CUỘC ĐỜI CHÂN PHƯỚC CdF - Chương 5

Thứ hai - 08/05/2017 08:56
Ngày 16 tháng 01 năm 1890, anh Charles de Foucauld đến Dòng Trappe Đức Bà Xuống Tuyết. Ngày 23, Anh nhận tên dòng là Thầy Marie-Albéric và bắt đầu thời gian tập sống đời tu sĩ.Năm 1893, anh viết : “Tôi chỉ chờ đợi Thập Giá, tôi đã được bình an”
CHƯƠNG 5
 
DÒNG TRAPPE (1890 – 1897)

DÒNG ĐỨC BÀ XUỐNG TUYẾT

         Ngày 16 tháng 01 năm   1890,  anh Charles de Foucauld đến Dòng Trappe Đức Bà Xuống Tuyết. Ngày 23, Anh nhận tên dòng là Thầy Marie-Albéric và bắt đầu thời gian tập sống đời tu sĩ.

          Năm 1893, anh viết : “Tôi chỉ chờ đợi Thập Giá, tôi đã được bình an”  

        Thật vậy, sự bình an và niềm an ủi thiêng liêng thật dư tràn chan chứa : Anh nói trong những bức thư viết cho bà Marie de Bondy. Chẳng hạn thư đề ngày 07.4.1890 :

         “Em không nói là em giỏi chịu đựng việc ăn chay và chịu lạnh : em không thấy có vấn đề gì về chuyện đó. Từ chế độ ăn uống trong mùa Chay, mỗi ngày chỉ dùng một bữa vào lúc 4g30, em chỉ có thể nói được một điều : em nhận thấy dễ chịu và thoải mái, không cảm thấy đói, dù chỉ một ngày, mặc dù em ăn không nhiều.
         “…Hẳn là em sẽ hết sức vô ơn đối với người Cha đầy tình thương mến, đối với Chúa Giêsu rất dỗi dịu dàng, nếu em không nói cho chị biết là Người nắm chặt lấy em, đặt em vào trong sự bình an của Người, tránh cho em khỏi nỗi băn khoăn, xua tan nó đi, xua tan nỗi buồn phiền ngay khi nó vừa mon men lại gần.”

         Sự bình an và niềm an ủi ấy không ngăn được những nỗi chạnh lòng. Một điều duy nhất đắt giá đối với anh, đó là việc phải xa cách người Cha và người Mẹ thiêng liêng. Anh đau khổ khi biết người mẹ ấy đau khổ, vì bà ấy đã tâm sự với anh. Nhưng anh đã nâng suy nghĩ của  bà ta lên. Anh bắt đầu trở thành người đỡ đầu cho bà ta, trong khi vẫn tự nhủ mình là con tinh thần của bà ấy. Anh giúp bà quy hướng về những sự siêu nhiên :

       “Trong cái thế giới đáng buồn này, thực ra chúng ta đang có một diễm phúc mà cả các thánh và các thiên thần cũng không có được, đó là được chịu đau khổ cùng với Phu Quân và vì Phu Quân của chúng ta. […]

         Ngay từ những tháng đầu tiên tại Dòng Trappe, người ta nhận thấy anh ưu tư tìm cách khắc phục, nhằm triệt phá nền tảng của sự lộn xộn nơi con người, đó là tinh thần tự lập :

        “Tôi phải vất vả chế ngự tinh thần của mình : điều này không có gì lạ ! Tuy nhiên, điều đó cũng ít xảy ra lắm : tôi cảm thấy không vui mấy khi người ta bảo tôi làm những công việc tay chân. Như vậy đúng là tôi còn quá thiếu tình yêu. Giá mà tôi ý thức rằng việc ấy khiến tôi xích lại gần Chúa biết bao, hẳn là tôi sẽ sung sướng biết chừng nào. Nguyện ý Chúa được thể hiện ! chứ không phải theo ý tôi : tôi đã hết lòng thưa với Chúa như vậy. Tôi thưa với Người là ít ra tôi cũng muốn nói như vậy với trót cả tâm hồn ! bởi vì tôi sợ mình chỉ nói với Người bằng môi miệng, trong khi thực lòng tôi hoàn toàn chỉ muốn vâng theo ý Ngài !”

          Thật may mắn khi chúng ta có được lời chứng của vị giám tập. Vị này đã nhận xét về anh sau khi anh đến đan viện được hai ngày như sau:

         “Chàng trai quả cảm này đã hoàn toàn lột bỏ tất cả, chưa bao giờ tôi gặp được một sự từ bỏ như vậy, và tất cả đều toát lên một sự giản dị hết mực. Thầy ấy có thể tự hào vì đã làm tôi không cầm được nước mắt và đã khiến tôi thấy rõ sự đáng thương của bản thân mình.”
 
 
DÒNG ĐỨC BÀ THÁNH TÂM Ở AKBÈS

           Tháng 6 năm 1890, sáu tháng sau ngày anh nhập dòng, các bề trên gửi anh đến Dòng Trappe Cheiklé, gần Akbès, theo lời thỉnh cầu của anh. Đó là một đan viện rất nghèo khó, “một cụm nhà bằng ván và đất nện, mái lợp rạ, giữa một vùng thung lũng hoang sơ.” […]

          “Cùng ở trong khu lán trại của chúng tôi có mười lăm đến hai mươi trẻ mồ côi người Công giáo, tuổi từ 5 - 15. Cũng có khoảng 10 - 15 giáo dân làm thợ được chúng tôi cho tạm trú; tóm lại số lượng khách tá túc luôn thay đổi : hẳn chị đã biết là các đan sĩ luôn hiếu khách […]. Công việc chính của chúng tôi là chăm lo việc đồng áng.”

          Các bề trên và những anh em trong dòng không ngớt ca tụng người đan sĩ gương mẫu này.

         Ngài Polycarpe, vị sáng lập đan viện Trappe Cheiklé nói: “Thầy Albéric luôn là vị thánh nhỏ mà anh em biết và luôn là thế  như hồi thầy còn ở đan viện Đức Bà Xuống Tuyết. Thầy luôn nêu gương đạo đức, thường mang lại niềm vui, nhưng đôi khi cũng khiến người ta phải kinh hoảng [do ước muốn đền tội của Thầy]. Hãy không ngừng cầu nguyện nhiều cho Thầy.”

TUYÊN KHẤN LẦN ĐẦU

        Ngày 02/02/1892, anh được chấp thuận cho khấn tạm và rất sung sướng vì được kết hiệp mật thiết hơn với Đấng Phu Quân của mình. Với anh, đó là hôn lễ thần bí với Đức Kitô, như sau này Anh viết cho Cha Giêrônimô :

         Bằng các lời khấn đơn sơ, “Từ ba năm nay, Cha đã được trở thành vị hôn thê của Đức Giêsu : với danh nghĩa này, trong mọi lúc của cuộc sống, Cha hãy nhận ra các bổn phận của mình : phải luôn sống xứng đáng là một hiền thê của Đức Giêsu, chỉ có vậy thôi […].
        “Cả hai ta hãy luôn thuộc về Đức Giêsu, như những hiền thê trung tín của Đấng Phu Quân Duy Nhất ! (08/5/1899)

        Có người sẽ ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông – vốn là cựu sĩ quan, anh hùng thám hiểm xứ Ma-rốc và một vị đan sĩ đầy tinh thần sám hối, mà lại dùng kiểu nói đầy nữ tính như vậy ! Nhưng Viện phụ Nantes thường giải thích với chúng tôi rằng, nơi các thánh, kiểu nói như thế thực ra biểu lộ sự phong nhiêu thần bí của một linh hồn đã kết hợp được cả hai tính chất : sự thánh thiện của người nam hoàn toàn trao hiến, nghị lực, vui tươi, và của người nữ tiếp nhận, âu yếm và dịu dàng.

       Tuy nhiên, thầy Albéric không cảm nhận được niềm vui trọn vẹn, bởi lẽ dòng Trappe không thoả mãn nhu cầu của thầy muốn trở nên đồng hình đồng dạng hoàn toàn với Chúa Giêsu.

       Thầy Marie Albéric thố lộ các ưu tư của mình với Cha Huvelin: Thầy nhận thấy các đan sĩ không nghèo khó đủ như họ phải sống nghèo, mặc dầu các thư của thầy không ngừng giải thích sự gắn bó với cộng đoàn, sự bình an và vâng phục của thầy. Không phải là thầy tự phụ. Nhưng đan viện toạ lạc trong vùng Arméni là nơi mà người ta ai cũng khố rách áo ôm, đang chết đói, và thầy động lòng thương những con người khốn khổ ấy. Người Thổ theo Hồi giáo đang tàn sát các Kitô hữu Arméni, trong năm 1893 ấy, đến tận những vùng giáp ranh với đan viện. Số người chết được tính lên đến 160.000 người. Thầy Marie Albéric ngao ngán khi thấy không có ai đến cứu giúp các Kitô hữu. Lúc ấy thầy ước ao được đích thân lao vào nguy hiểm để cứu giúp họ, để được chết tuẫn đạo, nhưng Cha Huvelin khuyên thầy hãy vâng lời các bề trên, và đó là lời khuyên đúng : ích gì khi có thêm vài đan sĩ bị cắt cổ, trong lúc cả châu Âu vẫn cứ thờ ơ trước chuyện đó !

         Khi Đức Thánh Cha Lêô XIII tinh giản bớt chế độ nhiệm nhặt của dòng Trappe, Thầy Marie Albéric lo lắng, không còn tìm thấy nếp sống khổ hạnh sám hối mà Thầy đến để tìm kiếm nữa. Ngày 27/6/1893, Thầy viết cho bà Marie de Bondy:

       “ Em chỉ tâm sự riêng giữa hai chúng ta thôi, đó không phải là sự nghèo khó mà em tìm kiếm, không phải sự hèn kém như em đã từng mơ ước…những ước ao của em về mặt này đều không được thoả mãn…”
         “Tâm trạng của em không hề thay đổi : nỗi khát khao kiếm tìm đời sống Nadaret, bên ngoài dòng Trappe, ngày một gia tăng : em vẫn bình an, nhưng lại nôn nóng mong cho mau chấm dứt thời gian thử thách và trông chờ này, và được đi đến nơi nào Chúa nhân lành kêu  gọi em.”

         Anh cũng tâm sự như vậy với Cha Polycarpe và Cha Huvelin. Sau khi đã khuyên nhủ  anh trước hết hãy từ bỏ tất cả những ý tưởng ấy như là những cơn cám dỗ, thì Cha Huvelin,   người vốn hiểu rõ anh, đã nhượng bộ. Ngài thấy thầy Marie Albéric đang nghe theo một lôi cuốn siêu nhiên.

          Vào năm 1896, tuy rất tiếc, ngài vẫn tán thành lý tưởng của người được ngài dẫn dắt.

PHÓ THÁC VÀO Ý CHÚA

          Bấy giờ thầy Marie Albéric viết cho Bề Trên Tổng Quyền ở Rôma, Sébastien Wyart, để xin được giải lời khấn tạm.

        Viện phụ của thầy, Louis de Gonzague, người vốn yêu thương và cảm phục thầy, muốn giữ lại người đan sĩ quí giá ấy. Ngài quyết định gửi thầy về Rôma để tiếp tục học thần học, lòng thầm nhủ, dưới sự hướng dẫn của ngài Sébastien Wyart, thầy sẽ tuyên khấn và vẫn ở lại trong dòng để một mai trở thành một trong các thành viên trụ cột.

         Ngày 30/10/1896, thầy đến Rôma và bắt đầu hăng say học tập. Thầy hoàn toàn phó thác vào ý định tốt lành của các bề trên mà thầy biết là, cũng như thầy, luôn chỉ tìm Ý Chúa. Trong thời gian bảy ngày, từ 16 đến 23 tháng Giêng, thầy chờ đợi Chúa trả lời, sẵn sàng làm đan sĩ Trappe trọn đời nếu Cha Tổng Quyền ra lệnh.

        Ngài Sébastien Wyart triệu tập Hội Đồng Dòng và, ngày 23/01/1897, thầy Marie Albéric hay tin mình được giải lời khấn và các bề trên nhìn nhận nơi thầy một ơn gọi đặc biệt. Các ngài động viên thầy tiếp tục theo sự hướng dẫn của cha Huvelin. Vị này cho phép thầy khởi hành về phương Đông, như thầy mong muốn, và sống đời nghèo khó bên ngoài một tu viện. Nhưng ngài xin thầy đừng tập trung nhiều người chung quanh thầy.

         Hôm sau, thầy Marie Albéric liền viết thư cho Cha Giêrônimô, đan sĩ Trappe ở Staouëli, người mà từ đó về sau sẽ cùng với anh thường xuyên trao đổi thư từ một cách rất mật thiết:

         “Đức Vâng phục : chính là mức độ cuối cùng, cao cả và hoàn hảo nhất của tình yêu. Là mức độ mà trong đó người ta không còn để cho cái tôi của mình tồn tại nữa, là nơi người ta tự huỷ mình ra không, chết đi như Đức Giêsu chết trên Thập Giá, và là nơi người ta trao phó cho Chúa Giêsu một thân xác và một linh hồn không có sự sống, không có ý riêng, không còn tự mình cử động, để Người có thể làm gì tuỳ ý, hệt như một xác chết : Điều hết sức chắc chắn và không còn gì để nghi ngờ, đó chính là mức độ cao nhất của tình yêu.”

          Với Viện phụ Louis de Gonzague, người phần nào tỏ ra không hài lòng về sự ra đi của thầy Marie Albéric, ngày 11/4/1897 Cha Tổng Quyền viết:
           “Thưa Viện Phụ đáng kính,
           “…Tôi xin thưa với Cha rằng vì quá tha thiết về việc ấy, nên tôi đã dùng mọi cách để giữ lại tâm hồn khôn sánh ấy cho cho Cha. Khi nào có dịp gặp lại, tôi sẽ trình bày chi tiết để Cha biết về những đấu tranh mà tôi đã dấn thân hòng dành cho được chiến thắng theo như Tình Phụ Tử của Cha mong ước. Thế nhưng Chúa đã bắt tôi phải chịu thất bại. Ai có thể chống lại được Thiên Chúa ?”
      
Trích CRC số 329 - tháng 01/1997, tr. 29-32

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: CRC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây