tr.624.
[43] Xem Sổ tay, 104.
[44] Xem Bản Liệt kê 15 nhân đức cần bắt chước trong “Chỗ rốt cùng”, tr. 128…
[45] Xem “Một mình với Chúa”, 156.
[46] Chỗ rốt cùng, 246.
[47] Thư Tín Sahara, 155.

Tác giả: Cha A. Mandovico

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây