Sống Tinh Thần Cha Charles trong bối cảnh Việt Nam hiện nay

Thứ tư - 29/04/2020 04:53
Sống Tinh Thần Cha Charles trong bối cảnh Việt Nam hiện nay
Sống Tình Thần Cha Charles Trong Bối Cảnh Việt Nam Hiện Nay
(“Tin mừng của Anh Charles de Foucauld” cho thế giới hôm nay)

1.Tin mừng của Anh Charles de Foucauld”

Phải chăng Anh Charles có một Tin Mừng riêng? Câu trả lời vừa là không vừa là có!

Không, bởi vì Anh Charles không có một tin mừng nào khác có thể mang lại sự sống như Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Chính Anh cũng là môn đệ của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Chính Anh hàng ngày và hàng đêm ngồi trước Thánh Thể để đọc và nghiền ngẫm lời của Thầy Giêsu và chính Anh đã nhận được những soi sáng, thúc đẩy và sự sống từ lời ấy.

Nhưng Anh cũng lại có một “tin mừng” riêng cho thế giới. Nói đúng hơn, Anh đã thấm nhuần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến độ có thể nói rằng: lời mà Ngôi Lời làm người đã nói khi xưa, nay đã trở nên sống động nơi máu thịt của một con người, nơi cuộc đời của một con người, đó là Anh Charles de Foucauld.

Nhưng ở đây, chúng ta không dừng lại cách đơn giản: Anh Charles là người sống Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô trong hoàn cảnh riêng biệt của mình, với cá tính riêng của mình, và Anh đã suy tư, đã được thúc đẩy sống Lời ấy. Điều ấy làm nên một Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô mang sắc thái của Anh Charles. Chính điều này làm nên “tin mừng của Anh Charles de Foucauld”, và “tin mừng” này vẫn còn là tin mừng cho chúng ta trong thế giới hôm nay, cho xã hội Việt Nam hôm nay.

Và cũng vì tính chất ấy mà tính hiện đại của tin mừng của Anh Charles de Foucauld không làm cho chúng ta bước theo Anh cách rập khuôn, nhưng mời gọi mỗi người chúng ta, trong khi giữ lại những nét độc sáng của Anh, vẫn biết làm nên những nét cá vị trong việc sống Lời Chúa, những nét cá vị của bản thân, những nét đặc thù của hoàn cảnh xã hội, của cộng đoàn mình.

 
*
 
2. Tin mừng về giá trị của sự hiện diện thầm lặng trong một thế giới đòi hiệu năng.

Giữa một thế giới tốc độ như hiện nay, những chiếc xe đạp cọc cạch của “những người em nhỏ của Đức Giêsu” dường như không thể thu hút được người ta!

Giữa một thế giới phát triển, hào nhoáng, đầy tiện nghi…, chứng từ của một nhóm nhỏ những người theo bước chân Anh Charles, với cuộc sống lao động, với cuộc sống nghèo, đơn sơ… xem ra không hiệu quả mấy!

Phải chăng sự nhỏ bé luôn là tính chất của những người, những gì đi theo linh đạo của Anh Charles?
        2.1. Chính bản thân Anh Charles cũng không phải là con người của thầm lặng! Anh là một người có đầu óc thực tiễn, đòi hiệu quả, một “người tổ chức”, “người thành lập”. Antoine Chatelard gọi Anh là người có “nhu cầu bẩm sinh là cần làm cái gì đó hữu ích”.

Trong khi cảm nhận được hạnh phúc của cuộc sống ở Nadarét, thì Anh vẫn cứ băn khoăn là mình “trở nên vô ích, không hiệu năng”; Anh thường xuyên nghĩ đến các từ ngữ “hoạt động”, “làm việc”, “những kết quả”, “hiệu năng”. Anh thường xuyên có những ý tưởng phải làm một điều gì đó cho những nhu cầu của người khác: quyên tiền cho nhu cầu của các chị dòng Clara, trở lại dòng Trappe để có thể làm bề trên một trong số các cộng đoàn của dòng này, làm linh mục để làm tuyên úy cho các chị Clara, thành lập một đan viện theo tinh thần của mình, chăm sóc cho các bệnh nhân trong một nhà thương của dòng Vinh Sơn, quyên tiền để mua ngọn núi Bát Phúc…

Bản năng “thành lập” của Anh đã khiến Anh cưu mang ý định thành lập một cộng đoàn sống theo tinh thần mà Anh thấy mình được thúc đẩy, ngay thời gian còn trong dòng Trappe, khi mới bước vào đời tu (1893, tức sau 3 năm vào tu tại đây). Anh đã bắt tay vào việc viết ra bản điều lệ cho cộng đoàn ấy, sửa tới sửa lui; đổi tên từ “ẩn sĩ” Thánh Tâm thành “tiểu đệ”, viết bằng tiếng Pháp rồi dịch sang tiếng Latin… Nhưng cho đến khi Anh qua đời, chưa có người nào theo lý tưởng của Anh!

Cha Huvelin nhiều phen như là người chống lại các ý tưởng của Anh muốn rời xa Nadarét để lao vào thực hiện những điều mà Anh cho rằng hữu ích cho nhiều người, rằng đó chính là ý Chúa, là sự thể hiện của đức ái! Phải chăng bản chất của Anh Charles là hoạt động, là dấn thân vào những điều chưa ai làm, là thành lập những công trình? Để thực hiện lý tưởng “chôn vùi” của Nadarét, Anh đã phải có một cuộc chiến với chính mình, và chiến đấu cả với cha linh hướng Huvelin nữa!

          2.2. Giữa một thế giới thích phô diễn, đánh giá bằng thành quả thấy được, nói nhiều hơn làm và có nhiều khi bất chấp sự thật, miễn là đạt được kết quả như mình mong ước.

Chỉ mình Tin Mừng Marcô ghi lại rằng giữa đám đông đang đi về Giêrusalem, mọi người đều kinh hoàng, sợ hãi, thì Chúa Giêsu là người đi đầu. Chúa Giêsu là người nói và làm đúng theo lời mình nói. Người “đi trước” họ trên con đường hy sinh cho người khác, và cả cuộc đời, Người đã sống sự hiến thân phục vụ mọi người.

“Giữa người ngồi ăn và kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc. 22,27).

Khát vọng quyền lực và lợi lộc như nằm trong xương tủy con người. Ngay trong Giáo Hội, những điều ấy cũng dễ dàng được nhìn thấy.

Để sống giống Thầy Giêsu trong tinh thần phục vụ, để có được “máu phục vụ”, để phục vụ trở thành xương tủy, thành căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu, thì không dễ chút nào! Để trở nên người đi tìm “chỗ rốt hết” mà phục vụ, chúng ta không thể dừng lại ở một “cố gắng”, một “hy sinh”, mà không cảm nếm được niềm vui, bình an và đầy ý nghĩa khi ở vào “chỗ rốt hết”, chỗ nghèo, chỗ âm thầm. Niềm vui và bình an của những người theo bước chân Anh Charles trong đời sống “chôn vùi” của Nadarét vẫn là một tiếng nói, tuy không trấn át những tiếng nói khác, nhưng vẫn luôn có giá trị cho con người trong thế giới hôm nay.

ĐTGM Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI, đồng thời đứng đầu phủ giáo hoàng hiện nay, đã nói về Đức Bênêđictô XVI ở trong tình trạng hiện nay là “giấu mình đối với thế giới”.

Thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, đang ở trong tình trạng tranh giành quyền lực và lợi lộc. Vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, người ta dám làm tất cả mọi sự, dù rằng điều ấy để lại những hậu quả khôn lường cho bao người khác, cho nhiều thế hệ nữa!

Quyền bính và lợi lộc cũng là vấn đề của Giáo Hội hôm nay nữa (tuy dù vẫn là của mọi thời)!

Một Giáo Hội Việt Nam đang tự đánh giá về mình dựa trên những công trình xây cất, những đại hội, những lễ lạc hoành tráng… đang là điều đáng quan tâm. Điều đó đưa dẫn đến tình trạng “hiếu động”, giảm thiểu chiều sâu, không nhìn đúng giá trị của những giây phút thầm lặng và của việc cầu nguyện, của một đời sống theo Tin Mừng nơi những cuộc sống giản dị hàng ngày. Đó là “cách nhìn duy vật”, muốn “sờ thấy được” những thành quả, muốn thấy hiệu năng ngay tức thời…!

           2.3. Tình trạng nói mà không làm (một hình thức nào đó của tình trạng bệnh tâm lý “đa nhân cách”), nói hay nhưng làm dở, và cả tình trạng nói láo nữa, bất chấp sự thật miễn là mang lại thành quả, đang là điều cần được báo động trong thế giới hôm nay và trong Giáo Hội! Tiêu chuẩn luân lý của hôm nay là thành quả chứ không phải chân lý! Làm mọi cách để có được thành quả cho công việc: nói dối, đút lót, lạng lách…!

Giữa xã hội, nhất là xã hộ Việt Nam, hình ảnh của những người sống mà không nói, những người chìm đắm trong tĩnh lặng nhiều giờ trước Thánh Thể để thấm đượm “chất Giêsu”, để sống những điều đã thấm nhập vào mình ấy, là những hình ảnh thực sự cần thiết cho xã hội hôm nay.

Anh Charles đã nói về ơn gọi riêng của mình là loan báo Tin Mừng không phải bằng lời nói mà trong thinh lặng, bằng cuộc sống chứ không phải là những diễn văn.

Tin mừng từ Nadarét của Anh Charles có giá trị rất hiện đại cho Giáo Hội, cách riêng là Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

 
*
 
3. Tin mừng cho người nghèo và tình huynh đệ phổ quát.

           3.1. Người nghèo vẫn luôn mãi là chỗ mà Giáo Hội phải trở về.

Giáo Hội ngay từ đầu vẫn luôn đề cao việc phục vụ người nghèo. (LM 20a)

Các văn kiện của Công đồng Vaticanô II đầy dẫy những chỗ nói lên tình yêu, sự quan tâm của Giáo Hội dành riêng cho người nghèo (vd. MV 1; GM 13; TĐ 8; TG 1, 4-8, 10, 20; LM 17, 20…). Tuy nhiên, từ những văn kiện đến thực hành, còn là một thách thức lớn đối với Giáo Hội và những thành viên của Giáo Hội.

             3.2. Ý niệm “đi ra vùng ngoại biên” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng là mối bận tâm của Anh Charles de Foucauld.

Tư tưởng của Anh chuyển biến từ những chọn lựa nơi chốn (những nơi thánh: Nadarét, Giêrusalem, Núi Bát Phúc…) đến việc chọn lựa những tâm hồn, những con người. Lúc này, nơi chốn Anh chọn lựa là nơi có những người khốn khổ, nghèo nàn nhất, nhất là vì họ thiếu Chúa Giêsu: Maroc, Béni-Abbès… Ý tưởng ở với Chúa Giêsu vẫn luôn là nền tảng của chọn lựa của Anh, nhưng bây giờ không phải là nguyên do để “đi ra khỏi”, “rời xa”, “chia cách” (rời bỏ quê hương, những người thân thương…), nhưng là nguyên do để “đi đến gần”, “gần gũi” với những người nghèo, thiếu thốn mọi mặt. Ý tưởng này làm Anh chọn lựa những nơi ít sự hiện diện của linh mục nhất, không có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, nơi mà người ta e dè, có khi là loại trừ các Kitô hữu nhất. Không phân biệt bạn hay thù, người tốt hay người xấu, điều đó làm Anh muốn trở thành “người anh em phổ quát” của tất cả mọi người.

Antoine Chatelard nhận xét rằng: về sau Anh Charles không dùng cụm từ “người anh em phổ quát” nữa bởi vì Anh thực tế hơn và hiểu tình huynh đệ phổ quát sâu sắc hơn. Tình huynh đệ phổ quát không phải là một tình yêu chung chung, đòi phải loại bỏ những tình yêu cụ thể, gần bên, thân thuộc, được diễn tả cách khác biệt dành cho từng người.

Chỉ có thể có tình yêu phổ quát trong cái riêng biệt, trong tình yêu đối với người đang ở trước mặt tôi, chứ không phải trong tư tưởng về người ở đâu xa xôi mà tôi chẳng bao giờ gặp…

 “Là người anh em phổ quát, đó không phải là một lý do để không thuộc về ai cả với cớ là để yêu mến tất cả mọi người”.

         3.3. Có sự gặp gỡ giữa tư tưởng và ước muốn canh tân Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tư tưởng, nỗ lực dấn thân của Anh Charles. Như thế, tư tưởng của Anh vẫn còn là điều thích hợp và cần thiết cho thế giới, cho Giáo Hội hôm nay.

 “Tài sản đích thực của Giáo Hội chính là người nghèo, chứ không phải tiền bạc hay quyền lực thế gian…
 “Giáo Hội thực sự trung tín với Thiên Chúa khi Giáo Hội khiêm nhường, khó nghèo và tín thác…
 “Không hề có một Giáo Hội gắn bó với tiền bạc, suy nghĩ về tiền bạc hay tìm cách để kiếm tiền…
 “Giáo Hội phải luôn tín thác vào Danh Thánh Thiên Chúa. Niềm tín thác của tôi đặt ở nơi đâu? Nơi quyền lực, hay nơi bạn bè, tiền của? Phải đặt nơi Thiên Chúa!”

Khuynh hướng “duy hiệu năng” đang thể hiện nơi Giáo Hội Việt Nam bằng thái độ “chạy theo đại gia”! Yêu mến đại gia không phải là một cái tội. 
Là đại gia cũng không phải là một cái tội. Tội khi người ta lạm dụng: tìm kiếm, xu nịnh đại gia…; tỏ ra ta đây, tìm kiếm ảnh hưởng, gây áp lực… khi ỷ lại vào tiền bạc của mình! Tội ở đây không dừng lại ở thái độ làm tục hóa Giáo Hội, nhưng phải được nói xa hơn là: thái độ thiếu đức tin! Hai câu nói sau đây có giá trị khác nhau: “Không có tiền thì không làm gì được!” và “Không có Chúa thì không làm gì được!”. Câu đầu nói với niềm xác tín, có kinh nghiệm cụ thể; câu sau được nói theo sách vở, theo bài bản! Ngay trong Giáo Hội, người ta tin vào tiền của, bởi vì tiền của mang lại cho người ta “những thành công” (nếu có thể nói như vậy!) cụ thể, thấy được, tức thời! Bây giờ, người ta khen một thừa tác viên của Hội Thánh vì người này xây dựng được nhiều công trình, chứ không khen họ vì họ tận tụy với việc dạy giáo lý; khen họ vì họ mang về được nhiều tiền của cho người nghèo, chứ không khen họ vì họ yêu mến và sống chết cho người nghèo. Những thái độ “chạy theo” đại gia, việc sắm sửa những tiện nghi hiện đại cho bản thân được biện minh là phương tiện để tìm nguồn giúp cho người nghèo. Người nghèo trở thành bức chắn cho những thái độ chạy theo tiền của!

Người ta tin vào hiệu năng của tiền của mà mình đi tìm kiếm được, tin vào những công việc mình làm được nên dành thời giờ, tâm lực cho nó đến độ không còn giờ để cầu nguyện nữa! Đó là tội lỗi phạm đến đức tin!

         3.4. Thái độ duy vật được thể hiện qua lối sống coi tình người được xây dựng trên những lợi ích, lợi nhuận, những quà tặng… người ta dành cho nhau. Số tiền của người ta mang đến cho người nghèo thì có giá trị hơn là một lối sống nghèo, cùng chia sẻ đời sống khó khăn với người nghèo. Những đợt cấp phát tiền, lương thực… cho người nghèo quan trọng hơn là lối sống giản dị hàng ngày của những “ân nhân” đi tìm nguồn cho người nghèo.

Cha Henri viết cho Đức Cha Guérin về Anh Charles: “Duy sự hiện diện của Cha (Charles) đã là một bài giảng có sức thuyết phục

 
*
 
4. Một lối sống tuyệt đối trong một thế giới duy tương đối

         4.1. Anh Charles de Foucauld là một con người có tính cách tuyệt đối. Và dường như các vị được phong thánh đều có tính cách như thế cả?!

Cha Huvelin viết thư giới thiệu về Anh Charles cho Đức Cha Guérin như sau:

“Tính cương quyết, ước muốn đi đến cùng trong tình yêu và trong sự cho đi – từ đó kéo theo tất cả những hậu quả – không bao giờ nản chí, không bao giờ (…?) – trước đây hơi nghiêm khắc – nhưng đã trở thành dịu hiền hơn nhiều”

Anh trăn trở về việc sống hết mình trước những lời mời gọi của Chúa. Anh viết cho Cha Huvelin:

Phải chăng ta không thể tìm thấy vài tâm hồn để sống theo Chúa như thế, vừa đi theo Ngài vừa tuân hành tất cả các lời Ngài khuyên, triệt để từ bỏ tất cả tài sản, ngay trên bình diện tập thể, và do đó triệt để cấm không được làm những điều Chúa cấm…

Mỗi khi nghĩ tới, con lại thấy lối sống đó hoàn hảo quá… nếu đã từng có một nhóm người sống như vậy từ vài năm nay thì cha biết rằng con đã chạy tới ngay rồi… Bởi vì không có nhóm này, và cũng chẳng có nhóm nào gần giống như vậy, chẳng có nhóm nào có thể thay thế được, có nên thử thành lập không?… Con xin lập lại, khi thấy điều đó, con thấy nó hoàn hảo quá…

Anh Charles viết cho anh bạn Duveyrier: “Tôi không thể sống một đời sống khác với đời sống của Ngài (Đức Giêsu Kitô)”. Cách suy tư và cách sống ấy đã có từ đầu trong ơn gọi của Anh Charles: “Ngay khi tôi tin là chỉ có một Thiên Chúa, tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho một mình Ngài” (viết cho Henry de Castries ngày 14.08.1901). Có thể nói đó chính là tính cách của Anh.

Có khi, Cha Huvelin viết cho Anh Charles rằng bản quy luật của Anh không ai theo được, nó lý tưởng quá, không ai sống theo cách ấy được!
Tính tuyệt đối của Anh khiến Anh phải luôn hoán cải, không ngừng thay đổi, và Jean Guitton gọi Anh Charles là “một con người không ngừng sinh ra”. Anh thường xuyên sống dưới sự thúc đẩy không cưỡng nổi.

Cha Huvelin khuyên Anh tránh khuynh hướng thái quá: “Con cần phải giữ mình khỏi sự thúc đẩy vô tận này, nó dẫn đến tình trạng day dứt và không bao giờ để mình được ở yên một nơi nào cả – sự thúc đẩy này chỉ có thể chấp nhận được trong những trái tim không bao giờ thái quá.

           4.2. Tính tuyệt đối này của Anh Charles de Foucauld nói gì với chúng ta hôm nay trong một lối sống “duy tương đối”.

Sự lớn lên từng ngày, những phát hiện, phát minh mới hàng ngày làm cho người ta không còn tin vào sự tuyệt đối nữa! Điều là chân lý hôm trước, hôm sau không còn là chân lý nữa. Chân lý không bất di bất dịch!

Và vì thế, chân lý đối với người này cũng không hẳn là chân lý với người kia, điều đúng trong hoàn cảnh này không hẳn đúng trong hoàn cảnh khác. Chân lý mang tính chủ quan và nên để chân lý dừng lại ở phạm vi chủ quan như vậy. Mỗi người có thể sống theo điều mình cho là đúng. Như vậy, lại nảy sinh cách suy nghĩ và cách sống được gọi là “hậu hiện đại”. Lúc ấy, rất nhiều khi, điều được xem là chân lý chính là điều mang lại lợi ích cho bản thân. Như vậy lại nẩy sinh tình trạng “xung đột chân lý” do có xung đột về quyền lợi!

Chủ nghĩa tương đối làm người ta không tin vào những điều tuyệt đối, vào những giá trị tuyệt đối. Chủ nghĩa hậu hiện đại làm người ta thu hẹp phạm vi của những quan tâm, của suy tư. Tâm điểm lúc ấy chỉ còn là mình (và những người thật gần gũi với mình; nhưng ngay cả trong tương giao với những người ấy, tôi vẫn là điểm quy chiếu) và lúc này. Những chủ thuyết ấy nguy hiểm vì đưa người ta đến một lối sống cụ thể thu hẹp (trong tương giao, trong thời gian và không gian…) và thực dụng!

           4.3. Điều đáng quan tâm là ngày nay, ngay trong Giáo Hội, người ta cũng đang sống chủ nghĩa tương đối và hậu hiện đại!

Khát vọng về lý tưởng cũng dần dần ít đi trong đời sống Kitô hữu và cả nơi người tu hành nữa! Trong lối sống đạo ngày nay, người ta thường thấy “cái khó” để có thể sống theo Tin Mừng, và do đó, Tin Mừng được đưa vào viện bảo tàng hay đưa lên tủ thờ, tôi không thể sống được! Kitô hữu “đầu hàng” trước khi chiến đấu!

Ngay giữa những người tu hành, đời sống thánh thiện được gán cho một vài người nào đó, chứ không phải là điều gì của tôi. “Anh/chị thánh thiện thì làm đi, chứ còn tôi thì không thể rồi!”. Có khi từ ngữ “thánh” được dùng để chọc ghẹo những người không giống mình! Lý tưởng nên thánh đang trở thành “hàng xa xỉ”!

Lý tưởng Tin Mừng đang được coi là một thứ không thể thực hiện được, có khi lý tưởng ấy được hiểu ngầm là một thứ quá khích, không quân bình!!!

Những điều đó đang diễn ra hàng ngày trong đời tu, trong các cộng đoàn tu hành!!! Người ta đang thi nhau “trang bị những tiện nghi hiện đại” cho đời sống và cho công việc tông đồ, không thấy người ta đua nhau nên thánh hoặc khích lệ nhau sống Tin Mừng. Chất người, lối suy nghĩ con người nhiều hơn là thiêng thánh trong đời tu và trong hoạt động của Giáo Hội!

          4.4. Lối sống tương đối và quỵ ngã cũng được áp dụng trong tình yêu. Tình yêu dấn thân hết mình trở thành khờ dại! Yêu người nhưng cũng phải biết thủ thân! Ngay cả trong đời sống độc thân – khiết tịnh, có khi “một tình yêu duy nhất” dành cho Chúa không phải là lối sống sành điệu!!!

 
***
 
Còn nhiều điều phải nói về linh đạo của Anh Charles de Foucauld, về tin mừng của Anh cho thế giới hôm nay. Tin mừng này vẫn hiện đại và rất cần thiết cho thế giới hôm nay. Anh Charles đã đến sống với, đã đón nhận được rất nhiều điều quý giá từ chính những anh chị em Hồi giáo. Đó cũng là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi thế giới nói chung và Châu Âu nói riêng trong việc đón nhận những người nhập cư.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
(Giáo sư Đại chủng viện Giuse – Sài Gòn)

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây