CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CdF - Chương 8

Thứ ba - 09/05/2017 09:22
Trong chín tháng chuẩn bị cho thiên chức, một hồng ân thầm kín đã thôi thúc anh tiến về phía những chân trời mới. Nếu anh trở thành linh mục thì đó là vì các linh hồn, và vì anh muốn đi đến với những kẻ bị bỏ rơi nhất, ý tưởng về vương quốc Marốc mà anh đã từng biết lại hiện về trong tâm trí anh.
CHƯƠNG 8
 

LÀNG BÉNI-ABBÈS (1901-1903)
 
 
TIÊN PHONG

         Trong chín tháng chuẩn bị cho thiên chức, một hồng ân thầm kín đã thôi thúc anh tiến về phía những chân trời mới. Nếu anh trở thành linh mục thì đó là vì các linh hồn, và vì anh muốn đi đến với những kẻ bị bỏ rơi nhất, ý tưởng về vương quốc Marốc mà anh đã từng biết lại hiện về trong tâm trí anh. Cha muốn trở lại nơi đó, và chương trình đã được ấn định :

       « Đi về phía nam tỉnh Oran, bên biên giới Marốc, nơi có quân đội đồn trú mà không có linh mục, sống như một tu sĩ thầm lặng và kín đáo... để cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh thể. Với hai mục đích :
          1)    - Tránh cho các binh lính hy sinh mà không được lãnh nhận các bí tích sau hết
         2)    - Và nhất là làm các việc thiện mà tôi có thể làm lúc này cho dân chúng Hồi giáo quá sức đông đúc và đang bị bỏ quên, bằng cách mang Chúa Giêsu trong Bí Tích cực thánh đến giữa họ, như Mẹ Đồng Trinh đã thánh hoá Gioan Baotixita khi mang Giêsu đến với em. »

          Trong cuộc hành trình thánh thiện ấy, cha đã gặp được Quân đội Pháp và được họ giúp đỡ.

        Tướng Cauchemez cho phép cha đi theo đoàn, vì vùng này vừa mới chịu đầu phục, và làng Béni-Abbès, một ốc đảo có chừng 1.200 đến 1.500 người, là một trong những điểm chiếm đóng sớm nhất của Pháp. Không mang khí giới, nên cha thường sống trong những tình trạng hết sức nguy hiểm. Đã có nhiều Cha dòng Trắng bị giết trong sa mạc.

        Ngày 28 tháng 10 năm 1901, Cha Foucald tới Béni-Abbès, có đại úy Regnault, chỉ huy Vùng cùng các sỹ quan của ông đang đợi ngài. Tất cả đều tham dự thánh lễ ngài dâng vào ngày mồng 1 tháng 11. Hôm ấy ngài viết cho Cha Huvelin như sau :

      « Chuyến đi rõ ràng đã được Chúa chúc lành. Cả vùng Béni-Abbès đều được ơn Chúa soi sáng ; ở mọi nơi con đi qua từ 15 ngày nay, duy chỉ nơi đây là có thể thích hợp, và hoàn toàn thích hợp cả về vị trí địa lý lẫn dân cư và doanh trại quân đội, nói chung là tất cả... Con đã đón tiếp các sỹ quan, binh lính, người Hồi giáo, một sự đón tiếp tuyệt vời. »

          Còn đại úy Regnault thì rất tử tế nhã nhặn. Ông giao cho ngài một toán lính để ngài sử dụng tùy ý, lại còn ra lệnh cho họ phải giúp ngài nữa. Ông còn tìm cho ngài một khu đất và truyền cho binh sĩ dựng cho ngài khu ẩn cư gồm có : một nhà nguyện, ba phòng cá nhân, một phòng khách. Trong khi chờ đợi công trình hoàn tất, Cha ở tại một Văn phòng làm việc của người Ả rập, một khu đồn nhỏ vừa dựng xong trên khu đất trồng cây cọ.

« CHA CỦA XỨ BẮC PHI »

         Cha đến ở đây với một dự phóng truyền giáo kiểu mới, bằng cách sống « ẩn dật, như tu sĩ dòng kín » và « nghiêm túc tuân thủ Luật sống » mà chính ngài đã soạn thảo tại Nazareth.

         Trong thư gửi bá tước Henry de Castries, ngài giải thích:
           “ Ông bạn quý mến, hãy cầu xin Thiên Chúa giúp tôi thực hiện công trình mà Ngài đã giao phó cho tôi nơi đây, và nhờ ơn Chúa, tôi sẽ thiết lập một tu viện nhỏ cho các tu sĩ nhiệt thành và có lòng bác ái, mến Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình(…), một gia đình nhỏ bé noi gương các nhân đức của Chúa Giêsu cách triệt để hầu có thể làm cho những người xung quanh yêu mến Người.”

          Ngay khi đến Béni-Abbès, cha đã thành lập theo giáo luật hiệp hội Thánh Tâm. Trong nhà nguyện, phía trên nền tường gian thánh, cha trang trí một bức tranh tự tay vẽ : phía dưới là Mẹ Đồng Trinh có chư thánh chầu xung quanh, còn “phần trên của bức vẽ là hình Chúa Giêsu Thánh Tâm, chân trần, to giống như người thật. Chúa Giêsu Thánh Tâm chuộc tội, giang cánh tay ôm ấp và kêu gọi tất cả mọi người và tận hiến cho mọi người khi trao ban cho họ trái tim mình.”

          Cờ hiệu Thánh Tâm bay phất phới trên nhà huynh đệ mỗi ngày khi chưng bày Thánh Thể.

         Cha thổ lộ với bà Marie de Bondy rằng :
        “Em muốn tất cả mọi người, Kitô hữu, Hồi giáo, Do Thái giáo hay người thờ ngẫu tượng, quen coi em như người anh em của họ, một người anh em đại đồng.”

         Cha đã không tiếc thời gian hy sinh cho các binh sĩ. Dù không sống đạo bao nhiêu, nhưng họ vẫn đều đặn thường xuyên lui tới nhà huynh đệ […]

         Dù không quen biết, Cha cũng tỏ ra có rất có uy tín đối với người dân bản địa, cho dù ngài không thể giúp họ được gì nhiều. Mặc dù “đức mến hy vọng tất cả”, nhưng hình như cha vẫn không ảo tưởng với những người Ả rập: “Tin Mừng chỉ đến với họ sau dân tộc Berbères, hay là tiếp theo sau dân này.”

         Chính những người Berbères đã trở thành dân định cư. Nhìn chung họ sống hiền hòa, và họ tỏ ra rất có cảm tình với người Pháp ; họ còn muốn học tiếng Pháp « để buôn bán và làm giàu ».

        Là những người Hồi giáo sùng đạo không cuồng tín, nên họ hiểu ngay ý nghĩa sự hiện diện của Cha Foucauld tại Béni-Abbès và ngày càng bày tỏ thiện cảm với ngài. Cha đặt nơi họ nhiều kỳ vọng lớn lao, khi nhận thấy họ « có thể nhập đạo trong một tương lai gần ».
Cha Foucauld có lẽ nghĩ rằng sẽ chẳng có ai thèm ghé vào nhà huynh đệ của ngài, nhưng kìa ngài đang bị những người nghèo và những người bất hạnh đeo bám.

         Quả vậy, ngài phải dâng lễ vào lúc 3 giờ sáng để được rảnh rang chút ít sau khi cám ơn. « Nhà huynh đệ giống như một tổ ong từ 5 giờ đến 9 giờ sáng và từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối. »

       Cha tiếp đón khách bộ hành, phát thuốc và cho hai người tàn tật và một bà cụ mù vô gia cư trú ngụ. Cha chuộc lại người nô lệ đầu tiên vào ngày mùng 09 tháng giêng. Tháng 9, cha chuộc cậu Paul, cậu này đã bỏ đi một thời gian rồi trở lại và cuối cùng ở lại cho đến cuối đời. Chỉ trong một ngày, cha đã gặp đến 20 người nô lệ, từ 30 đến 40 lữ khách và đến 60 trẻ em và 75 người hành khất, không kể nhiều khách viếng thăm khác! Cha đã chinh phục được mọi người bằng lòng nhân hậu. Vị đạo sĩ hồi giáo của làng Béni-Abbès đã gọi ngài là « Cha của vùng Bắc phi ».

        Giữa muôn vàn công việc bề bộn, Cha vẫn không quên mục đích duy nhất của mọi bận tâm: tiên vàn là làm cho Đức Kitô được rạng sáng và được nhận biết. Chính vì thế Cha đã soạn cuốn « Tin Mừng cho người nghèo miền Sahara ».

        Nhưng cuối năm 1903 mối nguy hiểm ập đến và sự bất an gia tăng. Các khách trọ đều bỏ đi và nhà huynh đệ vắng vẻ hơn trước ; tuy nhiên Cha vẫn không nản chí. Cha vẫn luôn hy vọng vào các bạn đồng hành mặc dù chính quyền quân sự và dân sự không cho phép các linh mục khác đến vì lý do an ninh.

        Cha ở một mình và dự đoán hành trình tiếp theo sẽ khó khăn. Tuy nhiên, bây giờ Cha lại cảm thấy niềm vui tuyệt vời.

       « Tôi thật hạnh phúc... Những nỗi buồn của trần gian vọng lại từ xa giúp chúng ta hướng về quê hương Giáo Hội, Hiền thê Chúa Kitô, mãi mãi trẻ đẹp, với niềm hạnh phúc hơn, và hướng về Quê Trời « nơi chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy »... Chắc chắn, chúng ta muốn nhìn thấy các linh hồn tin yêu, thấy các dân tộc ngồi trong bóng sự chết được mở mắt để nhìn thấy ánh sáng vĩ đại, thấy sự thiện ngự trị, mà sự khốn cùng của các loài thụ tạo không thể phủ lấp được niềm hạnh phúc sâu thẳm trong tâm hồn, thấy « sự tràn ngập bình an » nảy sinh từ ý nghĩ về niềm hạnh phúc bao la vô biên và bất biến của Đấng Tạo Hóa ; chúng ta « cảm tạ vinh quang cao cả của Ngài » : chúng ta hoan hỷ vui mừng vì Thiên Chúa là Đức Chúa... »

« KHAOUЇA », MỘT TU VIỆN KIỂU MỚI

           Lòng hiếu khách là một nhân đức của thời Trung Cổ, hầu như đã bị quên lãng hoàn toàn khi chủ nghĩa cá nhân xuất hiện tại Phương Tây, nhưng lại vẫn tồn tại ở Phương Đông. Khi đi tham quan  xứ Ma-rốc, chính Charles de Foucauld đã nhận được sự tiếp đón đó, nhất là tại nhà những người dân Berbères. Vì thế ngay từ đầu, anh đã áp dụng cho tu viện của mình tinh thần bác ái đó : sự tận tâm với người nghèo và lòng hiếu khách. Anh không xua đuổi nhưng đón nhận. Để tránh sự nhầm lẫn với những đền thờ Hồi giáo (zâmias), anh đã đặt tên cho nhà huynh đệ của mình là Khaouїa, và chính anh cũng tự xưng là « Khouïa Karlo », nghĩa là « anh Charles », với mục đích để tất cà mọi người có thể dễ dàng tiếp xúc với anh, và cảm thấy mình được anh đón tiếp.

           Nhà « Khaouїa » của anh là một tu viện thuộc kiểu mới, thực sự mang đặc tính Tin mừng. Cha Foucauld luôn để tinh thần bác ái hướng dẫn mình chứ không phải là những lựa chọn cá nhân. Vì thế, mặc dù anh đã tự đặt cho mình những Điều Lệ rất tỉ mỉ, nhưng anh không ngừng thoát ra khỏi tính hình thức theo kiểu cơ cấu và tinh thần cầu an của một số Dòng tu, nó làm cho các tu sĩ trở nên dửng dưng với thế giới xung quanh. Tình yêu điều khiển và thường bứt anh ra khỏi tinh thần nệ luật.

CUỘC THÁNH CHIẾN CỦA CÁC LINH MỤC-TÔNG ĐỒ THÁNH TÂM

          Cha Foucauld vẫn bị ám ảnh với suy nghĩ về Marốc, anh liên kết với các « Linh mục-tông đồ Thánh Tâm » và mong muốn họ triển khai tại mẫu quốc tinh thần chinh phục tông đồ. Anh đã cố gắng đem họ trở lại Marốc, nơi chẳng bao lâu nữa, sẽ có quân đội Pháp chiếm đóng; trên những bước chân của binh sĩ cần phải có sự xuất hiện của các chiến sĩ truyền giáo.

           Anh coi công việc rao giảng Tin Mừng đó như một sự nối tiếp của các đợt xung kích :

          « Công cuộc từ thiện và tinh thần hiếu khách, gương sáng của các nhân đức theo Tin Mừng, nhất là tinh thần cầu nguyện và sự thánh thiện của những người phục vụ nam nữ, và hơn nữa một số lớn các thánh lễ và các nhà tạm, sẽ khởi đầu công cuộc trở lại đạo. Giai đoạn này đã qua, và nó còn tiếp tục diễn ra nhanh hơn khi các linh mục và tu sĩ đến ở tại Marốc nhiều hơn. Hãy đưa vào cánh đồng này tất cả những hội dòng chuyên dạy học hay thuyết giảng... Đó chính là toán quân tiên phong, đặc biệt dấn thân cho cánh đồng xứ Marốc này và, liên lỉ cầu nguyện trước Thánh Thể, và nhân danh Thánh Tâm Chúa Giêsu, khẩn hoang cánh đồng tiên khởi này, nơi sẽ sớm có nhiều nhà truyền giáo đến rao giảng.
             « Vẫn còn nhiều miền, mà vì thiếu các phương tiện cứu rỗi, nhiều linh hồn phải sa xuống hỏa ngục hàng loạt [...] Vào dịp lễ Giáng sinh năm rồi, tôi cảm thấy phải hối hả đi bước trước là kêu gọi các tâm hồn cầu nguyện, điều này tôi tin rằng mình đã làm theo nguyện vọng của Thánh Tâm; tôi hy vọng bằng một cuộc vận động chiến dịch cầu nguyện, chúng ta có thể mở một cuộc chiến chống lại Sa tan ; phần tôi, trong mức độ có thể, tôi dâng hiến xứ Marốc này cho Thánh Tâm Chúa. »

            Than ôi, cha là người duy nhất hô hào cho cuộc chiến theo kiểu tương đối mới này. Ngài thấy người ta có thể xâm nhập xứ Ma-rốc mênh mông này, nhưng không ai sẵn sàng đến đó cả. Ngài than phiền. Tuy nhiên, ngài nói thêm : « Mặc dù tôi mong muốn có nhiều người bạn đồng hành, nhưng tôi thích ở một mình hơn là sống với những người không thực sự được Đức Giêsu kêu gọi và không phải là các môn đệ chân thực của Thánh Tâm Người. Tôi đã đưa ra ba điều kiện cho những ai muốn tới đây như sau :
1)      sẵn sàng hiến dâng mạng sống mà không chống cự ;
2)  sẵn sàng chết vì đói khổ ;
3)  vâng phục tôi mặc dù tôi bất xứng. »
 
Trích CRC số 331 - tháng 03/1997, tr. 19-22

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây