Thư chung số 119 - 08/2020

Thứ ba - 21/07/2020 11:18
Thư chung số 119 - 08/2020
Thư chung số 119 - 08/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 119 / Năm X
                     * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 08/ 2020
-------------  

THẦN HỌC VỀ ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN (1)

 
 Phan Rang, ngày 20.07.2020

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
         
Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.

Dù chúng ta đã sống lâu năm trong đời sống thánh hiến. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn cần phải nhìn lại căn tính đời tu của chúng ta xem chúng ta có còn đi đúng hướng không, hay đã chệch hướng lúc nào không hay. Mà người ta thường nói, sai một ly đi một dặm! Thật vô cùng nguy hiểm!

Hơn nữa, người ta cũng nói: thức lâu, chầu mỏi ! Chúng ta cần duyệt lại căn tính và đoàn sủng để kiểm tra lại xem chúng ta có còn nhiệt tình sống ơn gọi thánh hiến không, hay chúng ta đang mệt mỏi kéo lê đời tu trong bơ phờ chán chường!

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Xin thắp lại cho chúng con tình yêu Chúa và yêu mến ơn gọi đời tu của chúng con, ngõ hầu chúng con thực sự là chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa những ngừi chúng con chung sống, phục vụ.

Bài này trình bày văn kiện của ĐTC Gioan Phaolô 2 về đời sống tận hiến Vita consecrata, ban hành ngày 25/3/1996. Đây là một tông huấn đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng Giám mục họp hội tháng 10 năm 1994. Cách đay mấy năm, quý chị em đã suy niệm và học hỏi văn kiện này, khi tĩnh tâm năm, tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu tại Bãi Dâu, Vũng Tàu.Ttuy nhiên chúng ta vẫn cần ôn lại sự tiến triển của thần học về đời tận hiến từ công đồng Vaticano II, cũng như những vấn đề được Thượng hội đồng gợi lên, để từ đó dẫn nhập vào văn kiện của Đức Gioan Phaolô II. Mặc dù các chị em đã học hỏi Thông điệp này trong dịp tĩnh tâm tại Đan viện nữ Xitô tại Vũng Tàu, nhưng Anh Hai cũng mời gọi tất cả chúng ta cùng học hỏi lại dưới hình thức vắn gọn, có tính tổng hợp hơn.
 
  1. NHẬP ĐỀ
 
I. Thần học về đời sống tận hiến từ công đồng Vaticano II

Chắc là có người sẽ lấy làm chói tai nếu nghe nói rằng thần học về đời sống tận hiến mới phát triển từ công đồng Vaticano II! Thực ra thì đời tu trì đã xuất hiện từ lâu đời trong Giáo hội, và văn chương tu đức không thiếu những tác phẩm viết về đời tu. Tuy nhiên, vào thời trước công đồng, đa số những sách viết cho các tu sĩ đều mang tính cách luân lý và giáo luật, nhằm giải thích những bó buộc của lời khấn (khi nào thì việc vi phạm lời khấn sẽ mắc tội trọng, khi nào thì chỉ lỗi lời khuyên).

Công đồng Vaticano II đã mở ra một hướng mới cho thần học về đời tu, khi trình bày nó không phải như một bộ luật các nghĩa vụ phải giữ, nhưng như là một lý tưởng sống. Hiến chế về Hội thánh đã lòng đời tu trong ơn gọi nên thánh cũng như trong chiều kích cánh chung của Giáo hội. Sắc lệnh “Đức ái trọn hảo” (Perfectae caritatis) phân tích bản chất đời tu với ý niệm đi theo Đức Kitô (sequela Christi).

Sau công đồng, thần học về đời tu chú trọng tới ý niệm tận hiến (consecratio). Bộ giáo luật 1983 đã thu nhận đường hướng đó, và đã trình bày các chiều kích của sự tận hiến ở đ.573. Nội dung phong phú của ý niệm “tận hiến” được giải thích tường tận trong văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu sĩ” (năm 1983).

Song song với sự tiến triển thần học dựa trên ý niệm “tận hiến”, người ta ghi nhận một chiều hướng khác, dựa trên ý niệm đoàn sủng (charisma). Khuynh hướng này cho rằng ý niệm “tận hiến” nêu bật chiều kích thần bí của đời tu, thích hợp cho các Dòng chiệm niệm hơn là cho các Dòng hoạt động tông đồ. Mặt khác, ý niệm “tận hiến” hướng đến một mẫu số chung cho hết các Dòng tu, với nguy cơ là bỏ qua tính cách đa dạng của đời tu. Đối lại, ý niệm “đoàn sủng” vừa làm nêu bật tính cách năng động truyền giáo của đời tu, vừa nhấn mạnh tới tính chất đa dạng của các Dòng. Thêm vào đó, ý niệm “đoàn sủng” đề cao tác động của Chúa Thánh Thần, một nhân vật thường bị thần học lãng quên. Trong bài thuyết trình khai mạc các cuộc trao đổi ý kiến tại Thượng hội đồng năm 1994 (relatio ante disceptationem, no. 8-14), đức Hồng y Basil Hume cho thấy rằng thần học về “đoàn sủng” áp dụng vào đời tu đã mang lại hai sắc thái sau đây:

- đời tu một hồng ân mà Thánh Thần ban cho Giáo hội và nhân loại (chiều kích ngôn sứ):

- mỗi Dòng nhận được một căn cước riêng cần phải bảo vệ đoàn sủng của mỗi Dòng bao gồm một sứ mạng, một linh đạo, một nếp sinh hoạt, những yếu tố tạo nên gia sản tinh thần của Dòng.

II. Thượng hội đồng Giám mục năm 1994

Thượng hội đồng các Giám mục không phải là một diễn đàn để thảo luận các vấn đề thần học. Tuy nhiên, trong đời sống của Giáo hội, không thiếu lần những tư tưởng đã gây tác dụng (tích cực hay tiêu cực) không nhỏ đến sinh hoạt của Giáo hội. Do đó, các cuộc bàn luận mục vụ không thể nào bỏ Thần học về sự “tận hiến” đã bị tố giác vì tính cách hàm hồ của nó. Câu hỏi như thế này: sự “tận hiến” (hay “thánh hiến”) là một hành vi của con người hay là của Thiên Chúa? Tất cả các Kitô hữu đều đã chẳng được thánh hiến trong bí tích rửa tội đó sao? Như vậy sự thánh hiến của các tu sĩ có thêm cái gì mới lạ khác thường hay không? Thêm vào đó, tư tưởng “tận hiến” ra như chỉ nhấn mạnh tới chiều kích thiêng liêng của đời tu chứ không thúc đẩy họ tham gia vào hoạt động tông đồ.

Ngoài nền tảng đạo lý, Thượng hội đồng đã đương đầu với những vấn đề hoặc thách đố cụ thể của đời tu. Chúng tôi sẽ trở lại những vấn đề này khi phân tích nội dung tông huấn của đức Gioan Phaolô II. Ở đây chỉ nên ghi nhận vài nét đặc sắc của hội nghị này. Ngoài số 244 nghị phụ ( được cử theo quy luật chung). Đức Thánh Cha còn chỉ định 75 dự thính viên (51 nữ và 24 nam, thuộc về các Dòng tu, tu đoàn tông đồ, tu hội đời), 9 dự thính viên thuộc các Giáo hội ngoài công giáo, 20 chuyên viên (12 nam và 8 nữ). Hội nghị đã khai mạc từ ngày 2/10 và bế mạc ngày 29/10. Cũng như những lần trước, thượng hội nghị kết thúc với một sứ điệp gửi Dân Chúa, chứ không biểu quyết văn kiện nào. Các cuộc bản thảo được đúc kết thành 55 đề nghị (propositiones) trình lên Đức Thánh Cha. Đặc biệt, đề nghị số 3 yêu cầu ngài xác định bản chất thần học của sự tận hiến tu trì.

Đức Gioan Phaolô 2 không những đã tham dự các phiên họp của Thượng hội đồng nhưng còn đóng góp tích cực cho thần học về đời tu qua hai bài giảng Thánh lễ khai mạc (2/10) và bế mạc (30/10), cũng như một loạt bài huấn giáo trong các buổi tiếp kiến chung hàng tuần từ ngày 28/9/94 cho đến ngày 29/3/95.

III. Tông huấn “Vita consecrata”

Tông huấn này được ban hành ngày 25/3/96 và được giới thiệu cho báo chí ngày 28/3. Sau nhập đề (số 1-13), văn kiện được chia thành ba phần:

- Phần 1 Confessio Trinitatis, bàn về sự tận hiến xét trong chiều kích đối thần (số 14-40)

- Phần 2 Signum Fraternitatis, bàn về chiều kích thông hiệp của đời tận hiến (số 41-71)

- Phần 3 Servitium Caritatis (số 72-103). Sau những lời hô hào kêu gọi, văn kiện kết thúc với những kinh nghiệm hướng lên Chúa Ba Ngôi và đức Maria (số 104-112).

Về cấu trúc của văn kiện, nên biết là từ “tài liệu làm việc” (Instrumentum laboris) cho tới bản danh mục các đề nghị (propositiones), chúng ta đều thấy một thứ tự như nhau. Đời tận hiến cần được nhìn dưới ba chiều kích: hướng thượng, hướng nội và hướng ngoại, dưới ba chủ đề “consecratio – communio – missio” (thánh hiến – hiệp thông – sứ mạng). Đây là một mô hình Giáo hội học đã trở thành quen thuộc kể từ thượng hội đồng giám mục năm 1985. Khi trình bày văn kiện cho báo chí, đức hồng y Martinez Somalo (tổng trưởng bộ Tu sĩ) còn thêm rằng ba phần này đáp lại ba khát vọng của thời đại mà các tu sĩ cần đáp ứng: khát vọng giá trị tinh thần; khát vọng tình tương trợ; khát vọng bác ái vi lợi.

Văn kiện mang giọng văn của bài suy niệm và lời khuyến khích. Trong phiên họp của Thượng hội đồng, đã có nghị phụ yêu cầu Tòa thánh hãy nghiêm khắc lên án những lệch lạc của các tu sĩ, nguyên nhân của sự sa sút ơn gọi. Nhưng thay vì trách mắng, Đức Gioan Phaolo II chỉ nhẹ nhàng nhắc tới các khó khăn thách đố của đời tu (số 2; 13), các chước cám dỗ (số 38). Ngài muốn trình bày một viễn ảnh tích cực hơn, tạ ơn Chúa về hồng ân của đời tu, khuyến khích các tu sĩ hãy can đảm nhìn về tương lai (số 2; 13). Đặc biệt ngài đã trình bày vẻ đẹp (pulchritudo) của đời tu, và đay là một khía cạnh mới, lấy từ thần học Đông phương , được tiêu biểu với nhà thần học Simeon (949-1022) trích dẫn ở số 20. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (philocalia: số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27), và đồng thời cố gắng tu bổ hình ảnh của Thiên Chúa đã bị méo mó trên khuôn mặt của bao anh chị em đồng loại (số 75). Những ý tưởng vừa nói được quảng diễn khi chiêm ngắm quang cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi. Bức tranh này được đặt làm sườn cho cả văn kiện (số 15), biến nó thành một cuộc đàm đạo thiêng liêng, với những đề tài như là: “lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa”, cũng như những đề tài liên quan tới sứ vụ truyền giáo. Thực vậy, liền sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75): họ còn phải trèo lên một núi khác nữa, tức là núi Calvariô (số 14; 40). Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc. Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó chỉ mới là cái nhìn của truyền thống latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình (transfiguratio), từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa. Đức Gioan Phaolô 2 đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa biến hình: chủ để thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô.

Nói chung văn kiện này mang hình thức của một bài suy niệm, đặc biệt là ở phần thứ nhất. Dĩ nhiên, người đọc cần phải hòa đồng vào bầu khí đó thì mới nhận ra được vẻ phong phú của nó.

(còn tiếp)
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây