Thư chung số 121 - 10/2020

Thứ bảy - 26/09/2020 11:23
Thư chung số 121 - 10/2020
Thư chung số 121 - 10/2020
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 121 / Năm X
                    * * *                              
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 10/ 2020
-------------  
THẦN HỌC VỀ ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN (3)
Lm Giuse Phan Tấn Thành OP
 
                                                                                                                                                                           Phan Rang, ngày 20.09.2020

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
          Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa Giêsu ở cùng tất cả anh chị em.
         Chúng ta cùng nhau bước vào Tháng Mân Côi của Mẹ. Xin anh chị em mỗi anh chị em ít là dâng thêm 1 chuỗi để nhờ lời chuyển cầu rất thần thế của Mẹ, Chúa chúc lành và tạo điều kiện để Anh Hai sớm hoàn thành các dự định cho Tu Hội được kiện toàn và pháy triển.

       Tháng này, xin anh chị em tiếp tục học hỏi lạivề Tông Huấn “Vita Consecrata” của ĐTC Gioan-Phaolô II về Chiều Kích hướng nội của Đời sống thánh hiến.

C. CHIỀU KÍCH HƯỚNG NỘI CỦA ĐỜI SỐNG TẬN HIẾN

         Chương thứ hai của tông huấn “Vita Consecrata” mang tựa đề là “Signum Fratemitatis” (dấu chỉ của tình huynh đệ), bàn về chiều kích hướng nội của đời sống tận hiến. Đời sống tận hiến bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính khi chiêm niệm nguồn gốc của mình, các phần tử tận hiến cũng tìm thấy một mô hình kiểu mẫu để tổ chức đời sống cộng đoàn của mình: mô hình thông hiệp và huynh đệ (số 41). Từ đó, đời sống tận hiến trở thành dấu chỉ của sự thông hiệp của Giáo hội (số 42) và trở thành men bột để phát triển tình huynh đệ đại đồng của nhân loại, mục tiêu của công cuộc truyền giáo (số 47).

Trong chương hai, tông huấn đề cập đến những cấp độ khác nhau của sự thông hiệp:
         - Thông hiệp huynh đệ trong cộng đoàn (số 42-45);
         - Thông hiệp với Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo hội địa phương (số 46-51);
         - Thông hiệp giữa các dòng tu với nhau (số 52-53);
         - Thông hiệp với các giáo dân (số 54-56). 

Bên cạnh những giá trị có tính cách hằng cửu, tông huấn bàn đến một vài vấn đề cụ thể mà Thượng Hội đồng các Giám mục năm 1994 đã nêu ra.

Một cách cụ thể hơn, có 3 vấn đề mà chính thức Đức Gioan Phaolô II cho biết là sẽ thiết lập ủy ban để cứu xét, đó là:
          - Nội vi của các dòng kín (số 59)
          - Các tu sĩ không có chức thánh có thể làm bề trên trong các Dòng hỗn hợp (số 61)
          - Các hình thức tu trì mới chẳng hạn như mở rộng cho những người đã lập gia đình (số 62)
          - Phần chót của chương hai bàn về việc tuyển mộ ơn gọi và đào tạo (số 63-71)

Xét vì các vấn đề quá nhiều và phức tạp, nên tông huấn quy chiếu về những văn kiện của Toà Thánh đã ban hành trước đây, đặc biệt là 3 văn kiện sau:
        1/. Về đời sống huynh đệ, Vita fraterna in communitate, do bộ tu sĩ ban hành ngày 2-2-1994
        2/. Về tương quan giữa các giám mục và tu sĩ, Mutuae relationes, do Bộ Giám mục và Bộ Tu sĩ đồng ban hành ngày 14-5-1978
        3/. Về việc đào tạo, Potissimum insitutioni, do Bộ Tu sĩ ban hành ngày 2-2-1990

Chúng ta hãy rảo qua nội dung của chương hai, tóm lại trong hai mục chính: những cấp độ thông hiệp và việc đào tạo.

I. Những cấp độ thông hiệp 

Như đã nói, mẫu mực của sự thông hiệp là Ba Ngôi Thiên Chúa (số 41). Sự thông hiệp của các phần tử tận hiến cũng còn có giá trị tuyên xưng Ba Ngôi nữa: tuyên xưng Chúa Cha muốn quy tụ hết mọi người vào một gia đình; tuyên xưng Chúa Con đã nhập thể để thu thập những người lạc lối về làm một; tuyên xưng Thánh Thần là nguyên ủy của sự hiệp nhất của Giáo Hội (số 21). Ngoài mẫu mực từ Chúa Ba Ngôi, tông huấn còn trình bày một mẫu mực khác từ cộng đoàn các Kitô hữu ở Giêrusalem (số 45; xc. 41). Cảm hứng từ những khuôn mẫu đó, đời sống tận hiến muốn họa lại và xây dựng các cấp độ thông hiệp giữa các phần tử trong cộng đoàn, rồi từ đó mở rộng ra tới cộng đoàn Giáo Hội và xã hội nhân loại.

1/. Đời sống huynh đệ

Văn kiện của Bộ Tu sĩ năm 1994 (số 3) đã ghi nhận sự khác biệt giữa đời sống huynh đệ (Vita frate) và đời sống chung (Vita in conmmuni): đời sống huynh đệ là cái hồn, biểu lộ của tình yêu thương, đời sống chung là cái xác, nhằm bảo vệ và phát triển cái hồn. Luật lệ có thể truyền buộc tuân giữ đời sống chung (tham gia vào sinh hoạt cộng đoàn); nhưng chưa đủ để tạo ra đời sống huynh đệ. Sự phân biệt này được lặp lại ở số 42; xét về mặt pháp lý, chỉ có các phần tử của các dòng tu và của các tu đoàn tông đồ mới buộc phải giữ đời sống chung; còn đời sống huynh đệ là một yêu sách của hết các người tận hiến (dù là thành viên tu hội đời). Những yếu tố xây dựng đời sống huynh đệ là Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể và hòa giải, sự cầu nguyện, đoàn sủng của dòng, công hội các bề trên cũng có vai trò then chốt để xây dựng sự thông hiệp cộng đoàn (số 43). Số 44 dành cho những phần tử yếu đau già lão, một thực tại của nhiều cộng đoàn hiện nay bên Âu Mỹ.

2/. Sự thông hiệp trong Giáo Hội 

Đời sống tận hiến gắn chặt với bản tính của Giáo Hội; vì vậy mà các phần tử của đời tận hiến cũng cần cảm thấy gắn bó với Giáo Hội[2]. Trong mối tương quan của đời tận hiến với Giáo Hội, tông thư bàn tới hai cấp độ: 
       - Giáo Hội toàn cầu
       - Giáo Hội địa phương

         Mối tương quan với Giáo Hội toàn cầu được biểu lộ qua sự thông hiệp với Toà Thánh, và qua việc phục vụ các miền truyền giáo trên toàn thế giới (số 47). Mối tương quan với Giáo Hội địa phương được xét dưới nhiều khía cạnh.

       - Tương quan giữa các tu sĩ với các giám mục. Ngoài việc quy chiếu về Văn kiện “Mutuae relationes”, Tông huấn đưa ra vài đề nghị cụ thể: sự hiện diện của đại biểu các bề trên dòng tu cạnh Hội đồng Giám mục; và sự hiện diện của đại diện Hội đồng Giám mục cạnh Hiệp hội các Bề trên Thượng cấp (số 50). Sự đối thọai không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia, nhưng còn phải tiếp nối ở cấp độ giáo phận, đặc biệt là trong việc phối hợp các kế họach tông đồ. Giám mục không được phép cưỡng bách một dòng tu phải đảm nhận một công tác trái ngược với đặc sủng của họ; đối lại, một dòng tu cũng không được phép nại tới đặc ân miễn trừ để không cần đếm xỉa tới các kế họach tông đồ của giáo phận.

       - Tương quan giữa các dòng tu (số 52-53). Sự thông hiệp khởi đầu từ những dòng có cùng một linh đạo cần tiến tới hết tất cả các dòng, trong việc giúp nhau thi hành ơn gọi tận hiến. Sự hợp tác có thể diễn ra nhiều cách: qua các cơ quan (Hiệp hội các Bề trên Thượng cấp), qua việc tổ chức các cơ sở đào tạo, qua việc thông tin chia sẻ để nâng đỡ tinh thần trong những hoàn cảnh khó khăn của đất nước.

      - Tương quan giữa các tu sĩ và các giáo dân (số 54-56). Sự hợp tác có thể diễn ra trong nhiều lĩnh vực: hợp tác trong các công tác tông đồ: chia sẻ về tu đức linh đạo.

II. Công cuộc đào tạo 

         Sau khi đã nói tới việc cầu nguyện và tuyển mộ ơn gọi (số 64), tông huấn đã dành các số 65-71 cho công cuộc đào tạo. Các chi tiết đã được mô tả trong văn kiện của Bộ Tu sĩ “Potissimum institutioni” ban hành năm 1990. Ở đây chỉ cần ghi nhận vài nét chính.

       - Mỗi dòng tu cần phải soạn thảo một chương trình đào tạo (số 68). Ngoài ra, cần phải để ý tới việc huấn luyện các huấn luyện viên nữa (số 66). 
        - Sự đào tạo được hướng dẫn bởi hai tiêu chuẩn chính: trung thành với ơn gọi tận hiến, trung thành với đặc sủng của dòng (số 65; 71). Vì vậy sự đào tạo bao hàm nhiều khía cạnh: nhân bản, đạo đức, tri thức, chuyên nghiệp. Cách riêng số 98 đã khuyến khích các tu sĩ hãy chuyên cần học hành. Sự học hành không những trau dồi kiến thức mà còn là phương thế khổ chế nữa.
        - Sự đào tạo kéo dài suốt đời. Tiếp theo sựd đào tạo khởi thủy (hướng tới việc nhận ra ơn gọi và dấn thân vĩnh viễn trong Dòng tu) là sự đào tạo liên tục, cần được nhấn mạnh vào những thời điểm thường gây ra khủng hoảng, được kể ra ở số 70: những năm đầu va chạm với thực tế: khi công việc trở thành máy móc: khi bản lĩnh đồng nghãi với ích kỷ: khi rút lui về hưu dưỡng: lúc sắp tạ thế.

Tạm Kết: Những vấn đề linh tinh 

Có 3 vấn đề được trao cho ủy ban cứu xét. 

        1/. Nội vi của các dòng kín (số 59). Có lẽ vấn đề được đặt ra không phải là cho phép các chị dễ đi ra cho bằng là cho phép người ngoài để đi vào. Nói cách khác, có nên để cho các chị nhà kín cũng được đảm nhận vài công tác tông đồ: mở trường học, trung tâm cấm phòng tại tu viện…
       2/. Trong những dòng “hỗn hợp” (Instituta mixta, số 61), nghĩa là gồm bởi những tu sĩ không có chức thánh. Theo Giáo luật hiện hành, chỉ có những ai có chức thánh mới có thể nắm quyền cai quản. Vài dòng đã yêu cầu cho hết tất cả mọi người, bất luận có chức thánh hay không, cũng đều có thể làm bề trên. Nên biết là vấn đề chỉ được đặt ra cho các dòng hỗn hợp theo nghĩa chặt, nghĩa là vào hồi nguyên thủy chưa có sự phân biệt giữa tu sĩ và giáo sĩ (thí dụ: Dòng Biển Đức, Phan Sinh). Còn những dòng nào đã được định nghĩa là “tu huynh” (frères, thí dụ Dòng Bệnh viện, Sự huynh Lasan) hoặc “giáo sĩ” (Dòng Đaminh, Dòng Tên) thì khác (số 60).
        3/. Những hình thức tu trì mới (số 62). Đừng kể những tu viện “kép” (nam nữ ở cạnh nhau), có nơi còn thâu nhận cả những phần tử đã lập gia đình vào tu nữa.

      Riêng về mối tương quan giữa giáo dân với các tu sĩ, thiết tưởng không nên bỏ qua những gợi ý ở các số 54-55. Trước đây, chỉ có những dòng cổ (chẳng hạn: Biển Đức, Phan Sinh, Đa Minh, Cát Minh) mới có dòng ba; nhưng gần đây nhiều dòng mới lập cũng có những hiệp hội tương tự giành cho những giáo dân muốn chia sẻ linh đạo của mình. Hơn thế nữa, có những dòng còn chấp nhận cho những giáo dân thiện nguyện được kết nạp một thời gian, và cũng được tham gia vào các hoạt động của dòng.

        Sau cùng, một câu chuyện khá sô nổi trong thời gian họp Thượng Hội đồng là vai trò của nữ giới. Tông thư đã dành hai số 57-58 để tri ân các phụ nữ, cũng như mời gọi họ đào sâu thêm thiên chức của mình, tựa như: dấu chỉ của khuôn mặt dịu dàng âu yếm của Thiên Chúa, dấu chỉ của Giáo Hội vừa trinh khiết vừa hôn thê và mẹ. Bao nhiêu môi trường đang chờ đợi sự góp phần của các nữ tu: rao giảng Tin Mừng, giáo dục thanh thiếu niên, đào tạo chủng sinh và tu sĩ, linh hoạt các cộng đoàn tín hữu, linh hướng, thăng tiến nhân phẩm, bảo vệ sự sống và hòa bình.

(còn tiếp)
 
 
 

Tác giả: thtscgs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây