CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CdF - Chương 7

Thứ ba - 09/05/2017 09:20
Tình yêu của anh đối với Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu đồng loại. Charles de Foucauld đã sống tình yêu Chúa Giêsu và tình yêu tha nhân cách thân tình và thâm sâu ngay khi bước vào dòng Trappe.
CHƯƠNG 7
 
CHỨC LINH MỤC (1898-1901)
 
 
           Tình yêu của anh đối với Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu đồng loại. Charles de Foucauld đã sống tình yêu Chúa Giêsu và tình yêu tha nhân cách thân tình và thâm sâu ngay khi bước vào dòng Trappe. Anh viết cho bà Marie de Bondy:

           "Em luôn luôn ở với Người và với những người em yêu thương. "

          Sự hiện diện của những người thân của anh không cạnh tranh với sự hiện diện của Chúa Giêsu, trái lại, dường như nó được đề cao hơn nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu. Mãi sau này, một hôm anh viết cho một trong những người con tinh thần của mình như sau:

          "Càng ngày con càng phải yêu mến không chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi, nhưng là yêu mến Thiên Chúa trước rồi đến tất cả các tạo vật thuộc về Ngài, vì Ngài yêu thương chúng, vì Ngài truyền cho chúng ta phải  yêu thương chúng, bởi vì chúng là sự phản ánh của Ngài. "
 
          Cha Charles de Foucauld là thế đó ! Đó là Tin Mừng, vượt xa hơn cả sự khổ hạnh vô nhân đạo và thuyết bi quan của phái Giăng-xê-ni-ô nữa. Theo đức ái nơi anh Charles Chúa Giêsu – Anh thường tự xưng như thế, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa như một người Cha, yêu mến Chúa Giêsu như một Phu Quân, mà lại không nảy sinh trong tâm hồn lòng yêu mến các linh hồn ... Vì vậy, đó là những gì Anh đã cảm nghiệm từ lúc đầu ở Nazareth. Chỉ trong giai đoạn đầu của thời gian ở Nazareth, mà tình yêu dành cho các linh hồn có chiều kích chiêm niệm và chỉ phát triển mạnh mẽ trong sự đối thoại với Chúa Giêsu, trong những giây phút lòng bên lòng với Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong phần thứ hai của thời gian sống cô tịch ở Nazareth và ở Giê-ru-sa-lem, lòng yêu mến các linh hồn triển nở, độc lập, và khơi dậy trong anh ước muốn đi đến với những người nghèo khổ nhất, những người thua thiệt nhất, để mang Chúa Giêsu mà anh yêu thương đến cho họ và anh muốn giúp họ cũng yêu mến Người nữa. "

THIẾT LẬP TRIỀU ĐẠI CỦA CHÚA GIÊSU

           Trong lá thư ngày 03 tháng 03 năm 1898, Anh thổ lộ tâm tình với Cha Huvelin:
            "... Nếu con đã vào dòng Trappe, nếu con lãnh nhận chức linh mục, nếu con trở lại dòng Trappe tại Akbes; vì ở đó con có thể làm ích cho các linh hồn, con có thể mưu ích tha nhân nhiều hơn, con có thể phục vụ Thiên Chúa tốt hơn[...].
          "Chúng ta không thể sống giữa những người Hồi giáo bất hạnh, những người ly giáo, những người lạc giáo này mà không phải thở dài khi ánh sáng ngày mới chiếu soi họ. Và con rất ý thức thấy rằng không có cách nào tốt hơn để hoạt động tại các quốc gia này cho bằng thành lập nhiều dòng Trappes: Những dòng Trappes giống như dòng Trappe ở Akbès [...].
           "Con cũng đã sẵn sàng để ra đi ngay bây giờ, ở lại mãi mãi, làm bất cứ điều gì khác ... Xin cha chỉ cho con biết Chúa muốn con làm gì [...].

         Cha Huvelin trả lời: " Thiên Chúa vẫn muốn con ở lại Nazareth. Con đã có quá nhiều tài sản, tìm được sự quân bình trong đời sống chiêm niệm này." Điều đó làm anh dịu lại và anh hân hoan ở lại đó, nhưng anh luôn sẵn sàng khi Thiên Chúa muốn, anh sẽ ra đi để cứu các linh hồn.

MẸ ELISABETH DU CALVAIRE

         Ngày 07 tháng 07 năm 1898, anh đi Giê-ru-sa-lem, Mẹ Saint-Michel gửi gấm anh cho Mẹ Elizabeth, Nữ viện trưởng của Tu viện các chị dòng thánh Clara, những người đang nao nức muốn nhìn thấy con người mà tu viện Nazareth đã nói tới với một thái độ hết sức ngưỡng mộ như vậy. Đến lượt anh, anh đã bị quyến rũ ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, bà yêu cầu anh đến sống cạnh tu viện của họ tại Giê-ru-sa-lem, và anh đã đến đó vào giữa tháng 09. Anh Charles đã tìm được một người thầy nơi Mẹ Elisabeth này! Chính bà đã thuyết phục anh rằng chấp nhận thụ phong linh mục là bắt chước Chúa Giêsu một cách tuyệt vời.  Phần Cha Huvelin, ngài hơi do dự ... nhưng ân sủng vẫn luôn hoạt động nơi anh Charles, người muốn phục vụ và cứu vớt các linh hồn. Tuy nhiên ngài tự nhủ: làm sao điều đó có thể thực hiện đươc ?

NÚI BÁT PHÚC

           Khi nghe tin người ta rao bán Núi Bát Phúc, là tài sản của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, anh thấy đó là câu trả lời của Chúa Quan Phòng. Vào ngày lễ kính Thánh Marcô (25 tháng 04 năm 1900), anh hiểu rõ rằng anh phải " lãnh nhận Chức Thánh và sống như một linh mục ẩn sĩ, ở ngay trên đỉnh heo hút của ngọn núi này ” để xây dựng một nhà tạm và bàn thờ tại đó. Ngay lập tức Anh đã viết cho gia đình xin gửi cho anh 12.000 quan tiền vàng anh đang cần!

         Thật không may, dự án tốt đẹp này đã không thành công: tiền mất và Núi, mà trong thực tế không phải là để bán, sẽ vẫn còn thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ! Một số người lợi dụng sự cố này để càm ràm về tính bất ổn và thiếu cẩn trọng của Charles de Foucauld. Viện phụ Tu viện Nantes, chỉ một lần thôi, đã xóa bỏ khỏi ký ức ngài về những lời buộc tội nặng nề đó, khi ngài cho thấy rằng người ta đã cẩn thận che giấu trách nhiệm thực sự của vụ lừa đảo này: anh đã bị người ta lừa gạt, không phải bởi người Ả Rập nhưng bởi người Âu châu, những người Kitô hữu, và là những người được đánh giá cao là đáng tin cậy!

         Trước khi biết kết cục tai hại của công việc này, anh Charles theo lời khuyên của cha Huvelin. Anh đến gặp Đức Cha Piavi, Giáo chủ thành Giê-ru-sa-lem, dáng vẻ rất tội nghiệp, để xin làm tuyên úy của núi Bát Phúc và giải thích rằng anh muốn thành lập một Hội dòng rất nhỏ bé, và hết sức khiêm tốn...  Hầu như chẳng lưu tâm, Vị này cho rằng đó là chuyện của một kẻ hoang tưởng và đuổi khéo bằng cách bảo anh hãy chờ đợi.
 
        Anh Charles Chúa Giêsu không gặp lại Đức Cha Piavi lần nào nữa bởi qua việc từ chối của ngài anh nhận ra đó là dấu chỉ của Thánh Ý Chúa. Chính từ lúc đó anh chọn khẩu hiệu: "JESUS CARITAS" và chọn Trái tim và Thập giá như là một biểu tượng mà anh muốn mang trên ngực.
 
PARIS – RÔMA

         Ngày 01 tháng 08, anh Charles rời Nazareth và xuống tàu về Pháp để nhận chức thánh rồi trở về Đất Thánh.

        Ngày 18 tháng 08, anh đến gặp Cha Huvelin. Ngày 29 tháng 09, anh tời thăm nhà dòng Đức Bà Xuống Tuyết, nơi anh được mang chiếc áo choàng trắng của các Tu sĩ dòng Xitô, để chuẩn bị lãnh chức linh mục.

        Anh học thần học, nhưng anh luôn sống trong tình trạng mất tập trung liên tục vì bị cuốn hút vào Thiên Chúa. Tu sĩ chịu trách nhiệm tập cho anh dâng Thánh Lễ kể rằng nơi mỗi lời của nghi lễ, cậu học trò này đều có thể đi vào chiêm niệm, mê đắm, bất động và lặng im, và người ta phải nắm tay áo anh mà lay mới làm anh tỉnh lại được:

          "Chỉ cần nhìn anh một lúc cũng đủ có một ấn tượng sâu đậm thế nào là sống trong sự hiện diện của một vị thánh. "

          Từ ngày 09 tháng 05 đến ngày 09 tháng 06, anh tĩnh tâm để chịu chức linh mục, bằng cách suy niệm đặc biệt là các thánh thư, sách Diễm ca  và các sách Tin Mừng. Anh tự hỏi, một khi anh trở thành linh mục, thì anh sẽ đặt “các quyền lợi của người vợ” ở đâu :

        " Ở nơi hoàn hảo nhất. Không phải là nơi có nhiều may mắn theo kiểu nhân loại có nhiều dự tu, nhiều quyền theo giáo luật, nhiều tiền bạc, nhiều đất đai, nhiều hỗ trợ: không : nhưng là ở nơi tự nó là hoàn hảo nhất, hoàn hảo nhất theo lời Chúa Giêsu dạy, phù hợp nhất với sự hoàn thiện của Tin mừng, phù hợp nhất với sự linh hứng của Chúa Thánh Thần; nơi mà Chúa Giêsu sẽ đi tới: "con chiên xa lạc nhất", "người anh em đau yếu nhất" của Chúa Giêsu, những người bị bỏ rơi nhất, những người thiếu vắng sự chăm sóc của các mục tử nhất, những người ngồi nơi “tăm tối dầy đặc” nhất, trong bóng tối thâm sâu nhất của cõi chết, những người bị ma quỷ “giam hãm” nhất, những người “đui mù” nhất, những người “lạc xa” nhất.  Trước hết là những người không tin (dân ngoại và những người theo hồi giáo) của xứ Ma-rốc và của những miền giáp giới Bắc Phi ... "

           Sau một đêm cầu nguyện dưới chân Thánh Thể, anh được thụ phong linh mục ngày 09 tháng 06 năm 1901, tai đại chủng viện giáo phận Viviers.

           Em gái của anh, Marie de Blic, đã đến tham dự Thánh Lễ đầu tiên anh dâng ngày hôm sau tại dòng Đức Bà xuống Tuyết. Tất cả các người tham dự đều bị xúc động vì sự sốt sắng của tân linh mục.

           Giai đoạn cuối cùng của đời anh mở ra khi anh đã 43 tuổi. Anh đã trở lại được mười lăm năm. Anh còn mười lăm năm nữa để sống. Viện phụ Dom Martin phát biểu: " Đã 11 năm nay tôi biết cách rất sâu sắc về ông Charles de Foucauld, và tôi chưa bao giờ đọc thấy trong các sách vở nào nói về sự kỳ diệu của việc đền tội, về sự khiêm hạ, về sự nghèo khó và về tình yêu Chúa đến như vậy…“

           Ngày 01 Tháng 09 năm 1901, anh rời nhà dòng Đức Bà Xuống Tuyết đi Phi châu.

 
 Trích CRC số 331 - tháng 03 /1997, tr. 15-19

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây