Thư Chung số 84 - 10/2017

Chủ nhật - 24/09/2017 12:20
    Giáo Phận Nha Trang
Tu Hội Thừa Sai Chúa Giêsu
       Thư số 84 / Năm VII
                    * * *                                         
LÁ THƯ ANH TỔNG PHỤ TRÁCH
Tháng 10/ 2017
-------------  

CỘNG ĐOÀN TU SĨ THI HÀNH SỨ MẠNG (1)
 
Phan Rang, ngày 20.09. 2017

Thưa quý Anh Linh Mục,
Toàn thể anh chị em TSCG quý mến,

             Anh Hai thân ái gửi lời chào và phúc lành bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.
            Tháng này Anh Hai mời anh chị em cùng học hỏi về đề tài “Cộng đoàn tu sĩ thi hành sứ vụ”, qua đó chúng ta hiểu thêm về vai trò, và trách nhiệm không những của các anh chị mang trọng trách lãnh đạo để biết cảm thông và cộng tác vì lợi ích của toàn thể cộng đoàn, mà còn ý thức về chính trách nhiệm của từng người và cả cộng đoàn chúng ta trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng trong Hội thánh.

Bài thuyết trình này gồm ba phần:
             I. Thực tế: an ủi và sầu khổ
            II. Về nguồn: Kinh Thánh, huấn quyền, đặc sủng - linh đạo
           III. Nhà lãnh đạo và cộng đoàn: bản thân vị lãnh đạo, tương quan, khó khăn cần vượt qua
 
 Vài câu hỏi mở đầu:

     1.      Liệu có một cộng đoàn tu sĩ được hình thành mà lại không có sứ mạng gì không?
     2.      Thử nhìn lại xem cộng đoàn của tôi đang thi hành sứ mạng gì và thi hành thế nào?
     3.      Khi thi hành sứ mạng, có thể có khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua?
 
 Chúng ta dành ít phút để suy nghĩ về điều đó.
 Giờ đây, chúng ta đi vào phần đầu của bài thuyết trình.
 
 I. THỰC TẾ
 
 Khởi đi từ việc thi hành sứ mạng trong các cộng đoàn tu sĩ, chúng ta có thể thấy nhiều điều tích cực và nhiều điều làm chúng ta trăn trở. Thực tế, đây là những điều con nghe được từ đây đó.
 
 A.    An ủi
 
-               Cha ơi! Chúng con rất hạnh phúc khi được sống trong cộng đoàn này. Ai cũng có sứ mạng của mình, nhưng chúng con vẫn thường chia sẻ để nâng đỡ nhau mỗi dịp gặp mặt.
 -          Cha ơi! Cộng đoàn chúng con vừa quyết định bỏ một việc vì nó làm chúng con bận lòng với vật chất, chứ không phải là thi hành sứ mạng Chúa trao. Chúng con được qui tụ đâu phải để kiếm tiền!
 -          Cha ơi! Con rất vui vì có sự quân bình trong đời sống cộng đoàn. Các mặt thiêng liêng, nhân bản, trí thức và tông đồ đều được phát triển.
-           Cha ơi! Bề trên chúng con thật tuyệt! Anh luôn quan tâm đến cộng đoàn, đến từng người và làm gương cho anh em. Anh cũng trực tiếp làm việc tông đồ nữa.
-           Cha ơi! Việc phục vụ ở nhà trẻ của cộng đoàn chúng con là cơ hội để chị em ý thức về việc giáo dục mang tính nền tảng cho xã hội, một xã hội mà đạo đức xuống cấp trầm trọng.
-           Cha ơi! Con đi phục vụ ở nơi xa và anh em con nâng đỡ con nhiều lắm, dù anh ấy khác với con nhiều. Nếu không có anh em, con không biết thế nào.
 
 B.     Sầu khổ
 
-           Cha ơi! Bề trên con khó tính quá! Tất cả chị em đều sợ, không dám làm gì trái ý ngài. Chẳng ai dám có sáng kiến tông đồ.
-           Cha ơi! Các em nhà con khó bảo quá! Con nói một đàng, họ làm một nẻo!
-          Cha ơi! Con là giáo dân và con biết có nhà dòng nọ mở trường mẫu giáo thật to và đẹp, nhưng học trò phải đóng rất nhiều tiền mới được                            nhận.
-           Cha ơi! Các em trong nhà chúng con đi làm mục vụ và bị cha xứ không tin tưởng, lại còn chèn ép và khinh thường.
-          Cha ơi! Con thật sự không biết làm sao, vì khi đi phục vụ con bị lạm dụng. Con không đủ can đảm để chia sẻ với chị em hay trình bày với                           bề trên.
 -          Cha ơi! Làm sao lại có chuyện bề trên và bề dưới thương riêng nhau? Lệch lạc như vậy thì làm sao mà có tự do để đi phục vụ nơi khác!
 -          Cha ơi! Tại sao chị ấy luôn được bề trên quan tâm, tin tưởng, trao sứ vụ, còn con thì không?
 -          Cha biết không, có cộng đoàn tối ngày chỉ có luẩn quẩn với những chuyện làm ăn, chẳng biết gì đến truyền giáo cả.
 -          Cha ơi! Con đã suy nghĩ kỹ và con quyết định sẽ không đi tu, vì con thấy các sơ chẳng chịu đi loan báo Tin Mừng!
 
Hãy nghĩ đến thực tế của đời tu chúng ta. Có lời nào giống với tình trạng của cộng đoàn của tôi không?
 
II.  VỀ NGUỒN
           Giờ đây, ta cùng trở về với nguồn cội của cộng đoàn để xem việc thi hành sứ mạng được diễn ra thế nào.
 
A/.     Lời Chúa

         Trước hết, chúng ta xem Lời Chúa nói gì về điều này. Trong Kinh Thánh, các cộng đoàn được thiết lập để làm gì? Có rất nhiều hướng dẫn từ Kinh Thánh. Chúng ta chỉ rút ra một ít giáo huấn từ Tân Ước.
 
a.      Cộng đoàn do Chúa Kitô qui tụ là cộng đoàn vì sứ mạng

        + Nhóm 12: Mc3,13-19. Đức Giêsu gọi các ông đến để các ông ở với Người và được Người sai đi loan báo Tin Mừng (LBTM). Đức Giêsu đến trần gian này để thi hành sứ mạng Chúa Cha trao cho Người. Người kêu gọi những môn đệ đầu tiên với mục đích tạo lập một cộng đoàn gồm những người chia sẻ cuộc sống và sứ mạng của Người. Hai khía cạnh ở với Đức Giêsu và được Đức Giêsu sai đi làm nên căn tính của cộng đoàn.
        + Nhóm 72: Lc10,1-12. Đức Giêsu chỉ định nhóm này như một nhóm mở rộng do nhu cầu tông đồ và sai đi LBTM kèm theo những huấn dụ cụ thể dành cho người truyền giáo.
        + Nhóm môn đệ sau PS: Ga20,19-23. Chúa Phục Sinh ban Thánh Thần sai họ đi làm chính việc Người đã nhận từ Chúa Cha. Các môn đệ Chúa Giêsu tiếp nối sứ mạng của Người.

Cả 4 sách Tin Mừng đều cho thấy cộng đoàn môn đệ Chúa Giêsu không phải là cộng đoàn qui về mình nhưng là cộng đoàn mở ra, hướng đến tha nhân; đó là cộng đoàn vì sứ mạng LBTM.
 
b.      Cộng đoàn tín hữu sơ khai là cộng đoàn vì sứ mạng

 -          Cv2,1-41: Các tông đồ lãnh nhận Thánh Thần để công bố những kỳ công của Thiên Chúa cho các dân tộc khác nhau. Họ nghe được lời công bố bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình và sám hối, chịu phép rửa và làm thành cộng đoàn mới, cộng đoàn của những người tin vào Đức Giêsu tử nạn và phục sinh. Như vậy, ngay từ trung tâm Giêrusalem, cộng đoàn môn đệ Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mạng công bố ơn cứu độ cho khắp thế giới.
 -          Cv4,32-34: Cộng đoàn ấy đông đảo mà vẫn một lòng một ý, không ai phải thiếu thốn. Chính hiện hữu của cộng đoàn trở nên chứng từ của quyền năng Thiên Chúa và vì thế sứ mạng LBTM được thực hiện, vì  loan báo về một thực tại mới đem người ta đến hạnh phúc đích thực. Sức sống của cộng đoàn bùng nổ. Do đó, số tín hữu gia tăng nhanh chóng.
 -          Cv6.1-7: Các chức vụ trong cộng đoàn được thiết lập cũng vì sứ mạng. Các phó tế được tuyển chọn trong khung cảnh của cộng đoàn Hội Thánh với nhiều thành phần mới. Việc này đem lại kết quả là cộng đoàn thêm đông, lan đi khắp nơi, mở ra với dân ngoại.
 
B/.     Huấn quyền

Cộng đoàn Hội Thánh ngày nay vẫn luôn là cộng đoàn vì sứ vụ. Tất cả mọi hoạt động, tổ chức trong Hội Thánh đều nhắm đến thi hành sứ vụ Chúa đã trao. Chúng ta để ý đến vài văn kiện.
 
a.      Giáo luật nói về sứ mạng của Hội Thánh và các cộng đoàn

              Sau khi nói về nhiệm vụ của mọi kitô hữu trong việc thi hành sứ mạng Chúa ủy thác cho Hội Thánh (204,1; 216), Giáo luật nói về các tu sĩ như sau: Các Kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm sẽ tham dự vào sứ mạng cứu rỗi của Giáo Hội cách đặc biệt theo mục tiêu và tinh thần của tu hội (207,2; 574,2).
            Việc các tu sĩ phải làm chứng công khai cho Đức Kitô và cho Giáo Hội bao hàm sự xa cách thế gian là điều hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi tu hội (607,3).
            Trong mỗi tu hội, sau khi tuyên khấn lần đầu, tất cả mọi thành viên phải được tiếp tục đào tạo, để tiếp tục sống nếp sống riêng của tu hội cách trọn vẹn hơn và thực hiện sứ mạng của tu hội cách phù hợp hơn (659,1).
Từ đó, qui định chương trình và thời gian đào tạo, xét theo nhu cầu của Giáo Hội, hoàn cảnh của con người và thời cuộc, cũng như mục đích và đặc tính của tu hội đòi hỏi.
 
b.      Công đồng Vatican II

Có rất nhiều văn kiện của công đồng Vatican II liên quan đến đời sống cộng đoàn tu sĩ và sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Chỉ xin nêu ở đây vài trích dẫn với mong ước được thấy rõ hơn điều chúng ta phải làm, đặc biệt là việc canh tân thích nghi để thi hành sứ mạng:

“Việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu một trật bao gồm sự liên tục trở về với nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của hội dòng cũng như sự thích nghi hội dòng với những hoàn cảnh thay đổi qua các thời đại” (PC số 2).

Việc canh tân thích nghi này theo một số nguyên tắc:
       + Tiêu chuẩn tối hậu: bước theo Chúa Kitô như Tin Mừng dạy;
       + Noi giữ tình thần và ý hướng của Đấng sáng lập;
       + Tham dự vào đời sống Giáo Hội theo tính cách riêng của mình;
      + tìm hiểu đầy đủ về hiện trạng con người, thời thế và các nhu cầu của Giáo Hội để có thể nâng đỡ con người cách hữu hiệu hơn qua nhận định và nhiệt tâm truyền giáo;
      + Điều then chốt là canh tân về tu đức: theo Chúa Kitô và kết hợp với Thiên Chúa qua các lời khuyên Phúc Âm. Cần ý thức rằng “hoạt động tông đồ của các tu sĩ phải được phát sinh từ cuộc sống kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nhờ đó, chính đức mến Chúa yêu người được triển nở” (PC, số 7).
 
c.       Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium – 8/12/2013)

              Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô khởi đầu tông huấn của ngài bằng điều kiện phải có của người LBTM đó là kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Kitô (số 1). Nếu cộng đoàn thực sự là cộng đoàn sống niềm vui gặp gỡ thì chúng ta mới có thể là cộng đoàn loan báo Tin Mừng. ĐTC kêu gọi canh tân việc gặp gỡ cá nhân của ta với Chúa mỗi ngày (số 3), nghĩa là liên lỉ làm mới lại kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Kitô là Tin Mừng vĩnh cửu. Nhờ sự gặp gỡ mới mẻ này với tình yêu Thiên Chúa, mỗi người chúng ta sẽ được gỡ ra khỏi sự cô độc và tự kỷ, sẽ lên đường đến với anh chị em vì không thể kềm giữ được lòng khao khát muốn chia sẻ (số 8) và cảm thấy như thánh Phaolô: “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr9,16). Từ đó, ngài cho thấy như thánh Giáo hoàng GP II trong thông điệp Redemptoris Missio (RM) rằng đối với cộng đoàn Hội Thánh, “lý do truyền giáo phải đứng hàng đầu” (số 15, trích RM số 86).

                ĐTC đề nghị chúng ta hãy làm  một cuộc chuyển đổi sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội (số 19-49). Bao nhiêu lâu, chúng ta cứ ở bên trong một thành trì an toàn để bảo vệ cơ cấu, để lo cho sự yên ổn của mình, trong khi anh em thì ở bên ngoài đang chịu đói khát và Chúa bảo: “Chính các con phải cho họ ăn” (Mc 6,37). Cuộc lên đường của cộng đoàn là cuộc ra đi theo mệnh lệnh của Đức Giêsu để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (Mt28,19-20a).

               Để lên đường, Giáo Hội luôn cần sự liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Đó là sự mật thiết truyền giáo và cộng đòan tỏ hiện một cách cở bản là một cộng đoàn truyền giáo. Từ đó cộng đoàn bước ra ngòai để rao giảng Tin Mừng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh, không do dự, không âu lo, không sợ sệt (số 23). ĐTC dùng từ “bung ra” để diễn tả chọn lựa truyền giáo của cộng đoàn có khả năng chuyển đổi mọi sự, sao cho những thói quen, phong cách, thời biểu, ngôn ngữ và cơ chế được thích ứng để Phúc Âm hóa thế giới hơn là tự bảo tồn mình. Ngài nhấn mạnh sự chuyển đổi theo nghĩa: lo lắng để  các cơ cấu mang tính chất truyền giáo hơn, để mục vụ bình thường trong mọi hoàn cảnh được mở rộng đến hết mọi người.

                ĐTC mời gọi “từng người phải gan dạ và sáng tạo trong trách nhiệm suy nghĩ lại các đối tượng, các cơ cấu, phong cách và phương thức truyền giáo của cộng đoàn mình” (số 33). Và “điều quan trọng là không đi một mình, nhưng luôn luôn với các bạn và đặc biệt dưới sự hướng dẫn của các vị Giám mục, theo một mục vụ khôn ngoan và thực tiễn” (số 33). Để không bị lạc hướng, phải xuất phát từ trung tâm của Tin Mừng (số 34) và “đến với tất cả mọi người, không loại trừ ai, việc rao giảng tập trung vào điều cơ bản, điều đẹp nhất, vĩ đại nhất, lôi kéo nhất và đồng thời cần thiết nhất. Lời nói phải đơn sơ, nhưng không đánh mất chiều sâu và chân lý, thật sự có tính thuyết phục và rõ ràng” (số 35). Đồng thời, vì ta đang sống trong một thế giới với mọi đổi thay về văn hóa nên cần nhớ “cách diễn tả chân lý có thể có nhiều hình thức, và việc canh tân các diễn tả cũng cần thiết để truyền đạt cho người ngay nay sứ điệp Tin Mừng trong một ý nghĩa bất biến” (số 41, trích thông điệp Utt unum sint của ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 25.5.1995, số 19).
 
C/.     Đặc sủng và linh đạo

            Mỗi cộng đoàn khi được thành lập đều có một sứ mạng Chúa trao cho vị sáng lập và các thành viên, tùy theo nhu cầu của thời điểm lịch sử cụ thể. Với sứ mạng này, mỗi dòng đều nỗ lực thực hiện ngang qua nhiều tác vụ khác nhau. Xin nêu ở đây sứ mạng của vài hội dòng.
              Dòng Biển Đức (OSB): Khẩu hiệu Ora et Labora nói lên cuộc sống của các  đan sĩ là cầu nguyện và làm việc.
Dòng Phanxicô (OFM): Đi khắp nơi để loan báo Đức Kitô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, đồng thời mang đến hòa giải và bình an cho mọi Người, theo tinh thần của thánh Phanxicô Assisi (1181-1226).
             Dòng Đa Minh (OP): Để phục vụ cho đức tin tinh tuyền, các tu sĩ Đa Minh được kêu gọi đi rao giảng về Chúa Kitô theo khẩu hiệu “nói với Chúa và nói về Chúa”: bắt nguồn từ cầu nguyện và rao giảng cho mọi người.
              Dòng Tên (SJ): Với mục đích làm mọi sự cho vinh danh Chúa hơn, các tu sĩ dấn thân phục vụ đức tin nối kết với thăng tiến công bình của Nước Thiên Chúa trong đối thoại với các nền văn hoá và các tôn giáo khác, nhằm thiết lập những nhịp cầu hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với môi trường thiên nhiên.
              Dòng Chúa Cứu Thế (CSsR): dấn thân để truyền bá đức tin cho những người thuộc tầng lớp nghèo khổ. Hoạt động: rao giảng TM, truyền giáo, cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ (HCG), nghiên cứu thần học luân lý.
            Dòng Salesien Don Bosco (SDB): rao giảng Tin Mừng cho các thanh thiếu niên, cách riêng là trẻ em nghèo, LBTM cho người chưa biết Chúa, giáo dục đức tin trong các môi trường bình dân, đặc biệt với việc truyền thông xã hội.
              Dòng Mến Thánh Giá (MTG): Với linh đạo Mến thánh giá, tập trung vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của mình, người nữ tu sống sứ mạng chuyển cầu và dấn thân phục vụ trong cuộc sống cụ thể về các mặt văn hóa, xã hội, y tế, luân lý, đức tin với ưu tiên cho nữ giới.
            Dòng Phaolô thành Chartres (SPC): Sứ mạng của dòng: giáo dục, chăm sóc y tế và công tác mục vụ, đặc biệt luôn sẵn sàng đi đến các miền truyền giáo để phục vụ. Các nữ tu mong muốn như thánh Phaolô là trở nên mọi sự cho mọi người (1Cr 9,22).
             Dòng Đức Bà Truyền Giáo (RNDM): Đặt mình trong Sứ mạng của Chúa Ba Ngôi, người nữ tu muốn là những nhà truyền giáo với một trái tim dành cho cả thế giới, đặc biệt cho những phụ nữ và giới trẻ bị gạt ra bên lề xã hội, mong muốn xây dựng một tương lai tươi sáng hơn trong hòa bình, công bình và hội nhất cho mọi người. 
             Các tu hội đời: Tu hội đời là một hội dòng tận hiến, trong đó các tín hữu sống giữa đời nhắm tới sự trọn lành của đức ái và dấn thân mưu cầu sự thánh hóa đời ngay từ ở giữa đời (GL710). Sứ mạng của họ: Các phần tử của các tu hội diễn tả và thực hành sự tận hiến qua hoạt động tông đồ, và tựa như men bột, họ hãy cố gắng thấm nhiễm hết mọi sự với tinh thần Phúc Âm, ngõ hầu củng cố và tăng triển nhiệm thể Ðức Kitô (GL713).
 
Vài suy nghĩ:

          1/ Nhìn vào lịch sử đời tu, ta có thể đồng ý với Catherine M. Harmer rằng: “Mỗi khi một nhóm tu sĩ trở về với đặc sủng của Đấng Sáng Lập, hoặc là nhân dịp một cuộc cải cách nền tảng hoặc vào một dịp họp Tổng Hội, thì mỗi lần đó họ có thể khám phá lại sứ vụ của mình.” (Đời tu trong thế kỷ XXI – Hành trình về Canaan hôm nay. Bản dịch của Lm Giuse Đỗ Ngọc Bảo, NXB Phương Đông, 2014, tr. 41). Cần canh tân đời sống liên tục trong sự trung thành với đặc sủng để thi hành sứ mạng Chúa trao trong hoàn cảnh mới.

         2/ Có sự khác biệt giữa sứ mạng và các tác vụ mà cộng đoàn thi hành. Có thể nói sứ mạng là lý do để hội dòng được khai sinh, phát triển và duy trì. Sứ mạng ấy khởi hứng từ chính sứ mạng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng và thường ít thay đổi qua các thế hệ. Mỗi hội dòng theo một linh đạo riêng, phản ánh một nét đặc thù của sứ mạng Chúa Kitô nơi trần gian. Các tác vụ xác định làm thế nào để thực hiện sứ mạng của hội dòng trong những thời điểm và môi trường cụ thể,…và như vậy các tác vụ thay đổi nhiều theo thời gian (Harmer, Sđd, tr.41-58).

 
(còn tiếp)

Tác giả: thtscgs

Nguồn tin: Đề tài thuyết trình trong ĐH của LHCBTTCVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đức cố Giám mục Phaolô
Đức Cha Nguyễn Văn Hòa
Ông Nội khả kính:
- Đón nhận
- Khích lệ
- Thiết lập Tu Hội TSCG thành Hiệp Hội Công tiến tới Tu Hội Đời ngày 30.11.1994.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây