CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 13)

Thứ hai - 04/05/2020 10:57
CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 13)
Cuộc đời Chân Phước Charles de Foucauld

Chương 13
 

CUỘC ĐẠI CHIẾN
 

Chiến tranh được tuyên bố vào ngày 02 tháng 09 năm 1914. Đến ngày 15, cha viết cho Mẹ Saint-Michel:

Chúng con vừa hay tin về cuộc chiến tranh mới nổ ra… Mẹ cũng biết là ở vùng biên giới con đã cầu nguyện rất nhiều. Biết bao linh hồn đột nhiên phải ra trước mặt Chúa và, có lẽ họ cũng chưa được dọn mình sẵn sàng… Qua cuộc chiến tranh này, châu Âu sẽ thoát ra độc lập hoặc bị lệ thuộc vào những người Đức, nước Pháp có thể thoát ra ngẩng cao đầu hoặc rơi vào tình cảnh bị hạ nhục đến cùng cực hàng trăm năm. Xin Chúa phù hộ nước Pháp, xin Người rủ lòng thương xót biết bao linh hồn. Xin Chúa làm cho sự thiện trổi lên từ một sự dữ quá lớn như thế này.

Cũng ngày hôm ấy, cha viết cho bà Marie de Bondy:

Chị cũng biết là em rất khổ tâm khi phải ở rất xa những người lính của mình và xa cả vùng biên giới; nhưng bổn phận của em rõ ràng là phải ở lại nơi đây để giúp dân chúng  bình tĩnh. Em sẽ không rời bỏ Tamanrasset cho đến khi hòa bình được lập lại. Ở đây vẫn bình yên: (…) người Touareg biết rõ sự nghiêm trọng của những giờ phút chúng ta phải vượt qua. Vậy chị đừng lo lắng gì cho em cả; em tin là chẳng xảy đến nguy hiểm chừng nào Algérie và Soudan vẫn không nổi dậy.”

“Nỗi Canh Cánh Về Tổ Quốc”

Vậy là cha trung thành ở lại nhiệm sở, làm người kiến tạo hòa bình bằng chính sự hiện diện của mình, nhưng nỗi lo lắng về tổ quốc cứ canh cánh trong lòng.

Từ ngày chiến tranh nổ ra, cha đắm mình cầu nguyện và dâng lên Chúa biết bao nhiêu là những ước nguyện anh hùng, mà chúng ta gặp thấy những lời tha thiết nhất trong một lá thư gửi cho ông Joseph Hours vào ngày 21 tháng 10:

Xin Chúa Giêsu che chở anh, xin Người che chở hết thảy mọi người trong gia đình anh, giữa cơn bão tố đang tràn qua nước Pháp và châu Âu. Xin Người gìn giữ nước Pháp, làm cho đất nước này thoát ra khỏi thử thách trước mắt một cách tốt đẹp hơn, Kitô giáo hơn, khôn ngoan hơn! Xin Người bảo vệ quân đội đồng minh của chúng ta, giữ gìn những người thuộc mọi tôn giáo đang vì chúng ta mà chiến đấu và hòa lẫn máu họ với máu chúng ta. Xin Người đoái thương biết bao linh hồn phải ra trước mặt Người hằng ngày. Xin Người làm cho bừng sáng lên trên thế giới, sau cơn bão tố này, những tháng ngày tốt đẹp nhất trong đó các linh hồn thẳng tiến đến với Chúa hơn vào xa lánh những phù phiếm kiêu căng của thế kỷ hôm nay. Chớ gì Danh Người được cả sáng! Ý Người được thể hiện! Nước Người trị đến!”

Ngày nào cha cũng viết cho tướng Laperrine. Cũng vào hôm 21 tháng 10 năm 1915, cha tâm sự với ông:

Cách mà chiến tranh diễn ra cho thấy nó cần thiết biết bao, quyền lực của nước Đức lớn mạnh chừng nào và phải tốn rất nhiều thời gian mới đập tan được chiếc ách trước khi nó càng lúc càng trở nên nặng nề hơn; chiến tranh cho thấy, do biết bao kẻ dã man, châu Âu đã một nửa trở thành nô lệ và một nửa còn lại cũng sắp hoàn toàn trở nên như thế, và dứt khoát cần phải loại bỏ sức mạnh nơi một dân tộc sử dụng nó quá ư là tệ hại và vô luân, và hết sức nguy hiểm đối với các dân tộc khác.

Vài tháng sau, cha tuyên bố với tướng Mazel, bạn cũ cùng khóa với cha tại Saint-Cyr:

Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc vì được làm người Pháp như lúc này: cả hai chúng ta đều biết nước Pháp vẫn còn nhiều người bất hạnh; song, trong cuộc chiến tranh đang diễn ra trước mắt, nước Pháp đang bảo vệ thế giới và các thế hệ tương lai chống lại sự tàn bạo vô luân của nước Đức. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là Cuộc Thập Tự Chinh: cuộc chiến hiện nay, cũng như Cuộc Thập Tự Chinh, sẽ đi đến thành quả là ngăn không cho hậu duệ của chúng ta trở thành những kẻ dã man. Đúng là một điều tốt lành mà người ta phải trả giá đắt mới có được.”

Và xa hơn: “Cần phải tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt Đức và cắt bỏ tận gốc tất cả khả năng tái tục của chúng … Hòa bình chỉ có thể được duy trì với giá phải đè bẹp chúng.”

Ngày 15 tháng 07 năm 1915, cha viết cho Gabriel Tourdes:

Có lẽ chúng ta sẽ sớm hưởng được niềm vui chiến thắng trọn vẹn, sớm đưa vùng Alsace của chúng ta trở về lại là một phần lãnh thổ của nước Pháp, và nhìn thấy một nền hòa bình bền vững được thiết lập đưa thế giới thoát khỏi quân xâm lược và dã tâm của người Đức…

Đó là những tâm huyết của một vị thánh, trước một tai ương kinh hoàng. Và đây là niềm hy vọng phi thường được nhìn thấy một điều tốt lành nẩy sinh cho các linh hồn từ cuộc chiến đó. Cha lại viết cho Joseph Hours:

Cũng như anh, tôi hy vọng, từ nỗi bất hạnh lớn là chiến tranh, sẽ nảy sinh một điều tốt đẹp vĩ đại cho các linh hồn. Điều tốt đẹp cho nước Pháp đang phải nhìn thấy sự chết chóc với nhiều suy nghĩ nặng nề. Ở đấy việc thi hành bổn phận bằng những hy sinh lớn lao nhất sẽ nâng cao các linh hồn, sẽ thanh luyện họ, đưa họ đến gần với Đấng là Sự Thiện, làm cho họ trở nên thanh sạch hơn để nhìn thấy Đấng là Chân Lý và mạnh mẽ hơn để sống phù hợp theo chân lý ấy. Điều tốt đẹp cho những người bạn đồng minh của chúng ta, đang thân thiện với chúng ta, thì cũng thân thiện với đạo Công giáo, và linh hồn họ, cũng như linh hồn chúng ta, đang được thanh luyện bằng sự hy sinh; điều tốt đẹp cho những người vô tín ngưỡng đang tham chiến đông đảo trên lãnh thổ chúng ta, được học cách để hiểu biết chúng ta, đang càng lúc càng gần gũi với chúng ta hơn, mà sự tận tụy trung thành của họ hằng ngày đang kích thích người Pháp quan tâm với họ hơn trước đây, và, tôi hy vọng, cũng sẽ kích thích các Kitô hữu nước Pháp quan tâm đến sự hoán cải của họ hơn trong quá khứ.

Các phản ứng của cha hoàn toàn bắt nguồn từ Đức Cậy siêu nhiên. Cha đoan chắc cuộc chiến tranh này là một may mắn cho các linh hồn! Biết bao người Pháp bài xích giáo sĩ tìm thấy lại niềm tin trong các chiến hào, và nhờ tác vụ của các cha tuyên úy, được chết như những anh hùng và như các vị thánh.

Nhưng có biết bao nhiêu người chết trong các cuộc tấn công đến nỗi cha Foucauld tự hỏi một lần nữa liệu nơi cha có xảy ra chiến tranh hay không. Ngày 02 tháng 8 năm 1915, cha viết cho tướng Laperrine:

Trong trường hợp luật Hội Thánh cho phép tham gia, thì tôi có nên tham gia không? Nếu có, thì tôi làm cách nào để nhập ngũ và được gửi ra mặt trận (bởi vì thà ở đây hơn là phải có mặt trong một hậu cứ hoặc một văn phòng)?… Có tôi hay không có tôi cũng chẳng ăn thua gì, song lâu nay người ta đang phải hy sinh rất nhiều… Hãy mau trả lời cho tôi biết.”

Tướng Laperrine trả lời là cha hãy ở lại Hoggar: sự có mặt của anh Charles Chúa Giêsu là thiết yếu để giữ yên dân chúng, bởi vì hầu như các sĩ quan vùng Nam-Sahara đều đã được gọi hết về chính quốc. Vậy là cha ở lại nhiệm sở, viết thư nâng đỡ những người đang chiến đấu.

Cha viết cho thầy Augustinô, đan sĩ dòng Trappe thuộc đan viện Đức Bà Xuống Tuyết:

Tôi chia sẻ với thầy những khóc thương dành cho thầy Ernest. Trên thiên đàng, Chúa nhân lành đã đón nhận thầy ấy vào hàng ngũ những người tử đạo vì tình thương.

“Cuộc chiến này không giống như bao cuộc chiến khác. Những kẻ chết đi trong đó đang dâng hiến cuộc đời mình để giúp cho những người anh chị em của họ, không những tránh được một sự lệ thuộc ô nhục, mà còn tránh được mọi thứ tàn ác, mọi thứ bạo lực, mọi sự bêu riếu cho bọn người dã man tồi tệ nhất. Họ quả đúng là những người tử đạo vì tình yêu tha nhân.” […]

Đồng thời cha cũng theo dõi các biến cố rất sít sao:

Cuộc chiến tranh này khiến tôi vô cùng biết ơn và thán phục nước Bỉ và Quốc Vương của đất nước ấy! Vì cuộc chiến tranh siết chặt những mối liên kết của người Pháp với một số dân tộc khác, trước hết là dân tộc Bỉ mà, ngoài tình hữu nghị chủng tộc, giờ đây một niềm tri ân sâu sắc đang liên kết chặt chẽ chúng ta với họ! Với người Anh, người Nga cũng vậy. Nguyện xin Thiên Chúa, từ trong cơn thử thách này, làm nẩy sinh lợi ích cho các linh hồn. Này đây nhiều người chúng ta, nhiều người Hồi giáo trên đất Pháp, đang đổ máu cùng chúng ta và vì chúng ta. Hãy cầu nguyện cho họ. Hãy làm điều gì đó hữu ích cho linh hồn họ…

Nhưng cuộc chiến tranh đã khiến cha xúc động sâu sắc, vì vào năm 1893, từ dòng Trappe tại Akbès, cha đã bất lực chứng kiến cuộc thảm sát hết sức dã man 160.000 Kitô hữu người Armenie, bọn người Thổ biểu hiện một thứ hung tàn bạo ngược chưa từng thấy. Mà người Thổ lại chính là đồng minh của nước Đức. Ngày 06 tháng 12 năm 1915, cha de Foucauld viết cho tướng Laperrine:

Hy vọng các sự vụ của chúng ta diễn tiến tốt trên khắp các mặt trận. Càng ngày càng có thêm nhiều mặt trận. Thật là dã man những cuộc tàn sát người Armenie: buôn bán nô lệ hàng loạt, tuyển lựa phụ nữ làm thê thiếp! Nếu sau này người ta vẫn để tồn tại một Thổ Nhĩ Kỳ như một quốc gia, thì quả là nỗi nhục đối với quân Đồng minh. Lẽ ra người Mỹ và các quốc gia trung lập khác nên bắt tay nhau trấn áp bọn người đáng ghê tởm ấy. Khi bước vào đời tu trì, tôi những tưởng là trước hết mình sẽ khuyên nhủ sống hiền lành và khiêm nhường; theo thời gian, tôi nhận ra điều người ta tìm kiếm hơn cả, lại chính là phẩm giá và thói tự phụ! Tôi tha thiết mong muốn hai điều: Thổ Nhĩ Kỳ không còn là một quốc gia nữa, chớ gì nó bị chia nhỏ, phân tán vào các quốc gia châu Âu, và nước Đức phải đầu hàng, mất đi sự thống nhất, không còn các Hohenzollern đóng vai các ông trùm, và phải đặt vào tình trạng không làm hại ai được nữa. Điều thứ hai, tôi mong muốn chúng ta không còn mảnh đất nào gọi là Thổ Nhĩ Kỳ, là Đất thánh, và chẳng là gì khác nữa… Chúng ta có đủ đế quốc thuộc địa mênh mông của mình: hãy quan tâm làm cho nó phát triển, thịnh vượng, quản trị nó thật tốt, và đừng mở rộng nó thêm nữa.

Đó là sự khôn ngoan, đối lại với người Pháp chỉ nghĩ đến chuyện bành trướng và đánh cắp thêm nhiều đất đai của người này người khác, hòng mở rộng đế quốc của họ.

Cuộc Chiến Tranh Đang Diễn Ra Đúng Là Một Cuộc Thập Tự Chinh

Chính lúc bấy giờ, trong tâm trí cha nảy sinh một ý tưởng mà sau này sẽ nổi bật hơn cả.

Tôi chẳng bao giờ hiểu đúng về các Cuộc Thập Tự Chinh. Giờ thì tôi hiểu: Chúa sẽ cứu thế giới một lần nữa qua trưởng nữ của Hội Thánh Người.”

Càng lúc càng tin tưởng một cách phi thường hơn, cha không ngừng khắc sâu vào trí não những người liên lạc thư từ với mình ý tưởng cho rằng đây không phải bất kỳ là một cuộc chiến tranh nào đó giữa hai, ba hoặc thậm chí hai mươi quốc gia. Đây là Cuộc Thập Tự Chinh mà món đồ đặt cược chính là ơn cứu độ thế giới. Và nước Pháp là công cụ của Chúa. Cha viết cho bà Marie de Bondy vào ngày 11 tháng giêng năm 1916:

Cuộc chiến hiện nay làm cho em hiểu được những Cuộc Thập Tự Chinh. Nhất là trận chiến chống lại lạc giáo Albigeois. Giờ đây thì em hiểu. Đó chính là văn minh Kitô giáo, nền độc lập của các quốc gia, truyền thống danh dự và đức hạnh, tự do của Hội Thánh, thường là cuộc đời và vinh dự của những người trong cuộc, hiện nay cũng vậy. Em hoàn toàn tin tưởng Chúa sẽ bảo vệ nước Pháp, bất luận thế nào cũng vẫn luôn là trưởng nữ của Hội Thánh. Chúa sẽ bảo toàn các nguyên lý công bình và đạo đức, sự tự do của Hội Thánh và nền độc lập của các dân tộc. Em cũng hy vọng hòa bình sẽ làm cho xuất hiện một nước Pháp tốt đẹp hơn, đạo đức và Kitô giáo hơn, các dân tộc đồng minh sẽ liên kết với nhau đầy tình hữu nghị hơn (nguyên văn), và cả niềm hăng say phát triển nên luân lý, chế độ cai trị tốt lành và ơn cứu độ linh hồn những người dân bản địa trong các vùng thuộc địa của chúng ta. Xin Thiên Chúa nhân lành phù hộ nước Pháp và xin Người làm cho nảy sinh một phúc lộc chan hòa từ biết bao điều bất hạnh kia.

Từ cơn thử thách đẫm máu như thế, người ta thấy cha trông chờ một cuộc hồi sinh của nền văn minh Công giáo, với điều kiện cha viết cho ông Fitz-James là phải “bổ sung cuộc chiến thắng của quân lính của chúng ta trước kẻ thù bên ngoài bằng cách chữa lành một số những bất hảo bên trong”.

Cha cầu nguyện với Thiên Chúa, Chúa chúng ta, “Xin Người che chở chúng  con đến cùng, chớ gì Người làm nảy sinh từ cơn phong ba bão tố này một nước Pháp tốt đẹp và vĩ đại hơn, một châu Âu Kitô giáo, có tính Công giáo hơn. Nhiều phong trào lớn của Công giáo đã nổ ra. Rất nhiều cá nhân, gia đình, hiệp hội, đoàn thể, đã tận hiến cho Thánh Tâm Chúa; ước nguyện hành hương về Lộ Đức sau chiến thắng, cuộc hòa giải sâu sắc được thực hiện giữa một bên là nước Pháp, luôn là trưởng nữ Hội Thánh và là quốc gia Công giáo lớn nhất, với một bên là các dân tộc thệ phản và ly khai, từ Anh, Nga, Serbi, đang đưa các đất nước này xích lại gần hơn với Vị Mục Tử duy nhất và đoàn chiên duy nhất.”

Nhưng các nước Đồng minh, còn xa mới xích lại gần với nước Pháp Công giáo, mà ngay trong cuộc chiến tranh (!) bắt đầu ngấm ngầm tổ chức âm mưu hạ bệ nước Pháp và nước Áo, hai quốc gia Công giáo, và để bao che cho… nước Đức!

Nhưng rốt cuộc, vì đây là một cuộc “Thánh chiến”, nên những người lính không chiến đấu vô ích:

Chúng ta thật hạnh phúc khi được sinh ra làm người Pháp, được đứng về phe chính nghĩa, trong hàng ngũ những người chiến đấu để luân lý Kitô giáo được bảo tồn và càng lúc càng trở nên quy luật của thế giới, vì tự do của Hội Thánh và nền độc lập của các dân tộc. Đây chính là di sản của Kitô giáo mà nước Pháp và các đồng minh bảo vệ. “Hành động của Chúa qua người Pháp” (Gests Dei per Francos). Nhờ ân sủng của Đức Thánh Phu Quân của Hội Thánh đeo đuổi thực hiện sứ vụ được quan phòng cho mình trong thế giới. Hãy tin tưởng và cậy trông.”

Đó là lý do tại sao anh Charles Chúa Giêsu tôn vinh danh hiệu “tử đạo vì đức ái” đối với những người lính tử trận, càng lúc càng nhiều, trong hàng ngũ các bạn hữu và thậm chí cả những người thân của cha nữa. Cha viết cho bà Bricogne, người vừa trở thành quả phụ:

Tôi hằng cầu nguyện cho anh ấy, (…) anh ấy không chỉ hy sinh để cứu lấy những người Pháp, nam cũng như nữ, khỏi sự xâm lược của nước Đức, mà còn chiến đấu cho đến chết trong cuộc thánh chiến thực sự chống lại một tà thuyết mới. Những người anh em của chúng ta đang ngã xuống nơi chiến tuyến, chính là những người tử đạo vì bác ái.

“Cuộc chiến tranh này là cuộc chiến mà trong đó chúng ta chiến đấu toàn thế giới và nền văn minh, cũng như vì chính chúng ta… Bởi vậy, đây quả là một cuộc thánh chiến. Và điều này giúp chúng ta hiểu vì sao người ta gọi các cuộc chiến đấu khác là thánh chiến.
 
Cuộc Nổi Dậy Của Những Người Senoussi Ở Tripoli

Trong lúc chờ đợi, cha theo dõi tình hình tại Sahara. Cha chỉ dẫn và cố vấn giúp cho số sĩ quan hiếm hoi còn lại giám sát hiệu quả cả vùng đất rộng lớn bao la như nước Pháp này.

Từ đầu năm 1915, ngấm ngầm xuất hiện nhiều lực lượng nổi loạn, xuất phát từ Tripoli, nguyên là vùng đất thuộc địa Ý kể từ năm 1912. (Lybia ngày nay)

Cha Foucauld là một chiến lược gia! Trong cuốn Charles de Foucauld, Người Pháp ở châu Phi, Pierre Nord chứng minh vị ẩn sĩ biết được những gì đang xảy ra cách 600 cây số về phía Bắc, 500 cây số về phía Tây, và những gì sẽ xảy ra trong vòng 600 cây số về phía Đông; người ta tự hỏi tại sao! Kỳ thực cha là nơi tập trung các thông tin do người Touareg cung cấp một cách hết sức trung thực. Vì thế mà cha vẫn ở lại Tamanrasset.

Nhưng cha de Foucauld không quan ngại về Moussa ag Amastane và lấy làm tiếc về thái độ của một số sĩ quan nơi cha đang ở: trung úy Saint-Léger tỏ ra quá tin tưởng Moussa trong khi trung úy La Roche, một mình chỉ huy mạn Nam Hoggar, lại nghi ngờ Moussa theo phe kẻ thù và đối xử với ông hết sức nghiêm khắc, khiến ông ta có cớ để gia nhập hàng ngũ những kẻ nổi loạn.

Cha Foucauld vốn là người có tấm làm vàng cộng với một trí thông minh hết sức sắc sảo, và đã trải qua nhiều tiếp xúc với những người dân đến nỗi cha biết cả những động cơ thúc đẩy sâu xa nhất của họ. Chúng ta có thể nói về cha như Tin Mừng đã từng nói về Chua Giêsu: “Người không tin họ, vì Người biết họ hết thảy.” (Ga. 2,24)

Đây là những gì cha nói về Moussa:

Trong khi ai cũng trung thành và cố gắng giúp cho những người thuộc quyền họ xích lại gần chúng tôi nhằm tránh những lời khiển trách và những trừng phạt, thì ông lại tìm cách cai trị họ không kể gì đến chúng tôi, coi như không có mặt chúng tôi, lại còn tập hợp quanh ông những giáo trưởng ngoại quốc (vì kiêu ngạo) vốn chẳng ưa gì chúng tôi và đang gây ảnh hưởng xấu, và rõ ràng là ông ta đang chờ xuất hiện của Mahdi, trong vòng ba mươi năm nữa, đấng sẽ quy phục mọi Kitô hữu cũng như hết thảy những người vô tín khác theo đạo Hồi, và sẽ thiết lập trên trái đất này triều đại Hồi giáo, vốn là biến cố được một số Tolbas (tất cả đều là những người ngoại quốc từ Rât hoặc từ Tidikelt đến) loan báo như thể phải xảy đến trong vòng ba mươi năm nữa…

Lô Cốt Bordj

Trước nguy cơ bị những người Senoussi nổi loạn tấn công, cha de Foucauld quyết định biến nơi ẩn tu của mình thành “lô cốt” để cho người dân phụ cận có thể đến trú ẩn.

Được một số quân nhân và người bản xứ giúp đỡ, bắt đầu từ tháng 4 năm 1916, cha xây dựng chiếc lô cốt vuông mỗi cạnh 16 mét và cao 5 mét, bằng gạch loại tốt, hết sức đơn giản nhưng tuyệt đẹp. Ở trung tâm đồn “Bordj” ấy, có một giếng nước cho phép cầm cự được một cuộc vây hãm trong lúc chờ tiếp viện từ pháo đài Motylinski. Công trình được hoàn thành vào ngày 23 tháng 6 và cha Charles Chúa Giêsu chuyển đến đấy ở, dự liệu việc tích trữ lương thực, thuốc men và súng đạn.

Cha nói: “Đúng là người đan sĩ-chiến binh canh gác cho vùng biên cương của vương quốc Kitô giáo“. Khu dinh thự của cha là một thành trì của Kitô giáo, hẻo lánh giữa vùng cát sa mạc, trực diện với kẻ thù.

“Kế Hoạch Rút Lui”

Tháng 6 năm 1916 các vị trí của chúng ta (người Pháp-ND) có vẻ được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên các binh đoàn buộc phải rút lui chiến thuật, bởi vì Briand không muốn thay đổi chính sách đối với nước Ý. Thay vì chế ngự cuộc nổi loạn, người ta lại động viên nó! Cha Foucauld tức khắc tố giác sai lầm chiến thuật này.

Cha viết cho thiếu tá Duclos:

Tamanrasset, ngày 01 tháng 9 năm 1916.

“Tôi hoàn toàn nhất trí với anh về mọi việc. Về việc dứt khoát phải có một trấn áp nghiêm khắc đối với những kẻ phạm tội ác, những cuộc đào ngũ, ly khai, đầu hàng địch; việc cần thiết phải khai trừ những phần tử có thể gây rối, bọn gián điệp và những tên gieo rắc sự hoang mang; việc nhất thiết phải cấm tất cả những tường trình về người của ta đầu hàng địch, bất phục tùng, thoát ly, v.v…; việc cần phải tránh các cuộc điều đình với những kẻ thù người bản xứ, ngoại trừ trường hợp duy nhất khi họ đến xin tha chết, và chứng tỏ hoàn toàn quy phục…

“Đừng trấn áp quá nặng tay, bởi vì làm như vậy là động viên bọn tội phạm liều lĩnh hơn và thúc đẩy người khác đi theo chúng ; đó là đánh mất sự quý mến của tất cả những người đã phục tùng hoặc chưa, làm cho họ chỉ nhìn thấy trong biện pháp ấy sự hèn nhát, hãi sợ; làm nhụt chí những người trung thành phải nhìn thấy cùng một cách ứng xử như thế đang chờ đợi những người trung thành cũng như những kẻ đào ngũ, những người phục tùng cũng như những tên phản loạn…

“Đừng xua đuổi những kẻ có thể gây rắc rối, vì như thế là để cho những mầm mống hoảng loạn, vốn chỉ mới manh nha từ đầu, có cơ hội phát triển và tác động mạnh mẽ hơn, có thể trở nên hết sức trầm trọng và đi đến chỗ nổi loạn rộng khắp… Xử lý bằng sức mạnh với các cấp chỉ huy của kẻ thù hoặc lực lượng nổi loạn, tức là làm cho chúng  không ngừng lớn mạnh đồng thời tự làm suy giảm sức mạnh của chính mình…

Ngày 06 tháng 9, cha viết cho tướng Lyautey để cảnh báo về mối nguy hiểm sắp xảy đến, và không giấu nỗi quan ngại của cha: Algérie chẳng làm gì để chiến thắng cuộc nổi loạn!

Chỉ vài tuần lễ sau đó, cha Foucauld sẽ trở thành nạn nhân của “kế hoạch rút lui”. Nhưng lời kêu gọi của nhà thám hiểm quá cố vùng đất Maroc sẽ được nghe theo. Cũng trong thời kỳ này, tướng Lyautey sẽ được triệu hồi về Bộ Chiến Tranh. Ông sẽ chỉ định tướng Laperrine chỉ huy các quân đoàn Sahara. Người ta sẽ thực hiện việc cần làm để chặn đứng hoạt động của lực lượng Senoussi nổi loạn trên vùng biên giới. Từ đó, an ninh trật tự nhanh chóng được vãn hồi, nhưng cha Foucauld đâu còn nữa để nhìn thấy những điều ấy…

 
(Trích CRC số 339 – tháng 10/1997, tr. 13-20)

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây