Ngày thứ mười

Thứ năm - 14/09/2017 04:30
Ngày thứ mười
 
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG BẤT NGỜ CỦA CHÚA

 
 
« Đức vâng phục, chính là mức độ cuối cùng, mức độ cao nhất và hoàn thiện nhất của tình yêu, ở đó ta không còn cái tôi nữa, ta tự huỷ mình đi, ta chết đi như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, ta phó thác cho Chúa-chí-ái một thân xác và một tâm hồn không còn sự sống, không còn ý riêng, không còn hành động tư riêng nữa, để Người có thể làm mọi sự tuỳ ý như đối với một xác chết. Một cách hết sức chắc chắn, không chút nghi ngờ, đó chính là mức độ cao nhất của tình yêu: mức độ ấy thật là siêu việt, bao gồm mọi mức độ khác, vượt quá tất cả mọi mức độ, ở trên hết thảy mọi mức độ, vượt quá tất cả [… ].

Chúng ta đừng trao hiến cho Chúa con người hãy còn sống, vì Người đã chết cho chúng ta. Chúng ta hãy trao dâng cho Người như cách thế Người đã tự trao hiến cho chúng ta, những con người đã chết, những cái xác không hồn, bằng sự vâng phục hoàn hảo, trọn vẹn, sự vâng phục của một xác chết. Sự hoàn hảo của tình yêu chính là sự hoàn hảo của đức vâng phục » (1896) (LFT,149-150).

« Để thực hiện những việc vĩ đại nhất, tôn vinh Thiên Chúa cách tuyệt diệu nhất, hoán cải thế giới như các tông đồ, thành viên đá tảng và là thủ lĩnh của Giáo Hội như Thánh Phêrô, thì không cần phải dọn mình trước cả năm, cả tháng, cả ngày, thậm chí cũng không cần một phút trước, mà chỉ cần vâng phục các lệnh truyền của Chúa trong mọi lúc là đủ ». (CM, 223).

« Vâng phục chính là yêu mến, là hành vi yêu mến tinh khôi nhất, hoàn hảo nhất, trỗi vượt nhất, vô vị lợi nhất, tuyệt diệu nhất, tôi dám nói như vậy: vâng phục giúp làm được biết bao việc hãm mình, nhất là vào lúc mới bắt đầu, ; đến một thời điểm nhất định nào đó, khi người ta nhìn các sự việc bằng quan điểm đúng về chúng, thì người ta đã từ bỏ được mọi sự… » (LFT,145).
 
Lạy Chúa Giêsu, những bước khởi đầu cuộc sống công khai của Chúa, thật hấp dẫn ngời sáng rỡ ràng bên bờ hồ. Các ngư phủ đang làm việc, khi Chúa gọi họ: « Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người » (Lc.5,11).

Thái độ sẵn sàng mau mắn ấy khiến chúng con thán phục. Chính vì lẽ đó mà Anh Charles cho rằng không cần phải chuẩn bị hàng năm trời, cả đến một phút cũng chẳng cần, « chỉ cần vâng phục mọi lúc là đủ ». Đúng vậy, nhưng để có được cái khoảnh khắc quyết định cuộc đời của các tông đồ cách mau mắn như thế, Thiên Chúa, một cách vô hình, âm thầm qua nhiều năm tháng trước đó, đã chuẩn bị cho các ngài mà các ngài đâu có hay. Một chuỗi những lời đáp «xin vâng» nho nhỏ phát sinh ra lời «xin vâng» lớn. Từ tiếng gọi đầu tiên ấy mà câu chuyện về tình bạn giữa Chúa và Phêrô đã khởi đầu và đoạn kết sẽ diễn ra cũng trên chính bờ hồ ấy với ba lần gặng hỏi « Anh có yêu mến Thầy không? ».

Thật vậy, tình yêu ăn rễ trong sự vâng phục đích thực, hoàn toàn trái ngược với sự tuân phục của kẻ nô lệ. Lạy Chúa Giêsu, chỉ cần nhìn ngắm Chúa thôi. Anh Charles không ngừng hướng dẫn chúng con đến việc bắt chước Chúa. « Việc đầu tiên trong các công việc của tình yêu chính là vâng phục, như Chúa đã minh chứng qua hàng nghìn câu nói và qua mẫu gương toàn bộ cuộc sống của Người. « Thầy đến không phải để làm theo ý Thầy, nhưng là để làm theo ý Đấng đã sai Thầy ». « Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy ». Ai vâng phục trong mọi lúc một cách hoàn hảo, thì yêu mến cách hoàn hảo trong mọi lúc » (MSE,518). Lạy Chúa, vài giờ trước khi chết, lúc tuyên bố với các tông đồ: « Để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng theo các điều Chúa Cha đã truyền cho Thầy » (Ga. 14,31), thì, một lần nữa, Chúa khẳng định mối dây liên hệ giữa đức vâng phục và tình yêu. Và để gợi ra cách tốt hơn nữa khát vọng sâu xa của đời mình, Chúa lại dùng so sánh về lương thực: « Lương thực của Thầy là làm theo ý của Cha Thầy » (Ga.4,34). Người ta không thể sống mà không ăn, điều đó cho thấy đức vâng phục là cốt thiết đến chừng nào: nó đã giúp Chúa kiên vững! giúp Chúa bước đến tận thập giá!   Lạy Chúa, một người bạn của Chúa tuy đã quyết định sống theo gương Chúa một cách rất quảng đại nhưng cũng rất thẳng thắn, một hôm đã than thở trong khi cầu nguyện rằng: « Ý Chúa, vâng, lạy Chúa, nhưng Chúa quá biết là lương thực ấy không phải lúc nào cũng ngon ăn cả đâu! ». Con hình dung thấy Chúa đang mỉm cười, Chúa nhỉ.
Khi dạy chúng con cầu nguyện, Chúa mạc khải chủ đề về những lời hàn huyên của Chúa với Cha, Đấng cũng là Cha của chúng con: «Lạy Cha chúng con». Và ngay nơi tâm điểm của lời kinh ấy, ước vọng thiết tha vừa thấm đượm toàn bộ phần còn lại, vừa đạt đến đỉnh cao nhất chính là: « Ý Cha thể hiện! ». Vào giờ phút đen tối của ngày Thứ Năm Thánh, trên môi Chúa, lời cầu xin ấy chuyển thành một khẩn nguyện não lòng, và những giọt máu của Chúa sẽ chảy hoen trên mặt đất. Thế thì, khi đến lượt chúng con lặp lại câu nói ấy, đôi khi còn hát lên nữa, làm sao chúng con lại chẳng dùng hết sức, hết sự yếu đuối của mình để tìm cách chu toàn nó mỗi ngày?

Không một ai có thể đòi hỏi ở con một sự tuân phục vô điều kiện như Anh Charles đã mô tả được. Nếu con có tuân phục ai như thế, thì cũng chỉ là vì vâng phục Thiên Chúa. Trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt là trong các đan viện và các tu viện, một vị hữu trách, một bề trên, một quyền bính nào đó có thể được coi như là trung gian giúp con nhận ra ý Chúa. Và giả như con thi hành các mệnh lệnh của họ, thì, bất kể những giới hạn của con người họ, đơn thuần con chỉ tiếp nhận chúng như là sự biểu thị ý Chúa mà thôi.

Đa số chúng ta không phải là những nam nữ tu sĩ. Ngay cả đối với họ cũng cũng như chúng ta, trong từng ngày sống, hiếm khi có những công việc phải làm theo các mệnh lệnh rõ ràng, nói chi đến việc có thiên thần hiện ra để chỉ cho chúng ta thấy đường lối của Chúa để mà đi theo. Vậy, bởi đâu mà chúng ta biết được ý Chúa? Ông Pascal đã trả lời câu hỏi trên một cách tuyệt vời qua tư tưởng sau đây: « Nếu Chúa đích thân ban cho chúng ta những vị thầy, thì ta phải sẵn lòng vâng lời họ biết bao: thế mà sự tất yếu và các biến cố chắc chắn chính là các vị thầy ấy «.

Người ta cứ tưởng Anh Charles đang tuân thủ đúng sát theo Nội qui của mình. Là người rất tỉ mỉ, Anh tổ chức ngày sống của Anh một cách thật chi li. Vậy mà, sự cố bất ngờ không ngừng xảy đến, làm đảo lộn tất cả. Ở Béni-Abbès, dẫu có thời khóa biểu, có khu nội cấm và chuông báo, dân chúng và các sự kiện vẫn đến làm mất thì giờ của Anh, phá vỡ các dự định và làm thay đổi các quan điểm của Anh. Họ nhanh chóng buộc Anh phải rời « tổ » và du hành đến nơi xa lạ trên những lối đi trong sa mạc. Anh đã phản ứng thế nào và làm thế nào mà thái độ của Anh có thể gợi ý cho thái độ của chúng ta và định hướng cho lời cầu nguyện của chúng ta được?

Chúng ta thấy Anh « đã buông mình làm theo » các sự kiện, không chút miễn cưỡng. Anh đã lặp lại nhiều lần rằng « Em sẽ thực hiện điều mà em tin là tốt nhất tuỳ hoàn cảnh » (LMB,30). Khi được phép rời khỏi dòng Trappe, Anh đã từng viết: « Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta bằng những con đường hết sức bất ngờ! Tôi đã được dắt đi, hết chỗ này đến chỗ khác suốt sáu tháng nay: Staouéli, Roma và bây giờ thì là nơi xa lạ. Chúng ta là chiếc lá khô, là hạt bụi, là bọt bèo. Chúng ta chỉ cần sống trung tín và - bằng một tình yêu cao cả và sự vâng phục vĩ đại - hãy để Chúa dẫn đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào mà Thiên Chúa muốn đưa chúng ta đến… cho đến khi cái thổi cuối cùng của ngọn gió hồng phúc ấy đem chúng ta lên trời » (LFT, 153). Hãy giữ lại ánh sáng ấy: Thiên Chúa đang dẫn dắt chúng ta đi; các cuộc gặp gỡ và các biến cố là những sứ giả của Ngài. Là nữ tử đích thực của Anh Charles, Tiểu Muội Magdeleine đã tâm sự: “ Chúa đã nắm lấy tay tôi và tôi đã mù quáng bước theo Ngài ».
 
*
 
Vào năm 1903, Anh Charles viết: « Em sống từng ngày một » (LMB,118), và, năm sau lại viết « Tôi sống ngày nào biết ngày nấy, chỉ ra sức thực hiện ý Chúa trong từng giây phút mà Ngài ban cho » (LHC,156), hoặc nữa là: « Tôi ra sức thực hiên ý của Chúa Giêsu từng ngày và lòng tôi hết sức bình an » (LMB,146), chính Anh từ khước làm chủ các dự phóng tương lai của mình: « Thôi đừng bận tâm đến tương lai của chúng ta nữa biết đâu cuộc sống trần thế nầy sắp kết thúc hôm nay: hãy chỉ hoàn toàn sống giây phút hiện tại thôi ». Và Anh xác định: « Việc chuẩn bị cho tương lai đôi khi, thường khi, hầu như không ngừng, là do chúng ta thực hiện, nhưng chẳng bao giờ thuộc về chúng ta cả… chẳng bao giờ là vì chúng ta cứ mải để ý đến sự chuẩn bị ấy, còn luôn luôn là do chúng ta chỉ chú tâm chu toàn ý định của Thiên Chúa trong khoảnh khắc hiện tại » (OS,156).

Sống trọn vẹn linh đạo về giây phút hiện tại nói đây, là tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, đã được kêu gọi đi theo « phương pháp » nên thánh cách chắc chắn. Không có cái nhìn hoài cổ về một quá khứ đẹp đẽ mà khi đó có lẽ chúng ta sống nhiệt thành hơn, cũng không lo âu phải đối diện với một tương lai đầy lo toan bận bịu, chúng ta hãy đón nhận tất cả sự phong phú của phút giây hiện tại. « Tất cả công cuộc thánh hóa của chúng ta bao hàm việc thỉnh thoảng nhận lấy mọi nỗi khổ đau và các việc bổn phận thường ngày như những tấm màn vừa che khuất lại vừa hé lộ cho thấy Thiên Chúa », đó là lời khuyên nhủ của Cha Caussade(2). Ảnh hưởng của vị linh sư ấy xuyên suốt qua những bài suy ngắm của Anh Charles. Khi so sánh người tiểu đệ của Đấng – chí - ái, phó mình theo ý Chúa, như chiếc lá khô bị gió cuốn đi, Anh gặp lại Cha Caussade, người đã đưa ra lời chỉ dẫn này: «Trong sự từ bỏ, qui tắc duy nhất chính là phút giây hiện tại; ở đó tâm hồn nhẹ bổng như lông, lỏng như nước, đơn sơ như trẻ thơ. «

Khi bị cám dỗ, thì tìm đâu ra sự phong phú của phút giây hiện tại này? Dẫu sao, Anh Charles cũng mời gọi chúng ta phải có một cái nhìn tích cực: «Việc cho phép xảy ra một cơn cám dỗ chính là một hồng ân! - Bằng cuộc chiến đấu không ngừng được tình yêu của Chúa nâng đỡ, Ngài củng cố tình yêu của bạn - Ngài làm cho bạn trở nên khiêm hạ - Ngài dạy dỗ bạn, làm cho bạn thận trọng với chính mình, độ lượng với người khác… «Chính qua từng cuộc chiến đấu thiêng liêng, từng thử thách, từng đau khổ của chúng ta, mà Chúa cho chúng ta được «bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Chúa mỗi ngày… không đơn thuần chỉ là một tỏ bày suông, mà là một sự tỏ bày tình yêu có thực chứng» (LLM, 59)

Một vài biến cố quan trọng hoặc tầm thường trong đời sống chúng ta, tự chúng không nói lên hay gợi ra các ý nghĩa trái ngược. Để tự do, sự phân định không phải là một bổn phận dễ dàng: người ta không thể tự dưng chế ra chiếc máy FAX có thể chuyển tải cho chúng ta những giải đáp rõ ràng! Tất cả chúng ta đều cần có sự đóng góp của cái nhìn huynh đệ, cái nhìn của tập thê hay của vị linh hướng, mới biết cách hiểu được những gì xảy đến cho chúng ta. Nếu chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần, thì Ngài sẽ soi sáng không để chúng ta lầm lạc: Khi Chúa muốn, Ngài luôn luôn giúp cho ai tìm kiếm biết được ý định của Ngài «bằng cách dùng các lời khuyên của một vị linh hướng khôn ngoan giúp ta nghe rõ tiếng nói của Thần Khí» (MSE,500), nhưng «khi chúng ta ngay tình hỏi [vị linh hướng ấy], dẫu cho ngài có làm chúng ta sai lạc, thì Thiên Chúa vẫn dùng chính lý trí và Phúc Âm, cùng với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, để soi sáng cho chúng ta» (QPR,293).

Lạy Chúa, Chúa dắt dìu con trong mọi lúc bằng những con đường mà chính Chúa đã vạch ra để con tự chọn. Khi phân tích tất cả những gì vui hay buồn xảy đến với con, xin Chúa linh hứng cho con biết khám phá ra sự phong phú khôn sánh của phút giây hiện tại, dẫu nó có làm đảo lộn các dự định của con hoặc có thể làm con thất vọng. Trong đêm đen hay trong ánh sáng, xin giúp con giữ được niềm xác tín rằng Chúa đang nắm chặt tay con, Chúa đang ở gần con để chia sớt nỗi đau hoặc niềm vui với con: xin Chúa hãy nhận lấy những gì đang diễn ra trong con làm của Chúa. Xin làm cho con bền chí sẵn lòng thưa «xin vâng» mỗi khi Chúa gọi. «Lạy Cha, nguyện ý Cha được làm tròn trong con, trong tất cả loài Cha tạo dựng. Amen».

 
۞ 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây