Ngày thứ mười hai

Thứ năm - 14/09/2017 04:45
Ngày thứ mười hai
 
BÍ TÍCH THÁNH THỂ,
CHÍNH LÀ CHÚA GIÊSU TỰ HIẾN THÂN

 
 
« Hạnh phúc biết bao! Chúa ở cùng chúng con, Chúa ở trong chúng con. Chúa là Đấng mà trong Ngài chúng con sống động và hiện hữu, Chúa ở nơi nhà tạm, chỉ cách con có hai mét, Ôi lạy Chúa, chúng con còn cần gì hơn nữa? Chúng con thật diễm phúc! Emmanuel, « Thiên Chúa ở cùng chúng ta », ta có thể nói đấy là lời đầu tiên của Tin Mừng… Còn « Ta ở cùng các con cho đến tận thế », là câu nói cuối cùng. Chúng con hạnh phúc quá! Chúa tốt lành biết bao!…» (1897) (MSE, 174).

« Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, là tất cả Chúa Giêsu! … Trong Thánh Thể, Chúa ngự đó trọn vẹn, hoàn toàn sống động, là Giêsu mến yêu của con, cũng y hệt như khi xưa Chúa sống tại nhà của Thánh Gia ở Nazareth… như khi ở giữa các Tông đồ vậy. Cũng thế, Chúa đang ở đây, lạy Chúa–Chí–Ái và là Tất Cả của con!» (1897) (MSE, 174).

« Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ngự nơi đây… thật gần gũi, Chúa ơi! lạy Đấng Cứu độ của con, Giêsu của con, Anh của con, Hôn phu của con, Chúa-Chí-Ái của con! [… ] Thật là hết sức điên rồ nếu chúng ta tin rằng còn có điều gì khác tôn vinh Chúa hơn là bước đi theo Người… Chúng ta hãy yêu mến Người hết lòng hết sức, đó là tất cả những gì chúng ta phải làm trong thời gian và trong vĩnh cửu … Chẳng phải khi yêu, người ta tìm mọi cách để dành thời gian ở bên cạnh người mình yêu đó sao? Đó không phải là thời gian được dùng cách tốt nhất sao, ngoại trừ thời gian mà do ý muốn hoặc lợi ích của người yêu đòi phải làm khác » (1897) (DP, 81-83).

« Này là Mình Thầy… này là Máu Thầy (Mt 26, 26-28)… Hồng ân bất tận ấy của Thánh Thể khiến chúng ta phải yêu mến một Thiên Chúa hết sức tốt lành, hết sức gần gũi, hết mình ở cùng và ở trong chúng ta, vẻ đẹp và sự hoàn hảo tối thượng ấy tự hiến cho chúng ta, đi vào trong chúng ta, không cần phải giải thích, vì điều đó đã quá hiển nhiên… Thánh Thể phải làm chúng ta trở nên diụ dàng, tốt lành biết bao, đối với mọi người. Điều ấy cũng tương tự như: thứ ngôn ngữ đã từng làm Chúa xúc động sẽ nói lên điều gì nếu không phải là những lời đáng nói về tình yêu Chúa, một tâm hồn đã tiếp rước Chúa lẽ nào có thể ấp ủ những ý tưởng không phù hợp với lòng nhân lành của Chúa; một thân xác đã có Chúa lưu ngụ, lại có thể làm những cử chỉ bất xứng với lòng khoan dung của vị Thiên Chúa đang cư ngụ ở đấy sao? Kẻ mà Chúa đã biến thành nơi trú ngụ của Ngài, đền thờ của Ngài, lại không chan chứa sự nhân từ của Vị Khách tuyệt vời ấy sao? » (1897) (PPF, 93-94).
 
Lạy Chúa Giêsu, khi các môn đệ tụ tập trên núi để từ biệt Chúa, Chúa đã nói với các ông: «… Còn Thầy, Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế ». Vậy là, theo lời hứa ấy, tiếng nói vinh phúc của Chúa thôi không còn vang lên trên mặt đất của chúng con nữa. (Mt 28,30).
Với Anh Charles, Thánh Thể trước hết chính là sự hiện diện của Chúa « mọi ngày », nối dài mầu nhiệm Nhập Thể dưới hình thức bí tích. « Chính Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở trong chúng ta ». Vậy phải có một đức tin mãnh liệt vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đến chừng nào mới có thể khiến Anh phải thốt lên: « Việc Tôn thờ Thánh Thể phải là nền tảng đời sống của mọi người…» (1904) (OS, 339).

Thờ phượng Thánh Thể, chính là những phút giây thân tình và hồn nhiên, vì đó là giây phút của tình yêu. Khi tôi bước vào nhà nguyện, chẳng phải là vì tôi có nhu cầu hoặc tôi cảm thấy bị lôi cuốn, mà vì tôi yêu mến. Lạy Chúa, trong đêm tối của đức tin, có thể cả trong lúc khô khan nguội lạnh, con vẫn kiên trì dâng lên Chúa một khoảng thời gian mà, xét theo loài người, bị coi là một sự lãng phí như « cân dầu thơm cam tùng hảo hạng nguyên chất » xức trên chân Chúa (Ga 12, 3tt). Tất cả những ai tưởng rằng họ có thể dùng thời gian ấy để «sinh lãi» thì tốt hơn, có nghe thấy lời Chúa nói « hãy để mặc cô ấy » không?

Anh Charles muốn các anh em của mình sau này chuyên lo thường xuyên thờ phượng Thánh Thể. Bất kể công việc của họ bề bộn cách mấy, Anh vẫn giới thiệu họ là những người, để ra hàng giờ liền, « chiêm ngắm Thánh Thể như nhìn vào trong ngôi nhà thánh ở Nazareth, chú ý đến anh cả Giêsu đang sống giữa Đức Trinh Nữ và thánh Giu-se, và cố… hoà mình vào với Người bằng một sự kết hợp ngày càng hoàn hảo hơn, sự kết hợp mà tình yêu của chúng ta khao khát khôn nguôi ở dưới thế này » (RD,110).

Sự kết hợp cách mầu nhiệm nhưng thực sự nhờ việc Rước lễ, mà Anh Charles nói đến, được tiếp nối hoặc được chuẩn bị nhờ những giờ thờ phượng dưới chân bàn thờ. « Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy » (Ga 6, 56). Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn ban cho chúng con « của nuôi đích thực » để chúng con được đồng hóa với Chúa. Và Chúa còn so sánh sự kết hiệp ấy với sự hiệp nhất liên kết Chúa với Chúa Cha! Đối với Anh Charles, những giây phút tuyệt vời ấy còn gợi đến những giây phút ân ái trong hôn nhân, nhưng chúng có thể diễn ra theo thói quen cách buồn tẻ và chỉ là những trò giải trí. Tuy nhiên chân lý của bí tích vẫn được nên trọn, bất chấp sự tầm thường của chúng con. Lạy Chúa, con không dám mạo muội phê phán Chúa, nhưng Chúa phải liều lĩnh lắm mới dám tự nộp mình vào tay chúng con là những kẻ tội lỗi, dưới hình dạng của một tấm bánh tầm thường. Phần Chúa, chỉ có Chúa mới thấu biết mọi sự! Tình yêu làm nên những chuyện điên rồ!

Ôi lạy Chúa Giêsu, trong cuộc gặp gỡ ấy, chúng con được nuôi dưỡng, bằng một « cách hiện hữu » giống như Chúa hiện hữu. Làm thế nào Chúa tỏ mình cho con trong Thánh Thể? Dưới những dáng vẻ vô cùng khiêm hạ của bánh và rượu, Chúa đang ở đây cách kín đáo, và Chúa chẳng làm gì để áp đặt con, cũng chẳng hề tìm cách để quyến rũ con. Chúa chờ đợi con tự do và trọn vẹn tin tưởng vào Lời Chúa. Ôi sự thinh lặng đầy xúc cảm của Thánh Thể! Đến lượt con, một khi được sống bằng sự sống của Chúa, con cũng phải sống giữa anh em con cách khiêm tốn và lặng lẽ, với lòng tôn trọng thánh thiện và yêu thương như thế. Cách làm chứng, cũng như lòng nhiệt thành trong tình bác ái huynh đệ của con, phải bắt nguồn từ Thánh Thể.

Chúa đang hiện diện, không phải như một đồ vật vô tri, dẫu đó là báu vật quí giá nhất, nhưng như một người đang sống và còn đang tự phó nộp mình vì phần rỗi nhân loại. « Này là Máu Thầy đã đổ ra cho các con và cho nhiều người ». Thế thì sao chúng con lại không chịu thay đổi cái nhìn đối với anh chị em, những người cũng cử hành hôn lễ thần nhiệm ấy như chúng con? » Chúng ta phải có lòng kính cẩn dường nào đối với cả thể xác lẫn tâm hồn các anh chị em Kitô hữu, những người đã nhờ ơn hiệp lễ mà được kết hiệp hết sức mật thiết với Chúa Giêsu… trở thành những hôn thê, những đền thờ của Người, một cách vô cùng tuyệt diệu sao! Những tâm hồn và thân xác ấy thân thiết, quí giá và thánh thiện đối với chúng ta biết chừng nào! » (PFJ, 67). Việc Rước lễ không chỉ biến đổi cái nhìn của chúng ta mà thôi, nhưng còn biến đổi cả trái tim chúng ta nữa, trái tim đã được tháp vào Trái Tim Chúa Giêsu, hằng thôi thúc chúng ta phải hiến mình cho anh em bằng hàng trăm ngàn cách khác nhau. Hoạt động của chúng ta, phát sinh từ việc Rước lễ, giúp Chúa Giêsu nối dài hành vi tự hiến cho tất cả các anh chị em qua chúng ta. Từ « đền thờ » là chính chúng ta, « lòng nhân lành của Vị Khách tuyệt vời » chảy tràn lan như suối nguồn.
 
*
 
Anh Charles hân hoan thắp sáng lên các ngọn đèn chầu giữa sa mạc Sahara, nghĩa là nhân lên sự hiện diện của Thánh Thể giữa lòng các dân tộc không nhận biết Chúa Giêsu. Anh đặt miền đất mà Anh đã đặt chân tới tuỳ thuộc vào Chúa Thánh Thể: « Mỗi ngày tôi đều có thể cử hành Thánh lễ: Thánh Thể đang sở hữu phần lãnh thổ của mình… » (OS, 675). Anh đã viết điều đó năm 1904, khi nghỉ lại vài ngày, trong chuyến đi dài hướng về Tamanrasset. Anh hết sức sung sướng bởi vì « đã dựng xong một nhà nguyện kết bằng cành cây với một thánh giá bằng gỗ ». Anh kêu lên: « Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa về ngôi nhà tạm này trong xứ sở của những người du mục touareg. Chớ gì đó sẽ là bước khai mào cho các nhà tạm khác! … Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ nơi sâu thẳm của ngôi nhà tạm này xin soi chiếu trên dân chúng đang vây quanh Chúa đây mà không nhận biết Chúa » (CB,144). Khẳng định sự toả chiếu ấy của Thánh Thể trên toàn bộ một xứ sở hình thành trong mắt Anh một địa chí thiêng liêng đang được ướm thử trên những cảnh quan hữu hình. Đối với Anh, Thánh Thể được đặt vào một nơi nào đó, chẳng giống như khi Chúa chọn cư ngụ tại Nazareth chứ không phải một nơi nào khác sao.

Tính «logique» ấy của Mầu nhiệm Nhập Thể, vì thế, không bao gồm một quan niệm ma thuật về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Vả lại, lòng nhiệt thành với Thánh Thể như vậy trước hết là do đức ái. Lòng sùng kính của Anh đối với Thánh Thể, cũng như lời cầu nguyện của Anh, được tiến triển theo năm tháng. Nếu, vào cuối đời, những suy niệm của Anh ở Tamanrasset cũng được viết ra theo cách như hồi còn ở Nazareth, mười năm trước đó, thì hẳn là người ta đã có thể đánh giá tốt hơn toàn bộ sự khác biệt về sắc thái thiêng liêng giữa hai thời kỳ ấy. Hồi sống tại Nazareth năm 1900, và khi nghĩ về chức linh mục, Anh cho rằng: « chỉ được dâng một thánh lễ mà thôi thì cũng giá trị và vô cùng giá trị hơn tất cả những công việc khác mà tôi có thể làm ». Bảy năm sau, Anh tự nêu câu hỏi: « Có nên ở lại Hoggar mà không thể dâng thánh lễ (vì thiếu người giúp lễ) hay dâng thánh lễ và thôi không đi đến đó? ». Anh là linh mục duy nhất có thể đi đến những ốc đảo ở phía nam và « âm thầm mang Chúa Giêsu đến tận nhà những kẻ không biết Người ». Lòng say mê cứu rỗi các linh hồn của Anh, bắt chước Đức Giêsu Đấng Cứu Độ, «  luôn luôn đưa Anh đi xa hơn trên hành trình của mình » và khiến Anh quyết định từ khước dâng lễ, chừng nào Anh chưa được phép cử hành một mình. Anh giải thích với Đức Giám Mục của mình rằng « Trước kia, con chủ trương phần thì để nhìn thấy sự vô cùng là Bí tích Thánh Thể, phần thì để thấy cái hữu hạn là tất cả những gì không phải là Người, và luôn hy sinh tất cả để cử hành thánh lễ: nhưng lý luận như thế hẳn là đã có gì đó không đúng, bởi chưng, từ  các tông đồ, các vị thánh vĩ đại nhất cũng đã hy sinh trong một vài dịp không cử hành để làm những việc bác ái thiêng liêng… » (OS, 695).
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương vô cùng hết mọi người anh em của con, cũng là anh em của Chúa, mà con đang sống giữa họ, Chúa ban sự sống của Chúa cho họ trong Thánh Thể và Chúa muốn dùng con để yêu thương họ và ban cho họ sự sống của Chúa … « Xin Chúa soi sáng, dẫn dắt, cứu thoát các linh hồn mà Chúa yêu thương… Xin hoán cải con, con thật đáng thương, lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu!» (CB, 144-145).
 
= † =

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây