CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 15)

Thứ hai - 04/05/2020 11:03
CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 15)
CHƯƠNG 15
 
CHA FOUCAULD
“được dành riêng để rao giảng Tin Mừng” 

           Phong Chân Phước cho Cha de Foucauld, là dịp để Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI làm mãn nguyện những ước ao của Viện phụ Nantes, vị sáng lập và là bề trên của chúng ta, đã từng tuyên bố vào lúc kết thúc hội nghị khoáng đại, tại phòng Tương Tế, vào ngày thứ bảy, 13 tháng 11 năm 1976 :

           “Cha de Foucauld được dành riêng cho tương lai. Việc của chúng ta là phải bảo đảm nguyên vẹn, làm hồi sinh và thực hiện sứ điệp ấy cho đến khi có được chiến thắng cũng như hoà bình của Hội Thánh và của nước Pháp, cho đến khi có nền văn minh cũng như sự hoán cải của Đế Quốc thuộc địa chúng ta, mà có thể nói là đã được Cha nhìn thấy trước và đã đổ máu mình ra vì những ước nguyện đó. Như thánh nữ Jeanne d’Arc, như thánh Louis hấp hối tại Tunis, Cha là người con của nước Pháp cũng như của Hội Thánh. Những vinh dự của việc phong thánh và vinh quang của vùng Bernin sẽ dành cho những thời đại khác, thời của Vị Đại Giáo Hoàng và vị Đại Vương mà biết bao lời ngôn sứ loan báo trong dân tộc Pháp bé nhỏ tự ngàn xưa. (…)

           “Điều mà vị ẩn sĩ  ở Hoggar để lại cho chúng ta như di chúc tinh thần và thế tục, chính là tình yêu được gặp thấy lại từ trật tự già cỗi lâu đời mà chúng ta phải gắn kết vào đó những sai lệch của thế giới hiện đại và những nguyên tắc cách mạng của nó. Không những vì sự an toàn, nền hoà bình, niềm hạnh phúc của chúng ta, mà còn để mở rộng ân huệ khôn sánh ấy ra cho anh em chúng ta, những người Hồi giáo và ngoại giáo tại các vùng thuộc địa của chúng ta, đến cả những người chịu thua thiệt, bị bỏ rơi nhất do những người bất trung. Nếu khước từ di sản của chính mình, thì làm sao chúng ta có thể mang Đức Kitô đến cho thế gian được ? Đó là cuộc đánh cược mà Hội Thánh đã rồ dại lao mình vào trong thời đại chúng ta, nhưng chẳng có kết quả nào ngoài sự sụp đổ của nền chính trị lâu đời của nước Pháp, vốn mang lại nền văn minh cho nhân loại toàn cầu, đang phải sớm kéo lê sự đổ nát của chính mình.

          “Không bao giờ lùi bước !” Charles de Foucauld kêu gọi chúng ta chiến đấu, nhưng ơn gọi mới của người anh em đại đồng mang lại cho chúng ta ý nghĩa và chiều kích khác của lời kêu gọi ấy : đó là một cuộc chiến đấu Kitô giáo, một Cuộc Thánh Chiến để mọi dân tộc bước vào di sản đầy hồng phúc của Tình Yêu Đức Giêsu.” (CRC số 112, tháng 12/1976, tr. 22) 

I/. CHỈ MỘT MÌNH CHÚA GIÊSU

            Ơn ban đặc biệt và thần bí dành riêng cho Cha Foucauld mang lại là hoàn toàn bắt chước Đức Giêsu, được trải nghiệm “bằng cách bước theo dấu vết “những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu”, như Đức Bênêđictô XVI phát biểu, phải làm thế nào để khi ta “nói về Người”, tức là ta “gặp lại Người”. Cuộc sống của Cha thâu tóm một cách lạ lùng, trong lịch sử Hội Thánh, những giai đoạn lớn của cuộc đời Chúa chúng ta, và từ đó trình bày cho thấy một minh hoạ tuyệt diệu về Tin Mừng :

          Cha nói : “Sự bắt chước không thể tách rời khỏi tình yêuAi yêu mến thì muốn bắt chước : đó là bí quyết sống của tôi. Tôi đã đánh mất con tim của mình vì Đức Giêsu Nazareth bị đóng đinh cách đây 1900 năm, và tôi sống cuộc sống của mình để ra sức bắt chước Người, dẫu mình yếu đuối.”

          Trong khi muốn “thét lớn Tin Mừng” suốt cả đời, Cha Foucauld thậm chí đã không thấy hồng ân ấy được ban cho mình ra sao. Cha không soạn sẵn một chương trình theo Tin Mừng để, từng bước, đi hết giai đoạn này sang giai đoạn khác. Không ! Cha chỉ được thấm nhuần bởi những gợi hứng tùy thời tùy lúc hướng dẫn những quyết định của Cha. Do đó những giai đoạn sống của Cha kế tiếp nhau theo một trật tự mà chính Cha cũng không nhận ra, nhưng, một cách đáng kinh ngạc, chúng ta gặp thấy đó như một hành trình Tin Mừng đúng nghĩa, và vì thế, như cuộc hành trình thần bí lý tưởng ! 

CỰU ƯỚC

         Như  Maria Mađalêna, cũng như bao người khác, Charles de Foucauld đã biết bi kịch về đứa con hoang đàng. Cha đã trải qua kinh nghiệm của Israel, dân được Chúa chọn, được ưu đãi, rồi bất trung, bị thất sủng và bất hạnh trong tội ác. Ở giai đoạn này, Cha vẫn chưa giống Đức Giêsu, nhưng giống Adam, Abraham, David, mà Cựu Ước mở ra cho chúng ta thấy cuộc hành trình được gợi hứng.

      Nhiều vị thánh lớn, nhờ hồng ân, đã thấy bản thân mình trải qua một cuộc phiêu lưu rất ác liệt : Đức Trinh Nữ Maria, thánh Gioan, thánh Bênađô, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Những vị khác, trái lại, hoàn toàn có một trải nghiệm cay đắng khủng khiếp về sự bất trung và, theo cách của các ngài, cho thấy được lòng thương xót và tình yêu vô bờ bến, đầy khoan dung của Đấng Cứu Độ dành cho nhân loại chúng ta : thánh nữ Mađalêna, người nữ tội nhân mà Cha Foucauld thiết tha sùng mộ, có thể cả thánh Phaolô, và dĩ nhiên cả thánh Augustin nữa…
 
         “Tôi đã sống mười bảy năm một cách hết sức ích kỷ, hoàn toàn vô đạo, chỉ muốn điều xấu xa; tôi đã  điên loạn.”


          Người ta như thể nghe thấy những lời quở trách kịch liệt của các ngôn sứ chống lại dân Israel và sự bất trung của họ đã trở nên nặng nề do sự mù quáng sâu sắc của kẻ quay lưng lại với Thiên Chúa :

         “Khi sống tồi tệ hơn, em cứ đinh ninh việc đó dứt khoát là đúng mực và cuộc sống của em là hoàn hảo.” (viết cho bà Marie de Bondy, ngày 04.12.1895).

          Sự tương đồng thật ấn tượng với kinh nghiệm của Israel, nổi loạn và  bất mãn, ngày một suy đồi, cuối cùng là bất hạnh : “Con làm điều xấu xa, nhưng lại không tán thành, cũng chẳng thích nó…Ngài làm cho con cảm thấy một sự trống rỗng đau đớn, một nỗi buồn phiền mà mãi cho đến lúc bấy giờ con mới cảm nghiệm được.”

         Thời gian thử thách đến. Cuộc đời Charles de Foucauld rõ ràng là một thu ngắn toàn bộ lịch sử Israel ! Nhiều biến cố quan phòng dẫn đến việc thanh luyện tâm hồn, giải phóng khỏi tình trạng nô lệ thế gian và xác thịt, và cuối cùng là đến với việc tìm kiếm Thiên Chúa. Giai đoạn này tương ứng với giai đoạn trong Cựu Ước diễn ra từ Cuộc Lưu Đày cho đến thời Đức Kitô. Thiên Chúa chờ đợi kẻ bất trung quay về : “Đừng đánh thức, đừng thức tỉnh nàng trước khi nàng muốn thức dậy ! (Dc.2,7)

           Điệp khúc ấy trong sách Diệu Ca cho thấy Israel chậm hoán cải, bất hạnh, bị hạ bệ, nhục nhã, bị tước hết mọi thứ :

          “Tôi bắt đầu đi nhà thờ, mà chẳng tin tưởng gì, chỉ nhận ra mình có mặt ở đấy và trải qua hàng giờ để lập đi lặp lại lời cầu nguyện kỳ dị này : “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, xin hãy làm cho con nhận biết Chúa.”

          Niềm hy vọng thức tỉnh ấy, tiềm tàng nơi những người Israel đáng thương, được các Thánh Vịnh thốt lên đầy van vỉ từ lúc rời khỏi chốn lưu đày và thời đại Ba tư, đã được thực hiện dưới sự thôi thúc bí ẩn của tình yêu, và sẽ sớm xuất hiện đức tin, đầy đủ và hoàn hảo, nghĩa là có thêm cả đức cậy và đức mến : nó đã đâm chồi trong những nơi sâu thẳm của linh hồn. Bông hoa ấy sẽ bất ngờ xuất hiện dưới tia nắng mặt trời hồng ân, chứng minh cho lời thánh Augustinô : “Con sẽ chẳng tìm kiếm Ta nếu con chưa từng gặp Ta.”

          Charles de Foucauld đã gặp được vị Thiên Chúa mà Anh tìm kiếm thông qua tình yêu hết sức tinh khôi và cao cả, rất chăm chút ân cần và đầy lòng trắc ẩn, của người chị họ là bà Marie de Bondy, của bà dì Moitessier, dẫn Anh đến với Cha Huvelin. Thế là, giống như một cơn băng tan : một cách đột ngột, qua bàn tay linh mục, ngày 29 hoặc 30.10.1886, Charles de Foucauld xưng tội và rước lễ. Anh đã 28 tuổi, tuổi Đức Giêsu bước xuống sông Giođan để nhận phép rửa từ tay Gioan. Với Anh, đó là một cuộc khai sinh, như một nhập thể mới. Cùng với Đức Giêsu, Anh thưa cùng Chúa Cha : Ecce venio, ut faciam voluntatem tuam, “Này con xin đến để thực thi ý Chúa.”

          Một sự sống mới, khởi nguồn từ Thiên Chúa, đang bắt đầu. 

NGHE THEO LỜI DẠY DỖ

          Đừng tưởng rằng hồng ân, được ban cho Charles de Foucauld từ lúc Anh chịu phép Rửa và tìm gặp lại được sau khi Anh hoán cải, sẽ có thể giải phóng Anh khỏi mọi qui luật luân lý, khỏi mọi hình thức khổ hạnh của đời sống, khỏi phải vâng phục. Chúa đã khẳng định Người không đến để bãi bỏ một chấm một phết của Lề Luật, nhưng trái lại, để hoàn thiện, nghĩa là đưa ra một nguyên tắc mới cho việc vâng phục Lề Luật. Chính vì thế mà Hài Đồng Giêsu “được sinh ra bởi một Người Nữ, sinh ra dưới Lề Luật”, như thánh Phaolô nói, được dạy Luật Môsê, được kiên định trong thực hành bằng tình yêu, lòng tôn kính và sự vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria.

          ĐHY Joseph Ratzinger viết: “Người đã làm một trẻ nhỏLàm trẻ nhỏ nghĩa là gì ? Trước hết, nghĩa là : tuân phục, luỵ thuộc, thiếu thốn, phó thác vào tay người khác. Là người con, Đức Giêsu không chỉ đến từ Thiên Chúa, mà còn đến từ những con người khác. Người được sinh ra trong cung lòng một người nữ mà từ đó Người nhận lấy xác thịt và máu huyết, nhận lấy những nhịp đập của trái tim, những hành vi cử chỉ và lời ăn tiếng nói. Người đã nhận sự sống từ sự sống của một con người khác.

           “Rút ra từ các bản thể khác những gì thuộc riêng họ, thì không chỉ hoàn toàn về mặt sinh học. Điều này có nghĩa là Đức Giêsu còn nhận lấy những hình thức tư duy và những quan niệm của những kẻ đã hiện hữu trước Người và cuối cùng là Mẹ Người, và linh hồn con người của Người đã thấm nhuần. Điều đó có nghĩa là, với việc kế thừa từ các tổ phụ của mình, Người đã đi lại toàn bộ con đường đã được đi qua cho đến lúc bấy giờ và, từ Đức Maria quay lên lại cho đến Abraham và cuối cùng là Adam. Người đã vác lấy gánh nặng của lịch sử này, đã sống và chịu đựng nó để biến đổi tất cả mọi từ khước, mọi chệch hướng thành một lời thưa vâng trọn nghĩa : “Vì Ðức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có” (2Cr. 1,19)” (Joseph Ratzinger, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Fayard, 1977, tr. 70-71)

          Georges de Nantes không dạy chúng ta điều gì khác hơn trong cuộc tĩnh tâm cho cộng đoàn vào mùa thu 1976 :

         “Điều cốt thiết trong đức tin công giáo của chúng ta, trước hết, Đức Giêsu là một người con chịu luỵ, vâng phục, lặng lẽ ở Nazareth. Người cũng đã thực sự bước vào “truyền thống” của con người và tôn giáo hết sức thánh thiện của nhân loại, mà ở đó, cuối cùng, đến một ngày, Người sẽ biến đổi tất cả. Cũng một cách ấy, Charles de Foucauld cần phải học tập và chịu luỵ những con người của Hội Thánh mà chắc chắn sau này Anh sẽ vượt lên, nhưng do chính lòng hăng say ban đầu, do ơn gọi độc đáo của Anh.

           “Sự chịu luỵ ấy sẽ minh chứng ơn gọi của Anh không đi ngược lại, mà là đi xa hơn. Cha Foucauld không phải là một nhà cách mạng, không làm nhiều hơn Đức Kitô. Ơn gọi của Anh không có gì đi ngược lại luật dòng Xitô, như đôi khi người ta có nói, mà xuyên qua luật ấy, và đi xa hơn; và các đan sĩ Xitô là những người đầu tiên nói lên điều đó một cách bình thản bởi vì chính họ biết rõ tất cả sự quý chuộng mà Anh dành cho Luật ấy.”

           Charles de Foucauld sau khi được hoán cải, trở nên giống như Hài Nhi Giêsu, chỉ nghĩ đến việc chịu luỵ :

         “Ai cũng biết thành quả đầu tiên của tình yêu chính là sự bắt chước; vì thế, chỉ còn việc vào Dòng nơi đó tôi sẽ tìm ra cách bắt chước Chúa Giêsu chính xác nhất.” (thư gửi cho ông Henri de Castries, ngày14.8.1901).

          Anh bắt đầu bằng việc chấp nhận hy sinh lớn nhất có thể, khi ra đi để sống và chết thật xa gia đình. Ngày 15.01.1890, ở tuổi ba mươi hai, Anh lên đường và ngày hôm sau Anh đến đan viện Đức Bà Xuống Tuyết. Mười ngày sau, Anh nhận tu phục và tên dòng là tên của vị sáng lập thứ hai Dòng Xitô là Albéric. Charles de Foucauld trở thành tu sĩ Marie-Albéric. Sau đó Anh đến Syrie, nơi mà các đan sĩ Dòng Trappe Đức Bà Xuống Tuyết, vào năm 1882, đã xây dựng một đan viện mới để trú ẩn trong trường hợp các luật lệ gian hùng buộc họ phải rời nước Pháp. Anh ở lại đấy cho đến 1897, trong sự vâng phục các bề trên, tuân thủ Luật Dòng hết sức khắc khổ và hoàn thiện của các đan sĩ Xitô.

        Anh viết:  “Hãy chia vui với emvì cuộc sống mới này, cuộc sống hoàn toàn hy sinh để luôn đồng hành với Đấng mà cuộc sống dưới thế này chỉ là những hy sinh.” (thư gửi cho bà Marie de Bondy, ngày 20.09.1890)

         Người ta có thể nói về Anh như  nói về Con Trẻ Giêsu : “Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” (Lc. 2,40)

         “Em liên lỉ, tuyệt đối liên lỉ, ở với Người và với những người em yêu mến. Công việc chân tay không cản trở em suy niệm, đó là một niềm an ủi nhờ được nên giống Chúa chúng ta, và suy niệm không ngừng.”

          Anh đọc các Thánh Vịnh, học hỏi giáo lý, đọc hạnh thánh Bernard và Kinh Thánh. Cùng một cách như “Đức Maria ghi nhớ tất cả những kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc. 2,19), đến độ các bề trên của thầy Marie-Albéric tự hỏi thầy sẽ trở nên thế nào : có thể là một thánh Bernard mới chăng ? “Thầy ấy đơn sơ đến hoàn hảo và luôn đặt mình vào chỗ rốt hết. Thầy rèn luyện mình trong mọi việc, ngay cả để làm cho bị lãng quên, thậm chí có đi ngang qua cũng chẳng để ai nhìn thấy”, René Bazin viết như vậy sau khi nhận được lời tâm sự của một đan sĩ lúc ấy : “Thầy Albéric không bao giờ từ chối ai một việc gì; thầy ấy tuyệt vời như một Phanxicô Khó Khăn thứ hai !”

          Cha viện trưởng đan viện tại Akbès nói : “Với chúng tôi, Thầy Albéric giống như một thiên thần đang ở giữa chúng tôi.” 

NHỮNG ĐAU ĐỚN CỦA LẦN TÁI SINH

          Chúa Giêsu vĩ  đại hơn Thánh Giuse và Mẹ Maria. Sẽ đến một ngày Người giải phóng mình khỏi lề luật của các ngài. Hay đúng hơn : Người vẫn chịu luỵ các ngài, nhưng trong một ánh sáng cao cả hơn. Đó là lời giải thích cho việc Chúa Giêsu trốn ở lại Giêrusalem lúc lên mười hai tuổi, và giải thích cho mạc khải đầy đau đớn mà Người phải tỏ ra với Cha Mẹ thánh thiện của Người, về lễ thánh hiến cao cả nhất dâng lên Chúa Cha vì Tin Mừng mới : “Cha mẹ không biết là con phải ở nhà Cha con sao ?”

          Đó là biến cố Tin Mừng được đưa ra để giải thích câu chuyện về những buổi suy niệm lâu dài, cởi mở với các bề trên, tiến trình lặp đi lặp lại, những học hỏi, những bức thư đầy đau đớn của thầy Albéric gửi cho cha Huvelin khi đến lúc phải dấn thân bằng những lời khấn trọng thể trong Dòng Xitô.
    
          Hoàn toàn phó thác, trong một hành vi anh hùng vâng phục quyết định của Cha Tổng Quyền, sau khi đã cởi mở hết tâm can với ngài, Anh được giải lời khấn tạm vào ngày 23.01.1897, và có thể đáp lại ơn gọi của riêng mình bằng cách rời Dòng Trappe.

          Anh cẩn thận ghi lại hôm đó là ngày lễ đính hôn của Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria, hôm trước ngày lễ Thánh Gia. 
 
SỰ PHONG PHÚ CỦA NAZARETH      

         Charles de Foucauld tốt lành và khiêm tốn được tự do đến với Giêsu, không dừng lại vì bất cứ một luật lệ nào ngoài luật Tin Mừng. Anh được tự do tìm kiếm cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu, và như Anh vẫn thường nói, là được ở sát bên Người, bên chân Thánh Cả Giuse và Đức Thánh Trinh Nữ. Bằng sự hăng hái của người mới hoán cải, Anh lao mình vào ơn gọi mới bằng tình yêu, thờ phượng, thinh lặng, bằng công việc tay chân, sự hèn mọn. Vậy vẫn chưa đủ; Anh sẽ luôn đi xa hơn trong việc tôn thờ sự hiện diện của Chúa Chí Ái.

            Lúc đó anh được hoàn toàn tự do biểu lộ lòng sùng mộ đối với Thánh Tâm, bày tỏ tâm tình, khỏa lấp cả đời sống anh. Anh yêu mến Đấng đã yêu mến Anh vô bờ bến, Anh tìm cách để trở nên giống Người và làm hài lòng Người. Và vì Đức Giêsu ấy đang ở bên Anh, trong Thánh Thể, nên Anh tự tiêu hao mình trước mặt Người, có thể nói là ngày cũng như đêm, trong một giáp mặt ngọt ngào.

           Đó  thực sự là đời sống hoàn toàn ẩn giấu trong Thiên Chúa, trong sự mật thiết của Thánh Gia Thất. Đồng thời, một ý tưởng dẫn dắt Anh là : làm sống lại thân phận nghèo khổ và thân tình từ tất cả những gì đã từng là thân phận của Chúa Giêsu tại Nazareth, mà Anh đã hoài công tìm kiếm trong Hội Thánh dưới triều Đức Lêô XIII.

          Ta hãy dừng lại một lúc. Hãy nhìn xem Đức Thánh Trinh Nữ và Thánh Cả Giuse, phu quân của Mẹ, trong ngôi nhà của các ngài ở Nazareth, trong lúc chờ sinh Đức Giêsu, hoặc ít lâu sau đó, và hãy cùng với Charles de Foucauld thinh lặng chiêm ngưỡng các ngài. Để nói như Đức Benêđictô XVI, đang hiện hữu “những cội rễ” của Hội Thánh, “được ẩn giấu trong bầu khí Nazareth”.

           Rõ ràng là do trực giác, Charles de Foucauld đang kiếm tìm sự giống nhau hoàn hảo với sự nghèo khó, bé mọn, thấp hèn – theo kiểu nói của Anh – chứ không phải “sự giảm giá”, như báo La Croix chú thích ! Không phải vậy! nhưng ích gì mà phải bút chiến. Như Cha Tổng Quyền của chúng ta đã nói, nếu chúng ta cùng với Charles de Foucauld không chỉ tìm kiếm sự giống nhau hoàn toàn với sự nghèo khó, bé mọn, thấp hèn ấy của đời sống Nazareth, mà còn tìm cả sự tinh tế, lòng sùng mộ, sự bẽn lẽn, đức chính trực của những người công chính mà chúng ta gặp ở đấy, thì bấy giờ mọi cuộc luận chiến sẽ chấm dứt. Mọi tranh luận đều chấm dứt cách đơn giản nếu chúng ta gắn bó với việc chiêm ngưỡng nhân tính tuyệt diệu kia và sự thánh thiện bừng nở thời kỳ ấy ở Nazareth, ở Aïn-Karim và những nơi khác, như những bông hoa đồng nội. Và từ đó tâm hồn chúng ta được thanh luyện khỏi nọc độc của thói tự cao tự đại có xu hướng ngày càng gia tăng cho rằng điều gì mới lạ thì tốt hơn, còn điều gì xưa cũ là sai lạc và không thích hợp.

          “Tuy nhiên đó là trước thời kỳ vàng son của các Giáo Phụ - Cha Tổng Quyền lưu ý - trước lúc phát triển đời sống đan tu theo thánh Bênêđictô, trước thế kỷ XIII tuyệt vời của chúng ta, trước khi con người trở nên tinh tế hơn, trước khi lý luận kinh điển và các khoa học bùng phát, trước cả “thế giới hiện đại” của chúng ta, trước những linh đạo mới và hoạt động tông đồ của chúng ta nữa.

         “Chúng ta hết sức thán phục sản phẩm của nền văn minh chúng ta ! Hãy biết rằng, trước nền văn minh ấy, ngoài Kitô giáo ra, đã từng có một sự hoàn thiện vượt trên mọi sự hoàn thiện tại một ngôi làng khiêm tốn ở Galilêa.

         “Văn minh ấy không đọc được Chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, không biết hát những bài bình ca, chẳng biết được chút nào về những gì xảy đến sau này.”

        Tiếp đến, Cha Tổng Quyền so sánh “những bông huệ ngoài đồng”, Giêsu, Maria, Giuse, với con người được mô tả trong các bài thơ của Homère, những nhân chứng về một sự thanh tao hiếm có, một sự lịch thiệp, một khu xử đáng khâm phục nhưng vẫn không bằng những gì chúng ta chiêm ngưỡng ở Nazareth, trong một sự hoàn hảo siêu nhiên.

         Đó là trước khi có chúng ta, trước các thế kỷ của thời đại chúng ta ngày nay : “Ab initio et ante saecula creata sum…”, Đức Maria nói trong phụng vụ. “Ngay từ khởi thuỷ và trước khi có thế gian, con đã được tạo thành.”. Như vậy, Đức Trinh Nữ có mặt từ lúc mọi sự bắt đầu, trong một sự hoàn hảo siêu việt, trước cả những người có mặt chung quanh Mẹ, thánh Giuse, các Tông Đồ, trước cả những người được dự phần vào sự hoàn thiện do Thần Khí tác thành trong cả thời kỳ Cựu Ước, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
 
        “Vậy phải quay ngược mũi tên của tiến trình không thể đảo ngược ấy, quay trở lại với chế độ cổ xưa, cổ xưa hơn cả Chế Độ Cổ Đại của nước Pháp và thời Trung Cổ, để tìm thấy sự hoàn thiện mà chúng ta bái phục cùng với Anh Charles Chúa Giêsu. Như vậy, Đức Trinh Nữ là Nicéphore 1; Mẹ đạp giập đầu Con Rắn, là người thắng trận trong trào lưu tiến bộ. Ai là người chiến thắng trên hệ tư tưởng khó cưỡng được trong thế giới hiện nay ? Chính là bông hoa bé nhỏ xuất hiện trong một khu vườn ở Galilê mà mùi hương khôn sánh ướp thơm cho nhân loại”, và lôi cuốn từ 5 đến 6 ngàn khách hành hương mỗi ngày đến với nguyện đường Ảnh Vảy hay làm phép lạ, ở Paris ! Hương thơm của bông hoa ấy xua tan mọi chướng khí của thế giới hiện đại.

         Ai yêu mến Đức Maria, thì không thể còn tin vào những mơ mộng kiêu căng cho rằng sự tiến bộ của con người là cần thiết, không thể cưỡng lại và độc nhất vô nhị nữa. Anh Charles Chúa Giêsu đã hiểu ra điều đó. Tư tưởng dẫn dắt Anh là hãy làm cho sống lại thân phận người con của Đức Maria, trong thân phận nghèo khổ và thân hữu với hết mọi người, thân phận “người anh em đại đồng” nguyên là thân phận của Đức Giêsu ở Nazareth : Con làm việc vì Chúa, Ôi Giêsu, trước mặt Chúa, cùng với Chúa, ở giữa Chúa và Mẹ Maria cùng với Thánh Giuse, con không ngừng nhìn Chúa, chiêm ngưỡng Chúa, tôn thờ Chúa.”

         Thiên Chúa không thay đổi, con người không thay đổi và các tạo vật hoàn hảo không nằm trong diễn tiến sinh học hoặc xã hội học của vũ trụ, nhưng nằm trong sự sung mãn của các thời đại Tin Mừng, tự bao đời nay ! 

II/. ƠN CỨU ĐỘ CÁC LINH HỒN

         “Con được giao nhiệm vụ thét lớn Tin Mừng trên mái nhà, không phải bằng lời nói, mà là bằng cuộc sống của con.” Một đời sống tôn thờ và yêu mến Đức Giêsu, tại Béni-Abbès nơi mà Anh đến vào ngày 28.10.1901, được đại uý Regnault, tư lệnh vùng, cùng các sĩ quan của ông ta tiếp đón. Mọi người cùng tham dự Thánh Lễ đầu tiên do Anh cử hành vào ngày 01.11.

          Điều gì đã đưa Anh đến đấy ? - Cha Tổng Quyền chúng ta tự hỏi trong kỳ tĩnh tâm “sáng lập” vào năm 1964, kỳ tĩnh tâm đầu tiên của chúng ta tại cộng đoàn Thánh Giuse, một năm sau ngày thành lập - Đó chính là việc bắt chước Chúa Giêsu và luôn mãi là như vậy, nhưng qua tác vụ linh mục của Anh. Một việc bắt chước dứt khoát đưa Charles đến với sự bé mọn, thấp hèn, nhưng qua đó mà Chúa Giêsu càng là Đấng Cứu Độ hơn. Sau cuộc sống ẩn dật ở Nadaret, Trái Tim Chúa Giêsu hoàn toàn được tỏ lộ trong việc thiết lập Thánh Thể, trên Thập Giá và trong Hy Tế trên bàn thờ.

           Khi rời Dòng Trappe, Charles de Foucauld muốn tránh tác vụ linh mục và những bổn phận mà các bề trên chuẩn bị cho Anh. Anh muốn mình chẳng là gì cả, không là gì ngoài sự thấp hèn vô hạn, “thấp hèn” giống như Chúa Giêsu ở Nadaret, hoàn toàn dành chỗ cho sự hoàn thiện tột cùng vì tình yêu Thiên Chúa dư tràn chan chứa trong việc tôn thờ không ngơi, trong một công việc tay chân của những kẻ hèn kém nhất, trong một nghèo khó anh hùng. Chức linh mục không nằm trong suy nghĩ của Anh.

            Nhưng giờ của Chúa đã điểm, đủ để cho Anh nhớ rằng Đức Giêsu là linh mục và việc bắt chước Người phải được hoàn thiện hơn khi chính mình cũng là linh mục để, ngay lập tức, mọi trở ngại tan biến hết. Bấy giờ Anh nghĩ hẳn là mình sẽ được hoàn thiện hơn và điều quan trọng là hãy trở thành linh mục để mang ơn cứu độ đến cho các linh hồn : Anh muốn “bằng lễ dâng Hy Tế và thực hành các nhân đức Tin Mừng, mà cộng tác vào ơn cứu độ.”

         Luật dành cho các ẩn sĩ Thánh Tâm được Anh soạn lúc bấy giờ, có thể nói được là đánh dấu việc Anh bước vào đời sống hoạt động của những người thợ theo Tin Mừng, như Anh nói sau này. Nhưng xin lưu ý ! Đó không giống như việc Đức Giêsu bước vào đời sống công khai, không ! Chính Đức Giêsu sẽ bước vào đời sống công khai nhờ tác vụ rất mờ nhạt, không ai biết đến của Charles de Foucauld. Chính Chúa Giêsu linh mục sẽ hành động nhờ đôi tay thừa tác viên hết sức khiêm hạ của Người; và thừa tác viên ấy sẽ bằng lòng sống ẩn dật, chỉ muốn trở nên khí cụ vô danh và thấp kém của công việc huyền nhiệm vì hy lễ và sự toả sáng của Đức Giêsu. Đó là đời sống công khai của Đức Giêsu, nhưng qua cuộc sống ẩn dật của người tôi tớ của Người. Trong thời gian lâu dài ở tại Béni-Abbès, Anh luôn sống trong sự cô tịch, đắm mình vào việc chiêm niệm dưới chân Chúa Giêsu. Anh làm linh mục để có thể giúp Chúa Giêsu làm đầy chức tư tế vương đế vốn thuộc về Người, và toả sáng trên những miền đất vô đạo, những vùng đất bị bỏ rơi nhất, bởi Hy Tế trên bàn thờ, bởi sự hiện diện của Người trong Nhà Tạm…

         Chúng ta đang ở xa anh Xavier Habig, người được xem là người kế tục Anh ở Béni-Abbès hôm nay và đã từng tuyên bố : “Chúng tôi được tiếp đón trong nghi lễ Hồi giáo và có một hiệp thông sâu sắc. Thật điên rồ những gì tôi nhận được từ nơi họ. Chính họ lại rao giảng Tin Mừng cho chúng tôi.” (Báo La Croix, ngày 28.07.2005) !

         Do đó mà Charles de Foucauld cũng đã từng bị  lôi cuốn vào cơn khát khao ơn cứu độ cho các linh hồn mà Anh nhận ra trong Trái Tim Chúa Giêsu và lan sang trái tim Anh : “Ơn cứu độ các linh hồn là cuộc sống của chúng ta dưới thế gian này, cũng như cuộc sống của Chúa Giêsu “Đấng cứu Độ” ngày xưa. (Thư viết cho Đức Cha Guérin ngày 30.06.1903.

        Anh nhấn mạnh chữ  Đấng Cứu Độ, khi khám phá đời sống của Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ của các linh hồn đã bị hư mất, và Anh sẽ nỗ lực để bắt chước Chúa Giêsu cả trong việc này nữa.

          Và  trước hết, muốn làm cho Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể  hiển trị , chính Anh đã phải làm cho đức ái, tính hiền lành, sự tận tuỵ với hết mọi người, lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu xuất hiện trong cả cuộc đời mình. Anh thành công đến độ có đông người tìm đến, như trong Tin Mừng. Nhà nguyện, các căn buồng và bệnh xá do quân đội xây cho Anh bằng gạch đất sét phơi khô nhanh chóng đầy người lui tới. Đó không còn là một nơi ẩn tu nữa mà là một tổ ong, được những người cư ngụ đặt tên là“nhà huynh đệ”. Anh viết   : “Hằng ngày, có khoảng sáu mươi đến một trăm người đến thăm tôi”. Nào là kẻ ăn xin, người đau yếu, người nô lệ. Anh muốn là linh mục dâng Thánh Lễ, chưng bày Mình Thánh Chúa và sau đó lẩn mình vào giữa các tín hữu để cùng tôn thờ, nhưng khu ẩn cư của Anh lại biến thành nơi công cộng. Tất cả sự cùng quẫn của con người bày ra hết tại nơi Anh ở. Trong khi Chúa Giêsu vẫn thinh lặng, toả sáng một cách huyền nhiệm nơi Thánh Thể, thì chính Anh phải là công cụ kín ẩn của Người, nhưng Anh cũng là linh mục, người đại diện sống động, phát biểu nhân danh Chúa Giêsu, là hiện thân của lòng bác ái và sự tận tuỵ vô bờ bến của Người.

            Một cách âm thầm, người tôi tớ sẽ thấm nhuần đòi hỏi ấy và tự trao ban chính mình. Anh muốn trao ban Đức Giêsu, Anh cảm thấy bị lôi kéo phải cho đi chính mình và không phải là không có sự giằng co : Anh thấy mình quá bận rộn, quá bị tiêu hao vì đức ái huynh đệ. Nhưng chính điều cuối cùng này khuất phục được Anh. Vì thế, Anh sẽ làm cho mình trở thành người cứu độ, theo gương Chúa Giêsu, và Mầu nhiệm Thánh Thể, thay vì trước hết là mầu nhiệm để tôn kính, lại trở nên mầu nhiệm về cuộc đời Anh, dâng hiến, chịu sát tế, tự hiến cho mọi người vì tình yêu.
Dần dà Anh đi vào hoạt động của đời sống tông đồ, như các Tông Đồ đã làm trong suốt cuộc đời công khai của Chúa, và cuối cùng Anh được Laperrine “thả vào Hoggar”. Anh rời Béni-Abbès ngày 03.05.1905 và, sau ba tháng hành trình, Anh viết :
 
          “Tôi chọn Tamanrasset, ngôi làng với hai mươi hai nóc nhà nằm trong vùng núi, giữa lòng Hoggar, xa cách mọi trung tâm quan trọng. Có vẻ như không bao giờ phải cần đến đơn vị trú phòng, điện tín, kể cả người châu Âu và còn lâu mới có người đến truyền giáo. Tôi bán mấy con lạc đà của mình, dựng một căn lều, đặt Mình Thánh Chúa trong đó. Tôi sẽ làm một ngôi nhà hết sức nhỏ, hai phòng mỗi phòng hai mét vuông, một để làm nhà nguyện, một còn lại làm buồng riêng.”


         Anh có một khu vườn, những con dê, và nhận sự giúp đỡ của người Touareg. Bất chấp tình hình bất an của khu vực ít lâu sau khi nằm dưới sự thống trị của người Pháp, Anh cứ thực hiện những cuộc đi thăm các ngôi làng và những trại tạm trú vùng lân cận. 

ĐAN SĨ TRUYỀN GIÁO
 
           Từ lâu, hai từ ngữ ấy đối với Anh có vẻ  đối nghịch nhau. Anh nói ra điều đó vào năm 1905, khi Anh đến định cư tại Tamanrasset, và còn nhắc lại vào năm 1907, trong lúc tự lý luận : “Mình là đan sĩ, chứ không phải là nhà truyền giáo, mình làm việc bằng sự thinh lặng, chứ không phải bằng lời nói”. Nhưng tác vụ của Chúa Giêsu - Thánh Thể thầm lặng thôi thúc Anh phải nói về Người và do đó, anh phải làm hồi sinh đời sống Chúa Giêsu theo Tin Mừng. Thay vì chỉ mang Chúa Giêsu trong Hình Bánh, cùng với Người trở thành tấm bánh được hiến dâng, bị sát tế và cho đi, và vì vậy Anh trở thành “một Đức Kitô khác”.

           Ngày lại ngày, miệt mài cử hành các Mầu Nhiệm Thánh, vị linh mục và các linh hồn tận hiến tham dự vào đó với tình yêu, gắn bó với Chúa, nhận ra mình được kêu gọi noi theo những gì mình cử hành: “ Imitamini quod tractatis – Hãy noi theo việc con làm”.
Chúng ta thấy lời khuyên bảo ấy khi Đức Giám Mục phong chức linh mục thể hiện nơi Cha Foucauld, bên ngoài, do hoàn cảnh, do những yêu cầu của các bề trên, và tiếng gọi của các linh hồn, còn bên trong, do lòng bác ái của Đức Kitô. Anh không nói ra được hết, nhưng Chúa Thánh Thần thúc đẩy Anh.

         Anh viết : “Con thấy tất cả những gì không phải là lòng đơn sơ tôn thờ Đấng Chí Ái thì cũng bằng không, cũng như đôi tay con buông thõng ngay sau khi rời khỏi chân Nhà Tạm.” ( Thư gửi Cha Huvelin, ngày 10.06.1903)

          Anh không hề đề cao bản thân hoặc giá trị  tông đồ của mình. Anh chỉ có một suy nghĩ : trở lại Béni-Abbès hoặc, khi đang ở Tamanrasset, lánh mình vào một nơi cô tịch để được ở bên chân Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu là tông đồ và nhà truyền giáo duy nhất thực hiện qua tay Anh.

          Nhưng đồng thời, qua thư gửi Đức Cha Guérin, Anh để lộ cho thấy ngọn lửa tông đồ đang thiêu đốt tâm hồn anh :
 “Con thật đáng thương vô cùng, tuy đã hoài công tìm kiếm song trong con chỉ có một ước ao duy nhất là : Nước Cha trị  đến !... Danh Cha cả sáng ! Đức Cha hỏi con có sẵn sàng rời Béni-Abbès để quảng bá Tin Mừng hay không: thưa con sẵn sàng đi đến tận cùng thế giới và sống cho đến ngày Phán Xét để làm việc đó.”

        Thật là tương phản ! Cùng một mâu thuẫn như thế xâm chiếm Trái Tim Chúa Giêsu, thức suốt đêm để cầu nguyện, hoàn toàn đắm chìm trong chiêm ngắm, trong sự kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng chính Ý Định của Thiên Chúa thôi thúc Người hành động và bước vào cuộc sống công khai. Anh Charles de Foucauld cũng vậy, từ năm 1903, năm Anh chọn lựa tiến vào giữa sa mạc, ngay cả việc phải trả cái giá đắt nhất dành cho linh hồn Anh vốn khát khao tôn thờ Thánh Thể, cái giá phải chịu để mất đi những ngọt ngào của sự Hiện Diện bên chân Đấng Chí Ái trong cô tịch và thinh lặng, thậm chí phải trả giá bằng việc không được cử hành Thánh Lễ và rước lễ.

           Anh đã đồng ý làm linh mục bởi vì không gì hiệu quả đối với phần rỗi các linh hồn cho bằng Hy Tế Thánh của Thánh lễ. Bấy giờ Anh được Thánh Thần thúc đẩy tiến lên, được mời gọi bước đi ngay giữa xứ sở những người Touareg, ở đó Anh không thể cử hành, do thiếu người giúp lễ. Trong khi đó, Anh là người đặt Hy Tế của Chúa Giêsu lên trên hết ! Nhưng vì nhu cầu của các linh hồn đòi buộc, anh hy sinh. Và anh không ngừng tự nhủ mình chẳng là gì cả, không một giây nghĩ rằng hoạt động của mình giá trị hơn hoạt động cứu chuộc của Đức Kitô trong Thánh Lễ, anh đạt tới sự sung mãn của đời sống truyền giáo. Anh viết: “Vâng phục là thước đo tình yêu”. Không chỉ vâng phục, mà còn chấp nhận cả những khó khăn, những nỗi nhọc nhằn, hiểm hoạ và cái chết nữa.

          Hàng ngàn tiếng nói kêu gọi Anh sống như thế như là một sự bắt chước Đức Giêsu cách hoàn hảo hơn. Theo tiếng gọi tình yêu, Anh tiến lên phía trước. Tại Tamanrasset, Anh làm việc miệt mài để biên soạn một cuốn tự điển Pháp-Touareg, thu thập và dịch thuật các bài thơ. Anh sống tiết độ, tự muốn trở nên “bé mọn và dễ gần”, hết sức bé mọn, hết sức nghèo khó đến nỗi ăn uống rất qua quít, không tự chăm sóc sức khoẻ và, mắc chứng scorbut, nhiều lần cận kề với cái chết.

           Tuy nhiên, do hoàn toàn đắm sâu vào sự khiêm hạ, lệ thuộc vào sự tôn thờ, chiêm niệm và chú tâm vào Chúa Giêsu-Thánh Thể như thế, nên đời sống truyền giáo ấy hoàn toàn là đặc sủng. Đó không phải là một chức phận, nhưng là một hồng ân dư tràn, một góp phần nguyên tuyền vào Nhân Tính thánh thiện của Đức Kitô và Thánh Thể của Người. Anh Charles chỉ muốn một điều : tan biến, không là gì cả, chẳng làm gì hết, mà chỉ để Chúa Giêsu hành động. Và Chúa Giêsu hành động…bằng cách thúc đẩy Anh đem Tin Mừng cứu độ đến cho người khác : “Chính chức tư tế thần bí của linh hồn trung tín mới tự hiến và dâng Chúa Giêsu cho tất cả mọi ý định của Đấng Cứu Độ thần linh […] và, như Chúa Giêsu, suốt đời xả thân đem ơn cứu độ đến cho mọi người.” (Thư gửi Joseph Hours, 01.10.1916).

            Anh chấp nhận ơn gọi truyền giáo ấy như một thập giá. Anh viết: “Hãy đi con đường hẹp, đó chính là thập giá Đức Giêsu Nazareth”.
          “Để Trái Tim Chúa Giêsu sống trong con, để không còn là con sống, nhưng Trái Tim Chúa Giêsu sống trong con, như Người đã từng sống ở Nazareth.” (Thư gửi Đức Cha Guérin, ngày 02.07.1907)
           “Không ngừng đọc đi đọc lại Tin Mừng để luôn có trong tâm trí những hành vi, lời nói, tư tưởng của Chúa Giêsu, để suy nghĩ, nói năng và hành động như Chúa Giêsu.” (Thư gửi Joseph Hours, ngày 03.05.1912)

           Như  vậy, trước hết là chìm đắm trong sự hiện diện của Chúa Giêsu, sau đó Anh Charles, thừa tác viên rất mực khiêm hạ của Vị Linh Mục Tối Cao và Hy Tế, mới hoàn toàn đạt đến sự hiệp thông đồng công cứu chuộc và tham gia vào công việc tông đồ của Chúa Giêsu. Anh góp thêm được một chút nhân tính vào với Người. Đó là thời của Công Vụ Các Tông Đồ. Ở Tamanrasset, Assekrem và trong những chuyến đi xa cùng với người Touareg, ở giữa họ, xa Chúa Giêsu và không có sự hiện diện của Người trong Thánh Thể, trong sự tự lập hoàn toàn như các Tông Đồ đã trải qua sau khi Chúa Giêsu ra đi. Người đã vượt qua cái chết, sự Phục Sinh và Thăng Thiên. Khi Chúa Giêsu về Trời, các Tông Đồ tự thấy mình không bị bỏ mặc, nhưng đầy Thánh Thần sau ngày Hiện Xuống, để hoạt động như Chúa Giêsu, để làm những công việc mà Chúa Giêsu đã làm xưa, để nói nhân danh Người.

         Trong những năm tháng cuối đời, Anh Charles de Foucauld đã đạt tới thời điểm của các Tông Đồ xưa. Ngay cả mối bận tâm hy sinh tự xóa mình trước ý nghĩ duy nhất là chỉ thực thi ý Đấng Chí Ái, cùng chung ý định với Đấng Chí Ái, cũng chỉ để trở thành một dụng cụ cho Nhân Tính cứu chuộc kết hợp với thiên tính của Người. Như vậy, thật thánh thiện biết bao !

        Người ta bảo gần như Anh đã bị “ thế tục hoá” ! Và có lẽ đúng vì anh nói năng, yêu mến, tận tuỵ, hy sinh trọn vẹn, để cho người ta ăn mỗi ngày như Đức Giêsu trong Tin Mừng. Người ta đã thoát ra khỏi mọi nghi lễ; có vẻ như người ta đã vượt quá chúng bởi vì như có một cuộc nhập thể mới của Đức Kitô trong sự thánh thiện hoàn hảo, trong đó trái tim của người tông đồ trở nên một với Trái Tim Đức Kitô. Bản thể của người tông đồ hoàn toàn được hiến sinh, hoàn toàn được sát tế, đã được phục sinh cùng với Đức Giêsu Kitô : Una cum Christo hostia, cor unum“ trở nên một lễ vật,  một trái tim với Chúa Kitô ”. 

III/. TỬ VÌ  ĐẠO

          Hoạt  động tông đồ của Cha Foucauld là hoạt  động tông đồ của một vị thánh đã  chết và sống lại cùng với Chúa Giêsu Kitô, sau khi đã trải qua các giai đoạn : từ bỏ và nghe theo “việc dạy dỗ”, tiếp đến trải qua những ngọt ngào trong đời sống ẩn dật, tận hưởng chính những ngọt ngào ấy, bằng cách quên mình đi và quên hết mọi sự vì Đấng Chí Ái, sau hết là làm linh mục và sống đời truyền giáo cho đến khi chịu sát tế chính mình hoàn toàn. Đó là chương trình mà Anh đưa ra cho chúng ta trong Luật Dòng Tiểu đệ Thánh Tâm.

          “Mỗi ngày các tiểu đệ hãy nghĩ rằng một trong những ơn huệ được Đấng Phu Quân ban cho, chính là niềm hy vọng vững vàng sẽ được kết liễu cuộc đời mình bằng chịu chết vì đạo : hãy không ngừng dọn mình để đón nhận kết thúc diễm phúc ấy; hãy hành động mọi lúc cho phù hợp với linh hồn được lòng nhân hậu Đấng Phu Quân kêu gọi để lãnh nhận – có thể rất sớm – hồng ân tuyệt vời ấy…hãy bằng những ước ao, những lời cầu nguyện mà kêu xin thời khắc hồng phúc chứng minh với Đấng Tình Quân “dấu ấn của tình yêu vĩ đại nhất” này; chớ chi mọi giây phút, các Tiểu đệ đều xứng đáng với một ơn gọi như thế.”

          Để đạt được như vậy, Charles de Foucauld chỉ cho chúng ta con đường. Từ đầu, Anh tìm kiếm “hy sinh lớn lao nhất có thể”, bởi vì “hy sinh chính là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu” (Suy niệm về các Tin Mừng, tại Nazareth, theo Mt. 2,11). Và như vậy, khi dấn thân vào đời sống Xitô, điều Anh tìm kiếm, chính là vác thập giá, gắn bó vào đó chừng nào còn làm Chúa hài lòng… Từ đó, anh chịu đau khổ mỗi ngày, hãm mình, quên mình vì yêu Chúa.

         Chính tại Akbès, vào năm 1895, mà ước ao được chết vì đạo hình thành trong Anh. Anh nhìn thấy các Kitô  hữu chịu tử vì đạo khắp vùng chung quanh đan viện tách biệt, hẻo lánh của các đan sĩ, và Anh nghĩ có thể một ngày nào đó sẽ đến lượt hết thảy mọi người trong đan viện. Tâm hồn Anh bừng cháy ý tưởng ấy, như người ta gặp thấy trong các thư từ liên lạc của Anh. Nhưng trong khi những người lính Thổ bảo vệ người Pháp, thì họ lại cắt cổ những người Armeni : “Thật đau đớn khi được an toàn bên những người chuyên cắt cổ anh em mình. Thà chịu đau đớn với những người anh em ấy còn hơn là được những kẻ bách hại bảo vệ.” (24.6.1896)

          Kết luận thần bí : Thầy Marie-Albéric cho rằng thầy không được ơn tử vì đạo là vì thầy không xứng.

        Kết luận thực tiễn : nếu không muốn để vuột mất lần tới, thì cần phải trở nên bé  mọn hơn, nghèo khó hơn, đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu hơn, bởi vì khi chúng ta nổi tiếng và được kính mến, những kẻ bách hại sẽ đến bảo vệ chúng ta để tránh những rắc rối về ngoại giao !
Chính vì thế mà Anh rời Dòng Trappe, để đến Nazareth tìm một cuộc sống khiêm hạ, nghèo khó, vô danh và bị khinh rẻ, giống với Chúa Giêsu hơn, như chúng ta đã đề cập, và như thế mới có cơ hội tốt hơn để được chết vì đạo.

           Chính từ Nazareth mà chúng ta đọc thấy những ghi chú mang tính ngôn sứ nổi tiếng như sau : “Ý tưởng của con về cái chết.
Hãy nghĩ rằng con sẽ phải chết vì đạo, bị tước đoạt hết tất cả, nằm sõng soài trên đất, trần truồng, không ai nhận diện được, lênh láng máu và đầy thương tích, bị giết chết một cách tàn bạo và đau đớn...Và con hãy ước ao việc ấy xẩy ra trong ngày hôm nay…Để Ta ban cho con ân huệ cao cả ấy, con hãy trung thành tỉnh thức và vác thập giá. Hãy coi như cả đời con dều qui về cái chết ấy: từ đó con sẽ  thấy mọi sự chẳng còn quan trọng nữa. Con hãy năng nghĩ đến cái chết ấy để dọn mình và để đánh giá mọi vật đúng với giá trị thực của chúng"(tháng 6.1897)

          Cha Tổng Quyền nói : “Điều tôi thấy nổi bật trong đoạn văn này là cái chết lúc bấy giờ đối với Anh có vẻ như sự hoàn thành một cuộc tìm kiếm từ xa; cần phải chuẩn bị nó. Tử vì đạo là bằng chứng tình yêu vĩ đại nhất mà người ta có thể chứng tỏ với Chúa Giêsu, sau một đời sống hoàn toàn tiêu hao để phụng sự Người. Phải chuẩn bị, phải sẵn sàng chịu tử vì đạo bằng cách vác thập giá mỗi ngày.”

          Việc hướng đến chức linh mục sẽ còn nhấn mạnh đến ước ao ấy qua việc chứng tỏ nó bằng một lý lẽ mới : sự hy sinh của người linh mục, lễ vật hy tế “…cùng với Chúa Giêsu, hấp hối, chịu khổ nạn và chịu chết, trong mức độ  mà Chúa Giêsu sẵn lòng kêu gọi Anh chia sẻ chén đắng của Người và trở nên lễ vật hy sinh như Người.” (tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức phó tế, ngày 23.03.1901).

         Ở Béni-Abbès, niềm ước ao tử vì đạo chuyển sang một hướng mới : cho đến lúc bấy giờ, Anh Charles Chúa Giêsu đã nhận ra đó như là một bằng chứng tình yêu dành cho Đấng Chí Ái. Qua tiếp xúc với những người nghèo khổ, những người chịu thiệt thòi nhất giữa những người vô tín mà Anh yêu mến bằng tình thương của Trái Tim Chúa Giêsu, Anh mong được tử vì đạo để chứng tỏ cho họ thấy rằng đạo của chúng ta là tình yêu :
          “Con cố hết sức để chứng minh cho những người anh em lầm lạc đáng thương ấy thấy rằng đạo của chúng ta hoàn toàn là bác ái, huynh đệ, mà biểu hiệu là trái tim.” (Thư gửi Cha Huvelin, ngày 15.07.1904)

          Không chỉ muốn trở nên một trái tim giữa họ, mà  trái tim ấy còn phải được treo cao trên một thập giá nữa kia. Từ lúc ấy, Charles de Foucauld sẽ ước ao được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong cuộc tử vì đạo hằng ngày qua đời sống khó khăn, khắc khổ, trong đó Anh gần như đã chết đi vì một vết rắn cắn, bị lâm bệnh nặng, bị mọi người bỏ rơi, nơi đó Anh không  hoán cải được ai, sau hai mươi năm vất vả làm việc tông đồ mà chẳng thấy trái chín nào. Trong việc chấp nhận huỷ mình ra không vì tình yêu như thế, Anh luôn tiến lên phía trước, càng lúc càng lột bỏ chính mình hơn. Thậm chí Anh không còn ý định rõ ràng về việc tử vì đạo nữa. Anh sống từng ngày, đặt hết tâm trí vào việc tự hiến, một cách toàn diện và anh hùng. Cùng với thánh Gioan Thánh Giá, người ta dám nói rằng đời sống của Anh được tiếp diễn như cuộc đời Đức Trinh Nữ, vì lợi ích của Hội Thánh hơn là vì chính bản thân, bởi lẽ tình yêu và sự hy sinh đã đạt đến cực điểm :

           “Em không thể nói là em ước ao được chết; trước đây em có mong muốn như thế; còn bây giờ, em thấy có biết bao nhiều điều tốt đẹp phải làm, bao nhiêu linh hồn không có mục tử chăm sóc, nhất là em thấy mình muốn làm một đôi chút điều thiện, làm việc một chút vì phần rỗi các linh hồn đáng thương ấy. Nhưng Thiên Chúa nhân lành yêu mến họ hơn em và Người không cần đến em. Nguyện ý Người được thực hiện !” (Thư gửi bà Marie de Bondy, ngày 20.07.1914)

          “Chúng ta có xu hướng dành ưu tiên cho những công việc có hiệu quả rõ ràng và nắm chắc; Còn Thiên Chúa lại đặt tình yêu lên hàng đầu và kế đến là sự hy sinh và sự vâng phục bắt nguồn từ tình yêu. Phải yêu mến và vâng phục vì tình yêu bằng cách hiến mình làm hy lễ cùng với Chúa Giêsu như Người ưa thích ! Chính Người sẽ cho biết Người muốn chúng ta sống như thánh Phaolô hay như thánh nữ Mađalêna.” (Thư gửi bà Marie de Bondy, ngày 20.05.1915)

           Không còn là điều kiện cũng như bất cứ tưởng tượng nào, kể cả siêu nhiên, mà chỉ còn là sự hiến mình trọn vẹn một cách mù quáng, theo những ý định của Đấng Chí Ái.

          Ngày 01.12.1916, bình minh của ngày hằng mơ ước bắt đầu ló dạng, nhưng Anh không hề hay biết. Anh chẳng còn ước muốn điều gì khác. Anh vừa viết xong : "Sự tự hủy của chúng ta là phương thế hiệu quả nhất giúp chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và mưu ích cho các linh hồn."

        Chẳng bao lâu sau, Charles de Foucauld sẽ được tử vì đạo, như Đức Giêsu, để cùng với Người trở thành một Bánh Thánh, một Trái Tim duy nhất, vì ơn cứu độ của những người anh em của Anh. 
 
KẾT LUẬN : MỘT MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

          “Các Tiểu đệ Thánh Tâm hãy yêu thương nhau như  những người trong cùng một gia đình Hội Thánh. Đừng bao giờ so chiếu Dòng Tu của mình với bất cứ cộng đoàn nào khác. Trong trái tim anh em chỉ có một công đoàn duy nhất, cộng đoàn bao gồm tất cả mọi cộng đoàn : Hội Thánh Công giáo.”

          Chẳng phải tôi muốn nhắc lại điều hai mươi tám trong Tu Luật chúng ta, nhưng tôi đang tìm hiểu điều gì chia cắt chúng ta đến vô phương cứu chữa với đám mây mười hội dòng cùng các hiệp hội đời sống thiêng liêng khác sống theo Cha Foucauld, được công nhận chính thức, và đặt chúng ta ra ngoài rìa.

        Với tôi có vẻ như đó là một một nhầm lẫn về mầu nhiệm Nhập Thể, mà để phản bác lại, Cha Tổng Quyền và là vị sáng lập của chúng ta, Viện phụ Georges de Nantes, đã cảnh báo chúng ta ngay từ  khi lập dòng, bởi vì ngài rất sớm nhận ra điều đó nơi Cha Peyriguères, khi gặp nhau tại Montpellier, trước ngày sáng lập, vào năm 1957. Ẩn sĩ ấy ở tại Ma-rốc, trong vùng những người Berbère, cùng với một vài Tiểu muội Thánh Tâm Charles de Foucauld, có tên gọi là “cộng đoàn Montepellier”, đã giúp ngài (Cha Tổng Quyền) quản lý phòng khám chữa bệnh; đó là một linh mục kịch liệt chống đối người Pháp. Vị này muốn hoà mình vào với những người Berbère, như một nhập thể mới, nhằm làm cho đời sống siêu nhiên từ nơi mình lan sang tất cả họ, ngay cả khi họ chẳng hiểu biết gì, bằng một sự Hiệp Thông các thánh theo kiểu mới; vị ấy còn muốn bắt chước Đức Kitô đã làm người để cứu chuộc nhân loại, nhưng lại quên mất một điều “Thiên Chúa làm người để con người được trở nên  Thiên Chúa”. Khi mặc lấy xác phàm giống chúng ta trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, hạ mình làm một người ở giữa chúng ta, Chúa Giêsu sáng lập nên Hội Thánh sau khi đã chuộc chúng ta bằng chính Máu của Người.

         Do đó, Thiên Chúa đâu có mặc lấy xác phàm của chúng ta chỉ để biến đổi nhục thể của người phàm thành một Thân Thể mầu nhiệm, Hội Thánh của Người, bằng cách trao cho một hình hài linh thánh, siêu nhiên, giống với Đức Kitô. Hôm nay, khi Cha Peyriguères mới khởi sự, thì Cha Emmanuel Kalmongo, linh mục bản xứ đầu tiên của Burkina Faso, “đã thành lập tại Honda, một đan viện Foucauld đầu tiên, với tên gọi Đức Giêsu cứu thế, được  05 năm rồi”, lại bảo là đã được lôi cuốn bởi linh đạo Charles de Foucauld, hiểu như là một“ ý định đặt Chúa Giêsu Thánh Thể giữa những sắc dân thuộc một tôn giáo khác.”

        Thế thì đâu còn vấn đề cứu độ đối với các linh hồn đáng thương ấy, cũng chẳng còn việc hoán cải phải đạt tới và lên Thiên Đàng hơn là xuống hoả ngục. Chúng ta hiện xa rời Cha Foucauld đã từng đi vào vùng sa mạc Sahara để cảm hoá những người vừa mới chinh phục được, chuẩn bị việc rao giảng Tin Mừng đúng nghĩa phải đi theo và đi tới chỗ tử vì đạo.

        Đã  thực sự chấm dứt thời kỳ trong đó“Charles de Foucauld mơ tới việc rao giảng Tin Mừng cho những ai được Anh gọi, một cách thẳng thắn, là những “vô tín”(Báo La Croix, ngày 28.7.2005). Hôm nay, “nhà nguyện ở Béni-Abbès đón tiếp cuộc thăm viếng của một vài khách du lịch, chủ yếu là người Algerie. Thỉnh thoảng họ để lại những lời nhắn trong cuốn sổ vàng, dành sẵn cho họ, biểu hiện thông điệp của “người anh em đại đồng”, theo báo La Croix :

         “Chúng tôi mong rằng Hội Thánh của các bạn sẽ vẫn luôn là một trong những tôn giáo đàn chị bên cạnh đạo Hồi chúng tôi. Xin Thiên Chúa che chở tất cả mọi người.” Ký tên : một nhóm thuộc Liên Đoàn các Quán Trọ thanh niên người Algerie…

           “Người ta tôn trọng tôn giáo của các bạn, nhưng tôn giáo của tôi mới là tốt nhất : Thiên Chúa, tiên tri Mohamed.” Ký tên : Lamira.

           “Tất cả nguyện đường, nhà thờ, hội đường, đền thờ Hồi giáo, ở khắp nơi đều là nhà Chúa.” Malika.

           Thật là một mù quáng kỳ quặc khi coi những lời phát biểu đó là “sứ điệp của người anh em đại đồng”. Cha Tổng Quyền lưu ý là chắc phải có một nhầm lẫn nào đó: hoặc về phía Cha Foucauld, luôn toàn tâm toàn ý vì sự hoán cải của những người vô tín, nói chung, cho đến lúc phải chịu chết vì đạo, hoặc từ phía những người mạo xưng là môn sinh của Anh chỉ lo chăm chắm vào việc sùng bái con người, bằng một chủ nghĩa phi giáo điều và phi luân toàn diện. Khi tôn vinh Cha Foucauld lên bàn thờ, Đức Bênêđictô XVI khẳng định dứt khoát : sai lầm không phải do Charles de Foucauld, người tôi tớ của Chúa, mà là do các “môn sinh” của Anh. Thực ra mà nói, sai lầm ấy đã lan rộng trong toàn Hội Thánh do hiến chế công đồng Gaudium et Spes, mà theo đó “Con Thiên Chúa cách này hay cách khác đã tự kết hiệp với mọi người  bằng việc Nhập Thể của Người” (G.S. 22,2). Chớ gì một cuộc Canh Tân Công Giáo mạnh mẽ chữa lành cho chúng ta khỏi điều sai lầm này và, một khi đã được hoà giải hoàn toàn, chúng ta sẽ có thể xuất phát lại để chinh phục các linh hồn. 
     
Tiểu đệ Bruno de Jésus
Trích Tập san “Người đã sống lại!” 
số 39 - tháng 10/2005, tr. 5-14.

Tác giả: Tiểu đệ Bruno de Jésus

Nguồn tin: Trích Tập san “Người đã sống lại!” số 39 - tháng 10/2005, tr. 5-14.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây