CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 4)

Chủ nhật - 03/05/2020 10:35
CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CHARLES DE FOUCAULD (CHƯƠNG 4)
Cuộc đời Chân Phước Charles de Foucauld

Chương 4

ƠN GỌI TU TRÌ


Việc trở lại của Charles de Foucauld có tính triệt để làm nên những vị thánh: “Ngay khi tôi tin có Thiên Chúa, thì tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho Ngài. Ơn gọi tu  trì của tôi nảy sinh cùng lúc với ơn đức tin của tôi.”

Liền sau đó, theo sự hướng dẫn của Cha Huvelin, Anh nghiệm thấy tình yêu thôi thúc Anh phải bắt chước Chúa Giêsu. Anh bước theo ơn gọi tu trì từ chóp đỉnh, không phải vì sợ sa hỏa ngục, cũng không phải để được lên Thiên Đàng, nhưng bởi vì lửa tình yêu tột độ phát xuất từ “Lòng bên lòng” với Chúa Giêsu thiêu đốt Anh.

Đối với kẻ thực tình yêu mến Ta, say yêu Ta – Anh nói thay Chúa Giêsu – Thì tình yêu của Ta là một sợi dây ràng buộc thánh, một cuộc hôn nhân, và mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi hành động nghịch với đức khiết tịnh là một sự bất trung với Vị Phu Quân Cho nên Anh hiểu rằng đức đồng trinh, đức khiết tịnh không phải là trạng thái của một linh hồn không kết hôn, trái lại đó là trạng thái của một linh hồn kết hôn với một Vị Phu Quân rất đáng yêu, với một Vị Phu Quân hoàn hảo, hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn thánh thiện, hoàn toàn đáng yêu… và trạng thái này là trạng thái bình thường, thích đáng, đích thực, đối với con người, vì sự thật, sự công minh chính là họ nhìn thấy Ta như Ta là, họ say mê vẻ đẹp của Ta, họ yêu mến Ta hết lòng, và họ dành cho Ta tất cả con tim của họ đến nỗi mọi sự kết hợp khác đều không thể chấp nhận, là đáng ghê tởm, là một sự thất tín với tình yêu say mê họ dành cho Ta…

Khi thấy sự hăng say và tính triệt để của người con thiêng liêng của mình, lúc đầu Cha Huvelin không nhận ra nên ngài muốn Anh kết hôn. Nhưng Charles không muốn nói đến chuyện ấy và chỉ nghĩ đến đời sống tu trì. Chính vì thế, Cha Huvelin đã khôn ngoan, thận trọng và từ từ hướng dẫn Anh theo ơn gọi tu trì này. Thế là Cha Huvelin đề nghị Anh nên đi hành hương qua Đất Thánh để theo dấu chân Chúa Giêsu.

Hành hương Đất Thánh
(Tháng 11/1888 – Tháng nhất/1889)

Mười ba năm sau, Anh viết cho bà Marie de Bondy rằng “Cực chẳng đã em phải làm việc đó, vì hoàn toàn vâng lời Cha Huvelin mà thôi”. Anh vâng lời, như Anh sẽ làm như vậy suốt đời, và chính nhờ thế mà Anh nhận được ơn mạc khải của Chúa Giêsu, chính nhờ thế mà Anh nhận ra đặc sủng thấu hiểu đời sống của Chúa Giêsu khi sống 30 năm với Cha Mẹ Thánh của Người, rồi 3 năm sau đó với các Môn đệ của Người. Một sự khám phá làm xáo trộn nhưng sẽ là ánh sáng hướng dẫn tất cả đời sống Anh và gợi hứng cho toàn bộ cách sống của Anh.

Sau khi mừng Lễ Noel 1888 tại Bêlem, tham dự Lễ Đêm và Rước Lễ tại Hang Đá, chừng hai hay ba ngày em trở lại Jerusalem. Không thể tả được vị dịu ngọt mà em đã cảm nhận khi cầu nguyện trong hang này, cái hang đã dội lại tiếng nói của Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, và là nơi em được ở rất gần các Đấng… Nhưng, than ôi! Sau một giờ đi bộ, mái vòm của thánh đường Mộ Chúa Giêsu, Núi Sọ, Núi Cây Dầu đứng sững trước mặt em, nên, dầu muốn hay không, người ta cũng phải thay đổi ý nghĩ và dừng lại dưới chân Thánh Giá.”

Chính do hiệu quả của việc thấu hiểu Thánh Giá này mà vài ngày sau, ngày 10 tháng 01, Charles de  Foucauld mới hiểu được đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth là gì: Một cuộc sống đơn điệu, tầm thường, cơ cực. Sự khiêm nhượng của Chúa Giêsu trên Núi Sọ đã đánh động Anh thế nào, thì cũng đã thể hiện cách mãnh liệt như vậy nơi cuộc sống tại Nazareth, và từ đó Charles de Foucauld hình dung cuộc sống ẩn dật như một đời sống ‘thấp hèn”.

Charles trở về, tâm hồn Anh bị choáng ngợp vì chuyến hành hương này; nó đã thực sự là khúc quanh của đời Anh. Bắt đầu từ tháng 01 năm 1889, Anh biết mình phải bắt chước Chúa Giêsu làm sao: Cuộc sống tại Nazareth hết sức đơn giản, khó nghèo và khiêm hạ. Chính lúc đó, nhờ bà Marie de Bondy, Anh được ơn gặp Chúa Giêsu trong Thánh Tâm Người.

Lòng sùng kính Thánh Tâm

Khi bà chị họ của Anh giải thích cho Anh biết Chúa Giêsu đã trở thành Phu Quân của linh hồn bà thế nào, dạy bà lướt thắng những cực nhọc để yêu thương và thậm chí yêu thương chồng chị hết lòng, thì bà đã tỏ cho Anh biết con tim nồng nàn yêu mến Chúa Giêsu và lòng sùng mộ của bà đối với Thánh Tâm Người là thế nào. Như vậy qua tâm hồn của người chị họ mà Charles mới hiểu thấu được mầu nhiệm tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu. Nơi đó, qua bao nhiêu thử thách, Anh đã tìm thấy hạnh phúc suốt đời. Anh không ngớt tỏ lòng biết ơn bà chị họ của Anh:

Vâng, chúng ta hãy hy vọng vào lòng thương xót vô biên của Đấng mà chị đã giúp em nhận biết Thánh Tâm Người” (ngày 7 tháng 4 năm 1890)
Nhiều người khác, nhất là Cha Huvelin, đã có thể góp phần làm ích cho em trong nhiều sự, nhưng về lòng mộ mến Thánh Tâm, thì nhờ ơn Chúa, em chỉ nhờ một mình chị, tuyệt đối một mình chị và em chỉ mắc nợ chị mà thôi.”

Ngày 6 tháng 6 năm 1889, Anh đến Vương cung thánh đường Montmartre để tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Năm 1900, giữa lúc đang gặp một thất bại lớn, Anh chọn khẩu hiệu “Giêsu – Tình Yêu” và chọn Trái Tim và Thánh Giá làm biểu tượng, mang trên ngực.

Tình yêu rất cao đẹp Anh dành cho bà Marie de Bondy, Anh “chuyển sang” qua Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và dường như đối với Anh, yêu tức là bắt chước, và bắt chước tức là phục vụ, Anh muốn biến mình nên tất cả cho Chúa Giêsu, ở gần Người, gần sát hơn mãi, và không lìa bỏ Người nữa.

Cha Huvelin đã dạy cho Anh biết một tình yêu như thế hệ tại điều gì: đó là “đi xuống”, cho tới sự khó nhọc và sự khiêm hạ, để được ở với Chúa Giêsu mãi mãi.

Lạy Chúa, con không biết có linh hồn nào khi thấy Chúa nghèo mà vẫn có thể ung dung sống giàu sang; nhưng phần con, dầu thế nào đi nữa, con không thể quan niệm được tình yêu mà không có nhu cầu, một nhu cầu cấp bách phải sống phù hợp, và nên giống người mình yêu

Tìm một Đan viện lý tưởng

Năm 1889 đó sẽ là năm cuối cùng Anh sống giữa đời. Anh dùng thời gian đó để cầu nguyện, đang khi vị linh hướng của Anh nắm lấy cơ hội để ấn định dòng tu cho Anh gia nhập.

Ngày 19.08.1888, Anh viếng thăm Dòng Trappe de Fontgombaut. Trong vườn Anh thấy một đan sĩ Xi-tô, áo sống dơ nhớp, vá chằng vá chịt, đang hái rau. Khi Charles đến cách thầy không xa, ông thầy này cũng chẳng buồn ngước đầu lên xem những người khách tham quan này la ai. Thấy vậy, Charles tự nhủ: Đó là điều tôi tìm kiếm.

Vào tháng 4 năm 1889, Cha gởi Anh đi dự Lễ Phục Sinh tại Solesmes.

Cha Huvelin viết thư cho ngài Delatte, Viện phụ Đan viện:

Cha rất đáng kính,
Tử tước de Foucauld, người trao cho Cha lá thư này là một cựu sĩ quan, là một du khách gan dạ tại Marốc, một người hành hương sốt sắng tại Đất Thánh, một nhà quý tộc hoàn hảo, rất là đạo đức, và yêu thích đời sống tu trì.”

Nhưng Charles không gặp ở đó con đường của mình, và các Cha dòng Biển Đức hướng Anh vào Dòng Trappe.

Giữa khoảng từ 20 và 30 tháng 10, Charles de Foucauld đến đan viện Đức Bà Xuống Tuyết. Đan viện này hấp dẫn Charles cách rất đặc biệt bởi vì nó nghèo quá cỡ và nó vừa mới thiết lập thêm đan viện Đức Bà Thánh Tâm, ở Cheklé, gần d’Akbès, bên Syrie. Tức khắc, Anh nghĩ tới việc xin nhập đan viện mới nằm giữa xứ ngoại giáo, hết sức nghèo khổ và vô cùng nguy hiểm này, đó là tất cả điều Anh tìm kiếm từ ân sủng đã lãnh nhận trên Đất Thánh, hầu gặp được ở đó một cuộc sống phù hợp hơn với đời sống của Chúa Giêsu.

Sự hy sinh to lớn

Mùa hè năm 1889, Anh đã qua một tháng tại La Barre, tại gia đình bà Bondy. Anh theo họ đi lễ và rước lễ. Đó là những ngày ân sủng mà sau này Anh nhắc tới trong các thư của Anh. Đó là Thiên đàng đối Anh, với bà chị họ của Anh và các con của chị, với bà cô của Anh và với các bạn hữu vãng lai. Họ thật hạnh phúc. Một buổi xế trưa, họ thuê một chiếc thuyền để ngắm cảnh trên mặt hồ… Charles cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì họ hoàn toàn hiểu nhau. Bỗng nhiên Anh thấy chị Marie và con chị thật xinh đẹp! Sau này Anh giải thích rằng vẻ đẹp này đã làm Anh say mê, bởi lẽ vẻ đẹp này đã  nói với Anh về Vẻ Đẹp của Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, Chúa tốt lành biết bao vì đã tỏ cho con thấy vẻ đẹp của Chúa trong các tạo vật! Con thật có lỗi nếu con không dừng lại trong giây lát, và nếu qua bức màn này con không thấy vẻ đẹp tuyệt vời của Chúa vì tình yêu đã tỏa xuống trên con, trên các linh hồn khác, một tia sáng tốt đẹp của Chúa trên mặt đất.”

Và khi những ngày êm dịu này trong gia đình qua đi như vậy, Charles de Foucauld rất là hạnh phúc đến nỗi Anh khấn hứa với Chúa về điều đối với Anh là hy sinh lớn nhất có thể: Đó là từ bỏ nó với lời hứa là không bao giờ tìm gặp lại nó dưới đất này nữa. Và Anh đã giữ lời hứa.

Ngày 15 tháng Giêng 1890, Charles từ giã người chị Anh yêu mến nhất trên đời. Họ đã sắp đặt trước về sự ra đi này, như là một nghi thức phụng vụ.

Sáng sớm, họ đi tới nhà thờ Thánh Augustin, rước lễ tại bàn thờ Đức Mẹ, nơi Anh đã được rước Chúa Giêsu lần đầu tiên, ngày Anh trở lại. Họ trở về nhà. Buổi xế Anh từ giã chị để đi thăm Cha Huvelin đang bệnh, nhận lãnh phép lành cuối cùng của ngài: Anh đã dốc quyết không bao giờ trở lại đây nữa.

Hàng năm, mãi cho tới cuối đời, Anh trung thành cử hành ngày này, cảm thấy cùng một sự đau khổ. Biết bao lần Anh trở lại đó! Sự đau khổ dưới đất này làm cho Anh ước  muốn được sum họp trên Trời. Và chính sự việc đó là điều đáng phục nơi Anh: Sự từ bỏ không bao giờ làm khô kiệt con tim; trái lại nó giúp cho tình yêu thăng tiến. Nhưng nhở một tình yêu đã được hoàn toàn siêu nhiên hóa, và sẽ trở thành nguồn ân sủng vô tận cho tất cả những ai sống bên Anh và yêu thương Anh. Anh đáp chuyến tàu lửa đêm đi tới Đan viện Đức Bà Xuống Tuyết: Anh đã rũ bỏ mọi sự Anh yêu muốn. Anh đã bỏ cha mẹ: Gia đình và quân đội.

Vài tháng sau Anh tự bào chữa với ông bạn Duveyrier:

… Tại sao tôi vào dòng Trappe? Đó là điều mà anh yêu cầu tôi giải thích nhân danh tình bạn chí thân. Thưa vì tình yêu, hoàn toàn vì tình yêu. Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống nghèo, lao động, ăn chay, không có tiếng tăm và bị coi thường, như người thợ rốt hết, Ngài đã qua nhiều ngày đêm cô độc trong sa mạc; tôi yêu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, dẫu bằng một con tim vẫn luôn muốn yêu Ngài mỗi ngày một hơn, nhưng cuối cùng tôi yêu Ngài, và tôi không thể chịu đựng sống một cuộc sống khác với Cuộc Sống của Ngài, một cuộc sống êm ái và được trọng vọng trong khi Ngài đã sống một cuộc đời khổ cực và bị khinh bỉ hơn bao giờ hết… Tôi không muốn trải qua cuộc sống hạng nhất đang khi Đấng tôi yêu ở hạng chót… Hy sinh lớn nhất đối với tôi, lớn đến nỗi tất cả những hy sinh khác xung quanh nó đều không có và trở thành hư không, đó là sự xa cách mãi mãi với một gia đình tôi thiết tha yêu mến và với các bạn hữu không  nhiều nhưng tôi tha thiết gắn bó: Những những bạn chí thân chỉ có khoảng 4, 5 người, mà anh là một trong số những người bạn đầu tiên của tôi: Đó là nói cho anh biết tôi đau đớn biết chừng nào khi nghĩ rằng tôi không bao giờ thấy anh nữa…

 
Trích CRC số 329 - tháng 01/1997, tr. 24-28

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây