BÀI GIẢNG LỄ KÍNH CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD
Của ĐHY Jean-Pierre Ricard
Tại Nhà thờ Thánh Tâm - Chúa Nhật ngày 4 tháng 12 năm 2016
Anh chị em thân mến,
Tiếp theo các ĐGH Gioan-Phaolô II và Biển Đức XVI, ĐGH Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng việc loan báo Tin Mừng, truyền giáo, không phải là một lựa chọn đối với một Kitô hữu. Mọi người đã được rửa tội đều là người tông đồ, là chứng nhân. ĐTC Phanxicô nói về “các môn đệ truyền giáo”. Ngài viết trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Do Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mỗi thành phần Dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo (x. Mt 28,19). Mỗi người đã được rửa tội, bất kể chức vụ của mình trong Giáo hội và trình độ giáo dục đức tin của mình, đều là một chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng… Niềm xác tín này biến thành một lời kêu gọi mỗi Kitô hữu, để không ai được khước từ việc dấn thân loan báo Tin Mừng, bởi vì ai đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa, Đấng đã cứu chuộc mình, thì người ấy sẽ không cần nhiều thời gian chuẩn bị; không thể chờ đến khi nhận được nhiều bài học hoặc những chỉ dẫn dài dòng mới đi loan báo Tin Mừng. Mọi kitô hữu đều là một nhà truyền giáo tùy theo mức độ họ gặp được tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô…”; chúng ta không còn bảo rằng chúng ta là “môn đệ” và “người truyền giáo” nữa, mà luôn luôn phải nói rằng chúng ta là “người môn đệ- truyền giáo” ”. Các bạn biết rằng suy tư này về tầm quan trọng của việc trở thành môn đệ truyền giáo ngày nay là trọng tâm của cuộc chất vấn của Thượng hội đồng giáo phận của chúng ta. Và tôi tin rằng đó là một ân huệ lớn lao để đào sâu việc chúng ta suy niệm về sứ mệnh mà chúng ta đề ra hôm nay trong tinh thần lắng nghe Chân phước Charles de Foucauld . Anh đã sống và anh đến chỉ cho chúng ta những điều cơ bản. Tôi lưu ý một số điều sau đây:
1) Trước hết, sứ mệnh không phải là công tác chiến lược hay tiếp thị mà thông qua đó người ta muốn đặt một sản phẩm. Trên tất cả đó là một niềm đam mê, một vấn đề của tình yêu. Cha de Foucauld đã không thực hiện nhiều cuộc cải đạo hay rửa tội. Cha biết rằng thời điểm mùa thu hoạch chưa đến. Nhưng cha yêu mến những người Tuareg này, cha đang sống ở giữa họ và cha không muốn bỏ rơi họ ngay cả khi nguy hiểm cận kề. Cha cầu nguyện cho họ và đem họ đến trước mặt Chúa. Tất nhiên, cha không lý tưởng hóa họ. Cha nhận ra rất nhiều lầm lỗi của họ. Nhưng cha yêu thương những con người nam nữ này và thầm mong một ngày nào đó họ có thể mở lòng ra đón nhận ánh sáng Tin mừng.
2) Charles de Foucauld biết rằng, nếu chứng tá rõ ràng là cần thiết, thì đôi khi cũng cần phải chuẩn bị đường lối của Chúa cách tiệm tiến và lâu dài, như thánh Gioan Tẩy Giả đã làm với Chúa Giêsu. Phục vụ, hiếu khách, chia sẻ, gần gũi là chuẩn bị con đường này cho Tin Mừng. Cha de Foucauld xác tín rằng việc truyền giáo không phải được thực hiện theo chủ nghĩa sùng đạo, nhưng, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, bằng sự lây lan, bằng sự thu hút. Chính tình huynh đệ, lòng nhân ái, sự quan tâm đến người khác đã làm tâm hồn người ta mở ra. Những người cùng thời với ngài đã không lầm. Nếu chúng ta có thể đặt cho Cha de Foucauld cái tên mỹ miều là “người anh em đại đồng”, đó là bởi vì nhiều người đã cảm nhận được phẩm chất của tấm lòng này của ngài nhất là trong cuộc sống thường ngày. Vả lại, chính ngài là người đã tạo ra tên gọi này. Năm 1902, ngài viết cho người chị họ của mình: "Em muốn tất cả cư dân ở đây, những người theo đạo Thiên Chúa, Hồi giáo, Do Thái và những người sùng bái thần tượng, quen coi em như người anh em của họ, người anh em đại đồng" . Một vài tháng trước khi qua đời, ngài đã viết: “Chúng ta phải làm cho người Hồi giáo chấp nhận chúng ta, trở thành người bạn đáng tin cậy đối với họ, người bạn mà họ tìm đến lúc hoài nghi hay khi gặp đau khổ; làm cho họ hoàn toàn tin tưởng vào tình cảm, sự khôn ngoan và sự công bình của chúng ta. Chỉ khi nào đạt đến mức đó, chúng ta mới có thể mưu ích cho linh hồn họ ".
3) Đối với ngài, sứ mệnh bao hàm kiến thức về người khác, về những người khác, về văn hóa của họ, ngôn ngữ của họ, tâm trạng của họ. Ngài muốn kết thân với những người mà ngài đang chung sống. Ngài viết một cuốn từ điển Tuareg-Pháp. Ngài thu thập những dữ liệu và truyền thống về văn hóa của người dân Hoggar này. Ngài biết rằng cách tiếp cận truyền giáo có thể đòi hỏi một sự đồng hành lâu dài và dần dần kết thân với những người mà chúng ta tiếp xúc.
4) Chính trong việc cử hành Thánh Thể và trong việc tôn thờ Thánh Thể, Cha de Foucauld đã kín múc được tình yêu này dành cho dân Người. Chúng ta biết việc cử hành Thánh lễ đem lại sức sống cho Ngài như thế nào. Ngài dâng lên Chúa những đau khổ khi không thể dâng lễ vì sống đơn độc một mình, không có người giúp lễ, mãi cho đến khi được Rôma cho phép dâng lễ, dù chỉ có một mình. Việc tôn thờ Thánh Thể cũng vô cùng quan trọng đối với ngài. Ngài chiêm ngắm Đức Kitô và kết hiệp với hy tế của Đức Kitô, Đấng tự hiến mình cho Chúa Cha vì phẩn rỗi nhân loại. Trong Giáo Hội, đời sống Thánh Thể và sứ vụ luôn được liên kết cách mật thiết. Việc canh tân đời sống Thánh Thể (cử hành và tôn thờ) luôn mang lại một năng động truyền giáo lớn hơn và một cuộc canh tân hoạt động tông đồ giúp chúng ta có thể khám phá ra rõ ràng hơn nữa về đời sống Thánh Thể là nguồn cội của chúng. Tôi rất vui mừng vì một nhà nguyện được cung hiến cho Cha de Foucauld nằm trong Nhà thờ Thánh Tâm này, nơi đã mong muốn được thờ phượng Thánh Thể liên tục ở Bordeaux trong những năm gần đây.
5) Sau hết, vị chân phước đến để nhắc nhở chúng ta rằng thành quả phong phú của sứ mệnh liên kết chặt chẽ với sự hiến thân. Cả cuộc đời của ngài là một bằng chứng đặc biệt mạnh mẽ cho những lời này của Chúa Giê-su Kitô trong Phúc Âm: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy. ”(Ga 12, 24-26). Chúng ta thấy cuộc đời của Cha Charles de Foucauld được Chúa ban tặng nhiều hồng ân như thế nào. Nó sẽ là như vậy cho đến khi tử đạo, nơi ngài sẽ được dẫn đến kết hiệp chính mình với cuộc khổ nạn của Chúa mình, cho dân tộc mà ngài không muốn bỏ rơi, ngay cả khi chính mạng sống mình lâm nguy. Ngài đã chuẩn bị cho cái chết này rồi. Ngài viết: “Nếu một ngày nào đó tôi có thể bị những kẻ ngoại đạo giết, đó là một cái chết đẹp biết bao! Người anh em rất thân yêu của tôi, vinh dự và hạnh phúc dường nào, nếu Chúa khứng nhậm lời tôi ”. Ngài đã bị một nhóm vũ trang giết để cướp của trong pháo đài mà ngài đang ở. Và người ta đã tìm thấy dưới lớp cát bên cạnh ngài một bánh thánh. Charles de Foucauld đã được kết hợp với Đức Kitô trong cái chết để được phục sinh.
Sáng nay, chúng ta có thể tự hỏi: còn chúng ta thì sao?
- chúng ta có đam mê để làm chứng cho Tin mừng như vậy không?
- chúng ta có lòng yêu người không?
- chúng ta đang phục vụ nhau như thế nào? Chúng ta có phải là anh em đại đồng không? Chúng ta có lòng hiếu khách, niềm nở và nhân hậu không?
- chúng ta có biết cách lắng nghe, thấu hiểu những người chúng ta gặp gỡ, ngay cả khi họ làm chúng ta bối rối? Chúng ta có biết làm thế nào để ứng xử bằng sự kiên nhẫn và hy vọng của Chúa không?
- Việc cử hành, tôn thờ và yêu mến Thánh Thể có vị trí nào trong cuộc sống của chúng ta?
- làm thế nào để chúng ta biết cách nhiệt tình trao ban chính mình mỗi ngày cho tha nhân?
Mùa vọng thực sự là thời gian hoán cải được ban cho chúng ta để tự mình trả lời những câu hỏi này. Chúng ta đừng ngần ngại cầu xin Chân phước Charles de Foucauld giúp chúng ta cùng phó thác và tin tưởng như ngài để thi hành sứ mệnh. Amen