Thư chung số 139 - 04/2022

Thứ sáu - 25/03/2022 00:59
Thư chung số 139 - 04/2022
Thư chung số 139 - 04/2022
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 139 / Năm XII
                    * * *                                         

 
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 04/ 2022
-------------  
ĐỜI SỐNG NA-DA-RÉT
(Hoặc cách “hoạt động đem ơn cứu độ cho các linh hồn”)

Phan Rang, ngày 20.03.2022

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

            Ngày 15.05.2022 tới đây, Anh Charles kính yêu của chúng ta sẽ được tôn phong Hiển Thánh. Trong niềm hân hoan cùng với tất cả quý anh chị em trong đại gia đình CdF, chúng ta dâng lời cảm tạ hồng ân Chúa ban cho người Anh và cũng la người Cha của chúng ta; đồng thời cũng xin Ngài chuyển cầu cho chúng ta ơn quảng đại cùng Ngài âm thầm bước theo Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế đem ơn cứu độ trần gian.

            Tháng này, Anh Hai mời gọi các em cùng Anh Charles chiêm ngắm và bước theo Chúa Giêsu trong cuộc sống của Người tại Nazareth.
* Chúa Giêsu ở Nadarét

            Trước khi khởi đầu cuộc sống công khai để rao giảng và làm phép lạ, Chúa Giêsu đã sống trong 30 năm một cuộc sống hoàn toàn bình thường tại Nadarét. Người sống và làm việc trong ngôi làng của mình, ai cũng có thể nhìn thấy và nói chuyện với Người. Người tham dự các lễ hội và các cuộc cử hành, như Người sẽ làm sau này, trong tiệc cưới Cana. Như vậy cuộc sống của Người, tự nó không giấu ẩn. Điều mà Người muốn giấu kín, chính là mầu nhiệm đang ở trong Người : “Thần khí nung đốt tâm can Người bằng một tình yêu vô bờ bến đối với Cha Người và với tất cả nhân loại anh em Người”. Người thật là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa, nhưng lại muốn giữ cho sự thật ấy được giấu kín, khi giờ của Người chưa đến. Chính theo nghĩa này mà cuộc sống của Chúa Giêsu được ẩn giấu.

Để sống cuộc sống ấy, Chúa Giêsu không lui mình vào một nơi nào đó không thể đến được, xa cách với con người, nhưng trái lại, Người hoà mình với họ, trở thành một kẻ trong số họ, cùng chia sẻ công ăn việc làm, những tập tục và truyền thống của đồng bào. Cuộc sống của Người ở Nadarét chứa đựng rất ít những điều phi thường đến độ Tin Mừng hầu như không tìm thấy điều gì để nói : “Việc đó do đâu mà ông ta có thể làm được ? …Ông ta, không phải là bác thợ mộc, con bà Maria đó sao… ? (Mc.6,1-3). Chúa Giêsu đã học nghề bên cạnh thánh Giuse, cha mình, trước khi đến lượt Người sống cuộc sống của anh thợ làng kiếm miếng cơm manh áo bằng công việc của mình. Trong tất cả những việc ấy, Chúa Giêsu đã không làm bộ : thật cụ thể, Người đã cảm nghiệm được nỗi nhọc nhằn trong lao động,với tất cả mọi khó khăn của đời thường. Cuộc sống của Người, ở Nadarét, cũng là cuộc sống những mối tương quan giữa người với người, với láng giềng và các bằng hữu, với tất cả các gia đình, các cô, bác, cậu, dì, anh chị em bà con thân thuộc. Chúa Giêsu đã tự lồng mình vào trong toàn bộ hệ thống xã hội của một ngôi làng, với những vui buồn, những quan-hôn-tang-tế của ngôi làng ấy.

* Charles de Foucauld và Nadarét.

Lần đầu tiên khi đến viếng Thánh Địa, Charles de Foucauld đã thốt lên : “Thiên Chúa Đấng Tạo Thành đã trở nên một người trong chúng ta !!!”. Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa trong một vẻ ngoài của một con người, mà là Thiên Chúa thật và là người thật, mà vẫn giữ trọn thiên tính của Người. Trong khi làm người, Con Thiên Chúa đã chọn cách tự làm cho mình liên kết ưu tiên với những ai bé mọn và bị ném bên lề xã hội : Người sinh ra trong một chuồng bò, gần gũi với các mục đồng đang bị những người do thái và những kẻ sùng đạo khinh rẻ, vì họ không tuân theo lời dạy của Lề Luật. Ở Nadarét, Người chia sẻ cuộc sống của một ngôi làng hẻo lánh, xa thủ đô chính trị và tôn giáo và xa Đền Thờ Giêrusalem, trong một vùng tiếp cận với dân ngoại giáo và cũng có thể đã chịu ảnh hưởng của những người dân này: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Nathanaen, người đạo đức hỏi. (Ga.1,46). Chúa Giêsu không thuộc về tầng lớp có ảnh hưởng trong xã hội, tầng lớp của các tư tế, tiến sĩ và ký lục, nhưng thuộc tầng lớp người lao động. Trong suốt cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu sẽ giữ mãi sự ưu tiên ấy cho những kẻ khiêm nhường, những ai bé mọn và những người bị khinh rẻ.

Đây chính là lúc cần dừng lại một chút để đặt vấn đề : dĩ nhiên, chúng ta đã học biết được một điều gì đó về cuộc đời Chúa Giêsu ở Nadarét, và chúng ta cũng đã khám phá ra tầm quan trọng của điều ấy, nhưng phải chăng cuộc sống công khai cũng quan trọng ? Có phải là trong cuộc sống công khai của mình mà Chúa Giêsu biểu lộ sứ điệp quí giá về việc cứu chuộc nhân loại và phần rỗi cho các linh hồn ?

* Từ Nhập thể đến Thập giá : một tác động duy nhất của tình liên đới đầy hiệu quả với nhân loại.

Từ đầu, Charles de Foucauld đã hiểu rõ điều ấy và Anh thường lặp đi lặp lại, nếu Anh đi theo Chúa Giêsu, là vì để “làm việc cho phần rỗi các linh hồn”. Công việc ấy với Anh là điều cốt thiết và là mục đích của đời Anh. Nhưng thắc mắc của Anh là : làm thế nào để thực hiện công việc ấy ? bằng những phương thế nào để đích thân mình đạt đến mục đích ấy ? Anh không cảm thấy được gọi để đi rao giảng, cũng như một đời sống lui mình ra xa khỏi thế gian, nhưng là được gọi đến với một đời sống như Chúa Giêsu sống ở Nadarét. Dĩ nhiên, Anh đã trải qua nhiều giai đoạn để thực hiện cách sống ấy. Nhưng, với Anh, rõ ràng là Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại bằng sự liên đới của Người với con người, nhất là với những ai đang ở xa sự hoàn thiện đạo đức theo quan niệm của người do thái cùng thời với Người : những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm, những kẻ ngoại tình, những ai bệnh tật, những người ngoại quốc và những dân ngoại giáo. Người đã mở ra cho họ con đường Nước Trời đang có ở trong Người, bằng cách tiếp cận họ, trở thành người anh em của họ, và giúp họ nhờ bởi Người mà trở thành con Thiên Chúa : “Người đã trở nên nghèo khó vì anh em, để làm cho anh em nên giàu có nhờ bởi sự nghèo khó của Người” (2.Cor. 8,9)

Chính vì thế mà mầu nhiệm cứu chuộc và Chúa Giêsu đã đạt đến tuyệt đỉnh của hoạt động cứu chuộc khi Người trở thành người rốt hết trong những kẻ rốt hết, ngang hàng với phường trộm cắp cùng bị đóng đinh thập giá bên cạnh Người. Nhưng điều quan trọng là nhìn thấy rõ được sự vận động liên đới, mà đã mang Chúa Giêsu đến với hạng tiện dân vì ơn cứu độ của họ, không bị giới hạn nơi cuộc sống công khai của Người và vào giờ phút mà Người bị đóng đinh. Trên thập giá, hành vi bước xuống trong bóng tối của nhân loại chúng ta được thực hiện và hoàn tất (trước khi ánh sáng phục sinh vẫn chưa bừng lên), nhưng vận động liên đới không phải bắt đầu từ lúc này : Nó đã bắt đầu từ cuộc nhập thể và đã đồng hành với Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời của Người, tại Nadarét cũng như trong cuộc sống công khai : “Người vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phil.2,6-7).

* Lời ngôn sứ của Anh Charles

            Khi Chúa Giêsu loan báo tám mối phúc, khi Người giảng trên núi hoặc khi Người giải thích bản chất của tương quan giữa con người với Thiên Chúa qua các dụ ngôn, rõ ràng là Người đã phải “suy niệm rất lâu về những điều ấy trong lòng”. Chúng là kết quả do kinh nghiệm bản thân của Người”. Quả nếu Chúa Giêsu là một con người đích thực, thì điều đó muốn nói lên rằng Người đã sống theo các qui luật phát triển của con người, Người đã trải nghiệm qua các giai đoạn khác nhau về sự chín chắn của con người : “Còn Đức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc.2,52). Như vậy, người ta không thể rút gọn toàn bộ đời sống của Chúa Giêsu vào trong ba năm sống công khai được, như thể tất cả những gì đã được trải qua trước đó chẳng có gì là quan trọng. Trong trường hợp này, cuộc sống làm người của Chúa Giêsu sẽ chẳng còn là thật nữa và điều đó phản biện lại sự nhập thể nói cho chúng biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, theo đúng nghĩa của những từ ngữ ấy.

Giáo huấn của Chúa Giêsu và những cư xử của Người trong cả cuộc sống công khai chỉ là thành quả của sự triển nở lâu dài của thân phận làm người riêng tư của Người. Lòng thương xót của Người đối với những tội nhân, lòng trắc ẩn đối với những con bệnh, tình yêu dành cho những ai nghèo khốn và những kẻ yếu đuối từ lâu đã làm thành nhân cách của Người : cuộc sống công khai của Người được thực hiện chỉ để biểu hiện cách công khai những gì mà Người đã sống ở Nadarét. Chính vì thế mà Chúa Giêsu vẫn là “Giêsu Nadarét”, từ tuổi ấu thơ của Người cho đến lúc chịu đóng đinh trên thập giá.

Chính là dưới ánh sáng của vận động duy nhất của cuộc đời Chúa Giêsu mà người ta có thể hiểu được tầm quan trọng của cuộc sống ở Nadarét. Với Anh Charles, cuộc sống ở Nadarét không đơn thuần là một giai đoạn trong toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu : với Anh đó là một phương thế riêng để “hoạt động vì phần rỗi các linh hồn”, bởi vì Chúa Giêsu đã thực hiện nơi đó mối liên đới cứu chuộc xác định toàn bộ cuộc đời của Người. Với chúng ta, cuộc sống bình dị và khiêm nhu ở Nadarét cũng trở thành một phương thế làm việc vì phần rỗi các linh hồn, bằng cách chia sẻ với Chúa Giêsu của chúng ta công trình cứu độ của Người, bằng cách làm cho chúng ta liên kết, như Người, những ai cần được cứu độ nhất. Đó chính là điều minh định linh đạo của Anh Charles.

Kết luận :

Nếu việc trực tiếp rao giảng là không thể, nếu không phải là lúc để rao giảng, thì nên làm gì đây ? Đó chính là lúc để sống đời ẩn dật, là thời gian làm chứng đơn sơ, thời gian của “cuộc sống trong thinh lặng”, như Chúa Giêsu ở Nadarét. Là thời gian sống những tương quan giữa con người với con người, thời gian sống tình bằng hữu, như Chúa Giêsu - vì ơn cứu độ của chúng ta - đã cùng sống với chúng ta, đã hoà mình cách mật thiết với nhân loại chúng ta, từ nhập thể cho đến thập giá. Đây là lúc để “sống cùng…”

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, qua chúng con, Chúa vẫn tiếp tục sự hiện diện của Chúa giữa nhân loại, cũng cùng một cách như Chúa đã hiện diện ở Nadarét, xin cho chúng con hôm nay được giống Chúa. Xin ban cho chúng con ơn bắt chước cuộc sống ẩn dật của Chúa tại Nadarét, với tất cả giá trị của cuộc sống ấy, để hoạt động, với Chúa, và bắt đầu từ những ngày sống của chúng con,vì phần rỗi các linh hồn. Amen.
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây