Cha Charles de Foucauld, Nhà Truyền Giáo (3)

Thứ năm - 07/05/2020 11:16
Cha Charles de Foucauld, Nhà Truyền Giáo (3)
CHA CHARLES DE FOUCAULD
“ ĐƯỢC DÀNH RIÊNG ĐỂ RAO GIẢNG TIN MỪNG ” (3)
 

III/. TỬ VÌ  ĐẠO
     Hoạt  động tông đồ của Cha Foucauld là hoạt  động tông đồ của một vị thánh đã  chết và sống lại cùng với Chúa Giêsu, sau khi đã trải qua các giai đoạn : từ bỏ và nghe theo “việc dạy dỗ”, tiếp đến trải qua những ngọt ngào trong đời sống ẩn dật, tận hưởng chính những ngọt ngào ấy, bằng cách quên mình đi và quên hết mọi sự vì Đấng Chí Ái, sau hết là làm linh mục và sống đời truyền giáo cho đến khi chịu sát tế chính mình hoàn toàn. Đó là chương trình mà Anh đưa ra cho chúng ta trong Luật Dòng Tiểu đệ Thánh Tâm.

     “Mỗi ngày các Tiểu đệ hãy nghĩ rằng một trong những ơn huệ được Đấng Phu Quân ban cho, chính là niềm hy vọng vững vàng sẽ được kết liễu cuộc đời mình bằng chịu chết vì đạo : hãy không ngừng dọn mình để đón nhận kết thúc diễm phúc ấy; hãy hành động mọi lúc cho phù hợp với linh hồn được lòng nhân hậu Đấng Phu Quân kêu gọi để lãnh nhận – có thể rất sớm – hồng ân tuyệt vời ấy…hãy bằng những ước ao, những lời cầu nguyện mà kêu xin thời khắc hồng phúc chứng minh với Đấng Tình Quân “dấu ấn của tình yêu vĩ đại nhất” này; chớ chi mọi giây phút, các tiểu đệ đều xứng đáng với một ơn gọi như thế.”

     Để đạt được như vậy, Charles de Foucauld chỉ cho chúng ta con đường. Từ đầu, Anh tìm kiếm “hy sinh lớn lao nhất có thể”, bởi vì “hy sinh chính là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu” (Suy niệm về các Tin Mừng, tại Nazareth, theo Mt. 2,11). Và như vậy, khi dấn thân vào đời sống Xitô, điều Anh tìm kiếm, chính là vác thập giá, gắn bó vào đó chừng nào còn làm Chúa hài lòng… Từ đó, anh chịu đau khổ mỗi ngày, hãm mình, quên mình vì yêu Chúa.

     Chính tại Akbès, vào năm 1895, mà ước ao được chết vì đạo hình thành trong Anh. Anh nhìn thấy các Kitô  hữu chịu tử vì đạo khắp vùng chung quanh đan viện tách biệt, hẻo lánh của các đan sĩ, và Anh nghĩ có thể một ngày nào đó sẽ đến lượt hết thảy mọi người trong đan viện. Tâm hồn Anh bừng cháy ý tưởng ấy, như người ta gặp thấy trong các thư từ liên lạc của Anh. Nhưng trong khi những người lính Thổ bảo vệ người Pháp, thì họ lại cắt cổ những người Armeni : “Thật đau đớn khi được an toàn bên những người chuyên cắt cổ anh em mình. Thà chịu đau đớn với những người anh em ấy còn hơn là được những kẻ bách hại bảo vệ.” (24.6.1896)

     Kết luận thần bí : Thầy Marie-Albéric cho rằng thầy không được ơn tử vì đạo là vì thầy không xứng.

     Kết luận thực tiễn : nếu không muốn để vuột mất lần tới, thì cần phải trở nên bé  mọn hơn, nghèo khó hơn, đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu hơn, bởi vì khi chúng ta nổi tiếng và được kính mến, những kẻ bách hại sẽ đến bảo vệ chúng ta để tránh những rắc rối về ngoại giao !

     Chính vì thế mà Anh rời Dòng Trappe, để đến Nazareth tìm một cuộc sống khiêm hạ, nghèo khó, vô danh và bị khinh rẻ, giống với Chúa Giêsu hơn, như chúng ta đã đề cập, và như thế mới có cơ hội tốt hơn để được chết vì đạo.

     Chính từ Nazareth mà chúng ta đọc thấy những ghi chú mang tính ngôn sứ nổi tiếng như sau : “Ý tưởng của con về cái chết.

     Hãy nghĩ rằng con sẽ phải chết vì đạo, bị tước đoạt hết tất cả, nằm sõng soài trên đất, trần truồng, không ai nhận diện được, lênh láng máu và đầy thương tích, bị giết chết một cách tàn bạo và đau đớn...Và con hãy ước ao việc ấy xẩy ra trong ngày hôm nay…Để Ta ban cho con ân huệ cao cả ấy, con hãy trung thành tỉnh thức và vác thập giá. Hãy coi như cả đời con dều qui về cái chết ấy: từ đó con sẽ  thấy mọi sự chẳng còn quan trọng nữa. Con hãy năng nghĩ đến cái chết ấy để dọn mình và để đánh giá mọi vật đúng với giá trị thực của chúng" (tháng 6.1897)

     Cha Tổng Quyền nói : “Điều tôi thấy nổi bật trong đoạn văn này là cái chết lúc bấy giờ đối với Anh có vẻ như sự hoàn thành một cuộc tìm kiếm từ xa; cần phải chuẩn bị nó. Tử vì đạo là bằng chứng tình yêu vĩ đại nhất mà người ta có thể chứng tỏ với Chúa Giêsu, sau một đời sống hoàn toàn tiêu hao để phụng sự Người. Phải chuẩn bị, phải sẵn sàng chịu tử vì đạo bằng cách vác thập giá mỗi ngày.”

     Việc hướng đến chức linh mục sẽ còn nhấn mạnh đến ước ao ấy qua việc chứng tỏ nó bằng một lý lẽ mới : sự hy sinh của người linh mục, lễ vật hy tế “…cùng với Chúa Giêsu, hấp hối, chịu khổ nạn và chịu chết, trong mức độ  mà Chúa Giêsu sẵn lòng kêu gọi Anh chia sẻ chén đắng của Người và trở nên lễ vật hy sinh như Người.” (tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức phó tế, ngày 23.03.1901).

     Ở Béni-Abbès, niềm ước ao tử vì đạo chuyển sang một hướng mới : cho đến lúc bấy giờ, Anh Charles Chúa Giêsu đã nhận ra đó như là một bằng chứng tình yêu dành cho Đấng Chí Ái. Qua tiếp xúc với những người nghèo khổ, những người chịu thiệt thòi nhất giữa những người vô tín mà Anh yêu mến bằng tình thương của Trái Tim Chúa Giêsu, Anh mong được tử vì đạo để chứng tỏ cho họ thấy rằng đạo của chúng ta là tình yêu :

     “Con cố hết sức để chứng minh cho những người anh em lầm lạc đáng thương ấy thấy rằng đạo của chúng ta hoàn toàn là bác ái, huynh đệ, mà biểu hiệu là trái tim.” (Thư gửi Cha Huvelin, ngày 15.07.1904)

     Không chỉ muốn trở nên một trái tim giữa họ, mà  trái tim ấy còn phải được treo cao trên một thập giá nữa kia. Từ lúc ấy, Charles de Foucauld sẽ ước ao được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong cuộc tử vì đạo hằng ngày qua đời sống khó khăn, khắc khổ, trong đó Anh gần như đã chết đi vì một vết rắn cắn, bị lâm bệnh nặng, bị mọi người bỏ rơi, nơi đó Anh không  hoán cải được ai, sau hai mươi năm vất vả làm việc tông đồ mà chẳng thấy trái chín nào. Trong việc chấp nhận huỷ mình ra không vì tình yêu như thế, Anh luôn tiến lên phía trước, càng lúc càng lột bỏ chính mình hơn. Thậm chí Anh không còn ý định rõ ràng về việc tử vì đạo nữa. Anh sống từng ngày, đặt hết tâm trí vào việc tự hiến, một cách toàn diện và anh hùng. Cùng với thánh Gioan Thánh Giá, người ta dám nói rằng đời sống của Anh được tiếp diễn như cuộc đời Đức Trinh Nữ, vì lợi ích của Hội Thánh hơn là vì chính bản thân, bởi lẽ tình yêu và sự hy sinh đã đạt đến cực điểm :

     “Em không thể nói là em ước ao được chết; trước đây em có mong muốn như thế; còn bây giờ, em thấy có biết bao nhiều điều tốt đẹp phải làm, bao nhiêu linh hồn không có mục tử chăm sóc, nhất là em thấy mình muốn làm một đôi chút điều thiện, làm việc một chút vì phần rỗi các linh hồn đáng thương ấy. Nhưng Thiên Chúa nhân lành yêu mến họ hơn em và Người không cần đến em. Nguyện ý Người được thực hiện !” (Thư gửi bà Marie de Bondy, ngày 20.07.1914)

     “Chúng ta có xu hướng dành ưu tiên cho những công việc có hiệu quả rõ ràng và nắm chắc; Còn Thiên Chúa lại đặt tình yêu lên hàng đầu và kế đến là sự hy sinh và sự vâng phục bắt nguồn từ tình yêu. Phải yêu mến và vâng phục vì tình yêu bằng cách hiến mình làm hy lễ cùng với Chúa Giêsu như Người ưa thích ! Chính Người sẽ cho biết Người muốn chúng ta sống như thánh Phaolô hay như thánh nữ Mađalêna.” (Thư gửi bà Marie de Bondy, ngày 20.05.1915)

     Không còn là điều kiện cũng như bất cứ tưởng tượng nào, kể cả siêu nhiên, mà chỉ còn là sự hiến mình trọn vẹn một cách mù quáng, theo những ý định của Đấng Chí Ái.

     Ngày 01.12.1916, bình minh của ngày hằng mơ ước bắt đầu ló dạng, nhưng Anh không hề hay biết. Anh chẳng còn ước muốn điều gì khác. Anh vừa viết xong : "Sự tự hủy của chúng ta là phương thế hiệu quả nhất giúp chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu và mưu ích cho các linh hồn."

     Chẳng bao lâu sau, Charles de Foucauld sẽ được tử vì đạo, như Chúa Giêsu, để cùng với Người trở thành một Bánh Thánh, một Trái Tim duy nhất, vì ơn cứu độ của những người anh em của Anh. 

KẾT LUẬN : MỘT MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

     “Tiểu đệ Thánh Tâm hãy yêu thương nhau như  những người trong cùng một gia đình, Hội Thánh. Đừng bao giờ so chiếu Dòng Tu của mình với bất cứ cộng đoàn nào khác. Trong trái tim anh em chỉ có một công đoàn duy nhất, cộng đoàn bao gồm tất cả mọi cộng đoàn : Hội Thánh Công giáo.”

     Chẳng phải tôi muốn nhắc lại điều hai mươi tám trong Tu Luật chúng ta, nhưng tôi đang tìm hiểu điều gì chia cắt chúng ta đến vô phương cứu chữa với đám mây mười hội dòng cùng các hiệp hội đời sống thiêng liêng khác sống theo Cha Foucauld, được công nhận chính thức, và đặt chúng ta ra ngoài rìa.

     Với tôi có vẻ như đó là một một nhầm lẫn về mầu nhiệm Nhập Thể, mà để phản bác lại, Cha Tổng Quyền và là vị sáng lập của chúng ta, viện phụ Georges de Nantes, đã cảnh báo chúng ta ngay từ  khi lập dòng, bởi vì ngài rất sớm nhận ra điều đó nơi Cha Peyriguères, khi gặp nhau tại Montpellier, trước ngày sáng lập, vào năm 1957. Ẩn sĩ ấy ở tại Ma-rốc, trong vùng những người Berbère, cùng với một vài Tiểu muội Thánh Tâm Charles de Foucauld, có tên gọi là “cộng đoàn Montepellier”, đã giúp ngài (Cha Tổng Quyền) quản lý phòng khám chữa bệnh; đó là một linh mục kịch liệt chống đối người Pháp. Vị này muốn hoà mình vào với những người Berbère, như một nhập thể mới, nhằm làm cho đời sống siêu nhiên từ nơi mình lan sang tất cả họ, ngay cả khi họ chẳng hiểu biết gì, bằng một sự Hiệp Thông các thánh theo kiểu mới; vị ấy còn muốn bắt chước Đức Kitô đã làm người để cứu chuộc nhân loại, nhưng lại quên mất một điều “Thiên Chúa làm người để con người được trở nên  Thiên Chúa”. Khi mặc lấy xác phàm giống chúng ta trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, hạ mình làm một người ở giữa chúng ta, Chúa Giêsu sáng lập nên Hội Thánh sau khi đã chuộc chúng ta bằng chính Máu của Người.

     Do đó, Thiên Chúa đâu có mặc lấy xác phàm của chúng ta chỉ để biến đổi nhục thể của người phàm thành một Thân Thể mầu nhiệm, Hội Thánh của Người, bằng cách trao cho một hình hài linh thánh, siêu nhiên, giống với Đức Kitô. Hôm nay, khi Cha Peyriguères mới khởi sự, thì Cha Emmanuel Kalmongo, linh mục bản xứ đầu tiên của Burkina Faso, “đã thành lập tại Honda, một đan viện Foucauld đầu tiên, với tên gọi Chúa Giêsu cứu thế, được  05 năm rồi”, lại bảo là đã được lôi cuốn bởi linh đạo Charles de Foucauld, hiểu như là một“ ý định đặt Chúa Giêsu thánh thể giữa những sắc dân thuộc một tôn giáo khác.”

     Thế thì đâu còn vấn đề cứu độ đối với các linh hồn đáng thương ấy, cũng chẳng còn việc hoán cải phải đạt tới và lên Thiên Đàng hơn là xuống hoả ngục. Chúng ta hiện xa rời Cha Foucauld đã từng đi vào vùng sa mạc Sahara để cảm hoá những người vừa mới được chinh phục, chuẩn bị việc rao giảng Tin Mừng đúng nghĩa phải đi theo và đi tới chỗ tử vì đạo.

     Đã  thực sự chấm dứt thời kỳ trong đó“Charles de Foucauld mơ tới việc rao giảng Tin Mừng cho những ai được Anh gọi, một cách thẳng thắn, là những “vô tín”(Báo La Croix, ngày 28.7.2005). Hôm nay, “nhà nguyện ở Béni-Abbès đón tiếp cuộc thăm viếng của một vài khách du lịch, chủ yếu là người Algerie. Thỉnh thoảng họ để lại những lời nhắn trong cuốn sổ vàng, dành sẵn cho họ, biểu hiện thông điệp của “người anh em đại đồng”, theo báo La Croix :

     “Chúng tôi mong rằng Hội Thánh của các bạn sẽ vẫn luôn là một trong những tôn giáo đàn chị bên cạnh đạo Hồi chúng tôi. Xin Thiên Chúa che chở tất cả mọi người.” Ký tên : một nhóm thuộc Liên Đoàn các Quán Trọ thanh niên người Algerie…

     “Người ta tôn trọng tôn giáo của các bạn, nhưng tôn giáo của tôi mới là tốt nhất : Thiên Chúa, tiên tri Mohamed.” Ký tên : Lamira.

     “Tất cả nguyện đường, nhà thờ, hội đường, đền thờ Hồi giáo, ở khắp nơi đều là nhà Chúa.” Malika.

     Thật là một mù quáng kỳ quặc khi coi những lời phát biểu đó là “sứ điệp của người anh em đại đồng”. Cha Tổng Quyền lưu ý là chắc phải có một nhầm lẫn nào đó: hoặc về phía Cha Foucauld, luôn toàn tâm toàn ý vì sự hoán cải của những người vô tín, nói chung, cho đến lúc phải chịu chết vì đạo, hoặc từ phía những người mạo xưng là môn sinh của Anh chỉ lo chăm chắm vào việc sùng bái con người, bằng một chủ nghĩa phi giáo điều và phi luân toàn diện. Khi tôn vinh Cha Foucauld lên bàn thờ, ĐTC Bênêđictô XVI khẳng định dứt khoát : sai lầm không phải do Charles de Foucauld, người tôi tớ của Chúa, mà là do các “môn sinh” của Anh. Thực ra mà nói, sai lầm ấy đã lan rộng trong toàn Hội Thánh do Hiến chế công đồng Gaudium et Spes, mà theo đó “Con Thiên Chúa cách này hay cách khác đã tự kết hiệp với mọi người  bằng việc Nhập Thể của Người” (G.S. 22,2). Chớ gì một cuộc Canh Tân Công Giáo mạnh mẽ chữa lành cho chúng ta khỏi điều sai lầm này và, một khi đã được hoà giải hoàn toàn, chúng ta sẽ có thể xuất phát lại để chinh phục các linh hồn. 

 
Hết
 

Tác giả: Tiểu đệ Bruno de Jésus

Nguồn tin: Tu hội Thừa Sai Chúa Giêsu chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây