CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CdF - Chương 12

Thứ ba - 09/05/2017 09:34
Trong khi từ năm 1908 đến 1914, Cha Charles de Foucauld không thành công trong việc tạo ra trên đất Pháp một phong trào rộng lớn nâng đỡ việc Phúc Âm hoá cho những người vô tín ngưỡng trong các vùng thuộc địa, thì Cha lại gặt hái được một thành công trọn vẹn ngay tại Sahara.
CHƯƠNG 12
 
CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA CỦA NƯỚC PHÁP CÔNG GIÁO
 
PHƯƠNG THẾ KHAI THÁC THUỘC ĐỊA HIỆU QUẢ : QUÂN ĐỘI
 
 
            Trong khi từ năm 1908 đến 1914, Cha Charles de Foucauld không thành công trong việc tạo ra trên đất Pháp một phong trào rộng lớn nâng đỡ việc Phúc Âm hoá cho những người vô tín ngưỡng trong các vùng thuộc địa, thì Cha lại gặt hái được một thành công trọn vẹn ngay tại Sahara. Trên vùng sa mạc, dẫu sao, Cha cũng có một gia đình thiêng liêng : Quân đội ! Đó là các sĩ quan thuộc địa Pháp vốn rất hiểu Cha. Chẳng phải nhằm phục hồi cho mình. Trong khi hiến thân cho Đức Giêsu và những con người nghèo khổ, Cha đã dựa vào Quân đội và dưới sự che chở của lực lượng này mà dấn sâu vào vùng sa mạc, từ Tamanrasset đến Assekrem. Tại Assekrem, là nơi phục vụ đám người Da Đen đáng thương trong vùng Sahara và những người Touareg khốn khổ, Cha làm việc để mang lại ơn cứu độ cho linh hồn họ.

           Các sĩ quan, và chỉ có những người này, mới sát cánh với Cha để chia sẻ mối lo toan ấy, giống như Cha và cùng với Cha. Họ quả là những người bạn, là gia đình và là những cộng tác viên đích thực của Cha vì Nước Trời, và cách nào đó, họ còn là các tông đồ của Cha nữa.

          Ngày 04 tháng 12 năm 1900, Cha viết cho người chị họ Marie de Bondy:
          “Ngay từ đầu cuộc chinh phục xứ sở những người Toureg, Chúa đã cho phép có những sĩ quan khôn sánh, cùng với những người bản xứ hiền lành và tốt bụng cũng như các nữ tử bác ái, tất cả đều rất quyết tâm. Tướng Laperrine, đại uý Nieger đều mang lại một thuận lợi lớn do lòng tốt của họ với hết mọi người. Đồng thời đó cũng là những người bạn tuyệt vời đối với em.”

        Cha hiện diện giữa các sĩ quan ấy hệt như một người trong số họ, hay nói đúng hơn, như người anh em, người bạn tâm tình, và còn là người cố vấn, người thông tin về chính trị. Cha viết cho họ hằng ngày, để thẳng thắn đưa ra cho họ các nguyên tắc, các giải pháp chính trị dẫn đến hiệu quả, hành động, lợi ích trước mắt. Những bức thư dài ấy là những chuyên luận ngắn về chính sách thuộc địa, gợi hứng từ lòng bác ái bao la của Cha. Người ta sẽ gặp thấy “bản tổng luận chính trị” mà từ đó phát sinh một học thuyết toàn diện về chính sách thuộc địa, trong cuốn sách của Cha Gorrée  : Những tình bạn của Cha Foucauld ở vùng Sahara.

 HỌC THUYẾT THUỘC ĐỊA
         
          Thuộc địa là gì ? Theo như cách Cha thực hành nó ngày này qua ngày khác, cùng với một lòng bác ái làm nổi rõ và bừng nở tất cả các nhân đức, khác xa hoàn toàn với sự thô thiển của kiểu lòng tốt “dĩ hoà vi quí”, thì thoạt đầu, đó là bình định bằng quân đội. Kế đến là cai quản trực tiếp các sắc dân đã chịu phục tùng. Cuối cùng là quản lý mang lại ánh sáng, sự hiểu biết và văn hoá cho đời sống hằng ngày của các sắc dân ấy.
Hoà bình là tiên quyết ! và để có hoà bình, cần phải chiến thắng. Như vậy, phải truy kích và tiêu diệt toàn bộ bọn thổ phỉ ! Con người hiền lành ấy muốn sức mạnh thống lĩnh. Chính là bằng sức mạnh mà nước Pháp sẽ làm cho hoà bình ngự trị. Cha lấy làm vui về trận đánh thị trấn Tit, và còn chứng minh cho thấy những người Touareg đã hoan nghênh trận đánh ấy như thế nào. Trong một hoàn cảnh khác, đại uý Sigonney đã truy kích một tên thổ phỉ và đã bắn hạ hắn, Cha Charles de Foucauld viết cho ông ta vào ngày 14 tháng 12 năm 1910 :

        “Tâm trạng đã thay đổi rõ nét trong vùng đất Ahaggar này, và đã mang lại nhiều tiến bộ lớn trong mấy năm gần đây. Bốn năm trước, giả như Abidine gặt hái được thành công, hẳn là người ta đã đốt lửa ăn mừng; còn hôm nay, người ta đang tự hào về việc anh thành công trong việc chống lại hắn.”

            Sức mạnh mang lại lợi thế. Một người lính kỵ binh nói: Ngay cả khi những người Touareg đã chịu khuất phục, cũng cần phải “bám sát” họ .
          Kể từ năm 1914, Cha cảnh báo về sự buông lỏng của chính quyền, lý do tất yếu dẫn đến một hỗn loạn, bạo lực, bất công. Và vào lúc xuất hiện những bội ước hoặc những nhóm ly khai, Cha đã yêu cầu một cuộc trấn áp nghiêm khắc : bắn bỏ những kẻ ly khai, hoặc trục xuất, truy đuổi chúng đến tận Fezzan, rồi để cho người Ý xử lý !

           Sau khi bình định, cần phải cai quản. Hệ thống cai trị của Cha ở đây hoàn toàn ngược lại với hệ thống của Lyautey : không có chế độ bảo hộ, chỉ có sát nhập. Ngày 16 tháng giêng năm 1912, Cha viết cho thiếu tá Brissaud:

          “Tôi hy vọng mọi sự sẽ tiến triển như mong muốn và từ Chính Sách Bảo Hộ (thà không có còn hơn, nhưng một chế độ sai lầm tạo điều kiện cho những lạm dụng quá mức và không giúp mang lại lợi ích thiết yếu cho những dân tộc đã chịu khuất phục chúng ta) đến thời điểm quyết định, người ta sẽ bỏ qua nó để chuyển sang sát nhập. […] Trong khi thay vì tự hạn chế vào việc chinh phục và luôn giữ cho các dân tộc gần như bán khai ấy phải chịu phục tùng, người ta nên có những tiếp xúc gần gũi với họ, bằng cách giáo dục họ như cha mẹ dạy dỗ con cái, từ tốn nâng họ lên ngang tầm với chúng ta, có như vậy Ma-rốc mới trở thành một nối dài của nước Pháp. Tôi chắc chắn anh rất hài lòng về các binh sĩ của mình và đang biến họ thành những chiến binh xuất sắc : đó là những anh em người Kabiles của chúng ta đấy.”

          Cha Charles de Foucauld cũng lấy lại, và áp dụng cho Hoggar, truyền thống vĩ đại của người Pháp trong đó Nhà Vua bảo vệ người nông dân chống lại giới quí tộc.

         “Các thủ lĩnh sừng sỏ người bản xứ là những nỗi bất hạnh đối với đất nước Algerie : bọn chúng nẫng hết tất cả những lợi lộc, buộc những người do chúng quản lý phải gánh vác nhiều nghĩa vụ, bằng cách gây nhiều sức ép ngày càng nặng nề hơn; bọn chúng giống như một bức tường thành ngăn cách giữa chúng tôi và dân chúng, không ngừng lạm quyền, ngăn cản sự tiếp xúc giữa người của bọn chúng với người Pháp, vì sợ bị mất ảnh hưởng, ngấm ngầm chống lại mọi tiến bộ, bởi vì sự dốt nát và bán khai đều rất thuận lợi cho việc duy trì quyền lực của bọn chúng. Bọn chúng muốn duy trì thói nhũng lạm có từ xưa, duy trì một chế độ bất công, sự ngu dốt và tình trạng bán khai. Do đó, cần phải tiêu diệt hết bọn này ở bất cứ nơi nào chúng có mặt.”

           Cha viết cho các sĩ quan là Cha ước ao thấy mình được an cư và lưu lại nơi ấy, gắn bó như một thể chế phong kiến mới với người cư dân mà Cha đang có trách nhiệm chăm sóc. Sự tiếp cận cần thiết đến nỗi nó xuất hiện ngay cả dưới ngòi bút của Cha khi viết cho người cháu tên Charles : “Chúng tôi như đang ở vào thế kỷ XII tại nước Pháp.”

         Người ta có thể nói rõ hơn những gì sẽ trở thành thể chế phong kiến Kitô giáo vĩ đại mà Cha mơ ước, để khôi phục và mở rộng nền văn minh…

         Cuối cùng, sau khi bình định và cai trị, là đến công việc quản lý. Việc này phải đi từ A đến Z. Cha Foucauld tự biến mình thành trạng sư bào chữa cho “giáo dân” của mình chống lại một chính quyền mù quáng và khắc nghiệt. Cha phản kháng khi nhận thấy người ta trao cho người Touareg những viên đạn bắn không nổ, hoặc người ta không tôn trọng các thoả thuận, hoặc nữa là người ta không chăm sóc những con lạc đà bị trưng dụng. Và, vượt quá cả việc bảo vệ những người khốn khổ này, Cha hoạt động nhằm biến đổi lối sống của họ. Vì là dân du mục, nên những người dân ấy chẳng giá trị gì, chẳng được giáo hoá, chẳng có phong tục tập quán cũng như công lý. Cần phải giúp họ định cư và dạy họ làm nông nghiệp. Cũng chính Cha Foucauld, bằng kinh nghiệm về nhân sinh, đã chỉ cho quân đội những phương thế thực dụng trong lĩnh vực mới này.

         Cha cũng không ngần ngại yêu cầu công lý phải được khôi phục, ngay cả khi nó chống lại chính những người lính Pháp xử sự không tốt. Cha động viên thiếu tá Duclos đấu tranh mạnh mẽ với nạn ăn cắp : “Tôi tin là cần phải có một trấn áp nghiêm khắc”. Bỏ tù hoặc lao động khổ sai tuỳ mức độ nghiêm trọng của vụ biển thủ.

         Cha khuyên các sĩ quan ở pháo đài Motylinsky hãy mở một viện dưỡng lão, ở đó những người già cả sẽ làm những việc nhỏ tuỳ khả năng của họ và được bảo đảm về lương thực. Không có gì phải ngạc nhiên khi những lời khuyên tuyệt diệu ấy được các sĩ quan thực hiện, nhanh chóng mang lại những thành quả tốt đẹp. Tháng 7 năm 1917, Cha có thể viết như sau :

         “Ahaggar, từ lâu vốn là sào huyệt của bọn thổ phỉ, thì nay đã trở nên vùng đất hết sức hoà bình và yên tĩnh. Đám Quí Tộc, nguyên là bọn cướp bóc, đang bị nghèo đi, bị phân tán và số lượng bọn chúng, đã suy giảm tối đa, nay càng lúc càng giảm hơn nữa; bọn chúng bắt đầu đầu quân vào Đại Đội, đó là điều tốt nhất mà bọn chúng nên làm; về phần những người Imrad, nghĩa là những người bình dân, nói chung đều gan dạ, hiền hậu và cần cù : họ đã làm lớn mạnh, mở rộng các nền văn hoá của họ thêm từng ngày và có khuynh hướng định cư tại chỗ : đó chính là khởi đầu của nền văn minh. Trước đây, khi nhìn Tamanrasset, các bạn  thấy nơi ấy chỉ vỏn vẹn có hai ngôi nhà, phần còn lại là những căn lều; thì nay chỉ có hai căn lều, phần còn lại là những ngôi nhà.” […]

           Cha muốn cứu vớt dân tộc này bằng tình yêu. Cứu họ khỏi đạo Hồi đang phát triển nhanh việc Hồi giáo hoá song song với Ả-rập hoá. Do đó mà Cha nỗ lực học các thứ tiếng và các tập tục, soạn cuốn tự điển tamacheq (tiếng Touareg, thuộc dòng thổ ngữ Berbère - theo chú thích của Wikipedia-ND). Cha không chủ trương “Pháp hoá”, theo kiểu cộng hoà quá khích.

             Để học được tiếng Touareg, Cha đã phải nhờ sự giúp đỡ của Dassine, nữ thi sĩ tại Hoggar.

           Cha giải thích về mục đích phải theo : “Không thể nào lĩnh hội nhanh chóng được, việc lĩnh hội phải trải qua từ thế hệ nay đến thế hệ khác, ngay cả kết hợp một cách đơn giản cũng không thể, vì việc này, tự nó không hoàn toàn mang lại cho những người chúng ta quản lý sự tiến bộ, cũng như sự hoà hợp thực sự của họ với chúng ta. Sự tiến bộ sẽ không đồng đều và sẽ phải được tìm kiếm bằng những phương thế thường là rất khác nhau trong các vùng thuộc địa vốn đa dạng của chúng ta. Nhưng phải kiên trì theo đuổi mục đích một cách lâu dài chừng nào các vùng thuộc địa vẫn nằm trong tay chúng ta.”
           “Sự tiến bộ, luôn bao hàm cả trí tuệ, đạo đức lẫn vật chất, không thể chỉ do Chính quyền Pháp thực hiện, hoàn toàn theo Pháp, mà trong đó sẽ chỉ những người bản xứ hội đủ điều kiện mới được chấp nhận, không những phải có quốc tịch và nền giáo dục Pháp, mà còn cả não trạng của người Pháp nữa.”

LỜI CẢNH BÁO NGÔN SỨ

              Cha Foucauld không bị ảo tưởng đâu, Cha biết mình đang rao giảng trong hoang địa, nên Cha gia tăng việc này lên bằng cách, vì bác ái , đưa ra thêm nhiều lời kêu gọi thống thiết :

            “Nếu nước Pháp hoàn thành bổn phận đối với Vương quốc hoang dã của mình, nghĩa là […] giáo dục các dân tộc này, thì sẽ có một vương quốc tuyệt vời trở thành một nước Pháp khác và dân số sẽ gia tăng gấp đôi trong vòng nửa thế kỷ.”
            “Nhược bằng không hoàn thành, đám đông dân chúng nhất thiết sẽ xa rời và không gắn bó với chúng ta, hoàn toàn thờ ơ với chúng ta; họ sẽ chỉ chịu ảnh hưởng duy nhất của chế độ quí tộc địa phương. Chế độ này, vốn trưởng giả, cường hào, giáo trưởng trị, sẽ được giảng dạy trong các trường học của chúng ta mà chẳng thích gì chúng ta, và từ việc giảng dạy như thế, cũng như do những thuận lợi về mặt truyền thông, sẽ phát sinh ra một liên minh ái quốc [nói cách khác là một quốc đảng Hồi giáo và chống Pháp] giữa những người trí thức và ưu tú của toàn bộ sắc dân Berbères từ Fez cho đến Tunis, sẽ có cùng một ý hướng, đó là gạt phắt chúng ta ra ngoài.”

            Lời tiên báo ấy, thật không may, đã được ứng nghiệm từng câu từng chữ kéo theo hàng chuỗi những hậu quả khác : “Sẽ là một bước giật lùi đưa các dân tộc ấy quay trở lại với tình trạng dã man, đồng thời đánh mất niềm hy vọng đối với kế hoạch Kitô hoá lâu dài.”

 
Trích CRC số 337 -  tháng 08/1997, tr. 29-34

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây