Ngày thứ mười lăm

Thứ năm - 14/09/2017 04:49
Ngày thứ mười lăm
 
CHẲNG BAO GIỜ NGƯỜI TA YÊU ĐỦ

 
 
« Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí» (Ga.19,30). Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết và chết vì chúng con! … Nếu chúng con đã thực sự tin vào điều đó, thì lẽ ra chúng con đã ước ao được chết và chết vì đạo […]. Điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm cho chúng con, đó là giết chết chúng con bằng muôn nỗi cực hình, nhưng, lạy Chúa Giêsu, khi chúng con chấp nhận cái chết như thế, theo tôn ý Chúa và vì lòng mến Chúa, thì đó lại là một hồng ân tuyệt hảo … một sự bắt chước được Chúa chúc phúc gấp ba lần …

« Bất kể người ta sát hại chúng con vì lý do nào, nếu tận đáy lòng, chúng con chấp nhận cái chết bất công và tàn khốc ấy, như một ân phúc từ tay Chúa ban cho, nếu chúng con cảm tạ Chúa về điều đó như một ân sủng ngọt ngào … nếu chúng con dâng nó lên Chúa như một hy lễ bằng tất cả thiện tâm của chúng con, nếu chúng con không chống cự lại, để được vâng theo giáo huấn và mẫu gương của Chúa … thì khi ấy, bất kể động cơ thúc đầy người ta sát hại chúng con ra sao, chúng con vẫn sẽ được chết trong tình yêu tinh tuyền, và cái chết của chúng con sẽ là một hy lễ thơm hương dịu dàng dâng lên Chúa, và giả như, dưới mắt mọi người, con không được coi là người tử đạo đúng nghĩa, thì con vẫn cứ là như thế dưới mắt Chúa và sẽ là một hình ảnh hết sức hoàn hảo về cái chết của Chúa … Bởi chưng nếu trong trường hợp chúng con không được hiến dâng máu mình vì đức tin, thì - bằng cả trái tim mình - chúng con cũng đã dâng hiến và phó thác cho tình yêu Chúa rồi ». (1898) (EDS,193-194).

« Huỷ mình ra không chính là phương thế mạnh mẽ nhất để chúng ta được kết hiệp với Chúa Giêsu và mưu ích cho các linh hồn: đó là điều mà Thánh Gioan Thánh Giá cứ viết đi viết lại hầu như trên từng hàng chữ trong các văn phẩm của Ngài. Khi người ta cam chịu đau khổ vi yêu mến, thì người ta có nhiều khả năng lắm, người ta có thể làm được nhiều hơn cả cái mà người ta có thể làm được trên trần gian nầy: người ta đau khổ, vì cứ cảm thấy là mình chưa yêu và đó chính là nỗi đau khổ lớn hơn cả! nhưng người ta vẫn biết là mình muốn yêu, mà muốn yêu chính là yêu rồi vậy. Người ta cảm thấy mình chưa yêu đủ; thật thế, sẽ chẳng bao giờ người ta yêu cho đủ, nhưng Thiên Chúa tốt lành biết rõ chúng ta được nhồi nắn bằng thứ bùn gì và Ngài yêu thương chúng ta còn hơn cả người mẹ yêu thương con cái mình; Ngài đã nói với chúng ta, và không bao giơ nói dối, rằng Ngài sẽ không xua đuổi những ai chạy đến với Ngài » (1/12/1916) (LMB,251-252).
 
Lạy Chúa Giêsu, hôm Chúa Nhật Lễ Lá (4), Chúa đã giải thích về ý nghĩa của cái chết sắp tới của Chúa « như là điều kiện để hoàn tất công trình của Chúa » (Lagrange): « Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời » (Ga.12,23-25).

Anh Charles đã luôn xác tín rằng Anh phải chết đi thì công trình của Anh mới trở nên phong nhiêu được. Khi xin những người thường liên lạc với Anh bằng thư từ cầu nguyện cho Anh, Anh thường gợi lại so sánh về hạt giống lúa mì như thế: « Hãy giúp tôi chết đi để mang lại hoa trái » (OS, 403). Anh ước ao mãnh liệt qui tụ các bạn đồng hành quanh mình và nhân rộng các nhà huynh đệ, không chỉ ở Sahara mà còn cả trên toàn thế giới (ở Rôma, ở làng Bêtania! …), Anh cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về sự đơn lẻ của bản thân, như hình ảnh của hạt giống nếu không chết đi thì vẫn cứ một mình trơ trọi. « Nếu hạt giống chết đi, thì nó mang lại nhiều hoa trái … Còn tôi thì chưa chết đi, nên tôi vẫn cứ mãi một mình … Xin cầu nguyện cho tôi được hoán cải, để khi chết đi, tôi mang lại được nhiều hoa trái » (OS,399).

Qui luật về sự phong nhiêu ấy, vốn là qui luật của thập giá, luôn là lực đẩy cho toàn bộ hoạt động tông đồ: nó mang tính phổ quát. Hạt lúa mì là hình ảnh của đời sống Kitô hữu. Cần phải chết đi để mang lại hoa trái. Việc ấy không hệ tại ở chỗ đi tìm một cái chết anh hùng, mà là một « cái chết hằng ngày ». Tất cả chúng ta đều được mời gọi vác thập giá của mình và chịu « mất mạng sống » mình đi. Đồng hành với Anh Charles trong suốt mười bốn ngày qua, chúng ta đã nhận biết rằng tất cả đều qui về mầu nhiệm sự sống phát sinh từ sự chết. « Lạy Chúa, Chúa đã dùng cái chết của Chúa mà ban sự sống cho thế gian », đó là lời công bố của Phụng vụ Thánh Thể. Đến lượt mình, trong khi kết hiệp với Chúa Giêsu, ai ở vào vị trí người nấy, chúng ta cũng phải chết đi. Bằng cách dứt bỏ những của cải thế gian, bằng vâng nghe theo tiếng Chúa gọi và phó thác hoàn toàn theo thánh ý Ngài, bằng hy sinh sự yên ổn và tính tự ái để phục vụ anh em, bằng lời cầu nguyện bền bỉ trong đêm tối của sự khô khan hoặc đau khổ, như vậy chúng ta có thể chết bằng muôn vàn cách thức khác nhau. Chúng ta không lựa chọn các dạng thức, nhưng chấp nhận chúng cách quảng đại trong sự quên mình. Lạy Chúa, khi treo thánh giá lên tường, chúng con nhớ lại đó là biểu hiệu tình yêu của Chúa. Khi đón nhận thánh giá trong cuộc đời, là chúng con hết lòng đáp lại tình yêu Chúa. Khi chiêm ngắm các ảnh chuộc tội được dựng lên tại các ngã tư nơi thôn dã, chúng con cũng nghe thấy những tiếng chuông reo vui không ngừng vang lên mừng kính Chúa sống lại. Khúc ca lưỡng diện của thập giá và vinh quang ấy song hành với chúng con trong từng ngày sống.

Từ khi tìm thấy những bản viết của Thánh Gioan Thánh giá, tại căn lều ở Nazareth, Anh Charles thường trích dẫn một câu châm ngôn, rồi trình bày lại định luật về hạt lúa mì theo cách suy nghĩ của Anh. Anh viết trong thư như sau: « Xin hãy cầu nguyện cho tôi được yêu mến Thập giá, không phải chỉ vì đó là Thập giá, mà vì đó là phương thế duy nhất, con đường duy nhất để tôn vinh Chúa Giêsu: « Hạt lúa mì chỉ sinh hoa kết trái bằng cách chết đi … Một khi được treo lên, ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta». Và như Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh, chính lúc Người tự huỷ hoàn toàn bằng cái chết, mà Chúa Giêsu đã làm điều tốt nhất, đã cứu cả thế gian » (OS, 48). Anh đã ghi lại như thế vào năm 1903 và sau đó, không biết là còn bao lần nữa, Anh sẽ còn viết vào chính ngày Anh chết, ít lâu trước khi tư tưởng ấy thể hiện nơi chính thân xác Anh.

Cũng giống như hạt lúa mì, một cách âm thầm, từng ngày, Anh Charles nổ lực để chết đi. Nhưng Anh cũng mơ đến một cái chết giống như cái chết của Chúa Giêsu hơn, cái chết tử đạo. Trong hai mươi năm, Anh ao ước điều đó, Anh chuẩn bị nó, Anh mong muốn nó xảy ra cho các anh em tuơng lai của mình, Anh đưa ra một mô tả có tính ngôn sứ. « Hãy nghĩ rằng anh sẽ phải tử vì đạo, bị tước lột hoàn toàn, nằm sóng soài trên đất, trần truồng, bất tỉnh, đầm đìa máu và đầy thương tích, bị sát hại một cách hung bạo và đau đớn … và hãy ước ao điều ấy được xảy ra ngay hôm nay ! » (1897) (VN 35).

Một trạng thái tinh thần như thế, khác xa với mọi chứng tự hành hạ mình, chỉ được hiểu thấu bằng ý muốn bắt chước Đức Giêsu Chúa-chí-ái của anh mà thôi và hãy trân trọng lời này của Anh: « Giá mà chị biết được – Anh viết – em ước ao kết thúc cuộc sống khốn khổ và đáng thương vốn đã bắt đầu hết sức tồi và hết sức trống rỗng, theo cách mà Chúa Giêsu đã nói vào buổi tối tại nhà Tiệc ly rằng không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì yêu mến …Em không xứng được như vậy, nhưng em ước ao được như thế biết chừng nào! » (1902) (LMB, 102).

Ngày đêm, Anh Charles hằng chiêm ngưỡng mẫu gương chí thánh của Anh, và sống theo phương châm Anh tự đặt ra cho mình: « Mức độ của sự bắt chước chính là thước đo tình yêu ». Cũng như Chúa Giêsu, bằng cái chết, đã ban cho chúng ta « bằng chứng vĩ đại nhất về tình yêu », thì đối với Anh Charles, « cầu xin, ước ao và, nếu đẹp lòng Chúa, được chịu tử vì đạo, [tức là] yêu mến Chúa Giêsu bằng tình yêu lớn lao nhất » (DP, 75). Và để yêu mến, cần phải đón lấy thánh giá đồng thời với việc từ bỏ mình: « Tình yêu đích thực duy nhất, xứng với tên gọi của nó nhất, [chính là] tình yêu quên mình và quên tất cả để chỉ ao ước, chỉ sống cho một điều duy nhất, đó là: hạnh phúc của Chúa-chí-ái “. (CE, 91).

Bây giờ chúng ta trở lại ngày đầu tiên, lúc Chúa Giêsu đưa ra huấn lệnh tình yêu vĩ đại nhất, trỗi vượt trên tất cả mọi điều luật. Trong khi khen viên ký lục, các thính giả đã nghe thấy Chúa Giêsu bảo ông ta rằng: « Cứ làm như vậy thì sẽ được sống » (Lc 10, 28).  Hôm nay Tin Mừng vẫn còn đang nói với chúng ta. Vậy là, lạy Chúa Giêsu, Chúa đang truyền dạy riêng con: « Cứ làm như vậy », nghĩa là « hãy yêu mến Chúa và yêu tha nhân ». « Yêu Chúa và tha nhân, và nhờ yêu tha nhân mà đến với tình yêu Chúa, hai tình yêu ấy không đi riêng lẻ một mình: lớn lên trong tình yêu này thì cũng trưởng thành trong tình yêu kia » (LLM, 83). Chúa đã truyền cho con: hãy yêu thì con sẽ được sống. Lạy Chúa Giêsu, thật là một chương trình tuyệt diệu, yêu tức là sống! Bởi vì chúng con đã được khắc tạc giống với hình ảnh Thiên Chúa hằng sống, còn Ngài lại tự đồng hóa chính mình với tình yêu. « Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy » (1 Ga 4,16). Hãy yêu, ngay cả khi thập giá có là bằng chứng và là dấu chỉ đi nữa, thì lạy Chúa, vì chính Chúa đã muốn thế. Thập giá là mặt trái đau thương của một tình yêu bỏng cháy: máu và lửa có cùng một màu như nhau, và cũng là màu của huy hiệu mà Anh Charles mang trên ngực. Trái tim, biểu tượng của tình yêu, luôn bị thập giá đâm thâu. Còn tình yêu thì mạnh hơn sự chết.
 
*
 
Vào lúc chết, những lời cuối cùng bao giờ cũng mang một ý nghĩa hết sức cảm động. Thế mà, hình như Anh Charles không hề mở miệng nói một lời nào, kể cả sau khi Anh bị những người tấn công trói chặt lại. Nhưng Anh đã để lại trên bàn làm việc ba bức thư : đó là những lời cuối cùng của Anh trên trần thế.

Do một sự trùng hợp lạ lùng, khi ấy Anh đã tự ý ghi lại những lời mà cha linh hướng của Anh đã thì thào vào tai anh, trên giường hấp hối, sáu năm về trước. Năm 1910 Anh viết: « Người phát thư vừa mang đến cho tôi các chi tiết về những giây phút cuối cùng của người mà, cách đây hai mươi bốn năm, nhờ ngài tôi đã được hoán cải, và cho đến nay ngài vẫn là người cha yêu dấu nhất của tôi. Ngài đã triệt để giữ kín mọi hiểu biết của mình nhưng đã có thể bắt đầu nói ra. Hai lời cuối cùng của ngài là « amabo numquam satis » [chẳng bao giờ tôi yêu đủ] và « người ta có giá trị bởi cái mà người ta yêu » ; ngài tự nhủ mình phải sống theo sự suy nghĩ của mình. Hai lời ấy tóm kết cả cuộc đời của ngài ». (LLM, 83).

Ngày 01 tháng 12 năm 1916, được hướng dẫn một cách huyền nhiệm, Anh Charles đã tự tay viết ra cũng chính những lời như thế: « Người ta sẽ chẳng bao giờ yêu đủ » Sứ điệp cuối cùng của Anh là một lời kêu gọi yêu thương và yêu thương nhiều hơn nữa.

Lạy Chúa Giêsu, trước những lời được viết ra và trước cái chết anh hùng ấy, con thấy mình thật nhỏ nhoi và yếu đuối, khó mà đạt tơi lý tưởng ấy. Tuy nhiên, Anh Charles cũng đã thú nhận với chúng con: « Giá như ít ra tôi cảm thấy được là Chúa Giêsu đang yêu tôi, nhưng Ngài chẳng bao giờ nói với tôi điều đó cả », và trước khi chết: « Không phải lúc nào người ta cũng cảm thấy là mình đang yêu … nhưng biết là mình khao khát yêu và muốn yêu tức là đã yêu rồi ». Qua những lời tâm sự này Anh đã trở nên gần gũi với con biết bao! Con cũng thế, lạy Chúa, con muốn yêu Chúa, bằng hàng ngàn hành vi trong cuộc sống thường ngày của con: bằng cầu nguyện với Chúa, chúc tụng Chúa, bởi chưng cầu nguyện là yêu mến và chúc tụng cũng là yêu mến; bằng cách tuân theo thánh ý Chúa Cha, bởi chưng vâng phục chính là yêu mến; bằng cách bắt chước Chúa và vì yêu Chúa sống khó nghèo; bằng cách không ngừng yêu thương anh em, bởi vì những gì con làm cho họ, chính là làm cho Chúa … Lạy Chúa, người ta có thể thêm nữa, vì bấy nhiêu có hơi ít chăng? Nhưng, phần Chúa, Chúa không thể đối xử với con tệ hơn cách mà người cha của đứa con hoang đàng đã đối xử với hắn!
 
      Ω Ω
 
Chú thích :
 
1.     Đành rằng về cuối đời – một dấu chỉ của sự tiến bộ ? Anh Charles đ viết cch nhẹ nhàng  hơn :” Đức ái không hoạt động nửa vời, nhưng một cách đúng đắn và trọn vẹn; Đức Trinh Nữ rất thánh đ khơng đến thăm bà Elisabeth một vài ngày: nhưng mẹ ở với bà ấy một thời gian bao lâu bà ấy cần, tới 3 tháng, để hoàn tất công việc tốt Mẹ đ dự liệu. “ (1914) (EJ, 294).
 
2.     Nói chung, ngoài các tác phẩm của Thánh nữ Têrêsa, tập sch nhỏ của Cha Caussade : “Phó thác cho Thiên Chúa Quan Phòng”,  là đầu sách duy nhất mà trong tập Chỉ Nam, Anh Charles đã nêu tên giới thiệu các Tiểu Đệ và Tiểu Muội nên đọc. Ông L. Massignon viết : “Toàn bộ cuốn sách ấy giúp soi sáng và nầng cao tâm hồn chúng ta”.
 
3.     Xem tr. 34
 
4.     Trong tập Luận về việc đồng hành với Chúa Giêsu (Nazareth, 1900), Anh Charles đặt những lời này vào thứ hai tuần thánh : “ vào khoảng 4 hay 5 giờ chiều “ (PFJ, 162)
 
============   
 
A. M. D. G
Phan Rang, ngày 01.12.2002
=========
Hiệu đính và tái bản năm 2016,
nhân dịp kỷ niệm 100 năm
ngày mất của Anh Charles de Foucauld
 
* * *

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây