Ngày thứ tám

Thứ năm - 14/09/2017 04:26
Ngày thứ tám
 
TÊN CỦA ĐẤNG CỨU THẾ
QUI KẾT CUỘC ĐỜI CHÚNG TA

 
 
« Tên của Chúa Giêsu rất quan trọng đối với Thiên Chúa, đến độ Ngài đích thân đặt tên cho Chúa Giêsu và mạc khải Tên ấy ngay khi Chúa Giêsu tượng hình trong lòng Mẹ, chứ không để cho Đức Maria và thánh Giuse đặt tên cho người con thánh của mình. Cho nên Tên Chúa Giêsu không phải là tên gọi của loài người nhưng là tên của Thiên Chúa: tên ấy diễn tả tư tưởng, ý muốn của Thiên Chúa. Tư tưởng đó là: Chúa Giêsu phải là đấng cứu độ mọi người: là đấng cứu độ đích thực của con người đến nỗi tiếng « cứu độ » ấy diễn tả một sự thật, một sự chính xác, một sự hoàn hảo thần thánh, Người là ai, và công việc Người làm trên trần gian là gì; chính để cứu độ mà Chúa Giêsu nhập thể, chính để cứu độ mà Chúa Giêsu sống, suy nghĩ, nói năng, hành động; Chúa Giêsu cứu độ chúng ta bằng việc Người chết cho chúng ta trên Núi Sọ […]

Càng trở nên chi thể của Chúa Giêsu bao nhiêu thì chúng ta càng trở nên những người cứu độ đồng loại bấy nhiêu; cứu độ mọi người, trong từng giây phút chúng ta sống, và chúng ta phải làm sao để mỗi hành động, tư tưởng, lời nói hay việc làm của chúng ta mưu ích cho phần rỗi của mọi người hơn. (EJ,147-148)

Chỉ một linh hồn thôi thì cũng có giá trị hơn toàn thể Đất Thánh và tất cả các thụ tạo hợp lại. Không cần phải đi đến nơi chốn nào dù thánh thiêng nhất, nhưng là đi đến nơi nào mà các linh hồn đang cần đến chúng ta hơn cả… nơi mà Chúa Giêsu sẽ đi tới; đến với « con chiên lạc xa hơn cả, đến với «người anh em» của Chúa Giêsu đang lâm bệnh, đến với những người bị bỏ rơi hơn cả… những người tuyệt vọng hơn cả » (SAD,80,83)

Những đặc tính cốt yếu của các Tiểu Đệ Thánh Tâm trước tiên là không ngừng bắt chước Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, để trở nên những hình ảnh trung thực của Người (…);  lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn; phải coi việc nhìn thấy nơi mọi con người một linh hồn cần được cứu vớt là một qui luật, và phải nhiệt tâm cứu rỗi các linh hồn như Chúa-chí-ái của mình, sao cho tiếng «cứu độ» tóm kết cuộc đời họ như chính Chúa Giêsu đã diễn tả qua cuộc đời Người» (RD 103,104).
 
Lạy Chúa Giêsu, để giúp người ta hiểu « Con Người đến để cứu cái gì hư hỏng », Chúa đã dùng kiểu so sánh luôn khiến cho những ai nghe Chúa đều phải xúc động: « Nếu ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất » (Mt 18,11-14).

Ngôn ngữ Chúa dùng trong Tin Mừng đơn giản biết bao! Chúa không dùng những ngôn ngữ trừu tượng. Với một giọng điệu thân tình, Chúa dạy chúng con những chân lý đánh động và những đòi hỏi người ta không thể làm ngơ được. Và khi những đòi hỏi đó được con tim đam mê của Anh Charles tiếp nhận và chú giải, chúng làm cho chúng con thấy hơi sợ hãi! Đó cũng là điều Anh Charles đã cảm nghiệm được qua khẩu hiệu của Cha Huvelin: « Có thể là có sự thái quá trong tất cả, chỉ trừ trong tình yêu » (CFA,177). Khi nghe các chỉ thị ấy, hiểu theo nghĩa đen của từng chữ, chúng con có khuynh hướng cho rằng không thể nào các môn đệ tương lai của Anh Charles, cũng như chính bản thân chúng con, có thể đem ra thực hành được. Tuy thế, ngay cả trong trường hợp của Anh, chúng ta cũng thấy có một sự mềm dẻo trong việc thực hiện rất nhiều điều dốc lòng của Anh ở Nazareth: « Phải làm sao đừng để lòng khát khao dâng lên cho Thiên Chúa nhiều hy sinh nhất làm cho tôi phải khó chịu và phiền muộn … Hãy sống trong sự tự do thánh thiện của con cái Thiên Chúa và sống trong niềm hoan lạc của Thiên Chúa » (DP 226). Anh nhắc lại: « Phải tuân giữ kỷ luật nhưng trong sự tự do thánh thiện, như Chúa Giêsu vẫn từng làm…» (VN 33). Sau này, ở Sahara, khi nhắc đến bản Nội quy mà Anh rất gắn bó, Anh lại đã chẳng dùng nó như một thứ « kim chỉ nam », nghĩa là như một bản hướng dẫn giúp sống tinh thần luật chứ không buộc phải tỉ mỉ tuân giữ kỷ luật đó sao? Nhiều chứng cứ đồng thuận cho thấy rằng, trong cuộc sống của Anh, Anh sống « nhân bản » hơn là những gì Anh đã viết.

Chúng ta đừng lấy làm khó chịu vì tính chất thái quá và hơi siêu trong một đôi điều Anh Charles quả quyết. Nếu chúng có sách nhiễu chúng ta và gợi nên nơi chúng ta một hứng khởi mới thì càng hay! Ước gì tâm trí chúng ta kín múc được đôi chút nhựa sống từ những bài suy niệm ấy! Chớ gì nguồn hứng đã đem sức sống cho các bài suy niệm của Anh giúp chúng ta cầu nguyện sốt sắng và biết ứng xử theo tin mừng! Chớ gì tình yêu nồng cháy của Anh Charles đối với Chúa Giêsu, Chúa-chí-ái của chúng ta, cũng xâm chiếm linh hồn chúng ta!

Khi Anh Charles kêu gọi chúng ta nhìn thấy nơi mọi con người « một linh hồn cần được cứu độ », thì không có nghĩa là phải làm ngay một việc nào, nhiều hoặc ít hiển nhiên, để hoán cải họ. Đừng quên rằng thời gian ở Nazareth là thời gian của sự tôn trọng. Ngoài ra, năm 1908, Anh Charles có viết cho Đức Giám Mục của mình: « Rao giảng cho những người Touaregs ư? Con không tin rằng Chúa Giêsu muốn con hay bất cứ ai làm điều đó! ». Một linh hồn cần được cứu vớt: tiên vàn lại chẳng là cứu độ chính linh hồn mình sao? Nếu người ta nói đến việc hoán cải, phải chăng đó không là hoán cải chính mình? Vả lại, tất cả chúng ta đều đã được cứu độ đồng thời đang được cứu độ! Thánh Phaolô mời gọi chúng ta và tất cả mọi anh chị em đồng loại hãy tin rằng « chúng ta đã được cùng sống lại với Đức Kitô và đang được ở trên trời với Người ». (Eph 2, 5-6). Chính vì thế, trong kinh nguyện, chúng ta nhớ đến từng người và mọi người: « Chúng ta hãy cầu nguyện cách đơn sơ như Chúa Giêsu, với lòng nhiệt thành, với tình yêu Thiên Chúa và nhân loại của Người… Hãy cầu nguyện rất nhiều cho mọi người, bởi vì tất cả chúng ta đều ở trong con tim của Chúa Giêsu » (EJ,108). Nhìn thấy mọi người « trong trái tim Chúa Giêsu «, đó chẳng phải là một cách nói khác để chỉ rằng « tất cả nhân loại đều thuộc về Đức Kitô « sao? (Peyriguère).
 
*
 
Một kinh nguyện như thế là cách thứ nhất trong số « những phương thế » được Anh Charles liệt kê ra để kêu gọi chúng ta góp phần đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Chúng ta đừng ngại « nài xin Thiên Chúa những điều khó nhất, chẳng hạn xin cho những người mắc tội trọng được ơn sám hối, hay xin cho tất cả mọi dân tộc được ơn trở lại … Hãy mạnh dạn nài xin những ơn gần như là bất khả đối với chúng ta … với niềm xác tín rằng Thiên Chúa say mê yêu chúng ta, và rằng một ân huệ càng lớn thì một người yêu mãnh liệt sẽ càng thích thú để mà thi ân » (EJ,44).

Việc bắt chước Chúa Giêsu, dường như chỉ là một chuyện nhỏ thuộc phạm vi cá nhân giữa Đấng-đáng-yêu-mến và kẻ được yêu, thì từ nay lại trở thành một trong « những phương thế » để đem ơn cứu độ cho mọi người, đó là một trong những dấu chỉ khải thị trên đường phát triển của Anh Charles. « Làm thế nào khởi đi từ tam thức: « yêu thương, bắt chước, an ủi hay đồng hành với », người ta đạt tới công thức nền tảng là « yêu Đức Kitô, bắt chước Người, trở nên vị cứu thế như Người », tất cả con người Cha Charles de Foucauld là như thế: đấy cũng là quan niệm thần bí sâu sắc nhất của ngài và bao gồm toàn bộ lịch sử cuộc đời ngài » (Peyriguère). Càng sám hối và thánh hóa bản thân, tôi càng được liên kết với Đức Kitô trong việc cứu rỗi các linh hồn. « Chúa Thánh Thần sẽ hướng chúng ta (…) đến việc bắt chước Đức Kitô trọn vẹn, như là phương thế tuyệt hảo nhất để cứu rỗi các linh hồn » (CB,70) Và đó cũng là « hiệu năng tông đồ vô hình của sự thánh thiện ».

Một «phương thế» khác nữa để Chúa Giêsu thi hành sứ vụ cứu thế trong chúng ta, đó là tinh thần hy sinh. « Chúa Giêsu đã cứu trần gian bằng thập giá thì cũng chính bằng thập giá, khi để cho Chúa Giêsu sống trong chúng ta và nhờ những đau khổ của chúng ta Người hoàn tất nơi chúng ta những gì còn thiếu trong cuộc Tử Nạn của Người, mà chúng ta phải tiếp tục cho đến tận thế công trình của ơn Cứu độ » (RD,646). Đó chẳng phải là cách mà thánh Têrêsa thành Lisieux, tuy không ra khỏi Đan viện Carmel, cũng được tuyên phong là bổn mạng của các xứ truyền giáo sao? Anh Charles và chị Têrêsa quả thực là chị em với nhau, một người rong ruổi trong sa mạc, người kia «đi truyền giáo» sau những chấn song sắt của tu viện kín ở Normandie.

Tinh thần hy sinh không nhất thiết đòi phải tìm kiếm những việc hãm mình và khổ chế, hoặc những viêc từ bỏ phi thường. Tất cả mọi phút giây của đời sống hằng ngày đều kết thành của lễ hy sinh chúng ta dâng lên Thiên Chúa rồi. « Bởi vì, để một hành vi trở thành hy lễ, thì không cần phải dâng đúng vào lúc hành vi ấy được thực hiện, vì nhiều khi hành vi ấy đã được dâng trước rồi, và cũng bởi vì mọi hành động, mọi lời nói, mọi tư tưởng tốt lành người ta suy tưỏng, đều có thể được dâng lên cho Thiên Chúa như là hy lễ, cho nên không cần thiết phải làm một lô những hy sinh để dâng lên cho Thiên Chúa mỗi ngày, và suốt ngày, lúc nào cũng lẩm bẩm: chúng ta hy sinh… Chỉ cần, mỗi buổi sáng, dâng lên Thiên Chúa tất cả những tư tưởng lời nói việc làm của chúng ta trong ngày, mọi cử chỉ, và trọn vẹn con người chúng ta …» (DP, 226-27)

Lạy Chúa Giêsu, quỳ kề bên chị Thánh Têrêsa thành Lisieux và Anh Charles, bằng tư tưởng, con xin kết hợp với các ngài, để dâng lên Chúa toàn thân con, xin Chúa dùng con mà tiếp tục cứu thế.

« Lạy Chúa, xin cho mọi người được lên thiên đàng! Amen «.
 
۞

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây