Thư chung số 122 - 11/2020

Thứ tư - 21/10/2020 11:21
Thư chung số 122 - 11/2020
Thư chung số 122 - 11/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 122 / Năm X
                    * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 11/ 2020

-------------  

THẦN HỌC VỀ ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN (4)
 
 
Phan Rang, ngày 20.10.2020

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
              Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

         Chúng ta bước vào tháng mưa ân sủng dành cho các đẳng linh hồn trong luyện ngục. Chính Chúa Giêsu, trong tuần 9 này Kính Lòng thương Xót Chúa, Chúa đã đích thân chỉ cho chúng ta biết những linh hồn trong luyện ngục phải đền tội cách khủng khiếp đến thế nàol và Chúa nói :” ôi, nếu con hiểu được những cực hình mà các linh hồn ấy phải chịu, chắc con sẽ không ngừng lãnh nhận mọi ân xá Trong tháng này, xin anh chị em tiếp tục học hỏi về Tông Huấn “Vita Consecrata” của ĐTC Gioan-Phaolô II về Chiều Kích hướng thượng của Đời sống thánh hiến.

D. CHIỀU KÍCH HƯỚNG NGOẠI CỦA ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN 

Chương 3 của Tông huấn “Vita Consecrata”, mang tựa đề Servitium caritatis (Phục vụ Bác ái). Có thể coi đấy như chiều kích hướng ngoại của đời tận hiến tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội. 

I. Tận hiến và sứ mạng 

Từ sau Công đồng Vatican II, thần học về đời tu chia ra hai khuynh hướng chính. 
          - Một khuynh hướng muốn nhấn mạnh tới chiều kích hướng thượng và định nghĩa đời tu như là sự tận hiến cho Thiên Chúa. Đời tu không phải được đánh giá qua những công tác tông đồ cho bằng qua tình yêu dâng hiến.

           - Khuynh hướng thứ hai thì cho rằng ý niệm tận hiến chỉ đúng cho các dòng đan tu chiêm niệm, chứ không áp dụng cho các dòng tông đồ; đa số những dòng này được thành lập nhằm để thi hành một công tác bác ái nào đó (từ mục vụ giáo xứ, truyền giáo cho tới việc giáo dục thanh niên hoặc săn sóc bệnh nhân, người nghèo…). Theo khuynh hướng này, căn cước của đời tu được biểu lộ qua “sứ mạng” (missio) hay “đặc sủng” (charisma) của mỗi dòng.

Xem ra Đức Gioan Phaolô II nghiêng về khuynh hướng thứ nhất, bởi vì đã dùng ý niệm “tận hiến” để định nghĩa căn cước của đời tu (Vita consecrata). Trên thực tế, tông huấn đã muốn gắn chặt hai khía cạnh “tận hiến” và “sứ mạng” với nhau. Sự tận hiến bao hàm sứ mạng: việc hòa đồng với nếp sống của Đức Kitô cũng kèm theo việc tham gia vào sứ mạng của ngài. Đức Kitô đã được Chúa Cha thánh hiến và sai đến trần gian (Ga 10,36) để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Mặt khác, chính đời sống tận hiến cho Thiên Chúa là một công việc truyền giáo hùng hồn hơn cả, bởi vì không những nó trình bày cho thế giới một bằng chứng của Phúc Âm diễn tả thành cuộc sống, nhưng nó còn biểu lộ thành quả ưu tú nhất của công cuộc truyền giáo, đó là con tim đã được Đức Kitô chiếm đoạt trọn vẹn (số 25). Đời sống huynh đệ cũng là một hậu quả của sự thông hiệp hòa giải của ơn cứu chuộc, khi mà những con người với cá tính khác biệt đã biết đối xử với nhau như anh em vui sống êm ấm một nhà (số 72).

Nhận xét tổng quát vừa kể đưa tới hia hệ luận sau đây:

         Thứ nhất, tất cả các tu sĩ đều có nhiệm vụ tham gia vào công cuộc truyền giáo (kể cả các dòng kín), bởi vì tất cả các tu sĩ đều muốn đi theo Đức Kitô trong việc mang tình yêu của Chúa đến cho nhân loại.

         Thứ hai, tất cả các tu sĩ cần thâm tín rằng công tác truyền giáo độc đáo nhất của họ là chính việc sống 3 lời khuyên Phúc Âm, bởi vì nhờ đó mà cuộc đời của Đức Kitô được truyền bá không phải như là những hàng chữ chết mà đã trở nên hiện thực.

Khi muốn diễn tả chiều kích hướng ngoại của đời tận hiến, tông huấn đã sử dụng những ý niệm: sứ mạng (missio), dấu chỉ (signum), chứng tá (testis), ngôn sứ (vaticinium, indoles prophetica) xc. số 15; 25; 35; 73; 84.

Sau khi bàn đến sứ mạng của đời tận hiến nói chung, tông huấn bước sang các hình thức đặc thù của các hoạt động của mỗi Dòng tùy theo đặc sủng của họ. Danh từ “đặc sủng” (Charisma) được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như khi nói tới sự đa dạng của đời tu (số 5b; 19; 32), chiều kích Ba Ngôi (số 36), việc đào tạo (số 68), linh đạo (số 37; 93), tổ chức nội bộ và hoạt động tông đồ (số 48; 63; 72), hội nhập văn hóa (số 80). Mỗi Dòng cần phải biết trung thành bảo vệ đặc sủng của mình (số 36); sự trung thành không đồng nghĩa với bảo cổ, nhưng là “trung thành sáng tạo” (fidelitas efficiens, actuosa, số 37; 74) biết đáp ứng với những đòi hỏi của thời đại. Chúng ta không thể tự mãn với lịch sử đã qua nhưng còn phải viết lên những trang sử mới (số 110).

Riêng về các hình thức tu trì và hoạt động tông đồ, chúng ta thấy có những sự phân loại đại cương như sau: 

          1/. Xét theo dòng lịch sử (từ số 5-11): đan tu, hành trình nữ, ẩn sĩ, goá bụa; dòng thuần tuý chiêm niệm; dòng tông đồ, tu hội đời, tu đoàn tông đồ.

         2/. Xét theo những hình thức phục vụ bác ái (số 32); các tu sĩ sống đời chiêm niệm họa lại Đức Kitô cầu nguyện trên núi; các tu sĩ hoạt động bày tỏ Đức Kitô loan báo Nước Trời cho đám đông, hoặc chữa lành những kẻ thương tích bệnh tật và giúp các tội nhân đổi mới cuộc đời, chúc lành các nhi đồng, làm việc từ thiện cho hết mọi người; các thành viên tu hội đời muốn tiêm nhiễm tinh thần Phúc Âm vào thực tại trần thế.

II. Vài vấn đề khẩn trương 

Nguồn gốc của đời tận hiến nói chung và của từng dòng nói riêng là một hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội và các dòng cần phải biết bảo tồn hồng ân đó. Mặt khác, Thánh Thần vẫn còn tiếp tục tác động trong dòng lịch sử. Việc trung thành với Thánh Thần đòi hỏi cả việc trung thành nhận ra tiếng gọi của Ngài hôm nay, qua những dấu chỉ thời đại hoặc những thách đố (số 73). Thực ra, điều này đòi hỏi sự phán đoán siêu nhiên (iudicium, tiếng Ý: discernimento), bởi vì không thể nào đồng hóa “dấu chỉ” với “mốt” của thời đại; lắm lần thời trang là con đẻ của tinh thần thế gian chứ không phải của tinh thần tận hiến. Các tu sĩ cần thâm tín rằng việc sống theo 3 lời khuyên Phúc Âm trái ngược với não trạng của thế gian, ham chuộng khóai lạc, hưởng thụ, bóc lột (số 87-92). Đời tu cần được hội nhập vào văn hóa, nhưng đồng thời cũng cần phải tiêm nhiễm văn hóa của Phúc Âm (số 98).

Trong những môi trường khẩn trương đang thách đố sự dấn thân của các tu sĩ, Đức Gioan Phaolô II đã liệt kê: việc truyền giáo cho lương dân (số 76-78); việc hội nhập văn hóa (số 79-80); phục vụ người nghèo và những thành phần bị bỏ rơi (số 82); săn sóc các bệnh nhân (số 83); giáo dục (số 96-97); truyền thông xa hội (số 99), đối thọai đại kết (số 100-101); đối thọai liên tôn (số 102).

III. Từ sứ mạng đến tận hiến 

Tông huấn “Vita Consecrata” đi từ đề tài “tận hiến” ở chương một để phát triển sang đề tài “sứ mạng” ở chương ba. Như đa nói trên đây, hai đề tài đó gắn liền với nhau. Để kết luận, ta có thể nói rằng đề tài sứ mạng lại dẫn về đề tài tận hiến. Lý do dễ hiểu: nếu thiếu đời sống nội tâm phong phú, thì bao nhiêu công tác tông đồ sẽ chẳng mang lại kết quả gì hết (số 84). Hơn thế nữa, công tác tông đồ quan trọng hơn cả mà giáo hội mong đợi nơi các tu sĩ và chứng tá của sự thánh thiện (số 33-35). Vì thế, không lạ gì, chính trong phần cuối của tông thư, Đức Gioan Phaolô II đã đề cập tới “linh đạo” của đời tận hiến. Ở số 93, linh đạo được định nghĩa cách tổng quát như là đời sống tinh thần (Vita Spiritalis), nghĩa là sống theo hướng dẫn của Thánh Thần để đồng hóa sát với Đức Kitô hơn và yêu mến phục Giáo Hội hơn. Theo nghĩa chặt, linh đạo của một dòng (Modus Singularis Spiritalitatis) được coi như là một chương trình cụ thể về tương quan với Thiên Chúa và khung cảnh, chú trọng tới vài nét cá biệt về đạo đức hay hoạt động.

Thực ra, linh đạo của đời tận hiến đã được trình bày trong suốt văn kiện, ngay từ những trang đầu tiên. Linh đạo ấy được diễn tả với nhiều đặc trưng:

- Linh đạo tận hiến (số 3), nghĩa là thuộc trọn về Chúa, với tình yêu không chia sẻ, tựa như hiến lễ toàn thiêu (số 17). Tình yêu dâng hiến đáp lại tình yêu tuyển chọn của Thiên Chúa, và diễn ra tình yêu dành cho tha nhân.

- Linh đạo biến hình đổi dạng với Đức Kitô (số 14: christiformis), đồng hóa với Đức Kitô (số 16: conformation), với tâm tình, nếp sống và hoạt động của Ngài: linh đạo của các chân phúc (số 33).

- Linh đạo thông hiệp, huynh đệ (số 46: 51).

- Linh đạo tông đồ (hành động), nghĩa là “nhìn Chúa trong hết mọi sự và nhìn hết mọi sự trong Chúa” (số 74): linh đạo của ngôn sứ, từ cảm nghiệm mật thiết với Chúa đến chỗ trở thành tiếng nói của Chúa (số 84-85).

- Linh đạo phục vụ (số 75), trao hiến tất cả, không dè sẻn, bất vụ lợi, theo gương cô Maria Bêtania (số 104), theo gương các anh hùng tử đạo (số 86).

Đức Gioan Phaolô II không dừng lại ở những lời hay ý đẹp. Ngay từ chương thứ nhất, ngài đã nhắc nhở các tu sĩ về con đường phải đi để có thể biến hình với Chúa, đó là sự cầu nguyện và từ bỏ mình, chiến đấu với các chước cám dỗ, trong đó phải kể cả chước cám dỗ đi tìm hiệu quả việc làm dựa trên tiêu chuẩn của thế gian (số 38). Sang chương 3, tông huấn đi sâu hơn vào những phương thế giúp cho đường thiêng liêng được tăng trưởng: lắng nghe Lời Chúa (số 94), cử hành phụng vụ và các bí tích (số 95), nếp sống khiêm tốn đạo bạc (số 82), thống hối và cải hóan (số 103).

Kết luận

Ngay từ đầu (số 2), ra như Đức Gioan Phaolô II đã muốn cho thấy cung giọng của tông huấn là một bài ca tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân của đời sống thánh hiến ban cho Giáo Hội. Dù nhận biết rằng đời tu trì đang trải qua cơn khủng hoảng, nhưng mà thay vì trách móc thì tông huấn muốn thôi thúc hy vọng hướng về tương lai (số 13). Vào cuối văn kiện (số 109-100), Đức Thánh Cha mời các tu sĩ hãy hợp giọng trong bài ca ấy, bằng cách để cho hồng ân của Chúa chiếu rực trong cuộc đời của mình, làm sao cho nhân loại thấy họ biến hình, nghĩa là có thể nhận thấy Đức Kitô nơi khuôn mặt và cuộc sống của họ.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
catechesis.net
---------------------------
[1] Relatio ante disceptationem, no. 8-14
[2] Sentire cum Ecclesia, số 46.

Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

Nguồn tin: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây