Thư chung số 130 - 07/2021

Thứ ba - 22/06/2021 00:17
Thư chung số 130 - 07/2021
Thư chung số 130 - 07/2021
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 130 / Năm XI
                   * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 07/ 2021
-------------  
BÀI GIẢNG LỄ CỦA ĐHY JOSÉ SARAIVA MARTIN
Vương Cung Thánh Đường Vaticanô . Chúa Nhật 13.11.2005
 
Phan Rang, ngày 20.06.2021

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

            Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô - Chúa chúng ta, Tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.

            Tháng bảy, tháng kính Máu Châu Báu Đức Chúa Giêsu Kitô. Xin anh chị em ngước nhìn lên Thánh Giá và hãy gục đầu vào thương tích nơi cạnh sương Chúa Giêsu để Máu thánh Chúa rửa sạch tội lỗi trong linh hồn chúng ta và để chúng ta được thêm lòng say mến Chúa.
 
            Về chủ đề các Thư Chung trong các tháng kế tiếp. Trong tinh thần chuẩn bị tâm hồn anh chị em đón nhận tin vui Anh Charles kính yêu của chúng ta được tôn phong hiển thánh, Anh Hai sẽ gửi tới ace một loạt bài về tu đức và linh đạo thực hành của Anh Charles, để ace chúng ta học hỏi, suy niệm và linh động áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể của đời sống chúng ta. Dưới đây là nội dung bài giảng lễ của ĐHY J.S. Martin ngày anh Charles được tôn phong Chân Phước:

1. Hôm nay, Chúa nhật thứ ba mươi ba mùa thường niên, là tuần áp chót của năm phụng vụ (2005), là ngày kết thúc. Một năm sắp kết thúc luôn là một lời mời gọi suy nghĩ về sự bí ẩn của thời gian đã qua, qua đi vĩnh viễn vào cuối cuộc đời chúng ta.

Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này đặt ra một câu hỏi cụ thể: “Chúng ta phải sống như thế nào trong khi chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu?”. Câu trả lời đã được chính Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta qua Dụ ngôn những nén bạc mà chúng ta vừa nghe. Ngay sau đó là một hậu quả. Tóm lại, tất cả những gì chúng ta đang có và sẽ có, chúng ta phải đầu tư để phục vụ Chúa và người lân cận của chúng ta, bằng cách làm việc bác ái!

Trong chiều hướng này, chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ những gì chúng ta đã cho đi chứ không phải những gì chúng ta đã tích lũy được mới có giá trị phi thường trước mặt Thiên Chúa, bởi vì những gì chúng ta cho đi tức là chúng ta ký gửi vào ngân hàng tình yêu. Chính vì lý do đó mà Chúa Giêsu khen ngợi hai người đã biết cách làm sinh lợi những nén bạc mà họ đã lãnh nhận: đó chính là điều mà các thánh đã làm, theo cung cách của Thiên Chúa tình yêu và của sự hy sinh trọn vẹn. Và chắc chắn đây chính là điều làm cho những khuôn mặt sáng chói của ba vị tân chân phước vừa khác nhau lại vừa liên kết họ lại với nhau. Đó là các chân phước: Charles de Foucauld; Maria Pia Mastena và Maria Crocifissa Curcio.

2. Charles de Foucauld, khi suy gẫm đoạn Phúc âm theo Thánh Matthêu đọc trong Chúa nhật hôm nay, trước sự hiện diện của Chúa Hài Đồng trong mùa Giáng sinh 1897-1898, về nghĩa vụ của kẻ đã  nhận được các nén bạc phải đem ra sinh lợi như sau: "Chúa đòi chúng ta phải tường trình tất cả những gì chúng ta đã nhận được ... Và vì tôi đã nhận được rất nhiều, nên Chúa cũng sẽ đòi hỏi tôi rất nhiều! Nếu tôi nhận được nhiều hơn rất nhiều những người khác ... ơn hoán cải, ơn gọi tu trì , ơn vào Dòng Trappe, cuộc sống của một ẩn sĩ, ơn sống tại Nazareth, ơn được rước lễ hàng ngày, và rất nhiều ân sủng khác, thì Chúa sẽ còn đòi hỏi tôi nhiều biết chừng nào ... ”.

Việc phong chân phước cho Charles de Foucauld là sự xác nhận đối với chúng ta rằng : được Thần Khí Chúa dẫn dắt thực sự, nên Ngài đã biết cách sử dụng và làm cho rất  nhiều "nén bạc"  Chúa ban được sinh hoa kết trái và, khi đáp lại các ơn soi dẫn của Chúa cách tuyệt vời, Ngài đã thực sự bước đi trên con đường Phúc Âm có khả năng lôi cuốn hàng ngàn tiếp bước theo Ngài.

Gần đây Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc lại rằng “chúng ta có thể tóm tắt đức tin của mình trong những từ này: Iesus Caritas, Giêsu Tình yêu”, đó là chính những từ mà Charles de Foucauld đã chọn làm phương châm bày tỏ linh đạo của mình.

Cuộc đời đầy phiêu lưu và hấp dẫn của Charles de Foucauld là bằng chứng hết sức thuyết phục về sự thật của những lời này của Đức Thánh Cha. Thực vậy, người ta có thể dễ dàng nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi biến cố thăng trầm trong cuộc đời Anh Charles như Cha Huvelin đã viết cho Cha Abbot of Solesmes vào năm 1889: "Ngài làm cho tôn giáo trở thành một tình yêu".

Chính Anh Charles đã tiết lộ với một người bạn thời trung học, người theo thuyết bất khả tri, điều mà anh gọi là "bí mật của cuộc đời tôi" như sau: "Sự bắt chước không thể tách rời tình yêu ... Tôi đã đánh mất trái tim mình vì Chúa Giêsu Nazareth đã chịu đóng đinh cách đây một ngàn chín trăm năm và tôi dành cả cuộc đời để cố gắng bắt chước Người hết lòng hết sức mà con người yếu đuối của tôi có thể làm được.

Phân tích lá thư Anh Charles gửi cho ông Louis Massignon, chúng ta có thể thấy Ngài rất tự do trong cung cách biểu lộ tình yêu: "Yêu Chúa, yêu người lân cận ... Đây là tất cả đạo của chúng ta ... Làm sao đạt được lý tưởng đó ? Thưa, không phải trong một ngày, bởi vì đó chính là điều toàn thiện; là mục tiêu mà chúng ta phải luôn đặt ra, phải không ngừng hướng tới và là điều mà chúng ta sẽ chỉ đạt được ở trên thiên đàng mà thôi ".

            Ngay từ năm 1882, chúng ta đã tìm thấy câu nổi tiếng trong Mt 25, mà ngài rất thường trích dẫn và ngài trung thành thực hiện cho đến lần suy niệm cuối cùng năm 1916, khi ngài đặt sự hiện diện của Thánh Thể song song với sự hiện diện của những người bé nhỏ:

"Tôi tin rằng không có một lời nào trong Phúc âm đã gây ấn tượng sâu sắc hơn trong tôi và biến đổi cuộc đời tôi hơn lời này:" Tất cả những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. " Nếu ai đó nghĩ rằng những lời này là của Đấng Chân lý hằng hữu, những lời của Đấng đã phán "đây là mình Ta ... đây là máu Ta", thì chúng ta phải hết lòng hết sức mà tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu trong "những người nhỏ bé này " những kẻ tội lỗi, những người nghèo này" biết là dường nào.”

Charles de Foucauld đã có một tầm ảnh hưởng đáng kể đối với nền linh đạo của thế kỷ XX và mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ ba này, Ngài vẫn còn một nhà hướng dẫn tuyệt vời, mời gọi sống tin mừng triệt để, và thậm chí còn hình thành nên nhiều nhóm khác vừa lớn vừa đa dạng, không kể những nhóm thuộc gia đình thiêng liêng của ngài.

Đón nhận Tin Mừng trong tất cả sự đơn giản của nó, rao giảng tin mừng không áp đặt, làm chứng cho Chúa Giêsu trong khi vẫn tôn trọng các kinh nghiệm tôn giáo khác, khẳng định lại tính ưu việt của việc sống tình huynh đệ, đây chỉ là một trong số các khía cạnh quan trọng nhất của một di sản rất quý giá, nó thúc đẩy chúng ta thay đổi cuộc sống, như Chân phước Charles, trở thành lời "thét lớn Tin Mừng từ trên mái nhà ... [để] hô lên rằng chúng ta thuộc về Chúa Giêsu".

3. Chân phước Maria Pia Mastena. Trong bài đọc thứ hai trích Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca, Thánh Phao-lô nhắc lại sự cần thiết phải tỉnh thức, vì chúng ta không biết khi nào Con Thiên Chúa sẽ trở lại để phán xét những công việc chúng ta làm, theo ơn đã lãnh nhận. Đời sống Kitô hữu thực là một thời gian canh thức lâu dài chờ đợi Chúa Giêsu. Nhưng Thánh Tông đồ cũng lưu ý rằng tất cả chúng ta đều là: "con cái ánh sáng" (1Tx 5: 5) vì qua phép thánh tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào với Đức Kitô, Đấng là Ánh sáng thế gian. Chân phước Maria Pia Mastena đã tỏa chiếu một ánh quang chói sáng khi Mẹ sống cuộc đời một người nữ tu không ngừng tìm cách khôi phục lại vẻ rực rỡ của Thánh Nhan Chúa Giêsu, Đấng mà Mẹ hết lòng yêu mến, trên khuôn mặt của những người anh chị em. Khuôn mặt  con người, một khi nó bị tội lỗi và những bất hạnh của thế giới này làm biến dạng, thì chỉ có thể tỏa sáng khi nó nên giống với khuôn mặt của Đức Kitô, Đấng đã chịu chết trên Thập giá và được biến hình trong vinh quang của Chúa Cha. Mẹ Mastena cảm thấy có một động lực truyền giáo mạnh mẽ thôi thúc mẹ: "Đem Khuôn mặt của Chúa Giê-su vào giữa lòng nhân loại, ở những nơi nghèo nàn nhất và bị bỏ rơi nhất trên khắp thế giới ". Nhìn vào sự thánh thiện của Mẹ Mastena, người ta nhận thấy  Mẹ đúng là một nghệ nhân vĩ đại; vì nhờ thực hành rất nhiều nhân đức, Mẹ biết ghi tạc Hình ảnh của Chúa Giêsu thật sâu đậm trong tâm hồn mình, “ Khuôn mặt tuyệt vời”, Khuôn mặt điển trai nhất trong số các con cái loài người. Mẹ đã thành công trong việc làm cho Gương mặt của Chúa tỏa sáng khi hết tình sống nhân từ, bác ái, sự tha thứ, phục vụ trọn thời gian cho những người cùng khốn nhất. Với những hy sinh cao cả, khó khăn lớn lao, với đức tin và kiên trì, năm 1936, Maria Pia Mastena đã thành lập Dòng Các Nữ Tu Thánh Nhan, truyền lại cho các chị em dự phóng cuộc đời mình, được tóm tắt trong câu định nghĩa sau: “phổ biến, sửa chữa, phục hồi Khuôn mặt của Đức Kitô nơi những người anh chị em của chúng ta ". Vì vậy, Mẹ đã giải thích cho các Nữ tu trẻ, bằng một vài từ hết sức mạnh mẽ, đặc sủng của các Nữ tu Thánh Nhan: “Khi một trong những người anh em của chúng ta buồn khổ, chúng ta có nhiệm vụ mang lại nụ cười trên khuôn mặt họ,… Đây là sứ mệnh của chúng ta: làm cho nụ cười trên khuôn mặt của Chúa Giêsu dịu hiền nở trên khuôn mặt của người anh em chúng ta!”.

Trong một thế giới mà người ta không lưu tâm gì đến những điều vĩnh cửu, thì gương sáng của Chân phước Mẹ Mastena, đấng có gương mặt rạng ngời khiến nggười ta có thể nhìn thầy khuôn mặt tươi của Đức Kitô, trở nên hiện thực hơn bao giờ hết, tựa như chúng ta đang nhìn thầy một tấm ảnh in chìm trong tờ giấy bạc. Toàn thể con người của Mẹ Maria Pia lộ ra sự hiện diện của Đức Kitô tử nạn và Phục sinh, sung mãn đến độ thôi thúc Mẹ phục vụ Người nơi tất cả những ai nghèo khổ và đồng hóa mình với Chúa Giêsu Thánh Thể mà Mẹ cử hành và tôn thờ. Chúng ta đã nghe bài đọc I  bài thánh thi nổi tiếng theo bảng chữ cái kết thúc sách Châm ngôn, được gọi như vậy vì chữ cái đầu của mỗi câu tạo nên bảng mẫu tự tiếng Do thái. Văn học khôn ngoan chọn một người phụ nữ làm gương mẫu và hiện thân cho chủ đề lớn của Chủ nhật này, đó là sự dấn thân của người tín hữu với các ân huệ thiên hình vạn trạng mà họ đã lãnh nhận và trong các hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Nhưng ngoài việc ca ngợi người phụ nữ hoàn hảo trong nhiều phương diện khác nhau, sách khôn ngoan còn ca tụng sự phong phú của con người, vì nó quí giá “hơn cả ngọc trai” và làm cho mọi hoạt động bên ngoài được vững mạnh; một sự phong phú nội tâm là biểu hiện của lòng kính sợ Chúa, ơn huệ thứ bảy của Chúa Thánh Thần; nhờ đó chúng ta có khả năng tuân theo các chỉ dẫn của Chúa và hướng cuộc đời mình theo kế hoạch của Chúa.

4. Chân phước Maria Crocifissa Curcio. Người đầy tớ biếng nhác và xấc xược trong dụ ngôn về những nén bạc tìm thấy điểm đối lập tích cực trong nhân vật nữ được mô tả trong sách Châm-ngôn. Nhờ đặc sủng tình mẫu tử và thiên tài nữ tính của mình, Chân phước Maria Crocifissa Curcio, một người phụ nữ khéo léo và năng động đã hoàn toàn phù hợp để ân cần quan tâm đến các nhu cầu của người hàng xóm, đến mức coi mình như là một thành viên của "gia đình họ". Mẹ Maria Crocifissa cũng biết cách "lấy len và vải lanh" và sẵn sàng làm việc "bằng chính đôi tay của mình" để làm cho gia đình mà Chúa giao phó cho mẹ được phát triển. Mẹ đã tìm thấy nơi tinh thần dòng Các-men, và cụ thể nhất là nơi đặc sủng chiêm niệm và truyền giáo của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, động lực để thành lập hội dòng các-men Thừa Sai Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Tình yêu Chúa Giêsu đã dẫn đưa mẹ đi trên con đường đầy gian khó và cay đắng, khiến mẹ cảm nghiệm được thế nào là chịu  “đóng đinh”, giống như Chúa Giê-su, vì yêu thương anh em, mà mẹ hằng quan tâm cả trong những lúc sống thân mật với Chúa nhất. Mẹ viết trong Nhật ký thiêng liêng: "Chỉ nghĩ đến việc chịu đau khổ vì anh em thôi đã làm tâm hồn tôi vui sướng ... Tôi luôn tỏ ra dịu dàng hơn mỗi ngày... và chính với sự dịu dàng này, tôi yêu những cô gái nhỏ mà Chúa quan phòng đã giao phó cho tôi, tôi yêu toàn thể  thế giới, yêu thiên nhiên với tất cả vẻ đẹp của nó ” (ngày 4 tháng tư năm1928).

Mẹ Maria Crocifissa là một người phụ nữ đơn sơ và mạnh mẽ, được Thiên Chúa tình yêu chiếm  hữu, nên đã biết qui hướng tất cả về trời, nhưng vẫn ân cần cúi xuống trái đất, đặc biệt là trên nhân loại đau khổ và thiếu thốn. Với đức tin sâu xa và niềm say yêu bí tích Thánh Thể, Mẹ đã kín múc được nguồn cảm hứng và của ăn thường xuyên để nên thánh. Mẹ Curcio đã biết kết hợp lời cầu nguyện và hoạt động trong những sự kiện thông thường của cuộc sống hàng ngày, khi quan tâm giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là tiếp nhận và đào giới trẻ bị lãng quên nhất. Chính nhờ tính bình thường và ý thức cụ thể như thế nên đó là một mô hình mà ngày nay chúng ta vẫn có thể áp dụng, bởi vì sứ điệp của nó còn rất hợp thời.

5. Anh chị em rất thân mến, cuối cùng, nếu chúng ta trở lại ý nghĩa chính của dụ ngôn về những nén bạc, vẫn còn rất thời sự đối với chúng ta, thì chúng ta phải nói rằng Thiên Chúa đã trao phó lời Ngài cho chúng ta quản lý và chịu trách nhiệm, để chúng ta đầu tư vào kho bạc này, nghĩa là để Lời Chúa  trở nên động lực soi dẫn đời sống chúng ta, mà không sợ thất thoát, bởi vì chúng ta không xử sự như một tên đầy tớ thiếu khôn ngoan đã chôn vùi nén bạc của mình. Lời Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta vẫn còn mãi hiệu lực. Quả thật chúng ta phải tự hỏi: làm sao tôi có thể dự phần vào sự giàu có của Chúa  mà lại không thông chuyển lại cho thế gian?

Một Giáo hội - nghĩa là chính chúng ta – mà không liều mất gia tài khi can đảm dấn thân vào thành phố của loài người, thì không chỉ phản bội sứ mệnh của mình, mà còn đánh mất tất cả nữa.

Chúng ta hãy học nơi các vị tân chân phước để sống một đức tin lan tỏa và có tính truyền thông, bởi vì một đức tin “dửng dưng”, thì chẳng nói được gì với bất cứ ai; nếu nó không chuyển thành lời chứng, thì nó chỉ là một món quà “vô dụng”.

            Theo gương các chứng nhân này của Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng phải không ngừng làm cho những nén bạc đã lãnh nhận sinh hoa kết trái cho đến khi chúng ta nghe lại những lời tuyệt vời có thể được coi là một loại công thức tin mừng về việc phong chân phước: ”Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh ”(Mt 25,21).

 
Nguyên văn Pháp ngữ. Nguồn Internet. A2 chuyển ngữ.
 
==========  
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây