CHARLES DE FOUCAULD, MỘT ĐỜI THÉT LỚN TIN MỪNG

Thứ ba - 19/01/2021 10:28
CHARLES DE FOUCAULD, MỘT ĐỜI THÉT LỚN TIN MỪNG
Charles de Foucauld, một đời thét lớn Tin Mừng

Lưu ý : Bài nói chuyện dạng bản thảo và không có ghi chú này, được soạn ra không phải để phổ biến, nhưng chỉ để sử dụng riêng. Nó được dành riêng cho các phần tử trong Gia đình thiêng liêng Charles de Foucauld.

             Charles de Foucauld là một người hoán cải và sẽ luôn như thế trong cả đời Anh. Đúng hơn, cả đời Anh sẽ mang hình thức một cuộc hoán cải liên tục, không ngừng tìm kiếm ý định của Thiên Chúa dành cho Anh và những phương thế đáp lại ý định ấy cách đại độ hết mức. Có thể nói trải nghiệm thiêng liêng của Anh đi trước trải nghiệm của nhiều người đương thời với chúng ta, có lúc xa lìa niềm tin thuở ấu thời của mình, đang khám phá lại Đức Giêsu Kitô. Người ta gọi họ là những người tự nguyện “bắt đầu lại”.

           Chào đời trong một gia đình Công giáo tại thành phố Strasbourg, ngày 15 tháng 9 năm 1858 và được rửa tội sau đó hai ngày, Charles được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Rước Lễ Lần Đầu tại Nancy, vào ngày 28 tháng 4 năm 1872, khi lên 14 tuổi.

             Thuở thiếu thời, Anh sống giống như nhiều người trẻ tuổi mà việc dạy giáo lý chỉ nặng tính sách vở và không nuôi dưỡng được đời sống thiêng liêng, và nhận thấy giáo lý ấy của tuổi thơ không còn đáp ứng được với sở thích sống nữa. Vào thời của mình, Charles bị tác động bởi những sách báo giải trí và những tiếp xúc thường xuyên với những tác giả chuyên nhào luyện một tinh thần hoài nghi, vô tín ngưỡng.

          Dần dần Anh để cho mình bị cuốn vào bầu khí chung và những tác động khác nhau ấy; điều này chẳng mấy chốc đưa Anh đến với một đời sống không có cầu nguyện, không có thành tâm thực hành, ngay cả khi đang sống giữa một môi trường Kitô giáo mà ở đấy Anh tiếp tục phát triển, Anh vẫn sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu. Dần dà niềm tin vào Thiên Chúa biến mất khỏi lương tâm Charles và cách cư xử của Anh trở nên vô độ; từ đó Anh rời xa đời sống đã được niềm tin Kitô giáo khơi nguồn và nuôi dưỡng.

Anh viết cho bạn mình là Henry de Castries :

        Ở tuổi mười bảy […] tôi tin rằng, chưa bao giờ tôi lại rơi vào một trạng thái tinh thần thảm hại đến thế. Cách nào đó, có những lúc tôi làm nhiều điều xấu, nhưng cũng có điều gì đó tốt lành nảy sinh bên cạnh điều xấu, tôi hoàn toàn ích kỷ, phù phiếm, vô đạo, chỉ toàn ước ao điều xấu, tôi như người bị kiệt sức. […] Đức tin chẳng còn lại dấu vết nào trong linh hồn tôi.

Anh còn viết thêm :

         Trong mười hai năm, tôi đã sống không một chút đức tin : chẳng có gì được minh chứng rõ ràng đối với tôi, niềm tin mà các tôn giáo rất khác nhau đang theo đuổi đều có vẻ như là lời kết án. […] suốt mười hai năm tôi vẫn chẳng phủ nhận điều gì và chẳng tin tưởng điều chi, luôn thất vọng về chân lý, thậm chí còn không tin vào Thiên Chúa, không một bằng chứng nào có vẻ đủ hiển nhiên đối với tôi.

         Sau cái chết của ông nội, người đã nuôi nấng dạy dỗ Anh, Charles thấy cuộc đời mình bị đảo lộn vào năm 1880 – bấy giờ Anh 22 tuổi – khi mà trung đoàn của Anh, Trung đoàn Khinh kị số 4, được điều đến Sétif, miền Tây Algiêri, gần Constantine. Thời điểm đó người ta phát hiện Anh đang sống với Marie C., biệt danh là Mimi, người mà vị đại tá chỉ huy của Anh mô tả là một phụ nữ có đời sống bất hảo. Bất chấp sự cấm cản của thượng cấp, Charles vẫn đưa Mimi đến Algiêri ; việc này khiến anh bị phạt trọng cấm 15 ngày vì « chống lại mọi khuyên can được đưa ra », lệnh trừng phạt chuyển thành 30 ngày giam giữ. Hết hạn bị giam, Charles dứt khoát không chịu chia tay Mimi : Anh bị cho xuất ngũ. Thế nhưng, Mimi chỉ là một sự dan díu nhất thời mà Charles dùng để chứng tỏ ý muốn nổi loạn của mình.

        Vài tháng sau, Anh xin được tái ngũ để tham gia vào chuyến viễn chinh của Trung đoàn Khinh kị số 4 đến Tuy-ni-di. Được chấp thuận, Anh trải qua cuộc sống doanh trại trong khi căm ghét kiểu sống đồn trú. Chỉ trong thời gian bảy tháng, Anh đã bị chinh phục bởi miền Bắc Phi và nhất là bởi các cư dân của vùng đất ấy, đồng thời cũng bởi những chuyên gia uyên bác người Pháp về dân tộc học và ngôn ngữ châu Phi. Khi cuộc viễn chinh kết thúc, Charles từ chối trở về đơn vị đồn trú và làm đơn xin giải ngũ.

          Bị hấp dẫn bởi đất nước Maroc, lúc bấy giờ vẫn còn là cấm địa đối với người ngoại quốc, Anh đến đó, cải trang thành giáo trưởng Do thái giáo và lấy tên là Joseph Aleman. Anh nghĩ là đã khám phá được ơn gọi của mình : làm nhà thám hiểm ! Anh ý thức rõ về thực lực của mình, về sự quả cảm nếu không nói là liều lĩnh, về trí thông minh của mình luôn quan tâm đến mọi thứ. Anh đinh ninh như vậy. Anh được sinh ra là để thành đạt. Anh sẽ viết vào năm 1901, tức là mười lăm năm sau đó :

          Hồi giáo đã gây ra trong tôi một sự đảo lộn sâu sắc. Việc nhìn thấy niềm tin như thế, nhìn thấy những linh hồn sống trong sự hiện diện không ngừng của Chúa như thế, đã khiến tôi nhận ra điều gì đó vĩ đại hơn và chân thật hơn những bận rộn của thế gian.

Đại tá Laperrine, mà Anh gặp trong năm 1881, về sau sẽ đưa ra lời chứng :

          Anh ấy cảm phục sức mạnh mà tất cả những người Maroc múc lấy trong niềm tin của họ, cũng như những người Hồi giáo cuồng tín theo thuyết định mệnh và những người Do thái luôn kiên vững gắn bó với tôn giáo của họ bất chấp hàng thế kỷ bị bách hại.

         Charles bị hấp dẫn bởi tôn giáo ấy ; Anh viết cho Henry de Castries : « Đạo Hồi làm tôi rất thích vì sự đơn giản, đơn giản về giáo thuyết, đơn giản về tôn ti thứ bậc, đơn giản về luân lý ».

        Tin chắc rằng tất cả các tôn giáo đều bình đẳng và Kitô giáo là tôn giáo ít thuần lý nhất, Anh nhận ra mình đang có trong tay một cuốn sách mà chị Marie de Bondy tặng làm quà vào dịp Anh được Rước Lễ Lần Đầu, cuốn Những Nâng Cao về Các Mầu Nhiệm (Élévations sur les Mystères) của Bossuet. Anh nghiên cứu những nguồn tác động của luân lý trong những dữ kiện giáo thuyết của các tôn giáo. Anh kể lại : « Trước hết tôi yêu thích sự đức hạnh và hướng việc đọc sách của mình vào đó, sẵn sàng học hỏi các nhà đạo đức học thời Cổ đại, tôi đã quá xa lìa tôn giáo và chỉ có sự đức hạnh cổ đại mới hấp dẫn được tôi ».

Kể từ lúc khám phá tác phẩm của Bossuet, Anh trải qua một diễn tiến nội tâm mà Anh mô tả như sau :

        Tôi tiếp tục đọc cuốn sách ấy và dần dà có thể tự nói với mình rằng, niềm tin của một đầu óc rất vĩ đại như thế, niềm tin mà tôi nhìn thấy mỗi ngày ngay bên cạnh mình trong những sự thông minh hết sức đẹp đẽ như vậy, không lẽ lại không phù hợp với lương tri mà dường như tôi đã có cho đến lúc bấy giờ.

         Năm 1886, Charles dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện này : « Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, xin hãy làm cho con nhận biết Chúa ! »

        Sau này, năm 1897, Anh viết trong một suy niệm riêng : « Một ơn bên trong cực kỳ mạnh mẽ đã thôi thúc tôi : tôi bắt đầu đi nhà thờ mà không tin tưởng, chỉ thấy mình có mặt ở đấy và trải qua hằng giờ để lặp đi lặp lại lời cầu nguyện lạ lùng này : « Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, xin hãy làm cho con nhận biết Chúa ! »

      Khoảng từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 10 năm 1886, Charles de Foucauld bước vào toà giải tội của Cha Huvelin, tại nhà thờ Thánh Augustin, Paris, một linh mục mà Foucauld nói rằng nơi ngài nhân đức, trí thông minh và lòng nhân lành được kết hợp làm một. « Tôi coi ngài như một người cha, ngài yêu thương tôi như yêu thương một người con ».

          Nếu Charles de Foucauld đã được Thiên Chúa đánh động, thì đó chính là vì cơn khao khát chân lý của Anh đã khơi sâu nơi Anh một trông chờ. Hồng ân đầu tiên được ban cho Anh tại toà giải tội của Cha Huvelin, đó là vượt qua tình trạng bất khả tri và việc hoài nghi về sự hiện hữu của một vị Thiên Chúa để đến với một đức tin sống động trong sự hiện hữu của Thiên Chúa Mạc Khải Do thái-Kitô giáo. Anh đã xin gì nơi Cha Huvelin ? Anh nói cho chúng ta biết nhân một cuộc tĩnh tâm tại Nadaret vào năm 1987 :

         Tôi đến xin học giáo lý : ngài bảo tôi quì gối xuống xưng tội đi và cho tôi rước lễ ngay sau đó…Tôi không thể ngăn mình bật khóc khi nghĩ đến điều đó và không muốn ngăn những giọt nước mắt lại, chúng thật chính đáng, ôi lạy Chúa ! […] Chúa thật tốt lành biết bao! Con thật hạnh phúc biết chừng nào ! […] Rồi sau đó, lạy Chúa, chỉ là một chuỗi những hồng ân ngày càng tăng thêm !

         Trong khi Thiên Chúa của Hồi giáo hơi có vẻ giống như vị Thiên Chúa bất động trong khoa triết học, thì vị Thiên Chúa mà Charles gặp được vào năm 1886 là vị Thiên Chúa của Lịch Sử Thánh, vị Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại, đến mức đích thân bước vào trong lịch sử ấy một cách mới mẻ, bằng cách làm người. Anh đã đọc trong cuốn Những Nâng Cao về Các Mầu Nhiệm của Bossuet rằng, mọi sự đều hướng về một Thiên Chúa đang can thiệp vào lịch sử nhân loại, đang tạo thành và cứu vớt con người.

         Charles de Foucauld còn đi xa hơn nữa trong cuộc khám phá vị Thiên Chúa của Lịch Sử Thánh, bởi vì Anh khám phá Ngài trong chính câu chuyện cuộc đời Anh. Cả  đời mình, Anh sẽ nói là phải làm cho cuộc đời chúng ta có một lịch sử kép : lịch sử những tội lỗi của chúng ta và lịch sử những sự tốt lành Thiên Chúa dành cho chúng ta.

          Con người hoán cải của Thánh Augustin dần dà khám phá vẻ đẹp của Chân Lý, vẻ đẹp của Thiên Chúa, vẻ đẹp của các linh hồn tỏa chiếu Thiên Chúa. Thánh nhân bị đánh động vì sự tốt lành của vị Thiên Chúa đầy tình âu yếm như một người cha, vì sự tốt lành của các linh hồn đã hết sức tinh tế đón nhận Đấng mà, trong nhiều năm tháng, là cội gốc gây ra sự thất vọng do cách hành xử của Ngài không theo một trật tự nào.

Charles viết bằng một thứ ngôn ngữ gần giống với ngôn ngữ của con người hoán cải vĩ đại khác là thánh Augustin :

        « Lạy Chúa, Chúa thật tốt lành khi chỉ cho con thấy vẻ đẹp của Chúa trong các loài thụ tạo ! Khi con có thể, dừng lại một lát, và nếu, xuyên qua tấm mạng ấy, con nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt đỉnh của Chúa mà, vì tình yêu dành cho con, dành cho các linh hồn khác, đã để cho chiếu xuống trên trái đất này một tia sáng của nó. Ôi ! lạy Chúa, xin ban ơn cho con được nhìn thấy Chúa nơi các loài thụ tạo, và không bao giờ dừng lai nơi chúng, không bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp vật chất hoặc tinh thần nơi chúng như thể là do chúng, nhưng chỉ là do Chúa mà ra.

         Chặng đường mà con người bị giam cầm bởi sở thích hưởng thụ, chỉ nhìn thấy nơi loài thụ tạo phương thế để thoả mãn những đam mê của mình phải vượt qua cam go biết chừng nào! Khi nói về các nhân đức, Anh viết trong những lời suy niệm được xuất bản dưới tựa đề Vì Một Mình Thiên Chúa : « Như vậy, chúng ta phải yêu mến và thực hành tất cả mọi nhân đức vì chúng là nhân đức, và làm như vậy là vì Thiên Chúa, bởi vì chúng là Thiên Chúa : Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là sự thật và là tình thương xót ».

Charles đã khám phá ra rằng, sự hoàn thiện cơ bản nơi Thiên Chúa, làm thành dung mạo của Ngài, chính là Tình Yêu.

       Chính trong lúc khám phá tình yêu, mà Charles de Foucauld vượt qua được những khó khăn của bản thân để chấp nhận mầu nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh. Năm 1901, Anh thú nhận với người bạn của mình là Castries rằng trên con đường hoán cải, Anh không thể chấp nhận ‘logic’ về vị Thiên Chúa duy nhất ấy lại có ba Ngôi. Cuộc hoán cải của Anh rõ ràng là diễn ra vào lúc lý trí nhường chỗ cho tình yêu. Qua đấy, Anh gặp được tình yêu, anh khám phá ra rằng vị Thiên Chúa ấy yêu thương Anh một cách thắm thiết và ban cho Anh ơn cứu độ, chữa lành quá khứ, tha thứ hết mọi tội lỗi và vô tư ban cho Anh niềm hạnh phúc mà lâu nay Anh luôn tìm kiếm. Anh nghiệm thấy cuộc hoán cải của mình như một giải thoát khỏi tội lỗi.

        Dần dần ý thức mình được bảo vệ bởi bàn tay quyền năng của Thiên Chúa luôn giữ gìn anh khỏi vô vàn những hiểm nguy và nhất là đã ngăn không để Anh phải chết trước khi được giải thoát khỏi tội, Charles khám phá tình âu yếm hiền phụ của Thiên Chúa. Anh nghiền ngẫm lời Cha Huvelin khi ngài nhắc đến Chúa Giêsu trong một bài giảng : « Chúa Giêsu đã dành chỗ rốt cùng đến mức không bao giờ có người nào cướp mất chỗ ấy của Chúa được». Thế là Charles tìm cách sống một cuộc đời giống với cuộc đời Chúa Giêsu, để qua đó cùng chia sẻ sự nghèo khó, công việc lao động khiêm hạ, cuộc tẩm liệm của Người và đêm tối của Người.

        Như vậy, Charles de Foucauld cùng lúc khám phá ra hai điều tuyệt đối : Thiên Chúa hiện hữu, và bởi vì Ngài hiện hữu, nên mọi sự hiện hữu vì Ngài.
        « Mọi người đều là con cái Thiên Chúa, Đấng yêu thương họ vô cùng ; do đó, không thể yêu mến, không thể muốn yêu mến Thiên Chúa mà không muốn yêu thương con người. […]Yêu Chúa, yêu người, đó là tất cả đời tôi, và hy vọng sẽ là tất cả cuộc sống của tôi ».

          Làm sao mà qua đó chúng ta lại không nhận ra lời này của Chúa Giêsu : « Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì những kẻ mình yêu » và, « Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu nầy để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau. » ?

Bắt chước Chúa Giêsu Kitô hay là tinh thần Nadaret

         Bắt chước Chúa Giêsu Kitô là một kinh điển lớn trong lịch sử linh đạo Kitô giáo, mà Charles de Foucauld đã bỏ qua điều cốt lõi, đặc biệt là trong cuộc tìm kiếm say mê Đức Giêsu của Anh. Chính là vì yêu mến Đức Giêsu mà Anh muốn bắt chước Người. Anh đã viết cho Gabriel Tourdes bạn mình, ngày 7 tháng 3 năm 1902 : « Tình yêu không thể tách rời khỏi sự bắt chước. Ai yêu thì muốn bắt chước : đó là bí quyết của đời tôi. Tôi đã để mất con tim của mình vì Đức Giêsu Nadaret và tôi sống cuộc đời mình để tìm cách bắt chước Người ».

Với Henry de Castries, Anh thú nhận, vào ngày 14 tháng 8 năm 1901 :

         Tin Mừng chỉ ra cho tôi thấy là phải khép hết mọi sự vào trong tình yêu ; ai cũng biết tình yêu có hiệu ứng đầu tiên là sự bắt chước, vì thế tôi chỉ việc bước vào Dòng tu mà ở đấy tôi có thể tìm thấy sự bắt chước Đức Giêsu cách chính xác nhất. Tôi không cảm thấy mình được tạo thành để bắt chước đời sống công khai của Người trong thời gian rao giảng : do đó tôi sẽ phải bắt chước đời sống ẩn dật của người thợ khiêm nhường và nghèo khổ thành Nadaret. Với tôi dường như không có gì chứng tỏ cách tốt nhất về đời sống ấy cho bằng Dòng Trappe.

         Thật vậy, Charles de Foucauld tuyên khấn, vào ngày 2 tháng 2 năm 1892, tại Dòng Trappe Đức Bà Xuống Tuyết, trong vùng núi Ardèche. Tuy nhiên, ngay từ năm tiếp theo, Anh nghi ngờ về việc có thể sống đời Nadaret trong cộng đoàn Trappe đã rộng lòng đón nhận Anh và được Anh yêu mến.

         Anh trình bày với Cha Huvelin kế hoạch hình thành một hội dòng nhỏ để sống đời sống Nadaret, chia sẻ niềm hạnh phúc của Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, bằng cách hoàn toàn sống bằng lao động chân tay, như Đức Giêsu thợ mộc. Sau hết và nhất là, đi theo Đức Giêsu và những lời khuyên của Người, bằng cách triệt để từ bỏ mọi tư hữu, chọn việc bố thí làm bổn phận tuyệt đối…đi theo mọi mẫu gương đời sống ẩn dật…một đời sống lao động và cầu nguyện…dành chỗ trú thân cho những người trong các xứ sở mà Thiên Chúa kêu gọi phục vụ Ngài và chỉ yêu mến một mình Ngài.

         Charles luôn giữ trong tâm trí một kiểu mẫu sống mà Anh đã nhận thấy, đã đoán ra trong khi bước đi trên các nẻo đường Nadaret. Anh nhớ mình đã đặt chân vào những bước chân của Đức Giêsu trong khi giẫm lên mặt đất vùng Nadaret. Hình ảnh Đức Giêsu, người thợ mộc, khiêm tốn, ẩn dật, không ngừng hiện ra với Anh.

Năm 1897, Charles có thể viết cho chị họ Marie de Bondy :

        Em đang ở Nadaret, tại nhà các sœur dòng Clara : em phục vụ thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, quét dọn, làm các việc được giao, tóm lại là em làm hết tất cả những việc người ta bảo làm…Em ở trong căn chòi ván bên ngoài đan viện, trên một cánh đồng thuộc nhà dòng. Đây chính là cuộc sống mà em đang tìm kiếm. Ở đây không người nào biết em là ai : em là một khách hành hương nghèo người Pháp, chỉ thế thôi.

         Lý tưởng của Charles là như vậy : yêu mến Chúa Giêsu đến mức bắt chước Người ngay tại những nơi mà Người đã sống 30 năm đời sống ẩn dật. Chính là vì tình yêu Chúa Giêsu mà bắt chước đời sống của Người tại Nadaret, để trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng mà anh yêu mến. Charles không chờ để thoả mãn mình bằng một kiểu bắt chước ấu trĩ về vật chất trong đời sống của Chúa Giêsu, nhưng là vì tình yêu đối với Đức Kitô, Anh muốn làm cho con người và cuộc sống của mình trở nên giống với Đấng Cứu Độ.

          Charles de Foucauld đã bị đời sống Nadaret chinh phục đến độ anh mơ ước, qua nhiều năm tháng, sống đời sống ấy cùng với những người khác. Anh đi đến chỗ soạn ra một luật sống được phát triển dựa trên bộ ba nền tảng : bắt chước đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu, thường xuyên tôn thờ Thánh Thể được trưng bày, định cư trong các xứ truyền giáo. Lúc bấy giờ Anh đã chọn tên gọi cho những bạn đồng hành mà Anh hy vọng sẽ có là Ẩn sĩ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

            Đối với Charles, Thánh Gia Thất chung quanh Chúa Giêsu luôn là kiểu mẫu, là bản gốc của cộng đoàn mà Anh đang hình dung. Đó sẽ là một đời sống gia đình chung quanh Thánh Thể, trong cầu nguyện, sám hối, cô tịch và « một tình bác ái bao la…phải là đời sống của Thánh Gia Thất tại Nadaret, trong sự đơn sơ tột đỉnh, sự tôn thờ thường xuyên và tình bác ái bất tận ». Anh đã viết như vậy cho Cha Huvelin vào ngày 16 tháng 5 năm 1900.

         Hai năm trước đó, Charles de Foucauld đã hướng đến với chức linh mục và dần dần bước qua một cuộc thanh luyện thiêng liêng, đồng thời lý tưởng về đời sống Nadaret cũng được thanh luyện, được củng cố bằng cách được thiêng liêng hoá. Cho đến lúc ấy, Anh đã nhận định cần phải đích thân sống tại Nadaret để bắt chước ngay tại nơi ấy đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu cách sát sao hơn. Thế nhưng, năm 1905 Anh viết: « Những cuộc tĩnh tâm cuối cùng của tôi để chuẩn bị chịu chức phó tế và chức linh mục đã chỉ ra cho tôi thấy đời sống Nadaret, ơn gọi của tôi, không phải là được sống tại Thánh Địa, vô cùng yêu dấu, nhưng là giữa những linh hồn bệnh tật nhất, những con chiên xa lạc nhất, bị bỏ rơi nhất ».

          Charles de Foucauld thường bị giới thiệu một cách quá đáng như một ẩn sĩ cắt đứt với thế gian. Kỳ thực, đời sống Nadaret của Anh là một đời sống truyền giáo, như chính Anh phát biểu :

           Tôi vừa được thụ phong linh mục và đang vận động để đến Sahara tiếp tục « đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu ở Nadaret », không phải để rao giảng, nhưng để sống trong sự cô tịch, nghèo khó, trong công việc lao động khiêm tốn của Chúa Giêsu, đồng thời tìm mọi cách mang lại lợi ích cho các linh hồn, không phải bằng lời nói, nhưng bằng cầu nguyện, dâng Thánh Lễ, sám hối, thực hành đức bác ái… »

          Để minh định rõ ràng hơn, Charles viết cho ông Henry de Castries : « Anh đã hiểu hết những gì tôi muốn : lập nên một nhà huynh đệ (« khaouïa ») cầu nguyện và tiếp đón để làm toả sáng Tin Mừng, Chân Lý, Đức Ái, Chúa Giêsu ».

         Như vậy, còn lâu mới là muốn trở thành một ẩn sĩ cắt đứt với thế giới chung quanh, Charles de Foucauld muốn sống đời sống ẩn dật Nadaret tại Sahara, cùng với niềm hy vọng qui tụ được chung quanh mình một cộng đoàn nhỏ, « một gia đình nhỏ làm việc thiện cho các linh hồn bằng việc tông đồ lặng lẽ của các anh em sống đời cô tịch».

          Cùng với Laperrine bạn mình, Charles bắt đầu đến thăm những người Touaregs. Anh viết cho người chị họ Marie de Bondy : « Em đi theo anh ấy, đồng hành với anh ấy trong lúc tìm cách làm điều tốt lành ; chúng em sẽ không ngừng tiếp xúc với người Touaregs, bởi vì chuyến kinh lý của anh ấy có cùng mục đích như em : tạo niềm tin tưởng cho dân chúng còn biết quá ít về chúng ta và chứng minh cho họ thấy là chúng ta yêu mến họ và chỉ tìm kiếm lợi ích cho họ ».

           Bí quyết sống đời Nadaret là để cho tình yêu đón lấy Charles vào trong trái tim Chúa Giêsu, trong lúc vẫn đang sống bên cạnh con người. Mất hút trong Thiên Chúa vì tình yêu, Charles sống như Đức Giêsu ở Nadaret trong sự thinh lặng và trong sự gần gũi với tha nhân, được nuôi dưỡng bởi hiệp thông Thánh Thể và chiêm ngắm các mầu nhiệm.

            Như vậy, đời sống Nadaret là một trải nghiệm về đời sống thiêng liêng mãnh liệt, nhắm đến việc truyền giáo : « Anh biết tôi tìm kiếm điều gì nơi những người Touaregs : cảm hoá họ, gắn bó thân tình với họ, dần dần xô đổ bức tường thành kiến, ngờ vực ngăn cách họ với chúng ta ; tôi mở đầu cuộc khai phá, những người khác sẽ đi theo và tiếp tục ».

Anh còn viết cho ông Massignon, vào ngày 15 tháng 7 năm 1916 :

            Tình yêu không hệ tại việc người ta cảm thấy mình đang yêu, nhưng là việc người ta muốn yêu : khi muốn yêu, thì người ta yêu; khi người ta muốn yêu hơn hết, thì người ta yêu hơn hết…Giả như có lúc ngươi ta sa vào một chước cám dỗ, thì đấy là lúc tình yêu quá yếu, chứ không phải nó không hiện hữu; cần phải khóc lóc như thánh Phêrô, sám hối ăn năn  như thánh Phêrô, hạ mình như ngài, và cũng nói lên như ngài ba lần : “Con yêu mến Thầy, con yêu mến Thầy, Thầy biết mặc dầu những yếu đuối và tội lỗi của con, con vẫn yêu mến Thầy.”

            Như vậy, Charles de Foucauld làm nổi rõ lên thành phần thiết yếu của đời sống Kitô hữu : trung tâm của đời sống Kitô hữu, chính là cùng cứu chuộc với Chúa Giêsu. Theo Anh, không gì thích hợp hơn việc tiếp xúc với các linh hồn bị bỏ rơi, để ý thức được bổn phận của người đã được rửa tội, của người hoạt động truyền giáo.

Rõ ràng hơn nữa về ơn gọi của người Kitô hữu, Charles de Foucauld viết cho Massignon, vào ngày 1 tháng 5 năm 1912 :

           Tôi không biết Chúa kêu gọi anh cách riêng như thế nào : tôi biết rất rõ điều mà Ngài kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu, nam hay nữ, linh mục hay giáo dân, độc thân hay sống đời hôn nhân : trở nên tông đồ, tông đồ bằng gương sống, bằng lòng nhân lành, bằng một tiếp xúc ân cần, bằng một tình thương làm cho quay về và đưa đến với Chúa, tông đồ như Phaolô, hoặc như Priscilla và Aquila, nhưng luôn là tông đồ “làm cho mình trở nên mọi sự vì mọi người để mang tất cả họ đến với Chúa Giêsu”… Bình an, tin tưởng, hy vọng.

            Priscilla và Aquila, đối với Charles de Foucauld, là những kiểu mẫu của các giáo hữu Kitô giáo, dấn thân hoạt động truyền giáo bên cạnh thánh Phaolô, và là những điểm tham chiếu cho cộng đoàn Kitô hữu địa phương, được qui tụ tại nhà mình để cầu nguyện và cử hành Thánh Thể.

Vào cuối đời, Charles de Foucauld tóm kết những gì Anh đã hiểu được về cuộc đời Chúa Giêsu ở Nadaret :
           “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét” (Lc. 2, 51)
           Người đến Nadaret, nơi của đời sống ẩn dật, đời sống bình thường, đời sống gia đình, cầu nguyện, lao động, tối tăm, nơi của các nhân đức thinh lặng được thực hành không có nhân chứng nào khác ngoài Thiên Chúa, những người thân thuộc, những người láng giềng, của đời sống thánh thiện, khiêm nhường, ân cần, tối tăm, giống như cuộc đời của phần lớn nhân loại và Ngài đã sống làm gương trong suốt ba mươi năm.
 
Charles de Foucauld và hai Bàn Tiệc 
của Hội Thánh : Tin Mừng và Thánh Thể

           Tôi tin là không có lời nào của Tin Mừng gây ra một ấn tượng sâu sắc và biến đổi cuộc đời tôi cho bằng lời này : “Tất cả những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn này, tức là anh em làm cho chính Thầy”. Nếu người ta nghĩ rằng những lời ấy là lời của Đấng là Chân Lý tự hữu,…thì cùng với xác tin mạnh như thế, người ta phải hướng đến chỗ tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu trong những “người bé mọn”, những kẻ tội lỗi, những người nghèo khổ; dành tất cả mọi phương thế thiêng liêng để làm cho các linh hồn hoán cải, tất cả mọi phương tiện vật chất để nâng đỡ những nỗi khốn quẫn trên đời.

          Như vậy, bánh mà anh nhìn thấy trên bàn thờ, một khi đã được Lời Chúa thánh hiến, chính là Mình Đức Kitô. Chén ấy, hay đúng hơn, rượu được đựng trong chén ấy, một khi đã được thánh hiến bởi lời Thiên Chúa, chính là Máu Đức Kitô; và qua đó, Đức Kitô - Chúa chúng ta đã muốn cho chúng ta tôn kính chính mình và máu mà Người đã đổ ra để tha thứ tội lỗi chúng ta.

          Bên trong điều mà chúng ta có thể goi là “đặc sủng Nadaret”, Charles de Foucauld chỉ ra cho chúng ta hai yếu tố nền tảng, sẽ luôn nằm ở trung tâm cuộc đời Anh : Tin Mừng và Thánh Thể. Đối với Anh, lời Đức Kitô và thân xác mầu nhiệm Đức Kitô được ban cho chúng ta để đưa chúng ta đến chỗ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Từ đó, Anh muốn nói, chỉ có Tin Mừng và Thánh Thể mới có khả năng đồng hoá chúng ta với Chúa Giêsu, làm cho chúng ta  nên giống với Người, một cách hết sức sâu xa, cả đời sống bên trong lẫn cuộc sống bên ngoài của chúng ta, trong các tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với thế giới.

          Chuyển động biến đổi hữu thể chúng ta bởi Tin Mừng và Thánh Thể như thế là nhằm mục đích làm cho chúng ta trở nên Tin Mừng sống động và Thánh Thể.

          Tin Mừng không phải chỉ là một bức thư, đó là Tin Vui có khả năng kích thích một sự gắn bó với con người Chúa Giêsu. Thông qua Tin Mừng, gương mặt Chúa Giêsu được khắc hoạ và nhắc cho chúng ta nhớ là chúng ta, vốn được tạo thành theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, đều được mời gọi làm cho sự giống với ấy trở nên hiệu quả. Trong bí tích Thánh Thể, chính hồng ân của Đức Kitô bị đóng đinh và phục sinh được ban cho chúng ta dồi dào và dần dần biến đổi chúng ta thành kẻ được yêu mến, trong Chúa Giêsu, bởi vì đặc tính của tình yêu là được thông trao, lan toả, để biến đổi thành tình yêu tất cả những gì nó ôm ấp.

          Như vậy, Charles de Foucauld muốn trở thành Tin Mừng sống động và Thánh Thể cho những người anh em Touaregs của Anh và cho các anh em trên toàn thế giới. Anh viết cho bạn mình, Henry de Castries : “Tin Mừng cho tôi thấy “huấn lệnh đầu tiên là yêu mến Chúa hết lòng” và phải được tóm kết hoàn toàn trong tình yêu”.

          Tin Mừng và Thánh Thể sẽ luôn là tâm điểm của cuộc đời Anh và sẽ đồng hành với Anh mỗi ngày. Không khó để hình dung ra Anh thinh lặng cầu nguyện trước Thánh Thể, cùng với sách Tin Mừng trên tay và một cuốn sổ mà trong đó Anh ghi lại những điều mình suy niệm, vào buổi tối, sau một ngày lao động. Chúng ta có thể đọc trong cuốn  Ai có thể chống lại Thiên Chúa :

         Với lòng khiêm tốn sâu xa, tôi đọc Kinh Thánh, cùng với ước ao được đọc sách ấy từ đầu đến cuối, chỉ vì Chúa, để nhận biết Ngài, yêu mến Ngài, phụng sự Ngài cách tốt hơn; gia đình nghèo khó ở Nadaret, tôi sẽ đọc Sách Thánh thường xuyên nhất trước nhà tạm linh thánh, vào lúc cuối ngày…khi mà, công việc kết thúc, tôi chẳng còn việc nào khác để làm ngoài việc nghỉ ngơi bên chân Ngài, đồng thời tôn thờ Ngài trong sự hồi tâm vào những giờ phút bình yên buổi tối.

        Trong tương quan với Thánh Thể, Charles de Foucauld không cư xử theo kiểu nhà thần học tìm cách phân tích Thánh Thể là gì, nhưng Thánh Thể chính là tâm điểm của cuộc đời Anh. Kể từ ngày anh được hoán cải, Thánh Thể đã được cụ thể hoá, đã làm cho cuộc gặp gỡ của Anh với Chúa Giêsu trở nên sống động và thực tế. Mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục trong sự hiện diện của Thánh Thể Đức Kitô.

         Do đó, toàn bộ sự trung thành của Charles trong tình yêu đối với Đấng mà Anh gọi là “Người Anh yêu dấu và là Chúa”, được biểu lộ qua những giờ phút dài lâu trải qua bên chân Chúa Giêsu, như Maria, trong ngôi nhà có Ladarô và Mátta, đã chọn “phần tốt nhất”. Theo năm tháng, Thánh Thể càng lúc càng thấm nhuần vào việc cầu nguyện của Anh hơn nữa, đã trở thành phương thế kết hiệp anh với Chúa Giêsu hết sức gần gũi. Anh biết rằng, trong khi hiệp lễ, “Anh kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu…hiệp lễ, tức là chạm đến Chúa Giêsu bằng chính miệng của mình, đón nhận chính Người, và trao cho Người một nụ hôn, kết hôn với Người, kết hiệp với Người một cách khôn tả”, bởi vì trong Thánh Thể, “không còn là hình ảnh, nhưng là thực tại, ở đấy có Hạnh Phúc, Tình Yêu, Cuộc Đời, Mọi Sự, Bình An, có niềm Hoan Lạc của chúng ta : ở đấy là tất cả trái tim và linh hồn chúng ta, thời gian và sự vĩnh cửu của chúng ta, mọi sự của chúng ta”.

          Đối với Charles de Foucauld, Thánh Thể không phải là một “sự sùng mộ” tùy ý, nhưng đích thực là nguồn mạch để múc lấy sức mạnh cần thiết, để cho cuộc sống của chúng ta được định hình theo đời sống của Chúa Giêsu. Đó chính là nơi mà lời cầu nguyện của Anh nên một với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Đấy là lý do tại sao hồi còn ở trong Dòng Trappe Đức Bà Xuống Tuyết, Anh đã có ý tưởng sáng lập một cộng đoàn mới, có mục đích là sống một đời sống nghèo khó, làm việc bên chân Thánh Thể.

         Ngồi hoặc quì như Maria làng Bêtania bên chân Chúa Giêsu, Charles de Foucauld khám phá Thánh Thể  không chỉ là bí tích về sự hiện diện sống động, đích thực và thực tiễn của Chúa Giêsu giữa chúng ta, nhưng còn là bí tích của hy lễ Thập giá, là cuộc tưởng niệm Chúa Giêsu hiến mạng sống của Người vì ơn cứu độ nhân loại và là một lời kêu gọi bước vào hy lễ ấy, bằng cách mang hy lễ tạ ơn ấy đi khắp nơi, đến với các dân tộc bị bỏ rơi nhất, để đem sự thánh hoá và ơn cứu độ cho họ. Chính vì lý do đó mà cuối cùng Anh chấp nhận ý tưởng làm linh mục.
Khi đã đến Sahara, Anh tiếp tục mối tương quan như thế với Thánh Thể và Anh viết, vào ngày 16 tháng 12 năm 1905, cho chị họ Bondy : “Em không hề đau khổ chút nào vì sự hiu quạnh nơi đây, nhưng em nhận thấy nó thật ngọt ngào; em có Thánh Thể, người bạn tốt nhất để cùng nói chuyện ngày đêm”.

         Vào năm 1907, khi mà phải ở một mình và không thể cử hành Thánh Lễ, thậm chí còn không thể lưu giữ Thánh Thể trong nhiều tháng, Charles thực hiện cuộc khám phá cuối cùng về ý nghĩa của Thánh Thể : Anh chuyển từ bí tích bàn thờ qua bí tích anh em hoặc bí tích của người nghèo. Anh hiểu rằng Thánh Thể không phải là ở yên một chỗ, nhưng phải được mang đi phục vụ các anh em của mình. Anh hiểu rằng phụng vụ Thánh Thể và việc phục vụ “những kẻ bé mọn” hợp thành một phụng tự duy nhất Mình Đức Kitô. Những buổi tôn thờ dài lâu thôi thúc Anh đi ra gặp gỡ những người anh em bé mọn nhất của mình.

         Sâu xa hơn, Thánh Thể không chỉ là một việc phụng thờ, nhưng với Anh còn trở nên hình thức sống của Anh, một phong cách sống được học tập và sống bên cạnh Chúa Giêsu tự làm cho mình thành Thánh Thể. Thánh Thể làm cho Charles trở nên một cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa và cho con người, theo hình ảnh Chúa Giêsu, đang hiện diện sống động và thực tiễn trong Thánh Thể, Anh kết hợp khắng khít với sự hiện diện của Người trong Tin Mừng. Anh sống cùng một sự mật thiết như thế trong việc Rước lễ và suy niệm Lời Chúa.

            Nếu Charles dành một lòng tôn kính đặc biệt đối với Tin Mừng, thì như vậy có nghĩa là, đối với Anh, cuộc sống của Chúa Giêsu trên thế gian này phải không ngừng được đón nhận và suy niệm trong Hội Thánh, vào thời kỳ mà các khoa học hiện đại đề cập đến các bản văn Kinh Thánh theo kiểu Renan hoặc kiểu của những người coi đó như là những cuốn tiểu thuyết kỳ diệu hoặc những trình thuật mang tính khai tâm, thì Charles đón nhận Lịch Sử Thánh, cuộc đời và các giáo huấn của Chúa Giêsu như một hồng ân làm cho hiện diện một mầu nhiệm, một con người, con người của Con Thiên Chúa đến giữa nhân loại để mạc khải cho họ tình yêu của Chúa Cha, mang đến cho họ ơn cứu độ và tặng ban cho họ Chúa Thánh Thần.

           Tại Palestine, Charles có thể đặt chân mình vào những bước chân của Chúa Giêsu, nhưng Anh không bằng lòng với một cách tiếp cận đơn thuần lịch sử, Anh nghe thấy trong các Tin Mừng Lời của Thiên Chúa được truyền đạt cho thế giới qua chính cuộc đời Chúa Giêsu, Anh muốn liên kết đời sống Chúa Giêsu với đời sống của Anh, và xem đời sống của Thầy cũng là kiểu mẫu của Anh, là một lời mời gọi hoán cải không ngừng mỗi ngày.

           Anh chủ trương các nhà huynh đệ tương lai sẽ sống trong một sự nghèo khó như Chúa Giêsu. Anh thường nhắc đến việc lao động chân tay, mà Anh gọi là “công việc thánh thiện của hai bàn tay”, giống như một lý tưởng sống giúp bắt chước “sự nghèo khó, đơn sơ và sự thấp hèn trong những công việc của Chúa tại Nadaret”.

           Từng bước tiến bộ trong việc tìm kiếm sự hiệp thông với Chúa Giêsu, Charles de Foucauld không muốn giới hạn mình vào một bắt chước bên ngoài những cư xử và những giáo huấn của Chúa Giêsu; Anh tập trung vào việc bắt chước các nhân đức của Người.

           Chúng ta phải sống tình huynh đệ của mình, mắt đăm nhìn vào Thánh Thể giống như trong Thánh Gia Nadaret, giữa Đức Trinh Nữ và thánh Giuse, không ngừng nhìn người anh cả của chúng ta và buộc mình nên giống Người trong mọi sự, làm cho mình hoà tan vào trong Người bằng một sự hiệp nhất mọi ngày cách hoàn hảo nhất, sự hiệp nhất mà tình yêu của chúng ta khao khát khôn nguôi ở dưới thế này.

            Trong Tin Mừng, Charles de Foucauld chiêm ngắm Chúa Giêsu và cảm thấy mình được kêu gọi bắt chước các nhân đức của Người, nhất là những biểu hiện tình yêu của Người. Anh cũng được kêu gọi thể hiện trong chính đời sống của mình những gì Anh chiêm ngắm trong đời sống của Chúa Giêsu. Bắt chước Người, đối với Anh, nghĩa là vâng nghe Chúa Giêsu và bày tỏ tình yêu của mình đối với Người.

           Không dừng lại ở những giai đoạn trong đời sống của Chúa Giêsu được Tin Mừng thuật lại, Charles de Foucauld còn tập trung vào thái độ nội tâm của Chúa Giêsu. Như vậy, anh có thể hiệp thông mật thiết với Người.

            Anh đặt mình trước sự hiện diện của Chúa Giêsu bằng cách tái hiện những hoàn cảnh cụ thể mà trong đó Chúa Giêsu đã có thể sống, nói, hành động. Anh vận dụng toàn bộ sự hiểu biết mà Anh có được vào đó, rồi đi sâu hơn nữa vào trong cuộc đời Chúa Giêsu, để hiệp thông với những tâm tư tình cảm của Người. Anh cũng khám phá điều mà Anh gọi là “những nhân đức Tin Mừng” hoặc những “hương thơm của Đấng Tình Quân”.

            Khi lần chuỗi Mân côi, Anh nhìn thấy trong đó một cách khác để đọc lại Tin Mừng. trong lúc suy niệm mười lăm sự mầu nhiệm, Anh tiếp xúc với những tình cảm của Chúa Giêsu, Đức Maria, các Tông Đồ, của thánh nữ Mađalêna và các môn đệ của Người. Vào năm 1896, khi dự định sáng lập hội dòng các tiểu đệ Chúa Giêsu, Anh có tầm nhìn rất bao quát: “Người ta sẽ tiếp nhận không phân biệt người có học hay không có học, người trẻ hay người già, linh mục hay giáo dân, miễn là họ có những phẩm chất thiêng liêng”. Đối với tất cả những ai chưa được huấn luyện cụ thể, thì không buộc phải đọc Thần Vụ, giờ cầu nguyện chung của họ là lần một Chuỗi Mân Côi vào buổi sáng và một chuỗi khác vào buổi tối. Chịu ảnh hưởng từ Dòng Trappe bởi các bài giảng của thánh Bernard về các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô, Charles de Foucauld tiếp cận Chuỗi Mân Côi bằng cách xem các mầu nhiệm khác nhau giống như những tưởng niệm về lịch sử trần thế của Chúa Giêsu.

             Như vậy, khi chia sẻ niềm ước ao của các Kitô hữu nhiệt thành trong thời đại của Anh và của chúng ta, Anh đặt Lời Chúa và Thánh Thể vào trung tâm đời sống của mình, và nhấn mạnh việc bắt chước Đức Kitô được thực hiện một cách trang trọng trong lễ dâng hy tế của Thánh Lễ được linh mục thực hiện. Người ta gặp thấy suy nghĩ ấy trong cuốn Thét Lớn Tin Mừng : “Linh mục tiếp tục công việc của Chúa Giêsu và chỉ bắt chước Người một cách hoàn hảo khi ngài dâng hy tế thánh và ban các bí tích”. Vì khiêm tốn, anh bị cám dỗ không muốn được thụ phong linh mục, Anh nói thêm : “Một tìm kiếm sự khiêm nhường mà tránh né chức linh mục thì sẽ không tốt, bởi vì đó là tránh né bắt chước Chúa Giêsu là “con đường duy nhất” mà - cách riêng đối với tôi– sự bắt chước chính là ơn gọi cụ thể của tôi”.

             Charles sống ơn gọi ấy trong lòng Hội Thánh, (ơn gọi làm sống lại) sự hiện diện thường xuyên và hiệu quả của Đấng Cứu Độ giữa thế gian. Khoa thần học đương thời và giáo huấn của Công Đồng Vatican II đã bày tỏ điều này khi nói về Hội Thánh như là bí tích cứu độ.

Trở nên “người anh em đại đồng”

            Một cách nào đó, chính Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, đã cống hiến Charles de Foucauld danh hiệu là người “Anh Em đại đồng”, khi nhắc đến Anh trong thông điệp Populorum progressio, như là mẫu gương về sự trao ban và tình bác ái truyền giáo : “Chỉ cần nhắc đến mẫu gương của cha Charles de Foucauld, người vì lòng bác ái, xứng được gọi là “người anh em đại đồng”, và còn phải kể thêm việc ngài biên soạn cuốn từ điển quý giá bằng ngôn ngữ thổ dân Touareg”.

          Đó là một sự thánh hiến chính thức làm cho Anh trở thành người anh em đại đồng xuất sắc, được ĐTC Phanxicô khẳng định, nhân chuyến ngài đến Maroc, khi ngài gặp gỡ các linh mục, các tu sĩ, những người tận hiến và Hội đồng đại kết của các Giáo hội. Sau khi đã nhắc đến thánh Phanxicô Assise, ĐTC nói : “Và làm sao không nhắc đến chân phước Charles de Foucauld là người, được ghi dấu sâu sắc bởi cuộc đời khiêm tốn và ẩn dật của Chúa Giêsu ở Nadaret, Đấng mà ngài tôn thờ trong thinh lặng, đã muốn làm một “người anh em đại đồng” ?”

            Ở Nadaret, Charles càng ý thức hơn rằng Chúa Giêsu đã trở nên con người giống như chúng ta, trở nên người thợ nghèo khó tại Nadaret, và do đó, Người đã trở nên người anh em của chúng ta bằng nhân tính. Qua đấy Anh khám phá Đấng-Hoàn-Toàn-Khác đã trở nên con người, vượt quá “sự khác biệt giữa Đấng Tạo Thành và loài thụ tạo, giữa đại dương và giọt nước”, và sống giữa chúng ta như “người anh em yêu dấu”.

          Khi nhắc lại Bản Hướng Dẫn dành cho các môn sinh tương lai của mình, được viết vào năm 1899 và được dùng lại nhiều lần cho đến 1916, Charles de Foucauld lặp lại rằng các tiểu đệ sẽ phải là những người đại diện cho Chúa, nghĩa là “những người cứu độ đại đồng, những người bạn đại đồng, những anh em đại đồng”.

          Năm 1901, khi viết cho Đức Giám mục Sahara để gia nhập Phủ Doãn tông toà, Anh lấy đức ái đại đồng của Trái Tim Chúa Giêsu làm lý tưởng sống để thực hành cho mọi người, cả Kitô giáo lẫn Hồi giáo. Vì vậy, chẳng lạ gì khi Anh gọi ngôi nhà nhỏ của Anh tại Beni-Abbès là “nhà huynh đệ Thánh Tâm Chúa Giêsu” ?

           Charles de Foucauld thật quý giá đối với chúng ta vì rất nhiều lý do, nhưng nhất là vì kinh nghiệm thiêng liêng của Anh, chí ít là những gì mà chúng ta có thể nắm bắt được qua những điều Anh viết; là kinh nghiệm của một con người, theo dòng thời gian, đã trở nên thực tế hơn. Anh biết là để yêu mến hết thảy mọi người, thì cần phải bắt đầu yêu mến một ai đó; để trở thành anh em của mọi người, cần phải là anh em của một người nào đó.

           Vốn là người có nhiều mối quan hệ rộng rãi và là người bạn chân thành và trung tín, Charles biết làm cho mình có thêm nhiều người bạn và vun đắp tình thân hữu đến mức vượt qua mọi trở ngại. Tận sâu trong vùng Sahara, Anh giao tiếp với tất cả các bạn bè của mình và duy trì với mọi người những mối tương giao thân tình.

         Các Thư từ trao đổi của Anh chứng tỏ cho thấy vô số những điển hình về những mối tương quan của Anh với nhiều người không phân biệt ngôn ngữ, quốc tịch hoặc tôn giáo. Anh viết trong Sổ Tay Tamanrasset, tr. 188 : “Làm cho mình trở thành mọi sự cho mọi người : cười với người cười; khóc với người khóc, để mang tất cả họ đến với Chúa Giêsu. Sẵn sàng đặt mình trong tầm tay của mọi người để lôi kéo hết thảy mọi người đến với Chúa Giêsu. Chiều lòng mọi người để lôi kéo mọi người đến với Chúa Giêsu”.

           Như vậy, Charles de Foucauld đã vượt qua từ một khái niệm trừu tượng, lý tưởng, đến với một thể hiện cụ thể, “để trở nên người bạn và người anh em đại đồng”. Anh đạt đến chỗ sống tình huynh đệ bằng những tương quan thân ái cụ thể.

          Như là lời di chúc thiêng liêng về tình huynh đệ đại đồng, Anh đã để lại cho chúng ta những dòng chữ này được trích ra từ Điều Lệ và Hướng Dẫn dành cho các tiểu đệ (tr. 87):

           Chớ gì tình bác ái đại đồng và huynh đệ của các tiểu đệ rực sáng như ngọn đèn pha; chớ chi mọi người chung quanh, kể cả người tội lỗi hoặc bất trung, đều biết anh em là những người bạn đại đồng, những người anh em đại đồng, dành trọn vẹn cuộc đời mình để cầu nguyện cho hết thảy mọi người không trừ một ai, và mang lại lợi ích cho họ, chớ chi nhà huynh đệ của anh em là một cánh cổng, một nơi nương náu mà ở đấy mọi con người, nhất là những ai nghèo khó và bất hạnh, luôn được mời gọi một cách thân tình, được mong chờ và tiếp đón, và chớ gì nơi ấy, như tên gọi của nó, trở thành ngôi nhà của Thánh Tâm Chúa Giêsu, của tình yêu thần thánh được dàn trải trên thế gian, của tình Bác Ái nhiệt thành, của Đấng Cứu Độ con người.

           Trở nên “người anh em đại đồng” không phải chỉ là một ước ao có lẽ hơi ngây thơ của một linh mục thánh thiện. Khi làm như vậy, lại một lần nữa Charles de Foucauld đã có một tầm nhìn đi trước thời đại.

           Charles sống trong giai đoạn mở rộng thuộc địa lớn nhất của châu Âu thời bấy giờ. Và nước Pháp nằm trong số các quốc gia chủ chốt của việc mở rộng ấy. Chính trong bối cảnh thực dân như thế mà Charles tuyên bố và muốn trở thành “người anh em đại đồng”. Người ta biết rõ rằng, những động lực sâu xa của chủ nghĩa thực dân, kỳ thực không vì lý do nhân đạo, cũng chẳng vì từ thiện. Vả lại đấy không phải là những tâm tư mà các quốc gia châu Âu bày tỏ đối với các dân tộc bị khuất phục bởi cuộc chinh phạt của họ. Toàn bộ văn hoá châu Âu thời bấy giờ nặng đầu óc tự cho mình là vượt trội và mặc nhiên cho rằng toàn thể nhân loại sẽ được khuôn đúc theo kiểu mẫu của phương Tây. Chính Hegel đã khẳng định “một sự vượt trội không thể tranh cãi và hiển nhiên của phương Tây”.

            Từ những tiền đề như thế, có vẻ thật là hợp lý khi Anh Charles tự cho mình là “người được trao bổn phận đi khai hoá” các dân tộc khác và, dù muốn dù không, tất cả các dân tộc khác đều phải chấp nhận tính vượt trội và công việc khai hoá ấy.

            Chính trong bối cảnh đặc thù như thế mà Charles de Foucauld nhận ra vai trò Anh được kêu gọi mặc lấy để say mê bắt chước Đức Giêsu Nadaret : làm việc trong thinh lặng vượt quá sự ngờ vực và thù ghét, thông qua một sự hiện diện huynh đệ, thân tình và chân thành chia sẻ. Nói một cách cụ thể, cuộc đời Anh, được sống bằng cách gần gũi hơn nữa với người khác, bằng những tương quan bình đẳng và huynh đệ, là một trái ngược ngay bên trong cuộc chinh phục thuộc địa. Ít lâu trước khi chết, Anh cũng tóm kết phong cách sống huynh đệ của mình : “Tình yêu huynh đệ đối với hết thảy mọi người…nhìn thấy nơi mọi người một người con của Cha trên trời: trở nên nhân từ, hiền hoà, khiêm tốn, quả cảm với mọi người, cầu nguyện cho mọi người, dâng những đau khổ của bản thân cho Chúa vì hết thảy mọi người”.

             Charles de Foucauld còn giúp chúng ta hiểu được sống tính cách đại đồng không có nghĩa là đánh mất chính mình, nhưng là tìm gặp lại, dĩ nhiên là không phải làm cho mình nghèo đi, nhưng là giàu có thêm lên. Sống từng mối tương quan như một con đường tình bạn mở ra cho chúng ta tình huynh đệ, vượt qua những ranh giới của mình và mạo hiểm bước vào những vùng đất xa lạ, cùng nhau đấu tranh chống lại sự loại trừ, bạo lực và việc gạt ra bên lề xã hội. Trở nên người anh em đại đồng nghĩa là trở thành người anh em của mọi người, không luật trừ hoặc phân biệt, không loại bỏ bất cứ ai, chú tâm đến điều tốt của người khác, và vẫn giữ được căn tính của chúng ta. Chỉ tuyên bố sồng tình huynh đệ đại đồng, thì chưa đủ, nhưng, như lời Charles de Foucuald dạy, ngày này qua ngày khác, chúng ta phải học cách sống tình huynh đệ ấy cho đến khi thấm sâu trong bản thân, thấm sâu trong tâm hồn chúng ta.

             Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc tông huấn “Fratelli tutti” của ngài, bằng cách đưa ra một qui chiếu rõ ràng về Chân phước Charles de Foucauld, giới thiệu Anh như một kiểu mẫu về đời sống Kitô giáo và một kiểu mẫu về tình huynh đệ đại đồng :

[Chân phước Charles de Foucauld] với lý tưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, đã đi đến đồng hóa mình với những người nghèo, những người bị bỏ rơi ở những góc xa khuất nhất của sa mạc Phi Châu. Trong khung cảnh đó, ngài đã diễn tả ao ước cảm nhận mình là một người anh em của mọi người, và đã xin một người bạn “cầu nguyện xin Chúa cho tôi thực sự là người anh em của tất cả”. Cuối cùng, ngài muốn làm “người anh em đại đồng”. Hẳn nhiên chỉ bằng cách tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nhất mà ngài đã có thể trở thành người anh em của tất cả mọi người. Nguyện xin Thiên Chúa khơi dậy giấc mơ này nơi mỗi chúng ta. Amen.

 
(TSCG/Bản dịch của a.Noberto Thái văn Hiến)
 

Tác giả: Bernard Ardura, Cáo thỉnh viên phong thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây