Ngày thứ mười ba

Thứ năm - 14/09/2017 04:46
Ngày thứ mười ba
 
TRÁI TIM VÀ THẬP GIÁ

 
 
« Mọi sự đã hoàn tất (Ga.19,30). Mọi sự đã hoàn tất vì Chúa đã trao ban cho chúng con tất cả, nhân tính và thần tính của Chúa, trong 30 năm tại thế, bằng gương mẫu và các bài giảng; tất cả những gì Chúa là, đều đang ở trong Thánh Thể; ban máu Chúa trong cuộc Khổ Nạn; ban Mẹ Chúa cho chúng con từ nơi cao trên Thập giá; trong một khoảnh khắc của cuộc đời Chúa, Chúa đã ban cho chúng con trọn vẹn tất cả … Mọi sự đã hoàn tất là thế. Công trình yêu thương của Chúa đã hoàn tất, Chúa đã yêu thương con người «cho đến cùng», cho đến tận cùng những gì có thể, trong Mầu nhiệm Nhập Thể và trong Bí tích Thánh Thể, cho đến tận cùng đời sống của Chúa, đến giọt máu cuối cùng của Chúa … Ôi Trái tim Chúa Giêsu, đã bị đâm thâu vì chúng con, Chúa yêu thương chúng con dường nào! » (MSE, 518).

 (Chúa Giêsu nói): « Tóm kết của đạo chính là Trái tim Ta: nhìn Trái tim Ta các con sẽ nhớ đến tình yêu Thiên Chúa đã dành cho các con, và tình yêu các con phải đáp trả lại Ngài …Ngài hằng muốn các con chiếm hữu chính Ngài, được biến đổi nên Ngài và cách nào đó được « thần hóa «: đó chính là tình yêu Thiên Chúa dành cho các con, bất tận bởi hạnh phúc khôn cùng mà Ngài muốn cho các con, chớ gì Trái Tim ta nhắc nhớ các con […]. Toàn bộ đạo giáo đều được diễn tả bằng tiếng tình yêu, bằng bác ái (caritas) » (EJ, 261).

« Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, cảm ơn Chúa đã ban cho con… một bằng chứng Chúa yêu con là dường nào, khi chịu biết bao khổ hình vì con, để từ rày về sau, con buộc phải đặt niềm tín thác không lay chuyển, một niềm hy vọng triền miên … vào tình yêu Chúa. Bất chấp những bội phản, những vô ơn, những thờ ơ của con … Bất chấp cả những lầm lỗi con phạm đến Chúa, ôi Thánh Tâm Chúa Giêsu, sau những bằng chứng tình yêu mà Chúa đã ban cho, con luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa, vào tình yêu bền bỉ, trung tín của Chúa, tình yêu không gì lay chuyển cho dù con bất trung. Con luôn tin rằng con chỉ phải đến với Chúa để thấy Chúa đang sẵn sàng tha thứ cho con … sẵn sàng đón nhận con như người cha đã tiếp đón đứa con hoang đàng … sẵn sàng giúp đỡ con, bằng sức mạnh thần linh của Chúa và với ước ao mãnh liệt nhất mà một trái tim nhân loại bỏng cháy nhất cũng không thể có được, để từ nay, trong mọi lúc của đời con, con được trở nên và làm điều đẹp lòng Chúa nhất … Ôi Thánh Tâm Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa! » (EJ,179,180).
 
Này đây đứa con hoang đàng lên đường quay về với cha mình. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã miêu tả cho chúng con cảnh tượng khó quên ấy một cách tuyệt diệu: « Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để » (Lc 15, 20).

Người cha ngóng trông – điều đó người con không biết, vì không thể ngờ là lại có một tình thương như thế -. Chính người cha chạy đến và ôm chầm lấy con mình! Chúng ta có đủ lý lẽ để nói rằng dụ ngôn ấy, tiên vàn, chính là dụ ngôn nói về tình yêu của người cha. Trước Chúa Giêsu, đã có một người thông thái nào có thể quan niệm được như thế về Thiên Chúa? Linh cảm về Thiên Chúa «như thế» thì vượt quá những khả năng của sự thông minh sắc sảo nhất. Một mạc khải phi thường đến thế, lạ lùng đến thế, thì chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa mà thôi!

Qua lời nói và cuộc sống của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa, mà cho đến bấy giờ vẫn còn xa lạ. Chúa Giêsu là « đường » dẫn đến khám phá ấy. Người đã chẳng nhắc đi nhắc lại với chúng ta rằng: « Ai thấy Thầy là xem thấy Cha » sao? Cả hai chỉ là một (Ga.10,30). Nói đúng ra, chúng ta có thể quả quyết rằng: « Trái tim Chúa Kitô là mạc khải về trái tim Thiên Chúa, mà thập giá là mạc khải về trái tim Đức Kitô » (Đức Cha Gay).

« Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một » (Ga.3,16). Và Người Con ấy, là hình ảnh của Thiên Chúa trên trần gian, đã yêu thương chúng ta cho đến phải chịu nhục hình thập giá, mà từ trên ấy Người loan báo: « Mọi sự đã hoàn tất ».

Trong Bản Luật dòng của mình, Anh Charles đã tỉ mỉ xác định là các Tiểu Đệ và Tiểu Muội sẽ mang trên ngực một trái tim màu đỏ bên trên có một thập giá – « trái tim và phía trên cách 15 phân có hình thập giá » ­-, bởi vì « Trái tim thánh của Người là khuôn mẫu cho trái tim của họ và là biểu tượng cho sứ vụ của họ ». Một trái tim, không bị xuyên thủng bởi một mũi tên nhưng là bằng một thập giá, cái giá của tình yêu mà nó biểu trưng!
Biểu tượng ấy không tự nói về chính nó cho những ai mà chúng ta gặp, nó thông đạt cho biết về một tình yêu đến từ Thiên Chúa và chỉ có thể tỏa rộng nhờ chúng ta mà thôi. Nó khích lệ chúng ta bày tỏ tình yêu ấy của Thiên Chúa ra trước mặt mọi người. « Các nhà huynh đệ Thánh Tâm là những tổ ấm nhỏ – mà phần lớn đều được thiết lập trong những xứ truyền giáo - sống bằng tình yêu thương được Thánh Tâm Chúa Giêsu thiêu đốt, để « thắp lên ở đó ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang đến trần gian » và làm lan tỏa lửa tình yêu Chúa tới các con cái bất hạnh nhất, « lạc xa nhất» của Người » …» (RD, 106-107). Bởi vì, đối với Anh Charles, việc đáp trả lại tình yêu của Thánh Tâm bằng tình yêu thì đồng thời cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến anh em. Anh đã nghe Chúa nói: « Trái Tim ta nhắc cho các con nhớ là các con phải lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa… rằng các con phải yêu tha nhân như chính mình vì Thiên Chúa, Đấng yêu họ biết bao … vì Ngài yêu họ cũng như Ngài đã yêu chính anh em ” (EJ, 261). Việc nối kết hai huấn lệnh mãi mãi bất khả phân ly ấy lại với nhau không ngừng được nhắc lại dưới ngòi bút của Anh Charles.
 
*
 
Bảo rằng một Kitô hữu, trước hết, là một kẻ yêu mến Thiên Chúa tức là đưa ra một định nghĩa hết sức phiến diện. Các tín hữu khác, và đặc biệt là những nhà thần bí, hướng tất cả khát vọng của họ vào việc yêu mến Thiên Chúa. Còn chúng ta, khi tự vấn luơng tâm, chúng ta phải lấy làm tiếc vì đã yêu mến Ngài quá tệ. Có quá đáng không? Bởi vì, như một môn đệ của Anh Charles đã nhấn mạnh, điều xác định tính chất của Kitô hữu, không phải là họ yêu mến Thiên Chúa, mà là họ tin rằng Thiên Chúa yêu thương họ.

Niềm xác tín ấy mời gọi con phải thay đổi cái nhìn của con. Thay vì nhìn vào các lầm lỗi và những giới hạn của con, vào tình yêu nguội lạnh của con, thì con cứ ngẩng đầu lên, chiêm ngắm Chúa, bằng cách không ngừng lặp đi lặp lại rằng: Chúa yêu con. Lạy Chúa, việc ấy thật kỳ diệu! Sự «hoán cải» ấy, thay vì làm con qui hướng về mình, con biết vượt qua cái «tôi» để đến với «Chúa». Chúa mới là quan trọng, niềm xác tín vào tình yêu Chúa chói ngời đến độ người ta chỉ còn nhìn thấy Chúa mà thôi. Ước gì con nghe thấy Chúa thì thầm: Hãy ngắm nhìn Ta trong khi làm việc cho Ta, hãy nhìn Ta trong khi cầu nguyện, hãy nhìn Ta không ngừng» (DP, 130).

Luẩn quẩn lục lọi tìm kiếm những yếu đuối, những cơn cám dỗ, những sa ngã của bản thân, chỉ làm con thêm hoài nghi và nản lòng, và con bối rối lặp lại, theo thánh Phêrô: “ Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! » (Lc.5,5) Lạy Chúa, trong khi cho rằng mình bất xứng với tình yêu Chúa, thì con lại ngầm hiểu rằng, có thể trong một vài cảnh huống nào đó dường như con có thể mãn nguyện, thì lẽ ra con đáng được Chúa yêu hơn. Thế có nực cười không? Bao nhiêu là tham vọng khiến Chúa buồn lòng, lạy Chúa, hay chí ít thì chúng cũng không làm cho Chúa mỉm cười độ lượng được! » Nếu Chúa chỉ tiếp nhận những ai xứng đáng với Chúa thôi, thì ai sẽ được Chúa đón nhận đây? Nào Chúa chẳng phải là bạn tình của tâm hồn chúng con, Đấng trước hết và mãi mãi chỉ tìm kiếm tình yêu của chúng con sao? …» (LLM, 113), Chính bởi vì Chúa là Chúa nên Chúa yêu thương con và yêu con như con là thế. Lạy Chúa, xin hãy làm cho niềm xác tín ấy luôn bén rễ sâu trong con, không thể nhổ bỏ, cả trong những ngày đen tối. « Chúa yêu thương chúng ta bởi vì Ngài nhân hậu, chứ không phải vì chúng ta tốt lành – các bà mẹ cũng đã chẳng yêu thương những đứa con lầm lạc của họ đó sao? » (LLM,206).

Chúa đi tìm con chiên lạc và lo lắng trông ngóng đứa con hoang trở về. Và từ nơi cao trên thập giá – không còn là một dụ ngôn nữa - do tác động của con tim, Thánh Tâm Chúa đã rút ngắn mọi thủ tục để phong thánh cho «người trộm lành». Với Phêrô, sau khi sống lại, Chúa chỉ đòi hỏi một chút tình yêu: dù ông chối Chúa, Chúa vẫn trung tín. Tất cả những điều đó thật chẳng hữu lý chút nào. Chỉ tình yêu mới giải thích được cách ứng xử như vậy. Điều ấy buộc con phải tin cách mù quáng rằng tình yêu ấy thật điên rồ, ngay cả khi con đến trình diện Chúa với hai bàn «tay trắng» như Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng đã nói. Tình cảm ấy làm cho lòng con chứa chan lời cảm tạ, biết ơn và thán phục. Cũng như Anh Charles, người đã tô điểm những giờ nguyện ngắm của mình bằng muôn vàn lời «tạ ơn».

« Ôi lạy Chúa, Chúa thật tốt lành, con xin tạ ơn, tạ ơn Chúa! »
« Bởi vì Chúa luôn yêu thương ở với chúng con, bằng Trái Tim của Chúa, thì ước gì chúng con luôn ở với Chúa cũng bằng chính trái tim của chúng con như vậy: chớ gì mọi nhịp tim của chúng con luôn đập vì Chúa… Chớ chi mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng con luôn được tình yêu Chúa gợi hứng và như thế là chúng con đã làm Chúa hài lòng hết sức chúng con rồi “(MSE, 174).
 
______ Ω ____

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây