Thư chung số 120 - 09/2020

Thứ bảy - 29/08/2020 11:21
Thư chung số 120 - 09/2020
Thư chung số 120 - 09/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 120 / Năm X
                    * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 09/ 2020
-------------  
THẦN HỌC VỀ ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN (2)
Lm Giuse Phan Tấn Thành OP
 
Phan Rang, ngày 20.08.2020

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

Trong tháng này, xin anh chị em tiếp tục học hỏi về Tông Huấn “Vita Consecrata” của ĐTC Gioan-Phaolô II về Chiều Kích hướng thượng của Đời sống thánh hiến.
  1. CHIỀU KÍCH HƯỚNG THƯỢNG CỦA ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN
Tông huấn “Đời sống thánh hiến” của ĐTC Gioan Phaolô II được chia làm 3 phần, tương ứng với ba chiều kích: hướng thượng, hướng nội và hướng ngoại. Chương thứ nhất, mang tựa đề là Confessio Triniatis (Tuyên xưng Ba Ngôi) là một chương phong phú nhất xét về thần học đời tu.

Xin tóm lại trong ba điểm:
          - bản chất của đời thánh hiến;
          - các khía cạnh của đời thánh hiến;
          - giá trị của ba lời khuyên Phúc âm.
 
I. Bản chất của đời thánh hiến

Trên đây, chúng tôi đã tóm lại sự tiến triển của thần học đời tu từ công đồng Vaticano II đến nay. Công đồng trình bày bản chất đời tu, với ý niệm đi theo Đức Kitô (sequela Christi). Thần học sau công đồng dần dần phát triển thêm các ý niệm tận hiến (consecratio) và đoàn sủng (charisma). Trong thời gian họp thượng hội đồng Giám mục (1994) đã có nhiều vấn nạn được nêu lên chung quanh từ ngữ “tận hiến”: tận hiến (hay thánh hiến) là gì: nó là một hành vi của Thiên Chúa hay là của con người? sự thánh hiến của các tu sĩ có gì khác với sự thánh hiến của các tín hữu trong bí tích thánh tẩy hay không? sự thánh hiến của đời tu là con đẻ của lịch sử hay là nằm trong bản tính của Giáo hội? Câu hỏi cuối cùng được đặt ra bởi vì theo các học giả, đời tu trì xuất hiện vào thế kỷ thứ 3-4; như vậy nó thành hình do hoàn cảnh lịch sử, chứ không nằm trong ý định của Đức Kitô khi thành lập Giáo hội. Thượng hội đồng đã không nhất trí tìm ra câu giải đáp cho các vấn nạn vừa nêu, và đã xin Đức Thánh Cha giải quyết khi soạn tông huấn (xc. đề nghị số 3).

Đặt trong bối cảnh ấy, Tông huấn đã đánh dấu một bước tiến trong thần học về đời tu, bởi vì đã tìm ra những chìa khóa để trả lời cho các vấn nạn được Thượng hội đồng Giám mục nêu lên. Tông huấn lấy lại ý niệm “đi theo Đức Kitô” của công đồng Vaticano II và mở rộng đến tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa: nội dung súc tích của sự thánh hiến được biểu lộ khi đối chiếu với tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Xét trong tương quan với Thiên Chúa, sự thánh hiến là một hồng ân phát xuất từ tình yêu của Chúa: Ngài đã kêu gọi con người hãy tiến lên trên đường trọn lành qua việc đi theo Đức Kitô. Ơn kêu gọi bao hàm sự tuyển chọn và thánh hiến. Khi đã nhận ra tiếng gọi đó, con người muốn đáp lại bằng việc dâng hiến toàn thân cho tình yêu. Sự tận hiến ra trong khung cảnh của giao ước tình yêu.

Xét trong tương quan với Đức Kitô, tu sĩ muốn họa lại nếp sống của Ngài, nếp sống hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Xét trong tương quan với Thánh thần, đời tu là một ân huệ do Ngài đã khêu gợi lên. Đành rằng tất cả các Kitô hữu đều đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, nhưng không phải tất cả các tín hữu đều được kêu gọi để sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời giống như Đức Kitô. Cần có một ơn gọi đặc biệt để phát triển tất cả tiềm năng của ơn gọi Kitô hữu. Vì lý do đó mà sự thánh hiến tu trì khác với sự thánh hiến của bí tích rửa tội: nó giả thiết một ơn gọi khác (số 30).

Tiện đây nên ghi nhận rằng Chúa Thánh Thần được tông huấn nhắc đến ở rất nhiều nơi: Ngài đã ban ơn thúc giục các tín hữu đi theo Đức Kitô; Ngài đã khêu gợi lên các đặc sủng khác nhau qua các vị Sáng lập Dòng (số 5; 48); ngài là nguyên ủy của sự thông hiệp cộng đoàn (cố 41); ngài là động lực của đức ái thúc đẩy các tu sĩ ra đi phục vụ nhân loại (số 73).

Nếu hiểu rằng bản chất của đời tu hệ tại việc họa lại nếp sống của Đức Kitô, thì cần phải nhận rằng đời tu gắn liền với bản chất của Hội thánh (số 3). Hội thánh có nhiệm vụ thông truyền Đức Kitô cho nhân loại, không phải chỉ thông truyền những lời giảng của Ngài mà thôi nhưng còn phải thông truyền cả nếp sống của Ngài nữa. Vì vậy, tuy dù các hình thức, tu trì có biến đổi theo bản tính (họa lại nếp sống của Đức Kitô) găn chặt với sức sống của Hội thánh: nếu thiếu đời tận hiến thì Hội thánh sẽ chỉ là hình hài thoi thóp, bởi vì sẽ chỉ là một tổ chức xã hội như bao tổ chức nhân loại khác, khi không còn được trang điểm bởi các nhân đức thánh thiện nữa. Chính vì đời sống tận hiến làm hiển hiện nếp sống cụ thể của Đức Kitô trong Hội thánh (số 32). Nói như thế không có nghĩa là hạ giá các giáo sĩ hay các giáo dân. Mỗi bậc sống có một sứ mạng riêng, và cần được bổ túc cho nhau trong việc kiến tạo Giáo hội: các giáo sĩ bằng việc giảng lời Chúa, cử hành bí tích, điều hành cộng đoàn; các giáo dân bằng việc đem các giá trị Phúc âm vào các thực tại trần thế; các phần tử đời tận hiến bằng chính đời sống thánh thiện (số 33).

II. Các khía cạnh của đời thánh hiến

Có thể vạch ra ít là 6 khía cạnh của đời thánh hiến; Kitô, Tam vị, Giáo hội, Truyền giáo, Cánh chung, Maria.

1) Kitô. Đây là khía cạnh được quảng diễn rộng hơn cả. Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15; 18), họa lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “đồng hóa hiện thân” (số 16: assimilatio conformativa) với Ngài. Ngoài việc họa lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm thập giá và phục sinh của ngài nữa (số 23-24).

2) Tam vị. Sự hòa đồng với nếp sống của Đức Kitô đương nhiên bao hàm tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Kitô sống trọn tình con thảo với Chúa Cha. Khía cạnh tam vị của đời tận hiến được quảng diễn cách riêng khi bàn tới các giá trị của các lời khuyên Phúc âm (số 21), của đoàn sủng (số 36) và sự thông hiệp cộng đoàn (số 41). Trước khi kết thúc văn kiện, một kinh nguyện đã được dâng lên Ba Ngôi (số 111).

3) Giáo hội. Đời thánh hiến nằm trong bản chất thánh thiện của Giáo hội. Giáo hội có sứ mạng chuyển thông Đức Kitô cho nhân loại; nhưng Đức Kitô không thể chỉ được chuyển thông bằng ý niệm nhưng còn bằng cả lối sống nữa (số 3; 29). Ngoài ra, đời thánh hiến biểu lộ mối tình chung thủy của Giáo hội dành cho Đức Kitô, hôn phu của mình (số 34).

4) Truyền giáo (số 25) và cánh chung (số 26). Việc họa lại nếp sống của Đức Kitô đương nhiên cũng kèm theo việc họa lại trót tâm tình của ngài, tận hiến cho việc phục vụ Nước Thiên Chúa (số 18; 22; 25; 27; 72). Phần thứ ba của tông huấn được dành cho đề tài này. Đời tận hiến loan truyền và thể hiện Phúc âm sống động (số 25). Đời tận hiến tiên báo các thực tại cánh chung của Nước Chúa (số 27; 32).

5) Maria. Đức Maria được trình bày như mẫu gương của đời thánh hiến (số 28):
            - mẫu gương trong việc đáp lại tiếng Chúa gọi;
            - mẫu gương trong việc đi theo Chúa;
            - mẫu gương trong việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt qua (số 23);
            - mẫu gương cho tình yêu phong nhiêu (số 34).

Ngoài ra Đức Maria còn là mẹ của các người tận hiến, cầu bầu cho họ trung thành với ơn gọi. Tông thư đã kết thúc với lời nguyện dâng lên Đức Maria (số 112).

III. Giá trị của ba lời khuyên Phúc âm

Tông thư đã trình bày ba lời khuyên Phúc âm được nhìn dưới nhiều khía cạnh. Tiên vàn ba lời khuyên nhằm họa lại nếp sống của Đức Kitô (số 18). Từ đó tông thư khai triển các giá trị phong phú của ba lời khuyên, khi đặt trong mối tương quan với Ba ngôi (giá trị tuyên xưng), khi đối chiếu với các khuynh hướng nhân bản (giá trị giải phóng).

          1/ Ba lời khuyên Phúc âm mang giá trị tuyên xưng Đức Kitô trong tương quan với Chúa Cha (số 16):

- Sự khiết tịnh bắt chước tình yêu thanh khiết của Đức Kitô, và tuyên xưng ngài là Con một, hoàn toàn hợp nhất với Chúa Cha.
- Sự khó nghèo tuyên xưng đức kitô là Con, lãnh nhận hết mọi sự từ Chúa Cha.
- Sự vâng phục tuyên xưng Đức Kitô là Con rất yêu dấu của Chúa Cha, tìm hết cách đểlàm vui lòng Cha.

Ba lời khuyên Phúc âm còn là biểu lộ tình yêu của Chúa Con đối với Cha trong sự hợp nhất của Thánh Thần (số 21).
- Sự khiết tịnh phản ảnh tình yêu liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu mà Chúa Cha đã tỏ ra khi ban Con mình cho nhân loại; tình yêu được Thánh Thần đổ xuống tâm hồn ta.
- Sự khó nghèo tuyên xưng sự giàu sang tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng đã phân phát dồi dào các hồng ân của Ngài cho vạn vật cho tới mức hủy diệt mình vì chúng.
- Sự vâng lời tuyên xưng tình yêu hỗ tương giữa Ba ngôi, một sự vâng phục hiếu thảo chứ không phải nô lệ.
         
           2/ Ba lời khuyên Phúc âm thăng tiến các khuynh hướng tự nhiên của con người, gắn liền với phái tính, chiếm hữu tài sản và tự do tự quyết (số 87-92). Sự khiết tịnh nêu bật giá trị của tình yêu trao hiến. Sự khó nghèo mở rộng con tim đến tình liên đới chia sẻ với những thành phần xấu số trong xã hội. Sự vâng lời cho thấy thế nào là sự tự do đích thực: tự do được hướng dẫn bởi chân lý.

Trên đây là sơ lược những nét chính của thần học về đời tu. Đức Gioan Phaolo II đã trình bày chúng khi chiêm ngắm quang cảnh Đức Kitô biến hình trên núi, để cho thấy tất cả vẻ đẹp của nó. Việc chiêm ngắm đó đưa tới những hệ luận cho cuộc sống: cố gắng sống cho xứng với lý tưởng đồng hóa với Đức Kitô, cách riêng trong tâm tình tri ân hiếu thảo với Chúa Cha, cũng như trong tâm tình phục vụ đến mức trao hiến mạng sống.

 
(còn tiếp)
 
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây