Thư Chung số 77 - 03/2017

Thứ bảy - 20/05/2017 12:04
Con người sinh ra, sống, yêu thương và làm việc trong khung cảnh những tương quan liên vị. Nhu cầu giao tiếp được thực hiện qua truyền thông và mối liên hệ với những người khác. Cần có thời gian và sự kiên trì để việc truyền thông đạt đến mức độ cao nhất và hoàn hảo bao nhiêu có thể. Nhất là cần “bầu khí tương quan” (bầu khí thân tình, ấm cúng) giúp đưa vào những tương quan tích cực và mời gọi thăng tiến để vui sống hài hòa với nhau và tự ý trao đổi đối thoại với nhau, giúp hiểu nhau và chấp nhận nhau.
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 03/ 2017
-------------  
TRUYỀN THÔNG TIN MỪNG TRONG ĐỜI NGƯỜI TẬN HIẾN

HUẤN LUYỆN TRUYỀN THÔNG NHÂN BẢN (Liên vị).

 
Phan Rang, ngày 20.02. 2017
Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,
            Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.

            Tháng trước, chúng ta đã học hỏi về Bản chất, Mục Đích và Tầm quan trọng của TRUYỀN THÔNG trong Xã hội cũng như trong Đời Sống Thánh Hiến.

            Tháng 03, thánh GH dành riêng để tôn kính Thánh Giuse – Bổn Mạng Tu Hội. Xin anh chị em sốt sắng và tích cực làm một vài việc cụ thể biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính Ngài và tha thiết xin Ngài chuyển cầu cho anh chị em trong Tu Hội thật tình yêu thương nhau, quan tâm đến nhau, sống hiệp nhất với nhau. Đồng thời xin Chúa ban thêm ơn gọi mới cho cả 2 Ngành Nam Nữ và cầu nguyện theo ý Anh Hai.

            Tháng này, chúng ta tiếp tục học hỏi Nội Dung bài Thuyết Trình của Cố Đức Ông Phêro Tài về vấn đề Huấn Luyện Truyền Thông Nhân Bản.

Dẫn nhập

            Con người sinh ra, sống, yêu thương và làm việc trong khung cảnh những tương quan liên vị. Nhu cầu giao tiếp được thực hiện qua truyền thông và mối liên hệ với những người khác. Cần có thời gian và sự kiên trì để việc truyền thông đạt đến mức độ cao nhất và hoàn hảo bao nhiêu có thể. Nhất là cần “bầu khí tương quan” (bầu khí thân tình, ấm cúng) giúp đưa vào những tương quan tích cực và mời gọi thăng tiến để vui sống hài hòa với nhau và tự ý trao đổi đối thoại với nhau, giúp hiểu nhau và chấp nhận nhau. Thực tế trong cộng đoàn, chúng ta thường trải qua kinh nghiệm này là chúng ta tự nhiên thấy mình dễ nói chuyện trao đổi với người này, còn với vài người khác thì không. Với những người này thì nói liên tu bất tận, còn với nhóm người khác thì không thèm để ý đến, ngay cả việc khởi đầu câu chuyện cũng là điều không thể.

            Mỗi người trong chúng ta mang  “một bầu tâm sự” bao gồm những giá trò, những tâm tình, những cảm xúc, những kinh nghiệm, để được đem chia sẻ với kẻ khác; và cuộc đối thoại được khai triển khi ở đâu người ta ý thức  được về “tâm sự” của kẻ khác và có những điều kiện  cần thiết cho sự chia sẻ trong tình yêu thương và tương kính. Truyền thông và lắng nghe,  được thực hiện, khi sự khác biệt giữa tôi và người khác được chấp nhận, khi Tôi và Người Khác nhìn nhận nhau, biết những khác biệt của nhau, cảm nếm niềm vui khi được chia sẻ cho nhau, hay ngược lại, cảm thấy “mất mát”, tiếc nuối khi biết được rằng những khác biệt đó không phù hợp với những chờ đợi riêng, không dẫn đến tương quan đối thoại với nhau.

            Khi truyền thông chỉ quy hướng về những vụ lợi cho riêng mình hay những nhu  cầu riêng, thì truyền  thông không còn là đối thoại mà là độc thoại khô cằn. Lúc đó, trong “truyền thông-độc thoại” này, người ta chỉ nhìn thấy những tâm tình đau khổ, khinh thị, mỏng dòn tạm bợ, ganh tị, thụ động, tiêu cực, mưu cầu sự tuỳ thuộc, ước muốn thống trò, sự phản bác và phủ nhận nhau. Tâm tình tiêu cực đó ảnh hưởng mạnh trên tiến trình truyền thông, lèo lái lựa lọc truyền thông, giải thích sứ điệp của người khác theo quan điểm riêng. Những tâm tình tiêu cực đi kèm theo truyền thông dẫn ta đến việc làm méo mó không những nội dung mà kẻ khác muốn thông truyền mà còn làm méo mó chính liên hệ giữa các đương sự. Những tâm tình tiêu cực đó có thể làm ô nhiễm bầu khí ấm cúng và việc truyền thông, và là gốc rễ của nhiều khó khăn cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn. Chẳng hạn như khi trong truyền thông có sự bất nhất giữa điều người ta nói và điều người ta sống, thì các đương sự cảm thấy chính sự tự trọng và căn cước của mình bị xúc phạm, và do đó họ cho dựng lên những hệ thống tự vệ mà cuối cùng về lâu về dài làm băng hoại sự thông truyền và cổ võ cho những nếp sống không trung thực và không phù hợp với đời sống chung.  Vì thế cần có sự đồng quy giữa lời nói, ý nghĩa của lời nói, và cử chỉ diễn tả lời nói. Không thể nào nói lời chào chúc, hoặc trao đổi cái hôn bình an cho một ai đó mà mắt nhìn vào chỗ khác hay với thái độ lạnh lùng, hay chỉ theo hình thức, hoặc với cái hôn giả tạo, cái bắt tay gượng gạo. Lời nói, ý định, cái nhìn và cử chỉ phải cùng quy về một hướng, nếu muốn gởi đi một sứ điệp cách hiệu quả để không rơi vào cảnh truyền thông lộn xộn mâu thuẫn. Nguy hiểm này càng có thể xảy ra, khi việc truyền thông mang tính cách phức tạp và đa thức đa biệt.

            Vì thế cần đặc biệt chú ý đến “truyền thông giữa người với người” để phát triển cộng đoàn. Nếu mỗi thành phần “truyền thông” với nhau mỗi ngày càng đích thực hơn, thì cách hành xử của mỗi thành phần sẽ càng ngày càng có tính cách xây dựng hơn. Truyền thông đích thực sẽ giúp cho đương sự  được trưởng thành. Vì thế cần phải giáo dục biết “truyền thông” và lắng nghe cho mọi thành phần, nhất là cho những người lãnh đạo cộng đoàn. Công việc của người lãnh đạo được hữu hiệu hơn, bởi vì công việc đó cho phép các thành phần mang những cố gắng truyền thông lành mạnh đến gần với những mục tiêu chung của đời huynh đệ, vừa tận dụng năng lực và các phương tiện, ngõ hầu tất cả cùng dấn thân đề đạt đến các mục tiêu đó.

Xin mời cùng suy nghĩ về các điểm sau đây:

1/. TẠO TƯƠNG QUAN TÍCH CỰC GIỮA LỜI NÓI (Thông Tin) VÀ THỰC TẾ SỐNG.

            Con người đang có trong tay những phương tiện truyền thông rút gọn khoảng cách và thời gian. Toàn cầu trước đây vài chục năm đã được thu nhỏ thành một làng một ấp; nay được thu nhỏ thành một căn phòng, và cuối cùng thành một màn hình máy vi tính, một màn hình máy điện thoại thông minh...và trong tương lai đang tiến gần thành như mặt đồng hồ. Thế nhưng, không ai có thể “lấy thước mà đo lòng người”. Con người có thể bọc lại “nội tâm mình” trong một cõi riêng, với những dự án riêng, những ý riêng, bất khả xâm phạm, với thái độ bỏ mặc kẻ khác. Con người cô đơn, đóng kín chính mình, không quan tâm gì đến kẻ khác. Kẻ khác trở thành kẻ vô danh, dù sống trong cùng một cộng đoàn, hay trong cùng một nhà. Đương sự có thể nhận tới tấp hàng ngàn thông tin trong ngày, và quên mất người hay những người cụ thể đã gởi đi những thông tin đó. Cộng đoàn những người tận hiến không nên cho phép xảy ra những tiêu cực như thế. Cần làm sao để truyền thông phong phú hoá chúng ta, xây dựng cái “chúng ta” chung với nhau, giúp ta “nếm” được cái hay của những sứ điệp khác biệt, và giúp ta yêu thương người anh chị em mình bằng tình yêu của Chúa Kitô. Như thế, truyền thông (bằng lời nói hay bằng cử chỉ) ảnh hưởng trên cách hành xử. Truyền thông cổ võ sự gặp gỡ giữa người với người, giúp con người thoát ra khỏi cảnh cô đơn, tạo dịp cho cuộc đối thoại, biến con người thành kẻ biết tham dự. Mỗi người thoả mãn được nhu cầu “sống với kẻ khác” , tìm về hợp đoàn với kẻ khác, để cùng nhau phát triển sự cộng tác, tình liên đới, sự tôn trọng nhau.

            Trong việc “truyền thông xây dựng cộng đoàn”, chúng ta có thể quan sát thấy rằng một “sứ điệp” (lời nói ra) không chỉ  trao chuyển một hay nhiều thông tin đơn thuần, mà còn đồng thời đề nghị một lối đối xử giữa những con người đang thông truyền với nhau. “Truyền thông không phải là một hiện tượng diễn ra theo đường thẳng, nhưng là một “sinh hoạt” trao đổi liên vị trong đó những ai tham dự vào, có ảnh hưởng trên nhau và “kiểm soát” (điều kiện hoá) lối cư xử của nhau.” Sứ điệp (lời nói ra) ở bình diện một thì chuyển tải thông tin; ở bình diện hai thì diễn tả một đòi hỏi (hay một nhu cầu) hướng đến tương quan giữa những người đang thông truyền với nhau, nghĩa là cung cấp những chỉ dẫn về việc phải làm sao để giải mã nội dung của sứ điệp được thông truyền.

            Mỗi “sinh hoạt” truyền thông là một cách thức để đặt đương sự vào trong một tương quan, một “chấp nhập” kẻ khác. Tương quan này giả thiết phải có một nội dung để thông truyền và một ý chí để thông truyền nội dung đó. Trong sinh hoạt truyền thông, mỗi bên biểu lộ cái tôi đích thực cách  trọn vẹn hoặc bán phần, để được chấp nhận và được lắng nghe. Từ đây bắt đầu thái độ  tin nhau và phó thác cho nhau. Như thế, sinh hoạt truyền thông liên tục tạo ra và biến đổi những tương quan giữa người với người. Trong khung cảnh nầy, ý nghĩa của một biến cố không giống y như nhau cho tất cả mọi người, bởi vì mỗi người nhận xét, cảm nghiệm, và sống biến cố đó một cách khác nhau. Nhưng nhờ truyền thông, mỗi người có dịp bước vào gặp gỡ với cái khác biệt nơi người khác. Ngoài ra, trong sinh hoạt trao đổi truyền thông, cả hai người (gởi đi và nhận lại) cả hai cùng phải cố gắng giúp nhau đạt đến sự thật khách quan. Chính sự thật nầy mới là yếu tố chính liên kết họ chung lại. Trong “đối thoại truyền thông” không phải là vận dụng hết mọi phương thế để đạt thắng lợi trên đối tác, nhưng là cố gắng của mỗi bên, để đạt đến cái chung. Đây là một cuộc biến đổi trong đó cả hai người  không còn ở trong vị thế giống như trước khi dấn thân vào trong sinh hoạt truyền thông. Cách cụ thể, khi con người thông truyền với nhau, thì  họ tự ý bước vào trong tương quan với nhau và thay đổi cách hành xử với nhau. Những tương quan này—tự ý và cùng chia sẻ với nhau—cho phép con người củng cố những liên lạc và tiếp nhận những nội dung của sinh hoạt truyền thông mà họ dấn bước vào. Chúng ta cần lưu ý thêm rằng nội dung của truyền thông và tương quan giữa những con người trong sinh hoạt truyền thông, luôn có ảnh hưởng trên nhau. Bầu khí tương quan tốt -khi có sự tôn trọng và tin tưởng- làm cho dễ chú ý hơn đến nội dung của truyền thông. Ngược lại, nếu bầu khí tương quan trở nên bệnh hoạn do bởi những xung đột hay căng thẳng, thì nội dung của truyền thông ít được chú ý đến.

2/. LẮNG NGHE ĐỀ NGHỊ.

Để truyền thông thật sự, cần biết lắng nghe.

Trong cộng đoàn, người nào sẵn sàng lắng nghe, thì chắc chắn người đó sẽ góp phần nhiều vào trong việc xây dựng những tương quan liên vị tích cực. Nhưng thường tình con người ít có thói quen lắng nghe: chúng ta biết viết, biết đọc, biết nói, biết hát, v.v... nhưng không biết lắng nghe, hay đúng hơn không học lắng nghe. ... Người ta hiểu lầm rằng lắng nghe che dấu một thái độ thụ động. Nhưng lắng nghe kinh nghiệm sống của kẻ khác là một hành động thật sự tích cực, bởi vì nó đòi hỏi một sự hiện diện với hết sức chú ý có thể đến những gì kẻ khác cống hiến cho ta, qua lời nói, cử chỉ, lối hành xử. Biết lắng nghe như thế là một việc cực nhọc, vì đòi hỏi sự tập trung tinh thần, kiểm soát phản ứng tình cảm, làm chủ cảm xúc, nhất là khi người khác trình bày cái nhìn khác, suy nghĩ khác, không giống và không đúng theo cách chúng ta nhìn sự vật.

3/. NHỮNG RÀO CẢN TRONG TRUYỀN THÔNG.

             Đặt  mình vào trong  tương quan truyền thông với kẻ khác là đặt mình vào trong dòng chảy của tương quan hỗ tương, một công việc đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, mà người lãnh đạo cộng đoàn tận hiến có trách vụ làm trung gian và giải thích những yếu tố của tương quan truyền thông này.

            Rào cản  thứ nhất là cảm xúc. Vì lý do liên hệ tình cảm, người truyền thông có thể thay đổi nhận định của mình về tương quan truyền thông. Nếu khía cạnh tình cảm ở mức quá cao, làm chủ thống trò, thì chúng ta có nguy hiểm làm mất tính cách đặt biệt của sứ điệp được kẻ khác gởi đến, vì lúc đó chúng ta quá bận tâm bảo vệ lập trường của mình, hoặc bận lo tấn công những lập trường của ngưởi khác. Tuy nhiên, một chút thiện cảm (empathy)  đối với kẻ khác có thể làm cho ta chú ý hơn, ý thức hơn về điều đang xảy ra, để tiếp nhận những thực tại khác nhau hiện diện trong tương quan liên vị.

            Rào cản thứ hai: thái độ chủ quan giải thích thực tại theo ý riêng mình. Một người có tính hay ganh tị trong cộng đoàn thì hay giải thích những gì kẻ khác nói hay làm như là những xác nhận cho sự ganh tị của mình là đúng. Củng cố thêm cho thái độ chủ quan là những ý kiến riêng, những cách suy nghĩ, những niềm tin vớ vẩn, những thành kiến và tiên kiến. Những điều này không giúp ta tiếp nhận những gì thực sự xảy ra quanh ta.

Rào cản thứ ba: khuynh hướng chúng ta nhìn sự việc đến với chúng ta trong sinh hoạt truyền thông, trong lăng kính vai trò chúng ta đóng. Đây có thể được gọi là sự méo mó nghề nghiệp. Ý thức quá mạnh về vai trò riêng của mình có thể làm méo mó thái độ của mình và làm ta không thích nghi được nữa với những hoàn cảnh mới.

Rào cản thứ tư : tuyệt đối hoá khía cạnh lý trí của những gì được nói ra làm ta bỏ quên khía cạnh tâm lý. Đừng quên rằng: “Con tim có cái lý riêng của nó”. Chỉ dừng lại ở nội dung của lời nói, chỉ biết đến ý nghĩa “trí thức” của lời nói, làm ta quên mất những ý nghĩa khác nữa mà người khác muốn nói đến trong sinh hoạt truyền thông. Thí dụ: khi một nữ tu về nói với bề trên: trong trường con học, ai ai cũng có máy vi tính! Thì bề trên đừng khô khan chỉ nghĩ như thế, mà hãy nghĩ: nữ tu nầy muốn xin máy vi tính, muốn được như bao kẻ khác trong trường!

            Đó là những rào cản chính. Chúng làm cho ta nhìn thực tại qua “lăng kính” lọc lựa, chỉ nhận và hiểu những gì phù hợp với cái nhìn của mình. Để vươn tới quan điểm của kẻ khác, chúng ta cần thoát ra khỏi những “thói quen”, những lăng kính hay mặt nạ, để đặt mình trong một “góc độ khác”, biết chú ý đến khía cạnh khác, tìm hiểu một tâm lý một nhân cách khác. Cần luôn đặt mình vào dòng chảy luyện tập liên tục giúp ta biết canh tân kiểu cách truyền thông của mình, nhắm đạt đến hiệu quả tối đa là sự thông hiểu nhau mỗi ngày một trọn vẹn hơn.

4/. NHỮNG KHẢ THỂ CỦA TRUYỀN THÔNG:

            Huấn luyện truyền thông mở ra cho chúng ta những khả thể  sau đây:

            Đó là Biết Chú Ý đến yếu tố CON NGƯỜI trong TRUYỀN THÔNG.

Trong truyền thông liên vị, cần hướng về nhau cách thể lý và tâm lý, để có thể tiếp nhận ý nghĩa của quan điểm khác nhau, để tiếp cận được với thực tại theo như người kia tiếp cận. Điều nầy có nghĩa là đáp ứng với sự khác biệt của người kia và với cách thức người đó đặt mình trong tương quan với ta. Từ quả quyết trên ta có thể rút ra vài nguyên tắt sau đây:

1). Điều quan trọng là biết tiếp nhận hoàn cảnh đúng như nó được các đối tác truyền thông sống. Kinh nghiệm sống của đối tác được tiếp nhận như là “thành phần” không thể tách rời của sinh hoạt truyền thông; và như thế cho thấy là người truyền thông chia sẻ cái gì đó thật quan trọng trong đời sống và kinh nghiệm của đối tác.

2).  Hơn nữa, cần hiểu biết rõ những cách thế được người kia dùng để diễn tả, để nói lên điều gì đó có ý nghĩa trên bình diện tâm lý. Điều quả thật quan trọng là người truyền thông có khả năng tiếp nhận những “biểu hiện tương quan” qua đó người này bước vào trong thế giới truyền thông của người kia. Những biểu hiện tương quan trực tiếp rõ ràng là những cách thức trực triếp để diễn tả và chia sẻ những tâm tình bên trong, làm cho người ngoài có thể nhận ra được, như  nụ cười, cách cười,...., bộ diện nói lên lo lắng, bất an, cách thinh lặng, ....

Thêm vào đó, ta cần quan sát chính những biểu hiện của mình nhờ qua “phản ứng” của người khác làm ta ý thức hơn về những gì xảy ra trong sinh hoạt truyền thông. Ta cần chú ý quan sát tiến độ của mối tương quan liên vị, để hiểu hơn về tình trạng truyền thông đang có.

5/. KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG trong  LÃNH ĐẠO.

Cảm nhận, hiểu, tiên liệu những thái độ của anh chị em trong truyền thông là bước cần thiết đầu tiên trong diễn tiến giao tiếp năng động giữa người với người trong cộng đoàn.

Người lãnh đạo cần :

1. tạo điều kiện dễ dàng cho dòng chảy thông tin trong cộng đoàn;

2. Biết lắng nghe khi thi hành vai trò nhận truyền thông (cảm nhận, làm sáng tỏ, ôn lại cách tổng hợp “mã hoá lại” với người truyền thông).

6/. CẦN NÂNG ĐỠ cho TruyỀn thông trong cỘng đoàn.

Ngoài việc tạo điều kiện cho các thành phần cộng đoàn truyền thông với nhau, người lãnh đạo còn cần bảo trì và nâng đỡ bầu khí giúp cho các thành viên truyền thông với nhau cách đích thực và thành thật. Ít nhất người lãnh đạo cần thực hiện  ba điều chính yếu sau đây: 1. Củng cố, 2. Nói lên thiện cảm; 3. Tự biểu lộ mình.

1. Củng cố.  Sự nâng đỡ ảnh hưởng trên sinh hoạt truyền thông sao cho mọi người tiếp tục công việc xây dựng tương quan hỗ tương lành mạnh, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và trên xác tín rằng con người có thể sống cởi mở với nhau. Với sự củng cố này, người lãnh đạo định hướng và gia tăng công việc của nhóm. Đôi khi, vì quá bận, người lãnh đạo không chú ý đủ đến việc khuyến khích, đến sự kiểm soát và thẩm định sự đóng góp của kẻ khác. Ngõ hầu sự nâng đỡ nên hữu hiệu, thì nó cần phù hợp cách thiết thực và gắn liền với điều mà con người nói hoặc làm, mà không quá phóng đại cách vô ý thức.

2. Biểu lộ sự nồng ấm và thiện cảm. Bằng cách nầy, người lãnh đạo nói lên thái độ sẵn sàng và  quan tâm muốn hiểu kẻ khác, vừa cổ võ bầu khí cộng tác và liên kết với nhau, ngõ hầu giúp cho cộng đoàn đạt đến những mục tiêu chung.

3. Tự biểu lộ mình. Người lãnh đạo “giới thiệu mình” cách trung thực qua những biểu lộ kinh nghiệm sống, chia sẻ những nhận định riêng. Việc người lãnh đạo nói lên những kinh nghiệm riêng dẫn đến kiểu mẫu cởi mở về truyền thông, trong đó cá nhân được mời gọi cởi mở chính mình, không còn núp  sau những mặt nạ, hay trong những tự vệ. Như thế, khi tự biểu lộ chính mình trong cộng đoàn, người lãnh đạo khuyến khích kẻ khác cởi mở chính mình và chia sẻ những kinh nghiệm riêng, những cảnh sống riêng, và như thế gia tăng uy tín và đáng được tín nhiệm.

7/. VÀI KẾT LUẬN GIÚP TRUYỀN THÔNG HỮU HIỆU.

Truyền thông hữu hiệu không phải là chuyện đơn giản. Cần có thời gian luyện tập và luyện tập không ngừng.

Cần tạo ra “khoảng rộng” chung trong đó những sinh hoạt truyền thông phát triển được những tương quan đích thực giữa những thành phần của cộng đồng. Sự chú ý và tôn trọng có mặt trong sinh hoạt truyền thông không loại trừ những khác biệt trong các ý kiến, các niềm tin, các nền văn hoá, nhưng ngược lại làm cho chúng được tăng giá trò cách mới mẻ và hữu hiệu.

Nguyên tắc tạo dựng “sân chơi” nói trên là mối giây yêu thương lẫn nhau, nhờ qua đó người ta thiết lập sinh hoạt truyền thông giữa các thành phần của cộng đoàn. Để thực hiện tình thương hỗ tương này, cần có những thái độ biết tôn trọng tự do và phẩm giá của kẻ khác, cần những lối cư xử thân thiện, sự sẵn sàng, chân thành và biết cho đi.  Chúng ta thường nghe nói rằng để lãnh đạo một cộng đoàn thì cần phải đặt tất cả mọi người trên cùng một “mặt bằng” như nhau,  để cùng chung giữ luật hay những đoàn sủng chung. Có lẽ không nên nghĩ như vậy nữa! Sự biến đổi từ cái “TÔI”  thành “Chúng Tôi”, là công việc liên lỉ quay trở về với “người khác” nhờ qua sự “hiểu biết” và nhìn nhận những khác biệt của tôi và của kẻ khác. Đây là một tiến trình lôi cuốn bề trên và cộng đoàn vào tiến trình dấn thân chung, đầy cương quyết, đôi khi cũng đầy đau khổ, nhưng chắc chắn là một dấn thân làm phong phú cho nhau, bởi vì nó dẫn đến việc khám phá hồng ân hiệp thông mà Thiên Chúa luôn tuôn đổ xuống trên Giáo Hội và trên toàn thế giới.  Cộng đoàn những kẻ tận hiến, với ý thức trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng tình hiệp thông huynh đệ,  trở thành dấu chỉ cho khả thể sống tình huynh đệ kitô, vừa là dấu chỉ cho giá trò cần phải trả để xây dựng bất cứ cộng đồng huynh đệ nào.

                Mến chúc anh chị em luôn dồi dào sức khỏe và bình an trong tình yêu qua phòng của Chúa chúng ta.
 
Anh Hai DOAN VINH

Tác giả: Đức Ông Phêrô Nguyễn văn Tài

Nguồn tin: LHBTTCVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây