Thư chung số 145- 10/2022

Thứ tư - 28/09/2022 02:10
Thư chung số 145- 10/2022
Thư chung số 145- 10/2022
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 145 / Năm XII
                    * * *                                         

 
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 10/ 2022
-------------  
TÔNG THƯ
DESIDERIO DESIDERAVI
VỀ ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ CHO DÂN THIÊN CHÚA (2)
“Thầy rất mong ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình” (Lc 22,15)
 

Phan Rang, ngày 20.09.2022

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.
            Chúng ta bước vào tháng 10. Tháng kính Mẹ mân Côi. Như anh chị em đã biết, Mẹ rất ước ao tất cả con cái Mẹ hãy “Siêng năng lần hạt Mân Côi” theo ý Mẹ, để cầu nguyện cho phần rỗi linh hồn mọi người, trong đó tất nhiên có chúng ta; dồng thời cũng để xin ơn hòa bình cho mỗi người, cũng như cho toàn thế giới. Xin anh chị em quảng đại đáp lại lời Mẹ nhắn nhủ. Cũng xin anh chị em hiệp ý dâng các chuỗi Mân Côi trong tháng này, đặc biệt cầu cho Tu Hội, theo ý Anh Hai. Chân thành cảm ơn anh chị em.

            Tháng này, chúng ta tiếp tục học hỏi Tông Thư Desiderio Desideravi, từ số 27-47.

Sự cần thiết phải đào tạo phụng vụ cách nghiêm túc và gắn liền với cuộc sống

27. Do đó, vấn đề cơ bản là làm thế nào để phục hồi khả năng sống trọn vẹn các cử hành phụng vụ? Đây là mục tiêu cải cách của Công đồng. Thách thức là vô cùng khắc nghiệt, vì con người hiện đại - đang sống trong những nền văn hóa không ngang tầm với nhau - đã mất đi khả năng tham gia vào những hành vi mang tính biểu tượng, một đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ.

28. Trong thời hậu hiện đại, con người cảm thấy bản thân ngày càng lạc lõng hơn, không có điểm quy chiếu nào, mất đi nhiều giá trị do thái độ thờ ơ vô tâm, hoàn toàn mồ côi cô độc, sống trong một mảnh đời vô nghĩa, ngày càng bị đè nặng bởi di sản do thời đại trước để lại, bao gồm chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa chủ quan (một lần nữa gợi lên những vấn đề liên quan đến thuyết Pêlagiô và thuyết Ngộ đạo). Di sản đó cũng bao gồm chủ nghĩa tâm linh trừu tượng mâu thuẫn với chính bản chất con người, vì con người là một tinh thần nhập thể và do đó, có khả năng hành động và hiểu biết mang tính biểu tượng.
 
29. Hội Thánh, được quy tụ trong Công Đồng, đã muốn tiếp xúc với chính thực tại này của thế giới hiện đại, đang khi vẫn tái khẳng định ý thức mình là bí tích của Chúa Kitô, là Ánh sáng các dân tộc (Lumen gentium), đặt mình vào việc sốt sắng lắng nghe Lời Chúa (Dei Verbum), và nhận lấy niềm vui và hy vọng của con người thời đại như của chính mình (Gaudium et spes). Công đồng là biểu hiện cao nhất của tính hiệp hành trong Hội Thánh, và cùng với tất cả anh chị em, tôi được kêu gọi trở thành người gìn giữ kho tàng phong phú của Công đồng. Các Hiến chế quan trọng của Công đồng không thể tách rời nhau, và không phải ngẫu nhiên mà nỗ lực suy tư đầy giá trị này của Công đồng Đại kết đã bắt đầu với việc suy tư về Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium).

30. Bế mạc kỳ họp thứ hai của Công đồng (ngày 4 tháng 12 năm 1963), Thánh Phaolô VI đã phát biểu: “Những cuộc thảo luận khó khăn và phức tạp đã có kết quả dồi dào phong phú, đã đúc kết được một chủ đề, đó là Phụng vụ thánh. Chủ đề đã được đề cập ngay từ đầu, theo một nghĩa nào đó, đây là vấn đề ưu tiên hơn tất cả các vấn đề khác, xét về giá trị nội tại và tầm quan trọng trong đời sống Hội Thánh và hôm nay tôi long trọng ban hành văn kiện về Phụng vụ. Tâm trí tôi phấn khởi trong niềm vui thực sự, vì theo cách thức mọi việc đã diễn ra, tôi ghi nhận bậc thang chính xác về giá trị và bổn phận đã được tôn trọng. Thiên Chúa phải ở vị trí thứ nhất; cầu nguyện là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta. Phụng vụ cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên mà chúng ta phải trao cho các Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện. Đây cũng là lời mời đầu tiên gửi đến toàn thể nhân loại, để giờ đây mọi người có thể cất cao giọng nói thầm lặng của mình trong một lời cầu nguyện thánh thiện và chân thành, nhờ đó họ tìm thấy được sức mạnh khôn tả và có năng lực tái sinh, khi cùng với chúng ta loan truyền lời ngợi khen Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng của trái tim con người qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần”.
[7]

31. Trong thư này, tôi không thể nói với anh chị em về sự phong phú của các cách diễn đạt khác nhau trong diễn từ này, tôi khuyên anh chị em hãy suy niệm riêng về văn kiện ấy. Nếu Phụng vụ là “tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh” (Sacrosanctum Concilium, 10), thì chúng ta có thể hiểu được những nguy cơ trong Phụng vụ. Có những căng thẳng, không may xuất hiện chung quanh việc cử hành phụng vụ, nhưng thật tầm thường nếu cho đó chỉ là sự khác biệt đơn giản do cảm nhận khác nhau về một dạng thức nghi lễ cá biệt nào đó. Vấn đề chủ yếu là Giáo hội học. Tôi không hiểu sao một người vừa công nhận tính hợp lệ của Công đồng - mặc dù tôi rất ngạc nhiên khi một người công giáo lại có thể không công nhận điều đó - lại vừa không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ khởi sinh từ Sacrosanctum Concilium, một văn kiện diễn tả thực tại của phụng vụ trong mối liên hệ mật thiết với tầm nhìn về Hội Thánh được mô tả cách tuyệt vời trong Lumen Gentium. Vì lý do này, như tôi đã giải thích trong thư gửi cho tất cả các giám mục, tôi thấy mình có bổn phận phải khẳng định rằng “các sách phụng vụ do Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II ban hành, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách diễn đạt duy nhất của lex orandi (luật cầu nguyện) trong Nghi lễ Rôma” (Tự sắc Traditionis custodes, 1). Việc không chấp nhận cũng như hiểu biết hời hợt về việc cải cách phụng vụ, làm chúng ta sao lãng nhiệm vụ tìm lời giải đáp cho câu hỏi tôi muốn lặp lại ở đây: làm thế nào để chúng ta tăng thêm khả năng sống trọn vẹn các hành động phụng vụ? Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục ngỡ ngàng thán phục trước những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta trong các cử hành phụng vụ? Chúng ta cần thực hiện việc đào tạo phụng vụ cách nghiêm túc và gắn liền với cuộc sống.

32. Chúng ta hãy trở lại Phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem. Vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh được khai sinh, tế bào đầu tiên của một nhân loại mới. Chỉ có cộng đoàn gồm những người, nam cũng như nữ, đã được hòa giải nhờ ơn tha thứ, được sống vì Đức Kitô đang sống, chân thật vì có Thần Khí sự thật ở cùng, mới có thể mở rộng không gian chật hẹp của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống thiêng liêng.

33. Chỉ có cộng đoàn của ngày lễ Ngũ Tuần mới có thể cử hành lễ bẻ Bánh với niềm xác tín rằng Chúa đang sống, Đấng đã sống lại từ cõi chết, đang hiện diện bằng lời của Người, bằng cử chỉ của Người, bằng việc dâng Mình và Máu Người. Kể từ đó, cử hành phụng vụ trở thành một nơi đặc biệt - mặc dù không phải là nơi duy nhất - của cuộc gặp gỡ với Chúa. Chúng ta biết rằng chỉ qua ân sủng của cuộc gặp gỡ này, con người mới trở thành con người trọn vẹn. Chỉ có Hội Thánh của lễ Ngũ tuần mới có thể quan niệm con người là một nhân vị, mở rộng lòng đón nhận mối tương quan trọn vẹn với Thiên Chúa, với muôn loài thụ tạo và với anh chị em của mình.

34. Chính trong cộng đoàn đó, vấn đề mang tính quyết định về việc đào tạo phụng vụ được đặt ra. Romano Guardini nói: “Đây là nhiệm vụ thực tế đầu tiên phải hoàn thành: cùng với sự biến đổi nội tâm của thời đại chúng ta, chúng ta phải học lại cách sống mối tương quan tôn giáo trong tư cách là những con người trọn vẹn”.
[8] Đây là điều có thể thực hiện được nhờ Phụng vụ. Và để làm được như thế, chúng ta phải được đào tạo. Guardini không ngần ngại khẳng định rằng nếu không có đào tạo phụng vụ, thì “việc cải cách các nghi thức và bản văn sẽ không giúp ích được gì nhiều”.[9] Ở đây tôi không có ý định giải quyết thấu đáo chủ đề rất phong phú của việc đào tạo phụng vụ. Tôi chỉ muốn đưa ra một vài khởi điểm để suy tư. Tôi nghĩ chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh: đào tạo cho phụng vụ và đào tạo qua phụng vụ. Công việc thứ hai là thiết yếu và công việc thứ nhất phụ thuộc vào đó.

35. Cần phải tìm ra những đường dẫn cho việc đào tạo trong nghiên cứu Phụng vụ. Ngay từ đầu, phong trào phụng vụ đã thực hiện nhiều việc trong lĩnh vực này, với sự đóng góp quý báu của các học giả và các học viện. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là phải phổ biến kiến thức này ra ngoài môi trường học viện, có thể tiếp cận dễ dàng, để mỗi tín hữu có thể gia tăng kiến thức về ý nghĩa thần học của Phụng vụ. Đây là vấn đề mang tính quyết định, là nền tảng cho sự hiểu biết và thực hành phụng vụ. Nó cũng hình thành nên chính việc cử hành, giúp mọi người có có khả năng hiểu được các bản văn kinh nguyện, tính cách năng động và ý nghĩa nhân học của các nghi lễ.

36. Tôi nghĩ đến nhịp điệu đều đặn của các cộng đoàn được quy tụ để cử hành Thánh Thể vào ngày của Chúa, Chúa Nhật này rồi Chúa Nhật sau, lễ Phục sinh này đến lễ Phục sinh năm tới, vào những thời điểm cụ thể trong cuộc đời của từng cá nhân và cộng đoàn, ở tất cả các độ tuổi khác nhau của cuộc sống. Các thừa tác viên đã lãnh chức thánh sẽ thực thi tác vụ mục vụ có tầm quan trọng hàng đầu, khi các ngài cầm tay các tín hữu đã được rửa tội để đưa họ vào những trải nghiệm thường xuyên của mầu nhiệm Vượt Qua. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng chính Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Kitô, là chủ thể cử hành chứ không chỉ là linh mục. Kiến thức có được từ việc học hỏi chỉ là bước đầu tiên để có thể đi vào mầu nhiệm đang được cử hành. Thật quá rõ, để có thể dẫn dắt anh chị em của mình, các thừa tác viên chủ sự cộng đoàn phải biết đường đi, bằng cách vừa nắm rõ lộ trình trên bản đồ nghiên cứu thần học, vừa phải siêng năng cử hành phụng vụ để có những trải nghiệm về một đức tin sống động, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, và chắc chắn không chỉ đơn thuần là thi hành một bổn phận bó buộc. Trong lễ truyền chức, mỗi linh mục nghe giám mục nói: “Hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con cử hành, và rập mẫu đời sống con theo mầu nhiệm Thánh giá Chúa”.
[10]

37. Chương trình học về Phụng vụ trong các chủng viện cũng phải lưu ý đến năng lực phi thường của chính việc cử hành là cung cấp một tầm nhìn mang tính hệ thống và thống nhất về tất cả các kiến thức thần học. Mỗi môn thần học, trong từng lĩnh vực riêng biệt, phải thể hiện mối liên hệ mật thiết với Phụng vụ, để trong ánh sáng của Phụng vụ, chương trình thần học biểu lộ rõ nét và thực hiện tính cách thống nhất của việc đào tạo linh mục (x. Sacrosanctum Concilium 16). Một hệ thống liên kết phụng vụ và kiến thức trong chương trình đào tạo thần học tại các chủng viện chắc chắn sẽ có những tác động tích cực trong hoạt động mục vụ. Không chỉ là kết quả của những chương trình được soạn thảo kỹ lưỡng, việc thực hành mục vụ mang tính tổng hợp, có hệ thống và toàn diện, là kết quả của việc đặt Thánh Lễ Chúa Nhật, nền tảng của sự hiệp thông, làm trung tâm của đời sống cộng đoàn. Kiến thức thần học về Phụng vụ không cho phép hiểu những điều vừa nói có nghĩa là giản lược tất cả vào khía cạnh phụng tự. Một cử hành phụng vụ mà không rao giảng Tin mừng là một cử hành không xác thực, và cũng là không xác thực, nếu lời rao giảng không dẫn đến gặp gỡ với Chúa Phục sinh trong cử hành phụng vụ. Và cả hai việc này, nếu không có chứng từ của lòng bác ái, sẽ giống như tiếng cồng chiêng ồn ào hay tiếng chũm chọe vang rền (x. 1Cr 13,1).

38. Đối với các thừa tác viên cũng như đối với tất cả những người đã được rửa tội, việc đào tạo phụng vụ theo nghĩa chính yếu này, không phải là điều có thể đạt được một lần cho tất cả. Vì ân huệ của mầu nhiệm được cử hành vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta, nên cùng với nỗ lực này, mọi người phải thực hiện chương trình thường huấn, đào tạo trường kỳ, với thái độ khiêm nhường của những kẻ bé mọn, một thái độ sẽ mở ra thành ngưỡng mộ thán phục.

39. Một nhận xét cuối về các chủng viện: ngoài chương trình học, chủng viện cũng phải cung cấp những trải nghiệm về việc cử hành phụng vụ, không chỉ mẫu mực về phương diện nghi thức, mà còn phải xác thực và sống động, để có thể sống hiệp thông thực sự với Thiên Chúa, cũng là sự hiệp thông mà kiến thức thần học phải hướng tới. Chỉ có tác động của Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta hoàn thiện kiến thức về mầu nhiệm Thiên Chúa, vì mầu nhiệm này không phải là vấn đề thuộc dạng hiểu được bằng trí tuệ, mà là về mối tương quan ảnh hưởng đến tất cả cuộc sống. Đây là một trải nghiệm nền tảng để khi được truyền chức, các chủng sinh có thể đồng hành với các cộng đoàn trong cùng một hành trình nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm tình yêu.

40. Nhận định này mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa thứ hai của thuật ngữ “đào tạo phụng vụ”. Tôi muốn đề cập đến việc chúng ta, mỗi người trong ơn gọi của mình, được đào tạo nhờ việc tham gia cử hành phụng vụ. Ngay cả kiến thức có được nhờ nghiên cứu học hỏi như tôi vừa mới nói, nếu không muốn trở thành duy lý, phải phục vụ cho chức năng đào tạo của Phụng vụ được thực thi nơi mỗi tín hữu trong Chúa Kitô.

41. Qua tất cả những gì chúng ta đã nói về bản chất của Phụng vụ, có thể thấy rõ là sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, một vấn đề mang tính quyết định cho cuộc đời chúng ta, không là việc tâm trí thấu triệt một ý tưởng nào đó, nhưng là sự gắn bó hiện sinh thực sự với con người của Người. Theo nghĩa này, Phụng vụ không thuộc lĩnh vực “tri thức”, và chức năng chủ yếu không phải là sư phạm, mặc dù có giá trị sư phạm rất lớn (x. Sacrosanctum Concilium 33). Đúng hơn, Phụng vụ là lời ngợi khen, lời tạ ơn về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Con, mầu nhiệm đang tác động đến đời sống chúng ta. Việc cử hành liên quan đến thực trạng của con người chúng ta trong việc ngoan ngoãn sống theo tác động của Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động cho đến khi Chúa Kitô được hình thành trong chúng ta (x. Gl 4,19). Mức độ trọn vẹn của việc đào tạo là chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Tôi xin nhắc lại, đó không phải là một tiến trình trừu tượng trong tâm trí, mà là việc trở nên chính Chúa Kitô. Chính vì mục đích này mà Thánh Linh được trao ban, và tác động của Người bao giờ cũng chỉ nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nhiệm thể được xây dựng với bánh Thánh Thể, và với việc mỗi người tín hữu được kêu gọi ngày càng trở nên điều đã nhận được như một hồng ân trong bí tích Rửa Tội, đó là trở thành chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Thánh Lêô Cả viết: “Việc thông dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không hướng đến điều nào khác hơn là làm cho chúng ta trở thành Đấng chúng ta ăn”.
[11]

42. Việc thông phần hiện sinh này - tiếp nối và liên hệ mật thiết với phương thức Nhập thể - mang chiều kích bí tích. Phụng vụ được cử hành với những chất thể hữu hình ngược với những điều trừu tượng thiêng liêng: bánh, rượu, dầu, nước, hương, lửa, tro, đá, vải, màu sắc, cơ thể, lời nói, âm thanh, thinh lặng, cử chỉ, không gian, chuyển động, hành động, nghi thức, thời gian, ánh sáng. Toàn thể thụ tạo là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, và từ khi tình yêu này thể hiện trọn vẹn nơi thập giá Chúa Giêsu, tất cả muôn loài thụ tạo đều hướng về tình yêu ấy. Có thể nói toàn thể thụ tạo đều phục vụ cho cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời: nhập thể, chịu đóng đinh, chết, sống lại, lên trời về với Chúa Cha, như lời nguyện đọc trên nước nơi Giếng Rửa Tội, lời nguyện trên dầu thánh và lời nguyện dâng tiến bánh rượu: tất cả hoa màu ruộng đất và lao công của con người.
 
43. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa không phải vì chúng ta có thể thêm một điều gì đó vào vẻ đẹp của ánh sáng không thể đạt đến trong đó Thiên Chúa luôn ngự trị (x. 1Tm 6,16). Chúng ta cũng không thể thêm gì vào sự hoàn hảo của bài ca thiên thần vang lên đời đời trên các tầng trời. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa vì cho phép chúng ta đang ở đây, trên trái đất, được nhìn thấy Thiên Chúa trong việc cử hành các mầu nhiệm, và khi nhìn thấy Người, chúng ta lại được sống nhờ lễ Vượt Qua của Người. Chúng ta, những người đã chết trong tội lỗi và được sống lại với Chúa Kitô, chúng ta là vinh quang của Thiên Chúa. Chính nhờ ân sủng mà chúng ta được cứu rỗi (x. Ep 2, 5). Thánh Irênê, vị tiến sĩ của sự hợp nhất, nhắc nhở chúng ta: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người đang sống, và sự sống của con người hệ tại ở việc nhìn thấy Thiên Chúa: nếu sự mặc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho tất cả các sinh vật trên trái đất, thì còn hơn thế, sự tỏ mình của Chúa Cha qua Ngôi Lời là nguồn mạch sự sống cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa”.
[12]

44. Guardini viết: “Đây là nhiệm vụ đầu tiên của việc đào tạo phụng vụ: con người phải một lần nữa tìm lại được khả năng hiểu được biểu tượng”.[13] Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, của các thừa tác viên đã lãnh chức thánh cũng như của các tín hữu. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì con người hiện đại đã trở nên thất học, không còn biết đọc các biểu tượng; dường như cũng chẳng nghĩ đến việc có biểu tượng hay không nữa. Điều này cũng xảy ra với tính cách biểu tượng của thân xác. Thân xác chúng ta là một biểu tượng, vì là sự kết hợp mật thiết giữa hồn và xác; linh hồn thiêng liêng được nhìn thấy qua thân xác vật chất; và trong đó chứa đựng duy nhất tính, một đặc tính của con người không thể có ở bất kỳ loại sinh vật nào khác. Khả năng hướng đến siêu việt, hướng đến Thiên Chúa, là yếu tố cấu thành chúng ta. Nếu không nhận ra điều đó, chắc chắn chúng ta không chỉ không biết về Thiên Chúa mà còn không biết về chính mình. Để nhận ra điều đó, chỉ cần nhìn vào những cách đối xử ngược đời với thân xác: lúc thì chăm sóc quá đáng vì tin vào huyền thoại về tuổi trẻ vĩnh cửu, lúc khác lại hạ thân xác xuống thành một thứ vật chất không còn phẩm giá gì cả. Thực tế là người ta không thể thấy thân xác có giá trị nếu như chỉ nhìn vào chính thân xác. Biểu tượng nào cũng vừa mạnh mẽ vừa mong manh. Nếu không được tôn trọng, nếu không được hiểu chính xác, nó sẽ đổ vỡ, mất đi sức mạnh và trở nên vô nghĩa.

Chúng ta không còn có cái nhìn của Thánh Phanxicô, ngài nhìn vào mặt trời - mà ngài gọi là “ông anh” vì ngài cảm thấy như vậy - ngài thấy nó quá đẹp và rạng ngời rực rỡ, và ngài hát lên với cả tâm tình ngưỡng mộ: lạy Đấng Tối cao, mặt trời giống Ngài quá.
[14] Việc mất khả năng nắm bắt giá trị biểu tượng của thân xác và của các vật thụ tạo làm cho ngôn ngữ biểu tượng của Phụng vụ hầu như không thể tiếp cận được với não trạng hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề không phải là từ bỏ ngôn ngữ này. Chúng ta không được từ bỏ ngôn ngữ biểu tượng vì đây là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để đến với chúng ta qua máu thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn, vấn đề là khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ. Chúng ta vẫn hy vọng, vì như tôi vừa nói, đây là chiều kích cấu thành trong chúng ta, và bất chấp những sai lầm của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh - cả hai đều phủ nhận sự thống nhất của linh hồn và thể xác - chiều kích đó luôn sẵn sàng xuất hiện trở lại, sự thật nào cũng thế.

45. Vì vậy, câu hỏi tôi muốn đặt ra là làm thế nào để chúng ta có lại khả năng biểu tượng? Làm thế nào để chúng ta lại biết cách đọc và sống các biểu tượng? Chúng ta biết rõ rằng, bởi ân sủng của Thiên Chúa, việc cử hành các bí tích có hiệu năng ex opere operato (hiệu năng do sự), nhưng điều này không bảo đảm rằng mọi người sẽ tham dự trọn vẹn nếu họ không hiểu được ngôn ngữ của cử hành một cách thích đáng. Khả năng “đọc” biểu tượng không phải là kiến thức của trí tuệ, cũng không phải là hiểu biết các khái niệm, mà là một kinh nghiệm sống.

46. Trước tiên chúng ta phải lấy lại niềm tin vào các thụ tạo. Ý tôi muốn nói là các thụ tạo đều do Thiên Chúa tạo dựng, và các bí tích “được làm” bằng các vật ấy. Chúng quy hướng về Người, và chính Người đã sử dụng chúng, cách cụ thể trong công trình Nhập thể, để chúng trở thành khí cụ cứu rỗi, phương tiện của Thánh Thần, máng chuyển ân sủng. Quan điểm này rõ ràng khác xa quan điểm duy vật hoặc duy linh. Nếu các thụ tạo là một phần cơ bản, thiết yếu của các bí tích mang lại ơn cứu rỗi như thế, thì chúng ta phải sẵn sàng gặp gỡ chúng với một cái nhìn mới, sâu sắc, với sự tôn trọng và biết ơn. Ngay từ khởi nguyên, các thụ tạo đã chứa đựng mầm mống của ơn thánh hóa nơi các bí tích.

47. Vẫn trong ý tưởng liên quan đến cách thức Phụng vụ đào tạo chúng ta, một vấn đề mang tính quyết định khác là cần có sự dạy dỗ hướng đến một thái độ nội tâm cho phép chúng ta sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ. Tôi xin trình bày cách đơn giản. Tôi đang nghĩ đến cha mẹ, hoặc là ông bà, kể cả các linh mục và giáo lý viên của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã học được nơi họ về năng lực của các cử chỉ phụng vụ, như dấu thánh giá, quỳ gối, các điều chúng ta phải tin. Có lẽ bây giờ chúng ta không còn nhớ đã học như thế nào, nhưng chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra cử chỉ của một bàn tay lớn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của một đứa trẻ và chậm rãi vẽ trên người đứa bé dấu hiệu của ơn cứu rỗi lần đầu tiên. Những lời đi kèm với động tác cũng được đọc lên cách chậm rãi, như muốn nắm giữ từng khoảnh khắc của cử chỉ, như muốn chiếm hữu toàn thể thân xác: “Nhân danh Cha… và Con… và Thánh Thần. … Amen”. Và sau đó buông tay đứa trẻ, nhìn nó một mình lặp lại động tác ấy, sẵn sàng giúp đỡ nó nếu cần. Động tác này giờ đây lại được thực hiện, như chiếc áo cùng lớn lên với đứa bé, mặc cho nó một ý nghĩa mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết. Từ lúc đó, cử chỉ này và năng lực biểu tượng của nó, đã là của chúng ta, đã thuộc về chúng ta, hay nói đúng hơn, chúng ta thuộc về nó. Cử chỉ ấy hình thành chúng ta. Chúng ta được đào tạo bởi động tác đó. Ở đây không cần phải nói nhiều. Không nhất thiết phải hiểu mọi thứ trong cử chỉ này. Điều cần thiết là phải đơn sơ bé nhỏ, cả bên truyền đạt cũng như bên tiếp nhận. Phần còn lại là công việc của Thánh Thần. Đây là cách chúng ta làm quen với ngôn ngữ biểu tượng. Chúng ta không muốn để mình bị tước mất một gia sản to tát như thế. Khi lớn lên, chúng ta sẽ có thêm nhiều cách khác để hiểu biết, nhưng luôn với điều kiện là chúng ta vẫn còn là những người bé mọn.

                                                                                                                                                                                                                (Còn tiếp)

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây