Ngày thứ mười bốn

Thứ năm - 14/09/2017 04:48
Ngày thứ mười bốn
 
LỜI NGUYỆN CUỐI CÙNG CỦA THẦY CHÚNG TA.

 
 
« Lạy Cha, con xin phú linh hồn con trong tay Cha» (Lc.23,46). Đấy chính là lời nguyện sau cùng của Thầy, Chúa–chí-ái của chúng ta … chớ gì nó cũng là kinh nguyện của chúng ta… Và không chỉ là lời nguyện vào lúc cuối đời của chúng ta mà thôi, nhưng còn là lời cầu nguyện trong suốt cuộc đời chúng ta nữa: « Lạy Cha, con phó mình con trong tay Cha; lạy Cha, con tín thác nơi Cha; lạy Cha, con phó mình con cho Cha; lạy Cha, xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha; Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha; con cảm ơn Cha về tất cả mọi sự; con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả; con cảm ơn Cha vì tất cả. Miễn ý Cha được làm tròn trong con, lạy Thiên Chúa của con, trong tất cả loài Cha tạo dựng, trong hết thảy các con cái của Cha, trong tất cả mọi người Cha yêu thương, con chẳng ước muốn chi khác nũa, lạy Thiên Chúa của con; con phó linh hồn con trong tay Cha; con dâng linh hồn con cho Cha, lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con mến Cha, và vì con thấy cần phải hiến thân con, phó trót mình con cho Cha, không do dự đắn đo, song vô cùng tin cậy, vì Chúa là Cha của con …» (1896) (EJ, 88-89).
 
« Nếu sự bách hại, niềm hy vọng sớm được phúc tử đạo, bệnh tật, cuối cùng là ý niệm về cái chết đến gõ cửa, thì chớ gì niềm ao ước được tan biến đi để nhìn thấy Chúa Giêsu lại bùng lên, tựa như người ta ném thêm những nhánh củi vào lò lửa cho rực cháy và bừng sáng hơn. Sự bách hại, bệnh tật, hiểm nguy chính là tiếng chuông đồng hồ diểm báo giờ cho chúng ta, mà từng tiếng keng gợi lên niềm hoan hỉ của Thánh Nữ Têrêsa: « Tôi chỉ còn ở xa Chúa Giêsu chưa đầy một tiếng đồng nữa «, đó là tiếng kêu: « Kìa Chàng Rể đến » ; là niềm hy vọng chúng ta sắp được kết hiệp với Chúa luôn mãi, chẳng bao giờ còn có thể xúc phạm Người, không còn làm buồn lòng Người nữa, cũng như sẽ chẳng bao giờ thôi yêu mến và tôn thờ Người … (kết hiệp) với Đấng duy nhất mà chúng ta yêu mến, Đấng là tất cả sự sống, là tất cả niềm khát vọng, là tất cả hạnh phúc, là tất cả tình yêu của chúng ta…» (1902) (RD, 309).
 
« Hãy sống ngày hôm nay như thể đêm nay tôi sẽ phải tử vì đạo » (1902) (SAD, 113).
 
Lạy Chúa, tiếng kêu cuối cùng của Chúa trên thập giá, vang vọng qua các thế kỷ, vượt quá giờ phút đen tối của chiều Thứ Sáu Thánh ấy: «… Mặt trời tối đi, bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Màn trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: « Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha ». Nói xong, Ngài tắt thở » (Lc.23,44-46).

Lạy Chúa Giêsu, lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa từ trên thập giá, giữa lúc bị bỏ rơi, đã kết thúc lời van xin thống thiết mở đầu trong vườn Giếtsêmani. Ở đấy Chúa thốt lên lời phó thác hoàn toàn, vâng phục ý Cha hoàn toàn. « Lạy Cha, nguyện ý Cha thể hiện » : thái độ sẵn sàng mà Chúa dạy chúng con đó, lẽ nào lại không phải là tâm điểm của mọi lời cầu nguyện, của tất cả đời sống Kitô hữu của chúng con? Trong khi suy gẫm, Anh Charles đã giải thích rõ những lời sau cùng của Chúa, bằng một vài câu đầy xúc động, giúp chúng con chia sẻ cách sâu sắc những tâm tình cô đọng trong những lời hết sức vắn gọn ấy. Lối viết của Anh tương ứng thật chuẩn xác với rung cảm trong lòng Anh đến nỗi người ta nhận ra ở đó nét chính yếu trong đời sống kết hiệp của Anh với Chúa-chí-ái của mình và những giòng chữ ấy đã trở thành « kinh phó thác của Cha de Foucauld » : các môn đệ của Anh hết lòng gắn bó và tiếp tục đọc lại lời kinh ấy của Anh. 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mang lấy trong con tim của Chúa tất cả các thử thách của chúng con, những tiếng kêu la đau đớn của chúng con hợp lưu trong tiếng kêu của Chúa vào ngày Thứ Sáu Thánh, tất cả những chấp nhận của chúng con hòa nhập với lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa.
Đôi khi con người con nổi loạn và con không thể thốt lên những câu như: « Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả ». Trên lý thuyết, con chấp nhận sự thật mà những lời ấy diễn đạt, song con do dự khi biến chúng thành lời của con. Điều ấy dường như quá sức con, con không thể cứ nhắm mắt hướng về tương lai được. Thật ra, điều đó làm con sợ: biết đâu Chúa chấp xét một lời nào đó của con chăng? và con nghĩ mình phải chạy trốn! Tuy nhiên, lạy Chúa, cốt lõi của vấn đề là việc bước theo Chúa, và để Chúa dắt đi. « Khi người dẫn đường dắt ta đến một nơi xa lạ, giữa đêm khuya, băng qua đồng không mông quạnh, không đường ngang lối rẽ, thì liệu người ta còn có chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận phó thác không? » (Caussade).

Trong tay Chúa, lạy Chúa, con phải dễ sai khiến như một xác chết, điều này con thấy rùng rợn quá! Đúng là cả một truyền thống khổ tu đều sử dụng cách ví von ấy, và đến lượt mình, Anh Charles cũng áp dụng trong khi cầu nguyện ở dòng Trappe (3). Lạy Chúa, chúng con đã quen ngôn ngữ Chúa dùng, có khi còn quá quen thuộc nữa, bởi chúng chẳng tỏ ra một chút đòi buộc nào cả. Chúa chờ đợi môn đệ của Chúa từ bỏ mình, trở nên như một kẻ đã chết, như Tin Mừng khẳng định: « Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy » (Mc 8, 34-35).

Lạy Chúa, chấp nhận «mất mạng sống» đòi hỏi phải có một niềm tin điên dại vào Chúa, như  người con tinh thần của Anh Charles đã viết: « Còn xa tôi mới ghét bỏ và trốn tránh cuộc sống;   tôi say mê cuộc sống đến điên cuồng, tôi đã nhận ra rằng tất cả những gì Thiên Chúa làm đều tốt đẹp và hoàn hảo; và tôi lớn tiếng công bố rằng chỉ có một lý do duy nhất để từ bỏ mạng sống, đó chính là: Lời của Chúa. Lý do này hết sức khó hiểu bởi chưng nó vượt quá tính «luận lý» của con người chúng ta … Allah Akbar, tất cả chỉ có thế » (Jean Ploussard).

Những người anh em Hồi giáo đã chọn ông Abraham là mẫu mực về sự phó thác, sự vâng phục, ông là người đã thành tâm tin tưởng đến nỗi Thiên Chúa đã yêu cầu ông sát tế người con trai duy nhất của ông. Người con ấy chẳng phải là người con của lời hứa sao? Dường như Thiên Chúa tự mâu thuẫn? Theo cách nhìn của con người, điều đó hoàn toàn có vẻ là một sự phi lý tàn nhẫn. Người « cha của các kẻ tin » đã cúi đầu chấp nhận không do dự và ông đã thưa « xin vng », có hàng triệu triệu kẻ tin được nhân rộng thêm để tiếp bước ông. Tuân phục trong tăm tối như thế, đôi khi đòi hỏi phải rất anh dũng, điều đó không thuộc khả năng của chúng con. Trong khi lập lại từng câu của lời kinh phó thác con vẫn tha thiết kêu xin Chúa giúp để con có thể gắn bó hoàn toàn, với tất cả con người con, vào những lời con đọc lên. Chớ chi những lời của con ngày càng trở nên trung thực hơn! Con an tâm tiến bước trên con đường mà lời kinh ấy mở ra vì có một niềm xác tín rõ ràng làm biến đổi nó: « song vô cùng tin cậy, vì Cha là Cha của con », một người Cha yêu thương con một cách cũng phi lý như người cha của đứa con hoang đàng. Khi thêm phần đầu câu nói ấy, hành vi tín thác ấy, vào tất cả những lời quả quyết mà nếu thiếu nó, chúng sẽ thật là kinh khủng, việc đó khiến con nghĩ đến ngõ hẻm tối om trong khu phố con đang ở, cứ mỗi buổi tối lại được chiếu sáng bởi những dãy điện đường công cộng, và thế là nhà nào cũng được thoát khỏi bóng tối. « Vâng, con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, với một niềm tín thác vô bờ, vì Cha là Cha của con! »

Khi miệng con đọc, có thể là một cách đau đớn: « Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha », thì những lời đơn sơ ấy chuyển thành lời bày tỏ tình yêu với Đấng đã yêu con trước. « Nghệ thuật phó thác chỉ là nghệ thuật yêu mến » (Caussade).

Đôi khi cũng xảy ra điều khiến con nổi loạn hoặc nêu lên những vấn nạn không có câu trả lời, bấy giờ sự chấp nhận của con là cả một cuộc chiến đấu, « một cuộc chiến đấu vì tình yêu … một bằng chứng về tình yêu tinh khôi, một tác động yêu mến trong tăm tối, bề ngoài có vẻ bị bỏ rơi, sự hoài nghi ngay trong bản thân, trong mọi nỗi đắng cay của tình yêu không có chút ngọt ngào nào cả » (LLM, 67).

 Lạy Cha, sao Cha không đáp lại những tiếng kêu tuyệt vọng, những lời tỏ tình đứt đoạn, đôi khi khó khăn, sao không đáp lại ý muốn của chúng con? Quả thật chính Chúa, lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cảm nghiệm được thứ tình cảm bị bỏ rơi ấy: « Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con? » (Mt.27,46). Chúng con đụng phải bức tường lặng lẽ đầy ấn tượng ấy. Không phải chỉ có con mới than van về điều đó. Anh Charles cũng đã từng ghi chú trong sổ tay của mình: « Sự khô khan và bóng tối, tất cả thật là nặng nề đối với tôi; việc rước lễ, cầu nguyện, nguyện ngắm, hết mọi sự, ngay cả nói với Chúa Giêsu rằng tôi yêu Người … Tôi phải bám chặt vào đời sống đức tin. Giá mà tôi còn cảm thấy được là Chúa Giêsu yêu tôi. Nhưng Người lại chẳng bao giờ nói cho tôi biết điều ấy cả » (1897) (VN 32). Phải chăng có lúc chúng con giống như những đứa trẻ đang phải giải quyết một bài làm khó, chẳng qua là để đạt được phần thưởng chứ không phải là làm cho mẹ chúng vui lòng? Làm sao có thể nói đến tình yêu – và ngay cả đối với « tình yêu tinh tuyền nhất » cũng vậy – nếu chúng ta chỉ kiếm tìm những ngọt ngào thiêng liêng? Phải chăng là chúng ta chỉ nhằm được thỏa mãn? Ngay trong tâm điểm những nghi vấn đặt ra, chúng con phải luôn trở lại với đòi hỏi tối thượng là phải chịu « mất mạng sống  mình». « Càng ôm lấy thập giá, chúng ta càng siết chặt lấy Chúa Giêsu đang bị đóng đinh trên ấy ». (CB,43).
 
*
 
Không nên trình bày Kitô giáo với khuôn mặt dễ sợ, cho dù nó có đòi hỏi hết sức kinh khủng đi nữa, vì điều đó trái ngược với những gì mà Kitô hữu được kêu gọi để sống. Đối với những người cùng thời với Thánh Phaolô, thì việc rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh dường như hết sức điên rồ. Thế mà giáo huấn đầu tiên của Chúa Giêsu trên trần gian này lại nói về hạnh phúc và trưng ra các mối phúc thật. Anh Charles, vị tu sĩ hết sức khổ hạnh, qua những bài suy niệm phản ánh rõ ràng tính khắc nghiệt của Tin Mừng, lại không phải là một người nghiêm khắc và buồn bã. Tất cả những ai gần gũi với Anh đều ca tụng lòng nhân từ và nụ cười của Anh. « Anh sống rất hạnh phúc, điều đó không thể chối cãi, ai cũng thấy như thế … đôi mắt sáng ngời vẻ bình thản và niềm vui trầm lặng » (E. -F. Gautier). Có được niềm vui, một niềm vui sâu xa, lúc ấy người ta mới có thể sống từ bỏ toàn diện, như một « buớc nhảy vào khoảng trống đen ngòm », nhiều Kitô hữu đã có được kinh nghiệm ấy: « Tôi vẫn luôn thấy mình hết sức hạnh phúc trên trần thế này, không một hạnh phúc nào sánh bằng, không tìm đâu ra được một hạnh phúc như thế. Tôi muốn chịu đựng một điều gì đó vì Chúa và vì thế giới và thế là …» (J. Ploussard).

Sống trong sự phó thác, như một đứa bé an nhiên tự tại và đầy tin tưởng: lạy Chúa, xin cho con được mãi mãi sống trong tâm trạng ấy. Lạy Chúa, Chúa vẫn hiện diện ngay cả trong những biến cố nghiệt ngã. Xin sức mạnh từ nơi Chúa đến xô đi những khả năng hữu hạn của con và giúp con nhắc lại rằng: « Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha «.

Lạy Chúa, xin cũng cho phép con nghĩ đến cái chết của mình một cách thân thiện. Diện mạo đáng sợ của nó làm mờ mắt con và ngăn không cho con liệt nó vào hàng những biến cố diễm phúc. Đứa bé, trong bụng mẹ, sợ nhảy vào nơi xa lạ mà khi chào đời nó sẽ được nhìn thấy. Những người yêu thương nó kêu gọi nó hãy rời bỏ hơi ấm của cái tiện nghi mỏng manh kia để bước vào cuộc sung mãn và rạng ngời ánh sáng. Con đã sẵn sàng để, bất cứ lúc nào, nghe tiếng gọi tương tự: « Kìa Chàng Rể đến » như vậy chưa? Mỗi ngày, con có nối kết việc chú ý đón nhận giây phút hiện tại với thái độ sẵn sàng từ bỏ tất cả vào lúc đêm về chưa? Lạy Chúa, vượt qua được những xâu xé lúc ban đầu, con chẳng bao giờ phải lo sợ nữa, vì Chúa đang dìu dắt con đi và lễ hội từng bừng sắp mở màn! Khi ấy, sau Abraham và Mẹ Maria, con chỉ có thể lặp lại: «Lạy Chúa, này con đây!», và lạy Chúa, nếu con tin tưởng và phó thác, thì con còn có thể nói thêm: không cần gì phải vội vã.

« Nào hãy phó thác! Lạy Chúa, Chúa đang hiện diện nơi đây, con nào sợ hãi chi, con chúc tụng Chúa về tất cả mọi sự, vì tất cả đều từ tay Chúa mà đến … Tất cả những gì xảy đến đều do Chúa cho phép, chuẩn bị, và an bài để đem lại phúc lợi cao nhất cho chúng con. Nào hãy phó thác » (QPR,134).
 
=== † † † ===  

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây