Cha Charles de Foucauld, Nhà Truyền Giáo (2)

Thứ năm - 07/05/2020 11:14
Cha Charles de Foucauld, Nhà Truyền Giáo (2)
CHA CHARLES DE FOUCAULD
“ ĐƯỢC DÀNH RIÊNG ĐỂ RAO GIẢNG TIN MỪNG ” (2)

 
 
II/. ƠN CỨU ĐỘ CÁC LINH HỒN
     “Con được giao nhiệm vụ rao lớn Tin Mừng trên mái nhà, không phải bằng lời nói, mà là bằng cuộc sống của con.” Một đời sống tôn thờ và yêu mến Chúa Giêsu, tại Béni-Abbès nơi mà Anh đến vào ngày 28.10.1901, được đại uý Regnault, tư lệnh vùng, cùng các sĩ quan của ông ta tiếp đón. Mọi người cùng tham dự Thánh Lễ đầu tiên do Anh cử hành vào ngày 01.11.
     Điều gì đã đưa Anh đến đấy ? – Cha Tổng Quyền chúng ta tự hỏi trong kỳ tĩnh tâm “sáng lập” vào năm 1964, kỳ tĩnh tâm đầu tiên của chúng ta tại cộng đoàn Thánh Giuse, một năm sau ngày thành lập – Đó chính là việc bắt chước Chúa Giêsu và luôn mãi là như vậy, nhưng qua tác vụ linh mục của Anh. Một bắt chước dứt khoát đưa Charles đến với sự bé mọn, thấp hèn, nhưng qua đó mà Chúa Giêsu càng là Đấng Cứu Độ hơn. Sau cuộc sống ẩn dật ở Nadaret, Trái Tim Chúa Giêsu hoàn toàn được tỏ lộ trong việc thiết lập Thánh Thể, trên Thập Giá và trong Hy Tế trên bàn thờ.
     Khi rời Dòng Trappe, Charles de Foucauld muốn tránh tác vụ linh mục và những bổn phận mà các bề trên chuẩn bị cho Anh. Anh muốn mình chẳng là gì cả, không là gì ngoài sự thấp hèn vô hạn, “thấp hèn” giống như Chúa Giêsu ở Nadaret, hoàn toàn dành chỗ cho sự hoàn thiện tột cùng vì tình yêu Thiên Chúa dư tràn chan chứa trong việc tôn thờ không ngơi, trong một công việc tay chân của những kẻ hèn kém nhất, trong một nghèo khó anh hùng. Chức linh mục không nằm trong suy nghĩ của Anh.
     Nhưng giờ của Chúa đã điểm, đủ để cho Anh nhớ rằng Chúa Giêsu là linh mục và việc bắt chước Người phải được hoàn thiện hơn khi chính mình cũng là linh mục để, ngay lập tức, mọi trở ngại tan biến hết. Bấy giờ Anh nghĩ hẳn là mình sẽ được hoàn thiện hơn và điều quan trong là hãy trở thành linh mục để mang ơn cứu độ đến cho các linh hồn : Anh muốn bằng lễ dâng Hy Tế và thực hành các nhân đức Tin Mừng, mà cộng tác vào ơn cứu độ.”
     Luật dành cho các ẩn sĩ Thánh Tâm được Anh soạn lúc bấy giờ, có thể nói được là đánh dấu việc Anh bước vào đời sống hoạt động của những người thợ theo Tin Mừng, như Anh nói sau này. Nhưng xin lưu ý ! Đó không giống như việc Chúa Giêsu bước vào đời sống công khai, không ! Chính Chúa Giêsu sẽ bước vào đời sống công khai nhờ tác vụ rất mờ nhạt, không ai biết đến của Charles de Foucauld. Chính Chúa Giêsu linh mục sẽ hành động nhờ đôi tay thừa tác viên hết sức khiêm hạ của Người; và thừa tác viên ấy sẽ bằng lòng sống ẩn dật, chỉ muốn trở nên khí cụ vô danh và thấp kém của công việc huyện nhiệm vì hy lễ và sự toả sáng của Chúa Giêsu. Đó là đời sống công khai của Chúa Giêsu, nhưng qua cuộc sống ẩn dật của người tôi tớ của Người. Trong thời gian lâu dài ở tại Béni-Abbès, Anh luôn sống trong sự cô tịch, đắm mình vào việc chiêm niệm dưới chân Chúa Giêsu. Anh làm linh mục để có thể giúp Chúa Giêsu làm đầy chức tư tế vương đế vốn thuộc về Người, và toả sáng trên những miền đất vô đạo, những vùng đất bị bỏ rơi nhất, bởi Hy Tế trên bàn thờ, bởi sự hiện diện của Người trong Nhà Tạm…
     Chúng ta đang ở xa anh Xavier Habig, người được xem là người kế tục Anh ở Béni-Abbès hôm nay và đã từng tuyên bố : “Chúng tôi được tiếp đón trong nghi lễ Hồi giáo và có một hiệp thông sâu sắc. Thật điên rồ những gì tôi nhận được từ nơi họ. Chính họ lại rao giảng Tin Mừng cho chúng tôi.” (Báo La Croix, ngày 28.07.2005) !
     Do đó mà Charles de Foucauld cũng đã từng bị  lôi cuốn vào cơn khát khao ơn cứu độ cho các linh hồn mà Anh nhận ra trong Trái Tim Chúa Giêsu và lan sang trái tim Anh : “Ơn cứu độ các linh hồn là cuộc sống của chúng ta dưới thế gian này, cũng như cuộc sống của Chúa Giêsu “Đấng cứu Độ” ngày xưa. (Thư viết cho Đức Cha Guérin ngày 30.06.1903.
     Anh nhấn mạnh chữ Đấng Cứu Độ, khi khám phá đời sống của Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ của các linh hồn đã bị hư mất, và Anh sẽ nỗ lực để bắt chước Chúa Giêsu cả trong việc này nữa.
     Và  trước hết, muốn làm cho Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể  hiển trị , chính Anh đã phải làm cho đức ái, tính hiền lành, sự tận tuỵ với hết mọi người, lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu xuất hiện trong cả cuộc đời mình. Anh thành công đến độ có đông người tìm đến, như trong Tin Mừng. Nhà nguyện, các căn buồng và bệnh xá do quân đội xây cho Anh bằng gạch đất sét phơi khô nhanh chóng đầy người lui tới. Đó không còn là một nơi ẩn tu nữa mà là một tổ ong, được những người cư ngụ đặt tên là“nhà huynh đệ”. Anh viết : “Hằng ngày, có khoảng sáu mươi đến một trăm người đến thăm tôi”. Nào là kẻ ăn xin, người đau yếu, người nô lệ. Anh muốn là linh mục dâng Thánh Lễ, chưng bày Mình Thánh Chúa và sau đó lẩn mình vào giữa các tín hữu để cùng tôn thờ, nhưng khu ẩn cư của Anh lại biến thành nơi công cộng. Tất cả sự cùng quẫn của con người bày ra hết tại nơi Anh ở. Trong khi Chúa Giêsu vẫn thinh lặng, toả sáng một cách huyền nhiệm nơi Thánh Thể, thì chính Anh phải là công cụ kín ẩn của Người, nhưng Anh cũng là linh mục, người đại diện sống động, phát biểu nhân danh Chúa Giêsu, là hiện thân của lòng bác ái và sự tận tuỵ vô bờ bến của Người.
     Một cách âm thầm, người tôi tớ sẽ thấm nhuần đòi hỏi ấy và tự trao ban chính mình. Anh muốn trao ban Chúa Giêsu, Anh cảm thấy bị lôi kéo phải cho đi chính mình và không phải là không có sự giằng co : Anh thấy mình quá bận rộn, quá bị tiêu hao vì đức ái huynh đệ. Nhưng chính điều cuối cùng này khuất phục được Anh. Vì thế, Anh sẽ làm cho mình trở thành người cứu độ, theo gương Chúa Giêsu, và Mầu nhiệm Thánh Thể, thay vì trước hết là mầu nhiệm để tôn kính, lại trở nên mầu nhiệm về cuộc đời Anh, dâng hiến, chịu sát tế, tự hiến cho mọi người vì tình yêu.
     Dần dà Anh đi vào hoạt động của đời sống tông đồ, như các Tông Đồ đã làm trong suốt cuộc đời công khai của Chúa, và cuối cùng Anh được Laperrine “thả vào Hoggar”. Anh rời Béni-Abbès ngày 03.05.1905 và, sau ba tháng hành trình, Anh viết :
     “Tôi chọn Tamanrasset, ngôi làng với hai mươi hai nóc nhà nằm trong vùng núi, giữa lòng Hoggar, xa cách mọi trung tâm quan trọng. Có vẻ như không bao giờ phải cần đến đơn vị trú phòng, điện tín, kể cả người châu Âu và còn lâu mới có người đến truyền giáo. Tôi bán mấy con lạc đà của mình, dựng một căn lều, đặt Mình Thánh Chúa trong đó. Tôi sẽ làm một ngôi nhà hết sức nhỏ, hai phòng mỗi phòng hai mét vuông, một để làm nhà nguyện, một còn lại làm buồng riêng.”
     Anh có một khu vườn, những con dê, và nhận sự giúp đỡ của người Touareg. Bất chấp tình hình bất an của khu vực ít lâu sau khi nằm dưới sự thống trị của người Pháp, Anh cứ thực hiện những cuộc đi thăm các ngôi làng và những trại tạm trú vùng lân cận. 
ĐAN SĨ TRUYỀN GIÁO
       Từ lâu, hai từ ngữ ấy đối với Anh có vẻ  đối nghịch nhau. Anh nói ra điều đó vào năm 1905, khi Anh đến định cư tại Tamanrasset, và còn nhắc lại vào năm 1907, trong lúc tự lý luận : “Mình là đan sĩ, chứ không phải là nhà truyền giáo, mình làm việc bằng sự thinh lặng, chứ không phải bằng lời nói. Nhưng tác vụ của Chúa Giêsu-Thánh Thể thầm lặng thôi thúc Anh phải nói về Người và do đó, anh phải làm hồi sinh đời sống Chúa Giêsu theo Tin Mừng. Thay vì chỉ mang Chúa Giêsu trong Hình Bánh, cùng với Người trở thành tấm bánh được hiến dâng, bị sát tế và cho đi, và vì vậy Anh trở thành “một Đức Kitô khác”.
     Ngày lại ngày, miệt mài cử hành các Mầu Nhiệm Thánh, vị linh mục và các linh hồn tận hiến tham dự vào đó với tình yêu, gắn bó với Chúa, nhận ra mình được kêu gọi noi theo những gì mình cử hành : “Imitamini quod tractatis – Hãy noi theo điều con làm”.
Chúng ta thấy lời khuyên bảo ấy khi Đức Giám Mục phong chức linh mục thể hiện nơi Cha Foucauld, bên ngoài, do hoàn cảnh, do những yêu cầu của các bề trên, và tiếng gọi của các linh hồn, còn bên trong, do lòng bác ái của Đức Kitô. Anh không nói ra được hết, nhưng Chúa Thánh Thần thúc đẩy Anh.
     Anh viết : “Con thấy tất cả những gì không phải là lòng đơn sơ tôn thờ Đấng Chí Ái thì cũng bằng không, cũng như đôi tay con buông thõng ngay sau khi rời khỏi chân Nhà Tạm.” ( Thư gửi Cha Huvelin, ngày 10.06.1903)
     Anh không hề đề cao bản thân hoặc giá trị  tông đồ của mình. Anh chỉ có một suy nghĩ : trở lại Béni-Abbès hoặc, khi đang ở Tamanrasset, lánh mình vào một nơi cô tịch để được ở bên chân Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu là tông đồ và nhà truyền giáo duy nhất thực hiện qua tay Anh.
     Nhưng đồng thời, qua thư gửi Đức Cha Guérin, Anh để lộ cho thấy ngọn lửa tông đồ đang thiêu đốt tâm hồn anh :
     “Con thật đáng thương vô cùng, tuy đã hoài công tìm kiếm song trong con chỉ có một ước ao duy nhất là : Nước Cha trị  đến !... Danh Cha cả sáng ! Đức Cha hỏi con có sẵn sàng rời Béni-Abbès để quảng bá Tin Mừng hay không: thưa con sẵn sàng đi đến tận cùng thế giới và sống cho đến ngày Phán Xét để làm việc đó.”
     Thật là tương phản ! Cùng một mâu thuẫn như thế xâm chiếm Trái Tim Chúa Giêsu, thức suốt đêm để cầu nguyện, hoàn toàn đắm chìm trong chiêm ngắm, trong sự kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng chính Ý Định của Thiên Chúa thôi thúc Người hành động và bước vào cuộc sống công khai. Anh Charles de Foucauld cũng vậy, từ năm 1903, năm Anh chọn lựa tiến vào giữa sa mạc, ngay cả việc phải cái giá đắt nhất dành cho linh hồn Anh vốn khát khao tôn thờ Thánh Thể, cái giá phải chịu để mất đi những ngọt ngào của sự Hiện Diện bên chân Đấng Chí Ái trong cô tịch và thinh lặng, thậm chí phải trả giá bằng việc không được cử hành Thánh Lễ và chịu lễ.
     Anh đã đồng ý làm linh mục bởi vì không gì hiệu quả đối với phần rỗi các linh hồn cho bằng Hy Tế Thánh của thánh lễ. Bấy giờ Anh được Thánh Thần thúc đẩy tiến lên, được mời gọi bước đi ngay giữa xứ sở những người Touareg, ở đó Anh không thể cử hành, do thiếu người giúp Lễ. Trong khi đó, Anh là người đặt Hy Tế của Chúa Giêsu lên trên hết ! Nhưng vì nhu cầu của các linh hồn đòi buộc, anh hy sinh. Và anh không ngừng tự nhủ mình chẳng là gì cả, không một giây nghĩ rằng hoạt động của mình giá trị hơn hoạt động cứu chuộc của Đức Kitô trong Thánh Lễ, anh đạt tới sự sung mãn của đời sống truyền giáo. Anh viết: “Vâng phục là thước đo tình yêu”. Không chỉ vâng phục, mà còn chấp nhận cả những khó khăn, những nỗi nhọc nhằn, hiểm hoạ và cái chết nữa.
     Hàng ngàn tiếng nói kêu gọi Anh sống như thế như là một sự bắt chước Chúa Giêsu cách hoàn hảo hơn. Theo tiếng gọi tình yêu, Anh tiến lên phía trước. Tại Tamanrasset, Anh làm việc miệt mài để biên soạn một cuốn tự điển Pháp-Touareg, thu thập và dịch thuật các bài thơ. Anh sống tiết độ, tự muốn trở nên “bé mọn và dễ gần”, hết sức bé mọn, hết sức nghèo khó đến nỗi ăn uống rất qua quít, không tự chăm sóc sức khoẻ và, mắc chứng scorbut, nhiều lần cận kề với cái chết.
     Tuy nhiên, do hoàn toàn đắm sâu vào sự khiêm hạ, lệ thuộc vào sự tôn thờ, chiêm niệm và chú tâm vào Chúa Giêsu-Thánh Thể như thế, nên đời sống truyền giáo ấy hoàn toàn là đặc sủng. Đó không phải là một chức phận, nhưng là một hồng ân dư tràn, một góp phần nguyên tuyền vào Nhân Tính thánh thiện của Đức Kitô và Thánh Thể của Người. Anh Charles chỉ muốn một điều : tan biến, không là gì cả, chẳng làm gì hết, mà chỉ để Chúa Giêsu hành động. Và Chúa Giêsu hành động…bằng cách thúc đẩy Anh đem Tin Mừng cứu độ đến cho người khác : “Chính chức tư tế thần bí của linh hồn trung tín mới tự hiến và dâng Chúa Giêsu cho tất cả mọi ý định của Đấng Cứu Độ thần linh […] và, như Chúa Giêsu, suốt đời xả thân đem ơn cứu độ đến cho mọi người.” (Thư gửi Joseph Hours, 01.10.1916).
     Anh chấp nhận ơn gọi truyền giáo ấy như một thập giá. Anh viết: “Hãy đi con đường hẹp, đó chính là thập giá Đức Giêsu Nazareth”.
     “Để Trái Tim Chúa Giêsu sống trong con, để không còn là con sống, nhưng Trái Tim Chúa Giêsu sống trong con, như Người đã từng sống ở Nazareth.” (Thư gửi Đức Cha Guérin, ngày 02.07.1907)
     “Không ngừng đọc đi đọc lại Tin Mừng để luôn có trong tâm trí những hành vi, lời nói, tư tưởng của Chúa Giêsu, để suy nghĩ, nói năng và hành động như Chúa Giêsu.” (Thư gửi Joseph Hours, ngày 03.05.1912)
     Như  vậy, trước hết là chìm đắm trong sự hiện diện của Chúa Giêsu, sau đó Anh Charles, thừa tác viên rất mực khiêm hạ của Vị Linh Mục Tối Cao và Hy Tế, mới hoàn toàn đạt đến sự hiệp thông đồng công cứu chuộc và tham gia vào công việc tông đồ của Chúa Giêsu. Anh góp thêm được một chút nhân tính vào với Người. Đó là thời của Công Vụ Các Tông Đồ. Ở Tamanrasset, Assekrem và trong những chuyến đi xa cùng với người Touareg, ở giữa họ, xa Chúa Giêsu và không có sự hiện diện của Người trong Thánh Thể, trong sự tự lập hoàn toàn như các Tông Đồ đã trải qua sau khi Chúa Giêsu ra đi. Người đã vượt qua cái chết, sự Phục Sinh và Thăng Thiên. Khi Chúa Giêsu về Trời, các Tông Đồ tự thấy mình không bị bỏ mặc, nhưng đầy Thánh Thần sau ngày Hiện Xuống, để hoạt động như Chúa Giêsu, để làm những công việc mà Chúa Giêsu đã làm xưa, để nói nhân danh Người.
     Trong những năm tháng cuối đời, Anh Charles de Foucauld đã đạt tới thời điểm của các Tông Đồ xưa. Ngay cả mối bận tâm hy sinh tự xóa mình trước ý nghĩ duy nhất là chỉ thực thi ý Đấng Chí Ái, cùng chung ý định với Đấng Chí Ái, cũng chỉ để trở thành một dụng cụ cho Nhân Tính cứu chuộc kết hợp với thiên tính của Người. Như vậy, thật thánh thiện biết bao !
     Người ta bảo gần như Anh đã bị “ thế tục hoá” ! Và có lẽ đúng vì anh nói năng, yêu mến, tận tuỵ, hy sinh trọn vẹn, để cho người ta ăn mỗi ngày như Đức Giêsu trong Tin Mừng. Người ta đã thoát ra khỏi mọi nghi lễ; có vẻ như người ta đã vượt quá chúng bởi vì như có một cuộc nhập thể mới của Đức Kitô trong sự thánh thiện hoàn hảo, trong đó trái tim của người tông đồ trở nên một với Trái Tim Đức Kitô. Bản thể của người tông đồ hoàn toàn được hiến sinh, hoàn toàn được sát tế, đã được phục sinh cùng với Đức Giêsu Kitô : Una cum Christo hostia, cor unum, “ trở nên một lễ vật,  một trái tim với Chúa Kitô ”. 
(còn tiếp)

Tác giả: Tiểu đệ Bruno de Jésus

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây