Thư chung số 135 - 12/2021

Thứ sáu - 26/11/2021 23:33
Thư chung số 135 - 12/2021
Thư chung số 135 - 12/2021
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 135 / Năm XI
                    * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 12/ 2021
-------------  
 
LỜI CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI ANH CHARLES (2)

Phan Rang, ngày 20.10.2021

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

            Chúng ta đã sắp kết thúc năm Dương Lịch 2021. Thường mỗi dịp cuối năm, các doanh nghiệp đều có những công đoạn tổng kết doanh thu, rút ưu khuyết điểm về những cái được và cái chưa được để điều chỉnh hoặc lên kế hoạch cho năm tới. Xin anh chị em chúng ta cũng hãy dành thời gian ngồi lại bên Chúa Giêsu Hài Đồng, để kiểm điểm tinh thần nhập thể và nhập thế của chúng ta, với tư cách là người được thánh hiến. Xem chúng ta có tích cực, dấn thân không  hay tiêu cực buông xuôi để tự kiểm xem: “ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm nhưng việc ngưới đã làm thuở ban đầu…”(Kh 2,4-5).
 
           Tháng này Anh Hai tiếp tục chuyển tới anh chị em bài Lời Chúa trong cuộc đời Anh Charles (2) để chuẩn bị tinh thần chúng ta đón mừng biến cố Anh được tôn phong lên bậc Hiển Thánh.
 
Lời và sứ mệnh
 
          Một khi đã đọc và suy gẫm Lời Chúa như vậy, thì Lời Chúa sẽ trở thành máu thịt của chúng ta, làm cho sứ vụ của chúng ta sinh hoa kết trái, khơi dậy ước muốn đến với người khác, với những người chưa bao giờ nghe nói về Chúa Giêsu, những người bị hất hủi, bị bỏ rơi.… Bởi vì Chúa Giêsu đã làm như vậy.
 
          Bốn tháng trước khi qua đời, ngày 1 tháng 8 năm 1916, anh viết:
    
         "Tôi tin rằng không có một lời nào của Tin Mừng đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi và biến đổi cuộc đời tôi nhiều hơn lời này:
 
        “Tất cả những gì các ngươi  làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40)
 
         Nếu chúng ta nghĩ rằng những lời này là của Đấng là chân lý tuyệt đối, thì chính Người cũng đã nói:
Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy ...” thì chúng ta sẽ phải cố gắng hết lòng hết sức mà đi tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu nơi “những kẻ bé nhỏ”, những người tội lỗi, những người nghèo khổ này là dường nào”(12).
 
         Cũng chính việc bắt chước này "buộc" chúng ta phải thi hành sứ mệnh ra đi đến tận cùng trái đất và sống ở đó cho đến tận thế để làm cho loài người nhận biết "ơn cứu độ"; hơn nữa, để họ nhận biết Đấng Cứu Thế:
 
        "Hãy bắt chước Chúa Giê-su bằng cách biến việc đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người thành công việc của đời ta đến nỗi từ ngữ ' Giê-su - Đấng Cứu Thế' này phải làm cho chúng ta thực sự là những vị cứu thế như chính Người là Đấng Cứu Thế đích thực. . .
 
         Vì vậy  "Khi trở nên tất cả cho mọi người, thì tận đáy lòng tôi chỉ có một ước muốn duy nhất, đó là trao ban Chúa Giêsu cho các tâm hồn”  (Ngày 13 tháng 6 năm 1916).(13)
 
        Chính  lời Đức Kitô Phục Sinh mời gọi các tông đồ, bảo họ đừng sợ hãi mà đi đến tận cùng thế giới: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em ”(Mt, 28-19-20). Và Thượng Hội đồng giải thích:
 
         " Tất cả Kinh thánh đầy rẫy những lời kêu gọi 'đừng nín lặng', 'hãy gào lên', để loan báo Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện '', để trở thành những người lính canh không nín lặng thờ ơ ...
 
          Do đó, người Kitô hữu có sứ mệnh loan báo Lời Chúa, lời hy vọng, bằng cách chia sẻ Lời ấy với người nghèo và người đau khổ; bằng chứng tá đức tin của mình vào Vương quốc sự thật và sự sống, Vương quốc thánh thiện và tràn đầy ân sủng, công lý, tình yêu và hòa bình; bằng sự gần gũi yêu thương,  không phê phán hay lên án nhưng ủng hộ ”(14).
 
          Có những thái độ có thể được bén rễ dần dần vào trong tâm hồn, nếu chúng ta thường xuyên đọc Lời Chúa mỗi ngày, nếu chúng ta làm theo các giáo huấn, các lời khuyên, và những lời của Chúa Giê-su, mà như Anh Charles nói đó là chúng ta “tiếp nhận Tin mừng”.
 
          Lời mời gọi của Vị đạo sĩ sa mạc – Người thường kết thúc các bài học giáo lý của mình bằng những đoạn Tin mừng - đang vang lên mạnh mẽ và cấp bách hơn bao giờ hết:
 
         “… Hãy trở lại với Tin mừng, vì nếu chúng ta không sống theo Tin mừng, thì Chúa Giê-su không sống trong chúng ta. Hãy trở lại với sự nghèo khó, với sự đơn sơ của Kitô giáo ... Trở lại với Tin Mừng, đó chính là phương thuốc mà mọi người chúng ta đang cần.”(15).
 
Anh Charles đã suy gẫm những gì?
 
         Chúng ta khá ngạc nhiên khi thấy rằng trong một thời kỳ bài bác Kinh thánh như thế kỷ XIX, Anh Charles đã đọc và suy gẫm Lời Chúa rất nhiều … đến mức, theo các chỉ dẫn của tập Tác phẩm thiêng liêng (O.S.p.145), tạo ra một điều gì đó giống như 1794 trang bản thảo.
 
           Anh đã viết các bài khảo luận về những đoạn Kinh thánh nào?
 
        Anh Charles xác tín rằng toàn bộ Kinh thánh là sự mô tả “cuộc chuyện vãn thân tình” của Chúa Giêsu với chúng ta, tuy nhiên, theo thông lệ thời ấy, anh thường đọc Tân Ước và đặc biệt là các sách Tin mừng.
 
          Các sách Kinh thánh khác mà anh đã chú giải vào nhiều thời điểm khác nhau là:
 
          * Tại Rô-ma, năm 1896, anh định viết các bài chú giải về sách Sáng thế từ ch.1 đến ch.39, nhưng vẫn còn dang dở;
 
          * Tại Nazareth, vào năm 1897, Cha Huvelin đã yêu cầu Anh Charles đọc thêm các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh. Anh đã viết được 374 trang liên quan đến các sách này. (O.S. tr.73).
 
          * Vẫn ở Nazareth, từ lễ Thăng Thiên 1898, anh đã viết những ghi chú về Sáng thế và sách Xuất hành, Ch.1-15.
 
          * Vào thời điểm thụ phong linh mục, anh đọc thêm các Thư của Thánh Phao-lô và sách Diễm ca.
 
          * Trong những năm ở Sahara, anh viết rất ít các bài suy niệm về Lời Chúa.
 
          Hai năm cuối đời, Anh lại tiếp tục viết, chủ yếu là chép lại những câu Tin mừng và các đoạn sách Gương Chúa Giêsu và cuối cùng là một số đoạn văn Tin mừng theo  Thánh Luca.
 
         Trong cuốn Hãy trở về với Tin Mừng (tr.49-50), Tiểu đệ Antoine Chatelard  thuật lại ‘hình thái khoa chú giải’ của Anh Charles, dựa theo các tác phẩm nổi tiếng và được nhiều người đọc vào thời điểm đó:
 
  • Kinh thánh bản dịch Phổ thông tiếng Latinh và cuốn Bốn sách Tin mừng trong một của Crampon và Đức Cha Weber.
Sau đó:
  • Sự cao cả của các Mầu nhiệm của Bossuet,
  • Cuộc đời của Chúa Giêsu của Abbé Fouard,
  • Sách Gương Chúa Giêsu,
  • Các bài Chú giải của các giáo phụ, đặc biệt là Thánh Gioan Kim Khẩu, mà anh vẫn đọc cho đến khi qua đời;
  • Các bản văn theo truyền thống của Giáo hội: Thánh Augustinô, Thánh Tôma, Luật Dòng của Thánh Biển Đức:
  • Theo lời theo lời khuyên của Cha Huvelin, anh đọc đi đọc lại các tác phẩm của các nhà thần bí Tây Ban Nha như: Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh nữ Têrêsa.
 
        Lưu ý: Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) rất chú tâm thúc đẩy các cuộc nghiên cứu Kinh thánh, đặc biệt từ những năm 1870; Trường Kinh thánh thành lập tại Jerusalem vào năm 1890.
 
       Anh Charles sẽ đến thăm Palestine vào năm 1888 và ở lại Nazareth từ năm 1897 đến năm 1900, nhưng trong các thủ bản của anh, chúng ta không có chỗ nào liên quan đến những sự kiện này.
 
        Như Cha Huvelin đã nói: "Anh đã biến tôn giáo thành tình yêu".
_________________ 
 
Chú thích :
    12.  Charles de FOUCALD, Thư gửi L. Massignon, ngày 01.04.1916
    13.  Charles de FOUCAULD, Tác Phẩm Thiêng Liêng, nxb. Du Seul, 1958, tr.790.
    14.  Sứ điệp THĐGM về Lời Chúa, tháng 10/2008, số 13.
    15.  Charles de FOUCAULD, Thư gửi Đức Cha Caron, ngày 30 tháng 6 năm 1909 trong Tác phẩm thiêng liêng, nxb. du Seuil, Paris, 1958, tr.750.
 
 Bêtania, 13.05.2021

 (LA PAROLE DE DIEU DANS LA VIE DE FRERE CHARLES)

 LM Doan Vinh chuyển ngữ
 
A.M.D.G
 

Tác giả: Tiểu Muội Luisa

Nguồn tin: Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây