CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 14)

Thứ hai - 04/05/2020 11:00
CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 14)
Cuộc Đời Chân Phước Charles de Foucaud

Chương 14


TỬ ĐẠO VÌ ĐỨC TIN
 

Trước khi giải thích cho chúng ta chiều kích thần bí cái chết của Charles de Foucaud, cha Georges de Nantes tập trung đưa ra những xác định về các nguyên do mang tính lịch sử và các hoàn cảnh.

Năm 1953, Tập san Charles de Foucaud hâm nóng lại vấn đề khi cho công bố một nghiên cứu của trung úy Charles Vella, cựu sĩ quan Sahara, nhân chứng và nhân tố chủ chốt liên quan đến bi kịch, dưới tiêu đề: “Những nguyên do đích thực trong vụ sát hại Cha Foucauld”. Tài liệu mang tầm quan trọng chính yếu, vẫn chưa được để ý tới, và chúng ta phải đưa ra ánh sáng; ở đây, chúng tôi sẽ chỉ nêu lên điều cốt lõi.

Chúng ta có thể tin vào lời chứng của Vella, người được Cha de Foucauld đánh giá là “chàng trait rung thực”. Được điều động đến In-Salah cho tới năm 1922, sau đó El-Oued, viên trung úy sẽ tiếp tục những “cuộc viễn chinh dẹp loạn”, rất quý giá với Laperrine. Viên sĩ quan viết: “Trong các chuyến đi xa cùng với những người Hoggar và thủ lĩnh Aménokal Moussa ag Amastane của họ, trong vùng Đông Phi cũng như Ajjer, tôi đã có thể đoan chắc về những tình cảm chân thật của các bộ lạc Sahara đối với Cha Foucauld. Hòa bình được vãn hồi, tôi được lưu ngũ với chức vụ Sĩ Quan Công Sứ cho đến 1923, nhờ đó, dựa vào những gì mình cho là đúng, tôi có thể thử tái lập lại những nguyên do dẫn đến tấn thảm kịch ở Tamanrasset, như những người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Cha. Hôm nay, tôi nghĩ mình có bổn phận phải công bố các dữ liệu.

HỒI GIÁO: MỐI THÙ ĐỊCH CHẾT CHÓC

Cho đến lúc tuyên bố chiến tranh 1914, ba giáo phái Hồi giáo tác động, hoặc tìm cách tác động các bộ lạc ở Hoggar. Người Touareg, nhìn chung, cho thấy ít sẵn sàng có một cuộc tiến hóa như vậy, và kết quả là hoạt động ấy không mấy khả quan. Nếu một số thân hào nhân sĩ có thuận theo một cách tự nguyện hơn chăng nữa, thì kỳ thực là do ăn theo hoặc tham vọng, chứ không phải là do tin tưởng chắc chắn hoặc thật lòng.

“Ba giáo phái đó là: Kadria, Tidjania và Senoussia”.

 “Phái Kadria tại Hoggar, do giáo trưởng Ba Hamou đại diện. Trong vùng này, hai tù trưởng Hoggar là những đối tượng được chú ý được biệt. Đó là Aménokal Moussa ag Amastane và tộc trưởng bộ tộc Dag Rali, Ouksem ag Ourar.

“Phái Tidjania, trước năm 1914, là giáo phái khá nổi tiếng ở Hoggar. Hoạt động của họ đã diễn ra được một thời gian trước khi chúng tôi đến. Phái này có một vài tín đồ trong số những chủ nô có địa vị ở Issakkamaren và Dag Rali.

“Còn lại là giáo phái Senoussia nổi danh hơn cả, mà cho đến năm 1914, đã hướng toàn bộ hoạt động của họ vào người Touareg Ajjer sống du canh du cư láng giềng với những người Zaouïais ở Rhât và người Mourzouk, ở Fezzan” (…)

GIÁO TRƯỞNG BA HAMOU, TÂM ĐỊA XẢO TRÁ

Nhằm mở rộng phòng trào thánh chiến ra cả bên ngoài những vùng ưa thích đặc biệt: Tripoli, Liby và Fezzan, các giáo trưởng Senoussia đã liên hiệp tất cả những giáo phái kém ảnh hưởng hơn lại với nhau, nhưng vẫn chung một tính chất chính thống và dĩ  nhiên là cùng nhằm đến một mục đích chống người châu Âu.

Giáo trưởng Kadria, Ba Hamou, xuất thân từ tộc người Rhât ở Fezzan và, do đó, là thuộc hạ của Si Labed, trưởng giáo Senoussia thù nghịch dữ tợn với người Pháp, nên chỉ có thể là một người truyền bá trào lưu chống Pháp, một tác nhân hành động của phái Senoussia và, từ đó suy ra, chắc chắn là một kẻ thù của Charles de Foucaud và tất cả những gì Anh đại diện ở Hoggar.

Chính sự phụ thuộc của nhân vật này vào một giáo phái cuồng tín, và sự hiện diện liên tục của y từ 1914 đến 1916 bên cạnh Cha Foucauld, đã hình thành nên mưu toan và tính chất của cuộc sát hại ở Tamanrasset. Lại càng không đơn thuần chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên khi còn có thêm một người Rhât khác, cũng là một bề tôi của Si Labed và cũng phục tùng Senoussia: tên phản bội El Madani, kẻ đóng vai trò như chúng ta đã biết .
Vả lại, giáo trưởng Ba Hamou đã phải biến khỏi Tamanrasset cùng lúc với những kẻ li khai Dag Rali, sau đó mới quay lại đấy vào năm 1918 và chết vào năm 1922.

Thuộc giới trí thức Hồi giáo, được trọng vọng, là ủy viên hội đồng và, có thể nói, là người lèo lái tâm thức của Moussa ag Amastane, Ba Hamou được bố trí cách thuận lợi nhất để công kích kịch liệt sứ vụ linh mục của Cha Foucauld. Kể cả phải công kích bằng sự khéo léo tinh vi vốn là đặc tính của giáo trưởng Hồi giáo.

Bằng cách chơi trò hai mặt, viên giáo trưởng nham hiểm này biết  cách tranh thủ sự tin tưởng của “người bạn” Pháp của y. Y chỉ dẫn cho Anh sửa sai một số lỗi nhỏ và chính sự giúp đỡ ấy rất hữu ích cho công trình nghiên cứu của Anh về chữ viết của người Touareg. Nhưng, song song với việc ấy, y nuôi dưỡng và gây nên tất cả những gì có thể phương hại đến sự nghiệp của Anh. Cũng bằng cách đó mà y thành công trong việc dẫn dụ viên thủ lãnh bộ tộc Hoggar gia nhập đạo Hồi; chịu thực hành các nghi lễ, dẫu là không mấy tin tưởng, song qua đó, y có được một phương thế để gia tăng quyền lực trên các thuộc hạ, cũng như ảnh hưởng cá nhân vượt ra ngoài lãnh địa của mình. Bằng ảnh hưởng tôn giáo riêng, tộc trưởng Aménokal thậm chí còn có ý định cho xây một đền thờ Hồi giáo ngay tại Tamanrasset. Cuộc chiến 1914 đã không cho phép thực hiện chương trình ấy, nhưng do thù địch mà trăm tội đều đổ hết lên đầu Charles de Foucaud, và đấy chính là âm mưu đen tối của Ba Hamou.

Vào năm 1914, trong khi Moussa và các bộ lạc quý tộc của ông ta rời Hoggar để đến vùng Adrar thuộc Soudan, nhằm bảo đảm lương thực cho người và gia súc của mình, thì giáo trưởng Ba Hamou lại tập trung toàn bộ hoạt động gây hại của y vào dân Dag Rali và các bộ tộc nông nô khác còn ở lại Hoggar như y.

Cha Foucauld đã vạch trần tính cách của Ba Hamou vốn không ít người than phiền. Cha viết cho đại tá Sigonney, ngày 24/12/1908:

Ba Hamou, Giáo trưởng, đúng hơn là cựu Giáo trưởng của Moussa, bởi vì Moussa chỉ sử dụng ông ta một thời gian và sau đó là cho thôi việc, cũng là một kẻ đầy toan tính ám muội. Đáng lẽ ông này bị đuổi về nguyên quán Rhât, song vẫn chưa thực hiện; do nể nang Moussa, nên phải chờ cho đến khi Moussa về lại đó đã […]. Hiện thời, tôi tin là, trong lúc thất thế, Ba Hamou đang nói nhiều điều bất lợi cho chúng ta.”

Người ta nhớ đến sự nhẫn nại của Đức Giêsu đối với Giuđa. Anh Charles Chúa Giêsu đã chịu đựng Ba Hamou bằng một tình bác ái theo tinh thần Tin Mừng, và có thể cả một tính toán khôn ngoan. Biết  rõ ảnh hưởng bất hảo mà y tác động lên Moussa, có lẽ Anh chọn cách giữ y lại bên cạnh mình để giúp Anh trong công việc nghiên cứu ngôn ngữ địa phương, cũng như để y không lôi kéo Aménokal chăng? Nói gì thì nói, nếu có một tên phản bội trong vụ việc – Cha Charles đã thốt lên – chắc chắn tên đó là Ba Hamou chứ không phải El Madani.

Việc Moussa ag Amastane không bao giờ ra lệnh li khai cho các bộ lạc nông nô còn ở lại Hoggar, và chính bản thân ông ta cũng như các bộ lạc quý tộc của mình luôn tỏ thái độ hòa hoãn hơn là hiếu chiến, cho thấy quả là ông ta không nghe theo những lời tư vấn sai trái và việc gia nhập đạo Hồi đã không biến ông ta trở thành cuồng tín.

CUỘC THÁNH CHIẾN

Năm 1915, một trăm hai mươi lăm lính cưỡi lạc đà chịu trách nhiệm bảo vệ Hoggar bị phân tán mỏng từ Soudan đến tận miền nam Tunisie: Tình cảnh đáng lo ngại như thế, giải thích được lý do tại sao “lúc ấy Cha phải đề phòng, tức là xây một nơi trú ẩn để tự bảo vệ mình khỏi đám người da đen đang vây quanh.

Tại Hoggar, tin tức từ phương Tây càng lúc càng mờ mịt, hoạt động của trưởng giáo trở nên quyết liệt hơn. Charles de Foucaud nhận thấy, bên cạnh làn sóng tuyên truyền lừa mị ấy, các nỗ lực của Anh thật vô ích và Anh rất buồn phiền. Nắm được tình hình đó, viên chỉ huy quân sự liền viện đến lực lượng cảnh sát, nhưng lực lượng này tỏ ra không hiệu quả do sự đồng lõa của chính các tù trưởng.

Vì vậy, cuộc thánh chiến nổ ra vào tháng 12 năm 1914 bắt đầu từ Fezzan, vùng đất do chính các tù trưởng người Ả rập theo phái Hồi giáo Senoussia thuyết giáo. Như ta đã thấy trong phần trước, quân đội Ý bị quét sạch; các đội quân đồn trú tại Rhât và Ghadames, đồn bót bị cô lập, rời bỏ vị trí và lánh sang các vùng lãnh địa thuộc Pháp.

Bấy giờ những người Fezzan nhanh chóng hướng các nỗ lực khiêu khích của họ vào vùng Sahara của chúng ta. Sau khi pháo đài Djanet thất thủ, các lực lượng của chúng ta buộc phải thực hiện một cuộc rút lui chiến thuật:

Kết quả là chúng ta phải di tản ra khỏi toàn bộ vùng Ajjer để chỉ giữ lại một cứ điểm phòng thủ tại pháo đài Flatters nằm xa hơn về phía bắc. Tình thế chẳng đặng đừng đáng buồn ấy lại trở thành một động viên đáng kể đối với các tộc trưởng Senoussia. Việc tuyên truyền và thành công của họ cuối cùng đã kích động được sự liên minh của các bộ tộc ở Ajjer vốn từ lâu đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự có mặt của quốc vương Sultan Ahmoud, thủ lĩnh người Touareg từng là bá chủ lâu đời vùng ốc đảo Djanet, và là kẻ thù không khoan nhượng với người Pháp”. Thay vì kêu gọi đầu hàng, Ahmoud đã nhập bọn với người Fezzan, chờ đến lúc thuận tiện và âm thầm sắp xếp những mưu toan của mình. Moussa thích nhân vật này nhưng lại nghi ngại ông ta. Y sẽ dính tay vào cuộc ám sát “vị đạo sĩ Kitô giáo”, bằng cách dùng El Madani.

Cuộc nổi loạn lan đến Soudan: “Bị cô lập từ lúc ấy, Hoggar trở nên thành lũy cuối cùng mà từ đó bộ tham mưu người Senoussia tung ra những cuộc tấn công hòng đạt mục đích đã nhắm tới”. Chính vào lúc này Cha de Foucauld, do cảm thấy mối nguy hiểm cận kề, đã tìm xuống pháo đài Motylinsky để khuyên Constant rút vào núi. Viên sĩ quan đã nghe theo lời khuyên ấy. Mặc dù không mấy dồi dào về nhân tài vật lực, nhưng ông vẫn đặt pháo đài trong tình trạng phòng thủ và cho chuẩn bị một nơi trú ẩn kiên cố, cách đó vài cây số. Ông muốn  giữ Cha ở lại pháo đài, nhưng Cha kiên quyết từ chối và quay trở về Tamanrasset.

ÂM MƯU

Hãy đọc lại tường thuật của Charles Vella:

Chung quanh Tamanrasset cũng như pháo đài Motylinsky đều hoàn toàn vắng vẻ”. “Được triệu hồi từ Soudan về để đảm trách việc chỉ huy pháo đài Motylinsky, tôi chỉ có mười hai lính cưỡi lạc đà người bản xứ chuyên lo việc phòng thủ.” Quân đội quá ít ỏi, nên đơn vị phòng trú không mấy cơ động và không thể cứu viện cho Cha Foucauld cũng như những người Harratin của ngài.

Trước mối hiểm họa càng lúc càng trở nên đáng quan trọng hơn, tôi đề nghị Cha de Foucauld rời khu ẩn tu để đến pháo đài Motylinsky, nơi Cha sẽ được an toàn. Cha có đến nhưng không muốn ở lại.

Vậy là Vella đành phải để cho vị ẩn sĩ thánh thiện quay về lại Tamanrasset, “mang theo mười lăm khẩu súng kiểu 1874 và bốn két đạn do tôi giao lại cho Cha để chống trả đám người da đen ở Tamanrasset. Lúc đó đang là tháng 04 năm 1916, và từ đó về sau tôi không còn gặp lại Cha nữa. Việc những người bạn Touareg quay lưng lại với Cha đã trở thành hiện thực khiến Cha có vẻ hết sức khổ tâm. Hiểu rõ những nguyên cớ dẫn đến cuộc nổi loạn, tận mắt chứng kiến trong mười một năm qua những nỗ lực của các giáo trưởng Hồi giáo người Ả rập nhằm phỉnh gạt người dân Touareg, đến lúc này Charles de Foucaud còn chứng kiến thêm thành quả của việc tuyên truyền dai dẳng của các kẻ thù địch với tôn giáo của Cha. Đúng là một đòn hết sức nghiệt ngã đánh thẳng vào Cha, vừa với tư cách một người Pháp đại độ vừa là nhà truyền giáo có niềm tin mãnh liệt. Đó cũng là sự sụp đổ niềm hy vọng rốt cuộc cũng sẽ có thời kỳ rao giảng Tin Mừng, và thế là những thất vọng ban đầu của Cha vẫn không được cất đi.

“Cuối cùng chúng tôi được tin đội quân do Khaoucen người Senoussia cầm đầu, xuất hiện từ hướng Tin Tarabine, cách pháo đài Motylinsky vài ngày đường. (…)

…luôn nằm dưới gông cùm cuồng tín không buông tha của giáo trưởng Ba Hamou, và qua tiếp xúc với những người Senoussia khác, các tộc trưởng của những bộ lạc nông nô không còn làm chủ các hoạt động của họ nữa. Dưới ảnh hưởng cứ đeo đẳng mãi ấy, những ấm ức nhất thời sẽ nhường chỗ cho những thù nghịch công khai chống lại chúng ta.

Chính là dưới ách thống trị nặng tính tôn giáo triền miên ấy mà những người Dag Rali, vốn thân thiện với Charles de Foucauld trong suốt mười một năm qua, đã để cho những người Senoussia thực hiện, ngay trên vùng đất của họ, hành vi phạm thánh mà bản thân họ không muốn làm và không muốn tham gia vào. Giáo trưởng Ba Hamou, xuất thân từ tộc người Fezzan và tuân lệnh những người Senoussia, sẽ thuyết phục họ phải để cho hoàn thành công việc theo ý muốn của Đấng Allah.

Do đó, Khaoucen, bị kích động vì một lá thư nhận được từ một người châu Âu, mà tướng Laperrine đã khuyến cáo, nên đã quyết định giết Cha một cách khôn khéo. Chắc chắn Ba Hamou dùng gã này làm người liên lạc.

Một tên cướp tên Beuh ag Rhabell dẫn toán thổ phỉ của hắn tiến về khu ẩn cư kiên cố. Một nhóm những người Touareg du mục khác gia nhập toán cướp cùng với một vài người Harratin, trong đó có cả những người đã được “vị đạo sĩ” chăm sóc, cứu giúp và đối xử như anh em, đặc biệt một nông dân từ Amsel tên là El Madani. Tên này đã làm việc tại Tamanrasset bên cạnh Cha Foucauld và biết rõ tất cả những thói quen của ngài.

BỊ NỘP VÌ KẺ PHẢN BỘI

Đơn vị trú phòng tại pháo đài Motylinski được bổ sung một trung đội lính cưỡi lạc đà, như vậy quân số của chúng tôi tăng lên bốn mươi lăm người dưới quyền đại úy chỉ huy vùng Hoggar”, đại úy La Roche. Nhưng có lẽ người ta cho rằng Vella tránh không muốn nêu đích danh viên đại úy. Quả đúng là chỉ có viết: “Định mệnh đã muốn Cha không thể dựa vào sự tiếp cứu từ bất cứ đâu.” (…)

“… Toán quân địch không đi con đường mòn quen thuộc trên núi mà vòng qua hướng tây nam đi xuống đồng bằng nhằm tránh pháo đài Motylinski.

Được thông báo về sự có mặt của địch quân trong vùng phụ cận, viên đại úy chỉ huy Hoggar cho rằng toán thổ phỉ đang tìm cách cướp các vật cưỡi của đơn vị trú phòng, hoặc sắp có một cuộc tấn công vào đơn vị. Với viên sĩ quan này, Cha đang được an toàn trong “pháo đài” bất khả xâm phạm của Cha. Vả lại, tình hình cho phép nghĩ rằng người Touareg cần gì phải tìm cách chống lại Vị Linh Mục người Pháp, và chẳng ai có thể đoán ra một người như Madani lại phản bội.

Không ai có thể đoán ra.” Có đúng như vậy không? Vella đã mất công trong việc buộc tội đại úy La Roche, điều được anh viết thêm như muốn quy trách nhiệm cho viên sĩ quan ấy về một sự chểnh mảng chết người:

Vì tất cả những lý do dẫn đến sự việc có thể xảy ra, đại úy chỉ huy Hoggar đã không tin là phải cho phép tôi, như tôi yêu cầu, tiến hành một cuộc tập kích khi toán thổ phỉ Senoussia xuất hiện ở mạn trên chỗ đơn vị trú phòng.” (…)

Từ mấy ngày nay, Madani đã tung tin là mọi nguy hiểm đã được hóa giải và cuộc sống ở Tamanrasset có thể trở lại như xưa. Do đó, có khả năng là những người bạn thường lui tới với Cha đã bị lừa bởi những lời dối trá của Madani, nhưng có khả năng hơn nữa là họ không biết sự có mặt của kẻ thù đóng quân đã hai hôm nay ở Amsel, để chờ cho đến cái ngày định mệnh có chuyến xe thư đi qua.

Tuy nhiên, chẳng ai báo cho Cha, kể cả toán lính cưỡi lạc đà biết mối nguy hiểm đang đe dọa Cha. Chắc chắn đám thổ phỉ Senoussia đã không để lộ cho những người Da Đen biết lý do bọn chúng  lưu lại Amsel cũng như chiếc bẫy chúng  đã giương sẵn, nhưng chính sự có mặt ấy chắc chắn phải đánh thức được nỗi lo sợ của những người tận tụy nhất trong số họ, nhất là Paul.

Cũng có thể, nhằm giảm nhẹ thái độ hèn nhát của những người Da Đen kia đối với vị ân nhân của họ, mà nên chấp nhận có thể họ đã ngỡ là không có bất cứ điều bất hạnh nào sẽ xẩy đến với Cha.

NGÀY SINH NHẬT: 01 THÁNG 12 NĂM 1916

Thứ sáu đầu tháng, khoảng 7 giờ tối, Cha ở nhà một mình; cửa khóa chặt, Paul Embarek, người quản gia, đang ở trong làng. Hai lính cưỡi lạc đà của pháo đài Motylinski, Bou Aïcha và Boudjema Ben Brahim, phải rời Tamanrasset ngay từ chập tối để đến Tarhaouhaout. Cả hai phải quay lại để chào Cha và mang thư của Cha đến Motylinski. Vì thế, Cha còn chờ họ…

Bọn tấn công tiến đến, sau khi đã cướp phá làng Amstel. Cẩn thận tập trung xong những lời chứng khác nhau về bi kịch ấy, René Bazin đưa ra một tường thuật chi tiết, mà ai cũng biết, về một thứ sức mạnh bi hùng mang hương vị và màu tím của Tin Mừng nói về Cuộc Khổ Nạn: Đồng hình đồng dạng với “Gương Mẫu duy nhất” của mình, Charles de Foucauld, đã “bị ghét bỏ vô cớ”, bị bắt do bị phản bội, bị “xuyên thâu” bởi viên đạn đã giết chết Cha một cách tàn bạo và đau đớn. Như con chiên bị đem đi giết, Cha không hé môi.

TUYÊN TÍN HỒI GIÁO: “THÀ CHẾT CÒN HƠN!” (*)

Phải chăng Cha de Foucauld đã bị sát hại do sự nóng vội, theo như những người viết sử duy chủ nghĩa cầu an mong muốn, khi biến cái chết ấy thành một “sự kiện lặt vặt”, như cha Fr. Six dám viết một cách khó chấp nhận (Hành trình tâm linh của Charles de Foucauld, Nxb du Seuil, 1958, tr. 364), và như Castillon muốn để cho người ta tin là như thế?

Và còn nữa, mới đây nhất, còn có cả J.J. Antier: “Cha đã chết như đã sống: một cách bí ẩn, không phải anh hùng, cũng chẳng phải tử vì đạo, “bị sát hại một cách ám muội” – như cha Fr. Six viết, bởi những tên thổ phỉ vô danh tiểu tốt đến cướp bóc Cha. Vì thế, tổ quốc cũng như không một dòng tu nào có thể dùng cái chết rất ư bình thường, thậm chí là tầm thường của Cha để tạo nên một người hùng được khắc tên tuổi trên một tấm bia.” (xem Jean Jacques Antier, Charles de Foucauld, nxb Perrin, 1997, tr. 301).

Paul Embarek đã chứng kiến cái chết của Cha Foucauld: Vì thế, anh ta là nhân chứng trực thị duy nhất.

Vella viết: “Paul Embarek, người quản gia của Cha, đã đưa ra những lời khai khác với những gì hắn đã kể cho tôi nghe về vấn đề này, vào ngày 03 tháng 12, tại pháo đài Motylinski, từ chính miệng hắn đến báo cho chúng tôi biết về cái chết của chủ mình.

Đây tôi xin nhắc lại chính xác lời Paul Embarek khai trước sự hiện diện của tôi:

“Từ lúc bị bắt và bị trói cho đến khi chết, Cha chỉ cầu nguyện, tuyệt nhiên không để ý đến những gì đang xảy ra chung quanh.”

Việc ép buộc Cha phải bỏ đạo đã xảy ra, theo lời khai thác của Paul Embarek, có thể phù hợp với nghi thức “chahada” của người Hồi giáo mà, theo tôi, Cha bị cưỡng bức phải làm theo. Quả đúng, nguyên tắc ấy của kinh Coran, trong trường hợp tương tự, luôn được áp dụng cho tất cả những ai bị kết an tử hình, Kitô hữu cũng như tín đồ Hồi giáo, cho người Touareg cũng như người Ả rập. (…)

Vì thế, tôi không ngần ngại để viết rằng, sẽ là hoàn toàn đi ngược lại với các nghi thức kinh Coran và các truyền thống hiếu chiến của Hồi giáo, nếu Charles de Foucauld không bị ép buộc phải “tuyên xưng đức tin Hồi giáo”.

René Bazin viết:

Đúng là tôi có biết, khi được hỏi lại một lần nữa về vụ sát nhân, người giúp việc của Cha Foucauld đã trả lời: “trước sự có mặt của tôi, bọn thù địch chỉ tra hỏi: đoàn xe đang ở đâu? Những người khác đâu? Sau khi Cha Foucauld chết, tôi nghe bọn chúng  kháo nhau: người ta đã buộc Cha phải tuyên xưng đức tin Hồi giáo, nhưng Cha trả lời: Tôi thà chếtCâu cuối cùng này tôi nghe được từ những người Aïtôi-Lohen mà tôi không biết tên” (nguồn: thư đại úy Depommier gửi tác giả, ngày 08 tháng 03 năm 1921).

…Nỗi thù hận đối với người Kitô giáo cũng không được coi là xa lạ trong tấn thảm kịch ấy, và quản gian Paul Embarek đồng ý như vậy, bởi vì theo như lời khai của anh ta, anh ta cũng đã bị dọa giết “như một kẻ ngoại đạo” (kafer).”

Kafer, theo tiếng Ả rập trong kinh Coran, không có nghĩa là “ngoại đạo”, mà là “bội giáo”. Chí ít đó cũng là lời giải thích của tu sĩ Bruno, được xác định là đúng với tình cảnh xảy ra lúc bấy giờ, bởi vì Paul Embarek đã được rửa tội theo Công giáo! Người ta hiểu được là anh ta không muốn nhấn mạnh, và thậm chí ngay từ đầu anh ta đã giữ thinh lặng về tình tiết chính này trong cái chết của vị đạo sĩ… người mà lẽ ra anh ta phải cùng chung số phận!

TỬ ĐẠO VÌ KITÔ GIÁO

Charles Vella kết luận nghiên cứu của mình về “Những nguyên do đích thực dẫn đến cuộc ám sát Cha Foucauld”, như sau:

Trái với những gì rất thường được người ta viết, đây không phải là vụ việc riêng lẻ của một số kẻ đói khát bị hấp dẫn bởi một chiến lợi phẩm dễ dàng chiếm đoạt, cũng chẳng phải là phản ứng bộc phát của một chiến binh trẻ điên loạn, nhưng rõ ràng đây là việc trừ khử có chủ ý một đối thủ trong tôn giáo, và điều đó trở thành hoạt động đầu tiên nhằm mở rộng ở Hoggar phong trào “tháng chiến”, cho đến vùng Fezzan lân cận, do những lãnh tụ hàng đầu của Hồi giáo Senoussia vừa mới khai mào.” Những cuộc điều tra do các viên chức tại vùng Sahara, ngay sau cuộc ám sát Cha, xác minh cho những kết luận của Vella. […]

Tiếp theo sau báo cáo chính thức, tướng Laperrine đã đọc và cho viết thêm một ghi nhận ngắn gọn súc tích, xóa tan hết mọi nghi ngờ:

Theo tôi, vụ ám sát Cha Foucauld phải gắn liền với bức thư đã tìm thấy ở Agadès, trong các hồ sơ của Khaoucen, và trong đó, một người châu Âu (Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Đức) đã khuyên hắn ta, như biện pháp đầu tiên trước khi làm cho các dân tộc nổi dậy, là hãy giết chết hoặc bắt làm con tin những người Âu nổi tiếng có ảnh hưởng đối với người bản xứ, và những tộc trưởng tận tụy với người Pháp. […]

René Bazin bình luận: “Quả thật, có vẻ như hoàn toàn đúng là, trong khi cuộc tháng chiến được truyền bá rộng rãi trong toàn vùng châu Phi thuộc Pháp, thì tên thủ lĩnh của nhóm cướp tấn công Cha Foucauld muốn triệt tiêu nguyên cớ chính ngăn cản sự quay lưng của những người Touareg ở Hoggar, tức là tầm ảnh hưởng của nhân vật lớn được yêu mến, tức là vị ẩn sĩ ở Tamanrasset. Nếu người ta khẳng định tên cầm đầu ấy là một gã kém cỏi không được đánh giá cao, và miếng mồi đoạt được không mấy khó khăn đủ giải thích cuộc tấn công của hắn là hành động của toán thổ phỉ, thì thật dễ dàng chấp nhận những kẻ cầm đầu chính trong phong trào nổi dậy sử dụng những tên cướp hạng xoàng, rồi kết hợp chúng  vào những ý đồ lớn hơn. Phải khẳng định rằng thế giới Hồi giáo luôn tuân lệnh những thủ lĩnh rất rành rõi, và có khả năng có những ý dự định bao quát hơn.”

DẤU ẤN TÌNH YÊU

Nơi các thánh, cái chết đến hoàn tất việc các ngài bắt chước Chúa Kitô. Với Cha Foucauld cũng vậy! Cái chết đến đón Cha đi, theo cách mà Cha hằng ao ước và trông chờ: được chết vì đạo. Hôm nay, bằng một xuyên tạc khó lòng chấp nhận được, người ta muốn làm cho vị tử đạo vì Kitô giáo ấy trở thành một nhà thần bí thuần túy, say mê đời sống tâm linh, do người ta có mối thù ghét với học thuyết chính trị và thực dân Pháp có dính dáng đến đời sống và thông điệp của Cha. Do thù hằn như thế, người ta không ngần ngại che đậy khía cạnh này trong cuộc đời Cha, dù phải làm cho cái chết của Cha trở nên vô ích và nực cười. Với họ, “số phận” đã muốn Cha chết một cách phi lý như thế, bên trong một chiếc lô-cốt trong khi Cha lại là người của tình yêu; bên cạnh những hòm đạn và súng ống trong khi Cha lại là con người của hòa bình… Chúng ta phải phản ứng chống lại sự phản bội như thế đối với thông điệp của Cha, và khẳng định Cha Foucauld đã chết như Chúa muốn, chết vì đạo.

Về ý nghĩa thiêng liêng của cái chết ấy, Chúa đã ban cho Cha như lòng Cha mong ước: một cái chết vì tình yêu Đức Giêsu, một cái chết vì yêu, trong một sự đồng hình đồng dạng hoàn hảo. Bởi vì Cha muốn bắt chước Chúa Giêsu, muốn tình yêu của Cha giống với tình yêu của Chúa Giêsu, nên Chúa Giêsu đã ban cho Cha sự bắt chước tuyệt đỉnh ấy. Gần giống như thánh Phanxicô thành Assisi, trong khi miệt mài suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, được nhận các dấu thánh từ cuộc khổ nạn ấy. Chính là Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá phải được hát mừng qua cái chết của Cha: Đức Kitô, dẫu là Thiên Chúa, nhưng đã tự ý vâng phục, và không chỉ làm người mà thôi, nhưng còn là kẻ tôi tớ và nô lệ, và còn hạ mình xuống hơn nữa đến nỗi chịu chết ô nhục trên Thập Giá. Đó là mẫu gương được thánh Phaolô đưa ra cho các tín hữu Philiphê (Pl. 2,5-11). Sự hạ mình không phải là một nhân đức tầm thường: đó là đi xuống, đi xuống mãi cho đến tận cùng của sự ô nhục. Và sự ô nhục tột cùng chính là chết trên Thập Giá. Cha Foucauld đã ước ao đi xuống đến tận sự ô nhục đó: “Hãy nghĩ là con phải chịu tử đạo, bị lột trần, nằm dài trên đất, không ai có thể nhận ra, đầm đìa máu và đầy thương tích, bị giết chết một cách tàn bạo và đau đớn, và hãy ước ao cho được như vậy từ hôm nay.

 
(Trích CRC số 341 – tháng 12/1997, tr. 11-12)

(*) Nguyên văn CHAHADA, tiếng Ả rập, được người Hồi giáo dùng để tuyên xưng đức tin của họ (không tin một Chúa Ba Ngôi), hoàn toàn khác với tuyên xưng đức tin của Kitô giáo. – ND

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây