Thư chung số 133 - 10/2021

Thứ ba - 21/09/2021 00:28
Thư chung số 133 - 10/2021
Thư chung số 133 - 10/2021
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 133 / Năm XI
                    * * *                                         

 
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH

Tháng 10/ 2021
-------------  
 
BÍ TÍCH THÁNH THỂ  THÁCH THỨC THỜI BUỔI CHÚNG TA ĐANG SỐNG
                                           
Phan Rang, ngày 20.09.2021

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
           
Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

Anh Hai chuyển tới anh chị em bài Những nét linh đạo nền tảng theo A. Charles để chuẩn bị tinh thần chúng ta đón mừng biến cố Anh được tôn phong lên bậc Hiển Thánh:

           " Nếu có một chiều kích nào đó, xét về chiều sâu, mà đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn đời sống Kitô hữu của chúng ta, thì đích thực đó là “việc thực hành Thánh Thể” của chúng ta, và tất cả chúng ta đều bình đẳng trong cuộc xáo trộn lớn này.
 
          Tất cả đều bình đẳng ư? Vâng, bởi vì ngay cả với tư cách là một linh mục, việc dâng lễ một mình đối với tôi, cũng như đối với nhiều người khác, là một thách thức mà đôi khi tôi từng trải mỗi lần từ Sahara trở về: Tôi đã dâng lễ một mình trong nhà nguyện nhỏ của tòa giám mục của tôi. Nhưng, tôi phải nói lên điều này ... là không bao giờ tôi có cảm giác hoàn toàn cô đơn!
 
          Đúng là "số ca nhiễm" đã thay đổi kể từ khi có lệnh giải tỏa, nhưng biện pháp này không phải là chung trên toàn thế giới.
 
         Đã có nhiều suy tư trong Giáo Hội về ý nghĩa của việc cử hành Thánh Thể trong dịp này. Thay vì coi tình huống này trước hết như một loại thiếu thốn, thậm chí là bị chặt chân, chúng ta có nên coi nó như một thử thách hạnh phúc đối với đức tin của mình không?
 
         Nào đây chẳng phải là cơ hội để có một cái nhìn mới mẻ về một "thực hành" luôn có nguy cơ làm hao mòn thói quen sao? Nhưng tôi biết rằng mình cũng đang nói chuyện với những người vốn đã thường xuyên bị thiếu vắng Bí tích Thánh Thể, tôi không thể loại trừ họ ra khỏi cái nhìn mới về thực tại của họ. Họ cũng sẽ có rất nhiều điều để nói với chúng ta.
 
       Tôi cũng muốn cảnh báo chúng ta về một thực hành có nguy cơ trở thành thói quen (trừ khi không còn cách nào khác): đó là các Thánh lễ trực tuyến, có thể cá nhân hóa Bí tích Thánh Thể và biến nó thành một "buổi trình diễn tâm linh" mà chúng ta sẽ sớm có nguy cơ trở thành những khán giả đơn thuần. Nói thì nói vậy, nhưng nếu bạn chỉ có phương tiện duy nhất này, thì tại sao không sử dụng nó? Điều quan trọng là chúng ta ý thức cách thật sống động răng mình thuộc về Thân thể Đức Kitô và mình là một tế bào nhỏ bé thuộc về Thân thể ấy.
 
CHARLES DE FOUCAULD TRONG SA MẠC
MỘT TÌNH HUỐNG KHAI SÁNG.
 
          Trung thành với tinh thần của Charles de Foucauld, trước tiên tôi đề cập đến việc anh muốn trở thành một linh mục để chia sẻ Kho báu mà anh đã khám phá và trong nhiều năm anh đã kín múc được ở nơi đó nguồn ân sủng.
 
         "Bàn tiệc thánh này mà tôi đã trở thành thừa tác viên, không phải được dọn ra cho anh em, cho bà con, cho những láng giềng giàu có, nhưng cho những người què quặt nhất, đui mù nhất, nghèo khổ nhất, cho những người bị bỏ rơi nhất, thiếu vắng linh mục nhất ”(Thư gửi cho Maxime Caron, Beni Abbès, 8/4/1905). Điều gì sẽ xảy ra khi ơn gọi linh mục này nhắm vào việc cử hành Thánh Thể trong những điều kiện thường bấp bênh và không chắc chắn?
 
         Ở Beni Abbès, anh có thể khá dễ dàng và thường xuyên dâng lễ khi có sự hiện diện của những người lính công giáo Pháp. Trong những chuyến đi tháp tùng với họ cũng vậy, vì anh có thể mang theo mình những thứ cần dùng để dâng lễ.
 
          Để định cư ở Tamanrasset, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp bởi vì thực tế anh đang sống một mình, không có quân đội địa phương đồn trú. Anh phải đợi có một ai đó tình cờ đến giúp lễ, anh mới có thể dâng lễ được. Anh đã chia sẻ với giám mục của mình về sự căng thẳng này khi ngài có dịp đến Hoggar:
 
         "Vấn đề Đức Cha đặt ra là ở lại Hoggar mà không thể cử hành Thánh lễ, hay để được dâng lễ thì không đến đó, đàng nào tốt hơn – con cũng vẫn thường tự hỏi như vậy ... Con thiết nghĩ tốt hơn là nên đến Hoggar bất chấp tất cả, để mặc Chúa nhân lành ban cho con phương tiện để con có thể dâng lễ, nếu ngài muốn (đó là điều mà Ngài luôn làm cho đến nay bằng những phương tiện đa dạng nhất)… (Thư gửi Đức Cha Guérin ngày 2 tháng 7 năm 1907) .Và cũng trong lá thư ấy, anh viết tiếp: “Ở một mình trong xứ ấy là tốt; hoạt động ở đó; và  thậm chí chẳng làm được điều gì lớn lao, không cần làm gì nhiều, bởi vì chúng ta trở thành "người bản xứ", rất gần gũi và rất "nhỏ bé.”
 
        Cuối cùng, với lòng tin tưởng anh chọn và thích ở lại Hoggar hơn, ngay cả khi có nguy cơ không thể cử hành Thánh lễ hoặc thờ phượng Thánh Thể. Đối với anh trước hết là được sống như Chúa Giêsu ở Nazareth, và được nhập thể vào trong dân tộc này đối với anh dường như là quan trọng nhất trong việc noi gương Chúa Giêsu. Chẳng hạn, anh lấy làm tiếc vì lễ Giáng sinh 1907, anh không thể cử hành Thánh lễ do không có sách lễ. Cuối tháng 1 năm 1908, anh mới được Roma ban phép dâng lễ một mình, đó là một niềm vui khôn tả! Nhưng sau đó và trong một thời gian khá lâu anh vẫn không thể lưu giữ Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện của mình, mãi sau này mới được phép.
 
         Do đó, hoàn cảnh chúng ta đang sống không có gì bất thường và ở một mức độ nào đó Anh Charles đã sống như thế, và trong nỗi cô đơn sâu sắc; sự lựa chọn gia nhập Gia đình Thiêng liêng của anh ghi đậm nơi chúng ta cả về phương diện này nữa. Như thế, kinh nghiệm của anh nói với chúng ta về chính nỗi cơ cực mà chúng ta có thể trải qua, và thậm chí có thể trở thành nguồn cảm hứng để sống tốt hơn "sự thiếu vắng " này.
 
        Nhưng về điều này, chúng ta phải trở về với ý nghĩa của sự hiện diện của “Thân thể Đức Kitô”, một sự hiện diện không thể bị hạn chế hoặc thậm chí “bị giới hạn” duy nơi “sự Hiện diện thực sự” của Bí tích Thánh Thể trong nhà tạm hoặc trong khi dâng lễ. Thân thể Đức Kitô có hai cánh tay, mỗi tay đều có tính "bí tích" như nhau.
 
        Sự hiện diện của Người không chỉ giới hạn ở việc chúng ta tôn thờ hoặc dâng lễ, nó cũng có thật trong điều được gọi là "Bí tích của Người Anh em". Một cái được lấy cảm hứng từ Bữa Tiệc Ly, cái kia lấy cảm hứng từ việc Rửa chân. Và ở đây chúng ta đang đối mặt với cùng một mầu nhiệm không thể thu gọn vào cái này hay cái kia. Đức Kitô thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Người cũng thực sự hiện diện trong cử chỉ mà Người làm đây khi rửa chân cho các môn đệ của Người, và cử chỉ này biểu thị Bí tích của Người Anh em. Chúng bổ sung cho nhau, cái ngày gợi nhắc cái kia, nếu Bí tích là một thực tại kép thì Sự hiện diện của Chúa Giêsu là một: Không thể phân chia được.
 
THÁNH THỂ VÀ THÁNH LỄ
 
        Chúng ta hãy trở lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh: chúng ta đang ở vào thời điểm quan trọng khi Chúa Giêsu sắp rời Trái Đất này cách hữu hình để về lại với Cha Người, khi Người trao hiến mạng sống bằng cách đổ máu "để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Người làm điều này qua một cử chỉ đã được ấn định trong bữa ăn Vượt qua và sẽ truyền lại cho các Tông đồ, những người sẽ truyền lại cho các thế hệ mai sau. Tôi xin giới thiệu với các bạn trình thuật đầu tiên về việc Thiết lập mà sứ đồ Phao-lô truyền lại cho chúng ta trong 1 Cor. 11,23-26.
 
         Vì thế, hầu như từ khi Chúa Giêsu rời khỏi cộng đoàn tông đồ, họ đã tụ họp đều đặn, “trung thành với việc bẻ bánh” (Cv 2,42). Điều này nhằm đáp lại lời Người mời gọi: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Nhưng việc làm đó còn siêu vượt hơn là việc đơn thuần lặp lại một nghi lễ phụng vụ. Điều quan trọng là chúng ta đi trọn con đường theo Chúa Giê-su Kitô bằng cách đến lượt mình, chúng ta trao hiến mạng sống vì phần rỗi thế giới, như Người đã làm. Ở đây, chúng ta hiểu đặc tính hấp dẫn của Bí tích Thánh Thể, mà kể từ khi được khai sinh, việc cử hành này không ngừng được thể hiện trong đời sống của Giáo hội. Chắc chắn việc cử hành này đã thực hành dưới nhiều hình thức. Lần đầu tiên được cử hành trong bí mật, dưới hình thức phụng vụ tại gia, sau đó công khai hơn một khi Giáo hội được xã hội nhìn nhận. Và hai hình thức này vẫn rất hợp thời tùy theo khả năng và tình huống, số lượng của cộng đồng giáo hội. Việc cử hành Thánh Thể vẫn là một trong những trụ cột thiết yếu của Giáo Hội. Thậm chí còn cần thiết hơn nữa đối với những người nam và người nữ dấn thân sống đời thánh hiến trong Giáo hội. Đây không phải là vấn đề về lòng đạo đức cá nhân, mà là một thực hành mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
 
         “Chúng ta không thể nào sống đời thánh hiến như hiện nay trong một thế giới mà mọi thứ xung quanh đều có thể làm cho chúng ta quên Chúa, nếu chúng ta không can đảm dùng những phương tiện tuyệt đối cần thiết để trung thành. Và phương tiện đầu tiên trong số những phương tiện này là cử hành Thánh Lễ nơi mà Chúa Giêsu tự hiến cho chúng ta cách hữu hình để củng cố chúng ta, tước đoạt chúng ta, biến đổi chúng ta dần dần trở nên giống Người ”. (Thư gửi Margot Poncet. Tháng 6 năm 1958. Nhật ký trang 93).
 
         Chúng ta không thể tương đối hóa việc tham dự Thánh lễ, như thể chỉ lâu lâu mới cần đi lễ một lần.Đó phải là trọng tâm của cuộc sống chúng ta. Và việc tôn thờ Thánh Thể giúp kéo dài Thánh lễ và giúp chúng ta thuộc về Đức Kitô đã chết và phục sinh cũng như thuộc về cộng đoàn của mình cách sâu xa hơn. Nhưng cũng chính vì nhân loại mà chúng ta tham gia vào đó, với tư cách "như một đại sứ". Toàn thể Bí tích Thánh Thể được cử hành “Vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ thế giới”. Chúng ta đặt trên đĩa thánh tấm bánh cuộc đời mình và rót vào trong chén rượu mọi nỗi buồn và niềm vui của chúng ta, nghĩa là tất cả niềm hy vọng và mọi nỗi đau khổ của thế giới chúng ta. Và ở đó chúng ta đón nhận Đức Kitô hằng sống, được trao ban làm của ăn. Được liên kết với mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công, việc cử hành này không bị gián đoạn trên khắp thế giới, cho dù chúng ta có thể tham dự hay không.
 
BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ BÍ TÍCH CỦA NGƯỜI ANH EM
 
          Cánh tay còn lại của Đức Kitô cũng thiết yếu như cánh tay mà chúng ta vừa đề cập, đó là cánh tay đã được mặc khải cho chúng ta trong khi rửa chân, trước khi Người được tôn vinh (Ga 13). Cần lưu ý rằng việc Thiết lập Bí tích Thánh Thể không liên quan đến lời tường thuật của Gioan. Nó được gợi lên trong phần “chia sẻ tấm bánh” của chương 5. Chắc chắn việc “Bẻ bánh” đã diễn ra thường xuyên trong Giáo hội sau này theo Phúc âm thứ 4 đã chiếu giãi một ánh sáng mới về sự Hiện diện Thực tại khác của Chúa Giêsu, được biểu lộ qua người lân cận của chúng ta. Chúa Giêsu đã nói gì sau khi rửa chân cho các môn đệ? “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Lời này vọng lại lời Người đã phán khi thiết lập bí tích Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19).
 
           Trong thời kỳ đại dịch, công việc từ thiện của Giáo Hội vẫn hoạt động, thậm chí có các nhà thờ đã mở cửa chào đón người nghèo và cung cấp cho họ thứ bánh cần thiết hàng ngày này cho cuộc sống của họ và của gia đình họ. Trong công việc này họ cũng đã được một số khá đông các tình nguyện viên ngoài Giáo hội hỗ trợ. Chúng ta không thể nói rằng nó không liên quan gì đến Bí tích Thánh Thể!
 
           Trong bài suy niệm về phép lạ “hóa bánh ra nhiều” (Mt 14,13-21), lúc đọc Kinh Truyền Tin ngày 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bình luận:
 
         “Rõ ràng là đoạn trình thuật Tin Mừng này qui chiếu về Bí tích Thánh Thể, nhất là khi nó mô tả việc Chúa dâng lời chúc tụng, việc bẻ bánh, trao cho các môn đệ, phân phát cho dân chúng (c. 19). Cần lưu ý rằng có một mối liên hệ chặt chẽ biết chừng nào giữa bánh Thánh Thể, lương thực ban sự sống đời đời và bánh ăn hằng ngày, cần thiết cho cuộc sống trần thế. Trước khi hiến mình làm Bánh cứu độ, Chúa Giêsu quan tâm đến lương thực cho những ai theo Người và những ai để được ở với Người, đã quên dự phòng. Đôi khi, tinh thần và vật chất tương phản nhau, nhưng trên thực tế, cả thuyết duy linh lẫn thuyết duy vật, đều xa lạ với Kinh thánh.”
 
        Nếu Charles de Foucauld có cảm nhận mạnh mẽ về Bí tích Thánh Thể, thì ngài cũng có cảm nhận sâu sắc về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong những người nghèo, những người bé nhỏ, bị bỏ rơi. Ngài đã viết cho ông Louis Massignon ít lâu trước khi qua đời:
 
        “Không có lời nào trong Phúc âm gây ấn tượng sâu sắc hơn nơi tôi và biến đổi cuộc đời tôi hơn là câu này:”Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Nếu chúng ta nghĩ rằng những lời này là của Đấng là Chân Lý tự tại, những lời từ miệng của Đấng đã nói 'Đây là Mình Ta,, đây là Máu Ta' thì chúng ta phải nỗ lực biết bao để tìm kiếm và yêu mến CHÚA GIÊSU nơi những người nhỏ bé này, những tội nhân này, những người nghèo khổ này, đem tất cả tài nguyên vật chất của mình để xoa dịu những nỗi khốn cùng của họ ... ”(Tamanrasset, 1 tháng 8, 1916)
 
         Đây là điều liên kết Bí tích Bàn thờ với Bí tích của Người Anh em! Chúng ta không thể bảo rằng việc mở cửa một nhà thờ để nuôi người nghèo là không liên quan gì đến Bí tích Thánh Thể! Chúng ta không thể bảo rằng hành vi dấn thân phục vụ tha nhân của người Kitô hữu không phù hợp với việc cử hành và tham dự Thánh lễ. Hai cánh tay của Đức Kitô được liên kết với nhau, không thể tách rời, khi dâng lễ và khi làm điều tốt lành cho người khác.
 
SỰ HIỆP NHẤT CỦA THÂN THỂ ĐỨC KITÔ
 
          Vì vậy, điều quan trọng không phải là đưa ra một lựa chọn và tách biệt hai khía cạnh này vì lợi ích của bên này hay bên kia. Theo một cách nào đó, cả hai đều không thể thiếu cho đời sống của cộng đồng kitô giáo, cho chính chúng ta và cho đời sống thế giới của chúng ta.
 
          Cha René Voillaume đã nói về chủ đề này trong một hội nghị năm 1970:
 
          “Người ta không thể tách lễ hy sinh Thập giá khỏi tình bác ái huynh đệ cũng như người ta không thể tách một cái rễ ra khỏi cây sinh ra từ nó; chúng ta không thể tách việc tôn thờ Đức Kitô và sự hiệp thông với mầu nhiệm của Người là Tình yêu nhập thể, ra khỏi việc thực hiện một tình yêu hữu hiệu và huynh đệ giữa loài người. ... Đức ái bị cắt lìa khỏi thân cây của nó là Đức Kitô thì sẽ héo mòn và sẽ chết…”
 
           Cuối cùng, để bảo rằng việc tách biệt bí tích bàn thờ và bí tích của người anh em là điều không thể tưởng tượng được, tôi xin cung cấp cho các bạn một đoạn trong bài giảng của Thánh John Chrysostom (vào thế kỷ thứ 4) để suy gẫm:
 
          “Bạn có muốn tôn vinh thân thể của Đức Kitô không? Đừng khinh thường người đang khỏa thân. Đừng tôn vinh Người đây, trong nhà thờ bằng vải lụa trong khi bạn để Người đang lạnh cóng và thiếu quần áo ở bên ngoài. Vì Đấng đã nói: "Đây là mình Ta, và Người đã thực hiện như lời đã phán, thì cũng chính Người đã bảo: các ngươi đã thấy Ta đói, mà không cho ăn, và cũng vậy: Mỗi lần các ngươi không làm điều đó cho những kẻ bé mọn này là các ngươi đã không làm cho chính Ta. Ở đây, thân thể của Đức Kitô không cần quần áo, màlinh hồn trong sạch; nhưng ngoài kia, người ta cần rất nhiều sự quan tâm săn sóc ”(Bài giảng về Tin Mừng Thánh Mt).
 
        Vì vậy, chúng ta hãy giữ mối liên kết này giữa Bí tích Bàn thờ và Bí tích của Người Anh em, tại nơi và trong điều kiện chúng ta đang sống. Chúa không đòi hỏi chúng ta điều không thể, Ngài ban điều đó cho chúng ta! Chúng ta hãy đánh thức trái tim và sự sáng tạo của mình để sống Sự Hiện Diện của Chúa Giêsu, và để làm cho người ta nhận biết Người trong thời điểm mà chúng ta đang sống.
 
+ Đức Cha Claude Rault.
Nguyên Giám Mục Sahara
Doan Vinh chuyển ngữ
------------------ 
 
 



 
                           
 

Tác giả: Đức Cha Claude Rault

Nguồn tin: Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây