Ngày thứ chín

Thứ năm - 14/09/2017 04:28
Ngày thứ chín
 
NGƯỜI ANH EM ĐẠI ĐỒNG

 
 
« Tôi ao ước tất cả mọi người Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo và phiếm thần, tập quen coi tôi như là một người anh em của họ. Họ đã bắt đầu gọi căn nhà của tôi là: Nhà Huynh Đệ «, và điều ấy làm cho tôi thấy mát lòng mát dạ ». (1902) (OS 39).

Tất cả chúng ta đều là con cái Đấng Tối Cao! Tất cả … người nghèo nhất, người ghê tởm nhất, một em bé sơ sinh, một lão già lụ khụ, người ngu đần nhất, kẻ đê tiện nhất, người ngu ngốc, kẻ điên khùng, người tội lỗi, kẻ tội lỗi tầy trời nhất, kẻ dốt nát nhất, kẻ hèn kém hơn mọi người hèn kém, kẻ ghê tởm nhất cả về luân lý lẫn thể xác thì cũng đều là con cái Chúa, là con của Đấng Tối Cao…

Chúng ta phải quí trọng mọi người, phải yêu mến mọi người biết bao! Họ là con cái của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn các con của Ngài yêu thương nhau như người cha hiền muốn cho con cái ông yêu thương nhau vậy. Hãy yêu thương mọi người bởi vì họ là anh em của chúng ta, và Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn nhận và thương yêu họ thật thắm thiết như thế, vì họ là con Thiên Chúa rất đáng yêu mến và đáng tôn thờ! Bởi vì họ là giá máu của Chúa Giêsu, họ được máu của Người phủ che như một tấm áo choàng, họ được Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô thương yêu đến độ hiến mình làm hy lễ trên đồi Can-vê vì họ … “(1897) (OS 88-89).

«… Tôi nghĩ là không có một lời Tin Mừng nào gây ấn tượng sâu sắc hơn và làm thay đổi đời sống tôi hơn là câu sau đây: « Tất cả những gì anh em làm cho một trong những người bé mọn này là anh em làm cho chính Ta ». Nếu chúng ta xác tín rằng những lời ấy là của Đấng là Chân lý thường hằng, là những lời được thốt ra từ môi miệng của Đấng đã từng nói: « Này là Mình Ta… này là Máu Ta », thì chúng ta sẽ phải nỗ lực biết bao để tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu trong những kẻ bé mọn, những người tội lỗi, những kẻ nghèo khó ấy, và ra sức tìm các phương thế cụ thể để giảm đi các nỗi khốn khổ hiện thời của họ …» (1916) (LLM 210).
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã «dùng uy quyền» để công bố luật mới và Chúa nhấn mạnh: « Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì, nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện » (Mt 5,44-48).

Lạy Chúa Giêsu, trong bài giảng ấy, Chúa cho con thấy rằng con không được phép thừa nhận bất cứ một thứ rào chắn nào do con người dựng lên để chia cách nhau. Chúa truyền buộc con phải đối xử như một người anh em kẻ mà theo lẽ tự nhiên con không coi là thế, vì sự dị biệt chủng tộc, văn hoá, tôn giáo… vv, và tình yêu tha nhân này còn phải vươn xa đến mức bao gồm cả các kẻ thù của mình nữa. Khi thực hành giới lệnh này của Chúa, con sẽ vẽ lại nơi chính mình bức chân dung của Cha chúng con ở trên trời: Càng yêu thương thì con càng trở nên giống Ngài. Ước mong sao người ta có thể nhận ra Ngài. Cha nào con ấy mà! Điều đó chẳng phải là điểm nổi bật trong đời sống của Anh Charles và cũng là điều đã khiến anh quyết tâm sống như « người anh em đại đồng » đó sao? Biết bao lần, anh lập lại: « phải là người bạn của mọi người, người tốt cũng như người xấu, là anh em của mọi người » (CB,115). Và Anh cũng nhắc lại cho các môn đệ tương lai của Anh về « bổn phận của đức ái bao la và phổ cập ấy ».

« Lạy Chúa Giêsu, cùng với việc Chúa đem việc thực hành mới liên quan đến tình yêu người vào trần gian, Chúa cũng chỉ ra các nguyên lý mới để yêu thương mọi người » (PFJ,111). Để yêu thương theo quy luật mới đó, tất nhiên người ta phải có cái nhìn mới về người khác, một cái nhìn vượt lên trên những dáng vẻ bên ngoài, « một cái nhìn thứ hai ». «  Khi nhìn ai, bạn hãy khép đôi mắt thịt của bạn lại, và mở đôi mắt tâm hồn của bạn ra, hãy nhận ra nơi họ cái họ LÀ, chớ đừng nhìn cái vẻ bên ngoài của họ, hãy nhìn họ như Thiên Chúa thấy họ » (QPR,41). Bất cứ gặp ai trên đường, dù người ấy có xa lạ với cái vũ trụ thân thương của con cách nào đi nữa, dù người ấy là « kẻ rốt hèn nhất trong số những kẻ rốt hèn » xét về phương diện luân lý, thì lạy Chúa Giêsu, đó chẳng phải là chính Chúa mà con phải nhìn thấy nơi người ấy sao? Xin hoán cải trái tim của con, hãy hoán cải cái nhìn của con để, bằng đức tin, con có thể đến gặp được Chúa tại nơi sâu thẳm nhất của tha nhân, « Tất cả mọi người, người Thổ Nhĩ Kỳ đáng thương hay vị Giám mục, tất cả, vâng tất cả, khi ta đón tiếp những người ấy là ta đón tiếp chính Chúa Giêsu » (PFJ,37). Để đạt được điều đó, dĩ nhiên là rất khó, nhưng con vẫn phải cố gắng vượt thắng những phản ứng tự nhiên theo bản năng, những phản ứng nảy sinh do ác cảm hay do hiềm thù. Con phải thú nhận rằng, đối với một người cùng được giáo dục như con, nói cùng một ngôn ngữ vơí con, và chia sẻ những niềm xác tín như con, một ai đó cùng phe hay cùng thuộc về Giáo Hội với con, con thấy thoải mái hơn và con dễ dàng coi họ là người lân cận với con hơn. Tin mừng buộc con phải vượt qua những thiện cảm nhất thời đó, nếu không con đâu có hơn gì « những người ngoại giáo » ? Lạy Chúa Giêsu, con nài xin Chúa » ban cho chúng con cái ý nghĩa mới đó, cái nhìn thứ hai ấy, để chúng con luôn nhìn thấy Chúa nơi mỗi người con của Chúa, và để chúng con có thể đối xử tử tế với Chúa ngự trong mỗi người như bổn phận chúng con phải làm » (EJ,126).

Chúng ta hãy luôn ghi nhớ chứng từ mà một môn đệ của Anh Charles đây đã tâm sự vào buổi chiều, sau một ngày mệt nhoài vì chăm sóc các bệnh nhân như sau: « Tại đây, tôi nhìn thấy Chúa khi chăm sóc những đứa trẻ này, tôi đụng đến Người, tôi có cảm tưởng như thực sự sờ được vào thân xác Đức Kitô. Đó là một ân huệ phi thường! » (Peyriguere).

Tình yêu huynh đệ như thế không chỉ bằng lòng với những thiện cảm và những lời nói văn hoa. Vào thời cánh chung, chúng ta sẽ bị xét xử tuỳ theo các hành vi của mình: « Ta đói và các ngươi đã cho Ta ăn » (Mt 25,35). Chúng ta đã làm gì để « bớt đi những nỗi khốn cùng lúc này đây » ? Anh Charles không nhắc đến Thế giới thứ ba nhưng phải chăng anh không nghĩ tới họ khi anh viết : « Chúng ta phải liên kết với tất cả các anh em của chúng ta, kể cả những người ở xa nhất… chúng ta phải yêu thương, mời gọi họ liên kết với chúng ta, nhìn nhận họ là những anh em, làm cho họ biết tận dụng sự giàu có của chúng ta, những anh em kém may mắn đang sống rải rắc đó đây, hãy mời gọi họ đến với chúng ta, hãy kết tình huynh đệ với họ » (QPR,70-71)

Lạy Chúa, xin cho chúng con vượt thắng mọi trở ngại trên con đường yêu thương anh em đầy khó khăn này, phải yêu thương hết mọi người anh em! Chúng ta phải từ khước đừng để gắn chặt vào một nhãn hiệu này nọ vốn có nguy cơ kìm hãm chúng ta nhiệt tâm sống tình bác ái huynh đệ. Chúng ta phải tránh xa như tránh bệnh dịch hạch mọi xu hướng tổng quát hóa khi gán ghép và gom các khuyết điểm và lỗi lầm của một số anh em nào đó thành một bộ sưu tầm đồ cổ. Chúng ta không được qui tội cho cả nhóm vì tội của một thành viên nào đó trong nhóm đã lỡ vi phạm. Công đồng Vat. II đã lên án lối qui tội kiểu đó về vấn đề dân tộc Do thái. Mọi khuynh hướng tổng quát hóa đều là một sự bất công, nó là nguồn gốc phát sinh thái độ bất khoan dung và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Lạy Chúa, Chúa đã truyền cho chúng con không được lên án người anh em: « Anh em đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán ». Chúng con dễ có khuynh hướng vạch lỗi kẻ khác, nhất là khi những lỗi phạm ấy làm chúng con phải đau khổ, như trong dụ ngôn cái rác và cái xà. « Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em » (Mt 7,1-5). « Nếu tôi có một tư tưởng nào nghịch đức ái đối với người thân cận, thì cũng có nghĩa là tư tưởng đó nghịch lại với chính Chúa, bởi vì Người đã dạy: điều gì ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn này, là ngươi làm cho chính Ta » (DP,256). Lạy Chúa, tự tách mình ra khỏi người anh em, khi xét đoán hoặc là không hiểu biết về họ, tức là con đã lìa xa Chúa. Và như vậy, làm sao con có thể cầu nguyện được?

Lạy Chúa Giêsu, khi thông hiệp với Thân thể Chúa đã bị trao nộp vì chúng con và Máu Chúa đã đổ ra vì chúng con, thì chúng con được kết hợp mật thiết với Chúa, và được kết hiệp sâu xa với tất cả mọi người mà Chúa đang mang trong mình. Lạy Chúa, khước từ yêu thương một trong những con người này, gần hay xa, chính là cắt đứt sự hiệp nhất vô cùng thân thương giữa con với Chúa, và như thế là chúng con giả hình trong việc tiếp nhận Mình Máu Thánh Chúa.

Dù muốn hay không, con vẫn có hàng trăm ngàn cách để sống liên đới: liên đới với những người trong môi trường làm việc của con hay trong khu xóm, với những người đồng hương, người đông đạo trong Giáo Hội, liên đới với thế giới của những người tội lỗi. Con không thể tách mình ra khỏi những mối liên hệ ấy, con sẽ mắc tội, nếu, về mặt tinh thần, con tự tách mình ra, có thái độ kiêu xa khi coi thường kẻ khác, như lão biệt phái cầu nguyện trong dụ ngôn: « Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì con không giống như tên vô lại kia…» (Lc 18,11). Xin ngăn đừng để con bắt chước lão ta kẻo lại bị Chúa lên án!

Tình liên đới của con với kẻ khác sẽ không bền nếu nó chỉ dựa trên những hứng khởi do tình cảm. Nó phải bén rễ sâu vào sự suy niệm về Mầu nhiệm Ba Ngôi. Lạy Chúa Giêsu, sự hiệp nhất giữa Chúa và Chúa Cha, phải là gương mâu tuyệt vời để chúng con bắt chước. Lạy Chúa, nào Chúa đã chẳng cầu nguyện theo ý đó vào buổi chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh sao: « Như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha nhờ tình yêu. Chúng ta cũng phải sống trong mọi người như vậy… nhờ tình yêu mà chúng ta yêu thương họ và chúng ta phải yêu thương họ thế nào để hết thảy mọi người biết yêu thương nhau nơi chính bản thân họ, chứ không chỉ yêu nhau trong chúng ta […] « Xin cho chúng nên một », Chớ gì tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa cũng liên kết chúng ta với mọi người như vậy » (PFJ,120-121).

Ngoài ra, lạy Chúa, lần đầu tiên, khi Chúa dạy chúng con cầu nguyện bằng cách xướng lên kinh Lạy Cha chúng con, Chúa đã dùng từ « chúng con », trong tính cách liên đới với mọi người. Con chỉ có thể cầu nguyện với Cha trên trời với tư cách là anh em của mọi người và nhân danh mọi người mà thôi. Con không thưa Cha « của con », nhưng là Cha « của chúng con ». « Khi nguyện xin lương thực lưỡng diện là bánh ân sủng và bánh Thánh Thể, con không chỉ xin cho riêng mình con, nhưng cho chúng con, nghĩa là cho tất cả mọi người … Con không xin bất cứ một ân huệ nào cho riêng mình: tất cả những gì con xin trong Kinh Lạy Cha, thì con nguyện xin hoặc cho Thiên Chúa, hoặc cho mọi người, cho tất cả chúng con, các con cái của Chúa Giêsu, những kẻ được Người yêu thương, được Người cứu chuộc bằng giá máu của Người ». (QPR,102).

 
* * *

Khi Anh Charles chấp nhận trở thành « anh hai » Anh giải thích cho người đã gửi thư cho Anh rằng tình yêu thương đối với tha nhân là con đường hoàn hảo dẫn đến tình yêu Thiên Chúa. « Chính khi yêu thương anh em mà chúng ta học biết yêu mến Thiên Chúa ». Năm Anh qua đời, Anh cũng nhắc lại điều này: « Để đạt tới tình yêu Thiên Chúa, hãy thực hành yêu người: trong tất cả mọi người, bạn hãy nhìn nhận họ là người con của Thiên Chúa, một người em của Chúa Giêsu … Không gì dẫn đến tình yêu Thiên Chúa tốt hơn là sống bác ái đối với các con cái của Ngài, vì Ngài » (LLM,127,197).

Lạy Chúa, từ khi Chúa đến cư ngụ giữa chúng con, Chúa đề nghị cuộc hành trình yêu thương này cho những người thiện chí trong toàn vũ trụ, theo tiền đề của Tin Mừng: « Ai sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng » (Ga 3,21). Lạy Chúa Giêsu, đến ngày cánh chung, Chúa sẽ chủ trì cuộc phán xét cuối cùng, Chúa sẽ qui tụ « mọi dân tộc » như Chúa đã loan báo trong Tin Mừng. Lúc đó, sẽ là một ngạc nhiên thú vị cho cả một đoàn lũ đông đảo các vị thánh vô danh vì mạc khải tuyệt vời này: « Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (Mt 25,40). Ngất ngây hoan hỉ, các ngài gặp lại Chúa Giêsu đây chính là Đấng mà thưở bình sinh, các ngài đã không nhận ra.

 
Ω † Ω

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây