CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 6)

Thứ hai - 04/05/2020 10:41
CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 6)
Cuộc đời Chân Phước Charles de Foucauld

Chương 6

NAZARETH: CHỖ RỐT CÙNG (1897-1898)


Người nghèo thành Nazareth

Được giải lời khấn theo dòng Trappe, thầy Marie Albéric vội vã đáp tàu sang Đất Thánh. Ngày 06.3.1897, thầy đến đan viện các chị dòng thánh Clara ở Nazareth, thật ấn tượng. Nhìn chàng thanh niên, ăn mặc như một kẻ khố rách áo ôm, tham dự thánh lễ và quỳ gối suốt ngày trước hào quang Thánh Thể, chị nữ tu phụ trách phòng khách tự hỏi liệu có phải mình đang đụng đầu với một gã điên hay một tên trộm không đây. Hôm sau, Mẹ Maria-Ange Thánh Micae, Bề Trên đáng kính, là người vốn thận trọng, đã nhận ra ngay con người ưu tú kia đang muốn xin giúp việc. Không chút do dự, và tuy lúc ấy không cần người, Mẹ vẫn tiếp nhận thầy vào làm việc ngay.

Người ta đề nghị thầy ở căn nhà ngay bên trong tu viện, trước đây dành cho người làm vườn, nhưng vô ích. Thầy từ chối, vì cho rằng nó quá đẹp và quá rộng. Cuối cùng người ta đành phải thu xếp cho thầy ở trong một cái chòi chứa đựng dụng cụ lao động, tựa lưng vào vách tường thành tu viện và nằm trong một khuôn viên được rào kín chỉ trổ cửa hướng ra cánh đồng. Thầy liền dâng hiến “căn chòi ván” ấy cho Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Ngày 22 tháng 3, thầy viết cho bà Marie de Bondy: “… Nơi đây, em đang sống giữa sự hiện diện khiêm hạ và tối tăm của Chúa, người thợ mộc thành Nazareth.”

Đời sống thường nhật

Anh thức dậy vào lúc bình minh hoặc có khi sớm hơn, sau khi đã quyết bật dậy khỏi giường ngay lúc vừa choàng tỉnh. Anh cầu nguyện cho đến khi nghe thấy các thầy dòng Phan Sinh đọc Kinh Truyền Tin. Anh đi xuống một cái động từ đó dẫn lên căn nhà của Thánh Gia Thất. Tại đấy, các thánh lễ được cử hành nối tiếp nhau trong khi anh lần hạt. Đến 6 giờ, anh trở về đan viện, sửa soạn phòng thánh và nhà nguyện trước khi giúp các nữ tu dự lễ vào lúc 7 giờ. Theo lời khuyên của Cha Huvelin, anh rước lễ hằng ngày và xưng tội mỗi tuần một lần.

Lễ xong, anh bắt đầu cặm cụi làm đủ thứ công việc lặt vặt giúp các nữ tu, cho đến 17 giờ là giờ chầu Thánh Thể. Tuy nhiên anh cũng phải tạm nghỉ hai lần, mỗi lần nửa giờ trước bữa ăn nhẹ buổi sáng và vào lúc 15 giờ, để đọc các kinh thần vụ giờ sáu, giờ chín và Kinh Chiều. Sau giờ chầu, anh còn ở lại trong nhà nguyện cho đến 19g30, rồi mới về phòng và vừa dùng một ít bánh mì vừa đọc sách. Đến 21 giờ, anh đi ngủ, nhưng rất thường, và càng lúc càng thường xuyên hơn, anh không đi ngủ mà lẻn đi như một tên trộm, đến nhà nguyện của đan viện vì Mẹ Bề Trên đã tin tưởng giao chìa khóa cho anh. Ở đấy, chẳng một ai biết, anh quỳ gối dưới chân Thánh Thể và cầu nguyện.

Những bông hoa nhỏ

Một buổi tối bọn cướp đột nhập. Chúng chẳng có gì để mặc. Anh liền chia sẻ với hai tên trong bọn chúng chiếc áo choàng duy nhất của mình, rồi thấy trên móc đinh còn mắc chiếc áo màu xanh lơ mà các nữ tu cho anh để thay, tuy trái với Quy Luật riêng của mình, anh cũng đã nhận cách miễn cưỡng, anh cũng lấy luôn đem cho tên thứ ba.” Rõ ràng đây là một nét riêng khiến cha tuyên úy của đan viện phải thốt lên: “Ôi, đúng là một chàng trai tốt bụng, nhưng chẳng phải là thông minh lắm đâu…”

Tuy nhiên, anh cũng vẫn biết chiến đấu. Ngày nọ, có đám người qua đường giật chuông trước cửa tu viện xin thức ăn và tiền. Có gì người ta cho nấy. Hầu như chẳng là bao. Giận sôi lên, bọn chúng hăm dọa chị nữ tu coi phòng khách và các bạn của chị. Anh can thiệp, lặng lẽ túm lấy vai chúng và quật cả bọn ngã lăn ra đất. Sau đó anh nhẹ nhàng ra lệnh cho bọn chúng cút đi.

Một kho tàng linh đạo

Chính đây là giai đoạn đánh dấu phần lớn những bút tích thiêng liêng của Charles de Foucauld. Trước  hết đó là những bài suy niệm, rất thường là suy niệm về Tin Mừng, những ghi chú về các cuộc tĩnh tâm, những suy tư về các ngày lễ phụng vụ.

Ngày 15.02.1898, anh viết cho Giêrônimô:

Thường thì đó là những lời cầu nguyện, những cuộc chuyện trò thân mật với Vị Phu Quân chí thánh, con nói với Người tất cả những gì phải nói… hết sức thân tình…

Những mầu nhiệm của Đức Giêsu sớm nổi bật lên trong đời sống các thánh; bởi chưng, khi đi đến tận nguồn mạch, người ta được nuôi dưỡng, trước hết là bằng Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng. Đối với vị ẩn sĩ Nazareth, điều cốt thiết là nhận biết và yêu mến Đức Giêsu:

Điều phải luôn vượt trội hơn cả trong cầu nguyện, chính là tình yêu.

Để cầu nguyện, anh viết. Ngọn bút của anh chỉ việc đi theo tiếng nói của con tim. Những suy niệm của anh làm sống lại con người Đức Giêsu, Đến qua anh đã nói ra lời này:

Con hãy sống như thánh nữ Mađalêna xưa đã từng sống với Ta ở Nazareth.”

Năm 1898, được thấy cuộc trưng bày Khăn Liệm thành Turin, và việc khám phá ra dung mạo của Chúa, còn in lại trên Thánh Tích, qua ảnh chụp. Cha Giêrônimô gửi một bản sao cho Charles và anh cảm ơn ngài bằng những lời đầy nhiệt tình:

Nazareth, ngày 08 tháng 5 năm 1898.

Thưa cha kính mến, cảm ơn cha về lá thư ngày 05 tháng 4, và những kỷ vật hết sức quý báu kèm theo: chiếc lá cam thánh thiện, và bản sao bức ảnh Tấm Khăn Liệm: bức ảnh ấy quả là một kho báu, một chân dung đích thực của Chúa Chí Ái của chúng ta, con chẳng biết cảm ơn cha thế nào cho đủ; đó là một thánh tích thực sự và rất quý giá! Xin cảm ơn cha rất nhiều!”

Anh vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc đó không giống như sự bình an, niềm an ủi anh đã cảm nghiệm tại Dòng Trappe, mà là một triển nở phi thường về linh đạo của anh, một bùng nổ đặc sủng: người ta nghĩ tình trạng đó gần giống như một hôn lễ thần bí.

Nếu quả thật là anh đã nhận được nhiều ơn thần bí lớn lao vào thời kỳ này, thì không phải lúc nào linh hồn anh cũng cảm nhận được sự an ủi đâu. Đây là những gì anh viết vào ngày Lễ Hiện Xuống:

Lạy Chúa,  điều gì trong linh hồn con làm Chúa phiền lòng nhất? Tinh thần cầu nguyện, niềm tín thác vào Chúa, tình yêu, sự dịu dàng, lòng trung thành, sự đại độ đang thiếu nơi con. Chúa Giêsu không hài lòng về con. Sự khô khan và những bóng tối, tất cả đều nặng nề đối với con; rước lễ, cầu nguyện, nguyện ngắm: tất cả mọi thứ, ngay cả việc thưa với Chúa Giêsu là con yêu mến Người. Con phải bám chặt vào đời sống đức tin! Giá như con cảm thấy đôi chút là Chúa Giêsu yêu con. Nhưng có bao giờ Người nói với con điều đó đâu. Cái mà con thiếu nhất, chính là sự quên mình và một trái tim thân tình đối với người khác.”

Đoạn văn chất chứa biết bao ý nghĩa! Nó cho thấy cái giá phải trả để có được sự bình an và niềm vui.

Tĩnh tâm tại Nazareth

Từ 05 đến 15 tháng 11 năm 1897, anh thực hiện một cuộc tĩnh tâm. Mục đích nhằm:
– Biết Chúa hơn để yêu mến Chúa nhiều hơn
– Biết Ý Chúa hơn để thực hiện cách tốt hơn.

Sau khi đã suy niệm về những sự toàn thiện và sự hiện diện của Thiên Chúa, anh đọc lại toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu, từ Nhập Thể cho đến cuộc sống của Người trong Thánh Thể và trong Hội Thánh. Và Charles de Foucauld phát hiện ra ơn gọi chủ yếu của anh nằm ở chỗ là trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình.

Ở Nazareth, Đức Giêsu không ngừng tôn vinh Thiên Chúa và không ngừng thánh hóa con người bằng đời sống nội tâm, bằng việc cầu nguyện hơn là đời sống bên ngoài của Người vốn vô cùng thánh thiện… Cũng vậy: cho dẫu đời sống bên ngoài của chúng ta có thánh thiện đến đâu chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn ít được tôn vinh hơn là đời sống nội tâm của chúng ta… Ơn gọi của tôi, chính là đời sống của Đức Giêsu ở Nazareth, nghĩa là trở nên một người con mẫu mực đối với Đức Trinh Nữ Rất Thánh, mà tôi nhìn thấy nơi các mẹ của tôi [các nữ tu dòng Thánh Clara], và hơn nữa để trở thành người con mẫu mực đối với Thiên Chúa.”

Trước mắt, anh coi Nazareth như là nơi ở cuối cùng của mình, song vẫn hoàn toàn sẵn sàng rời xa chỗ hồng đức này, ngay khi anh nhận ra Ý Chúa muốn anh rời đi nơi khác:

Tôi phải nhận ra rằng thật là một hồng ân lớn lao khi được cư ngụ tại Nazareth. Ngay khi việc đó thôi không còn là Ý Chúa nữa, tôi sẽ phải quên mình mà lao đi, không một lần ngoái lại, đến nơi mà Ý Người gọi tôi đến.

Chịu đau khổ với Đức Giêsu và ước ao chịu tử đạo

Ẩn dật, được mai cùng với Đức Kitô, anh Charles Chúa Giêsu kết hiệp với cuộc hiến tế của Người, bằng cách dự phần vào mầu nhiệm Thánh Thể. Anh thường suy niệm về sự hy sinh và trở lại với lời Đức Giêsu: “Nếu hạt lúa mì không chết đi…” Anh ước ao được cùng chịu đau khổ với Đức Giêsu và cùng với Người cứu vớt các linh hồn.

Từ hôm 04 tháng 4 năm 1898, anh viết trong tập Những Nhận Định như sau: “Luật Thánh Giá, luật dạy chúng ta chỉ làm điều lành cho người khác nhằm đem họ về cho Chúa, sinh ra họ cho Chúa bằng việc chúng ta chịu đau khổ, chịu đóng đinh thập giá; luật đó thật phổ quát, thật tuyệt đối như Đấng Cứu Độ, Đấng mà mọi hành vi của Người đều có giá trị vô song; Đấng nắm toàn bộ ân sủng trong tay và có thể mang lại mọi điều lợi ích cho các linh hồn như  ý muốn mà không cần đích thân phải chịu đau khổ; dẫu vậy, Đấng Cứu Thế, đã muốn phục tùng và ôm lấy luật ấy đến độ Người đã muốn chịu đau khổ và đã chịu đóng đinh cách trọn vẹn hơn bất kỳ con người nào đã từng và sẽ phải chịu như thế.”

Bỏng cháy tình yêu Đức Giêsu, anh Charles ước ao ngày một đồng hình đồng dạng với Đấng Chí Ái của mình hơn nữa.

Bấy giờ, hơn cả đau khổ, anh xin được ơn tử vì đạo. Vào năm 1896 nhân lúc xảy ra cuộc thảm sát những người Công giáo tại Armeni, anh đã tha thiết ước ao được cùng chết với họ, và từ đó, ý tưởng này không bao giờ rời xa anh nữa cho đến khi chết. Anh manh dâng hiến Chúa Giêsu dấu chứng của “tình yêu vĩ đại” bởi vì “Dấu chứng của tình yêu vĩ đại nhất chính là hiến dâng mạng sống mình cho người mình yêu”. Trong những thời biểu được chép lại hằng năm vào sổ tay cá nhân của mình, anh không bao giờ quên ghi chú về thời điểm tử vì đạo của ông chú Armand de Foucauld trong cuộc Cách Mạng:

Lễ Hiện Xuống, ngày 06 tháng 6 năm 1897, anh viết: “Con hãy nghĩ mình phải chết vì đạo, bị lột trần truồng, nằm sóng soài trên mặt đất, không ai nhận ra, máu me đầm đìa và đầy thương tích, bị giết chết một cách tàn bạo và đau đớn… và con hãy ước ao cho nó xảy đến ngay hôm nay”. “Để được Ta ban cho hồng ân vô song đó, con hãy trung thành tỉnh thức và vác Thập Giá! Hãy cân nhắc cho kỹ rằng chính là phải qua cái chết như thế mới đạt đến sự sống trọn vẹn của con: từ đó hãy coi khinh mọi sự! Hãy thường nghĩ về cái chết ấy để chuẩn bị nó cho con và đánh giá các sự vật đúng với giá trị thực của chúng!

Tâm tình với Chúa Giêsu Thánh Thể

Vâng, anh Charles đánh giá các sự vật đúng với giá trị đích thực của chúng và điểm trung tâm đời sống của anh, khiến anh say sưa và hoan hỉ, chính là việc rước lễ. Sau khi suy niệm lâu và thấm nhuần tinh thần sách Diễm Ca, anh gặp thấy trong các bản văn thần thánh ấy những lời chính xác để nói lên công trình mà Chúa Giêsu Thánh Thể đã hoàn tất trong tâm hồn chúng ta.

… Ôi! Đâu phải là phần cặn của chén đau khổ mà Chúa đã trao cho con uống! Thứ rượu mê say nào Chúa đã trao cho con đây? Bánh nào Chúa đã nuôi sống con? Đôi môi nào đã chạm vào môi con? Vòng tay nào đã siết chặt con? Con tim nào con cảm thấy dồn dập dưới đầu con trong vòng tay đang ôm con vào lòng?… Ai đã bước vào trong con? Ai đã kết hiệp với con bằng một kết hiệp mà thế gian không thể gọi tên, một kết hiệp mà tai không nghe, mắt không thấy, tâm trí không hiểu thấu được?… Một kết hiệp thần thánh, hoàn toàn thần thánh, thần thánh bởi vì Chúa là Thiên Chúa mà kết hiệp với loài thụ tạo là con… Thần thánh bởi vì Chúa kết hiệp với con bằng phép lạ thần linh… và một cách siêu nhiên!...”

Con thật hạnh phúc, Chúa thật tốt lành!… Ôi, lạy Chúa, Chúa đã bước vào ngôi nhà hèn hạ của linh hồn con, xin hãy ở lại đấy mãi mãi, hãy xua đi tất cả những gì làm nó ra nhơ uế, những gì không dành cho Chúa và không bởi Chúa mà ra…”

“Ôi! Giờ phút ấy chính là trung tâm của tất cả hai mươi bốn giờ: Mười hai giờ trước nó được dùng để kêu gọi, chờ đợi, hướng tới, khát khao rước lễ; mười hai giờ sau hiệp lễ, bạn hãy dùng để vui hưởng những ôm ấp của Người, để cảm ơn, chúc tụng, ngợi khen, nói về Người tận đáy sâu tâm hồn mình, nơi mà Người đã bước vào, cố giữ Người lại, tiếp đón Người tử tế, làm cho Người cảm thấy được hạnh phúc ở trong đó (…) Ôi! Lạy Đức Thánh Trinh Nữ và thánh nữ Mađalêna, xin hãy làm cho con ước ao những ngày sống của con cũng được như vậy! Hãy làm cho con cùng với các Ngài sống quanh tâm điểm Thánh Thể, và cho con lúc nào cũng được yên giấc cùng với các Ngài bên Trái Tim đáng chúc tụng của Chúa Giêsu mà hôm nay chúng ta bắt đầu tháng mừng kính…

Chúng ta thật may mắn khi Cha Charles Chúa Giêsu đáng kính đã nói với chúng ta về việc Rước Lễ bằng những lời lẽ tuyệt vời như thế!

Quả là một sự sung mãn thần bí hoàn toàn phi thường, ngay cả tận trong nơi khô khan nhất. Nhưng cũng trong năm 1898 ấy – lại là cuộc khởi đầu cho một sục sôi mới trong anh.

 
(Trích CRC số 330 – tháng 02/1997, tr. 25-30)

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây