Ngày thứ bảy

Thứ năm - 14/09/2017 04:25
Ngày thứ bảy
 
THỜI GIAN Ở NAZARETH
 
« Để cứu chuộc chúng ta, Thiên Chúa đã đến với chúng ta, đã trà trộn giữa chúng ta, đã sống với chúng ta trong một tương quan thân tình nhất và gần gũi nhất, từ biến cố Truyền tin cho đến sự kiện Thăng thiên. Để cứu độ các linh hồn, Người vẫn tiếp tục đến với chúng ta, hòa mình giữa chúng ta liên lỉ từng ngày, trong một tương quan mật thiết nhất nơi nhiệm tích Thánh Thể. Chính vì vậy, để đem ơn cứu độ đến cho các linh hồn, chúng ta cũng phải tiếp cận họ, trà trộn với họ, sống giữa họ bằng sự tiếp xúc thân tình và gần gũi » (1909) (RD,649 - 650).

« Trong mọi sự và về mọi sự, bạn hãy lấy cuộc sống Nazareth làm mục tiêu, trong sự đơn sơ và quảng khoát của nó, lấy Nội quy (của các Tiểu Đệ) làm Kim Chỉ nam (…): không tu phục, như Chúa Giêsu ở Nazareth; không nội cấm, như Chúa Giêsu ở Nazareth; không ở xa khu dân cư, nhưng ở gần một xóm làng, như Chúa Giêsu ở Nazareth, mỗi ngày làm việc không dưới 8 giờ (làm việc bằng tay chân hay một công việc khác, nhưng tốt nhất là việc tay chân! ), như Chúa Giêsu ở Nazareth; không sở hữu đất đai rộng lớn, không nhà cửa khang trang, không chi tiêu quá rộng, không bố thí rộng rãi, nhưng nghèo khó tột cùng trong mọi sự, như Chúa Giêsu ở Nazareth … Tóm lại, nên giống Chúa Giêsu ở Nazareth mọi đàng » (1905) (CT 46 ).

 (Chúa Giêsu nói với chúng ta: ) « Ta đã sống thời thơ ấu, tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của Ta ở Nazareth… Chỉ vì yêu các con mà Ta đã sống ở Nazareth như vậy đấy (…). Ta muốn nhắn nhủ các con điều gì? … Ta muốn dạy các con phải tự tay làm việc để không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, và cũng để có chút gì mà chia sẻ với người nghèo, và Ta dành cho lối sống ấy một vẻ đẹp không gì sánh nổi, vẻ đẹp mà không một lối sống nào có thể có ngoài lối sống của ngưới thợ Tin Mừng, lối sống noi gương Ta… Những ai sống bằng công sức lao động của đôi tay mình và những ai sống bằng của bố thí khi lo công việc loan báo Tin Mừng thì noi gương Ta…» (1898) (CE,29-30).
 
«Lạy Chúa Giêsu, khi Chúa trở về Nazareth, những ai, đã biết Chúa lúc trước, đã rất đỗi «ngạc nhiên» về Chúa. Làm sao một con người tầm thường như thế, một người mà người ta đã chứng kiến lớn lên và làm việc như bao người trẻ khác trong làng, mà lại có thể ăn nói được như vậy?» Bởi đâu ông ta được như thế? Ai đã cho ông ta được khôn ngoan như vậy? … Chẳng phải đó là anh thợ mộc, con bà Maria sao? …» (Mc 6,2-4)

Qua mọi thời đại, Chúa vẫn mãi là Giêsu thành Nazareth, và, trong thế giới Ả Rập đó, ngày nay người ta vẫn gọi các môn đệ của Chúa là «những người thành Nazareth» (nesrani) ! Anh Charles đã khám phá ra ơn gọi của mình là noi gương Chúa trong cuộc sống của Người ở Nazareth, vì thế, với một chút hài hước, Anh ghi lại trong bản «chọn lựa» của Anh trước ngày thụ phong phó tế như sau: « chắc chắn tôi không được gọi để đi giảng thuyết, vì tôi không có khả năng để làm việc đó, cũng không phải để ẩn mình trong sa mạc, vì thân xác tôi không thể sống được nếu không ăn không uống, cho nên tôi thấy mình được gọi để sống cuộc sống ở Nazareth, một cuộc sống mà cả hồn xác của tôi đều hạp, và tôi chọn cuộc sống ấy » (1901) (SAD,49).

Lạy Chúa Giêsu cuộc sống của Chúa ở Nazareth bình thường đến độ Tin Mừng không ghi lại được gì dù chỉ vài hàng thôi! Tất cả những gì chúng con có thể xác quyết: Đó là cuộc sống ấy không phải là của một ẩn sĩ trong sa mạc, nhưng là của một tay thợ thủ công trong làng! và, nếu người ta gọi đó là cuộc sống ẩn dât, là vì Chúa đã không biểu lộ thiên tính của Chúa ra bên ngoài như Chúa đã làm khi sống công khai, chính bởi vì Chúa chẳng để lộ ra chút nào mầu nhiệm ẩn dấu nơi bản thân Chúa ngoài cái hình ảnh của một anh thợ mộc ngày nào cũng vác vài tấm ván trên vai đi ngang qua những ngõ hẻm trong làng. Chúa sống quá bình thường: và người ta tưởng đã biết hết về Chúa! Sau này, với một chút đắng cay, Chúa sẽ vặn lại ho » Các ngươi biết Ta ư? Các nguơi biết Ta từ đâu mà đến ư? » (Gio.7,28)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa gần gũi chúng con biết bao, cái gần gũi của một người thợ trong nhà máy hay một anh thư ký bàn giấy, cái gần gũi của những ai kiếm sống bằng đôi tay của mình, những con người thực sự thấy mình mệt nhoài sau một ngày làm việc! Chúa đã từng phải mặc cả về giá cả công việc của mình với khách hàng, và đôi khi, cũng thấp tha thấp thỏm với nỗi lo sợ bị thất nghiệp vì không có ai đặt hàng! Chúa có những tương quan với thân nhân, với xóm giềng, với bạn hữu: Chúa chia sẻ niềm vui và nỗi nhọc nhằn của những dân cư trong làng, nơi mà mọi người đều biết nhau; Chúa từng tham dự các lễ hội như đám cưới ở Cana; Chúa thường xuyên đến hội đường. Cuộc sống ấy gần gũi với đời sống của chúng con biết bao! Anh Charles đã đặt vào môi miệng Chúa lời này: « Cuộc sống Nazareth của con có thể sống được ở mọi nơi mọi chốn: con hãy mang nó đến bất cứ chỗ nào có ích nhất cho đồng loại của con » (CT 46,47)

Lạy Chúa Giêsu, đi theo Chúa và bắt chước Chúa, chúng con có thể sống cuộc sống của chúng con mỗi ngày, phần nào giống như chúng con đang đồng hành với Chúa ở Nazareth: « Chúng ta hãy cư xử với nhau bằng những tư tưởng, những lời nói, những hành động phù hợp với mái ấm Nazareth, trước sự chứng kiến của Đức Maria và Thánh Giuse, dưới chân Chúa Giêsu …» (RD,208). Dù chúng ta ở ngoài vườn, trong «nhà để xe» hay trong bếp, đứng trước người chủ hay chị lo việc giặt ủi, tay đang cầm búa hay cầm chổi, thì chúng ta hãy hướng tâm trí về Nazareth. « Mong sao anh phụ trách phòng thánh hoàn thành trách nhiệm của mình với đức tin, tinh thần nội tâm, sự chiêm ngưỡng triền miên, tình yêu nồng nàn của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ quét nhà, nhóm bếp, giặt giũ áo quần, lau chùi mấy bộ bàn ghế đơn giản của người Con chí thánh của Me » (RD,213).

Anh Charles nhấn mạnh về « sự cao thượng, sự cao cả của công việc tay chân » (RD,640) và Anh kêu gọi những người ở bậc giáo dân trong Hiệp Hội của Anh: « Những ai trong họ làm công việc trí thức, thì ít ra một đôi thời gian trong ngày, phải làm một công việc tay chân khiêm hèn nào đó, để có thể trưởng thành nhờ việc noi gương « người thợ, con bà Maria », để sống đôi chút đòi hỏi của Tin Mừng, để hiểu được Tin Mừng, hiểu không phải chỉ do nghe, nhưng nhất là bằng cách thể hiện Tin Mừng » (RD 640).
 
*
 
« Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! » (Lc 12,49). Anh Charles đã nhận lấy niềm ao ước nóng bỏng ấy của Chúa Giêsu làm của mình; có lẽ không có câu Tin Mừng nào được Anh chép lại nhiều cho bằng câu ấy! Anh khao khát mãnh liệt được cùng «cứu thế» với Chúa Giêsu! Và Anh sẵn sàng làm tất cả vì công việc ấy! » Đức Cha hỏi là con có sẵn sàng đi xa hơn nữa ngoài Béni- Abbès để phổ biến Tin Mừng của Chúa không? Xin thưa là con sẵn sàng đi đến tận mút cùng thế giới và sống ở đó mãi cho đến ngày tận thế để làm công việc ấy » (1903) (OS 40). Và này Anh đã phải đối diện với một thế giới Hồi Giáo – thế giới rất cuồng tín và cho rằng mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho họ đều là một sự tấn công không thể chấp nhận được vào đức tin của họ. Nếu như các linh mục có đến rao giảng tại Sahara thì « người ta cũng chỉ đón nhận các Ngài như đón nhận những người Thổ nhĩ kỳ đến rao giảng về Mahomet trong các làng mạc ở Breton vậy thôi » (B,407). Và có lẽ người ta sẽ dễ dàng chấp nhận kiểu so sánh này hơn nếu ta đặt nó vào bối cảnh của năm 1912, là năm Anh Charles viết lá thư này.

Anh Charles đã phải học để biết trân trọng một niềm tin khác với đức tin của mình, và điều này đưa Anh đến việc suy ngắm về chương trình nhiệm mầu củaThiên Chúa. Nếu « tất cả việc trực tiếp loan báo Tin Mừng đều không thể thực hiện được » thì phải làm sao? Nếu chưa phải là thời gian rao giảng như Chúa Giêsu trong cuộc sống công khai của Người, thì cứ việc bằng lòng với thời gian của cuộc sống ẩn dật! Anh Charles quả quyết như vậy! Và Anh đặt để toàn bộ nhiệt tình tông đồ của mình dưới dấu chỉ Nazareth mà không giảm đi chút nào nhiệt tình ấy. « Nếu tôi không là người gieo giống thì tôi chuẩn bị đất, những người khác gieo, và những ngưòi khác sẽ gặt, […] Chỉ một mình Thiên Chúa biết thời điểm… Có thể là hàng thế kỷ » (LHC 156,182). Tình trạng của ngưòi kitô hữu, người tông đồ trong một mội trường tục hoá, phải chăng cũng tương tự như thế?

Đó là thời gian của sự làm chứng, thời gian của « rao giảng Tin Mừng trong thinh lặng », như Chúa Giêsu ở Nazareth, Người đã là Đấng cứu thế ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống trần thế rồi. Đối với Chúa Giêsu, đó là thời gian sống các mối tương quan với đồng loại, với bạn bè « để cứu độ chúng ta, Người đã hoà mình giữa chúng ta, sống với chúng ta trong tương quan thân tình và gần gũi nhất » . Ôi một sự nối dài nhiệm mầu và tuyệt vời biết bao, sự nối dài từ biến cố Nhập Thể đến Nhiệm Tích Thánh Thể và từ Nhiệm Tích Thánh Thể đến cách ăn nết ở của chúng ta giữa những người sống chung quanh. Xin hãy nhắc đi nhắc lại ba lần rằng: bổn phận của chúng ta là « sống với ». Lạy Chúa Giêsu, nơi mỗi người chúng con, Chúa tiếp tục hiện diện giữa những anh em chúng con với cách thế như Chúa đã từng sống ở Nazareth, chia sẻ công ăn việc làm và cuộc sống bình thường của những người đồng hương của Chúa. Chúa âm thầm cứu chuộc họ bằng kinh nguyện, bằng tinh thần « hy tế và đền tội ». Chúa lặng lẽ nói với họ bằng cuộc sống của Chúa, lòng nhân từ của Chúa, tình thân hữu của Chúa.

Không một chút hậu ý nào, con muốn sống tình bằng hữu cách vô vị lợi với tất cả những ai Chúa cho con gặp trên đường con đi, theo chủ trương của Tiểu Muội Mađalêna… Chị nhắn nhủ chị em mình rằng « Hãy tha thiết ước mong trở thành bạn hữu với mọi người, đến với mọi người chỉ thuần vì yêu thương họ và muốn cho họ thấy tình yêu vô vị lợi của mình, nghĩa là không chờ đợi bất cứ một sự biết ơn nào, hay một thành quả nào… dù đó là thành quả của công tác tông đồ ».

Những mối giây huynh đệ đó ảnh hưởng vươn cao trên cả cái hữu hình, vì tình bạn là ngôn ngữ của Nước Thiên Chúa.
 
* * *

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây