CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CdF - Chương 2

Thứ hai - 08/05/2017 08:45
Ngày 25 tháng 10 năm 1876, Charles de Foucauld gia nhập trường Saint-Cyr, trường sĩ quan quân đội Pháp. Tại đấy Anh tỏ ra hết sức uể oải, và chỉ làm việc rất ít. Lễ độ, có giáo dục, có tinh thần kỷ luật, Anh không bị nhận xét xấu. Anh không tỏ ra khó chịu, nhưng hơi khó gần, “khép kín, rất ít nói, hiếm khi cười”.
CHƯƠNG 2
 
SĨ QUAN QUÂN ĐỘI PHÁP
 
 
Học Viện Quân Sự  SAINT-CYR

        Ngày 25 tháng 10 năm 1876, Charles de Foucauld gia nhập trường Saint-Cyr,  trường sĩ quan quân đội Pháp. Tại đấy Anh tỏ ra hết sức uể oải, và chỉ làm việc rất ít. Lễ độ, có giáo dục, có tinh thần kỷ luật, Anh không bị nhận xét xấu. Anh không tỏ ra khó chịu, nhưng hơi khó gần, “khép kín, rất ít nói, hiếm khi cười”. Tuy nhiên, dẫu cách biệt, có vẻ tự kỷ, ưa hưởng thụ, Anh vẫn luôn là một người hào hiệp và muốn phục vụ tổ quốc. Bên cạnh phong cách văn hoá, trí nhớ xuất sắc, khả năng lĩnh hội tuyệt vời của Anh, nên chỉ cần đọc qua là đủ để anh nắm bắt được nội dung các bài giảng, dù chưa được nghe qua một lần, các bạn bè còn nhận ra nơi Anh một trí thông minh sắc sảo.

        Ngày 01 tháng 2 năm 1878, Charles được gọi khẩn cấp về Nancy, và hai ngày sau đó, ông ngoại của Anh, đại tá Morlet, qua đời. Thấy mình được thừa hưởng một gia tài kếch xù : triệu phú ở tuổi hai mươi ! Anh liền lao mình vào cuộc ăn chơi trác táng. Anh bắt đầu bị nhận xét xấu. Những vụ trừng phạt tới tấp trút xuống : trong vòng hai năm, Anh bị phạt đến bốn mươi lăm lần và phải thi hành đến bốn mươi bảy ngày tạp dịch !
Anh tốt nghiệp trường Saint-Cyr với vị thứ 333 trên 386. Ngày 02 tháng 10 năm 1878, Anh gia nhập trường kỵ binh Saumur.

SAUMUR

       Bạn cùng phòng và cũng là đồng bọn hữu hảo nhất của Anh tại trường Saint-Cyr là Antoine de Vallombrosa. Cả hai cảm thấy gần gũi nhau do bởi ngày sinh, tài sản và các sở thích. Charles kiên quyết chủ trương tận hưởng cuộc sống. Anh làm ra vẻ lịch lãm, tổ chức riêng cho mình những thú vui chơi : những cuộc truy hoan và tiệc tùng thâu đêm suốt sáng.

        Đối với nghĩa vụ, anh chỉ làm những gì buộc phải làm và chẳng hề tìm cách tiến thân. Trái lại, cung cách giao tiếp và tấm lòng của Anh thì ai cũng biết, Anh luôn hào phóng và thậm chí còn thu xếp giúp đỡ người này người khác mà không cần họ biết đến. Riêng về tài trí của mình, Anh chỉ dùng để xử sự với các sự việc và các định chế, chứ không bao giờ với bạn bè. […]

      Charles ra trường Saumur với vị trí xếp cuối bảng, 87 trên 87. Anh được chỉ định đến Sézanne, nơi mà anh buồn chán đến chết được, và Anh đệ đơn xin thuyên chuyển. Sáu tuần sau đó, Anh được điều về Pont-à-Mousson, ở đấy đang có mặt phần lớn các kỵ binh thuộc đội khinh kỵ số 4.
 
ĐỘI KHINH KỴ SỐ 4

       Tại Pont-à-Mousson, Anh gặp một tay thông đồng khác, công tước tương lai Jacques de Miramon Fitz-James. Hai người sống phóng đãng và vương giả. Trong cuộc tĩnh tâm ở Nazaret, Anh viết :

     “Lạy Chúa, Chúa làm con cảm thấy một sự trống rỗng đau đớn, một nỗi buồn sầu con chưa từng biết đến…nó quay lại với con vào mỗi buổi tối, khi chỉ còn mình con trong phòng riêng…nó trĩu nặng trên con khiến con không thể nói nên lời trong khi cái mà người ta gọi là những cuộc truy hoan, do chính con tổ chức ra kia, thì lại có lúc con trải qua chúng trong một sự câm lặng, một nỗi ghê tởm, một sự buồn chán bất tận…Chúa đã ban cho con nỗi lo lắng mơ hồ về một ý thức bất hảo vẫn đang ngái ngủ, chứ chưa hề chết hẳn. Có bao giờ con cảm thấy buồn bã, bất ổn, lo âu như thế này đâu !”

         Sau từng đêm ăn chơi như thế, thì ngay sáng hôm sau, Anh lại lên ngựa cùng với những người khác. Anh tỏ ra là một kỵ binh rắn rỏi, bền bỉ. Cả trung đội ai cũng yêu mến và kính trọng Anh. Trong diễn tập, Anh luôn biết mình phải làm những gì. Và khi Anh nộp báo cáo lên thượng cấp, họ đều khen ngợi Anh chu toàn công việc, thế là Anh lại viết những lời tung hô họ !

        Rất nhiều phụ nữ đã đi qua đời anh, chẳng hơn gì những món đồ giải trí. Tuy nhiên, một trong số họ, Marie  C…, cũng đã níu giữ được sự chú ý của Anh và biết làm Anh vui. Anh quyết định chính thức xác định vị trí của nàng trong cuộc đời mình.

       Khi trung đoàn được điều đến Algérie, Anh giới thiệu nàng như là vị hôn thê hợp pháp. Viên Đại tá chỉ huy biết được điều đó và lấy làm khó chịu. Ông cho gọi Anh và ra lệnh Anh phải từ bỏ nàng. Charles không chịu. Ngày 20 tháng 3 năm 1881, Anh bị gạch tên khỏi quân ngũ và bị đặt vào tình trạng “cho xuất ngũ trước thời hạn, do hai lần vô kỷ luật vì hạnh kiểm xấu không thể bỏ qua”. […]
Sau khi đã tổ chức một bữa tiệc chia tay hết sức xa hoa, Charles và Marie đáp tàu đi Évian.
 
CÓ ƠN GỌI LÀM QUÂN NHÂN?

       Bề ngoài, Foucauld chấp nhận quyết định rất thản nhiên làm một người lính, nhưng tự thâm tâm, Anh lại lấy làm tự hào. Tại sao ? Bởi vì Quân đội là gia đình thứ hai của Anh, rời bỏ nó sẽ khiến anh trở nên mồ côi gấp đôi.  Anh là người lính và đã gặp được trong “môi trường lính tráng” khung cảnh cần thiết cho việc triển nở con người Anh đang khao khát sự cương nghị và sự dấn thân nam nhi vào việc phục vụ lợi ích chung. Nơi con người viên đại tá hoặc viên tướng, Anh gặp thấy người cha mà Anh đang thiếu. Vì thế,  khi các thượng cấp khiển trách Anh về hạnh kiểm xấu,  Anh tỏ ra nổi loạn và bướng bỉnh… nhưng kỳ thực, những lời cảnh cáo của họ xâu xé tâm can Anh và Anh sẽ chẳng bao giờ quên. […]

         Tuy Charles de Foucauld yêu mến Quân Đội, nhưng… đời sống đồn trú khiến Anh buồn chán !

CUỘC HOÁN CẢI

         Tháng 5 năm 1881. Binh đoàn Châu Phi số 4 di chuyển đến Nam-Oranais, lý do là vì Bou Amama vừa giương cao ngọn cờ Thánh Chiến trong vùng Algérie. Từ Évian, Foucauld hay tin ấy. Máu Anh sôi lên : các đồng đội của Anh đang lâm nguy ! Để người yêu lại, Anh lao đến Bộ Chiến Tranh và yêu cầu được tái ngũ. Anh được chấp thuận và lên đường gia nhập Binh Đoàn số 4. Hôm đó là ngày 03 tháng 6 năm 1881.

        Trong chiến dịch này, Charles tỏ ra là người lính và người chỉ huy đích thực. Bền bỉ, cẩn trọng, dè dặt, Anh nhanh chóng được các đồng đội quý mến. […]

        Hoà bình được vãn hồi, Anh không thể bằng lòng với cuộc sống đồn trú.  Anh đã hiểu ra được nỗi khó khăn của chế độ thuộc địa Pháp và xin nghỉ phép để làm một chuyến du hành xuống phía Nam-Algérie, nhưng bị từ chối. Anh giải ngũ vào ngày 28 tháng giêng năm 1882.  Gia đình Anh lo lắng, tưởng rằng Anh sẽ làm liều. Họ gây áp lực buộc Anh phải đến gặp Latouche, người bà con của Anh cũng là nhà tư vấn pháp luật. Nhưng Charles luôn coi mình là một sĩ quan, Anh muốn thử một cách phục vụ nước Pháp trong vai trò “một cảm tử quân” để không phương hại đến chính phủ: làm một chuyến thám hiểm về xứ Marốc hòng tạo điều kiện cho cuộc viễn chinh của quân đội Pháp.

CHUYẾN THÁM HIỂM MAROC :
10.6.1883 – 23.5.1884

        Cuộc thám hiểm này đã đặt anh Charles de Foucauld vào số những nhà thám hiểm vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại.

       Foucauld đến Algerie. Anh lưu lại đấy gần một năm, tự chuẩn bị một cách tỉ mỉ với sự giúp sức và những lời khuyên của Mac Carthy, người quản thủ thư viện thành phố mà mới trước đó vừa thám hiểm vùng Sahara. Anh học tiếng Hi-pri, tiếng Ả-rập, khoa đo vẽ địa hình, sử dụng máy lục phân. Anh tự trang bị cho mình một la bàn, một đồng hồ tính giờ, một phong vũ biểu chạy dầu để đo độ cao và một nhiệt kế. Hãy hình dung xem Maroc là một vệt trắng trên các bản đồ, và người ta vẫn còn tin vào những chỉ dẫn của Jean-Léon người Phi châu (1518) ! Vì đấy là vùng đất nặng đầu óc bài ngoại đối với người châu Âu, nên người ta chỉ có thể thâm nhập vào đấy dưới vẻ ngoài hết sức ti tiện và nghèo hèn, hết sức cùng khổ. Mà người Ả-rập rất khinh thị người Do thái, do đó mà trong vai người Do thái, Charles mới thâm nhập được vào Marốc, với tên gọi là Joseph Alleman, cùng đi có một lão già người Do thái chính tông tên là Mardochée. Họ khởi hành vào ngày 10.6.1883 để khám phá vùng đất cấm.
Băng qua Rif để đến Fez, họ ghé thăm Tétouan, Chechaouene, thành phố mà từ nơi đó chưa từng có một người châu Âu nào sống sót trở về ! Vậy mà cả hai đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Foucauld ghi lại nhận định của Anh như sau : dân chúng thì ngu dốt, bần cùng, luôn bị bọn thổ phỉ áp bức.

        Tại Fez, Anh đã phải kêu lên thán phục trước thành phố thủ đô này của Marốc. Sau đó, để dọn đường cho cuộc xâm lăng của người Pháp, Anh hướng về Tarza, ở đó Anh gặp được một dân tộc hết sức thân thiện đang yêu cầu người Pháp đến giải phóng họ khỏi một bộ tộc tàn bạo : “Khi nào thì chúng tôi mới được sống hoà bình, như những người ở Tlemcen ?” – họ nói, “Có xa xôi gì lắm đâu ! Người Pháp còn chờ gì nữa cơ chứ ?” 

       Tại “Bled el-Markhsen”, luật nằm trong tay bọn thổ phỉ : ở đây cũng vậy, các cư dân chỉ mong chờ người Pháp đến. Và đấy là những vùng lãnh thổ “Bled es-Siba” không chịu khuất phục, vùng đất cấm. Thoát chết trong gang tấc, Anh băng qua sa mạc Tadla để tiến về Atlas. Ở Boujad, Anh được hai cha con El Hadj-Idriss đón tiếp. Họ là người thuộc tộc Berbères : sắc dân cởi mở và trung thực. Anh nói “Xứ sở này sẽ giàu có, nếu người Pháp cai quản nó ! Họ sẽ sớm đến thôi !” […]

        Sau đó Anh đi lên vùng Atlas (ở độ cao 4.000m). Từ đấy, anh khám phá Sahara. Anh đến các ốc đảo, tham quan Tisint và len lỏi vào các ốc đảo khác trong vùng phụ cận.

        Anh ngược lên mạn bên kia của vùng Trung Atlas. Từ nơi đó, Anh nhìn thấy Tafilalet. Hai người thoát khỏi một cuộc mai phục, và đi tới vùng Oudjda : đây chính là con đường mà quân đội Pháp sẽ tiến qua vào năm 1903. Vượt qua vùng được cho là giới tuyến, hai người đến được Lalla Marnia, vùng đất thuộc Pháp ngày 23.5.1884.

PHỤC VỤ ĐẾ CHẾ THỰC DÂN PHÁP

       Lúc trở về, Foucauld miệt mài làm việc trong hai năm để xuất bản cuốn sách của mình mang tên “Chuyến Khảo Sát xứ Marốc”. Trước đó, người ta mới biết được lộ trình dài khoảng 680km; còn Anh, Anh đã mang về bản vẽ sơ đồ chính xác 2.250km những con đường đã đi qua, cùng với những chỉ dẫn chi tiết về địa hình, việc trồng trọt và những khả năng tưới tiêu.

         Về mặt địa lý nhân văn, anh đã ghi lại những nhận định rất chính xác và tâm lý qua việc phân tích xã hội bản địa, đến nỗi các viên chức trong Bộ thuộc địa sẽ biết thêm được nhiều hơn nữa về tâm tư tình cảm của người Marốc, Ả-rập và Do thái, những phong tục tập quán của các bộ lạc, và nhất là sự hỗn loạn cũng như nỗi cùng khổ của những xứ sở khốn quẫn ấy, bị khuất phục dưới nạn cướp bóc và nỗi đói kém cố hữu…Anh còn khám phá thấy Hồi giáo như là một tôn giáo đơn giản, phổ biến, nhưng nền luân lý của tôn giáo này, lại làm cho người ta sống buông thả theo bản năng, chứ không giáo dục họ vượt quá bản tính tự nhiên của họ ! […]

          Cuộc “khảo sát” ấy, đã mang lại cho Anh niềm say mê về Đế Chế thực dân, rốt cuộc còn đưa Anh đi xa hơn. Bởi vì Anh tự hỏi : phải làm gì cho Marốc tương lai đây ? […]

         Sự xâm lăng của người Pháp và chế độ thực dân : vâng, nhưng tại sao ? Để dạy dỗ cái gì ? những giáo điều về chế độ cộng hoà và cách mạng ư ? Chính các câu hỏi ấy sẽ đưa anh quay trở lại với những truyền thống của gia đình, để tiếp tục, và tất cả đều là truyền thống Kitô giáo !
Quá trình phục vụ trong tư cách sĩ quan quân đội Pháp như thế, được đẩy đến tận tột đỉnh của chủ nghĩa anh hùng, sẽ dần dà, chậm rãi, dẫn đưa tâm hồn ấy đến chỗ tìm lại được sự sung mãn của niềm tin.
                                                   
 Trích CRC số 328 - tháng 12/1996, tr. 12-15
 
 

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây