TIỂU SỬ CHARLES DE FOUCAULD

Thứ ba - 19/05/2020 11:19
TIỂU SỬ CHARLES DE FOUCAULD
TIỂU SỬ ANH CHARLES DE FOUCAULD
 
1/. CON CỦA GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO (1858 - 1873)

Charles sinh tại Strasbourg, nước Pháp, ngày 15 tháng 9 năm 1858 và được Rửa tội 2 ngày sau đó.

Lạy Chúa, tất cả gia đình chúng con ngợi khen lòng thương xót Chúa: là con của một người mẹ thánh thiện, con đã được mẹ dạy cho biết Chúa, yêu mến Chúa và cầu nguyện với Chúa: kỷ niệm đầu đời của con chẳng phải là lời kinh mà mẹ đã dạy con đọc sớm hôm như sau:” Lạy Chúa, xin ban phúc lành cho ba má, ông bà nội, bà ngoại Foucauld và em gái nhỏ” sao?...”

Nhưng, ba má, và ngoại Foucauld mất năm 1864. Ông ngoại đem 2 đứa nhỏ về nuôi: Charles (6 tuổi) et Marie (3 tuổi).

Tôi luôn luôn ngưỡng mộ trí thông minh tuyệt vời của ông ngoại mà sự dịu đàng vô biên của ông bao bọc tuổi thơ và tuổi niên thiếu của tôi trong bầu khí yêu thương làm tôi luôn cảm thấy ấm áp xúc động.”

Ngày 28.04.1872, Charles được Rước Lễ lần đầu và được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cùng ngày.

2/. CHÀNG TRAI TRONG MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA (1874 - 1876)

Charles thông minh và rất dễ tiếp thu trong học tập. Anh rất ham đọc sách, và đọc bất cứ sách gì.

« Nếu tôi học kém ở Nancy chính là vì người ta đã để tôi pha trộn việc học của tôi với việc đọc hằng mớ các sách báo, khiến tôi mất hứng học hành, và biến tôi trở thành con người xấu như các bạn biết đó…”

Dần dần, Charles xa lìa đức tin. Anh vẫn còn tôn trọng đạo công giáo, nhưng anh không còn tin vào Thiên Chúa nữa.

« Tôi sống 12 năm không từ chối mà cũng chẳng tin gì, thất vọng về chân lý và cũng chẳng còn tin nơi Thiên Chúa, không một chứng cứ nào được coi là minh nhiên cả.»

« Ở tuổi 17 tôi hoàn toàn sống ích kỷ, hết sức phù phiếm, vô đạo đức, chỉ ao ước điều xấu, lúc đó tôi như một kẻ điên khùng…»

« Khi đó tôi sống trong đêm tối. Tôi không nhìn thấy Thiên Chúa cũng như chẳng nhìn thấy con người nữa : tôi chỉ còn biết có tôi

3/. MỘT QUÂN NHÂN KHÔNG XÁC TÍN (1876 - 1882)

Sau hai năm học ở Quân Trường, Charles trở thành một sĩ quan. Ông ngoại của anh vừa mới qua đời và Charles được thừa kế toàn bộ gia tài. Khi đó anh mới 20 tuổi.

Trong nhiều năm, Charles tìm mua vui trong ăn nhậu và lễ hội. Khi đó người ta gọi anh là “Gros Foucauld - Foucauld đại ca”.

Tôi ăn nhiều. Ngủ nhiều. Suy nghĩ chẳng bao nhiêu.”

Nhưng tháng 10 năm 1880, Charles được phái sang Algérie. Algérie đã làm hài lòng anh và cư dân ở đó cũng quý mến anh.

« Cây cối nơi đây phát triển tuyệt vời: cây cọ, cây thắng, cam quít. Đó là một đất nước xinh đẹp! Tôi hết sức kinh ngạc thán phục: giữa tất cả điều đó, dân ả rập trong bộ áo choàng trắng hay với những y phục mầu sắc rực rỡ, với từng đàn lạc đà, đàn lừa con hay đàn dê, chúng tạo nên một cảm nhận rất nên thơ đẹp như trong tranh vậy.”

Nhưng vì chuyện đàn bà con gái, Charles từ chối các lời khuyên của Cấp trên, nên anh bị đuổi việc.

Vừa về đến Pháp, anh trở lại với trung đoàn cũ và được phái qua Tunisie.

« Cuộc viễn chinh kiểu này là một niềm vui rất họa hiếm không dễ gì bỏ phí mà không cố gắng tận hưởng. – Người ta đã đặt tôi vào lại đúng chỗ tại Phi Châu, như trước kia tôi đã yêu cầu, nhưng không hẳn là trong trung đoàn tôi mong muốn. Tôi gia nhập vào một đội quân lưu động trên các cao nguyên, thuộc miền Nam Saïda. Thật thú vị: cuộc sống nơi lều trại làm tôi thích thú bao nhiêu thì cuộc sống đồn trú lại làm tôi chán ngấy bấy nhiêu. Tôi hy vọng đội quân này sẽ tồn tại rất lâu; khi nào hết ở đây, tôi sẽ đi đến những nơi khác mà người ta điều động tới.

Ngày 15 tháng 01 năm 1882, các “đội quân” hoàn thành nhiệm vụ và anh Charles một lần nữa lại phải sống trong doanh trại.

« Tôi chán ghét cuộc sống ở doanh trại… tôi thích lợi dụng tuổi thanh xuân của mình để đi đây đi đó; bằng cách này ít ra tôi cũng học hỏi thêm được điều gì và không lãng phí thời gian.”

Và ngày 28 tháng 01 năm, anh đào ngũ.

4/. NGƯỜI LỮ HÀNH NGHIÊM TÚC (1882 - 1886)

Lúc đó Charles quyết định cư ngụ tại Alger để chuẩn bị cho chuyến du hành sắp tới.

« Thật là thiệt thòi khi người ta chỉ thực hiện các cuộc du lịch tầm phào, ngu ngốc hoặc chỉ đơn thuần làm một khách du lịch. Tôi muốn thực hiện các chuyến đi này cách nghiêm túc, đem theo cả sách vở để nghiên cứu học hỏi càng nhiều càng tốt, về lịch sử cổ đại và hiện đại, nhưng nhất là lịch sử cổ đại của tất cả các nước mà tôi sẽ đi qua

Nước Ma-rốc tuy rất gần, nhưng người ta lại cấm không cho người Âu châu nhập cảnh. Anh Charles thì lại gắn kết với cái xứ sở bí ẩn này. Sau 15 tháng dài chuẩn bị, Charles đã đi Ma-rốc cùng với một hướng dẫn viên người Do thái tên là Mardochée.

 « Trong năm 1883, trên toàn lãnh địa của vua Thổ nhĩ kỳ, người Âu châu có thể đi lại công khai mà không gặp nguy hiểm nào; nhưng phần còn lại của xứ Ma-rốc, thì phải cải trang và liều mạng người ta mới có thể xâm nhập: người đó bị coi là gián điệp, nên nếu bị phát hiện họ sẽ bị giết. Hầu hết các chuyến du hành của tôi trong xứ đều được thực hiện cách độc lập. Tôi cải trang từ Tanger, để tránh mọi phát hiện tông tích bất lợi. Tôi xưng mình là người Israel. Trong suốt cuộc hành trình, tôi mang y phục theo kiểu của người Do thái đang sinh sống tại ma-rốc, thực hành tôn giáo của họ, lấy tên là giáo trưởng Joseph. Tôi cầu nguyện và hát thánh ca trong các hội đường do thái, và các bậc phụ huynh thường xin tôi chúc lành cho con cái của họ… »

« Với kẻ muốn biết quê quán của tôi, tôi trả lời khi ở Giêrusalem, khi ở Moscou, khi ở Alger.”

« Người ta hỏi vì sao tôi đến đây ư? Với người hồi giáo, tôi là một giáo trưởng do thái đi ăn xin từ thành này đến thành khác; với người Do thái, tôi xưng mình là một người Israel mộ đạo, nên dù mệt mỏi và nguy hiểm cũng đến Ma-rốc để tìm hiểu về hoàn cảnh sống của anh chị em đồng bào

« Tất cả lộ trình của tôi đã được định vị nhờ cái la-bàn và cái phong vũ biểu

« Khi đi, tôi luôn mang theo một cuốn sổ tay lớn khoảng 5 phân vuông giấu trong lòng bàn tay trái; và tay kia luôn mang một cây bút chì dài chừng 2 phân, tôi thường ghi lại những gì đáng lưu ý xuất hiện và nhìn thấy ở hai bên đường; tôi ghi lại những khúc rẽ, điều chỉnh theo hướng la-bàn, những chỗ lồi lõm trên mặt đất, theo độ cao của phong vũ biểu, giờ và phút của từng lần quan sát,, những chặng nghỉ, vận tốc di chuyển, v.v…Tôi đã ghi chép như thế hầu như suốt thời gian đi đường, suốt thời gian sống trong những vùng đầy hiểm nguy này

« Không một ai phát hiện ra việc này, ngay cả khi ở giữa những đoàn rất đông người; tôi thận trọng đi tới trước hay lùi lại phía sau các bạn dồng hành, để, nhờ những chiếc áo rộng thùng thình, người ta không thể phát hiện được những chuyển động nhẹ nhàng của hai bàn tay tôi. Cứ thế, những cuốn sổ nhỏ của tôi cứ dần dà đầy thêm những mô tả và đo vẽ lộ trình đã qua

« Ngay khi tới một làng nào mà tôi có thể kiếm được một phòng riêng, tôi liền bổ sung và chép lại các dữ liệu đó trên những cuốn sổ tay bỏ túi làm sổ nhật ký chuyến du hành của tôi. Tôi phải để ra hằng đêm để làm công việc này

« Trong một thời gian ngắn lưu trú tại Tisint, tôi đã làm quen được với nhiều người: tất cả những người hành hương hồi giáo (hadjs) muốn gặp tôi . Một sự kiện duy nhất khi tôi đến Algérie, nơi đó người ta rất hiếu khách, ai cũng nồng nhiệt đón tiếp tôi; từ đó tôi biết là có nhiều người nghi tôi là người Kitô giáo, nhưng họ không đả động gì tới chuyện này, có lẽ họ hiểu rõ những nguy hiểm hơn tôi rằng nếu họ nói ra tôi có thể toi mạng

« Khi đến Agadir, tôi vào trọ tại nhà ông Hadj Bou Rhim. Tôi không thể nói tôi phải ca ngợi và biết ơn ông ấy là dường nào: ông đã tỏ ra là người bạn đáng tin cậy nhất, vô vị lợi nhất và tận tâm nhất; hai lần ông đã liều mạng để bảo vệ mạng sống tôi. Sau một thời gian ngắn, ông đã đoán ra tôi là kitô hữu; và rồi chính tôi cũng đã thố lộ cho ông biết như vậy: nhưng bằng chứng của lòng tin tưởng này lại càng làm chúng tôi thêm gắn bó với nhau

Trong 11 tháng, Charles thường phải hứng chịu những lời nhục mạ và bị ném đá. Nhiều lần suýt chết.

Ngày 23 tháng 05 năm 1884, một chàng hành khất nghèo khổ lết tới đồn biên giới nước Algérie. Hắn đi chân không, gầy ốm, bẩn thỉu. Anh chàng Do thái nghèo khó đó, chính là Charles de Foucaud.

« Cuộc thám hiểm đó thật là gian nan, nhưng rất thú vị. Tôi đã thành công! »

Giới khoa học thời đó đầy hứng khởi nhờ công trình của anh Charles: đó là một cuộc khám phá đích thực! Anh rảo khắp 3000 cây số trong một xứ sở xa lạ. Thật vẻ vang!
  
5/. NGƯỜI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA (1886 - 1890)

Nhưng Charles chẳng thích thú gì với cái vinh dự này. Anh rời khỏi Algérie và về sống với những người thân của gia đình ở Paris. Khi đó anh 28 tuổi.

« Đầu tháng 10 năm 1889, sau 6 tháng sống tại gia đình ở số 15, tại Paris, để xuất bản các tài liệu trong chuyến thám hiểm Ma-rốc, tôi nhận ra mình đang được sống với những con người rất thông minh, rất nhân đức và sống đời kitô hữu rất tròn đầy; đồng thời một ân sủng bên trong thôi thúc tôi hết sức mạnh mẽ: tôi đi đến nhà thờ, chẳng tin gì, chỉ cảm thấy rằng ở đó thật dễ chịu, và cứ ở lại đó hàng giờ để lặp đi lặp lại lời nguyện kỳ lạ này: Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, xin cho con được biết Chúa!”    
                 
« Nhưng con không biết Ngài…»

« Ôi! Lạy Chúa dường như Ngài đang nắm tay con và con đã cảm nhận được phần nào! Chúa nhân lành biết bao! Chúa tốt lành biết bao! Chúa hằng giữ gìn con! Hằng che chở con dưới bóng cánh của Ngài ngay cả khi con chẳng tin là có Ngài

« Bằng uy lực của các tạo vật, Ngài buộc con phải sống khiết tịnh. Đó là điều cần thiết để chuẩn bị tâm hồn con đón nhận chân lý này là : một linh hồn không sống trong sạch thì bị ma quỷ khống chế

« Đồng thời, Ngài đã dẫn con về lại trong một gia đình đã đón nhận con như là một đứa con hoang đàng. »

« Lạy Chúa, tất cả mọi sự đó, đều là công việc của Chúa, của một mình Chúa mà thôi… Một tâm hồn tốt lành đã phụ tá cho Chúa, nhưng bằng sự thinh lặng, sự dịu dàng, lòng nhân từ và sự thiện hảo của tâm hồn ấy… Chúa đã dùng vẻ đẹp của tâm hồn ấy mà lôi kéo con về với Ngài

« Lúc đó, Chúa đã gợi lên trong con ý tưởng này là :” Vì tâm hồn này rất thông minh như thế, tôn giáo mà tâm hồn ấy tin tưởng chắc không thể là hành vi điên rồ được. Vậy tôi phải tìm hiểu đạo này, tiếp xúc với một vị thầy của đạo công giáo, một vị linh mục thông thái, để xem đạo ấy như thế nào, có đúng như lời cô ấy nói không

« Bấy giờ tôi đến gặp Cha Huvelin. Tôi xin ngài dạy giáo lý cho tôi: ngài bảo tôi quỳ xuống xưng tội, và liền sau đó ngài cho tôi rước lễ…»

« Nếu trên trời hoan hỉ vì một người tội lỗi hoán cải, thì quả thực điều đó đã xảy ra, khi tôi bước chân vào tòa giải tội

« Chúa tốt lành biết bao! Con hạnh phúc là dường nào! »

« Con là người đã từng hoài nghi như thế, con không tin gì hết chỉ trong một ngày, khi thì không tin những phép lạ được tường thuật trong Tin Mừng, khi thì con muốn pha trộn những đoạn kinh Coran vào trong kinh nguyện của mình. Nhưng ân sủng Chúa và các lời khuyên của Cha Huvelin đã giúp con phá tan những đám mây mù ấy... »

« Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho con tình yêu Chúa, một tình yêu thắm thiết và lớn mạnh, ham thích cầu nguyện, niềm tin tưởng vào Lời Chúa, ý thức sâu xa về bổn phận làm việc bố thí, ước muốn bắt chước Chúa, khao khát thực hiện cho Chúa những việc hy sinh cao cả nhất tùy sức con.”
« Con ước mong trở thành một tu sĩ để chỉ sống cho Thiên Chúa. Cha giải tội của con bảo con đợi 3 năm nữa. »

« Cuộc hành hương Thánh Địa, tuy miễn cưỡng, bởi tôi đi chỉ vì hoàn toàn vâng lời Cha Huvelin, cũng đã đem lại cho cuộc đời tôi biết bao lợi ích thánh thiện… »

« Sau lễ Noël năm 1888 tại Bêlem, khoảng hai hoặc ba ngày, được tham dự Thánh lễ Nửa Đêm và Rước lễ tại Hang Đá thánh, tôi trở về Giêrusalem. Sự dịu ngọt khôn tả mà tôi được trải nghiệm khi cầu nguyện tại hang đá đã cho tôi như được nghe thấy tiếng nói của chính Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và của thánh Giuse

« Tôi hết sức khao khát sống theo như điều tôi đã thoáng thấy, đã đoán ra khi bước đi trên các nẻo đường làng Nadarét, nơi mà đôi chân của Chúa chúng ta, người thợ nghèo ẩn dật trong sự đê hèn và tăm tối, cũng đã từng rảo bước trên đó… »

6/. ĐAN SĨ DÒNG TRAPPE (1890 - 1897)

Charles rất gắn bó với gia đình và các bạn thân của anh, nhưng anh cảm thấy mình được gọi từ bỏ tất cả để bước theo Chúa Giêsu. Và ngày 15 tháng giêng năm 1890, anh gia nhập dòng Trappe.

« Tin Mừng cho tôi thấy rằng giới răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và phải yêu thương trong mọi sự; mỗi chúng ta phải biết rằng hiệu lực trước hết của tình yêu chính là sự bắt chước. Có lẽ không gì tốt hơn đối với tôi trong cuộc đởi này cho bằng vào dòng Trappe

« Tất cả moi người đều là con cái Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ vô cùng: vì thế chúng ta không thể muốn yêu Chúa mà lại không yêu người: càng mến Chúa, thì càng yêu người. Mến Chúa, yêu người, đó là tất cả đời tôi, tất cả cuộc sống mà tôi mong ước

Charles sống hạnh phúc ở trong dòng Trappe. Anh học hỏi được rất nhiều. Anh tiếp thu được rất nhiều. Tuy nhiên anh cảm thấy vẫn còn thiếu một diều gì đó.

« Chúng tôi sống nghèo so với người giàu, nhưng chưa nghèo như Chúa chúng ta, chưa nghèo như tôi đã từng sống tại Ma-rốc, chưa nghèo như Thánh Phanxicô

« Tôi yêu mến Chúa Giêsu Kitô, và tôi không thể chấp nhận được một lối sống khác với lối sống của Người… Tôi không muốn trải qua cuộc sống hạng nhất trong khi Đấng tôi yêu mến lại đã trải qua cuộc sống hạng chót... »

« Tôi đã tự hỏi xem có thể tìm đâu được một vài tâm hồn để có thể cùng họ băt đầu lập nên một dòng tu nhỏ không

« Mục đích chính là sống sát với cuộc sống của Chúa Giêsu bao nhiêu có thể: chỉ sống bằng lao động chân tay, sống tất cả các lời khuyên theo đúng nghĩa... »

« Thêm vào đó bằng nhiều giờ cầu nguyện, chỉ sống thành các nhóm nhỏ, mở cộng đoàn khắp nơi nhất là tại các xứ ngoại giáo bị bỏ rơi nhất và ngọt ngào biết bao khi chúng ta có thể làm tăng số các tôi tớ Chúa và Chúa Giêsu được yêu mến hơn

7/. ẨN SĨ TẠI QUÊ HƯƠNG CHÚA GIÊSU (1897 - 1900)

Ngày 23 tháng 01 năm 1897, Cha Tổng Quyền Dòng Trappe báo tin anh Charles có thể ra khỏi nhà dòng để bước theo Chúa Giêsu, người thợ nghèo làng Nadarét.

Charles đi Israël. Anh đến Nadarét ; ở đó các Chị Dòng Thánh Clara đã sẵn sàng nhận anh làm người giúp việc nhà.

« Thiên Chúa nhân từ đã cho tôi tìm được điều tôi hằng tìm kiếm: đó là bắt chước cuộc sống mà ngày xưa Chúa chúng ta đã sống tại Nadarét.... »

« Trong cái chòi bằng ván của tôi, dưới chân Nhà Tạm của các Chị Dòng Thánh Clara, trong những ngày làm việc, hằng đêm cầu nguyện, tôi hạnh phúc biết dường nào vì điều tôi hằng tìm kiếm đã trở thành hiện thực khi Chúa nhân từ đã chuẩn bị cho tôi được sống ở đây

Nhưng anh Charles muốn chia sẻ đời sống Nadarét này với nhiều anh em khác nữa. Chính vì thế anh đã viết ra bản Nội Quy cho các Tiểu Đệ.

« Tôi tha thiết soạn một bản luật đơn giản, thích hợp cho một vài tâm hồn đạo đức làm thành một gia đình quy tụ bên Chúa Giêsu Thánh Thể. »

« Bản luật của tôi liên kết mật thiết với việc tôn thờ Thánh Thể dù nhiều khi không thể tuân thủ được vì không có linh mục hay không có nhà tạm; chỉ sau này khi tôi trở thành linh mục và có một nhà nguyện để có thể qui tụ với nhau được, bấy giờ tôi mới hy vọng có được một vài người bạn đồng hành... »

Tháng 08 năm 1900, anh Charles trở về Pháp, Cha Huvelin đã vui lòng chấp thuận cho anh lãnh nhận Chức Linh Mục.

« Tôi đã ở lại trong một tu viện một năm để học thần học, và tôi được lãnh nhận các Chức Thánh tại đó. Từ khi trở thành Linh Mục vào tháng sáu vừa qua, tôi liền cảm thấy mình được gọi để đến với những “con chiên lạc”, với những tâm hồn bị bỏ rơi nhất, bị loại trừ nhất, để thực hiện bổn phận tình yêu này đối với họ:” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con, đó là dấu chỉ để người ta nhận ra các con là môn đệ Thầy.” Do kinh nghiệm, tôi nhận thấy rằng không có dân tộc nào bị bỏ rơi nhất cho bằng những người hồi giáo ở Ma-rốc, ở sa mạc Sahara nước Algerie, nên tôi đã xin và được phép đến Béni Abbès, một ốc đảo nhỏ bé thuộc sa mạc Sahara nước Algerie, giáp biên giới xứ Ma-rốc. »

8/. NGƯỜI ANH EM CỦA MỌI NGƯỜI TẠI BENI ABBES (1901 - 1904)

Ngày 28.10.1901, anh Charles đến Béni Abbès.

« Những người bản xứ đã hoàn toàn đón nhận tôi; tôi tiếp xúc với họ, tìm dịp hỗ trợ họ một chút

« Anh em quân nhân dùng gạch thô, thân cây cọ giúp tôi xây dựng một nhà nguyện, ba phòng sinh hoạt và một phòng tiếp khách

« Tôi muốn cho tất cả mọi người ở đây quen coi tôi như là một người anh em của họ, một người anh en phổ quát… Họ đã bắt đầu gọi căn nhà của tôi là “ nhà huynh đệ ”… điều đó làm tôi thật hạnh phúc…»

Mỗi ngày anh Charles dành ra hằng giờ quỳ cầu nguyện trước Nhà Tạm,

« Bí tích Thánh Thể, đó là Chúa Giêsu, là Chúa Giêsu trọn vẹn. »

« Khi yêu, người ta không ngừng muốn chuyện vãn với người mình yêu, hay it nữa là muốn không ngừng chiêm ngắm người yêu: kinh nguyện không là gì khác: đó là cuộc nói chuyện thân tình với Chúa Giêsu : chúng ta nhìn ngắm Người, thưa rằng chúng ta yêu mến Người, chúng ta vui sướng được ở dưới chân Người

Mỗi khi có người đến gõ cửa. “ Những gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này, là các con làm cho chính Thầy.” Tin mừng đã biến đổi đời sống anh Charles khiến anh đi ra mở cửa ngay lập tức để đón Đấng-đáng-mến của mình.

« Từ lúc 4g30 sáng đến 8g30 tối, tôi không ngừng tiếp đón mọi người: các kẻ nô lệ, người nghèo khổ, người đau bệnh, quân nhân, khách lữ hành, cả những kẻ hiếu kỳ

Trong miền này, anh Charles nhận thấy có tình trạng nô lệ. Amh thực phẫn nộ.

« Khi chính quyền vi phạm đức công bình cách nặng đối vớ những người mà chúng ta ít nhiều có trách nhiệm, chúng ta phải lên tiếng cảnh báo cho họ, bởi vì chúng ta không có quyền là một “người lính canh mê ngủ” , là những “con chó câm”, những “mục tử vô cảm”. »

Anh Charles đã xây tường bao quanh Nhà Huynh đệ và chờ xem có anh em nào đến không.

« Hãy cầu xin Chúa để tôi có thể thực hiện nơi đây công việc mà Ngài đã ban phép cho tôi khởi sự: đó thiết lập một tu viện nhỏ dành cho các đan sĩ nhiệt thành và sống bác ái, mến Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình; một “Zaouia” cầu nguyện và tiếp đón lữ khách từ đó chiếu tỏa lòng thương xót để mọi người trong miền này được soi sáng và được ấm lòng; một gia đình bé nhỏ noi theo các nhân đức của Chúa GIÊSU cách hoàn hảo đến nỗi mọi người sống quanh đây bắt đầu yêu mến Chúa GIÊSU.”

Nhưng chẳng có người anh em nào đến cả.

« Tôi mãi mãi chỉ sống đơn độc một mình, tuy cũng có nhiều người nói với tôi rằng họ muốn đến sống với tôi, nhưng gặp nhiều trở ngại, mà khó khăn lớn nhất đó là do chính quyền dân sự và quân sự cấm mọi người Âu châu không được đi kại trong những miền này vì lý do an ninh

Vào tháng 06.1903, Đức Giám Mục miền Sahara ghé thăm Béni Abbès mấy ngày. Ngài từ miền Nam hoặc ngài mới đi thăm những người Touareg về. Anh Charles cảm thấy mình bị dân tộc sống tại trung tâm vùng sa mạc này hút hồn.

Anh Charles cũng có dự định, nhưng chẳng có linh mục nào sẵn sàng đi đến đó cả.

« Để phổ biến Tin mừng : con sẵn sàng đi tới tận cùng thế giới và sống tại đó cho đến ngày tận thế... »

« Lạy Chúa, xin cho hết thảy mọi người được lên thiên đàng! »

9/. BẠN THÂN CỦA BỘ LẠC TOUAREGS (1904 - 1916)

Ngày 13.01.1904, anh Charles đến với bộ lạc người Touaregs.

Khởi hành từ Akabli với Tư lệnh Laperrine để tháp tùng chuyến trở về của ông ta. Ý định của ông ấy là đi thăm các dân tộc mới chinh phục được và tiến tới  Tombouctou...

« Ơn gọi bình thường của tôi đó là sống cô tịch, ổn định, thinh lặng… Nhưng, trừ khi tôi tin rằng, đôi khi tôi được gọi để làm chuyện khác, tôi chỉ có thể nói như Đức Maria:” Tôi là Nữ tì của Chúa. »

« Lúc này tôi là người du cư, di chuyển từ trại này đến trại kia, dò dẫm để giúp cho dân cư miền này được thuần tính, tạo niềm tin, xây dựng tình bạn… Cuộc sống nay đây mai đó này có lợi điểm là giúp tôi găp gỡ được nhiều người và biết rõ về xứ sở này... »

« Đất nước này hầu như luôn luôn thiếu nước hoặc thiếu đồng cỏ, người Touaregs buộc phải sống cách biệt nhau, sống rải rác để có thể mưu sinh và kiếm được nước cho đàn súc vật của họ uống. Họ sống thành từng nhóm nhỏ, chỗ này một chiếc lều, chỗ kia vài cái… Đâu đâu chúng ta cũng thấy vậy, hầu như chỉ có một ít gia đình sống chung với nhau

« Từ lâu, tôi đã đã xin Chúa Giêsu cho tôi được yêu mến Người, trong những hoàn cảnh tương tự, như khi tôi sống tại Ma-rốc, thoải mái giống như giải trí vậy. Việc tôi đến sống tại nơi đây cũng thế.»  

« Hôm nay, lần đầu tiên trên miền đất của những người touareg, tôi được diễm phúc đặt Hộp Đựng Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm

« Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa vì Nhà Tạm thứ nhất này trong xứ sở của dân tộc touaregs! Chớ gì đây là khởi đầu cho nhiều nhà tạm khác sau này để loan báo ơn cứu độ cho nhiều tâm hồn! Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ sâu thẳm nơi Nhà Tạm đây, xin Chúa hãy tỏa ban ơn phúc trên dân tộc này, họ đang quây quần xung quanh Chúa nhưng chưa nhận biết Chúa! Xin Chúa hãy soi sáng, hướng dẫn, cứu vớt những linh hồn mà Chúa yêu thương đây! »

« Xin Chúa hãy gửi thật nhiều thợ gặt tin mừng thánh thiện đến với bộ lạc Touaregs, đến vùng sa mạc Sahara, đến Ma-rốc, đến khắp nơi đang cần; xin hãy sai đến những nơi đó các tiểu đệ và tiểu muội Thánh Tâm, nếu đó là ý Chúa! »

« Không còn thời gian để đi đó đây hay cầu nguyện; tôi dành trọn thời gian để tranh thủ học tiếng touareg

« Tôi vừa dịch xong sách Tin Mừng qua tiếng touareg. Điều an ủi tôi nhất, đó là cuốn sách đầu tiên tôi tặng cho họ, lại chính là sách Tin Mừng

« Hãy hiệp nhất với tôi, giúp đỡ tôi trong công việc tôi đang làm và hãy cùng tôi cầu nguyện cho tất cả các linh hồn đang sống tại vùng sa mạc Sahara, tại Ma-rốc và tại nước Algerie này

« Nhở ơn Chúa Giêsu, tôi đã có thể đến cư ngụ tại Tamanrasset… »

« Tôi là người âu châu duy nhất vẫn ở lại nơi đây… tôi sung sướng được ở một mình với Chúa Giêsu, một mình vì Chúa Giêsu…»

« Cư ngụ một mình trong xứ này là điều tốt; chúng ta đang gây ảnh hưởng tại đó, dù chúng ta chẳng làm việc gì vĩ đại, vì chúng ta đã trở thành một người dân “địa phương”. »

« Xin hãy cầu nguyện để tôi có thể làm được chút gì hữu ích ở giữa những con người mà vì họ Chúa Giêsu đã chịu chết. »

« Các nước Phi Châu, Algerie và hằng triệu người ngoại giáo tại những nơi đó đòi chúng ta phải hết sức thánh thiện mới có thể chuyển cầu cho họ được ơn trở lại; hãy cầu nguyện để Tin Mừng đến được với họ và để, tới phiên họ, sẽ là những người cuối cùng đến bên máng cỏ mà thờ lạy Chúa Giêsu

« Phải đưa thật nhiều tu sĩ nam nữ và các kitô hữu tốt lành trên thế giới đến xứ này, để tiếp xúc với tất cả các người hồi giáo nghèo khổ này và để giáo dục họ

« Có thể nào tìm được các y tá giáo dân, dành trọn con tim họ cho Chúa Giêsu, sẵn sàng và ao ước đến đây hết lòng phục vụ vì Chúa Giêsu, không mang danh nghĩa tu sĩ cũng chẳng mang tu phục gì cả… »

« Sự hiện diện của tôi nơi đây có đem lại lợi ích gì không? Nếu nó chẳng đem lại lợi ích gì, thì sự hiên diện của Phép Thánh Thể chắc chắn sẽ sinh ích cho nhiều người. Chúa Giêsu không thể ở một nơi nào mà không ban phát các ơn lành. Vả lại, việc tiếp xúc với những người bản xứ sẽ dần dần đánh tan đi những thành kiến và những đoán xét vội vàng đối với chúng ta. Thật chậm chạp và chẳng làm được gì nhiều; hãy cầu nguyện để con cái của Chúa có thể làm được nhiều điều hữu ích và để có những thợ lành nghề nhất đến khai phá cái góc nhỏ bé này trong cánh đồng của Đấng là Cha của gia đình nhân loại

« Hoạt động tông đồ của tôi phải là việc tông đồ bằng lòng tốt. Nếu người ta thắc mắc tại sao tôi sống hiền lành và tốt bụng như thế, tôi phải nói : “thưa là vì tôi chỉ là đầy tớ của một đấng còn tốt lành hơn tôi nữa. »

« Thao thức vì ý nghĩ có biết bao người vô đạo bị bỏ rơi về phần thiêng liêng, nên sau cuộc tĩnh tâm cuối cùng của tôi khoảng chừng một năm, tôi chuyên tâm phác thảo một dự án thành lập một Hội thiện, một Hiệp hội công giáo. Tôi đăt tên cho Hội thiện này là “Hội các Anh Chị Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Hội nhằm 3 mục đích : (1) tạo nên một cuộc trở về với Tin mừng trong đời sống mỗi người tùy hoàn cảnh; (2) gia tăng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể; (3) thúc đẩy việc rao giảng Tin mừng cho lương dân

« Những người Touaregs láng giềng đã dành cho tôi biết bao lời nói dịu dàng và đầy an ủi; tôi sống giữa họ như ở giữa những người bạn tốt nhất
« Công việc nghiên cứu ngôn ngữ người touareg đang tiến triển tốt đẹp. Cuốn Tự điển rút gọn đã hoàn tất và sẽ cho in nay mai. Cuốn Tự điển các tên riêng sẽ hoàn thành vào năm 1914 cùng với cuốn Tự điển Touareg – Pháp, đầy đủ hơn. Tôi dự tính tới năm 1916 sẽ hoàn tất cuốn sưu tập Thi ca và Tục ngữ, và trong năm 1917 là cuốn sưu tập các bài văn xuôi. Và nếu Chúa để tôi còn sống và có sức khỏe, tôi sẽ cho xuất bản cuốn Văn Phạm Touareg vào năm 1918.”

« Tôi không dám nói là tôi ước ao được chết; khi xưa tôi có ước ao điều đó thực; nhưng bây giờ tôi thấy có biết bao việc tốt phải làm, biết bao linh hồn không có chủ chăn, nhất là tôi muốn thực hiện một vài điều hữu ích

« Ngày mai, kỷ niệm 10 năm tôi dâng Thánh lễ đầu tiên nơi chòi ẩn cư tại Tamanrasset! Và vẫn chưa có một ai theo đạo! Phải cầu nguyện, làm việc và kiên nhẫn

« Tôi xác tín rằng việc chúng ta phải tìm cách giúp cư dân tại các vùng thuộc địa của chúng ta, đó không phải là chuyện cấp tốc đồng hóa họ, cũng chẳng phải là tạo sự hòa hợp chân thành của họ với chúng ta, nhưng là sự tiến bộ, một sự tiến bộ chắc chắn là sẽ không đồng đều và thường phải sử dụng đến rất nhiều phương tiện khác nhau: sự tiến bộ về phương diện tinh thần, văn hóa và vật chất

Từ hai năm nay, chiến sự đã bùng nổ tại Châu Âu. Nó cũng đã bắt đầu lan tới vùng Sahara.

« Cách đây 450 cây số, một pháo đài của người Pháp tại Djanet đã bị hàng ngàn quân Senoussistes vây hãm bằng đại bác và súng máy. Sau chiến thắng này, quân Senoussistes đã có một con đường tự do để đi đến đây; Ngoài Chúa nhân lành, không gì có thể ngăn cản được bước tiến của chúng

Nhưng Chúa đã không ngăn chặn, nên ngày 01 tháng 12 năm 1916, Anh Charles đã bị sát hại thảm thương.

« Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt…»

 
Lm Doan Vinh,imjs
Dịch xong, ngày 13/05/2020
 

Tác giả: thtscgs, Hiệp Hội Gia Đình Thiêng Liêng CdF

Nguồn tin: charlesdefoucauld.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây