Ngày thứ mười một

Thứ năm - 14/09/2017 04:41
Ngày thứ mười một
 
ĐẤNG LÀM CHỦ ĐIỀU KHÔNG THỂ

 
 
« Cầu nguyện là nói với Chúa; cầu nguyện là chúc tụng Chúa; cầu nguyện là thưa với Chúa rằng chúng ta yêu mến Ngài; cầu nguyện là chiêm ngưỡng Chúa; cầu nguyện là đem lòng trí gắn bó với Chúa; cầu nguyện là xin Chúa tha thứ; cầu nguyện là kêu xin Chúa đến cứu giúp chúng ta; cầu nguyện là cầu xin Chúa cho chúng ta và cho hết thảy mọi người được nên thánh thiện và được ơn cứu độ… Mà, tình yêu đòi ta phải nói cho người ta yêu biết là ta đang yêu và lặp đi lặp lại dưới mọi hình thức, là ca tụng người yêu mãi mãi khôn nguôi … Như vậy là không thể tách lìa lời cầu nguyện khỏi tình yêu, đến nỗi,  một cách nào đó, những lời cầu nguyện của chúng ta trở thành thước đo tình yêu của chúng ta…» (EJ,76-77).

«… Chúng ta vốn mẫn cảm, hay cam chịu, song chớ nên gồng mình chống lại những nỗi đau đớn… Trong kinh nguyện của chúng ta, đừng giấu Chúa những nỗi đau khổ của mình… đừng ngại than van về chúng, trái lại hãy bày tỏ với Ngài một cách đơn sơ, bằng tấm lòng cởi mở, như đứa con với Cha mình, như một con tim đang yêu có nhu cầu khó cưỡng muốn thổ lộ tất cả những gì mình cảm nhận cho người mà mình yêu say đắm… và hãy kêu xin Ngài đến cứu giúp chúng ta: người ta thích cầu viện đến người yêu biết bao, thích nhận mãi không thôi từ nơi người yêu biết chừng nào! ».. (EJ,60-61).

«… Điều không thể đối với con người thì lại có thể đối với Thiên Chúa: « Caritas omnia sperat » [đức mến hy vọng tất cả]. Thiên Chúa yêu thương và Ngài có thể làm tất cả. Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho con người, nhưng Ngài không tự ngăn mình ban các ơn nhưng không từ hồng ân của Ngài, và hồng ân ấy có thể lật nhào tất thảy mọi trở ngại và biến cơn giông bão thành sóng yên biển lặng tức thì. Chúng ta hãy tìm cách xin cho được những hồng ân đầy uy lực của Đấng đã nói: « Hãy xin thì sẽ được… khi có hai hoặc ba người trong anh em họp nhau cầu nguyện, thì Thầy ở giữa anh em » …» (OS,728).
 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa, vì đã tỏ cho chúng con biết lời cầu nguyện của Chúa trong vườn Giết-sê-ma-ni, nơi mà Chúa tỏ mình ra là con người cách ghê gớm. « Quì gối xuống, Chúa Giêsu cầu nguyện rằng: « Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”… Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất » (Lc.22,41-44).

Trong những lời được lặp đi lặp lại nhiều lần ấy, lạy Chúa Giêsu, Chúa nêu gương cho chúng con về toàn bộ việc cầu nguyện, mà hai tính chất của lời cầu nguyện đêm ấy đã đạt đến cực điểm đó là: lời cầu xin của Chúa, trong cơn tuyệt vọng, hết sức khẩn khoản, như một tiếng kêu la, một lời cầu cứu, và sự chấp nhân của Chúa đối với ý định của Chúa Cha, bằng sự vâng phục hoàn toàn đến nỗi từ khước cả việc thực hiện chính lời mình thỉnh cầu, bằng sự tự huỷ trọn vẹn bản thân qua việc hiếu thảo đón nhận chén Khổ Nạn - cái chết thực sự trước khi chết…

Lạy Chúa Giêsu, khi suy niệm về khoảnh khắc cao độ ấy, Anh Charles giải thích cho chúng con rằng có hai cách cầu nguyện. Cách thứ nhất: « Cứ để con tim kêu lên, để nó cầu xin cùng Thiên Chúa, với một sự đơn sơ của trẻ nhỏ, những gì mà nó muốn… cho mình hoặc cho tha nhân… nhưng phải luôn kèm theo lời này là « không phải theo ý con mà theo ý Ngài ». Cách khác nữa, là chỉ nói lên lời cuối cùng: « Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện trong việc nầy, dẫu thế nào đi nữa » … Chúa Giêsu nêu gương chúng ta về cách cầu nguyện thứ nhất trong vườn Giết-sê-ma-ni; Người cũng nêu gương cho chúng ta về cách thứ hai trong kinh Lạy Cha» (MSE,245).

Lạy Chúa Giêsu, trong khi cầu nguyện như Chúa, nếu con bày tỏ một ước ao bức thiết, khi con khẩn nài ơn chữa lành cho một người thân, con bật ra lời kêu than đau đớn, nếu con nài xin ánh sáng để tìm thấy con đường phải theo, thì con phải cầu xin cách đơn sơ như một em bé, nhưng cũng là với sự kính trọng sâu xa của một kẻ tin không cầm bằng Thiên Chúa như môt thứ máy phân phối tự động các ơn huệ và coi lời cầu nguyện như đồng xu nhất thiết phải có để khởi động máy ấy. Chúa là Thiên Chúa. Ngài không phải là một «phương tiện» tùy con sử dụng, được chuyển đổi cho ngang tầm với con người con, phục vụ cho sự triển nở cá nhân của con hoặc ngay cả phục vụ cho «thành quả» tông đồ được thực hiện vì Ngài đi nữa. Thiên Chúa, Đấng Hoàn-Toàn-Khác, ngự trong cõi siêu việt. Đối diện với mầu nhiệm của Ngài, con luôn là một thụ tạo thiển cận, bất tri đối với những ý định của Ngài và lang thang trên đường. Đối với kiến thức về Thiên Chúa, chúng con chỉ là những kẻ mù chữ. Chính vì thế bước khởi đầu của con phải là việc tôn thờ để tỏ bày tâm tình thán phục, lòng vâng phục vô điều kiện, sự chấp nhận trước tôn ý Ngài bất cứ sẽ ra sao. Tất cả lời cầu xin con dâng lên Ngài sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nó được xác định trong thái độ cơ bản là nhận biết Thiên Chúa như chính Ngài là thế. Chớ gì thái độ tôn thờ bao trùm tất cả lời cầu xin của con! Còn sự tôn thờ ấy có được diễn đạt thành lời hay không, trước hay sau khi con dâng lời cầu nguyện, thì chẳng có gì là quan trọng.

Lạy Chúa, trong lời kinh mà Chúa đã dạy cho chúng con, Chúa tìm cách ưu tiên gợi lên những tâm tình ấy. Thoạt đầu, những từ « ở trên trời » muốn « nâng hồn con lên cao, vượt lên khỏi mặt đất đáng thương này ». Và khi con lặp lại theo Chúa: « Nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến », thì cũng là lúc con cố gắng hết lòng để làm cho lời cầu xin của riêng con trùng khớp với những ước muốn cốt yếu ấy. Khi nào lời cầu xin này của con đã được đặt vào đúng chỗ, lúc đó con mới có thể tỏ bày và cầu xin cho chúng con « lương thực hằng ngày ». « Hãy đọc lại hai, ba, mười lần lời cầu xin của chúng ta mà không tìm thêm từ ngữ hoặc lời mới, song cứ để cho tâm hồn chúng ta tự do kêu lên và thỉnh thoảng chỉ cần thêm câu: « nhưng xin đừng theo ý con một xin vâng ý Cha » … (EJ,59). Khi bày tỏ những ước muốn của mình, chúng ta hãy dạn dĩ như trẻ thơ: « Đừng đặt giới hạn cho những lời cầu xin của chúng ta, bởi chưng Thiên Chúa đã không giới hạn quyền năng của Ngài đối với những lời cầu nguyện của chúng ta, cũng như Ngài đã chẳng giới hạn lòng nhân lành và quyền năng của Ngài » (EJ,54).

Lạy Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của Chúa, vào buổi chiều Thứ Năm Thánh ấy, đã không được chuẩn nhận. Bằng không, dưới đất này làm gì còn có tình hiếu thảo! Ôi ý định nhiệm mầu và khôn dò của Thiên Chúa! Ôi Chúa Giêsu, trong khi quì gối chiêm ngắm Chúa trước sự thinh lặng thần thánh nầy, con múc lấy được một chút an ủi cho những chiều hôm đầy chán nản, lúc đó con tưởng mình đã cầu nguyện vô ích vì một tiếng kêu bức thiết, phát ra tư  một tâm hồn tín thác, đã không được đáp lời. Anh Charles nói với chúng con: « Hãy tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì mà chúng ta lấy đức tin cầu xin Ngài. Ngài sẽ ban cho chúng ta bởi vì Ngài vô cùng tốt lành và toàn năng: Ngài sẽ ban cho chúng ta hoặc là bằng cách ban cho chúng ta điều chúng ta xin, hoặc ban cho ta điều tốt đẹp hơn. Giả như Ngài muốn chúng ta phải chờ đợi, giả như chúng ta sẽ nhận được một cách muộn mằn hoặc chẳng bao giờ nhận được, thì hãy tin chắc rằng sự chờ đợi chính là điều tốt hơn hết cho chúng ta…» (MSE,197).

Dẫu sao, lạy Chúa, con tin rằng Chúa là « Chủ tể của điều không thể » và con vững lòng xác tín về tình âu yếm của một vị Thiên Chúa, Đấng yêu con say đắm, và hằng che chở con không biết mệt mỏi. Ngay cả trong đêm đen, niềm cậy trông của con vẫn tỏa sáng như một đốm lửa nhỏ: « Đức cậy chính là đức tin được đặt trong sự tốt lành… chúng ta hãy luôn hy vọng tất cả, vì nền tảng của đức cậy nơi chúng ta chính là lòng nhân lành của Thiên Chúa ». (LLM,125).

Lạy Chúa, con lặng thinh ở trước mặt Chúa hàng giờ, chẳng có gì để xin Chúa cả. Và trong thái độ tôn thờ vô tư ấy, con sẽ chứng tỏ để Chúa thấy là con không đến với Chúa vì con cần Chúa, song chỉ đơn thuần là vì con yêu Chúa. « Cầu nguyện, như Thánh Têrêxa nói, không cốt nói nhiều mà là yêu mến nhiều » (EJ,26).
 
*

Lạy Chúa, đối với vài người trong chúng con, việc cầu nguyện có nguy cơ biến thành một sự lẩn tránh để tìm một sự bình an giả tạo, trở nên trơ lì trước những nhu cầu của tha nhân. Chớ gì đừng bao giờ chúng con treo tấm biển như thế này trước cửa nhà nguyện: « Xin đừng quấy rầy, chúng tôi đang cầu nguyện ». Sẽ là quá muộn khi, hôm sau, ta phải kêu lên: « Lạy Chúa, giá mà con biết được là chính Chúa đến gõ cửa! » Có thể nói là Chúa quấy rầy ngay cả khi Người đến trong dáng dấp « tơi tả » của một người bất hạnh kêu xin con chăng? Với một số khác trong chúng con, lạy Chúa, những hoạt động cần thiết xâm chiếm họ đến nỗi họ không còn tìm ra được thời gian để cầu nguyện, và, để tự bào chữa, họ có thể tự tạo ra những ảo tưởng về lòng quảng đại của chính họ. Chớ gì chúng con có thể chứng tỏ là không có một chút hèn nhát nào còn ẩn núp trong cách ứng xử của chúng con! Người ta có thể lẩn tránh trong sinh hoạt cũng như trong việc cầu nguyện.

Hãy tỏ ra hết sức trung thực trong việc phục vụ anh em. Tôi biết rõ rằng đôi khi có những vấn đề khiến chúng ta cảm thấy bất lực. Khi ấy, việc cầu nguyện chính là một hoạt động. Nếu chúng ta đã nổ lực hết khả năng của mình, sử dụng mọi phương thế có trong tầm tay, mà không giải quyết được một vấn đề nào đó, thì « lúc ấy chỉ còn biết cầu nguyện, một phương thế vốn có uy lực hơn tất cả mọi phương thế khác… chúng ta không nên hành động mà không cầu nguyện (đừng bao giờ làm thế), hoặc cầu nguyện mà không hành động khi chúng ta có cách để hành động…“ (MSE, 503).

« Lạy Chúa, xin làm cho sự hồi tâm cao cả này tiếp diễn trong tâm hồn con, giúp con chỉ nghe thấy tiếng Chúa, giữa sự huyên náo của các đam mê, những thú vui, những cơn cám dỗ… Lạy Chúa, trong sự thinh lặng thẳm sâu này, xin dạy con biết ý định của Chúa để con thực thi, ôi lạy Chúa, đó là điều con cần hơn cả. Xin dạy con không chỉ biết những gì Chúa muốn, nhưng còn biết được Chúa là Ai, bởi chưng càng biết Chúa, con càng yêu Chúa hơn » (CFA, 272).
 
=============

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây