Ánh Sáng của Ngọn Đèn Pha Charles de Foucauld

Thứ năm - 25/03/2021 05:02
Ánh Sáng của Ngọn Đèn Pha Charles de Foucauld
ÁNH SÁNG CỦA NGỌN ĐÈN PHA CHARLES DE FOUCAULD
 
1 Cha Yves Congar tại kỳ họp Công Đồng Vatican II đã nói:” Những ngọn đèn pha mà Chúa thắp sáng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên nguyên tử hiện nay có tên là Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu, là Charles de Foucauld ”. Việc phong chân phước cho Cha de Foucauld đã nêu bật bằng chứng về nhân cách phi thường này, cũng như những trực giác về đời sống tâm linh của ngài đã trải qua hơn ba mươi năm tồn tại với tư cách là một người được ơn hoán cải.

2 Nhưng những trực giác này ngày nay hiệu quả đến mức nào? Chúng ta đang sống trong một xã hội mà khả năng hiển thị, đối tượng truyền thông, kết quả có thể trông thấy được đã trở thành tiêu chí tồn tại và giá trị. Thế thì “đặc sủng của Nazareth” của một người sống chôn vùi trong thinh lặng và từ bỏ, và lời chứng của những người sống theo tinh thần này có giá trị gì?

3 Giáo hội chúng ta nhấn mạnh đến việc “phúc âm hóa mới”, như một làn gió có khả năng thanh tẩy các thực hành và phương pháp mục vụ của kitô giáo vốn đã không thể ngăn chặn được sự tục hóa. Còn về tính ưu việt của kinh nghiệm thiêng liêng, như là một thái độ truyền giáo trong xã hội ngày nay theo kiểu Charles de Foucauld thì sao? Và về đời sống Thánh Thể, rất quan trọng đối với Anh Charles, trong cuộc sống thường ngày của các kitô hữu thì sao?

Kinh nghiệm về Thiên Chúa, nguồn cá nhân hoá và sự cởi m

4 Cuộc đời của Charles de Foucauld là một nghịch lý. Năm 1886 ngài được ơn trở lại - ở tuổi 28 - tự thể hiện mình là người muốn tìm chỗ rốt hèn, từ bỏ mọi thứ vì say mê “Người Anh đáng mến và Chúa Giêsu”, để chỉ sống cho Thiên Chúa bằng cách vĩnh viễn rời xa thế gian.

5 Tuy nhiên, lịch sử đời ngài sẽ dần dần đưa ngài đến sự hiện diện ngày càng cụ thể đối mọi người, chắc chắn là với tư cách của một người phục vụ, nhưng đầy năng động khiến ngài tìm ra những con đường mới để phục vụ Tin Mừng: ẩn thân nơi sa mạc Sahara để ngày càng gần gũi hơn với người Tuareg; mười năm nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa của họ, và đã viết nên một tác phẩm lỗi lạc về ngôn ngữ ; quan tâm đến sự phát triển của dân tộc này và trách nhiệm của đất nước đã đô hộ họ. Làm thế nào để giải thích nghịch lý này? Đó chính là từ trong kinh nghiệm tâm linh của mình, mà nguồn hứng truyền giáo này đã trào ra.

6 Những trực giác tâm linh tuyệt vời của Charles de Foucauld được biết đến đó là: mầu nhiệm Na-da-rét, yêu mến Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, sống khó nghèo và tình huynh đệ. Những trực giác này nảy sinh từ đời sống cầu nguyện, cuộc sống của một tu sĩ và một ẩn sĩ mà ngài đã trải nghiệm từ năm 1890 đến năm 1900, tại Dòng Trappe và tại Na-da-rét.

7 Tuy nhiên, mầu nhiệm Na-da-rét đã đẩy ngài vào Sahara! Ngài để Chúa Giê-su nói: “cuộc sống Na-da-rét có thể được thực hiện ở khắp mọi nơi: hãy thể hiện đời sống ấy ở nơi nào hữu ích nhất cho người thân cận”. Lòng yêu mến Lời Chúa đã khiến ngài soạn từ điển và ngữ pháp Tuareg, để có thể phiên dịch Phúc âm mà phân phát cho cư dân miền Hoggar. Còn việc tôn thờ thánh thể ? Ngài đã chọn đi Tamanrasset, nơi mà ngài không thể cử hành thánh lễ trong nhiều tháng, không có sự hiện diện của Đức Kitô trong nhà tạm trong nhiều năm, bởi vì Bí tích Thánh Thể đã trở thành lễ dâng cuộc sống và sự hiện diện của ngài cho thế giới. Sự khó nghèo bản thân thì thế nào? Nó hướng vào việc phục vụ người nghèo, cũng như lòng yêu mến tình huynh đệ đại đồng chuyển thành việc phát minh ra các hiệp hội chuyên cầu nguyện và sống vì Tin Mừng.

 8 Vì thế, kho tàng đầu tiên của di sản tinh thần này là tính ưu việt của kinh nghiệm về Thiên Chúa, là nguồn phát sinh không chỉ của sự hoán cải và thánh hóa cá nhân, mà còn của việc rao giảng phúc âm, để phục vụ thế giới. Charles de Foucauld không sử dụng ngôn ngữ này, nhưng ngài đã sống cái trực giác đó.

9 Kinh nghiệm về Thiên Chúa là lệnh hoán cải: “Ngay khi tôi tin rằng có Thiên Chúa, tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho Ngài. Ơn gọi tu trì của tôi phát sinh đồng thời gian với đức tin của tôi “.Tính triệt để ở đây không phải là biểu hiện của sự tự nguyện, mà là dấu chỉ của sự hiến thân, sẵn sàng đáp lại những lời mời gọi có thể nảy sinh. Charles de Foucauld sẽ tìm kiếm Chúa suốt đời, qua những niềm vui và thử thách – về phía nhân loại và tâm linh -, qua những tình huống và sự kiện cụ thể dường như khiến ngài không ngừng phó thác trọn vẹn cho Chúa.

10 Sự phó thác: nhiều Kitô hữu biết “lời kinh phó thác” của Cha de Foucauld. Linh đạo của sự phó thác, lâu nay bị coi là một hình thức từ nhiệm hoặc chủ nghĩa tĩnh tịch tôn giáo, hiện đang trở lại với màu sắc của nó (việc phát hành lại cuốn sách nhỏ của Cha de Caussade: Sự Phó Thác cho Thiên Chúa Quan Phòng, có thể là một tín hiệu). Giữa những đề xuất "thiêng liêng" chúng nói lên cách mạnh mẽ với những người đương thời của chúng ta đang tìm kiếm các kỹ năng đem lại bình an nội tâm, ngày nay kinh nghiệm Kitô giáo xuất hiện nhiều hơn, như một sự cá nhân hóa, sự thể hiện mình và như một lối dấn thân đang phát triển trong đời sống xã hội. Chính đó là lối sống phó thác của Foucauld.

11 Sứ mệnh đích thực của Giáo Hội là cung cấp cho mọi người lớn nhỏ phương tiện trải nghiệm về Thiên Chúa, Đấng tạo thành nhân cách và nhân bản hóa xã hội. Việc thường xuyên lui tới các đan viện và trung tâm tâm linh là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu này. Nhưng quan trọng là, trong đời sống giáo xứ và trong phương pháp sư phạm của các phong trào giáo hội, giúp cho một số người càng đông càng tốt có khả năng gặp gỡ sâu xa với Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi các ơn gọi mà như Mounier nói là các sự kiện - "những bậc thầy nội tâm", - tác động đến đức tin, làm cho việc thực hành các bí tích được sống động, và sống chiêm niệm.

Việc loan báo Tin Mừng luôn luôn mới

12 Lời kêu gọi của ĐTC Gioan-Phao-lô II về một “phúc âm hóa mới” đã được nhiều người quan tâm suốt hai mươi lăm năm qua, tạo ra các cộng đoàn và các phong trào mới. Chúng là dấu hiệu của một sự năng động dẫn đến sự sáng tạo của giáo hội và tìm cách đáp ứng các nhu cầu của tinh thần mới, bằng cách thích ứng với các kỹ năng của một nền văn minh đang vươn tới.

13 Tuy nhiên, theo lời Cha Christoph Theobald, việc phúc âm hóa mới dẫu sao cũng đã không ngăn chặn nổi một phong trào toàn cầu muốn rời xa Giáo hội. Chắc chắn, lòng nhiệt thành dẫn người trẻ và người lớn thực hành “truyền giáo trực tiếp”, thể hiện bằng niềm xác tín của chính họ và khơi gợi sự hoán cải, bày tỏ một tiếng gọi cao đẹp từ Chúa Thánh Thần, Đấng muốn đáp ứng những thiếu thốn và nỗi sợ hãi của chúng ta. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu coi các hình thức chăm sóc mục vụ gần đây nhất đương nhiên là tốt nhất, thì chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Tốt hơn là chú trọng đến tính bổ sung và sự hòa hợp của các đề xuất.

14 Charles de Foucauld đã đề xuất một diện chăm sóc mục vụ bằng sự hiện diện, bằng tình bạn, bằng sự kín ẩn. Với người bạn của mình là Laperrine (chỉ huy các ốc đảo ở Sahara), ngài đã sử dụng ngôn ngữ thuần hóa từ rất lâu trước khi Saint-Exupéry tạo cho nó một màu sắc văn học. Trái ngược với các kỹ thuật chinh phục và nô dịch, ngài đề nghị cần phải có sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng nhau khi đối thoại và mưu tìm sự tiến bộ chung.

15 Sống ẩn dật, theo cách của Charles de Foucauld, đã soi sáng và trợ lực cho sự dấn thân của nhiều kitô hữu, được mời gọi sống Phúc âm mà không cần nói: kinh nghiệm của các linh mục thợ, một phần nào đó dựa theo mẫu sống này. Cách sống theo tiếng gọi của Chúa này đã không làm mất đi giá trị tinh thần, sức mạnh truyền giáo của nó. Đó không phải là một linh đạo và một năng động cần thiết trong thời đại tục hóa, không mấy lưu tâm đến không gian xã hội hữu hình và tức thời, cho bằng chậm rãi tiến tới theo thời gian sao?

16 Ngôn ngữ của lời chứng, trong nền văn hóa của chúng ta, bao gồm cả lời chứng lẫn cuộc đời của người làm chứng. Thánh Phao-lô nói: Chính Chúa Giê-su Kitô đã “làm chứng tuyệt vời”; và các môn đệ bước theo Người đã nhấn mạnh đến một hoặc nhiều khía cạnh khác về chứng từ của Người, tùy theo ơn gọi của họ, bởi vì họ được gọi để cùng nhau trở nên muối và ánh sáng, hương vị ẩn và tỏa rạng hữu hình.

17 Di sản của Charles de Foucauld ở đây là gợi nhớ lại sự phong phú của lời chứng kín đáo và trung thành theo thời gian. Văn hóa của sự đúng giờ và thú vui nhất thời đúng là cần phải có thuốc giải độc. Nhiều năm sống thinh lặng ở Sahara đã mang lại hoa trái bền lâu. Ở đây một lần nữa, chính sức mạnh của kinh nghiệm thiêng liêng đã mang lại sự phong phú và tính hiện thực cho lời chứng này. Anh Roger nói: “Chỉ nói về Đức Kitô cho những ai hỏi bạn về Người. Nhưng bạn hãy sống thế nào để người ta có thể chất vấn bạn về Người.”Người Kitô hữu có ơn gọi chất vấn và rao truyền; và ngày nay hơn bao giờ hết, việc phục vụ Tin Mừng luôn cần những chứng nhân mà người ta có thể đặt câu hỏi: “Bí mật của bạn là gì? Tại sao bạn hành động như vậy, khi bạn phục vụ người nghèo và những người bị loại trừ?”Và những Kitô hữu này, họ là những trang sách Phúc âm sống, lúc đó sẽ dẫn lối cho người ta tiếp cận với  sách Kinh thánh và đến nguồn mạch sự sống trong Giáo hội.

18 Thực ra, việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi một sự hiện diện đầy chăm chú và yêu thương đối với những con người mà chúng ta gặp gỡ. Để công bố cách hữu hiệu Tin mừng đã thiêu đốt tâm hồn chúng ta, chúng ta cần phải hiểu biết về những người mà chúng ta đang nói với. Để đi nhanh, chúng ta có thể bị cám dỗ chỉ loan báo mà không gặp gỡ. Khi các phong trào của giáo hội yêu cầu các thành viên thực hành việc “đọc lại cuộc sống”, dĩ nhiên là để họ phân định tiếng gọi của Chúa, để họ đổi mới tâm hồn và hành vi của mình – hầu có thể truyền bá các thực tại mà họ phân tích. Nhưng đó cũng là để họ thực hiện công việc từ thiện của mình: “Chúng ta biết gì về cuộc sống của những người này, những câu hỏi sống còn của nhóm này? Đâu là tình huynh đệ cụ thể và tình đoàn kết yêu thương của chúng ta? Vậy làm thế nào chúng ta giúp người ta nhận ra khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa?”Sứ mệnh này của các phong trào của Giáo hội là học hỏi về sứ mệnh của Đức Kitô và việc "thực hành mục vụ" của Người, đó là : biết để yêu thương, để nói làm sao cho người bé nhỏ nhất có thể nhận biết lời của Người, trung thành bước đi bên cạnh từng người giúp họ khám phá ra ánh sáng.

Bí tích Thánh Thể và người nghèo

19 “Không có lời nào trong phúc âm gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi […] hơn điều này: 'Bất cứ điều gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này, là các con làm cho chinh Ta.Nếu ai đó nghĩ rằng những lời này là những lời[…] của Đấng đã nói: “Đây là Mình Ta, đây là Máu Ta”, thì người ta phải ra sức tìm kiếm và yêu mến Chúa Giê-xu nơi những người bé nhỏ này biết chừng nào ” Charles de Foucauld đã viết câu này vào năm 1916, ngay trước khi ngài qua đời, như một tổng hợp kinh nghiệm tâm linh và chứng từ truyền giáo của ngài. Thật vậy, sau ba năm sống ở Béni-Abbès - nơi có quân đồn trú và do đó là một cộng đoàn kitô hữu -, ngài đã tham gia vào việc phát hiện ra vùng Hoggar và quyết định đến sống ở đó: không có lính Pháp, không có cộng đoàn Kitô giáo, và do đó không có Thánh Thể! Một người lấy việc tôn sùng Thánh Thể làm trung tâm cuộc đời mình và người muốn thành lập các Huynh đoàn để thờ phượng Thánh Thể lâu giờ, lại đã chọn đi đến Tamanrasset, một nơi thiếu vằngThánh Thể. Việc thực hành Bí tích Thánh Thể và chiêm ngưỡng Đức Kitô Cứu Thế, theo yêu cầu của Giám Mục Sahara, ngài hiểu rằng sự hiện diện của Mình Chúa Kitô trong phép Thánh Thể cũng là Mình Chúa Kitô trong các chi thể nhân loại của Người: chính ngài sẽ là một Bí tích Thánh Thể sống ở giữa các người Tuaregs, cho đến ngày ngài dâng hiến chính mình làm của lễ, ngày 1 tháng 12 năm 1916.

20 Ngài đã không viết sách thần học về việc thực hành này, nhưng ngài đã sống như thế. Ngài không bao giờ đặt sự tôn thờ và việc sùng kính Bí tích Thánh Thể, đối nghịch với việc phục vụ người nghèo, như thể làm việc này thì phải bỏ việc kia. Trái lại, chúng ta có thể nói rằng tình yêu của Ngài đối với người nghèo đã mang đầy đủ ý nghĩa của nó trong Bí tích Thánh Thể, và tình yêu đối với Thân Thể Đức Kitô nơi Bí tích Thánh thể được triển khai trong việc phục vụ những người nhỏ bé.

21 Chứng tá về đời sống Thánh Thể này tự nó có thể làm sáng tỏ việc thực hành của nhiều người và nhiều cộng đoàn dành thời gian để tôn thờ Thánh Thể. Từ nhiều thế kỷ, đời sống thiêng liêng của các dòng chiêm niệm và các tín hữu đơn thành đã được nuôi dưỡng trong thời gian thờ phượng này. Đôi khi lòng sùng kính này quá chú trọng đến việc tôn thờ Thánh Thể, hoặc được coi như một đối trọng đối với việc dấn thân truyền giáo. Những sự lưỡng hợp này nguy hiểm đối với đời sống giáo hội và với kinh nghiệm thiêng liêng.

22 Gặp gỡ Đức Kitô, Đấng tôn thờ Cha trong lời cầu nguyện là chiêm ngắm Người trong sự mở rộng của Thân Thể Người trong phép Thánh Thể. Thánh Phaolô nói: "Anh em là Thân Thể Đức Kitô và là những chi thể của Người, ai theo phận nấy". Do đó, một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất của việc tôn thờ Thánh Thể chính là mối tương quan với Dân Chúa, chủ thể cử hành Bí tích; đó là mối liên hệ hữu cơ giữa dấu chỉ bí tích và Giáo hội, chủ thể ban phép thánh ấy cho chúng ta. Và, trong Thân Thể Đức Kitô này, chỗ cao dành cho người nghèo vẫn còn là một tiêu chuẩn của chân lý đời sống thiêng liêng. Nhiều gia đình thiêng liêng nhận ra mình theo chứng từ của Charles de Foucauld đã luôn duy trì hai cực này trong linh đạo của họ: thinh lặng tôn thờ Thánh Thể lâu giờ, và sự hiện diện của những kẻ bé mọn, trong những môi trường nghèo nhất trên hành tinh như những nơi mà họ phải chịu trách nhiệm. Đó là một trong những kho báu của di sản Charles de Foucauld mà những kẻ theo ngài gìn giữ để phát huy.

23 Như vậy, đây là một linh đạo về cuộc sống bình thường mà sứ điệp Foucauld  trình bày cho thế giới. Bên dưới vẻ ngoài đặc biệt của mình - và đôi khi qua cách hành xử có vẻ thái quá - Foucauld là một người rất thực tế: ngài quan tâm đến sự phát triển nhân bản cho mọi người nam cũng như nữ ở  Hoggar; đấu tranh chống lại chế độ nô lệ, lên kế hoạch giáo dục người Tuaregs và đòi hỏi các quan chức quân sự hoặc dân sự phải tôn trọng phẩm giá của người nghèo, tất cả đều cho thấy ngài không phải là một con người sống trong hoang tưởng.

24 Chắc chắn là thời trang khi ngày nay người ta nhấn mạnh những điểm yếu và sự thái quá của ngài, chẳng hạn như khi ngài đối mặt với cuộc thế chiến 1914 - 1918. Điều này khiến người ta quên rằng ngài là con người của thời đại, của một nền văn hóa và của một tầm nhìn về nước Pháp rất "hiện thân". Ngài ấp ủ một lý tưởng cao cả cho quê hương và cho Giáo hội, nhưng đồng thời ngài cũng rất gần gũi với những thực tế đời thường, “cái bình thường hằng ngày.”

25 Niềm ao ước bắt chước Chúa Giêsu Na-da-rét về một điểm đặc biệt nơi Đấng Mê-si-a Con Thiên Chúa, khiến ngài chăm chú lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng phán dạy trong cuộc sống. Ngài đã khởi xướng một hình thức nguyên thủy về đời sống chiêm niệm - đã trở thành cuộc sống của các Tiểu Đệ và Tiểu Muội Chúa Giêsu và của khoảng hai mươi hiệp hội - đã kết thúc sự nghiệp của mình đơn giản chỉ như một thành viên của "Liên minh" mà ngài đã sáng lập, dành cho giáo dân, tu sĩ, và linh mục chuyên lo cho bản thân cũng như cho "những người ngoại giáo" được ơn trở lại.

26 Ngài nhắc nhở Hội Thánh rằng đời sống của mỗi kitô hữu là đời sống khiêm nhường làm chứng cho Tin Mừng. Theo cách riêng của mình, ngài làm chứng rằng cuộc sống thần bí và sự dấn thân vào đời có cùng một nguồn gốc và cùng một mục đích, rằng cuộc sống theo ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần chính là việc phúc âm hóa thế giới. Giáo hội đang cần chứng từ này.

Tác giả : Pierre Sourisseau
Chuyển ngữ : Lm Doan Vinh . Nguồn Internet

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây