Thư chung số 134 - 11/2021

Thứ ba - 26/10/2021 00:31
Thư chung số 134 - 11/2021
Thư chung số 134 - 11/2021
  Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 134 / Năm XI
                 * * *                                         

 
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 11/ 2021
-------------  
 
LỜI CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI ANH CHARLES (1)

 
Phan Rang, ngày 20.10.2021

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

            Anh Hai chuyển tới anh chị em bài Lời Chúa trong cuộc đời Anh Charles (1) để chuẩn bị tinh thần chúng ta đón mừng biến cố Anh được tôn phong lên bậc Hiển Thánh.
 
        Ai trong chúng ta khi đọc tiêu đề này lại không nghĩ ngay đến cuốn "Mẫu gương độc nhất”?
 
      Đây thực sự là bản văn nổi tiếng nhất giúp chúng ta biết Anh Charles rất tôn trọng và gắn bó với Lời Chúa và đặc biệt là với các sách Tin Mừng, quyển sách nói với chúng ta về 'Lời trở nên xác phàm', về Thiên Chúa, Đấng đã bỏ thứ hạng của mình để chọn chỗ rốt cùng. và trở thành 'Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, trong Đức Giêsu Kitô, Anh đáng mến và Chúa của chúng ta.
 
      “Gương mẫu độc nhất” và “Đấng Cứu Độ dịu dàng, Thầy nhân lành của chúng ta”, được viết tại Nazareth (1897 - 1900) là những tuyển tập các câu Tin mừng mà Anh Charles đã chép lại vì muốn tìm kiếm một Gương mẫu để bắt chước. Tại Dòng Trappe, anh đã chép lại toàn bộ nội dung bốn sách Tin mừng vào một cuốn sổ tay nhỏ để có thể luôn mang theo bên mình. Sau đó, trước khi rời tu viện Đức Bà Xuống Tuyết đến Châu Phi, anh đã chép lại Tin mừng theo Thánh Matthêu bằng tiếng Ả Rập và vào năm 1904, trên đường qua sa mạc tới Tamanrasset, anh đã dịch bốn Tin mừng sang tiếng Tuareg. Những dấu hiệu ấy cho thấy Anh Charles '' say yêu '' Lời là sự hiện diện cụ thể của Chúa chí ái, Đấng đang nói với chúng ta về Người:

         "Chúng ta hãy yêu mến Chúa Giêsu, Người đang nói với chúng ta ... chúng ta hãy âu yếm lắng nghe Người với tình yêu nồng cháy... Hãy làm cho mọi lời Sách Thánh ghi sâu vào lòng chúng ta, như Cô dâu âu yếm lắng nghe tiếng Chàng Rể : 'Tâm hồn em ngất ngây khi nghe anh nói'”(1).
 
         Những lời diễn tả cô đọng, nồng nhiệt ấy chứng tỏ tình yêu và lòng tôn kính của Anh Charles đối với Lời cũng như cung cách đặc biệt của anh khi " bước theo Đức Kitô": đó là lấy tình yêu đáp lại Tình Chúa yêu thương chúng ta.
 
Tình yêu và sự bắt chước
 
         Anh Charles viết: “Ai cũng biết rằng hiệu quả trước tiên của tình yêu là phải bắt chước nhau”, do đó điều cần thiết là chúng ta phải biết cuộc sống của Đấng mình yêu mến, cách hành động, lời nói của Người, các sự kiện trong cuộc sống của Người để 'làm' giống như Người :
 
        ”... các bài đọc và những lời giải thích này chỉ có một mục đích, là thúc đẩy và dạy cho người ta yêu mến Chúa Giêsu hơn, noi gương Người hơn...”(2). Người là Mẫu gương.
 
        Ai đang yêu thì mới có lòng ước muốn hiết và hiểu người yêu như vậy:
 
        “Ai đang yêu thì không chỉ hài lòng vì được nghe tiếng của người yêu như một giai điệu thánh thót mà thôi, nhưng còn muốn nắm bắt, thấu hiểu từng lời dù nhỏ nhẹ nhất của người ấy; càng yêu nhiều họ càng tha thiết quan tâm đến những lời ấy ... " và họ muốn sống theo những lời ấy.(3)
 
        Như vậy đọc Tin Mừng không phải là một việc làm theo thói quen, như một trong nhiều công việc thường làm trong ngày; đọc Tin Mừng là một khoảnh khắc đặc biệt vì người ta ngồi dưới chân Chúa Giêsu để lắng nghe Người nói với chúng ta về chính Người:
 
       “Khi đọc Tin Mừng Thánh, chúng ta đang thực sự ngồi dưới chân Chúa, Đầng hiện diện khắp nơi; Ngài thực sự đang nói với chúng ta về chính Ngài, làm cho chúng ta biết Ngài, kể cho chúng ta nghe hàng ngàn chi tiết về Ngài: chính Ngài thực sự nói với chúng ta, vì các Sách Thánh được Chúa Thánh Thần 'thổi sinh khí' cho các thánh ký, và như vậy chúng thật là lời của Chúa”(4).
 
       Đối với Lời Chúa, Anh Charles cũng biểu lộ cùng một xác tín và một đức tin y như Anh đã thể hiện đối với Bí Tích Thánh Thể, ‘Bí tích cực thánh ”, trong đó anh nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện diện cách anh vài thước, vài tấc và thậm chí hết sức mật thiết khi anh rước lễ.
 
        Trong bản Nội Quy của Các Tiểu đệ Thánh Tâm, 66 năm trước Công Đồng, anh tái khẳng định mối liên hệ bất khả phân ly giữa hai hình thức hiện diện của Chúa Giêsu qua một “chi tiết” rất có ý nghĩa nơi nhà nguyện. Anh viết:
 
        "Để tôn kính Lời Chúa, chúng ta sẽ luôn luôn đặt cuốn sách này, kho tàng của chúng ta, trong cung thánh, bên cạnh Mình Thánh Chúa dưới ánh sáng của ngọn đèn chầu, đang cháy sáng trước Mình thánh Chúa và trước Lời Chúa.”(5)
 
       Cùng một ngọn đèn, cùng một tia sáng được thắp lên để tôn kính Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và Chúa Giêsu nơi các Sách Thánh bởi vì đó là một sự Hiện diện giống nhau, duy nhất. Đây là hai bàn ăn: Lời và Bánh mà câu chuyện hai người môn đệ trên đường về làng Em-mau nói với chúng ta, đã được Công Đồng và Thượng Hội Đồng Giám Mục lấy lại và xác nhận vào tháng Mười (2008).
Anh Charles cũng hiểu rằng chúng ta không thể gói ghém lời Chúa trong những lời sáo rỗng, Chúa có thể chọn những phương tiện khác để nói với chúng ta và chúng ta cũng phải lấy tình yêu chú ý tới như: lời của vị linh hướng, đọc sách, cầu nguyện, gặp gỡ người khác ...
 
       “Hãy lắng nghe, hãy đọc, hãy yêu thương đón nhận từng lời của Chúa Giêsu ở bất cứ nơi đâu mà nó tỏ hiện trước chúng ta, trong sách vở, trong khi trò chuyện, khi đọc kinh phụng vụ…”.
 
Thiên Chúa không có giới hạn...
 

Suy niệm Tin Mừng
 
        Chúa Giê-su, Lời tuyệt hảo của Thiên Chúa, là cái tên hiện diện trong từng dòng suy niệm của Anh Charles. Phần lớn là những bài suy niệm Tin Mừng được viết vào thời anh lưu ngụ tại Nazareth (1897-1900). Thực tế, vào thời điểm đó, Cha Huvelin đã hết sức khuyên người con tinh thần của mình sử dụng phương pháp viết các bài suy niệm. "Để làm rõ sự việc và ổn định tinh thần".
 
        Ban đêm, Anh Charles chỗi dậy trong tĩnh lặng và hoàn toàn cô độc đặt mình dưới chân Chúa Giê-su để suy gẫm và viết. Chính trong sự thân mật này, ‘diện đối diện’, trong cuộc trò chuyện với Chúa, mà chúng ta thấy có các bài suy niệm trong đó Anh Charles thường để Chúa Giêsu nói. Chúng giống như một lời đáp trả và một lời xác nhận cho tiếng gọi mà anh cảm thấy trong lòng vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời anh.
 
       Tiểu đệ Antoine Chatelard viết rằng Anh Charles đọc Kinh Thánh dưới ánh sáng của cuộc đời anh ... ngay cả khi thái độ đúng là ngược lại: anh để lời Thầy chất vấn cuộc đời mình và phơi bày nó ra trước ánh sáng của Người.
 
        "Tiến trình này có nguy cơ rơi vào thuyết không tưởng và chỉ đi tìm những văn bản phù hợp với ước muốn hời hợt của mình"(6), nhưng Anh Charles đã biết cách tránh được điều đó vì tận thâm tâm anh muốn biết Chúa Giê-su cách sâu sắc và để cho các lời nói, việc làm của Người thấm nhuần cuộc sống mình bằng cách mỗi ngày đọc một đoạn sách Tin mừng.
 
        Về vấn đề này, ngày 22 tháng 7 năm 1914, anh đã dùng những lời rất mạnh mẽ và đầy cảm xúc mà viết cho Louis Massignon, chúng đã trở thành biểu tượng của Lời Chúa hoạt động không mệt mỏi trong tâm hồn mỗi người:
 
       “Hãy cố gắng tìm thời gian để đọc một vài dòng Tin Mừng Thánh, bằng cách mỗi ngày đọc một đoạn nối tiếp nhau (không nên dài: 10, 15, 20 dòng, tối đa là nửa chương), cho tới khi chúng ta đọc hết lượt từ đầu đến cuối, rồi sau khi đọc, hãy dành ra vài phút để suy niệm trong tâm trí hoặc viết ra những giáo huấn có trong bài đọc của bạn.

        Phải cố gắng thấm nhuần Tinh Thần của Chúa Giê-su bằng cách đọc đi đọc lại, không ngừng suy đi gẫm lại các lời nói và gương lành của Người: đọc sao để chúng khoét sâu vào trong tâm hồn chúng ta giống như giọt nước cứ rơi xuống mãi cùng một chỗ trên một phiến đá ”(7).
 
         Khi mới đọc, các bài suy niệm không phải là lectio divina (một phương pháp đọc Lời Chúa) hay là nghiên cứu thần học và giải thích các văn bản mà chỉ đơn giản là lặp lại, là gợi lại những gì giúp chúng ta sống lời Chúa: khấn hứa, nhân đức, đức ái ... Dường như Anh Charles chỉ rút ra từ Lời Chúa 'những lời khuyến dụ' để có thể sống gắn bó mật thiết và phù hợp hơn với cuộc sống của Chúa Giêsu:
 
        “Thực hành các nhân đức Tin Mừng: khi chính Thiên Chúa đích thân đến nêu gương, thì chúng ta phải noi theo; trong một thời đại đã quá hư hỏng vì  xa hoa, phù phiếm và kiêu hãnh, như thời đại của chúng ta thì, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải noi theo Mẫu gương chí thánh; người Kitô hữu phải tiếp tục đời sống của CHÚA GIÊSU và biểu lộ cuộc sống ấy nơi bản thân mình”(8).
 
         Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, các bản văn của Anh Charles cho thấy rõ trong các bài viết và các cuộc tĩnh tâm của anh bao giờ cũng có lời giải đáp cho các vấn nạn được đặt ra như: 'Tôi nên làm gì?' 'Tôi phải làm gì?' “ Hôm nay Chúa Giêsu muốn tôi làm gì? ', mục đích không phải là nhằm tìm kiếm một cuộc sống hoàn hảo, một cuộc sống đức hạnh theo cách của các triết gia cổ đại mà anh đã đọc hồi còn trẻ. Những luận thuyết đạo đức này chỉ làm cho tâm hồn anh trống rỗng và, mặc dù thời trai trẻ, Charles rất quyết đoán, nhưng những luận thuyết ấy cũng chẳng tạo được động lực nào ghê gớm khiến anh dấn thân theo chúng.
 
         Thực ra anh đang tìm kiếm một “thứ khác” mà chỉ Tình yêu và ơn biết yêu cho đến cùng mới có thể trao ban cho anh.(9)
 
         Đối với Anh Charles, việc đọc và suy gẫm các gương lành trong cuộc đời Chúa Giê-su là quy tắc chú giải cổ điển về lời Chúa. Khi chú giải về việc Chúa kêu gọi nhóm Mười hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô, anh viết:
 
         "... hãy nhớ rằng quy tắc tuyệt vời để giải thích các lời của Chúa Giêsu chính là các gương lành  của Người. Chính Người là lời chú giải cho lời của Người ”(10).
 
          Và một lần nữa: "Để tìm kiếm phúc lợi đã có trong tầm tay ... chúng ta hãy trung thành với tinh thần của mọi thời đại và mọi lúc”(11).
 
         Hãy chăm chú nhìn vào Chúa Giê-su để xem cách Người sống và như vậy mới hiểu được lời Người, sứ điệp của Người. Hãy trung thành với hướng sống thực sự của Người để ứng dụng vào trong hoàn cảnh và trong thời đại của chúng ta. Như thế, chúng ta phải sống sao để nên giống Người đến mức trở thành một 'Đức Kitô khác', trở thành một 'Tin Mừng sống động' được loan báo không phải bằng lời nói, nhưng bằng ước muốn mưu ích cho người khác', bằng lòng nhân từ, bằng cách làm chứng cho lòng thương xót Chúa.

(còn tiếp)
_____________ 
 
Chú thích :
  1. Charles de FOUCAULD, Chú giải Tin mừng theo Thánh Matthêu, Nouvelle Cité, Paris, 1989, tr.18
  2. Charles de FOUCAULD, Nội quy và Chỉ Nam, Nouvelle Cité, Montrouge, 1995, tr.160.
  3. Charles de FOUCAULD, chú giải Tin mừng theo Thánh Matthêu, Nouvelle Cité, Paris, 1989, tr.16.
  4. Sđd tr. 16
  5. Charles de FOUCAULD, Nội quy và Chỉ Nam, Nouvelle Cité, Montrouge, 1995, tr.160.
  6. Antoine CHATELARD, Trở về với Tin Mừng, trong Nguồn sống, Tạp chí các Huynh đoàn tại Giêrusalem, số 118, Paris tháng 11.2004, tr.54.
  7. Charles de FOUCALD, Thư gửi L. Massignon, ngày 22.07.1914, trong Tác Phẩm Thiêng Liêng, nxb. Du Seul, 1958, tr. 143.
      8.  Charles de FOUCAULD, Thư gửi J. Hours, ngày 12/10/1912
      9.  X. Antoine CHATELARD, Trở về với Tin Mừng, tr..50.
    10.  Charles de FOUCAULD, Tác Phẩm Thiêng Liêng, nxb. Du Seul, 1958, tr.209.
    11.  Charles de FOUCAULD, Tác Phẩm Thiêng Liêng, nxb. Du Seul, 1958, tr.209.
 

Tác giả: Tiểu Muội Luisa

Nguồn tin: Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây